Trong buổi đầu tiên trị liệu cho Jessica, tôi đã nghĩ: “Mình thật sự muốn làm bạn với cô gái này”. Cô ấy trạc tuổi tôi, làm việc tại một cửa hàng mà tôi hay ghé tới, và ăn mặc giống những cô nàng hippie sành điệu bạn thường thấy. Cô có vẻ ấm áp, niềm nở, toát ra từ người có một cuộc sống sôi động.
Jessica đã thử trị liệu trước đó nhưng không hiệu quả. Cô quyết định thử lại vì cũng đã trải qua cảm giác bế tắc phổ biến, và tìm thấy tôi trong một lần hoảng loạn tìm kiếm trên trang web Psychology Today. Ban đầu, cô dùng các buổi gặp gỡ giữa chúng tôi để trút bầu tâm sự về một tuần của mình. Cô chẳng yêu cầu gì từ tôi mà chỉ muốn một không gian an toàn để nói chuyện – về công việc, những căng thẳng thường ngày, những người bạn cùng phòng phiền phức và cảm giác mình đang bỏ lỡ điều gì đó luôn tồn tại.
Trong quá trình chúng tôi trị liệu với nhau, vẻ ngoài bóng bẩy của một cô nàng hippie ung dung đã biến mất, tôi nhận ra nỗi lo lắng thường trực và nhu cầu làm hài lòng người khác của cô, tất cả đều thể hiện ở chủ nghĩa cầu toàn hướng tới hiệu quả cao. Rồi để xoa dịu tất cả những lo lắng và suy nghĩ kiểu “Điều gì sẽ xảy ra nếu...”, cô lại tiệc tùng – uống chút rượu, hút chút cần sa, dùng chút ma túy, tất cả đều nhằm xoa dịu và đè nén con người chỉ trích bên trong. Nhưng dù có làm gì hay đạt được gì, cô cũng chưa bao giờ cảm thấy hài lòng.
Sau đó, Jessica gặp một chàng trai. Tất cả những lo lắng và bất mãn mà cô cảm nhận trong cuộc sống hằng ngày giờ đây dồn hết lên người bạn trai mới này. Cô thực sự thích anh ấy, hay mối quan hệ của họ chỉ là do thuận tiện? Cô nên dọn đến ở với anh ấy hay là chia tay? Cô cứ trăn trở mãi, từ suy nghĩ cực đoan này đến suy nghĩ cực đoan khác. Theo thời gian, khi mối quan hệ của họ đạt đến những cột mốc mới và đám cưới dường như là điều tất yếu thì Jessica lại ngày càng phản ứng cảm tính hơn. Hết tuần này qua tuần khác, cô cứ lặp lại những câu chuyện giống nhau về mối quan hệ của mình. Cô nói về những cuộc tranh cãi sáng nắng chiều mưa của họ và cách cô xử sự, lớn tiếng mạt sát hoặc đóng sập cửa trước mặt bạn trai, rồi cảm thấy thật khổ sở và xấu hổ. Để đối phó với cảm giác đó, cô sẽ uống cho say xỉn để làm tê liệt bản thân. Sau đó, vòng lặp trở lại, cơn say sẽ khuếch đại phản ứng cảm xúc của cô, và phản ứng cảm xúc ấy một lần nữa sẽ bắt đầu chu kỳ lớn tiếng mạt sát và đóng sập cửa. Mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn ấy khiến cô và bạn trai khốn khổ vô cùng. Vòng xoáy xấu hổ và phản ứng đã trở nên quen thuộc và dễ đoán đến mức chúng đã trở thành một phần cố hữu trong mối quan hệ của họ.
Mỗi tuần Jessica sẽ kể cho tôi nghe về hành vi của cô ấy, và chúng tôi sẽ xác định năm điều cô có thể bắt đầu làm để đạt được kết quả tốt hơn vào tuần sau; đứng đầu trong số đó là giảm (hoặc tốt hơn là bỏ hẳn) việc uống rượu. Khi quay lại trị liệu mà không làm được những điều đó, cô sẽ tự coi thường bản thân mình vì thiếu quyết tâm theo đuổi đến cùng. “Như mọi khi, tôi không muốn bị mắc kẹt với bất cứ điều gì tôi đã nói là sẽ làm”, cô nói vậy.
Sau hai năm đến trị liệu đều đặn mỗi tuần ở chỗ tôi, cô thất vọng đến mức giận dữ thốt lên: “Có lẽ tôi nên tạm dừng việc trị liệu. Tôi chỉ đến đây rồi tái diễn bản thân mình hết lần này đến lần khác”. Đây không phải là lần đầu tiên tôi nghe được những lời thất vọng này. Chỉ riêng việc trải qua thất vọng thôi cũng đã đủ khó khăn, nhưng để cho một người chứng kiến những thất bại rõ mồn một của bạn thì còn khó khăn gấp bội. Thân chủ có thể bắt đầu coi tôi (hay bất cứ nhà trị liệu nào khác) như một bậc phụ huynh hay chê bai con cái.
Điều rắc rối là Jessica không thể tiến lên. Cô ấy bị dính bẫy – hay mắc kẹt – trong một vòng lặp phản ứng của chính mình. Mọi suy nghĩ lướt qua tâm trí cô đều trở thành niềm tin mà Bản ngã cốt lõi của cô thể hiện. Cô không thể đưa ra quyết định bởi suy nghĩ của cô chao đảo từ thái cực này – mình yêu anh chàng này – sang thái cực kia – mình ghét hắn ta. Cô tuân theo mỗi thái cực một cách trọn vẹn mà không hề thắc mắc hay kiềm chế.
