Tôi gặp Christine trong những ngày đầu chia sẻ về hành trình chữa lành của mình trên mạng xã hội. Giống như Ally, Christine đồng điệu với các bài đăng của tôi về khái niệm phản bội bản thân, hay sự chủ động phủ nhận mong muốn và nhu cầu đích thực của chúng ta, dẫn đến hành vi hủy hoại hoặc tự làm hại bản thân.
Christine đã dễ dàng thừa nhận rằng cô ấy là một “con nghiện phát triển bản thân”. Không có xu hướng chăm sóc sức khỏe tinh thần nào mà cô chưa từng thử. Cô mua sách, đi dự hội thảo, thậm chí còn tham gia các khóa học kéo dài cả tuần ở những nơi xa xôi – tất cả đều có chung một kết cục: thất vọng. Cho dù có làm gì đi nữa, thì cuối cùng cô vẫn trở về đúng nơi cô đã bắt đầu. Cô thường say mê vào lúc bắt đầu, đắm chìm trong việc thực hành hay trải nghiệm, rồi thấy mình lạc lối sau vài tuần. Chán nản. Từ bỏ.
Christine kể với tôi rằng vấn đề số một của cô, nghe có vẻ thiển cận, nhưng nó khiến cô khó chịu: Cô ghét cái bụng của mình. “Cái bụng mỡ” ấy, như cách cô gọi nó, đã làm phiền cô từ khi mới bước vào tuổi thiếu nữ. Dù chưa bao giờ thừa cân, nhưng cô liên tục cảm thấy vòng eo của mình là một thứ đáng xấu hổ, như thể đó là một phần xa lạ không thuộc về cơ thể cô. Khi chúng tôi bắt đầu thảo luận về chế độ dinh dưỡng, cô thừa nhận rằng cô thường không thể nhớ mình đã ăn những gì trong ngày. Đôi khi cô quên là mình đang ăn ngay cả khi đang đút thức ăn vào miệng. Cô mô tả những lần bật dậy lúc nửa đêm để ăn một khay bánh sô cô la hạnh nhân, như thể hớp lại được không khí. Cô không ý thức được mình ăn gì đến nỗi hầu như không nhận ra hương vị hay mùi vị thức ăn.
Kiểu trải nghiệm này là điển hình cho trạng thái phân ly – sự tách rời hoặc chia ly giữa tâm trí và cơ thể, xảy ra khi bộ não bị sức ép nặng nề đến mức không kiểm soát được khoảnh khắc hiện tại. Thân thể người bị phân ly ở đó nhưng tinh thần họ đã biến mất. Đó là một phản ứng tự vệ trước một sự kiện hoặc tình huống mà tâm trí có ý thức cảm thấy quá nặng nề hoặc mang tính đe dọa nên không thể tham gia. Phân ly là một phản ứng với stress rất phổ biến ở những người đang sống chung với sang chấn thời thơ ấu. Bác sĩ tâm thần Pierre Janet, người đã đặt ra thuật ngữ này, mô tả nó là một sự “chia tách” của bản ngã26. Tôi mô tả cho các thân chủ rằng nó giống như cảm giác khởi hành trong một “phi thuyền”, một dạng tách rời siêu hình của bản ngã khỏi cơ thể. Việc Christine phân ly với thức ăn cho tôi thấy rằng cô đang cố thoát khỏi một thứ không liên quan gì đến việc ăn uống.
Cuối cùng, khi mối quan hệ của chúng tôi trở nên gần gũi hơn trong quá trình trị liệu, Christine mới bắt đầu kể về quá khứ của mình. Cô tiết lộ rằng gia đình cô không phải là một môi trường đáng tin cậy hay luôn hỗ trợ con cái. Mẹ của Christine thường đe dọa và đàn áp cô, bà cũng lôi kéo anh chị em cô làm điều đó với cô. Khi không có được các mối quan hệ an toàn và chắc chắn, cô đã giữ kín một bí mật khủng khiếp mà nó hành hạ bản thân cô: Khi Christine được 9 tuổi, cô bị một người đàn ông khoảng 40 tuổi, quen biết thân thiết với gia đình, lạm dụng tình dục.
Hắn đã thuyết phục Christine rằng những gì hắn làm với cô là một bí mật và nếu cô kể với bất cứ ai, cô sẽ gặp rắc rối, một kế sách phổ biến mà những gã yêu râu xanh thường sử dụng. Chuyện lạm dụng ấy diễn ra suốt mấy năm trời. Gia đình Christine thậm chí còn trêu chọc cô vì sự ưu ái rõ ràng của gã đàn ông ấy dành cho cô. “Chú ấy rất thích con đấy nhé”, mẹ cô nói. Anh chị em của cô tỏ ra khó chịu khi hắn mang quà cho cô hoặc đưa cô đi chơi riêng: “Mày là đồ nịnh bợ”.
Trực giác cho Christine biết rằng những gì đang xảy ra là sai trái, ghê tởm, nhưng cô đã học cách chối bỏ trực giác của mình và tin vào hung thủ. Cô đã chịu đựng bằng cách xây dựng các chiến lược đối phó. Một trong những cách cô dùng để đối phó là phân ly – làm cho tinh thần mình trở nên trống rỗng khi cơ thể đang chịu đựng sự lạm dụng. Nhờ hành vi tách rời lặp đi lặp lại này, cuối cùng cô học được rằng cô không thể tin tưởng vào trực giác của mình, thay vào đó cô cần phải nhìn vào suy nghĩ, niềm tin và ý kiến của người khác.
Cô đã biến hành vi phân ly thành một chiến lược đối phó mặc định – và ở tuổi trưởng thành, điều đó có nghĩa là phải quên đi bất kỳ điều gì khiến cô thấy xấu hổ, như ăn chẳng hạn. Những sang chấn mà cô ấy trải qua khi còn nhỏ đã định hình nên thế giới của cô, thậm chí còn in dấu lên cách cô liên hệ với thức ăn. Cô chưa bao giờ liên kết hành vi của mình với thức ăn và sang chấn trong quá khứ cho đến khi phát hiện ra rằng phản ứng của tâm trí và cơ thể cô với sang chấn đã cung cấp một dấu hiệu cho những hành vi không mong muốn của cô ở tuổi trưởng thành.
SANG CHẤN: MỘT KHÁI NIỆM BỊ HIỂU NHẦM
Đa số các chuyên gia sức khỏe tâm thần đều hiểu sang chấn là kết quả của một sự kiện vô cùng khủng khiếp, như bị lạm dụng nghiêm trọng hay bị bỏ mặc. Những sự kiện như vậy sẽ làm thay đổi cuộc đời, chia thế giới của một người thành hai nửa “trước” và “sau” – giống như sự kiện Christine bị lạm dụng tình dục. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention – CDC) cung cấp một thang đo gọi là bài trắc nghiệm Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu (Adverse Childhood Experiences – ACEs)27, mà các chuyên gia sức khỏe tâm thần sử dụng để đánh giá mức độ sang chấn trong cuộc đời của thân chủ. Bảng hỏi ACEs bao gồm 10 câu hỏi đề cập đến nhiều kiểu sang chấn thời thơ ấu, bao gồm bị lạm dụng về thể chất, lời nói và tình dục, trải nghiệm chứng kiến sự lạm dụng hoặc có người thân bị tù tội. Mỗi câu trả lời “có” được tính 1 điểm. Nghiên cứu chỉ ra rằng một người có điểm số càng cao thì nguy cơ cuộc sống của họ bị tiêu cực càng lớn, từ tỷ lệ lạm dụng chất kích thích và tự tử cao hơn cho đến tăng nguy cơ phát triển các bệnh mạn tính.
Khung ACEs rất quan trọng vì nó chỉ ra rõ ràng rằng những sang chấn phải chịu đựng trong thời thơ ấu đã để lại những dấu ấn lâu dài trên cơ thể và tâm trí chúng ta. ACEs cho thấy rằng những gì xảy ra trong thời thơ ấu sẽ ở lại với chúng ta suốt đời, nhất là khi đó là một trải nghiệm vô cùng tiêu cực.
Khi làm trắc nghiệm ACEs, tôi đã đạt điểm 1 (trên toàn thế giới, gần 70% số người đạt ít nhất 1 điểm)28. Kết quả đó phản ánh một thông điệp mà tôi đã được đào tạo – rằng từ “sang chấn” chỉ áp dụng cho những người như Christine, người đã trải qua sự lạm dụng cực độ. Tôi sẽ không bao giờ nghĩ rằng tuổi thơ của chính mình bị sang chấn theo bất kỳ cách nào. Tôi xuất thân từ một gia đình mà tôi cho là “bình thường”. Cha tôi làm việc chăm chỉ và mỗi tối đều về nhà đúng giờ. Chúng tôi không bao giờ bị thiếu thốn thức ăn. Cha mẹ tôi không nghiện rượu. Họ không ly hôn. Không có lạm dụng bằng lời nói quá mức và không hề có lạm dụng thân thể.
