Tình huống này có thể quen thuộc với bạn: Bạn quyết định rằng hôm nay sẽ là ngày bạn thay đổi cuộc đời. Bạn sẽ bắt đầu tập thể dục, giảm bớt thức ăn chế biến sẵn, ngừng sử dụng mạng xã hội, cắt đứt mối quan hệ rắc rối với người yêu cũ. Bạn xác định rằng lần này mình nhất định sẽ thay đổi. Sau đó – có thể vài giờ, vài ngày hay thậm chí vài tuần – sự kháng cự tinh thần xuất hiện. Bạn bắt đầu cảm thấy không thể cưỡng lại nước ngọt. Bạn không thể tập trung năng lượng để đến phòng tập, và bạn cảm thấy thôi thúc muốn gửi cho người yêu cũ một tin nhắn ngắn để kiểm tra xem sao. Trí óc bắt đầu gào thét những câu chuyện đầy sức thuyết phục để níu kéo bạn quay lại đời sống quen thuộc với những lời biện hộ kiểu như: “Mình xứng đáng được nghỉ ngơi chút xíu”. Cơ thể cũng nhập cuộc cùng trí óc với những cảm giác kiệt sức và nặng nề. Thông điệp áp đảo lại hóa thành: “Mình không thể làm được điều này”.
Trong hơn một thập niên làm nhà nghiên cứu và chuyên gia tâm lý học lâm sàng, “mắc kẹt” là từ mà các thân chủ của tôi thường hay sử dụng nhất để mô tả cảm giác của họ. Tất cả thân chủ đến trị liệu đều vì muốn thay đổi. Một số hướng mong muốn ấy vào bên trong – họ muốn thay đổi thói quen, học các hành vi mới, tìm cách ngừng chán ghét bản thân. Những người khác lại hướng ra bên ngoài – đến những mối quan hệ của họ với người khác, chẳng hạn như thay đổi một vấn đề khó giải quyết với cha mẹ, bạn đời hay đồng nghiệp. Nhiều người muốn (và cần) thay đổi ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Tôi đã điều trị cho những người giàu có và cả những người thất nghiệp; những người siêu năng động, đầy năng lượng và cả những người tồn tại bên lề xã hội. Nhưng dù xuất thân thế nào thì mọi thân chủ đều cảm thấy bị mắc kẹt – trong những thói quen xấu, những hành vi gây hại, những khuôn mẫu dự đoán được và có vấn đề – và điều đó khiến họ cảm thấy cô đơn, tách biệt và tuyệt vọng. Hầu hết đều ám ảnh về việc những người thân yêu, bạn bè, người quen và thậm chí cả người xa lạ sẽ đánh giá họ như thế nào. Hầu hết đều có chung niềm tin ăn sâu rằng sự đánh giá đó phản ánh bằng chứng về sự hủy hoại khó lường bên trong, hay “sự không xứng đáng” – một cách mô tả được nhiều người sử dụng.
Thông thường, những thân chủ nào có khả năng tự nhận thức nhiều hơn một chút sẽ xác định được các hành vi gây hại của họ và thậm chí hình dung ra một lộ trình thay đổi rõ ràng. Nhưng rất ít người ngay từ bước đầu tiên đã có thể chuyển từ biết thành làm. Những người có thể nhìn thấy lối thoát đã bày tỏ cảm giác xấu hổ vì đã chịu thua bản năng để phải quay lại những khuôn mẫu hành vi không mong muốn. Họ xấu hổ vì họ đã biết rõ hơn nhưng vẫn không thể làm tốt hơn, đó là lý do tại sao họ tìm đến phòng trị liệu của tôi.
Thật không may, sự hỗ trợ của tôi cũng thường bị hạn chế. Năm mươi phút trị liệu mỗi tuần dường như không đủ để tạo ra một thay đổi có ý nghĩa cho đa số thân chủ. Một số trở nên thất vọng vì cuộc vui không thành này đến mức không buồn đi tìm một liệu pháp toàn diện nữa. Và mặc dù nhiều người khác cũng thu được lợi ích từ thời gian đến gặp tôi nhưng họ tiến triển rất chậm. Một buổi trị liệu có vẻ có hiệu quả cao, nhưng rồi tuần sau đó thân chủ của tôi sẽ quay lại với những câu chuyện có thể đoán trước. Nhiều thân chủ thể hiện sự thấu hiểu đáng kinh ngạc về liệu pháp, ráp nối được tất cả các khuôn mẫu đã kìm hãm họ lại với nhau, nhưng rồi sau đó họ cảm thấy không thể cưỡng lại sức hút bản năng về phía những thứ quen thuộc ở đời thực (khi họ không ngồi trong phòng trị liệu của tôi). Họ có thể nhìn nhận lại và thấy các vấn đề, nhưng chưa xây dựng được khả năng áp dụng sự thấu hiểu đó vào cuộc sống hiện tại. Tôi đã chứng kiến những khuôn mẫu tương tự xảy ra với những người từng có những trải nghiệm chuyển hóa – những người tham dự các khóa tu thiền chuyên sâu hoặc các nghi thức sử dụng ayahuasca(*) để chuyển hóa tâm trí – nhưng rồi, theo thời gian, họ lại sa đà vào những hành vi không mong muốn trước kia, thứ đã khiến họ phải tìm kiếm câu trả lời ngay từ đầu. Việc không thể tiến triển dù đã trải qua một phiên trị liệu khiến nhiều bệnh nhân của tôi rơi vào khủng hoảng: Mình bị gì vậy? Tại sao mình không thể thay đổi?
(*) Một hợp chất thức thần (chất có tác dụng kích hoạt ảo giác) xuất phát từ Nam Mỹ, được cho là có khả năng thay đổi nhận thức, kết nối tâm linh. (ND)
Điều tôi nhận ra là liệu pháp và những trải nghiệm mang tính biến đổi lạ thường (chẳng hạn các nghi thức ayahuasca) có thể đưa chúng ta đi thật xa trên hành trình chữa lành nhưng không tạo ra sự thay đổi. Để thật sự thay đổi, bạn phải dấn thân vào hành trình chữa lành mỗi ngày. Để có một tinh thần khỏe mạnh, bạn phải tích cực tham gia hằng ngày vào hành trình chữa lành của chính mình.
Nhìn đâu tôi cũng chỉ thấy một sự thất vọng như nhau, thậm chí tôi còn thấy nhiều hơn nữa khi trị liệu cho bạn bè mình. Rất nhiều người trong số họ đang dùng thuốc để điều trị chứng mất ngủ, trầm cảm và lo âu. Một số người chưa bao giờ được chẩn đoán chính thức là mắc bất kỳ chứng rối loạn cảm xúc nào, nhưng họ đang chuyển nhiều triệu chứng rối loạn ấy thành những biểu hiện có vẻ chấp nhận được, chẳng hạn như trở nên cực kỳ tích cực, đi du lịch liên tục và dùng mạng xã hội đến mức ám ảnh. Họ đều là những cá nhân xuất sắc, hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn hàng tuần liền, thích chạy marathon, làm được những công việc cực kỳ căng thẳng và vượt trội trong những môi trường căng như nồi áp suất. Theo nhiều nghĩa, tôi cũng là một trong số đó.
Tôi đã tận mắt chứng kiến những giới hạn của mô hình chăm sóc sức khỏe tâm thần truyền thống. Ở độ tuổi hai mươi, tôi đã bắt đầu trị liệu khi phải chịu những cơn hoảng loạn gần như liên tục trong lúc chăm sóc cho người mẹ thường xuyên ốm đau của mình. Thuốc chống lo âu đã giúp tôi vượt qua tình trạng đó, nhưng tôi vẫn cảm thấy bơ phờ, tách biệt, mệt mỏi – như thể tôi già hơn tuổi của mình. Tôi là nhà tâm lý học, một người được cho là có khả năng giúp người khác hiểu được những động lực bên trong của họ, nhưng tôi cứ tiếp tục là một người xa lạ với ngay cả bản thân tôi và không thể giúp được gì cho chính mình.