Thực tế là thế này: Chẳng mấy ai trong chúng ta có thể thực sự kết nối với con người thật của mình, nhưng chúng ta muốn người khác nhìn thấu tất cả mọi lớp của sự phản bội bản thân mà chúng ta tạo ra và nhìn vào bản thể cốt lõi của chúng ta. Giống như Jessica, tất cả chúng ta đều muốn trở thành một con người tốt hơn. Nhưng nỗ lực của chúng ta đã thất bại vì không hiểu được tâm trí và cơ thể của chính mình. Chúng ta không có các công cụ thực tế để hiểu cách tạo ra những thay đổi mà bản thân muốn thực hiện. Chúng ta không thể mong đợi người khác làm cho chúng ta những gì mà chúng ta không thể làm cho chính mình.
BẠN KHÔNG PHẢI LÀ SUY NGHĨ CỦA MÌNH
Khi người ta nghe nói về phương pháp chữa lành toàn diện của tôi, họ muốn lao ngay vào để gặp gỡ đứa trẻ bên trong mình, bắt đầu quá trình tự nuôi dạy lại đứa trẻ ấy, kích hoạt bản ngã, xóa bỏ những tổn thương. Khao khát sửa chữa nhanh chóng này, theo nhiều cách là biểu tượng cho nền văn hóa của chúng ta, xuất phát từ mong muốn có thể hiểu được là chấm dứt sự khó chịu lạ thường khi phải sống với những vết thương lòng. Trước khi có thể đi vào những tầng sâu hơn, trước tiên chúng ta phải có khả năng chứng kiến thế giới bên trong mình. Nghe có vẻ chẳng hấp dẫn gì cả, nhưng đó là điều cơ bản. Mọi thứ về sau đều dựa vào đó để khai mở nhận thức có ý thức của bạn.
Tôi biết đến khái niệm dùng ý thức như một công cụ để thay đổi khi tôi không chủ tâm tìm kiếm nó. Đó là khoảng thời gian tuyệt vọng lúc tôi độ hai mươi tuổi. Lần đầu đến sống một mình ở thành phố New York, tôi được kê đơn thuốc mạnh để chữa chứng lo âu, rồi đặt mua tất cả các loại thực phẩm chức năng và các loại “thần dược” để kiểm soát nỗi phiền muộn nặng nề dường như đang bám theo tôi. Lúc đó tôi đang làm công việc nghiên cứu ở khu trung tâm Manhattan để bổ sung cho nguồn thu nhập (eo hẹp) khi theo học chương trình tiến sĩ. Trong giờ nghỉ trưa, tôi đi dạo để cố gắng chống lại cơn lo âu chực chờ ập đến. Rồi bước chân đã đưa tôi đến Nhà thờ Thánh Michael Tổng lãnh thiên thần xây bằng gạch theo phong cách Romanesque tráng lệ, gần Tòa nhà Empire State. Tôi ngồi bên ngoài nhà thờ, hít thở sâu và cầu xin: “Lạy Chúa, xin hãy giúp con vượt qua điều này”.
Một ngày nọ, thay vì dừng lại ở nhà thờ, tôi lại đi tiếp và thấy mình đứng trước một tòa nhà mà trước đây tôi chưa bao giờ để ý. Đó là Bảo tàng Nghệ thuật Rubin, một bảo tàng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật và đồ dệt may của các tôn giáo phương Đông. Trên tòa nhà có một tấm biển ghi: “Thứ ta nhớ không phải là ngày tháng, mà là những khoảnh khắc”. Câu nói ngắn gọn đó như một tiếng chiêng gõ lên trong đầu tôi.
Khi về nhà, tôi lục tìm trên Google câu trích dẫn (hóa ra nguồn gốc của nó là từ một nhà thơ người Ý sống ở thế kỷ 19 tên Cesare Pavese), và cuối cùng lại tìm thấy một nguồn tài liệu dồi dào về sức mạnh của khoảnh khắc hiện tại. Quá thích thú, tôi lặn hụp trong khám phá mới đó, tìm thấy hết điều này sang điều khác, cuối cùng dẫn tôi đến khái niệm “ý thức”21. Đó là một từ mà ai cũng biết. Với tư cách một thuật ngữ y học, ý nghĩa cơ bản của nó là tỉnh táo. Nhưng với mục đích của chúng ta, nó mang một ý nghĩa rộng lớn hơn nhiều: trạng thái nhận thức cởi mở, không chỉ cho phép chúng ta chứng thực mà còn trao cho chúng ta quyền lựa chọn.
Hãy sờ trán của bạn xem. Ngay dưới các ngón tay ở phần nhô ra của hộp sọ là vỏ não trước trán, trung tâm của trí óc có ý thức. Đây là nơi chúng ta lập kế hoạch cho tương lai, tiến hành những suy luận tinh vi và hoạt động đa nhiệm phức tạp. Trí óc có ý thức của chúng ta không bị bó buộc bởi những gánh nặng của quá khứ. Đó là tư duy hướng về phía trước và mang tính xây dựng. Nó khiến chúng ta trở thành loài người duy nhất – dù phần còn lại của vương quốc động vật chắc chắn vẫn sống động và hiện hữu, nhưng những động vật khác dường như không có khả năng tư duy về tư duy như chúng ta, một thứ được gọi là siêu nhận thức.