Vậy mà tôi hầu như không có ký ức gì về thời thơ ấu. Những cột mốc vẫn thường làm nên sự tồn tại của một người – nụ hôn đầu tiên, buổi dạ hội ở trường, những ngày lễ – tất cả đều trống rỗng đối với tôi. Tôi cũng gặp khó khăn với việc nhận dạng khuôn mặt. Tôi hầu như không thể nhớ được những thành viên giống nhau trong một gia đình. (Đối với tôi, các em bé hoàn toàn không phải là “bản sao thu nhỏ” của cha mẹ chúng, mà chúng chỉ là... em bé, thế thôi). Khi xem những bộ phim tài liệu dựng lại, tôi không bao giờ có thể phân biệt được đâu là nhân vật thật được phỏng vấn với diễn viên trong một cảnh được tái hiện.
Tôi không thấy có điều gì bất thường cho đến khi chia sẻ về sự trống rỗng ký ức đó với người khác, những người thấy khó chịu khi tôi không thể nhớ được một kỷ niệm mà chúng tôi đã trải qua với nhau, hoặc chế giễu khi tôi khổ sở lục lọi hình ảnh ai đó trong trí nhớ mà lẽ ra tôi phải nhận diện dễ dàng. Một số người không thể tin nổi. “Chắc chị đùa phải không? Làm sao chị quên được?”. Nó đã trở thành một trò đùa với bạn bè tôi: “Nicole có não cá vàng!”.
Tôi nên nói thêm rằng tôi thật sự nhớ được những cảm xúc – tôi vẫn có “ký ức cảm giác” hay ấn tượng về quá khứ, tôi chỉ không kết nối những cảm xúc đó với trải nghiệm cụ thể. Tôi có thể nhớ cảm giác khi nằm trên giường hồi 6 tuổi và suy nghĩ vẩn vơ: Cha mẹ tôi có thể chết, ai đó có thể đột nhập vào nhà, tất cả chúng tôi có thể chết trong một đám cháy, và danh sách đó cứ kéo dài. Trạng thái lo lắng này là ký ức cảm giác và là một biểu hiện cho sự kiềm chế của gia đình tôi trước nỗi sợ hãi, “Luôn có chuyện gì đó xảy ra”. “Chuyện gì đó” có thể là một người hàng xóm giận dữ, một hóa đơn quá hạn thanh toán, một trận bão tuyết hoặc một trận cãi vã với thành viên khác trong gia đình. Nếu nó xảy ra với ai đó trong chúng tôi, thì nó cũng xảy ra với tất cả chúng tôi. Chúng tôi tự tạo nên một cái vòng luẩn quẩn của tổn thương và lo lắng.
Tuy nhiên, không như những người còn lại trong gia đình phải vật lộn để đối phó với việc sống trong tình trạng vô cùng sợ hãi như vậy, tôi chưa bao giờ tỏ ra bị áp đảo. Họ gọi tôi là con người xa cách, đứa trẻ ung dung, lạnh nhạt, dễ dãi và dễ chấp nhận. Dường như không điều gì có thể khiến tôi thấy phiền hà. Nhưng sự xa cách đó là một chiến lược đối phó, để bảo vệ tâm trí của tôi khỏi sự hỗn loạn: Tôi sẽ tách ra, giữ khoảng cách với bản thân, bước vào “phi thuyền” của mình. Tôi đã quá xa rời bản thân, đi quá xa trên phi thuyền đó, đến nỗi cuối cùng chẳng còn lưu giữ được mấy ký ức từ thời thơ ấu và hầu như không giữ nổi bất kỳ ký ức nào từ những năm tuổi đôi mươi. Nhưng tâm trí tôi không hiện diện với những gì đang diễn ra xung quanh thì không có nghĩa là cơ thể tôi không nhớ.
Tiến sĩ Bessel van der Kolk, một chuyên gia về sang chấn và là tác giả của cuốn sách đột phá The Body Keeps the Score(*), giải thích rằng phân ly là một quá trình “vừa biết vừa không biết” và rằng những người bị sang chấn dẫn đến tách rời sẽ “vừa nhớ quá ít vừa nhớ quá nhiều”29. Sang chấn tích tụ trong cơ thể theo những con đường phân tán, chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn trong chương sau, nhưng tác động sâu sắc nhất của nó nằm ở cách nó ảnh hưởng đến phản ứng chiến hay biến (fight or flight) của hệ thần kinh.
(*) Tựa tiếng Việt: Sang chấn tâm lý – Hiểu để chữa lành, Saigon Books, NXB Thế giới, 2020.
Mãi đến sau này, sau nhiều năm cung cấp liệu pháp chữa trị cho những người như Christine, tôi mới bắt đầu tìm thấy điểm chung giữa những người từng trải qua sang chấn thời thơ ấu: Nhiều người đã đối phó bằng cách xây dựng các “phi thuyền” riêng lẻ dẫn đến các kiểu sống phân ly, tách rời suốt đời và tạo nên rất ít ký ức. Khám phá này nêu lên câu hỏi: Nếu tôi chưa trải qua “sang chấn”, như tôi từng hiểu, thì tại sao tôi không thể nhớ phần lớn thời thơ ấu của mình? Tại sao tôi lại gặp khó khăn trong việc kết nối với bản thân về mặt cảm xúc? Tại sao tôi luôn tự phản bội mình? Tại sao Christine và tôi có thể thể hiện những phản ứng sang chấn giống nhau trong khi trải nghiệm thời thơ ấu của chúng tôi quá khác nhau?
Khi đó tôi không hề biết rằng những gì tôi phải chịu đựng là một dạng sang chấn tinh thần và tôi đang sống với những hậu quả của sang chấn đó mỗi ngày, giống như Christine.
MỞ RỘNG ĐỊNH NGHĨA SANG CHẤN
Tôi đã điều trị cho những người nằm trong toàn bộ phạm vi ACEs – từ những người có gia đình “hoàn hảo” đạt 0 điểm cho đến những người có xấp xỉ 10 điểm ACEs với những trải nghiệm sang chấn khủng khiếp hơn nhiều người trong chúng ta có thể tưởng tượng, chứ đừng nói đến việc sống sót.
Mặc dù quá khứ của họ vô cùng khác nhau, nhưng các khuôn mẫu hành vi lại đi theo một kịch bản giống nhau. Nhiều người theo chủ nghĩa cầu toàn thực dụng, theo đuổi sự thành đạt quá mức, hoặc nghiện các chất/hành vi khác nhau. Họ có rất nhiều lo âu, trầm cảm, thiếu tự tin, tự hạ thấp bản thân và ám ảnh về việc bị nhìn nhận theo một cách nào đó. Họ có những mối quan hệ có vấn đề. Và tất nhiên, với “sự bế tắc”, họ không thể vượt khỏi những khuôn mẫu hành vi dường như đã ăn sâu. Các khuôn mẫu đang kể một câu chuyện – một câu chuyện sẽ làm sáng tỏ việc sang chấn thời thơ ấu thật sự ảnh hưởng sâu rộng đến thế nào.
Thực tế là có nhiều người không thể chỉ ra những thời khắc (hay thậm chí một thời khắc) khiến cuộc đời họ tan vỡ. Nhiều người có thể không thừa nhận rằng có phần nào trong thời thơ ấu của họ đã bị hủy hoại. Nhưng như thế không có nghĩa là sang chấn không xảy ra – tôi chưa bao giờ gặp một người nào mà chưa từng trải qua sang chấn ở một mức độ nào đó trong đời. Tôi cho rằng hiểu biết của chúng ta về sang chấn nên được mở rộng để gộp vào nhiều trải nghiệm khác nhau, hay như nhà thần kinh học Robert Scaer đã định nghĩa: Sang chấn là bất kỳ sự kiện tiêu cực nào trong cuộc sống “xảy ra trong tình trạng tương đối bất lực”30.
Khung ACEs dù hữu ích nhưng không nói lên hết toàn bộ câu chuyện về sang chấn. Nó không tính đến phạm vi các sang chấn về cảm xúc và tinh thần, cơn bùng phát của việc chối bỏ hoặc kìm nén những nhu cầu của Bản ngã đích thực, mà rất nhiều người trong chúng ta đã trải qua. Trên thực tế, thật lạ lùng là khung ACEs thậm chí còn không tính đến vô số cách mà môi trường bên ngoài – thật ra là xã hội nói chung – có thể gây sang chấn cho chúng ta. Không có câu hỏi nào trong bài trắc nghiệm ACEs hỏi về sự phân biệt chủng tộc một cách công khai – như phân biệt đối xử và lạm dụng, những hình thức rõ ràng của sang chấn về chủng tộc – đó là còn chưa nói đến các hình thức thành kiến và niềm tin mù quáng tinh vi, lan tràn và nguy hiểm hơn vẫn tồn tại trong xã hội. Khi bạn sống trong một thế giới đã không được hỗ trợ mà còn bị đe dọa toàn diện – trong hệ thống giáo dục, nhà tù, cảnh sát, công sở, bệnh viện – thì bạn đang tồn tại trong tình trạng sang chấn gần như liên tục. Các nhóm yếu thế, đặc biệt là những người thuộc nhóm BIPOC, đang sống trong thực tế ấy ngay lúc này. Họ đang chịu sự áp bức có hệ thống vốn nhằm thực thi những luật lệ phân biệt đối xử và các khuôn khổ định kiến đã khiến họ thật sự rơi vào “trạng thái tương đối bất lực”, cốt lõi trong định nghĩa về sang chấn của Scaer.
