Sự nhàn hạ khiến cô gái vốn đã quen bận rộn như Ôn Nhiễm cảm thấy nhàm chán và vô vị. Niềm vui lớn nhất của cô trong những ngày này là cùng mẹ chăm sóc mấy bồn hoa của cha. Cô vừa cần mẫn cắt cành, tỉa lá vừa nói chuyện với mẹ. Cô chợt nhận ra, kể từ hôm anh chính thức ra mắt, hay đúng hơn là sau cái tát tủi hờn ấy, mẹ và cô dường như gần gũi nhau hơn. Bà không còn sắm vai một cô giáo nghiêm khắc nữa mà trở về với hình tượng là một người mẹ hiền, bao dung độ lượng.
“Nhiễm Nhiễm, mẹ có chuyện này muốn nói với con”, bà Ôn đặt kéo xuống, nhìn Ôn Nhiễm.
“Vâng ạ”, cô ngước đầu lên cho thấy mình đang nghe mẹ nói nhưng đôi tay vẫn thoăn thoắt tỉa lá.
“Con có nhớ hôm Tết Dương lịch mẹ bảo không cho con về nhà không?”
“Vâng, con có”, chiếc kéo trong tay cô khựng lại dù đã cố gắng giữ bình tĩnh, “Sao vậy mẹ?”.
Bà Ôn thở dài.
“Thật ra mấy hôm ấy bệnh của mẹ lại tái phát nên mẹ phải nhập viện.”
“Gì cơ?”, cô nhìn mẹ ngạc nhiên.
“Bệnh cũ thôi mà. Mẹ chỉ nằm viện có vài hôm nên không nói cho con biết, sợ con lại lo lắng cho mẹ”, bà Ôn nở nụ cười đôn hậu rồi âu yếm vuốt mái tóc cô.
Chuyện đó cô đã biết từ lâu, lo lắng thì cũng đã lo lắng rồi. Cô dịu giọng nói với mẹ: “Bây giờ mẹ mới kể cho con chuyện này, không sợ là con vì lo cho mẹ mà giận luôn sao?”.
“Mấy hôm ấy chú út con tới thành phố T họp. Chú con vẫn thường qua nhà thăm mẹ, đúng hôm ấy mẹ trở bệnh nên chú đưa mẹ vào viện luôn. Lúc đó, thầy Diệp cũng có mặt.”
Thầy Diệp cũng có mặt sao?
“Con nhớ lúc đó mẹ nói với con, thầy Diệp đến nhà ta…”
Bà Ôn cười ái ngại: “Không phải đến nhà ta, mà là đến bệnh viện. Mẹ nằm viện độ một tuần, ngày nào cậu ấy cũng tới thăm mẹ. Kể cũng tội, nghe chú Hạng Chi kể, công việc của cậu ấy rất bận, cả ngày đi đi về về giữa hai thành phố chắc là mệt lắm”.
“Mẹ bảo… ngày nào anh ấy cũng đến bệnh viện thăm mẹ sao?” Ôn Nhiễm lặng người.
“Lúc đó mẹ đã nghĩ một giảng viên bình thường tại sao lại quan tâm đến gia đình, phụ huynh của sinh viên đến vậy chứ? Hóa ra là…”, bà ngập ngừng, lén nhìn cô con gái mặt ửng đỏ ngượng ngùng, tủm tỉm: “Con gặp may rồi đó, có được một người đàn ông dám vì con mà làm rất rất nhiều thứ”.
Ôn Nhiễm cúi đầu không đáp. Cô quay cuồng giữa hàng tá những bất ngờ dồn dập, nào là chuyện ông nội đẩy Triệu Vị Xuyên cho cô, nào là tin mẹ phát bệnh được bác gái thông báo gấp, rồi đến chuyện anh tỏ tình với cô. Lúc ấy cô cố tình tránh mặt anh. Anh biết vậy nên cũng tránh không xuất hiện trước mặt cô. Nhưng ngờ đâu, trong mấy ngày cô vắt óc tìm cách từ chối tình cảm của anh, anh lại một vai hai gánh, vừa lo chuyện công việc bộn bề, vừa lo chăm sóc cho mẹ cô. Chắc chắn thời gian đó anh rất mệt mỏi, mệt tới nỗi bệnh đau nửa đầu của anh lại tái phát, tới nỗi anh lại phải dùng thuốc hỗ trợ.