Mặc dù ý thức khiến chúng ta trở thành con người, nhưng hầu hết chúng ta đều quá đắm chìm trong thế giới nội tâm của mình một cách vô thức, ngay cả trong giấc ngủ, đến mức chúng ta không nhận ra rằng có một kịch bản liên tục chạy qua tâm trí mình. Chúng ta tin rằng kịch bản đó là “ta” đích thực, là Bản ngã. Nhưng những lời huyên thuyên đó chỉ là suy nghĩ của chúng ta mà thôi. Chúng ta suy nghĩ suốt cả ngày.
Đọc đến đây, bạn có thể dừng lại và nghĩ: Mình đâu có suy nghĩ. Nhưng có đấy. Chúng ta suy nghĩ từ lúc mở mắt ra vào buổi sáng cho đến khi nhắm mắt lại vào ban đêm. Bạn đã suy nghĩ một cách nhất quán và lâu dài đến mức hành động này đã vượt ra khỏi nhận thức. Bạn suy nghĩ cả khi mơ và cả trong tiềm thức. Bạn có thể cho rằng những suy nghĩ ấy là “mình”, nhưng chúng không phải là bạn. Bạn là người nghĩ ra chúng, chứ không phải là bản thân chúng.
Suy nghĩ là những phản ứng điện hóa học xảy ra nhờ vào sự huyên thuyên của các tế bào thần kinh trong não. Suy nghĩ phục vụ một mục đích; chúng cho phép ta giải quyết vấn đề, tạo ra và hình thành các kết nối thần kinh. Tuy nhiên, chúng ta quá phụ thuộc vào suy nghĩ của mình. Khi ở trong tình trạng “tâm trí khỉ”(*), như Đức Phật mô tả, chúng ta không bao giờ ngừng suy nghĩ; suy nghĩ của chúng ta lẫn lộn vào nhau; không có không gian để chúng ta hít thở và xem xét chúng.
(*) Trong truyền thống Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo có một ẩn dụ là “tâm viên ý mã”, tức là “tâm như khỉ leo trèo, ý như ngựa chạy”, ý nói đến tâm trí bất định, thường xuyên xáo động của con người. (ND)
Hãy quay lại với Jessica. Sự thiếu quyết đoán của cô – hôm thì cảm thấy tiêu cực, hôm thì lại cảm thấy tích cực – chính là sản phẩm của tâm trí khỉ. Có những ngày, suy nghĩ của cô xoay quanh việc cô đã may mắn biết bao mới quen được một chàng trai tuyệt vời như vậy trong đời, và cô hoàn toàn tin tưởng điều đó. Khi hoàn toàn tin tưởng, điều đó biểu hiện ra ngay trong cách cô cư xử (dọn đến ở với bạn trai, đồng ý kết hôn với anh ấy). Nhưng những ngày khác, khi cô muốn anh ấy biến đi cho rảnh nợ, thì cô cũng tin vào những suy nghĩ đó, và gây gổ, đóng sập cửa, ném đồ đạc. Tình trạng giằng co bấp bênh này khiến cô mất lòng tin vào bản thân, và kết quả là cô bắt đầu làm bản thân tê liệt bằng ma túy và rượu như một cách để tiếp tục ngắt kết nối với Bản ngã có ý thức.
Jessica không thể tiến về phía trước bởi vì trí óc luôn suy nghĩ đã lừa cô rơi vào trạng thái phản ứng. Cô không thể biết mình muốn gì vì không vận dụng được trực giác. Tất cả chúng ta đều có một trực giác – khái niệm tâm lý và tâm linh đề cập đến một trí tuệ bẩm sinh và vô thức. Đó là một cảm giác không giải thích được do tiến hóa thúc đẩy giúp chúng ta sống sót trong suốt lịch sử loài người và nó vẫn nói chuyện với chúng ta. Đó là cảm giác dựng tóc gáy khi một mình bước vào con hẻm tối. Đó là cảm giác ngờ vực đến thắt bụng khi đối mặt với một người lạ. Đó là cảm giác râm ran dọc sống lưng khi gặp một người mà chúng ta biết là đặc biệt. Đó là Bản ngã trực giác từ linh hồn đang nói cho bạn biết thông qua cơ chế sinh lý. Khi còn nhỏ, chúng ta thường kết nối với sự tự hiểu biết thiêng liêng này và có một bản năng mạnh mẽ. Nhưng khi lớn lên và chịu ảnh hưởng từ người khác, chúng ta có xu hướng trở nên mất kết nối với trực giác của mình. Giác quan thứ sáu của chúng ta bị vẩn đục. Nó không mất đi mà chỉ bị chôn vùi.
BẢN NGÃ HỮU THỨC VÀ BẢN NGÃ VÔ THỨC
Chỉ khi có ý thức, bạn mới có thể nhìn ra chính mình, một quá trình tự nhận thức có thể đột nhiên tiết lộ rất nhiều về thế lực tiềm ẩn trước giờ vẫn liên tục nhào nặn, thao túng và kìm hãm bạn. Bạn không thể ăn ngon hơn, không thể ngừng uống rượu, không thể yêu người bạn đời hay cải thiện bản thân theo bất kỳ cách nào nếu bạn còn chưa minh bạch với chính mình. Bởi vì nếu trực giác cho bạn biết cần phải làm gì để thay đổi cho tốt hơn thì tại sao bạn lại không làm như trực giác mách bảo? Đó không phải là một sự thất bại về mặt đạo đức; đó là do bạn không có ý thức và bạn bị mắc kẹt trong chế độ tự vận hành, phản ứng tự phát, những hành vi tự động.