CON ĐƯỜNG CỦA TÔI
Tôi sinh ra trong một gia đình trung lưu điển hình ở thành phố Philadelphia, Mỹ. Cha tôi có một công việc ổn định làm giờ hành chính, còn mẹ tôi thì ở nhà nội trợ. Mỗi ngày, chúng tôi ăn sáng lúc 7 giờ và ăn tối lúc 5 giờ rưỡi chiều. Phương châm của gia đình tôi là “Gia đình là tất cả”, và theo tất cả những đánh giá từ bên ngoài thì phương châm đó nghe có vẻ rất đúng. Chúng tôi là bức tranh về trạng thái bình thường và hạnh phúc của tầng lớp trung lưu – một hình ảnh đậm chất Mỹ làm lu mờ thực tế.
Thật ra, chúng tôi là một gia đình bệnh tật. Chị tôi gặp những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng từ khi còn nhỏ, còn mẹ tôi phải vật lộn với những cơn đau tưởng tượng khiến bà nằm liệt giường trong nhiều ngày. Mặc dù gia đình tôi chưa bao giờ công khai nói về căn bệnh của mẹ, nhưng tôi vẫn nhận ra. Tôi biết mẹ đã rất đau đớn. Tôi biết mẹ bị bệnh. Tôi biết mẹ thường vắng mặt ở nhà vì bà bị đau. Tôi biết mẹ đã bị phân tâm và thường xuyên lo âu. Giữa tất cả những căng thẳng ấy, tôi có thể bị lãng quên một cách dễ hiểu.
Tôi là đứa con thứ ba và cũng là con út trong gia đình – một “tai nạn đáng mừng”, cha mẹ tôi nói vậy mặc dù tôi biết là không phải. Anh chị tôi lớn hơn tôi khá nhiều (anh tôi đã đủ tuổi bầu cử vào thời điểm tôi sinh ra), và họ không có những trải nghiệm giống như tôi. Bạn biết đấy, ngay cả khi sống dưới cùng một mái nhà, anh chị em trong nhà cũng không bao giờ có cùng một tuổi thơ. Cha mẹ tôi nói đùa rằng tôi là “Chúa hài đồng” của họ. Tôi ngủ ngon, hầu như không gây ra vấn đề gì, và ít nhiều biết giữ mồm giữ miệng. Tôi là một đứa trẻ năng động, tràn đầy năng lượng thể chất và cảm xúc. Tôi hiếu động, không tập trung và không thích ở yên một chỗ. Tôi đã học được từ rất sớm rằng để khiến mọi người yêu quý mình, tôi cần phải giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ bằng cách trở nên hoàn hảo nhất có thể.
Mẹ tôi không biểu lộ cảm xúc. Chúng tôi rất ít khi ôm ấp. Hồi tôi còn nhỏ, mẹ cũng chưa bao giờ nói yêu tôi. Thật ra, tôi nhớ lần đầu tiên mình được nghe những lời yêu thương từ mẹ là khi bà sắp phẫu thuật tim, lúc đó tôi khoảng hai mươi tuổi. Sau này tôi mới biết rằng ông bà ngoại tôi cũng đã từng lạnh nhạt và xa cách với mẹ tôi như thế. Mẹ tôi, một đứa con bị tổn thương, chưa bao giờ nhận được tình yêu mà bà vô cùng khao khát. Kết quả là bà cũng không thể bày tỏ tình yêu với các con của mình, những đứa con mà bà hết lòng yêu thương.
Gia đình tôi sống trong một tình cảnh nói chung là né tránh cảm xúc, phớt lờ bất cứ điều gì khó chịu. Trước cả khi chính thức bước vào tuổi thiếu niên thì tôi đã bắt đầu nổi loạn, tiệc tùng liên miên, loạng choạng về nhà với đôi mắt đỏ ngầu và những câu lè nhè, thế mà cũng chẳng ai phàn nàn với tôi một lời nào – cho đến khi những cảm xúc kìm nén của mẹ tôi sôi lên sùng sục, áp đảo và bùng nổ. Điều đó xảy ra trong một lần mẹ đọc được nhật ký của tôi và phát hiện bằng chứng về việc tôi say xỉn, bà trở nên cuồng loạn – ném đồ đạc, khóc lóc và hét lên: “Con sắp giết mẹ rồi! Mẹ sẽ lên cơn đau tim và chết ngay bây giờ đây!”.
Từ khi bắt đầu nhớ được, tôi đã thường cảm thấy mình khác mọi người, do đó tôi quan tâm đến những gì khiến mọi người cư xử theo cách họ thường làm. Không lâu sau, tôi nhận ra mình muốn trở thành một nhà tâm lý học. Tôi không chỉ muốn giúp đỡ mọi người mà còn muốn hiểu họ. Tôi muốn viện dẫn một nghiên cứu và có thể nói: “Thấy chưa! Đây là lý do tại sao bạn lại là chính mình!”. Mối quan tâm đó đã đưa tôi đến Đại học Cornell, nơi tôi học về tâm lý học, rồi sau đó theo học chương trình Tiến sĩ về tâm lý học lâm sàng tại Trường học mới về Nghiên cứu Xã hội (New School for Social Research) ở New York. Vì chương trình học theo “mô hình bác sĩ khoa học” nên tôi được yêu cầu vừa nghiên cứu vừa tiến hành trị liệu. Tôi giống như một miếng bọt biển, háo hức hút hết mọi thông tin tìm được về các phương pháp trị liệu khác nhau, vì tôi biết mình muốn giúp người khác thật sự được chữa lành.
Ở đó, tôi đã học liệu pháp nhận thức hành vi (CBT), một phương pháp trị liệu chuẩn hóa thường sử dụng và hướng đến mục tiêu cụ thể. Trong các buổi trị liệu CBT, bệnh nhân thường tập trung vào một vấn đề – có thể là nghiện rượu, lo lắng khi ở chỗ đông người, hoặc những rắc rối trong hôn nhân. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh nhân xác định các khuôn mẫu tư duy có vấn đề nằm bên dưới hành vi của họ – quá trình có thể giúp một số người giải tỏa những cảm giác khó hiểu thường trực.
Mô hình CBT dựa trên tiền đề rằng suy nghĩ của chúng ta tác động lên cảm xúc và cuối cùng là hành vi của chúng ta. Khi thay đổi mối quan hệ với suy nghĩ của mình, chúng ta sẽ thay đổi được dòng thác cảm xúc tràn ngập cơ thể và thuyết phục bản thân hành động theo những cách nhất định, đó là nền móng cho hành trình chữa lành trong cuốn sách này. CBT thường được coi là “tiêu chuẩn vàng” trong liệu pháp tâm lý nhờ cấu trúc và khuôn khổ của liệu pháp có khả năng tái tạo hoặc lặp lại cao, giúp nó trở nên rất tuyệt vời khi nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Dù quá trình nghiên cứu liệu pháp này đã dạy cho tôi một bài học quý giá về sức mạnh của tư duy, nhưng có thể hơi cứng nhắc khi áp dụng nó vào thế giới thật. Và sau cùng, trong quá trình tôi làm việc với bệnh nhân, đôi khi nó gây ra cảm giác ràng buộc.