“Mẹ!” Đột nhiên, Ôn Nhiễm nắm lấy bàn tay mẹ rưng rưng, mở lời một cách khó nhọc.
Bà Ôn hiểu ý cô, bàn tay chai sạn sương gió vỗ nhẹ lên tay cô an ủi.
“Ngốc, mẹ thật không biết con đang phân vân hay do dự điều gì nữa. Thực ra mẹ rất ngưỡng mộ con. Nếu ngày xưa bố con cũng kiên nhẫn như vậy, tận tâm như vậy, có lẽ mẹ đã nhẹ lòng hơn đôi chút, cuộc sống cũng dễ chịu hơn đôi chút. Làm người nên biết trân trọng hạnh phúc mình đang có, phải vậy không?”
“Vâng”, Ôn Nhiễm gật đầu, “Con hiểu rồi mẹ ạ!”.
Đêm Ba mươi vừa chạm ngõ, Ôn Nhiễm và mẹ làm vài món đơn giản ăn tất niên rồi thả mình trên sô pha xem các chương trình truyền hình cuối năm. Ánh đèn êm ả chiếu lên nét mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt cô. Mẹ cô vỗ về: “Buồn ngủ thì mau đi ngủ đi, có mẹ ngồi đây canh giao thừa rồi”. Ôn Nhiễm lắc đầu, định nói gì đó thì điện thoại trong túi áo đổ chuông. Cô lén nhìn mẹ rồi chui tọt vào phòng nghe điện thoại với đôi má ửng hồng.
“A lô!”
“Em đang làm gì thế?”
Giọng anh có chút gì đó xa xôi, hình như đang ở bên ngoài. Ôn Nhiễm ngồi bên bậu cửa sổ, lặng ngắm pháo hoa tỏa thứ ánh sáng mê hoặc trên nền trời đêm yên tĩnh.
“Em đang đón giao thừa với mẹ. Em buồn ngủ quá, mắt sắp sụp mí đến nơi rồi. Anh đang ở đâu vậy?”
“Anh sao?” Diệp Dĩ Trinh khẽ cười, anh đút một tay vào túi áo khoác, thư thái ngắm nhìn bầu trời Kinh Sơn bừng sáng một vùng pháo hoa rực rỡ, “Anh đang ở trên núi”.
“Trên núi?” Đầu bên kia vọng lại những tiếng ngạc nhiên.
“Ừm! Anh đang ở trên núi”, Diệp Dĩ Trinh nhắc lại, “Em còn nhớ anh đã dặn em để dành vài ngày rảnh rỗi cho anh không?”.
“Em nhớ, sao vậy?”, sắc hồng đào dâng lên đôi má cô. “Ừm! Em nhớ là tốt rồi”, tiếng anh cười giòn tan, “Em buồn ngủ thì đi ngủ đi, trẻ con không thức canh đêm giao thừa cũng được mà”.
“Cái gì?” Ôn Nhiễm sẵng giọng.
“Anh cúp máy đây”, tiếng nói hòa với tiếng cười của anh hóm hỉnh.
“Đợi một lát”, cô vội lên tiếng, “Em có điều này muốn nói với anh”.
“Ừm, gì thế?” Anh lặng im nghe cô nói.
“Là… à…”, Ôn Nhiễm lắp bắp, ấp úng mãi không ra hơi.
Anh “ừm” đáp lại đầy kiên nhẫn, còn cô lại có tư tưởng tháo chạy. Cô tự trách mình quá đường đột, bốc đồng, không kiềm chế được cảm xúc nên mới gọi anh như thế. Cô ngồi lại ngay ngắn và bắt đầu ra sức gọt giũa ngôn từ của mình: “Em… anh…”.