Tình huống này có thể khá quen thuộc: Mỗi ngày bạn đi làm vào cùng một giờ, và thói quen bước ra khỏi cửa ít nhiều đã được ghi nhớ. Bạn đi tắm, đánh răng, pha cà phê, ăn sáng, mặc quần áo, lái xe đi làm,... Bạn hầu như không cần phải suy nghĩ có ý thức để làm bất kỳ điều nào trong số đó, vì bạn đã làm chúng thường xuyên đến mức tâm trí bạn đang ở chế độ tự vận hành. Đã bao giờ bạn đến chỗ làm và tự hỏi: Làm cách nào mình đến đây được nhỉ?
Vận hành theo chế độ tự động khiến chúng ta cảm thấy bế tắc vì nó xuất phát từ một không gian phản ứng gọi là tiềm thức, một phần nguyên sơ lưu trữ mọi trải nghiệm trong trí óc của chúng ta. Đó không chỉ là một kho dữ kiện và số liệu mà còn mang tính cảm xúc, phản ứng và phi lý trí. Trong từng khoảnh khắc mỗi ngày, trí óc tiềm thức định hình cách chúng ta nhìn thế giới; nó là bộ điều khiển chính cho hầu hết các hành vi (thường là tự động) của chúng ta. Bất cứ lúc nào chúng ta không hoàn toàn có ý thức, thì tiềm thức của chúng ta khó có thể là “ta”. Cách chúng ta suy nghĩ, nói năng và phản ứng – tất cả đều xuất phát từ phần tiềm thức, vốn được điều chỉnh bởi những suy nghĩ, khuôn mẫu và niềm tin đã bám sâu vào thời thơ ấu của chúng ta thông qua một quá trình được gọi là điều kiện hóa.
Vận hành theo chế độ tự động là một chức năng của hệ thống điều kiện hóa bên trong chúng ta. Hầu hết chúng ta đều mắc kẹt trong chương trình tiềm thức. Trên thực tế, một số bản chụp cắt lớp bộ não tiết lộ rằng chúng ta chỉ hoạt động ở trạng thái tỉnh táo được 5% thời gian trong ngày22; thời gian còn lại, chúng ta hoạt động bằng chế độ tự động của tiềm thức. Điều này có nghĩa là chúng ta chỉ đưa ra những lựa chọn chủ động trong một khoảng thời gian nhỏ trong ngày và phần còn lại là để cho tiềm thức điều hành chương trình.
XUNG CÂN BẰNG NỘI MÔI
Sức kéo quá lớn của tiềm thức khiến chúng ta khó lòng thay đổi. Về mặt tiến hóa, chúng ta không được thiết kế để thay đổi. Khi cố gắng đẩy mình ra khỏi phản ứng của tiềm thức, chúng ta sẽ phải đối mặt với sự phản kháng từ tâm trí và cơ thể. Phản ứng này được gọi là xung cân bằng nội môi (homeostatic impulse). Xung cân bằng nội môi điều chỉnh các chức năng sinh lý của chúng ta từ hơi thở, nhiệt độ cơ thể cho đến nhịp tim. Và tất cả đều xảy ra ở cấp độ tiềm thức, nghĩa là chúng ta không chủ động khởi đầu bất kỳ điều gì trong số đó mà chúng đều diễn ra tự động. Mục tiêu của xung cân bằng nội môi là tạo ra sự cân bằng trong tâm trí và cơ thể, mặc dù trong trường hợp rối loạn, sự cân bằng đó có thể không chắc chắn và thậm chí là tự hủy hoại.
Nhờ xung cân bằng nội môi, tiềm thức thích tồn tại trong vùng thoải mái, mà nơi an toàn nhất là nơi bạn đã từng đến vì chúng ta có thể dự đoán được kết quả quen thuộc. Những thói quen, hay hành vi lặp đi lặp lại, là chế độ mặc định của tiềm thức. Cơ thể muốn chúng ta duy trì trạng thái này vì nó biết trước điều gì sẽ xảy ra. Bộ não là một cơ quan cần rất nhiều năng lượng để vận hành. Nhờ có thói quen mà bộ não của chúng ta vận hành được nhẹ nhàng và duy trì trạng thái ấy. Đó là lý do tại sao ta lại thấy dễ chịu với các thói quen và thông lệ, và tại sao chúng ta lại thấy quá lo lắng, thậm chí mệt mỏi khi các thông lệ của chúng ta bị gián đoạn. Vấn đề là việc tuân theo thông lệ có điều kiện khiến chúng ta bị mắc kẹt trong thông lệ đó.
Lực hút về phía những điều quen thuộc đã giúp tổ tiên của chúng ta thời cổ đại được an toàn trước nhiều mối đe dọa khác nhau, như động vật hoang dã, tình trạng thiếu lương thực và kẻ thù. Bất kỳ hành vi nào giúp chúng ta sống sót – được ăn và được ở – sẽ lặp lại và được xung cân bằng nội môi ưa chuộng, tất cả ngoại trừ việc chúng ta chủ động đưa ra lựa chọn trong vấn đề ấy. Ngày nay, trong một thế giới tương đối thoải mái, tâm trí và cơ thể chúng ta đã không tiến hóa qua trạng thái phản ứng mà trong đó mọi thứ không quen thuộc hoặc hơi khó chịu đều bị coi là một mối đe dọa. Ngoài ra còn có một thực tế là ngay cả ở thế giới phát triển, những người Da đen, Bản địa và Da màu (Black, Indigenous, and People of Color – BIPOC) cũng phải đối mặt với các mối đe dọa hằng ngày từ các hệ thống áp bức của chúng ta. Do những phản ứng định hướng theo bản năng này, khi chúng ta cố gắng thay đổi hành vi – như chế độ dinh dưỡng, mức độ vận động, các mối quan hệ – thì cơ thể chúng ta sẽ nổi dậy biểu tình. Thay vì hiểu rằng sự khó chịu này xuất phát từ phản ứng của một cơ thể đã được tiến hóa mài giũa, chúng ta lại có xu hướng tự thấy xấu hổ. Sự xấu hổ này là một cách hiểu sai về sinh lý học của chúng ta.