Nói cách khác, những trải nghiệm sang chấn không phải lúc nào cũng rõ ràng. Nhưng nhận thức của chúng ta về sang chấn là có căn cứ vững chắc như chính sang chấn đó. Điều này đặc biệt đúng với thời thơ ấu, khi chúng ta bất lực và phải phụ thuộc nhất. Sang chấn xảy ra khi chúng ta liên tục phản bội bản thân vì tình yêu, bị phản bội theo cách khiến chúng ta cảm thấy mình không xứng đáng, hoặc tin rằng chúng ta là những kẻ không thể chấp nhận được, tất cả đều dẫn đến kết nối với Bản ngã đích thực của chúng ta bị cắt đứt. Sang chấn tạo ra niềm tin cơ bản rằng chúng ta phải phản bội con người thật sự của mình để tồn tại.
TRẠNG THÁI ĐIỀU KIỆN HÓA TỪ THỜI THƠ ẤU
Vai trò của cha mẹ là trở thành người hướng dẫn. Tình yêu thương của cha mẹ cung cấp nơi chốn an toàn để một đứa trẻ có thể quay trở về khi dấn thân vào đời, với tất cả những thăng trầm gắn liền với quá trình chuyển đổi vĩ đại này. Người hướng dẫn phần lớn không phán xét mà cho phép đứa trẻ tồn tại theo đúng bản chất của chúng. Người hướng dẫn có nhiều khả năng quan sát và hành động từ trạng thái nhận thức và khôn ngoan, cho phép đứa trẻ trải nghiệm những hậu quả tự nhiên từ hành động của chúng mà không cần can thiệp và đặt nền tảng để chúng xây dựng lòng tin vào bản thân. Hãy coi người hướng dẫn như một người thầy thông thái, một người có niềm tin vào nền tảng mà họ đã cung cấp và tin tưởng rằng học trò sẽ có thể vượt qua những thăng trầm của cuộc sống. Rồi đứa trẻ sẽ tiếp thu niềm tin này. Điều đó không có nghĩa là đứa trẻ sẽ tránh được sự đau khổ, mất mát, tức giận hay tiếc thương – hàng loạt cảm xúc của con người – mà thay vào đó, người hướng dẫn hoặc cha mẹ đã cung cấp một nền tảng an toàn và khả năng phục hồi để đứa trẻ lấy đó làm gương và quay về khi gặp phải những thời điểm khó khăn.
Nếu cha mẹ không biết cách chữa lành hay thậm chí không nhận ra những sang chấn chưa được giải quyết của mình, thì họ không thể tự định hướng cuộc sống của họ một cách có ý thức, chứ chưa nói đến việc có thể hành động như những người hướng dẫn đáng tin cậy cho con trẻ. Việc cha mẹ trút những sang chấn chưa được giải quyết của mình lên con cái là điều rất phổ biến. Khi ngay cả những bậc cha mẹ có thiện chí cũng bị ảnh hưởng bởi những vết thương trong vô thức của chính họ; và thay vì đưa ra hướng dẫn, thì họ có thể cố gắng kiểm soát, quản lý ở mức độ vi mô và ép buộc con cái làm theo ý mình. Một số hành vi trong số này có thể có chủ đích tốt. Cha mẹ có thể hữu thức hoặc vô thức muốn giữ an toàn cho con bằng cách bảo vệ chúng trước thế giới để trẻ không phải trải qua bất kỳ nỗi đau nào mà bản thân cha mẹ phải gánh chịu. Nhưng trong quá trình này, họ có thể phủ nhận mong muốn và nhu cầu của trẻ. Thường thì điều này là do vô tình, nhưng ngay cả khi có vẻ cố ý gây hại, thì những hành vi này cuối cùng cũng thường xuất phát từ nỗi đau sâu thẳm của cha mẹ, mà có khi họ không thể hiện nỗi đau đó ra ngoài. Nhiều người trong chúng ta có cha mẹ là những người gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc do nỗi đau thời thơ ấu chưa được giải quyết của chính họ. Họ có thể trút nỗi đau này một cách trực tiếp lên chúng ta như khi ép buộc chúng ta không được khóc, hoặc một cách gián tiếp như né tránh đáp lại những biểu hiện cảm xúc của chúng ta. Theo Lindsay Gibson, một nhà trị liệu tâm lý và là tác giả cuốn Adult Children of Emotionally Immature Parents: How to Heal from Distant, Rejecting, or Self-involved Parents (Những đứa con trưởng thành có cha mẹ chưa trưởng thành về mặt cảm xúc: Cách chữa lành khi cha mẹ xa cách, chối bỏ hoặc tự thu mình), sự thiếu kết nối cảm xúc trong thời thơ ấu để lại “một lỗ hổng ở nơi mà lẽ ra phải là sự an toàn. Về cơ bản, cảm giác cô đơn khi bị người khác xem là vô hình cũng đau đớn như bị tổn thương thể xác”31. Sự tổn thương này và nỗi xấu hổ được tiếp thu sau đó có thể tự bộc lộ ra ở tuổi trưởng thành như việc né tránh nỗi buồn, hoàn toàn không thể hiện cảm xúc hoặc thầm cảm thấy xấu hổ khi thể hiện cảm xúc đau khổ dù đó là lẽ tự nhiên.
Bằng cách này, chúng ta có thể dễ dàng thấy được sự sang chấn mang tính liên thế hệ, được truyền từ một người chăm sóc sang người kế tiếp rồi lại sang người kế tiếp – đến chúng ta. Trung tâm của quá trình này là khái niệm điều kiện hóa, trong đó niềm tin và hành vi được in sâu vào chúng ta một cách vô thức. Bất kỳ ai từng dành thời gian ở bên một đứa trẻ đều biết rằng trẻ bắt chước hành vi của người khác: Dù là chịu ảnh hưởng của một người bạn hay nhân vật hoạt hình thì trẻ cũng sẽ làm theo những gì chúng thấy. Đây là cách diễn ra quá trình điều kiện hóa. Chúng ta học những gì mà người khác làm mẫu, đặc biệt là từ những người chăm sóc chính của chúng ta. Những mối ràng buộc trong những năm đầu đời sẽ đặt nền móng cho tất cả niềm tin tiềm thức của chúng ta. Chúng ta học được một mối quan hệ trông như thế nào nhờ quan sát cách cha mẹ chúng ta thể hiện trong các mối quan hệ. Chúng ta học cách cảm nhận về cơ thể mình bằng cách quan sát cảm nhận của cha mẹ về chính cơ thể họ. Chúng ta học cách ưu tiên chăm sóc bản thân hoặc bỏ bê bản thân. Chúng ta học thói quen chi tiêu, thế giới quan và niềm tin về bản thân, về người khác và thế giới, cũng như vô số thông điệp được lưu giữ trong tiềm thức của chúng ta.
Điều đó có nghĩa là chúng ta không ngừng tìm đến cha mẹ của mình chẳng những để được hướng dẫn mà còn để noi gương; cách họ tương tác với thực tế của họ có thể là cách chúng ta sẽ tương tác với thực tế của mình. Chúng ta thừa hưởng cách nhìn và cách tương tác của họ; chúng ta kế thừa niềm tin, thói quen, thậm chí cả chiến lược ứng phó của họ.
Cũng giống như bạn học cách chứng kiến bản thân một cách có ý thức, hành trình chữa lành là chứng kiến những người bạn thương yêu và mối quan hệ của bạn với họ một cách có ý thức. Tôi đã mất một thời gian dài để đưa ra kết luận rằng có một sang chấn tâm lý chưa được giải quyết từ thời thơ ấu của tôi. Tôi đã phòng thủ rất tốt. Tôi sẽ dùng cả răng và móng tay để chiến với bạn nếu bạn dám cho rằng tuổi thơ của tôi kém hoàn hảo. Điều này không chỉ xuất phát từ sự lý tưởng hóa quá khứ của tôi, mà nó còn xuất phát từ văn hóa bảo vệ gia đình. Công khai thừa nhận rằng mọi thứ không phải đều màu hồng hẳn là một sự bất kính vô cùng. Chúng tôi là một gia đình Ý lớn hạnh phúc! Làm sao bạn dám nói khác đi chứ?
Tôi đã bảo vệ điều đó suốt nhiều năm. Tôi đã phủ nhận thực tại của chính mình quá lâu nên phải mất rất nhiều công sức mới thay đổi được góc nhìn và bắt đầu nhìn quá khứ qua lăng kính tuổi thơ bị tổn thương. Tôi đã từ chối nhu cầu của mình lâu đến mức tôi không còn nhận ra chúng được nữa. Như hầu hết mọi người, tôi đã lặp đi lặp lại và mang theo trong suốt cuộc đời mình nhiều suy nghĩ và thói quen học được từ thời thơ ấu. Nhiều người trong chúng ta không bao giờ dừng lại để nghĩ: Đây thực sự là tôi sao? Bao nhiêu người trong chúng ta thấy mình đang ăn mừng các ngày lễ giống như cách chúng ta đã ăn mừng thời thơ ấu mà không hề hình dung xem mình sẽ làm theo một cách khác? Có bao nhiêu khía cạnh trong cuộc sống mà bạn thực sự đưa ra lựa chọn – và có bao nhiêu khía cạnh mà bạn được thừa hưởng?