Tuy cô ấp úng chẳng nói được một câu trọn vẹn nhưng Diệp Dĩ Trinh hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của câu nói dở dang ấy. Anh đỡ lời: “Em nhớ anh?”.
“A lô! A lô!”, Ôn Nhiễm giả đò không nghe rõ hòng che giấu vẻ ngượng ngùng.
Diệp Dĩ Trinh cười lớn rồi ôn tồn an ủi: “Được rồi, anh biết rồi”. Ánh mắt anh chăm chú quyện với ánh trăng hiền hòa mà yên tĩnh, giọng anh bỗng nhẹ bẫng và dịu dàng đến lạ, cuốn cô vào thế giới của riêng anh: “Anh cũng thế!”.
Tối hôm đó, Ôn Nhiễm lên MSN nói chuyện với Diêu Miên Miên, không ngừng hỏi cô nàng một câu hỏi lạ lùng khó hiểu: “Có phải tất cả các ông chú đều nói mấy câu sến sẩm không chớp mắt không?”.
Sau vài phút im lặng, Miên Miên gửi cho Ôn Nhiễm biểu tượng mặt méo xẹo kèm theo lời nhắn: “Em ơi, có hai trường hợp để các ông chú ấy phát ngôn những câu như thế, một là đang chán đời, hai là có ý đồ đen tối, cưng ạ”.
“Quan trọng là ông chú này vừa có ý đồ đen tối vừa nói những lời sến súa rất trôi chảy cơ.”
“ Ồ! Thế thì cậu gặp phải ông chú… thành tinh rồi!”
Ôn Nhiễm ngồi ngơ ngẩn nhìn tin nhắn của cô bạn thân hiện trên màn hình trước khi kéo chăn trùm đầu ngủ thiếp đi.
Mới sáng sớm bà Ôn đã gọi Ôn Nhiễm dậy. Bà vừa luộc xong nồi sủi cảo nên gọi cô dậy ăn cho nóng. Ôn Nhiễm hít hà hương sủi cảo trong nồi nước dùng thơm nức, từ từ ngồi vào bàn, nhón một chiếc bánh bỏ vào miệng nuốt chửng. Điện thoại trong túi áo lại đổ chuông, là hàng số quen thuộc.
“A lô!”, vẫn cái giọng phụng phịu, ấm ức ấy.
Đầu bên kia đáp nhẹ, không để bụng thái độ bướng bỉnh của cô: “Em ăn sáng chưa?”.
“Em đang ăn.”
“Tối qua thành phố B có tuyết lớn đấy”, Diệp Dĩ Trinh thông báo.
Ôn Nhiễm vò đầu ngây ngô, ngoài cửa sổ là một vùng trắng xóa vô định: “Vậy à, tiếc thật, mấy ngày hôm nay thành phố T lại nắng to”, cô bịa đặt.
Đầu bên kia vang lên tiếng anh cười thoải mái: “Thế người tuyết trước nhà là thế nào? Chẳng lẽ anh nhìn nhầm sao?”.
Ôn Nhiễm giật mình chạy đến bên cửa sổ. Lớp băng đóng trên bậu cửa khá dày khiến cô phải dùng sức mới cậy cửa ra được. Chiếc xe quen thuộc và cả ông chú quen thuộc đang đứng dưới nhà trên nền tuyết trắng xóa. Anh mặc chiếc áo khoác màu xám, hai tay đút trong túi áo ngước mắt nhìn Ôn Nhiễm đang thò nửa đầu ra, không quên tặng cô một nụ cười dịu dàng: “Chào buổi sáng!”.
Anh thật là…
Ôn Nhiễm đóng sầm cửa lại, chưa kịp khoác áo khoác đã vội chạy xuống đón anh. Vừa thấy cô trong bộ dạng mỏng manh giữa cái lạnh như cắt da cắt thịt, đôi mày anh đã chau lại.
“Sao anh lại đến vào giờ này?”
“Tối qua em còn nói là nhớ lời anh, hôm nay đã quên rồi sao?” Diệp Dĩ Trinh nheo nheo đôi mắt cuốn hút.