Mỗi khi chúng ta đưa ra một lựa chọn nằm ngoài chương trình mặc định của mình, xung cân bằng nội môi của tiềm thức sẽ cố gắng kéo chúng ta quay trở lại với những gì quen thuộc bằng cách tạo ra sự kháng cự tinh thần. Sự kháng cự này có thể biểu hiện bằng cả cảm giác khó chịu về tinh thần lẫn thể chất. Nó có thể ở dạng suy nghĩ luẩn quẩn, chẳng hạn như Mình có thể làm điều này sau hoặc Mình không cần phải làm điều này nữa, hoặc các triệu chứng về thể chất, chẳng hạn như kích động, lo lắng hoặc đơn giản là cảm thấy không giống như “chính mình”. Đây là cách tiềm thức thông báo với bạn rằng nó không thoải mái với lãnh địa mới mà bạn đưa ra thay đổi.
THOÁT KHỎI NHỮNG LỐI MÒN
Khi ngày cưới đến gần, sự lo lắng của Jessica bùng lên và dồn vào việc lên kế hoạch cho đám cưới. Dù chưa đến lúc làm cô dâu nhưng Jessica đã chia sẻ với tôi rằng cô cảm thấy mất kiểm soát, khiến cho ngày trọng đại dường như thực sự là một gánh nặng. Chúng tôi lại càng củng cố quyết tâm chữa lành cùng nhau, cố gắng khai thác sức mạnh quan sát và khơi dậy ý thức của cô ấy. Vào khoảng thời gian đó, vài năm sau các buổi trị liệu của chúng tôi, cuối cùng tôi mới biết được sự mất mát nặng nề mà Jessica phải chịu đựng – vấn đề nổi lên vì lễ cưới đang đến gần và cô cứ nghĩ về vũ điệu giữa cha và con gái ở lễ đường mà cô sẽ không thể có được.
Khi Jessica mới bước vào độ tuổi hai mươi thì cha cô, chỗ dựa vững chắc của cuộc đời cô và là một người được yêu mến ở cộng đồng mà gia đình cô sinh sống, đã đột ngột qua đời. Kiểu bi kịch ấy sẽ tàn phá bất cứ ai, nhưng việc Jessica làm ngơ, thậm chí không đề cập đến cái chết của cha mãi cho đến khi chúng tôi đã làm việc cùng nhau được 5 năm, cho thấy cô đã cố kìm nén nỗi đau mất mát ấy đến thế nào. Rõ ràng là những cảm xúc liên quan đến sự kiện đó đang nổi lên theo những cách có vấn đề – cụ thể là tức giận với bạn trai và sự căng thẳng nói chung trong cuộc sống. Bởi vì Jessica chưa bao giờ đối mặt trực tiếp với nỗi đau của mình – cảm giác khủng khiếp và đáng sợ đó vượt quá khả năng xử lý, thế nên cô giấu biến chúng đi và cố gắng tiếp tục sống như bình thường – cô bị mắc kẹt trong một vòng lặp. Cơ thể của cô đã thích nghi với vòng lặp đó và khiến cô cảm thấy thoải mái hơn khi né tránh những cảm xúc sâu thẳm thay vì đối mặt với chúng. Tôi nói với Jessica rằng thật bất thường khi cha cô không xuất hiện sớm hơn trong những cuộc trò chuyện của chúng tôi và hỏi tại sao cô lại tránh kể cho tôi về một sự kiện quan trọng có thể gây sang chấn như vậy. Cô tỏ ra ngạc nhiên vì chính cô cũng không biết tại sao mình chưa bao giờ nói đến cha; cô đã chôn chặt nỗi đau đến mức đó.
Từ khi Jessica bắt đầu lên kế hoạch cho đám cưới, cha cô mới trở thành một chủ đề xuất hiện thường xuyên hơn. Sự vắng mặt rõ ràng của người cha khiến cô không thể tiếp tục chối bỏ vị trí của ông trong đời mình nữa. Tuy nhiên, cô vẫn hiếm khi thể hiện bất kỳ cảm xúc nào liên quan đến sự ra đi của ông. Cô vẫn điềm tĩnh, gần như tê liệt, khi nhắc đến cha. Ngày cưới đến gần, chúng tôi bắt đầu nói về ông ngày càng nhiều hơn, đồng thời chúng tôi cũng cố gắng khám phá nhận thức của Jessica về nhiều mặt rằng cô đang nhìn cuộc sống hiện tại qua lăng kính nỗi đau quá khứ. Cô có thể thừa nhận rằng cô đang cố bám vào các yếu tố gây stress trên bề mặt như một cách để tự đánh lạc hướng mình khỏi nỗi đau về cái chết của cha.