Trong thời gian nghiên cứu sau đại học, tôi đặc biệt quan tâm đến liệu pháp liên cá nhân (interpersonal therapy), một mô hình trị liệu cởi mở hơn nhiều, sử dụng mối quan hệ giữa thân chủ và nhà trị liệu làm chất xúc tác để cải thiện các mối quan hệ khác trong cuộc sống của thân chủ. Hầu hết chúng ta đều có các khuôn mẫu hành vi trong những mối quan hệ có vấn đề – dù là với gia đình, đối tác, bạn bè hay đồng nghiệp – vì vậy, việc tham gia vào một mối quan hệ có những hành vi mới mẻ, lành mạnh hơn với một nhà trị liệu có thể giúp chữa lành một cách sâu sắc. Cách chúng ta thể hiện trong các mối quan hệ thật sự là biểu tượng cho tình trạng sức khỏe chung của chúng ta. Tôi hoàn toàn đồng ý rằng cách chúng ta thể hiện trong các mối quan hệ chính là cách chúng ta thể hiện trong cuộc sống, một chủ đề mà chúng ta sẽ khám phá trong suốt cuốn sách này. Trong khuôn khổ Tâm lý học Toàn diện, chúng tôi cũng kết hợp với quan điểm rằng các mối quan hệ của chúng ta được mô hình hóa dựa trên những ràng buộc đầu đời của chúng ta với người chăm sóc. Việc mô hình hóa hành vi đó được gọi là quy định hay điều kiện hóa, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm trong Chương 2.
Trong quá trình học tập, tôi cũng đã nghiên cứu các phương pháp tiếp cận tâm động học (psychodynamics), các lý thuyết về trí óc cho rằng con người được điều khiển bởi các lực bên trong họ. Tôi đã nghiên cứu những cách tiếp cận này ở cả Viện & Hội Phân tâm học New York và Trường Phân tâm học Philadelphia. Ở đó, tôi đã tìm hiểu về sự tác động của tiềm thức, phần ăn sâu vào tâm hồn của chúng ta, nơi chứa đựng những ký ức và là nguồn cơn cho những thôi thúc, bản năng hay động lực tự động của chúng ta. Khi bắt đầu thực hành trị liệu, tôi mới thấu hiểu hoàn toàn vai trò của tiềm thức. Tôi liên tục nhận thấy rằng tất cả thân chủ của tôi đều biết họ cần thay đổi ở những khía cạnh nào trong cuộc sống – gặp rắc rối với chất kích thích, quay cuồng trong các mối quan hệ lãng mạn, lặp lại cách cư xử như trẻ con trong các mối quan hệ gia đình – nhưng rồi lần nào họ cũng quay lại để trị liệu với một câu chuyện phản ánh cùng một chu kỳ tiềm thức lặp đi lặp lại. Tôi cũng nhận thấy điều này trong chính bản thân mình. Nhận thức đó là công cụ để hình thành và phát triển triết lý Tâm lý học Toàn diện.
Trong khi học hỏi những phương thức mới này, tôi bắt đầu nghiên cứu và làm việc trong lĩnh vực sử dụng chất gây nghiện. Tôi điều hành các nhóm điều trị cai nghiện ngoại trú và nội trú, đồng thời hỗ trợ cho một chương trình giúp những người có vấn đề về lạm dụng chất kích thích phát triển các kỹ năng liên cá nhân có ích cho quá trình phục hồi của họ. Điều này đã giúp tôi có được góc nhìn về trải nghiệm sống thực tế của những người đang đấu tranh với chứng nghiện ngập. Cuối cùng, những trải nghiệm này đã đưa tôi đến kết luận rằng sự nghiện ngập không chỉ giới hạn trong những hóa chất và trải nghiệm gây nghiện cụ thể như rượu, ma túy, cờ bạc và tình dục, mà các chu kỳ cảm xúc của con người cũng có thể gây nghiện. Chứng nghiện cảm xúc đặc biệt tác oai tác quái khi chúng ta có thói quen tìm kiếm hoặc lảng tránh những trạng thái cảm xúc nhất định như một cách để đối phó với sang chấn. Quá trình nghiên cứu về chứng nghiện đã cho tôi thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa cơ thể và trí óc của chúng ta, cũng như vai trò trung tâm của hệ thần kinh đối với sức khỏe tâm thần, một chủ đề mà chúng ta sẽ thảo luận chi tiết ở phần sau của cuốn sách này.
Trong quá trình nghiên cứu sau tiến sĩ của mình, có nhiều lần tôi đã cố gắng kết hợp các yếu tố bên ngoài vào hoạt động điều trị tâm lý. Tôi cảm thấy rằng chánh niệm đã cho chúng ta những cơ hội to lớn để phản tư và nhận thức về bản thân. Sau khi thực hiện và xuất bản nghiên cứu của chính mình về chủ đề này1, tôi đã cố gắng thuyết phục giáo sư hướng dẫn cho phép tôi nghiên cứu về việc luyện tập thiền định và tác dụng của nó đối với các hành vi nghiện ngập cho luận án. Nhưng đề tài đó đã bị từ chối. Giáo sư không tin rằng chánh niệm có giá trị trị liệu; ông xem nó như một thứ mốt nhất thời, không phải là thứ đáng để nghiên cứu.
Bây giờ nhìn lại, tôi có thể thấy rằng một con đường đã mở ra trước mắt tôi. Sự dẫn dắt bên trong đã chỉ cho tôi tất cả những gì tôi cần để tạo ra một mô hình chữa lành toàn diện. Tôi đã mở một phòng trị liệu của riêng mình, nơi tôi kết hợp nhiều khía cạnh của tất cả các phương thức mà tôi nghiên cứu. Mặc dù đã đưa ra được một phương pháp trị liệu tích hợp, nhưng sau vài năm, tôi bắt đầu cảm thấy thất vọng. Các thân chủ của tôi đã đạt được một nhận thức nhất định, nhưng thay đổi diễn ra rất chậm. Tôi có thể cảm thấy họ dần mất tự tin. Và đồng thời, tôi cảm thấy sự tự tin của mình cũng suy giảm.
Tôi nhìn quanh – lần đầu tiên nhìn thật sự. Không quá lời khi nói rằng mọi thân chủ từng đến gặp tôi để điều trị tâm lý đều có những triệu chứng về thể chất ẩn sâu bên dưới. Một thời gian dài sau khi rời trường học, tôi mới bắt đầu đặt ra những câu hỏi mới: Tại sao quá nhiều thân chủ của tôi gặp phải các vấn đề về đường tiêu hóa, từ hội chứng ruột kích thích đến táo bón? Tại sao tỷ lệ mắc các bệnh tự miễn(*) lại cao đến vậy? Và tại sao hầu hết mọi người luôn cảm thấy hoảng sợ và không an toàn?
(*) Bệnh tự miễn là tình trạng hệ thống miễn dịch bị rối loạn hoạt động nên quay sang tấn công chính các tế bào lành của cơ thể. (BTV)
Tôi có thể nói một cách chắc chắn rằng tôi hẳn đã không tìm ra con đường của mình nếu không tham gia chương trình đào tạo tâm lý chính thống ở trường. Tôi đã mang rất nhiều điều học được trong môi trường học thuật vào hành trình tạo nên Tâm lý học Toàn diện. Nhưng càng tự mình đào sâu khám phá về mối liên hệ giữa trí óc – cơ thể – linh hồn, tôi càng thấy rõ những hạn chế trong quá trình đào tạo theo lối truyền thống.
KẾT NỐI TRÍ ÓC – CƠ THỂ – LINH HỒN
Hãy nhắm mắt lại. Hình dung ra một quả chanh. Ngắm nhìn thấy lớp vỏ vàng bóng của nó. Cầm nó trong tay bạn. Cảm nhận những đường gợn của nó. Đưa nó lên mũi bạn, tưởng tượng mùi hương thanh khiết xộc vào mũi. Bây giờ hãy tưởng tượng bạn đang cắt một miếng chanh. Quan sát nước chanh chảy ra khi bạn cắt qua lớp thịt quả. Ngắm những vết lõm nhỏ hình bầu dục ở giữa quả chanh. Bây giờ đưa miếng chanh vào miệng. Môi của bạn có thể nhói lên khi chạm miếng chanh. Vị chua, the the, tươi mát. Miệng bạn có nhăn nhúm lại hay tứa đầy nước bọt không? Chỉ nghĩ đến một quả chanh cũng đủ để kích thích phản ứng của các giác quan. Bạn vừa trải nghiệm sự kết nối trí óc – cơ thể mà không cần đặt cuốn sách này xuống.