“Đâu có”, cô lắc đầu nguầy nguậy phân bua, lòng chợt nghĩ Diệp Dĩ Trinh đúng là ông chú thành tinh, những ông chú bình thường khác rơi vào trường hợp này đều sẽ ôm lấy cô gái bé nhỏ trước mặt mình, còn anh thì lại trừng trừng nhìn cô, hết cau mày lại nheo mắt ra vẻ bí hiểm.
“Thế thì tốt rồi. Mấy ngày này cùng anh đi đến một nơi nhé!” Anh hào hứng đề nghị.
“Nơi… nơi nào thế?” Cô lắp bắp hỏi.
“Đến nơi rồi em sẽ biết!” Anh xoay người nở nụ cười nhẹ nhõm.
Ôn Nhiễm xin phép mẹ rồi cùng Diệp Dĩ Trinh lên xe, sau năm tiếng đồng hồ ròng rã, chiếc xe chở hai người đến một thị trấn nhỏ.
Ôn Nhiễm mơ màng tỉnh dậy sau giấc ngủ chập chờn. Chiếc xe nằm ngoan ngoãn bên chiếc cầu đá cong. Cô bước xuống, ngỡ ngàng nhìn thị trấn nhỏ trước mắt: “Đây là đâu thế?”.
Diệp Dĩ Trinh cười mỉm, khẽ vuốt tóc cô. Ôn Nhiễm giật mình chợt nhớ tới một địa danh.
“Thị trấn Thạch Kiều?”
“Ừm! Là thị trấn Thạch Kiều”, anh đáp, đưa mắt nhìn xung quanh. Nơi đây lâu rồi anh không tới nhưng may thay, anh vẫn nhớ đường chứ không đi lạc.
“Sao lại đến đây?”
“Lát nữa em sẽ biết”, anh vừa nói vừa thẳng bước tiến về cánh cổng màu đen to rộng.
Cánh cổng lớn phủ đầy bụi thời gian, hai vòng kim loại trên cửa đã ngả màu. Diệp Dĩ Trinh lưỡng lự vài giây mới đặt tay lên gõ. Lát sau, có người ra mở cửa. Một ông lão ăn vận giản đơn, mí mắt hấp háy lim dim sau giấc ngủ chưa tròn vì bị ai đó phá bĩnh, vừa nhìn thấy Dĩ Trinh, đôi mắt ngái ngủ chợt bừng sáng, gương mặt mừng rỡ, phấn khởi hẳn lên.
“Cậu… cậu Diệp?”
Anh nhoẻn cười, dắt tay Ôn Nhiễm. “Vâng, cháu đây bác Triệu.”
Bác Triệu nở nụ cười hiền từ chất phác với Ôn Nhiễm, mở rộng cửa mời hai người vào.
“Cô cậu đến đúng lúc quá, những năm trước cứ đầu năm là cậu Diệp lại tới. Năm nay chờ mãi không thấy nên tôi đang chuẩn bị về quê đây. Hành lý tôi cũng đã thu dọn xong cả rồi đây này. Cậu đến làm tôi mừng quá!” Bác Triệu vừa nói vừa dẫn họ vào phòng khách, đưa tay kéo tấm rèm đậm màu xưa cũ.
“Cháu sơ ý quá, lẽ ra nên gọi điện cho bác trước”, Diệp Dĩ Trinh nói.
Tấm rèm kéo lên mở lối cho ánh sáng tràn vào phòng.
Lúc này Ôn Nhiễm mới nhìn rõ lối bài trí kiểu cổ mà đơn giản trong căn phòng khách cũng cổ không kém. Đồ đạc trong phòng đều đã có tuổi nhưng sạch sẽ không bám bụi do thường xuyên có người lau chùi. Ôn Nhiễm thấy mình như đang trôi về thời xưa, cảm giác về một thứ gì đó đã lùi vào dĩ vãng, tàn tạ và thê lương cứ nhen lên trong lòng cô. Cô kéo nhẹ áo anh: “Đây là…”.
“Đây là ngôi nhà anh ở hồi bé, trước khi lên sáu tuổi”, Diệp Dĩ Trinh mỉm cười ôn tồn rồi ngẩng đầu nhìn khắp căn phòng.