Nhận diện tổn thương của bạn là một bước cơ bản trên hành trình chữa lành, nhưng hiếm khi là một bước dễ dàng. Việc này thường khơi lên những bể chứa sâu thẳm của nỗi đau, nỗi buồn và thậm chí cả sự tức giận đã bị kìm nén từ lâu. Chỉ khi nhận diện được chúng, bạn mới có thể bước tiếp, ít nhất là trên bề mặt. Khi bạn đi sâu hơn vào hành trình chữa lành tổn thương, điều quan trọng cần lưu ý là đôi khi những vết thương cũ sẽ bị hở miệng và cảm xúc sẽ trào dâng. Chỉ cần nhớ rằng: Đây cũng có thể là một khoảnh khắc chứng kiến. Hãy cố gắng đối xử tốt với bản thân và với những người mà bạn thương yêu, bất kể điều gì xảy đến đi nữa. Cách cha mẹ đối xử với bạn khi còn nhỏ không phản ánh con người thật của bạn, hay thậm chí con người thật của họ. Bạn không cần phải là hình ảnh phản chiếu sang chấn chưa được xử lý của họ.
Sau đây là một khuôn khổ mới để hiểu được sang chấn thời thơ ấu, với các nguyên mẫu mà tôi đã phát triển dựa trên các mô thức hành vi phổ biến tôi quan sát được trong quá trình thực hành lâm sàng của mình, cũng như trong cộng đồng SelfHealers. Đây hoàn toàn không phải là những kiểu mẫu để tuân thủ nghiêm ngặt. Bạn có thể cực kỳ đồng cảm với một mô thức hoặc cộng hưởng với vài mô thức trong số chúng. Bạn không cần phải ép mình cho vừa với một chiếc hộp; tôi chỉ muốn giúp bạn suy nghĩ về các mối quan hệ chính của bạn và quá trình điều kiện hóa mà bạn đã trải qua. Bước đầu tiên để chữa lành là nhận thức.
NHỮNG NGUYÊN MẪU SANG CHẤN TUỔI THƠ
1. Có cha mẹ bác bỏ thực tế của con cái
Đây là một ví dụ điển hình về sự chối bỏ thực tế: Một đứa trẻ cảm thấy không thoải mái khi ở gần một người họ hàng, vậy nên nó nói với mẹ: “Ôi, cô ấy chỉ đang cố tỏ ra dễ thương thôi”. Và người mẹ có thể đáp rằng: “Đừng có hỗn như thế”. (Chúng ta đã chứng kiến điều này ở mức độ cực kỳ nghiêm trọng với Christine và quan điểm của gia đình cô ấy về người đàn ông lạm dụng cô).
Khi cha mẹ chối bỏ thực tế của con, họ đang vô thức dạy con từ chối trực giác, “linh cảm” của chúng. Chúng ta càng học cách nghi ngờ bản thân, tiếng nói trực giác này càng chìm sâu hơn vào bên trong và ngày càng khó nghe thấy hơn. Kết quả của việc đánh mất trực giác là nội tâm của chúng ta trở nên mâu thuẫn. Chúng ta học được rằng không thể tin tưởng vào phán đoán của mình và ta phải nhìn vào người khác để định hình thực tế của chúng ta.
Việc chối bỏ thực tế của một đứa trẻ được thể hiện qua nhiều hình thức tinh vi. Một đứa trẻ có thể tâm sự với cha mẹ rằng các bạn không muốn ngồi cùng bàn ăn trưa với nó ở trường. Đối với đứa trẻ trong thời điểm đó, đây là một tình huống vô cùng đau khổ: Chúng cảm thấy bị chối bỏ và bối rối vào thời điểm mà nhu cầu được bạn bè công nhận là một phần quan trọng của quá trình phát triển. Tuy nhiên, cha mẹ có thể trả lời với một thái độ hời hợt qua loa: “Đừng lo, con sẽ tìm được những người bạn mới. Có gì đâu nào. Rồi sẽ ổn cả thôi. Mới ngày đầu tiên con đi học thôi mà!”. Cha mẹ có một cấp độ cảm xúc chưa được giải quyết nói chung sẽ cảm thấy không thoải mái khi trẻ thể hiện cảm xúc của chính trẻ và họ sẽ cố gắng gạt bỏ cảm xúc đó của con. Trong những trường hợp khác, trải nghiệm của đứa trẻ có thể kích hoạt những ký ức đau buồn trong quá khứ của cha mẹ (có thể là những ký ức mà họ đã kìm nén hoặc không nhận thức được), và bởi vì cha mẹ không biết cách ứng phó với những cảm giác khó chịu nên họ thúc giục con kìm nén và phớt lờ những cảm giác đó. Vấn đề là đứa trẻ có một cảm giác chính đáng và mong muốn được an ủi, hỗ trợ; nhưng thay vì vậy, chúng lại được bảo rằng nỗi đau ấy chẳng có gì quan trọng. Thông qua những trải nghiệm lặp đi lặp lại như vậy, trẻ sẽ học được rằng nhận thức của chúng về thực tế và những trải nghiệm cảm xúc liên quan là không đáng tin cậy.
Những thực tế trong thời thơ ấu của chúng ta thường bị phủ nhận khi cha mẹ và gia đình chúng ta gạt bỏ các vấn đề khách quan. Ví dụ, một thân chủ của tôi có cha là người nghiện rượu. Mặc dù anh có một công việc và cuộc sống khá giả, nhưng mỗi khi trở về nhà là anh lại mở một lon bia và uống suốt đêm cho đến khi say mèm và bắt đầu la hét. Khi thân chủ của tôi đủ lớn để nhận biết và nhận xét về hành vi của cha, thì mẹ anh ấy lại gạt bỏ nỗi sợ hãi của con và bào chữa cho hành vi của chồng là do “cha làm việc vất vả cả ngày”. Sự chối bỏ này là một hành vi có thể học được, vì mẹ anh ấy cũng lớn lên trong một gia đình chối bỏ thực tế sử dụng chất kích thích của một thành viên trong nhà. Tuy nhiên, theo thời gian, thân chủ của tôi dần bắt đầu kế thừa cách mẹ anh nhìn nhận về hành vi của cha anh. Thậm chí, khi bắt đầu trị liệu, anh còn nói về việc “cha tôi đã làm việc rất vất vả ”. Mãi cho đến khi chúng tôi đi sâu hơn một chút, anh mới kể về hàng dãy chai rượu rỗng và những cuộc nhậu nhẹt hằng đêm của cha anh, chúng tôi mới bắt đầu thấy được hành vi của cha anh là như thế nào.
2. Có cha mẹ không quan tâm đến con cái
Tất cả chúng ta đều từng nghe câu này: “Trẻ em là để nhìn chứ không phải để nghe”. Đó là một khẩu hiệu tóm tắt suy nghĩ của thế hệ cha ông chúng ta về việc nuôi dạy con cái. Tư duy này được sinh ra từ quan điểm cho rằng những nhu cầu của trẻ em rất cơ bản, chỉ là ăn và ở. Thế hệ cha ông chúng ta từng trải qua hoàn cảnh sống khó khăn thiếu thốn, một số người đã phải chạy trốn để sinh tồn. Họ định nghĩa việc nuôi dạy con cái thành công là đáp ứng các nhu cầu sinh tồn cơ bản của chúng chứ không cần mất thời gian chú ý đến các nhu cầu tình cảm. Ảnh hưởng của phong cách nuôi dạy con này đã được truyền lại qua những sang chấn do di truyền và chúng ta đang phải sống với những hậu quả lâu dài của nó.
Không được quan tâm đến trong thời thơ ấu là một trải nghiệm bị ngắt kết nối về mặt tình cảm với cha mẹ. Đôi khi điều này biểu hiện bằng việc cha mẹ bỏ bê con cái nghiêm trọng, nhưng thường nó xuất hiện dưới dạng những trải nghiệm tinh vi hơn. Nó có thể trông giống như một người cha hoặc mẹ đang bị những cảm xúc của chính họ áp đảo và rối bời vì căng thẳng kinh niên, hay ngược lại, một người cha hoặc mẹ luôn trong tình trạng hoàn toàn không có cảm xúc, không thể lắng nghe và hỗ trợ cho biểu hiện cảm xúc của con. Một phiên bản khác là cha mẹ hoạt động ở chế độ tự vận hành, chạy từ nhiệm vụ này sang nhiệm vụ khác, bị rối trí và không thể thực sự “nhìn thấy” đứa con trước mặt họ. Điều đó khiến họ không thể có được một mối liên hệ tình cảm sâu sắc nào với con cái, bởi vì về mặt tinh thần, họ đơn giản là “không có mặt”.