Bài tập hình dung này là một cách đơn giản mà hiệu quả để thể hiện sự thống nhất giữa tâm trí và cơ thể. Thật không may, y học phương Tây bị hạn chế bởi niềm tin rằng trí óc và cơ thể là những thực thể tách biệt – các bác sĩ lâm sàng điều trị riêng rẽ cho trí óc (tâm lý học hoặc tâm thần học) hoặc cơ thể (tất cả các ngành khác của y học) nhưng hiếm khi kết hợp điều trị cho cả hai cùng một lúc. Sự phân biệt độc đoán giữa trí óc và cơ thể khiến cho thuốc không còn tiềm năng chữa bệnh và đôi khi còn khiến chúng ta trở nên ốm yếu hơn trong quá trình này. Mặt khác, các nền văn hóa bản địa và phương Đông đã hiểu đầy đủ và tôn vinh sự kết nối giữa trí óc, cơ thể và linh hồn2 – ý thức về một cái gì đó cao hơn bản thân chúng ta3 – suốt hàng ngàn năm. Từ lâu, họ đã sử dụng nghi lễ và nghi thức thâm nhập vào Bản ngã nhằm kết nối với tổ tiên để được hướng dẫn và làm sáng tỏ, và hoạt động dưới một sự “hiểu biết” nội tâm rằng toàn bộ con người được tạo nên từ các bộ phận kết nối với nhau.
Nhưng y học phương Tây chính thống vốn coi sự kết nối này là “phản khoa học”. Vào thế kỷ 17, nhà triết học người Pháp René Descartes đã đề ra khái niệm “thuyết nhị nguyên trí óc – cơ thể”4, 5, một sự tách rời theo nghĩa đen giữa trí óc và cơ thể. Sự phân chia này tồn tại suốt 400 năm sau. Chúng ta vẫn cho rằng trí óc tách rời với cơ thể. Nếu bạn bị bệnh về mặt tâm lý, bạn sẽ gặp một bác sĩ chuyên khoa, có một bộ hồ sơ bệnh án và kết thúc ở một bệnh viện chuyên dụng; nếu các triệu chứng của bạn được coi là “thuộc về thân thể”, thì quá trình này sẽ rất khác. Khi công nghệ phát triển vào thế kỷ 19, chúng ta đã biết được nhiều hơn về cấu trúc sinh học của con người và cách mà mọi thứ trong môi trường (virus, vi khuẩn) có thể gây hại cho chúng ta. Y học trở thành một lĩnh vực can thiệp. Khi các triệu chứng xuất hiện, bác sĩ sẽ có mặt để kiểm soát bằng cách loại bỏ chúng (chẳng hạn như phẫu thuật) hoặc điều trị chúng (ví như kê các loại thuốc với những tác dụng phụ đã biết và chưa biết). Thay vì lắng nghe cơ thể – suy cho cùng, các triệu chứng là cách cơ thể giao tiếp với chúng ta – thì ta lại tìm cách làm cho nó im lặng. Trong quá trình kìm nén các triệu chứng, chúng ta thường phải gánh chịu những tác hại mới. Ý tưởng về phương pháp chăm sóc toàn bộ con người đã bị gạt sang một bên để nhường chỗ cho phương pháp kiểm soát triệu chứng, điều đó tạo ra một vòng luẩn quẩn của sự phụ thuộc. Tôi gọi nó là phương pháp Băng cá nhân (Band-Aid), chúng ta tập trung vào việc điều trị các triệu chứng riêng lẻ khi chúng phát sinh nhưng không bao giờ xem xét nguyên nhân cơ bản.
Ngành tâm thần học từng tự gọi mình là “khoa học [hoặc ngành nghiên cứu] về tâm thần hoặc tâm hồn”. Ngày nay, trọng tâm của tâm thần học đã nghiêng về phía sinh học. Bác sĩ có xu hướng hỏi về tiền sử mắc bệnh tâm thần trong gia đình bệnh nhân và kê đơn thuốc chống trầm cảm hơn là hỏi han về những sang chấn thời thơ ấu của họ hay hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng và lối sống. Lĩnh vực này đã hoàn toàn chấp nhận quy ước của Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê về các Rối loạn Tâm thần (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders – DSM-5), do Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ soạn ra, trong đó liệt kê các triệu chứng như một phương tiện để chẩn đoán – thường là một dạng “rối loạn”, có nguồn gốc di truyền hoặc “bẩm sinh”, chứ không phải do môi trường hay quá trình học hỏi. Khi chúng ta nhìn nhận mình qua một lời chẩn đoán, chúng ta sẽ không có động cơ để thay đổi hoặc cố gắng phân tích các nguyên nhân gốc rễ. Chúng ta đồng nhất bản thân với một nhãn dán. Tôi là thế này.
Bước vào thế kỷ 20, chúng ta đã tin vào nguyên nhân di truyền của các chẩn đoán – một lý thuyết được gọi là quyết định luận di truyền (genetic determinism). Theo mô hình này, gene của chúng ta (và sức khỏe về sau) được quyết định từ lúc mới sinh. Chúng ta được “định trước” sẽ thừa hưởng hoặc được miễn một số bệnh tùy theo sự may rủi không nhìn thấy được nằm trong DNA của chúng ta. Quyết định luận di truyền không cân nhắc đến vai trò của hoàn cảnh gia đình, những sang chấn, thói quen hoặc bất cứ điều gì khác trong môi trường. Với động lực này, chúng ta không phải là nhân tố tham gia tích cực vào sức khỏe và sự lành mạnh của chính bản thân mình. Tại sao lại như vậy? Nếu điều gì đó đã được định đoạt từ trước, thì không cần thiết phải xem xét bất kỳ thứ gì ngoài DNA của chúng ta. Nhưng khoa học càng tìm hiểu nhiều hơn về cơ thể người và sự tương tác của cơ thể với môi trường xung quanh (dưới vô số hình thức, từ dinh dưỡng và các mối quan hệ của chúng ta đến các hệ thống áp bức chủng tộc), thì câu chuyện càng trở nên phức tạp. Chúng ta không đơn thuần là những biểu hiện của mã di truyền, mà là sản phẩm của những mạng lưới tương tác đáng chú ý, thuộc về cả bên trong và bên ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Một khi vượt qua khỏi niềm tin di truyền là định mệnh, chúng ta sẽ có thể làm chủ sức khỏe của mình. Điều này giúp chúng ta nhìn thấy mình đã từng “không được lựa chọn” như thế nào và trao cho chúng ta khả năng tạo ra sự thay đổi thực sự và lâu dài.
Tôi đã tận mắt chứng kiến sự “không được lựa chọn” này trong quá trình học tập của mình. Tôi được dạy rằng rối loạn tâm thần là do di truyền, rằng quyết định luận di truyền vốn gắn liền với chẩn đoán và rằng mỗi chúng ta đã được trao cho một số mệnh nằm trong DNA của mình và chúng ta hầu như chẳng thể làm gì về điều đó. Công việc của tôi là lập danh mục các triệu chứng – mất ngủ, tăng cân, sụt cân, tức giận, cáu kỉnh, buồn bã – và đưa ra một chẩn đoán mà sau đó tôi sẽ cố gắng giải quyết bằng liệu pháp trò chuyện. Nếu vẫn chưa đủ, tôi có thể giới thiệu bệnh nhân đến một bác sĩ tâm thần, và họ sẽ được kê đơn thuốc điều trị tâm thần. Đó là những lựa chọn. Không có cuộc thảo luận nào về vai trò của cơ thể đối với bệnh tâm thần, chúng tôi chưa bao giờ được khuyên dùng những từ như “chữa lành” hay “khỏe mạnh”(*).
(*) Nguyên văn: wellness. Trong tiếng Anh, “health” chỉ sức khỏe thể chất trong khi “wellness” chỉ sức khỏe toàn diện. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), wellness là trạng thái hoàn toàn khỏe mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội chứ không chỉ đơn thuần là không có bệnh tật hoặc ốm đau. (BTV)
Ý tưởng khai thác sức mạnh của cơ thể để chữa lành trí óc bị coi là phản khoa học. Hoặc tệ hơn là những lời càn quấy theo kiểu phong trào New Age (Thời đại Mới)(*).