Trước khi anh sáu tuổi? Lâu như vậy ư? Ôn Nhiễm mở to mắt vì ngạc nhiên.
Bác Triệu cởi áo khoác ngoài, nụ cười hiền hậu chất phác.
“Cậu Diệp, cậu và cô cứ tự nhiên đi tham quan một vòng, tôi đi nhóm bếp đun ấm nước đã nhé!”
“Làm phiền bác rồi, bác Triệu”, Diệp Dĩ Trinh gật đầu rồi quay sang Ôn Nhiễm, “Em có muốn lên lầu tham quan chút không?”.
“Vâng”, Ôn Nhiễm bước theo anh.
Trấn Thạch Kiều cách thành phố B khá xa. Ôn Nhiễm và Diệp Dĩ Trinh mất gần nửa ngày mới tới. Với cô, ngôi nhà này mang đậm lối kiến trúc cổ điển hình của những thị trấn nhỏ phía Nam, mang hơi thở nhẹ nhàng, yên tĩnh mà thanh cao.
Tường nhà dán những bức tranh màu sắc sặc sỡ. Khó mà tin được đây là nơi anh ở hồi nhỏ.
“Đẹp quá!” Im lặng hồi lâu, giờ mới thấy cô mở lời.
Cô quay lại nhìn người đàn ông đang đứng sát phía sau mình, “Anh ở đây những sáu năm?”.
“Ừm”, anh cầm tay dẫn cô đi đến một căn phòng khác. Các phòng đều được bác Triệu quét dọn sạch sẽ. Ôn Nhiễm vuốt tay lên tấm chăn trải ngay ngắn trên giường. Tấm chăn dày mềm khiến cô chỉ muốn ngả lưng ra hưởng thụ sự êm ái ấy.
“Đây là phòng anh ở hồi nhỏ”, anh vừa dứt lời, Ôn Nhiễm ngẩng đầu nhìn thích thú, “Và cũng là phòng em ngủ tối nay”.
Quan hệ của hai người còn chưa tới mức đó. Hơi nóng dần dâng lên khiến gương mặt cô ửng hồng.
Bác Triệu đích thân xuống bếp trổ tài nấu bữa tối, đồ ăn thanh đạm và rất vừa miệng. Ôn Nhiễm bưng bát cơm vừa ăn vừa nghe bác Triệu và Diệp Dĩ Trinh nói chuyện với nhau.
“Lần này về cậu định ở lại mấy ngày?”
“Không lâu đâu. Bác thu xếp mọi thứ xong thì cứ về quê đi ạ, ở đây cháu tự lo liệu được”, anh vừa nói vừa gắp vào bát Ôn Nhiễm chút thức ăn, nhìn cô ăn ngon miệng, anh cũng yên tâm phần nào. Vậy mà trước khi đến đây, anh cứ lo cô ăn đồ Bắc quen rồi, khẩu vị miền Nam khác biệt sẽ nuốt không trôi.
“Vâng”, bác Triệu gật đầu, “Cậu qua đây, bên nhà không biết ư?”.
“Biết chứ”, Diệp Dĩ Trinh cười nhạt, “Chưa biết chừng ngày mai sẽ có người tới nữa đấy”.
Hai người đàn ông nhìn nhau cười. Ôn Nhiễm ngẩng đầu nhìn họ tò mò. Diệp Dĩ Trinh vuốt tóc cô dịu dàng.
“Em ăn xong rồi đi nghỉ sớm đi, có chuyện kể đêm khuya đấy!”
“…”
Ôn Nhiễm đã hai mươi mốt rồi, cô cũng có cái gọi là tự trọng của riêng mình, không phải anh thích vuốt tóc lúc nào thì vuốt, thích kể Alibaba lúc nào thì kể Alibaba. Thế nên, để dỗ dành cô bé đang hờn dỗi phụng phịu này, anh đành đổi câu chuyện Alibaba thành: Diệp Dĩ Trinh tự truyện - Sáu năm đầu đời.