Thật đau đớn khi không được lắng nghe. Thật khó chịu khi bị phớt lờ. Thật hoang mang khi biết rằng chúng ta phải che giấu con người thật của mình để được yêu thương. Được thừa nhận là một trong những nhu cầu sâu sắc nhất của con người. Nếu lúc nhỏ, những suy nghĩ hoặc ý tưởng của bạn không được “lắng nghe”, tâm trí của bạn sẽ cảm thấy mình “bị xua đuổi”. Nếu lúc nhỏ, bạn thể hiện cho cha mẹ xem nhưng không được “nhìn thấy”, tâm hồn bạn sẽ cảm thấy mình “trở nên lạc lõng”. Sự thiếu thừa nhận này cũng có thể hình thành nên tương lai đoán trước được, nhất là khi bạn chưa kịp hiểu biết đầy đủ về những đam mê và đường đời của mình. Những trải nghiệm như vậy khiến chúng ta khó học cách tin tưởng vào khuynh hướng của bản thân mà cứ làm theo nhu cầu trực giác.
Nếu bạn đang làm cha mẹ và đọc được điều này, điều quan trọng là bạn phải nhắc nhở bản thân rằng con trẻ vượt xa chúng ta trong mối liên hệ với trực giác và Bản ngã cốt lõi của chúng. Khi trưởng thành, chúng ta dễ dàng bị lạc trong dòng suy nghĩ ổn định của chính mình. Nhưng trẻ em thì vẫn có trực giác rất cao, thế giới của chúng luôn thay đổi và vẫn đang hình thành. Trong khi cung cấp một không gian mở nhưng an toàn cho con khám phá, bạn cũng sẽ tìm hiểu về bản thân và những khả năng mà mỗi chúng ta có được khi tự do thể hiện Bản ngã đích thực của mình.
3. Có cha mẹ thực hiện tham vọng của họ thông qua con cái, hoặc cố uốn nắn, định hình con cái
Kiểu cha mẹ này thường được gọi là “phụ huynh sân khấu” – tức là họ quá sốt sắng trong việc thúc giục con trở thành diễn viên hay ca sĩ để đáp ứng nhu cầu của chính bản thân họ về danh tiếng, thành tích hoặc sự chú ý. Mặc dù nguyên mẫu này thường được kết hợp với lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, nhưng loại hành vi này không chỉ giới hạn ở sân khấu.
Thật dễ chỉ trích các bậc phụ huynh sân khấu vì trong văn hóa đại chúng, họ thường bị miêu tả là những kẻ ngược đãi con cái. Nhưng đôi khi việc thúc đẩy con cái thành công xuất phát từ một bản năng rất tự nhiên của cha mẹ: lòng tự hào. Thật không may, niềm tự hào sẽ trở nên chua chát khi động lực thúc đẩy con cái thành công của cha mẹ lại bắt nguồn từ vết thương lòng chưa được khám phá của chính cha mẹ. Những bậc phụ huynh thực hiện tham vọng của mình thông qua con cái mang trong mình một niềm tin sâu sắc và đau đớn rằng họ là “kẻ thất bại” hay không xứng đáng theo một nghĩa nào đó, và họ phóng chiếu niềm tin cốt lõi này lên con cái mình. Có lẽ một người cha muốn trở thành cầu thủ bóng rổ nhưng lại bị gãy chân trước khi có thể tham gia vào đội bóng của trường đại học, hoặc có lẽ một người mẹ muốn trở thành bác sĩ nhưng con đường đó không rộng mở với bà. Kết quả là đứa con sẽ phải gánh một áp lực thành công rất lớn – và từ bỏ phần Bản ngã đích thực của trẻ để làm cha mẹ hài lòng. Cuối cùng, việc cố gắng thiết lập giá trị của chính mình thông qua thành công của người khác sẽ dẫn đến sự thất vọng ở phía cha mẹ và sự phẫn nộ ở phía con cái khi chúng đã phải bỏ mặc nhu cầu của bản thân để đáp ứng những nhu cầu chưa được thỏa mãn của cha mẹ. Bất cứ khi nào một nhu cầu nội tại bị chối bỏ, thì sự oán giận sẽ sớm xuất hiện.
Sự đánh mất Bản ngã này có thể biểu hiện theo một số cách ở tuổi trưởng thành, nhưng tôi thấy nó thường xuyên biểu hiện ở thái độ cực kỳ do dự và chần chừ, hay mặt khác, nhu cầu thành công đến mức ám ảnh. Nói cho rõ thì đôi khi các bậc phụ huynh sân khấu hành động có chủ đích (điều này liên quan đến việc các bậc “phụ huynh Hollywood” độc ác đẩy con họ lên sân khấu để thu lợi tài chính), nhưng những trường hợp khác thì cha mẹ thực sự mong muốn con của họ có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Việc uốn nắn và định hình có nhiều hình thức và xảy ra bất cứ lúc nào cha mẹ vô thức phóng chiếu những mong muốn, nhu cầu hoặc khao khát của họ lên đứa con – chẳng hạn bảo con tránh xa những người bạn nào đó hay tập trung vào một số môn học ở trường. Nó có thể tinh vi, như khi họ nói với con: “Một ngày nào đó con sẽ trở thành một bà mẹ tuyệt vời”. Bất kỳ ý tưởng nào được phóng chiếu lên đứa trẻ mà không tính đến mong muốn, nhu cầu hoặc tài năng của trẻ đều được coi là uốn nắn hay định hình. Đây thường là một quá trình hoàn toàn vô thức. Cha mẹ có thể làm vậy mà không thấy rằng họ đang thực hiện một hành vi có vấn đề. Thật ra, họ coi đó là một hành động yêu thương (và ở cấp độ ý thức của họ thì đúng là như vậy). Nhưng đáng buồn là kết quả có thể tàn khốc đối với những người phải theo đuổi một nghề nghiệp theo truyền thống gia đình (như luật sư và bác sĩ chẳng hạn32), những người phải vật lộn để đối phó với tình trạng làm công việc trái với đam mê, và những người có thể sử dụng chất kích thích, gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần và thậm chí có thể tự tử trong trường hợp nghiêm trọng33, 34. Nhiều người trong số họ không thực sự muốn làm công việc ấy, nhưng họ cảm thấy bị thúc ép phải làm và dẫn đến kết quả là họ cảm thấy khốn khổ.
4. Có cha mẹ không làm gương về các ranh giới cá nhân
Ranh giới là định nghĩa rõ ràng về những giới hạn cá nhân của chúng ta. Trẻ em bẩm sinh hiểu được các ranh giới. Chúng hồi đáp và có thể xác định rõ ràng các ranh giới của chính mình và tiếp tục duy trì các ranh giới đó bất kể người khác phản ứng như thế nào (chỉ cần quan sát cách trẻ gần như lắc đầu theo bản năng trước điều mà chúng không thích là biết). Tuy nhiên, một số người trưởng thành lại có ít ranh giới cá nhân hơn và thường gặp khó khăn trong việc duy trì những ranh giới mà họ có. Nhiều người trong chúng ta lớn lên trong những gia đình mà cha mẹ không hiểu rõ về cách thiết lập hoặc duy trì các ranh giới của chính họ, khiến họ không thể làm gương cho ta về các giới hạn thích hợp.
Trong quá trình hành nghề trị liệu, tôi thường xuyên nghe thân chủ kể về chuyện bị cha mẹ đọc trộm nhật ký hồi nhỏ. Việc vượt qua ranh giới hoặc xâm phạm không gian riêng tư như vậy thường dẫn đến một cuộc đối đầu xấu hổ cho đứa trẻ và đôi khi trẻ còn bị trừng phạt dựa trên những gì đã bị đọc lén (như trường hợp của tôi). Những kinh nghiệm này dạy chúng ta rằng người thân có thể và thật sự phá vỡ ranh giới của chúng ta. Trong những trường hợp mà ranh giới thường xuyên bị phá vỡ, trẻ em có thể hình thành niềm tin rằng việc vượt qua ranh giới như vậy là một kiểu “gần gũi”, thậm chí là “yêu thương”, và chúng tiếp tục cho phép hành vi này tái diễn trong mối quan hệ với bạn đời ở tương lai. Ngoài ra, trẻ cũng có thể phản ứng ngược lại, là trở nên rất bí mật và bảo vệ đời sống cá nhân của chúng.
Một kiểu vượt ranh giới phổ biến khác là trường hợp một bên cha hoặc mẹ phàn nàn với con về người kia. Một số thân chủ kể rằng cha hoặc mẹ họ đã tâm sự với họ về những hành vi không tốt của người còn lại (chẳng hạn như không chung thủy hay tiêu xài phung phí). Người cha hoặc mẹ ấy có thể đang tìm kiếm từ con sự an ủi tinh thần, chứ không thể coi con như một người bạn bằng vai phải lứa. Trong những trường hợp như vậy, đứa con có thể cảm thấy choáng ngợp trước sự chia sẻ của cha hoặc mẹ và có những cảm xúc mâu thuẫn của riêng mình khi nghe những nhận xét tiêu cực về người kia.