(*) New Age là một hình thức của chủ nghĩa huyền bí phương Tây, bao gồm một loạt niềm tin và thực hành tâm linh hoặc tôn giáo phát triển nhanh chóng ở thế giới phương Tây trong những năm 1970. (BTV)
Khi không tự đặt ra câu hỏi làm thế nào để chúng ta có thể đóng góp vào sức khỏe của chính mình, chúng ta sẽ trở nên bất lực và phụ thuộc. Thông điệp là thế này: Chúng ta hoàn toàn tuân theo ý thích bất chợt của cơ thể, và cách duy nhất để thấy ổn là giao phó sức khỏe của chúng ta vào tay các bác sĩ lâm sàng – những người có thần dược giúp chúng ta khỏe hơn, những người có tất cả các câu trả lời, những người có thể cứu chúng ta. Nhưng thực tế là chúng ta ngày càng ốm yếu hơn. Khi bắt đầu thắc mắc về hiện trạng này, tôi liền nhận ra: Chúng ta thấy bản thân mình không thể thay đổi bởi vì chúng ta không được nghe toàn bộ sự thật về sự tồn tại của con người.
SỨC MẠNH CHUYỂN HÓA
Có một sự thức tỉnh đang diễn ra ngay lúc này. Chúng ta không cần phải chấp nhận câu chuyện “gene bị lỗi” là số phận của mình nữa. Các nghiên cứu khoa học mới cho chúng ta biết rằng các gene mà chúng ta thừa hưởng không cố định; chúng chịu tác động của môi trường, bắt đầu từ trong bụng mẹ và tiếp tục trong suốt cuộc đời chúng ta. Phát hiện đột phá về di truyền biểu sinh sẽ kể một câu chuyện mới về gene của chúng ta.
Tất nhiên, chúng ta được định sẵn một bộ gene. Nhưng cuộc đời giống như một bộ bài, ở mức độ nào đó, chúng ta có thể chọn ván bài mình muốn chơi. Chúng ta có thể đưa ra lựa chọn về việc ngủ nghỉ, dinh dưỡng, các mối quan hệ và cách chúng ta di chuyển cơ thể – tất cả đều làm thay đổi biểu hiện gene(*).
(*) Biểu hiện gene là quá trình chuyển đổi thông tin di truyền chứa trong gene thành sản phẩm trong tế bào sống, từ đó tính trạng tương ứng mà gene đó quy định được tạo thành ở kiểu hình có thể quan sát được. (BTV)
Nhà sinh vật học Bruce Lipton đã truyền bá phúc âm về vai trò của di truyền biểu sinh trong nhiều năm và gọi ảnh hưởng của nó là “ngành sinh học mới”6. Đồng thời, ông cũng là một người phê bình mạnh mẽ quyết định luận di truyền như một sự bóp méo hoàn toàn sự thật về sinh học của chúng ta. Trên thực tế, mọi thứ – từ nước ối bao quanh chúng ta khi còn trong bụng mẹ, những lời chúng ta nghe từ người chăm sóc khi còn nhỏ, đến không khí chúng ta hít thở, các chất hóa học mà chúng ta ăn vào – đều ảnh hưởng đến gene của chúng ta, khiến một số gene được bật lên và một số khác tắt đi. Chúng ta có một mã di truyền khi sinh ra. Nhưng sự biểu hiện và ức chế của gene lại chịu ảnh hưởng từ môi trường xung quanh. Nói cách khác, những trải nghiệm sống sẽ biến đổi chúng ta ở cấp độ tế bào.
Ngành di truyền học biểu sinh đã đưa chúng ta đi từ mô hình kiểm soát bệnh tật sang mô hình công nhận tác động của môi trường hằng ngày lên sức khỏe của chúng ta7. Kết quả là một góc nhìn hoàn toàn mới: Chúng ta có thể là những nhân tố tham gia tích cực vào hạnh phúc của chính mình. Điều này liên quan đến sức khỏe thể chất, nguy cơ phát triển các bệnh như tiểu đường và ung thư, cũng như sức khỏe tinh thần và cảm xúc của chúng ta. Các yếu tố di truyền biểu sinh đóng vai trò quan trọng trong khả năng phát triển các bệnh tâm thần, như các nghiên cứu về các cặp song sinh giống hệt nhau, trong đó một người mắc một chứng bệnh tâm thần nghiêm trọng, chẳng hạn tâm thần phân liệt hay rối loạn lưỡng cực, còn người kia thì không8. Các nghiên cứu về stress (ngay khi còn trong bụng mẹ) và mối liên hệ của tình trạng này với sự phát triển các bệnh tâm thần về sau trong cuộc đời một người cũng thể hiện sự tác động sâu sắc của môi trường đến mọi bộ phận cơ thể, kể cả cơ quan quyền lực nhất: bộ não. Chẳng hạn, bác sĩ Gabor Maté, chuyên gia về chứng nghiện và sang chấn, đã viết rất nhiều về vai trò của căng thẳng cảm xúc trong việc gây ra bệnh lý thể chất và tâm lý, cũng như để lại dấu ấn sâu sắc trên cấu trúc của não bộ.
Quan niệm cho rằng di truyền không quyết định số phận đã mang lại cho tôi một hiểu biết sâu sắc. Tôi từng tin rằng vì mẹ tôi bị bệnh, nên tôi cũng bị bệnh. Nhưng góc nhìn di truyền biểu sinh đã cho tôi công cụ điều chỉnh lại nhận thức về cơ thể mình. Tôi có thể đã thừa hưởng một số thiên hướng từ mẹ, nhưng điều đó không có nghĩa là tôi phải trở thành giống như bà.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ảnh hưởng của di truyền biểu sinh vượt qua nhiều thế hệ. Những kinh nghiệm sống của tổ tiên chúng ta đã định hình nên DNA của họ, từ đó hình thành nên DNA của chúng ta. Điều này có nghĩa là cuộc sống của chúng ta không kết thúc ở chúng ta mà còn được lưu truyền – cả cái tốt và cái xấu, cả sang chấn và niềm vui – sang các thế hệ tiếp theo. Trong các nghiên cứu trên chuột thí nghiệm, những con tiếp xúc với chế độ ăn kiêng cực đoan hoặc stress quá mức không chỉ có những thay đổi trong tim và quá trình trao đổi chất của chúng, mà còn ở cả con cái và đời cháu chắt chút chít của chúng. Có bằng chứng cho thấy điều này cũng đúng với con người9, 10. Các nghiên cứu theo dõi những đứa trẻ sống sót sau sang chấn, bao gồm cả những đứa trẻ phải chịu đựng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có các vấn đề sức khỏe tương tự cha mẹ chúng, cũng cho thấy tỷ lệ mắc nhiều loại bệnh tăng lên.
Nếu các gene mà chúng ta thừa hưởng phải chịu ảnh hưởng bất lợi từ trải nghiệm của các thế hệ trước, vậy phải làm sao để chấm dứt cái vòng luẩn quẩn này? Một số yếu tố môi trường nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta – chúng ta không thể lựa chọn hoàn cảnh thời thơ ấu của mình, chứ chưa nói đến hoàn cảnh thời thơ ấu của ông bà cố chúng ta – nhưng vẫn có nhiều yếu tố nằm trong tầm kiểm soát. Chúng ta có thể tự bù đắp cho mình sự nuôi dưỡng mà chúng ta đã không nhận được khi còn nhỏ. Chúng ta có thể học cách tạo ra những mối quan hệ an toàn và một ngôi nhà an toàn cho mình. Chúng ta có thể thay đổi những gì mình ăn, tần suất tập thể dục, ý thức của chúng ta, những suy nghĩ và niềm tin mà chúng ta thể hiện. Như Tiến sĩ Lipton đã nói: “Thật ra toàn bộ ngành sinh học mới chỉ là thế này. Đưa chúng ta ra khỏi tâm thế ‘Bạn là nạn nhân của cuộc sống’ và giới thiệu sự thật rằng chúng ta chính là người tạo ra cuộc sống của mình”11.