Diệp Dĩ Trinh tựa lưng vào thành giường ngắm cô gái đang nằm trùm chăn chỉ để lộ cặp mắt to tròn mà không nhịn nổi cười.
“Em muốn biết điều gì nào?”
“Cái gì em cũng muốn biết”, Ôn Nhiễm chớp chớp mắt. “Nếu em đã đọc những thứ đăng trên diễn đàn trường thì em đã biết những cái cần biết rồi đấy”, anh liếc mắt nhìn cô.
“Nhưng em muốn nghe anh kể cơ”, giọng cô yếu ớt hẳn sau cái nhìn bí hiểm của anh.
Anh thở một hơi dài, đặt cuốn sách xuống bàn rồi vòng tay ôm chặt eo cô. Cô giật mình không dám cựa quậy. Dạo gần đây anh tỏ ra vô cùng nguy hiểm, nguy hiểm đến độ có thể hôn cô bất cứ lúc nào.
Ý nghĩ vừa lóe qua, cô liền nhắm nghiền mắt lại. Nhưng cảnh tượng đang diễn ra trong đầu cô lại không xảy ra. Cô nghe thấy giọng anh phả vào không gian yên tĩnh: “Ôn Nhiễm, mở mắt ra đi”.
Cô từ từ hé đôi mắt nhìn anh chớp nhẹ ngụ ý làm hòa. Anh bỗng liên tưởng tới chú mèo Đa Đa nuôi ở nhà, hễ phạm lỗi là lại nhìn anh với ánh mắt ướt át tội nghiệp mà thành khẩn khiến anh chẳng thể trách phạt. Cô cũng thế!
Anh cúi thấp đầu xuống, chăm chú ngắm nhìn cô, hàng lông mày khẽ nhếch: “Câu chuyện này hơi dài, nếu như anh kể, anh phải đòi lại một cái gì đó…”.
Thấy Ôn Nhiễm rụt người lại, anh đính chính: “Em yên tâm, anh không đòi gì quá đáng đâu”.
Thực ra sau khi xem bài viết về Diệp Dĩ Trinh trên diễn đàn trường, Ôn Nhiễm đã phần nào biết chút thông tin về gia đình anh, bao gồm cả chuyện của mẹ anh. Kẻ thứ ba, ba tiếng ấy cứ ám ảnh cô mãi.
“Lúc quen mẹ anh, cha anh đã có gia đình riêng rồi”, giọng anh đượm vẻ phong trần.
Ôn Nhiễm ngẩng đầu nghe anh kể.
“Mẹ anh cũng biết chuyện đó, nhưng cả hai lúc ấy đều không khống chế được bản thân nữa”, anh vừa nói, vừa đưa tay vuốt mái tóc rối của cô, tựa cằm vào đầu cô kể tiếp, “Sau đó, cha anh quyết định ly hôn để về sống với mẹ”.
“Thế… sau đó thì sao?”
“Sau đó?” Anh cười nhạt, “Sau đó… mẹ anh mất sớm”. “Tại sao vậy?” Ôn Nhiễm không giấu nổi sự ngạc nhiên. “Lúc đó, anh đang học ở nước ngoài thì nhận được cuộc điện thoại từ trong nước gọi sang, thông báo mẹ anh đã mất.
Bác sĩ bảo mẹ anh vì có quá nhiều tâm sự không giải tỏa được, chất chứa lâu ngày khiến bà trầm cảm nặng, buồn rầu đến suy sụp. Sức khỏe bà vốn yếu nên không qua khỏi”, anh khựng lại một lúc rồi nói tiếp, “Anh nghĩ mẹ anh mất cũng vì nguyên nhân ấy”.