5. Có cha mẹ quá chú trọng đến ngoại hình
Nhu cầu được người khác công nhận không chấm dứt khi chúng ta “trưởng thành”, mà sự thôi thúc được yêu thích và ngưỡng mộ sẽ theo chúng ta đến suốt cuộc đời. Cha mẹ có thể phóng chiếu nhu cầu này lên con cái theo một số cách. Đôi khi nó thể hiện rõ ràng như: Cha mẹ nhận xét về cân nặng của con hoặc ám ảnh về việc con lúc nào cũng phải trông thật “chỉnh tề”; cha mẹ quá quan tâm đến tiểu tiết, chẳng hạn như cách con gái buộc tóc. Trẻ sẽ nhanh chóng hiểu rằng một số phần trên cơ thể chúng “chấp nhận được”, còn một số phần còn lại thì không. Điều này khởi đầu cho một niềm tin suốt đời rằng điều kiện để được yêu thương là phải có vẻ ngoài ưa nhìn.
Dấu ấn như vậy cũng xảy ra khi cha mẹ của chúng ta quá chú trọng đến ngoại hình của họ, điển hình như quá ám ảnh việc ăn kiêng, chú ý quá nhiều đến việc chải chuốt hoặc tập thể dục quá mức. Họ coi một số loại thực phẩm là “xấu” hay “gây béo”. Họ nhận xét về cơ thể hoặc ngoại hình của bạn bè, người thân hoặc những người nổi tiếng. Không nhất thiết là cha mẹ hướng những phát biểu này của họ vào đứa con, nhưng như chúng ta đã biết, trẻ em là một miếng bọt biển và chúng sẽ nhận thấy khi nào niềm tin cốt lõi của cha mẹ quá tập trung vào hình ảnh vẻ ngoài.
Ở quy mô lớn hơn, chúng ta có thể thấy được điều này qua việc cha mẹ cư xử ở bên ngoài theo một cách khác hẳn so với khi ở nhà. Cách cư xử khác biệt như vậy dạy cho đứa trẻ rằng con người có thể có một “bản ngã giả tạo”. Chẳng hạn các thành viên trong gia đình thường xuyên cãi nhau hoặc la hét ở nhà, nhưng lại nói năng và hành động một cách dễ thương hay ít nhất là lịch sự ở nơi công cộng, đề cao tính cách mà thật ra là những chiếc mặt nạ. Trẻ em nhanh chóng học được rằng chúng phải thay đổi bản thân tùy theo nơi chúng đang ở – giống như cha mẹ vẫn làm – để tồn tại và được yêu thương.
6. Có cha mẹ không thể điều hòa cảm xúc
Điều hòa cảm xúc là quá trình trải nghiệm cảm xúc, để cho cảm giác truyền qua cơ thể (thay vì cố gắng đánh lạc hướng bản thân bằng ma túy, rượu, điện thoại hay thức ăn), hít thở cho qua cảm giác, thậm chí có thể xác định nó (“Lúc này mình đang tức giận” hoặc “Mình đang buồn”), cho đến khi cảm xúc ấy cuối cùng cũng qua đi. Thực hành điều hòa cảm xúc giúp chúng ta giữ được sự cân bằng và bình tĩnh vượt qua những căng thẳng khác nhau trong cuộc sống để trở về trạng thái cơ bản về mặt sinh lý.
Hầu hết cha mẹ của chúng ta còn không thể xác định, chứ chưa nói đến điều hòa, cảm xúc của họ. Thay vào đó, khi cảm xúc ngập tràn hoặc nhiều cảm xúc mãnh liệt ập đến cùng một lúc, họ không biết phải làm gì. Một số người có thể phóng chiếu năng lượng cảm xúc chưa được giải phóng đó của họ ra bên ngoài, như la hét, đóng sập cửa và ném đồ đạc hoặc bỏ đi một cách giận dữ. Đối với những người khác, cảm xúc hướng vào bên trong, dẫn đến một kiểu thu mình nào đó – họ im lặng hoặc trở nên lạnh lùng. Cách xử sự lạnh lùng xảy ra khi cha mẹ trở nên xa cách về mặt tình cảm hoặc rút lại tình yêu dành cho con, thường là do cảm xúc bị lấn át. Khi không thể kiểm soát cảm xúc của mình về một trải nghiệm cụ thể nào đó, cha mẹ đóng chặt mình lại và bỏ mặc con cái. Nhiều người trong cộng đồng SelfHealers chịu ảnh hưởng từ trải nghiệm này; một số người đồng nhất bản thân với hiện tượng cha mẹ họ sử dụng giải pháp im lặng đối với họ như một hình phạt. Trong giới trị liệu của chúng tôi, người ta thường nói về việc họ có cha mẹ xa cách; cha mẹ ngừng nói chuyện với con cái; cha mẹ dàn xếp cho các thành viên khác trong gia đình hắt hủi con cái. Khi chúng ta có cha mẹ khép kín thay vì biết kiểm soát cảm xúc của họ, chúng ta sẽ noi theo khuôn mẫu đó, và thường khó phát triển các kỹ năng ứng phó cho phép chúng ta xây dựng khả năng phục hồi cảm xúc của chính mình.
ỨNG PHÓ VỚI SANG CHẤN
“Mày là đồ con lợn! Mày là thứ rác rưởi! Mày là sự sỉ nhục của gia đình!”, mẹ tôi từng hét vào mặt tôi như thế.
Khoảnh khắc khủng khiếp đó là một trong những ví dụ hiếm hoi về sự bùng nổ của mẹ tôi sau nhiều năm bà cố kìm nén cảm xúc. Nó xảy ra sau đám cưới chị gái tôi. Tôi là phù dâu và được phép mời ba người bạn đại học thân nhất đến dự tiệc. Một trong những người bạn thân đó là Katie, người bạn gái mà tôi vẫn giấu gia đình.
Không ai, kể cả bạn bè của chúng tôi, biết Katie và tôi là một cặp. Chúng tôi không xấu hổ, thật sự là vậy; chỉ là Kaite là mối quan hệ đồng giới đầu tiên của tôi và tôi thấy không cần phải công bố với cả thế giới, chứ nói gì đến một gia đình mà tôi chưa bao giờ bàn sâu về bất cứ điều gì. Buổi sáng hôm đãi tiệc, tôi và bạn bè bắt đầu uống khá nhiều. Tôi nhớ mình đã thổn thức khi xem điệu nhảy của cha tôi và chị gái mà thoạt nhìn có lẽ khá kỳ quặc với bạn bè và gia đình, vì tôi không thể nào xúc động vì một truyền thống trong đám cưới như thế. Nhưng ẩn sâu bên trong, lòng tôi nhói lên một cảm giác mất mát sâu sắc khi biết rằng tôi sẽ không thể thực hiện nghi thức này với cha, bởi tôi sẽ không đời nào thực hiện một đám cưới truyền thống như thế! Màn đêm dần buông, và càng buồn, tôi càng thu mình hơn.
Katie cũng say xỉn và cảm thấy khó chịu vì cách xử sự xa cách của tôi. Mỗi lần cô ấy cố nhảy với tôi, tôi đều gạt cô ấy ra. Rồi cô ấy cố hôn tôi, tôi nhìn cô ấy như một kẻ thô lỗ. Katie nổi giận và bỏ đi. Tiếp đó là một trận cãi vã, và tất cả mọi người trong hội trường đều thấy rõ rằng giữa hai chúng tôi có một mối quan hệ tình cảm nào đó.
Nhưng tôi đã chối bỏ đủ để tin rằng chúng tôi đã thoát khỏi chuyện đó. Không ai nhắc đến Katie vào đêm đó và hôm sau. Mãi đến một tháng sau, lúc tôi trở lại Đại học Cornell ở ngoại ô New York, mẹ tôi mới bất chợt xuất hiện mà không báo trước. Bà cùng cha tôi lái xe từ Philadelphia đến trong ngày. Khi tôi vừa mở cửa, bà đã lao thẳng vào và hét lên những lời đau đớn đó. Bà cứ la hét trong khi tôi cố gắng đẩy bà ra khỏi căn hộ của mình. Cảnh tượng trở nên ồn ào đến mức một người hàng xóm đã chạy ra xem tôi có cần giúp đỡ hay không. Tôi kéo bà ra khỏi căn hộ và đẩy bà vào xe với cha tôi. Ông đang ngồi gục đầu, không nói một lời. Tôi thấy vô cùng ngạc nhiên, vì mẹ hiếm khi bộc lộ cảm xúc đến mức này, một cơn bùng nổ gây xáo động cho tất cả chúng tôi.
Vài tháng sau, tôi quay về nhà cha mẹ để nghỉ hè, và mẹ tôi đã hành động như thể tôi không tồn tại, như thể bà có thể đi xuyên qua tôi vì tôi là người vô hình, một hồn ma. Nếu chúng tôi tình cờ gặp nhau trên hành lang, bà sẽ ngẩng đầu đi qua và ánh mắt tập trung vào phía đằng sau tôi. Cha tôi vờ đồng tình nhưng vẫn nói chuyện với tôi. Đó là khi những sang chấn trong thời thơ ấu của tôi được nhận diện đầy đủ. Tôi thật không xứng đáng, không thể yêu nổi. Tôi không tồn tại. Cảm giác trong tôi gần như là nhẹ nhõm khi tôi trở thành những gì mà tôi vốn rất sợ. Đó là điều mà tôi đã rèn luyện trong suốt cuộc đời mình. Đó là khi chiếc “phi thuyền” của tôi hoạt động.