Chúng ta không chỉ là mạng lưới di truyền của mình. Một khi hiểu được điều này, thì phương pháp “nối lại” mạng lưới bị lỗi thông qua các biện pháp can thiệp như y học và phẫu thuật theo kiểu quyết định luận truyền thống dường như lại càng không thỏa đáng. Chúng ta có thể và nên góp sức chữa lành cơ thể và trí óc của mình trên con đường đạt đến sức khỏe và hạnh phúc nói chung.
HIỆU ỨNG GIẢ DƯỢC
Càng biết nhiều về di truyền biểu sinh, tôi càng nghiên cứu sâu hơn các tài liệu về chữa lành và chuyển hóa. Tôi đã học được về sức mạnh của niềm tin và hiệu ứng giả dược (placebo effect), một thuật ngữ mô tả sức mạnh của một chất trơ (một viên đường chẳng hạn) trong việc cải thiện các triệu chứng bệnh tật. Tôi luôn thấy ám ảnh với những câu chuyện về sự thuyên giảm tự nhiên và những người vượt qua được những chứng bệnh gây suy nhược khó tưởng tượng nhất mà không cần đến sự can thiệp của y tế. Nhưng dù vậy, những câu chuyện này vẫn luôn có vẻ ngoài lề. Chúng giống như những phép màu hơn là thứ gì đó có giá trị về mặt khoa học.
Trí óc có thể tạo ra những thay đổi thực sự, đo lường được trong cơ thể – và hiệu ứng giả dược là sự thừa nhận của khoa học chính thống về thực tế này. Tác dụng giả dược đáng kể đã được ghi nhận ở nhiều chứng bệnh khác nhau, từ bệnh Parkinson12 đến hội chứng ruột kích thích13. Một số phản ứng mạnh nhất thể hiện trong các nghiên cứu về bệnh trầm cảm14, trong đó những người tham gia tin rằng họ đang dùng thuốc chống trầm cảm (nhưng thật ra chỉ uống thuốc đường) đã báo cáo cảm giác cải thiện nói chung. Bạn thậm chí không cần phải bị bệnh thật thì mới trải nghiệm được hiệu ứng giả dược. Trong một nghiên cứu tại Đại học Glasgow15, các nhà nghiên cứu tiêm thuốc cho 15 vận động viên chạy bộ và nói với họ rằng họ đang được sử dụng thuốc doping, rồi yêu cầu họ tham gia một cuộc đua. Thành tích chạy của các vận động viên tăng lên đáng kể mặc dù họ chỉ được tiêm nước muối.
Khi cơ thể chúng ta mong đợi được trở nên tốt hơn, nó sẽ gửi các thông điệp để khởi động quá trình chữa lành. Các hormone, tế bào miễn dịch và chất hóa học thần kinh đều được giải phóng. Hiệu ứng giả dược cung cấp bằng chứng cho thấy khi chúng ta tin rằng mình sẽ khỏe hơn hoặc cảm thấy ổn hơn, chúng ta thường sẽ như vậy. Đó là minh chứng cho khả năng trí óc có thể tác động đến cơ thể chỉ bằng cách gợi ý.
Nhưng điều này cũng có mặt trái. Nó được gọi là hiệu ứng nocebo16, 17, và nó là “người em song sinh xấu xa” của hiệu ứng giả dược. Hiệu ứng này xảy ra khi những suy nghĩ của chúng ta không làm cho chúng ta ổn hơn mà khiến chúng ta trở nên tệ hơn. Trong môi trường phòng thí nghiệm, hiệu ứng nocebo được tạo ra khi các nhà nghiên cứu cung cấp cho người tham gia một loại giả dược và nói rằng loại thuốc đó có tác dụng phụ khủng khiếp. Sau đó, nhiều người bắt đầu trải qua các triệu chứng mà họ đã được cho biết là có khả năng xảy ra. Trong những trường hợp cực đoan, hậu quả có thể gây chết người.
Một ví dụ đáng chú ý về sự nguy hiểm của hiệu ứng nocebo18 diễn ra vào những năm 1970 khi một bác sĩ nói với bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư thực quản rằng anh ta chỉ còn sống được 3 tháng nữa. Vài tuần sau đó, bệnh nhân qua đời, nhưng khám nghiệm tử thi cho thấy anh ta đã bị chẩn đoán nhầm, không có bằng chứng nào cho thấy anh ta bị ung thư thực quản. Mặc dù không thể nói chắc chắn, nhưng có vẻ như anh ta chết vì tin rằng mình sẽ chết. Vị bác sĩ ấy sau đó đã trả lời một cuộc phỏng vấn rằng: “Tôi nghĩ anh ấy bị ung thư. Anh ấy nghĩ mình bị ung thư. Mọi người xung quanh đều nghĩ rằng anh ấy bị ung thư. Có phải tôi đã đập tan hy vọng theo một cách nào đó không?”19.
Trong một trường hợp khác về hiệu ứng nocebo được ghi nhận từ năm 2007, một người đàn ông 26 tuổi đang tham gia một thử nghiệm lâm sàng về thuốc chống trầm cảm. Anh được đưa đến bệnh viện sau khi dùng thuốc quá liều20. Khi trận cãi vã với bạn gái lên tới đỉnh điểm, anh ta đã uống 29 viên thuốc được kê trong cuộc nghiên cứu. Khi đến bệnh viện, huyết áp của anh ta đã tụt xuống mức nguy hiểm, gần chết; anh ta vã mồ hôi, co giật và thở gấp. Khi các bác sĩ đã ổn định được sức khỏe cho bệnh nhân, họ kiểm tra nhưng không tìm thấy dấu hiệu gì của thuốc trong cơ thể anh ta. Khi một bác sĩ của cuộc thử nghiệm lâm sàng đến bệnh viện, ông nhận ra rằng chàng thanh niên này thuộc nhóm dùng giả dược, nghĩa là anh ta đã uống một viên thuốc trơ, hay thuốc không có công hiệu. Có vẻ anh chàng ấy đã suy nghĩ tiêu cực quá nhiều.
TÂM LÝ HỌC TOÀN DIỆN
Có được cái nhìn sâu sắc về sự kết nối giữa sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần là bước ngoặc thay đổi cuộc chơi đối với tôi. Việc biết rằng chúng ta có thể tích cực (hoặc không tích cực) tham gia vào sức khỏe tinh thần của chúng ta với mọi quyền lựa chọn đã truyền cảm hứng cho tôi tiếp tục học hỏi và nghiên cứu hết mức về tiềm năng chữa lành toàn bộ cơ thể.
Tôi đã biết về tác động khuếch tán của chứng viêm mạn tính lên não nhờ lĩnh vực tâm lý thần kinh miễn dịch học (psychoneuroimmunology) mới xuất hiện. Rất nhiều nhà tư tưởng vĩ đại đã mở rộng tầm mắt cho tôi về vai trò và tác động của dinh dưỡng đối với hệ sinh thái của đường ruột, vốn liên hệ trực tiếp với não bộ. Tôi đã say mê tìm hiểu ngành khoa học mới về thuyết đa thần kinh phế vị (polyvagal theory) và vai trò của hệ thần kinh đối với sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần (tất cả những điều chúng ta sẽ đề cập đến ở phần sau của cuốn sách này). Thật không thể tin chúng ta đang học hỏi nhiều đến thế nào. Chúng ta đang ở giữa một sự thay đổi lớn trong cách hiểu về nguyên nhân khiến chúng ta mắc bệnh và giúp chúng ta khỏe mạnh.