Chúng tôi đã cùng cố gắng phát triển “cơ chú ý”, hay sức mạnh nhận thức có ý thức, của Jessica để phá vỡ những phản ứng tự động đó. Chúng tôi đã cố gắng trau dồi nhận thức của cô về thời khắc hiện tại trước khi đi sâu vào phản ứng tự phát thái quá về chiếc bánh cưới hay việc sắp xếp chỗ ngồi tại lễ đường. Chúng tôi đã cố gắng tập thở và thiền, nhưng điều tạo nên tác động lớn nhất với cô là vận động thể chất, nhất là yoga. Với nhiều người, vận động thể chất rất hữu ích trong việc mài giũa cơ chú ý – chìa khóa của ý thức. Yoga, vốn được coi là một môn thực hành “từ trên xuống” (tức bộ não thiết lập các định hướng để cơ thể tuân theo), có thể là một phương tiện đặc biệt mạnh mẽ giúp tâm trí neo giữ vào khoảnh khắc hiện tại bằng cách hướng về hơi thở và kích thích cơ thể. Việc tập yoga đã rèn luyện cho cô khả năng ngừng lại một giây trước khi phản ứng. Điều này rất quan trọng vì khi ngừng một chút, bạn có thể bắt đầu giải mã những cảm xúc đang diễn ra trong nội tâm và đi sâu hơn vào nó. Đây là lý do tại sao hành trình chữa lành là một cuộc tiến hóa – chứ không phải là phương pháp sửa nhanh hay một con đường tắt.
Yoga đã tạo ra sự biến đổi lớn đến mức Jessica quyết định tham gia khóa đào tạo để trở thành huấn luyện viên yoga. Để làm được vậy, cô phải tuân theo một chương trình nghiêm ngặt buộc cô phải đối mặt với nhiều trạng thái phản ứng mặc định mà cô đang thực hiện. Một khi cô dành không gian để tự suy xét và có thể ngồi lại với những cảm giác khó chịu sâu thẳm khi đang luyện các tư thế đầy thử thách, liệu pháp của chúng tôi bắt đầu có hiệu quả. Càng gắn bó với việc tập luyện yoga, cô càng bắt đầu sống trong khoảnh khắc hiện tại. Cô dần rời bỏ chế độ tự vận hành và nhìn thấy một ý niệm mơ hồ của bản thân, thay vì đơn giản là nhảy từ cảm giác này sang cảm giác khác. Khi sống với hiện tại nhiều hơn, cô có thể dừng lại và chứng kiến những suy nghĩ, hành vi của mình đúng như bản chất của chúng: những trạng thái nhất thời có thể kiểm soát được. Cơ chú ý đã giúp cô phát triển nhận thức lớn hơn về những suy nghĩ của mình; rồi cô nhìn ra chúng, và với sự giúp đỡ của tôi, cô đã vượt qua khó khăn, xây dựng một cảm thức về sự kiên cường và khả năng. Điều đó trở thành chất xúc tác cho sự biến đổi nội tâm của cô.
Càng luyện tập yoga, ý thức của Jessica càng phát triển. Trên thực tế, một phần của những gì đang xảy ra là cô ấy đang thật sự thay đổi bộ não của mình ở cấp độ thể lý. Đó là vì khi chúng ta phát triển cơ chú ý, một quá trình được gọi là tính khả biến thần kinh (neuroplasticity) sẽ diễn ra. Tính khả biến thần kinh là một khái niệm đã được đưa ra 50 năm trước, khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng bộ não, vốn được cho là sẽ cố định khi chúng ta bước vào độ tuổi hai mươi, thật ra có thể thay đổi ở cấp độ cấu trúc và sinh lý trong suốt cuộc đời chúng ta. Bộ não có thể tự tổ chức lại và phát triển những kết nối mới giữa các nơ-ron thần kinh. Nghiên cứu cho thấy rằng một số phương pháp thực hành, bao gồm yoga và thiền định, giúp chúng ta tập trung sự chú ý vào khoảnh khắc hiện tại và đặc biệt mạnh mẽ trong việc tái cấu trúc bộ não. Khi đường dẫn truyền thần kinh mới được hình thành, chúng ta có thể thoát khỏi những khuôn mẫu mặc định và sống tích cực hơn trong một trạng thái có ý thức. Trên thực tế, các bản chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) cũng đã khẳng định điều này23, chúng cho thấy những bằng chứng hữu hình rằng việc kiên trì thực hành chánh niệm thực sự giúp cho thùy trước trán, vùng chứa nhận thức có ý thức của chúng ta, dày hơn. Các hình thức thiền tâm từ khác (hay đơn giản là nhắm mắt lại và nghĩ về người bạn yêu thương) sẽ giúp củng cố một vùng có tên là hệ viền (hệ limbic), trung tâm cảm xúc của não. Tất cả những điều này giúp kích hoạt lại bộ não của chúng ta, phá vỡ các khuôn mẫu tư duy mặc định và kéo ta ra khỏi chế độ tự vận hành do tiềm thức điều khiển. Từ nền tảng này, chúng ta có thể bắt đầu nhận ra những khuôn mẫu có điều kiện trong tư duy, niềm tin và mối quan hệ của mình, cuối cùng dẫn chúng ta đến với con đường tự biết mình và chữa lành.
SỨC MẠNH CỦA NIỀM TIN
Năm 1979, nhà tâm lý học Ellen Langer ở Đại học Harvard đã chọn hai nhóm nam giới cao tuổi từ các viện dưỡng lão ở khu vực Boston và đưa họ đến sống tại một tu viện ở New Hampshire trong một tuần nhằm thực hiện một nghiên cứu đột phá về sức mạnh niềm tin và ảnh hưởng của nó tới tuổi tác24. Nhóm đầu tiên được yêu cầu sống như thời họ còn trẻ, quay ngược lại 20 năm trước. Nhóm thứ hai vẫn sống ở hiện tại nhưng được thúc giục hồi tưởng về quá khứ.