Sự rút lui cảm xúc tiếp diễn trong nhiều tuần, cho đến một ngày bất ngờ mẹ tôi bắt đầu nói chuyện lại với tôi và hành động như thể chưa từng có chuyện gì xảy ra giữa chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ nói về khuynh hướng tính dục của tôi nữa, và bà hoàn toàn chấp nhận những người bạn gái tương lai của tôi như thể bà chưa từng cư xử theo cách nào khác. Thật ra, chúng tôi chưa bao giờ nói về chuyện bà la mắng tôi lần nào nữa. Sau nhiều năm kìm chế, cơ thể bà đã trút sạch toàn bộ cảm xúc trong một lúc, dẫn đến cảm xúc tuôn trào quá mức, đến độ tiêu cực. Khi lớp bụi cuối cùng lắng xuống, dường như bà khó có thể tin rằng mình lại phản ứng như vậy – rằng bà lại có thể nảy ra cảm xúc thù địch như vậy.
Khi trải qua những mối quan hệ tình cảm hồi còn là một thiếu nữ mới lớn, tôi luôn thấy mình bị giằng co giữa việc phản ứng và đóng băng về cảm xúc. Tôi thường chọn quen những người phụ nữ mà giờ đây nhìn lại, tôi thấy rằng họ gợi tôi nhớ đến mẹ tôi. Họ bị xa lánh, bị ruồng rẫy, và thường không có cảm xúc. Khi họ không thể cho tôi những gì tôi cần (tình cảm hoặc sự quan tâm thường xuyên), tôi sẽ phản ứng, gọi điện hoặc nhắn tin rất nhiều, tôi nổi nóng và gây gổ. Nếu cuối cùng tôi có được cơn bùng nổ cảm xúc mà mình thèm khát, thì tôi sẽ trở nên tách biệt và xa cách – trở thành bóng ma mà tôi đã học cách trở thành từ khi còn nhỏ. Tôi đổ lỗi cho họ khi mối quan hệ chắc chắn đã trở nên tồi tệ. Nhưng sự thật là tôi bị mắc kẹt trong những khuôn mẫu bị điều kiện hóa mà tất cả đều là chiến lược đối phó, hoặc đó là phương cách tôi điều khiển và kiểm soát sự rối loạn nội tâm của mình.
Năm 1984, hai nhà tâm lý học đột phá chuyên nghiên cứu về stress và cảm xúc, cố giáo sư Richard Lazarus ở Đại học California – Berkeley và giáo sư Susan Folkman ở Đại học Califorina – San Francisco, đã trình bày một lý thuyết về sự ứng phó, mà họ định nghĩa là “những nỗ lực thay đổi nhận thức hành vi liên tục để quản lý các nhu cầu cụ thể bên ngoài và bên trong [vượt quá] nguồn lực của một người”35. Nói cách khác, ứng phó là một chiến lược có thể học hỏi để kiểm soát sự bất an sâu thẳm do stress tạo ra trong cơ thể và tâm trí.
Lazarus và Folkman đã phác thảo các chiến lược ứng phó thích ứng và không thích ứng. Ứng phó thích ứng là trạng thái tích cực quay lại với cảm giác an toàn, chẳng hạn như đối mặt trực diện với một vấn đề hoặc chuyển hướng các suy nghĩ tiêu cực. Mấu chốt ở đây là tính tích cực; ứng phó thích ứng đòi hỏi sự nỗ lực và thừa nhận có ý thức về cảm giác khó chịu. Việc sử dụng chiến lược ứng phó chủ động có thể sẽ khó khăn hơn khi chúng ta không có hình mẫu sẵn để làm theo hoặc không được dạy cách sử dụng chúng.
Các chiến lược ứng phó không thích ứng, thường là do chúng ta học được từ những người chăm sóc ta, giúp chúng ta xao lãng hoặc giảm bớt cảm giác khó chịu trong chốc lát (ví dụ như cách tôi đã nốc rượu trong tiệc cưới của chị tôi) hoặc tránh né bất kỳ phản ứng cảm xúc nào (giống như tôi cũng đã làm khi rơi vào trạng thái phân ly). Tuy nhiên, cả hai nỗ lực đối phó để giúp giảm bớt đau khổ này cuối cùng lại khiến chúng ta mất kết nối nhiều hơn với Bản ngã đích thực.
Cách chúng ta đối mặt và phản ứng với một môi trường cụ thể thì ít liên quan đến môi trường ấy mà liên quan nhiều hơn đến các chiến lược ứng phó có điều kiện của chúng ta với stress. Giả sử hai người có cùng một công việc yêu cầu hiệu suất cao và độ căng thẳng cũng lớn. Sonia ứng phó với căng thẳng bằng cách thực hiện các chiến lược ứng phó thích ứng: tập thể dục thường xuyên để giải tỏa căng thẳng, hoặc gọi cho một người bạn thân để tâm sự. Michael cũng đang chiến đấu với những áp lực tương tự nhưng anh có thể sử dụng chất gây nghiện để khỏi phải chú ý và thoát khỏi thực tại của mình. Mặc dù anh ấy có thể cảm thấy ổn hơn trong phút chốc, nhưng sáng hôm sau khi thức dậy, anh sẽ cảm thấy mơ hồ, mất tập trung và khổ sở. Lúc này, sự căng thẳng và xấu hổ tăng thêm và chu kỳ đối phó không thích ứng lại tiếp tục.
Tôi đã nhìn thấy rất nhiều chiến lược đối phó không thích ứng trong quá trình hành nghề điều trị lâm sàng. Một số cách phổ biến nhất bao gồm:
• Làm vừa lòng mọi người. Một khi bạn đáp ứng được đòi hỏi của người khác, căng thẳng sẽ (tạm thời) biến mất.
• Tức giận hoặc thịnh nộ. Nếu bạn có thể xả cảm xúc vào người khác, bạn đã giải phóng nó.
• Phân ly. Bạn “rời bỏ cơ thể mình” trong một sự kiện gây stress để không phải “trải qua” sang chấn ngay từ đầu. Về mặt tình dục, hình thức tách rời này có thể liên quan đến việc quan hệ tình dục với những người mà chúng ta không thực sự thích thú; mặt khác, nó có thể liên quan đến việc dâng hiến bản thân để làm vừa lòng người kia, mà không có bất kỳ nhận thức hoặc sự chú ý nào đến niềm vui của chính mình.
Tất cả các chiến lược đối phó này cho phép chúng ta tránh lặp lại hoặc làm sống lại những sang chấn trong quá khứ, giúp trì hoãn ngay lập tức nỗi đau. Nhưng chúng không giúp chúng ta đáp ứng đầy đủ các mong muốn và nhu cầu về thể chất, tình cảm, tinh thần. Khi nhu cầu của chúng ta thường xuyên không được đáp ứng, thì nỗi đau và sự mất kết nối của chúng ta sẽ tăng lên gấp bội. Bản năng tự bảo toàn dẫn đến sự tự phản bội bản thân. Đó là một vòng lặp mà chúng ta có thể dễ dàng mắc kẹt vào. Khi vòng lặp của sang chấn chưa được giải quyết, sự lặp đi lặp lại của các hành vi đối phó không thích ứng và sự kiên quyết từ chối Bản ngã sẽ làm cho nỗi đau tiếp tục tồn tại trong tâm trí và cơ thể chúng ta, nơi mà cuối cùng nó có thể khiến chúng ta sinh bệnh.
TIỀM NĂNG THAY ĐỔI
Tất cả chúng ta đều mang trong mình những sang chấn chưa được giải quyết. Và như chúng ta đã thấy, mức độ nghiêm trọng của bản thân sự kiện thì không quan trọng bằng chính phản ứng của chúng ta với sự kiện vì phản ứng ấy mới quyết định sự kiện ấy ảnh hưởng sâu sắc lên ta như thế nào. Khả năng phục hồi được học hỏi thông qua hoàn cảnh; nếu lúc nhỏ chúng ta không nhìn thấy những người chăm sóc ta có được khả năng phục hồi, thì có thể ta chưa bao giờ học được nó. Nhưng khi chúng ta thực hiện hành trình chữa lành để giải quyết sang chấn, ta có thể trở nên kiên cường hơn. Trên thực tế, những trải nghiệm này có thể trở thành chất xúc tác để chuyển hóa sâu sắc.
Khi chia sẻ thông tin về sang chấn với cộng đồng trực tuyến SelfHealers của mình, tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ mọi người với những câu hỏi như: “Cô nói rằng tất cả mọi người đều bị sang chấn sao?” hay “Phải làm sao để tôi không làm các con tôi bị sang chấn?”. Điểm mấu chốt là đây: Sang chấn là một phần của cuộc sống và là điều bạn không thể tránh khỏi. Trải nghiệm đầu tiên của bạn trên trái đất này – được sinh ra đời – đã là một sang chấn, có thể cho cả bạn và mẹ bạn. Nhưng chúng ta không nhất thiết phải chịu sống một cuộc đời đau khổ và bệnh tật chỉ vì đã trải qua sang chấn. Chúng ta không cần phải lặp lại những khuôn mẫu đã định hình nên cuộc sống ban đầu của mình. Khi thực hiện hành trình chữa lành, chúng ta có thể thay đổi. Chúng ta có thể tiến về phía trước. Chúng ta có thể tự chữa lành.