Khi ấy anh còn trẻ, đã bị cha đưa sang nước ngoài học tập. Nhận được tin mẹ mất, anh gần như chết lặng. Ba ngày, phải ba ngày sau khi nhận được tin dữ ấy, anh mới về nước, không ai biết cậu thanh niên ấy nghĩ gì, làm gì trong ba ngày ấy. Anh lúc nào cũng vậy, chỉ để cho người khác thấy sự lãnh đạm cùng gương mặt phẳng lặng không một gợn cảm xúc. Mọi suy nghĩ hay tâm tư anh giấu cho riêng mình và cũng chỉ mình anh mới hiểu. Ôm hộp tro của mẹ trong tay, anh đau đớn tự hỏi cái gì đã đem đến cho mẹ sự dũng cảm lớn đến thế? Để một người phụ nữ yếu đuối như bà tình nguyện hy sinh tất cả, theo đuổi mối tình ngang trái chẳng hề đẹp đẽ này? Người phụ nữ ấy chỉ biết tình yêu có thể mang lại một kết thúc viên mãn, không chút mảy may nghĩ rằng tình yêu ở bất cứ thời điểm nào cũng có thể biến thành ly rượu độc. Điều đáng tiếc là một khi đã sa chân vào tấm lưới tình yêu ấy, chỉ có một sự lựa chọn duy nhất là đâm lao theo lao mà thôi.
Ôn Nhiễm lặng yên hồi lâu mới mở lời: “Bác gái đã bao giờ hối hận về quyết định đó chưa?”.
“Nếu anh nói là chưa bao giờ”, anh ngập ngừng, “Thì có hơi quá không?”.
Ánh mắt Ôn Nhiễm ngưng đọng tại giây phút ấy. Cô nghe thấy vị đắng cay và chua chát trong lời nói của anh. Một người đàn ông dù kiên cường đến đâu, cứng rắn đến đâu, hoàn hảo đến đâu, tận sâu tâm khảm vẫn luôn tồn tại chút yếu đuối mà người bình thường khó lòng chạm tới. Cô lúc này dường như đã chạm tới điểm yếu ấy của anh, nơi mà nỗi đau của tuổi trẻ khắc nghiệt càng trở nên nhức nhối.
Đôi mắt cay cay ngần đỏ, Ôn Nhiễm vội lắc đầu khẽ giọng đáp: “Không đâu”.
“Ừm.”
Anh cúi xuống nhìn sâu vào cô, lòng dâng lên niềm cảm kích vô hạn. Cô đột nhiên nhướn về phía anh, vị ngọt ngào đọng trên môi anh khe khẽ. Anh thoáng chút bất ngờ nhưng nhanh chóng lấy lại thế chủ động, đôi tay siết chặt eo cô, nuốt trọn bờ môi cô mềm mại. Cô để anh cuốn mình vào đam mê say đắm, cảm nhận tình yêu dạt dào anh dành cho cô qua chiếc hôn ngọt ngào. Nhưng ngay lúc cô tưởng mình và anh sẽ vượt quá giới hạn thì anh bất ngờ buông cô ra, trán anh vẫn áp vào trán cô âu yếm.
“Ôn Nhiễm, anh dạy em cách thể hiện sự thông cảm là như vậy sao?” Giọng anh có chút đứt đoạn, bàn tay vẫn siết lấy eo cô. Hơi thở gấp gáp của cô ban nãy khiến anh không dám tiến xa hơn, anh sợ mình sẽ làm cô kinh hãi.
“Đó không phải là thông cảm”, cô vội vàng phân bua, thêm chút ấm ức vì bị hiểu lầm.
Anh tủm tỉm cười, rút tay rời khỏi người cô.
“Anh hiểu rồi, em mau ngủ đi. Kể chuyện đêm khuya đến đây kết thúc!”
Thực ra anh làm vậy vì biết bây giờ chưa phải thời điểm thích hợp. Cô vẫn chưa hoàn toàn sẵn sàng. Nhưng Ôn Nhiễm không biết được suy nghĩ của anh, buồn bã trốn mình trong chăn ấm, trái tim non nớt vẫn chưa thôi loạn nhịp. Tâm trí cô cứ vướng víu và đau đáu mãi, lần đầu cô chủ động hôn anh, lại bị anh từ chối.
Sáng hôm sau tỉnh dậy soi gương, Ôn Nhiễm phát hiện hai quầng thâm đã mọc ngay dưới mắt. Cũng may trong phòng không có ai, cô bèn xuống nhà múc nước rửa mặt.