Nhóm nghiên cứu đã bố trí trang hoàng mọi thứ trong khu vực sinh hoạt của nhóm đầu tiên để hỗ trợ việc quay ngược thời gian. Đồ nội thất theo phong cách thập niên 1950. Các ấn bản của tạp chí Life và Saturday Evening Post ngày trước được để rải rác quanh khu vực họ sống. Những người này xem chương trình truyền hình Ed Sullivan trên tivi đen trắng, nghe những chiếc radio cổ điển và xem những bộ phim từ những năm 1950 như Anatomy of a Murder (Mổ xẻ một vụ án mạng). Họ được khuyến khích thảo luận về các sự kiện xảy ra thời đó: vụ phóng vệ tinh đầu tiên của Mỹ, sự trỗi dậy của Fidel Castro ở Cuba và nỗi lo sợ về sự leo thang căng thẳng trong Chiến tranh Lạnh. Tất cả gương soi đều được tháo ra, thay vào đó là những tấm ảnh chụp họ hồi 20 năm trước.
Cuộc nghiên cứu chỉ kéo dài một tuần, nhưng thay đổi mà nhóm này trải qua thật đáng kinh ngạc. Cả hai nhóm đều cho thấy những cải thiện đáng kể trên mọi thang đo – từ thể chất đến nhận thức và cảm xúc. Tất cả họ đều linh hoạt hơn, ít khom lưng hơn, và những ngón tay bị viêm khớp của họ trở nên khéo léo và thậm chí trông còn có vẻ khỏe mạnh hơn. Những người quan sát độc lập, không biết gì về cuộc nghiên cứu, được yêu cầu so sánh ảnh chụp “trước” và “sau” một tuần diễn ra nghiên cứu, đã đánh giá rằng ảnh “sau” được chụp trước ảnh “trước” ít nhất là hai năm.
Thay đổi nhiều nhất diễn ra ở nhóm những người sống trong môi trường giả lập 20 năm trước, và nó không chỉ diễn ra về mặt thể lý. Có 63% trong số họ có điểm số thông minh cao hơn sau một tuần, so với 44% ở nhóm thứ hai. Về tổng thể, tất cả những người thuộc nhóm đầu tiên đã báo cáo sự cải thiện ở cả năm giác quan, từ khả năng nếm được nhiều hương vị món ăn hơn đến thính giác và thị giác tốt hơn.
Tôi chia sẻ nghiên cứu này vì nó cho thấy sức mạnh tuyệt vời của tư duy, nó tác động đến chúng ta theo vô số con đường, có thể tốt hơn hoặc xấu hơn. Những thay đổi nổi bật này xảy ra ở một nhóm dân số già, những người thường có sức kháng cự với sự thay đổi cao hơn, là bằng chứng cho thấy khả năng thay đổi cuộc đời của chính bạn, bất kể tuổi tác hay hoàn cảnh.
Thay vì đóng đinh vào những suy nghĩ tiêu cực – như các nghiên cứu cho thấy chúng ta làm vậy với 70% thời gian25 – tôi muốn bạn thử nhận ra những cảm giác của cơ thể khi bạn thấy mình bị đe dọa. Nói cách khác, tôi muốn bạn có ý thức. Bạn có thấy mình càng lúc càng thủ thế, với vai và cơ hàm căng lên, khi gọi video với mẹ không? Bạn có rút lui, ngắt kết nối hay nhận thức cao độ về cảm giác của cơ thể khi bước vào một môi trường xa lạ không? Hãy nhìn rõ nhưng đừng phán xét gì. Chỉ nhìn mà thôi. Con đường phía trước là tìm hiểu chính mình. Hãy học cách dành thời gian ở một mình, ngồi yên, để thực sự nghe thấy trực giác của bạn lên tiếng và tận mắt chứng kiến – ngay cả, và đặc biệt là, những phần tăm tối mà bạn muốn giấu kín nhất.
Bạn sẽ có được sự tự do to lớn khi không tin vào mọi suy nghĩ của mình và hiểu rằng chúng ta là người nghĩ ra những suy nghĩ chứ không phải là bản thân những suy nghĩ ấy. Trí óc của chúng ta là công cụ mạnh mẽ và nếu không nhận thức được một cách có ý thức về sự mất kết nối giữa con người đích thực và suy nghĩ của mình, chúng ta sẽ coi suy nghĩ là thứ kiểm soát cuộc sống của chúng ta.
Để bắt đầu hành trình này, chúng ta phải ở trong một môi trường mà bạn cho là an toàn và mang tính hỗ trợ. Chúng ta không thể có ý thức trong một môi trường bất lợi, nhất là lúc ban đầu. Chúng ta cần phải ở một nơi mà mình có thể thoải mái trút bỏ một số cơ chế phòng thủ, tận dụng cơ hội và cho phép mình buông xả. Với những ai đang sống trong môi trường không an toàn cho thân thể, đặc biệt là những người sống dưới các hệ thống mang tính áp bức hiện nay, nơi an toàn nhất ta có thể tìm thấy được là những khoảnh khắc tĩnh lặng ngắn ngủi trong chính mình.
Đã đến lúc thử làm một vài bài tập giúp bạn tiếp cận với ý thức này. Tôi mong bạn sử dụng những gợi ý ở phần bên dưới đây vài phút mỗi ngày. Tại sao ư? Bởi vì để thay đổi diễn ra hiệu quả, bạn cần tạo ra một quy trình mà bạn có thể gắn bó với nó, một lời hứa nho nhỏ mỗi ngày với bản thân mà bạn có thể thực hiện trong suốt hành trình chữa lành của mình. Bạn sẽ thấy vào lúc khởi đầu bạn thật sự rất không thoải mái. Điều này là do tâm trí đang gào thét: “Này, khoan đã! Điều này khó chịu quá! Mình muốn vận hành chương trình quen thuộc của mình mà!”. Điều này có thể sẽ biểu hiện thành một dạng kích động nào đó. Chỉ cần cố gắng hít thở để chờ cơn kích động qua đi, và đừng phán xét gì cả. Nếu cảm giác khó chịu trở nên quá dữ dội, hãy dừng lại, thừa nhận bản thân mình đã đi đến giới hạn và lặp lại vào ngày hôm sau.