Sang chấn có thể mang tính phổ quát, nhưng nó cũng mang tính cá nhân, ảnh hưởng một cách riêng biệt đến mỗi con người về mặt toàn thể – hệ thần kinh, phản ứng miễn dịch, mọi bộ phận sinh lý của họ. Bước đầu tiên để chữa lành tâm trí và cơ thể là bạn biết mình đang phải đối mặt với điều gì – xác định những tổn thương chưa được giải quyết. Bước tiếp theo là hiểu được những tác động lâu dài của sang chấn này và cách các chiến lược đối phó mà bạn học được đang khiến bạn bế tắc.
THỰC HIỆN HÀNH TRÌNH CHỮA LÀNH: XÁC ĐỊNH NHỮNG TỔN THƯƠNG THỜI THƠ ẤU
Để nhận ra những tổn thương thời thơ ấu của cá nhân bạn hoặc những cảm xúc bị kìm nén, hãy dành chút thời gian để suy nghĩ và viết ra dựa trên những gợi ý sau đây. Bạn chỉ cần trả lời ở những trải nghiệm phù hợp với bạn. Ngoài ra, nhiều người bị sang chấn chưa được giải quyết, bao gồm cả tôi, không có nhiều ký ức, vậy nên đừng lo lắng nếu bạn không có câu trả lời nào cho những câu hỏi này. Hãy cứ khám phá bất cứ điều gì bạn nghĩ đến.
CÓ CHA MẸ BÁC BỎ THỰC TẾ CỦA CON CÁI
Hãy nhớ về một thời điểm khi còn nhỏ, bạn đến gặp cha mẹ (hoặc người chăm sóc nào khác) để chia sẻ một ý tưởng, cảm xúc hoặc trải nghiệm và họ phản hồi theo cách bác bỏ điều bạn nói. Ví dụ: Câu trả lời của họ có thể là: “Không phải thế đâu”, “Chuyện đó chẳng có gì to tát”, “Con nên quên nó đi”. Hãy dành chút thời gian để kết nối với bản ngã đứa trẻ bên trong bạn, khám phá những gì bạn có thể đã cảm nhận khi cha mẹ của bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) phản ứng như thế. Hãy sử dụng gợi ý sau đây:
Trong thời thơ ấu, khi cha mẹ tôi (hoặc người chăm sóc nào khác)_______________, tôi cảm thấy_______________.
CÓ CHA MẸ KHÔNG QUAN TÂM ĐẾN CON CÁI
Hãy nhớ về một thời điểm khi còn nhỏ, bạn muốn được cha mẹ (hoặc người chăm sóc nào khác) quan tâm đến bạn, nhưng họ có vẻ bị phân tâm, bận rộn hoặc khiến bạn cảm thấy không được thừa nhận. Hãy dành chút thời gian để ghi lại những hoàn cảnh trong quá khứ khiến bạn cảm thấy không được nhìn thấy hay nghe thấy. Sau đó, hãy suy ngẫm và viết về những cách mà bạn có thể đã thử để thu hút sự chú ý của họ. Bạn đã “đóng kịch”, “thể hiện thái độ” hay thu mình lại? Hãy sử dụng gợi ý sau đây:
Trong thời thơ ấu, khi cha mẹ tôi (hoặc người chăm sóc nào khác)_______________, tôi cảm thấy_______________.
Để đối phó, tôi_______________.
CÓ CHA MẸ THỰC HIỆN THAM VỌNG CỦA HỌ THÔNG QUA CON CÁI, HOẶC CỐ UỐN NẮN, ĐỊNH HÌNH CON CÁI
Hãy nhớ về một thời điểm khi còn nhỏ, bạn nhận được thông điệp về việc bạn là ai (hoặc không phải là ai). Cha mẹ (hoặc người chăm sóc nào khác) của bạn có nói rằng: “Con quá nhạy cảm như mẹ con” hoặc “Con cần học giỏi để gia đình tự hào” không? Bạn có say mê và gắn kết với những mục tiêu đó như họ đã từng, hay bạn thấy như thể bạn đang làm những việc đó chỉ để họ hài lòng?
Hãy dành chút thời gian để ghi lại những thông điệp khác nhau về bản thân mà bạn có thể đã nhận được trong thời thơ ấu, đồng thời viết ra bạn đã bị ảnh hưởng ra sao bởi những mong muốn trực tiếp hoặc gián tiếp của cha mẹ (hoặc người chăm sóc nào khác). Hãy sử dụng gợi ý sau đây:
TRONG THỜI THƠ ẤU...
Tôi đã nhận được những thông điệp như sau về bản thân mình:_______________
Tôi biết rằng cha mẹ (hoặc người chăm sóc nào khác) mong muốn những điều sau đây từ tôi:_______________
CÓ CHA MẸ KHÔNG LÀM GƯƠNG VỀ CÁC RANH GIỚI CÁ NHÂN
Hãy dành chút thời gian để nghĩ lại những trải nghiệm của bạn với các ranh giới cá nhân và những lần bạn vi phạm chúng trong thời thơ ấu cũng như về các loại giới hạn (hoặc thiếu giới hạn) khác nhau mà cha mẹ của bạn đã làm mẫu về tổng thể. Hãy sử dụng gợi ý sau đây:
TRONG THỜI THƠ ẤU...
Bạn có cảm thấy thoải mái khi nói lời từ chối không? Hay cha mẹ bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) bảo bạn phải cư xử theo một cách cụ thể nào đó?_______________
Cha mẹ bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) có đặt ra giới hạn rõ ràng về thời gian, năng lượng và nguồn lực trong các mối quan hệ của họ không?_______________
Cha mẹ bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) có tôn trọng quyền riêng tư của bạn không, hay họ đã từng xâm phạm quyền riêng tư của bạn? Chẳng hạn như: đọc nhật ký, nghe điện thoại hoặc một hành vi rình mò khác._______________
Cha mẹ của bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) có cho phép bạn trò chuyện, tương tác và trải nghiệm với người khác mà không can thiệp?_______________
CÓ CHA MẸ QUÁ CHÚ TRỌNG ĐẾN NGOẠI HÌNH
Trong thời thơ ấu, nhiều người trong chúng ta đã nhận được những thông điệp trực tiếp và gián tiếp về ngoại hình của mình. Cha mẹ thậm chí còn nhận xét thẳng thừng, kiểu như: “Con nên xõa tóc ra”, “Đùi con càng ngày càng to”, “Con thật sự nghĩ ăn thêm một phần nữa là ý hay à?”, hoặc “Con sẽ đẹp hơn rất nhiều nếu không mặc đồ theo kiểu đó”. Đôi khi những nhận xét như vậy cũng có thể nhắm vào người khác. Cha mẹ bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) có thể đã nhận xét về ngoại hình của những người xung quanh, nhấn mạnh một số điểm tích cực và một số điểm tiêu cực. Sự chú trọng của cha mẹ bạn về ngoại hình của chính họ hay những nghi thức liên quan cũng ảnh hưởng đến niềm tin và giá trị của bạn về điều gì có thể chấp nhận được và điều gì thì không. Hãy sử dụng gợi ý sau đây:
Những thông điệp bạn nhận được liên quan đến ngoại hình là gì?_______________
CÓ CHA MẸ KHÔNG THỂ ĐIỀU HÒA CẢM XÚC
Một trong những khía cạnh quan trọng nhất về sức khỏe cảm xúc của bạn là cách bạn điều chỉnh và xử lý cảm xúc của mình. Trong thời thơ ấu, bạn học cách điều hòa cảm xúc nhờ quan sát cha mẹ bạn thể hiện (hoặc không thể hiện) cảm xúc của họ thế nào và cách họ phản ứng khi bạn thể hiện cảm xúc của bạn. Hãy dành chút thời gian để suy ngẫm về cách điều hòa cảm xúc trong thời thơ ấu của bạn. Hãy sử dụng gợi ý sau đây:
Khi cha mẹ bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) trải nghiệm một cảm xúc mạnh mẽ (chẳng hạn như tức giận hoặc buồn bã) thì họ phản ứng thế nào? Ví dụ, họ có đóng sập cửa, trút giận lên người khác, la hét hay thực hiện “giải pháp im lặng” không?_______________
Cha mẹ bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) có một chiến lược đối phó cụ thể nào không? Ví dụ, họ có chi tiêu quá mức khi mua sắm, sử dụng chất kích thích, tránh né một số cảm xúc nhất định (hoặc tất cả cảm xúc) không?_______________
Khi cha mẹ bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) có phản ứng mạnh về cảm xúc, họ giao tiếp với bạn hoặc những người xung quanh như thế nào? Ví dụ, họ có dùng đến cách bôi nhọ, đổ lỗi, sỉ nhục hoặc tuyệt giao không?_______________
Sau một phản ứng mạnh về cảm xúc, cha mẹ bạn (hoặc người chăm sóc nào khác) có dành thời gian để giải thích hoặc giúp bạn xử lý cảm xúc của bạn về những gì đã xảy ra không?_______________
Hồi nhỏ, tôi đã nhận được những thông điệp sau đây về cảm xúc nói chung hay cảm xúc của tôi nói riêng:_______________