Khi ngẩng đầu lên khỏi đống sách vở và tài liệu nghiên cứu, tôi mới nhận ra những kiến thức đó đang định hình quan điểm về vai trò của tôi đối với sức khỏe của chính mình. Tôi muốn hợp nhất mọi thứ mình học được từ tâm lý học chính thống với tất cả các nghiên cứu mới về việc chữa lành trí óc – cơ thể. Chính từ quan điểm này, tôi đã hình thành nên các nguyên lý của Tâm lý học Toàn diện, về cơ bản có nghĩa là đề cập đến tất cả các khía cạnh của con người (trí óc, cơ thể và linh hồn). Các nguyên lý cơ bản của Tâm lý học Toàn diện là như sau:
1. Chữa lành là việc cần thực hiện hằng ngày. Bạn không thể “đi đâu đó” để được chữa lành; bạn phải hướng vào bên trong để được chữa lành. Điều này có nghĩa là cam kết thực hiện hành trình chữa lành mỗi ngày. Bạn chịu trách nhiệm cho việc chữa lành chính mình và cần phải là nhân tố tham gia tích cực vào quá trình đó. Mức độ tích cực của bạn có liên quan trực tiếp đến mức độ chữa lành của bản thân. Những hành động nhỏ bé và nhất quán là con đường dẫn đến sự chuyển hóa sâu sắc.
2. Mặc dù nhiều thứ nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, nhưng những thứ khác vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Tâm lý học Toàn diện khai thác sức mạnh của sự lựa chọn, bởi vì sự lựa chọn sẽ giúp chữa lành.
3. Các công cụ toàn diện có thể rất thực tế và hữu dụng. Nhưng sự thay đổi có thể và thường gây cảm giác áp đảo. Một trong những chức năng chính của tiềm thức là giữ cho bạn an toàn, và nó sẽ cảm thấy bị sự thay đổi đe dọa. Chúng ta sẽ trải nghiệm “sự lôi kéo về phía những điều quen thuộc” này khi cố gắng làm điều gì đó khác biệt. Tâm lý học Toàn diện xoay quanh việc điều hướng lực kháng cự kéo-đẩy này, khai thác sức mạnh của động lực ấy để tạo ra thay đổi tích cực.
4. Việc chịu trách nhiệm cho sức khỏe tinh thần của bản thân dù đáng sợ nhưng có thể mang lại sức mạnh khó tin. Có một sự thay đổi rõ ràng đang xảy ra trên diện rộng, với nhiều người ngày càng trở nên thất vọng về những bất bình đẳng và hạn chế trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Có thể một phần trực giác trong bạn biết rằng có nhiều lựa chọn hơn dành cho bạn, nếu không thì hẳn bạn đã không chọn cuốn sách này. Tôi sẽ chia sẻ về lĩnh vực khoa học mới xuất hiện minh họa cho nhiều lý do khiến mô hình cũ không còn hiệu quả và cung cấp cho bạn một lộ trình để khai thác mô hình sức khỏe tinh thần mới mẻ này.
Khi chia sẻ triết lý và các công cụ của Tâm lý học Toàn diện với nhiều người, tôi không ngừng cảm thấy kinh ngạc trước những lời thổ lộ đầy biết ơn và những câu chuyện về khả năng phục hồi và chữa lành của họ. Tôi không thể đếm hết mình đã lau bao nhiêu giọt nước mắt khi tìm hiểu về sức mạnh phi thường và nội lực của mọi người trên khắp thế giới.
Nhưng có một câu chuyện xuất hiện trong tâm trí tôi như một ví dụ cho sự chuyển hóa thật sự đáng chú ý, và tôi muốn chia sẻ nó với các bạn. Tôi đã kết nối với một người phụ nữ tên là Ally Bazely, cô ấy đã nhìn thấy mình trong nhiều cuộc thảo luận của tôi về việc tự hủy hoại bản thân, đặc biệt là nhu cầu được người khác công nhận và việc thiếu khả năng duy trì những thói quen mới hiệu quả. Nhưng trên hết, chính việc hiểu rằng những vết thương lòng sâu sắc nhất của cô không phải do người khác gây ra (mà do cô đã phản bội Bản ngã trực giác, hay Bản thể đích thực) đã cộng hưởng sâu sắc và giúp cô nhìn cuộc sống của mình rõ ràng hơn. “Như thể lần đầu tiên, ai đó đã rọi ánh sáng vào những góc khuất khiến tôi đau đớn đến vậy”, sau này cô viết.
Đó là khoảng thời gian đặc biệt khó khăn, giai đoạn mà Ally coi là đêm tối của tâm hồn mình. Cô vừa trải qua một trận phản ứng khủng khiếp với loại thuốc đang dùng để điều trị bệnh đa xơ cứng. Cổ họng cô sưng phồng lên. Cô nửa tỉnh nửa mê, nằm dài trên sofa nhà mẹ và xem chương trình Hãy chọn giá đúng. Các bác sĩ nói rằng cô có thể sẽ không bao giờ đủ sức khỏe để trở lại làm việc nữa. “Không ai nói cho tôi biết chuyện gì đang xảy ra. Kể cả bác sĩ chữa trị, bác sĩ thần kinh của tôi lẫn công ty thuốc. Không ai biết tôi có thể hồi phục được hay không”, cô viết. Cô đã vô cùng chán nản, mệt mỏi với cuộc sống gắn chặt vào chiếc sofa và cực kỳ muốn thay đổi nhưng không xác định được làm cách nào để có một cuộc sống lành mạnh với một chứng bệnh mạn tính – hay liệu một giấc mơ như vậy có khả thi với mình hay không. Một số người bị đa xơ cứng vẫn sống mà không gặp rắc rối gì với căn bệnh này, nhưng những người khác có thể mất khả năng đi lại và bị suy giảm thần kinh. Cô không biết mình sẽ rơi vào nhóm nào.
Trên thực tế, cha mẹ cô đã bắt đầu tìm một căn hộ có thể sử dụng xe lăn vì có vẻ như cô sẽ không bao giờ đi lại được nữa, vì các lựa chọn điều trị có hạn và tiên lượng bệnh tình của cô là “xấu”.
Mặc dù đưa ra rất nhiều kết luận, nhưng không ai tư vấn cho Ally cách kiểm soát và giảm bớt các triệu chứng của cô, không ai hỏi về cuộc đấu tranh của cô với chứng trầm cảm lúc trước, hay sang chấn từ những trải nghiệm khi còn nhỏ. Thậm chí không ai hỏi cô làm thế nào để có thể tham gia vào việc chữa lành cho chính mình, bởi vì những lời lẽ đó không nằm trong vốn từ về chăm sóc mà y học chính thống sử dụng. Ally đã phải tự tìm hiểu chúng.
Trong thời điểm suy sụp đó, Ally đang lướt mạng xã hội trên điện thoại thì nhìn thấy bài đăng của tôi về sự phản bội bản thân. Cô đã đọc về cách xây dựng lại niềm tin với chính mình để chữa lành sự phản bội bản thân, và được truyền cảm hứng để thực hiện một bước tiến có ý nghĩa. Cô quyết định thực hiện và giữ một lời hứa nho nhỏ mỗi ngày để hỗ trợ sức khỏe của mình – càng nhỏ và bền vững thì càng tốt. Cô tự hứa sẽ uống một cốc nước mỗi sáng trước khi uống cà phê. Lúc đầu, cô cảm thấy thật ngớ ngẩn. Làm thế nào một ly nước có thể thay đổi cuộc sống của mình được chứ? Tuy nhiên, cô vẫn đặt lời nhắc trên điện thoại lúc 6 giờ 45 phút sáng để uống cốc nước đó và theo dõi một cách nghiêm túc.
Một tuần sau, cô bắt đầu kháng cự lại sự thôi thúc phải thực hiện những thay đổi khác để tập trung vào việc uống nước mỗi ngày. Sau khi uống nước, cô sẽ ngừng một chút để tự chúc mừng bản thân và suy ngẫm về việc cô thấy tự hào thế nào khi giữ được thói quen đó. “Trời đất, mình giỏi quá đi”, cô ấy tự nói với chính mình.