Hãy nhớ rằng, điều này lúc đầu thật kỳ quặc và ngớ ngẩn. Nhưng không sao. Hãy làm quen với nó. Bài tập này sẽ đặt ra nền tảng cho hành trình chữa lành tiếp theo.
THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH: XÂY DỰNG Ý THỨC
1. Mỗi ngày hãy dành ra 1 đến 2 phút để có thể tập trung và thực sự hiện diện trong những gì bạn đang làm. Có thể là trong lúc bạn đang rửa chén, xếp quần áo hay đang tắm. Có thể là lúc bạn dừng lại giữa chuyến dạo chơi để nhìn lên những đám mây hoặc ngửi những mùi thơm trong không gian mà bạn làm việc suốt cả ngày. Hãy lựa chọn có ý thức để chứng kiến toàn bộ trải nghiệm của bạn trong khoảnh khắc đó. Tự nhủ thầm: “Tôi đang ở đây trong lúc này”. Tâm trí của bạn sẽ phản ứng với một luồng kháng cự tinh thần vững chắc, vì nó đang bị lay chuyển khỏi hoàn cảnh hiện tại và nó đang bị theo dõi. Tất cả các kiểu suy nghĩ sẽ xuất hiện trong tâm trí bạn. Chỉ cần thừa nhận chúng.
2. Hãy trụ vững trong khoảnh khắc này. Các giác quan khác cho phép chúng ta bỏ lại tâm trí khỉ và nhận ra mối liên kết sâu sắc hơn với khoảnh khắc hiện tại. Giả sử bạn chọn thực hiện bài tập này khi rửa chén. Hãy cảm nhận bọt xà phòng trên tay. Nhìn ngắm bọt xà phòng trên tay bạn, cảm nhận sự trơn nhẵn của chén đĩa trong bồn, ngửi mùi hương của không khí. Quá trình này sẽ giúp bạn lưu lại khoảnh khắc ấy mà không cần tâm trí ra lệnh. Như vậy bạn sẽ ngày càng thoải mái hơn khi luyện tập.
3. Sau khi thực hiện bài tập này từ 1 đến 2 phút, hãy thừa nhận rằng bạn đã dành tặng thời gian này cho mình. Điều này sẽ cho phép tâm trí và cơ thể bạn hiểu được cảm giác đó và cho bạn một chút thời gian để cảm ơn bản thân vì đã dành thời gian để thực hiện hành trình chữa lành.
4. Lặp lại bài tập này ít nhất một lần mỗi ngày. Khi cảm thấy thoải mái hơn, bạn sẽ tìm được nhiều khoảnh khắc để thực hành.
NHẬT KÝ TÔI TƯƠNG LAI: XÂY DỰNG Ý THỨC
Bây giờ tôi sẽ tham gia cùng các bạn trên hành trình này, với những gợi ý cho Nhật ký Tôi Tương lai mà tôi sử dụng mỗi ngày để bắt đầu tạo nên một trải nghiệm mới về ý thức trong cuộc sống thường nhật. Mỗi ngày, trong nhật ký của mình, tôi ghi lại phiên bản tương tự của những câu sau đây để tự nhắc nhở bản thân về ý định thay đổi, đưa ra những lựa chọn mới và bắt đầu tạo ra một thói quen mới. Để giúp ích cho quá trình này, bạn có thể sử dụng mẫu sau (hoặc tự tạo ra một mẫu tương tự):
• Hôm nay tôi sẽ thực hành có ý thức với bản thân và cuộc sống hằng ngày của tôi.
• Tôi biết ơn vì đã có cơ hội tạo nên sự thay đổi trong cuộc đời mình.
• Hôm nay tôi sẽ có ý thức và nhận thức trong từng khoảnh khắc.
• Thay đổi trong khía cạnh này sẽ cho phép tôi cảm thấy mình hiện diện nhiều hơn trong mọi khía cạnh của bản thân và cuộc sống.
• Hôm nay tôi sẽ để ý xem sự chú tâm của mình đang ở đâu và tập đưa nó trở lại thời điểm hiện tại.
Mục tiêu kể từ lúc này là thực hành đưa ra lựa chọn mới một cách có ý thức trong suốt một ngày. Để giúp bản thân nhớ được việc thực hiện lựa chọn mới, tôi đã đặt lời nhắc trên điện thoại vào những thời điểm ngẫu nhiên trong ngày. (Vâng, đôi khi công nghệ cũng có thể là bạn của chúng ta chứ). Mỗi khi lời nhắc xuất hiện, tôi lại tự kiểm tra xem sự chú tâm và hiện diện của mình đang ở đâu. Tôi nhanh chóng phát hiện ra rằng nó không nằm ở khoảnh khắc hiện tại. Không hề. Tôi nhận ra mình thích dành thời gian suy đi ngẫm lại, và cuối cùng là hồi tưởng, về những trải nghiệm stress đã qua, rồi tiếp theo là lo lắng về nhiều tai họa không tránh khỏi có thể gây căng thẳng cho tôi trong tương lai. Khoảnh khắc hiện tại, và rốt cuộc là ý thức của tôi, đã biến mất dạng.