Ba mươi ngày sau, Ally đưa thêm vào nghi thức buổi sáng của cô việc ghi nhật ký và bắt đầu làm theo những gợi ý của tôi về một bài tập viết nhật ký gọi là “Nhật ký Tôi Tương lai” (bạn có thể tải toàn bộ hướng dẫn miễn phí về Future Self Journaling tại trang web theholisticpsychologist.com), một bài thực hành mà tôi tạo ra để chữa lành cho chính mình. Nhật ký Tôi Tương lai cho phép bạn tạo ra các đường dẫn truyền thần kinh mới trong não một cách có ý thức để dẫn đến những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi mới mà bạn mong muốn. Trước khi biết đến Nhật ký Tôi Tương lai, Ally luôn muốn rèn luyện thói quen viết nhật ký nhưng không bao giờ có thể duy trì được. Chỉ khi kết hợp việc ghi nhật ký với uống nước mỗi sáng, một hoạt động đã được tích hợp vào các nghi thức của đời cô thì Ally mới giữ được lời hứa với bản thân. Bạn sẽ có cảm giác an toàn khi tử tế với con người tương lai của mình hơn là với con người hiện tại, và việc viết lách của cô phản ánh cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn đó. Càng viết về bản thân một cách tử tế, cô càng bắt đầu để ý đến những lời huyên thuyên tiêu cực liên tục chạy qua đầu. Càng bắt đầu tin tưởng vào bản thân, cuộc nói chuyện trong tâm trí càng trở nên tĩnh lặng hơn, những hành động tự chăm sóc và yêu bản thân hằng ngày của cô diễn ra nhiều hơn trong suốt phần đời còn lại.
Ally gọi những gì xảy ra tiếp theo là “sự tái sinh”. Cô đã khám phá ra công trình của Tiến sĩ Terry Wahls và phương pháp cùng tên của bà, một chương trình dinh dưỡng và lối sống giúp điều trị các triệu chứng bệnh đa xơ cứng. Cô đặt ra các ranh giới, tập thiền hằng ngày, tập yoga và viết nhật ký. Cô tương tác với môi trường của mình ở một cấp độ hoàn toàn khác; và tất nhiên, cô ấy vẫn uống cốc nước đó mỗi ngày. Tất cả các ngày. Cô viết trong một bài đăng trên blog: “Hôm nay, tôi cảm thấy thoải mái với chính mình hơn rất nhiều so với 14 năm qua. Những ước mơ tôi từng ôm ấp trong suốt cuộc đời giờ đã nhen nhóm lại”.
Hiện tại, các triệu chứng đa xơ cứng của Ally đã thuyên giảm được hơn một năm. Từng gắn chặt với chiếc ghế sofa, vậy mà giờ đây cô chẳng những có thể đi bộ lên lầu mà còn bắt đầu đạp xe và thậm chí chạy bộ, hai hoạt động mà cô từng nghĩ căn bệnh đa xơ cứng đã vĩnh viễn cướp mất.
Câu chuyện của Ally cho chúng ta thấy sức mạnh của sự lựa chọn. Cô học được rằng ngay cả khi phải đối mặt với một chẩn đoán nghiệt ngã, cô vẫn có trong mình sức mạnh để thực hiện những thay đổi có lợi. Chấp nhận lựa chọn sức khỏe và hạnh phúc là thông điệp đầu tiên mà tôi hy vọng nó sẽ theo bạn trong suốt hành trình chữa lành của chính mình.
THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH: XEM BẠN CÓ BỊ MẮC KẸT KHÔNG
Hãy dành thời gian suy ngẫm những câu hỏi sau về việc bị mắc kẹt, đồng thời tìm hiểu (những) lý do khiến bạn có thể cảm thấy bị mắc kẹt trong những phạm vi này. Ví dụ, bạn có thể xác định các khuôn mẫu không có ích trong suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của mình. Bạn có thể khám phá những điều này dưới dạng một bài tập viết nhật ký.
1. Bạn có thường thấy mình không thể giữ lời hứa với bản thân, cố gắng thực hiện những lựa chọn mới hoặc tạo ra những thói quen mới nhưng rồi luôn quay lại với những lựa chọn và thói quen cũ?_______________
2. Bạn có thường thấy mình hành xử cảm tính, cảm thấy mất kiểm soát và thậm chí xấu hổ về hành vi của mình sau khi sự việc xảy ra không?_______________
3. Bạn có thường thấy mình bị phân tâm hoặc bị mất kết nối với bản thân, với những người khác hoặc với chính khoảnh khắc hiện tại, có thể lạc trong suy nghĩ về quá khứ hay tương lai, hoặc cảm thấy mình hoàn toàn “ở một nơi nào khác”?_______________
4. Bạn có thường thấy mình bị những suy nghĩ chỉ trích ở bên trong lấn át và xé toạc ra, khiến bạn khó nắm bắt được các nhu cầu về thể chất, tình cảm và tinh thần của mình không?_______________
5. Bạn có thường thấy mình gặp khó khăn trong việc bày tỏ mong muốn, nhu cầu, niềm tin và cảm xúc trong các mối quan hệ không?_______________
6. Bạn có thường thấy mình bị choáng ngợp hoặc không thể ứng phó với căng thẳng, với một cảm xúc nào đó (hay tất cả cảm xúc) của bạn không?_______________
7. Bạn có thường thấy mình lặp lại những trải nghiệm và khuôn mẫu quá khứ trong cuộc sống hằng ngày không?_______________
Nếu bạn trả lời “có” cho một hoặc nhiều câu hỏi trong số này, bạn có thể đang cảm thấy mắc kẹt do hệ quả của những trải nghiệm và hoàn cảnh trong quá khứ. Có vẻ như thay đổi là điều bất khả, nhưng tôi đảm bảo với bạn rằng không phải thế. Cách đầu tiên để tạo ra sự thay đổi là thực hành việc hình dung ra một tương lai khác với quá khứ và hiện tại của bạn.
NHẬT KÝ TÔI TƯƠNG LAI
Viết Nhật ký Tôi Tương lai là một phương pháp thực hành hằng ngày nhằm giúp bạn thoát khỏi chế độ tự động trong tiềm thức – hoặc những thói quen hằng ngày đang khiến bạn mắc kẹt trong việc lặp lại quá khứ. Bạn có thể bắt đầu tiến về phía trước bằng cách kiên trì thực hiện các hoạt động sau:
• Quan sát những lần bạn bị mắc kẹt trong hoàn cảnh quá khứ của mình
• Đặt ra ý định thay đổi mỗi ngày
• Đặt ra các bước nhỏ dễ thực hiện để hỗ trợ cho các lựa chọn hằng ngày phù hợp với một tương lai khác
• Trao quyền cho những lựa chọn hằng ngày này, bất chấp trải nghiệm phổ biến và sự kháng cự tinh thần
Để bắt đầu phương pháp thực hành mới mẻ này hằng ngày, bạn nên sử dụng một cuốn sổ. Một số bạn có thể muốn cá nhân hóa hay trang trí cuốn sổ của mình, hoặc tổ chức một buổi lễ nho nhỏ để tự tôn vinh bản thân vì đã đưa ra lựa chọn này. Bạn có thể quyết định dành một chút thời gian để xác định xem bạn sẽ sử dụng phương pháp thực hành mới này như thế nào và tập trung vào những gì bạn sẽ đạt được nếu tuân thủ đúng những lời hứa hằng ngày với bản thân.
Bây giờ bạn đã sẵn sàng để bắt đầu thực hành việc giữ một lời hứa nho nhỏ mỗi ngày với bản thân để tạo ra sự thay đổi. Nếu bạn là ai đó giống như tôi hoặc Ally, hay hàng triệu người khác đang phải vật lộn với sự phản bội bản thân do những trải nghiệm trong quá khứ của mình, thì xin nhớ rằng bạn không đơn độc. Bạn hiện đang tham gia một phong trào cùng với hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới, tất cả đều đang thực hành việc giữ những lời hứa nho nhỏ mỗi ngày với bản thân.