Bác Triệu ân cần rót thêm vào chậu chút nước nóng. “Cô mới tới nên lạ giường, chắc hôm qua không ngủ say giấc đúng không?”
“Dạ vâng”, Ôn Nhiễm đáp rồi lấy khăn mặt day day đôi mắt gấu trúc.
“Ngôi nhà này cũng nhiều tuổi rồi, lại không hay có người ghé thăm. Cậu Diệp nhà tôi cũng chưa từng đưa ai đến đây cả.”
“Thật… thật vậy ạ?” Gương mặt cô ửng hồng, miệng lắp bắp, “Bác Triệu, bác làm việc ở đây bao lâu rồi?”.
“Cũng lâu rồi”, ông cười, “Nhà tôi ở dưới quê, tôi là hàng xóm của mẹ cậu Diệp. Kể từ ngày bà ấy rời quê, tôi không gặp lại bà ấy nữa, là cậu Diệp đến tìm và nhờ tôi tới trông nom căn nhà này”.
“Ồ! Vậy… anh ấy đâu rồi ạ?” Cô ngó quanh nhưng không thấy bóng dáng anh đâu.
“Cậu Diệp bảo đi ra ngoài một lát, chắc chút nữa là về ngay thôi”, rót nước xong, bác Triệu vào bếp làm cơm, còn Ôn Nhiễm vẫn cật lực xoa đôi mắt thâm quầng.
Bỗng bên ngoài vọng vào tiếng còi xe. Ôn Nhiễm tò mò nên thò đầu ra xem, là một người lạ, một phụ nữ trung niên với mái tóc gọn gàng khoác chiếc khăn choàng tối màu sang trọng. Khí chất của bà rất giống của mẹ cô.
Người phụ nữ ấy vừa đẩy cửa vào thì bắt gặp Ôn Nhiễm. Bà khẽ cười. Ôn Nhiễm khép nép chào, đến khi nhìn thấy bóng dáng cao lớn phía sau người phụ nữ trung niên, Diệp Dĩ Trinh thì...? Anh cúi người đặt hành lý của bà vào trong nhà: “Dì, đây là Ôn Nhiễm”.
Người phụ nữ nở nụ cười tươi rồi chìa tay ra phía cô:
“Chào cô bé”.
Ôn Nhiễm điếng người, ném cho anh cái nhìn giận dữ. Anh cười có vẻ đắc trí. Ôn Nhiễm đưa tay nắm lấy tay dì: “Cháu chào dì ạ!”.
Dì anh, bà Tề đến quá đột ngột khiến Ôn Nhiễm có chút gượng gạo thiếu tự nhiên. Lần này bà Tề về nước thực ra là tiền trảm hậu tấu. Biết Diệp Dĩ Trinh không thể đưa Ôn Nhiễm sang Canada ra mắt nên bà quyết định đặt vé máy bay đích thân về nước duyệt bạn gái cho cháu trai. Lúc Diệp Dĩ Trinh hay tin thì bà đã ngồi xe hai tiếng đồng hồ đến bến xe của trấn Thạch Kiều chờ anh ra đón.
Nhân lúc bà Tề còn nghỉ ngơi sau chuyến đi dài, Ôn Nhiễm nhăn nhó chạy đến ngồi trước mặt Diệp Dĩ Trinh: “Thầy Diệp”, cô gọi với giọng hằm hè. Anh hiểu cảm giác của cô, nhưng không hề lo lắng, chỉ trấn an cô.
“Dì Tề là dì ruột của anh. Dì rất dễ gần nên em không cần quá lo lắng đâu.”
Cô đưa tay xoa xoa mặt làm bộ nghĩ ngợi, thật thà nói với anh, “Em còn chưa chuẩn bị gì. Em không ăn sáng nữa đâu. Em về phòng lên tinh thần cái đã”, vừa dứt lời cô nhổm dậy quay người đi.
Anh đưa tay níu vai cô ngồi lại ngay ngắn trước mặt mình, dịu dàng nói với cô, “Không sao đâu mà! Cả nhà có dì là gần gũi với anh nhất, cũng là người thương anh nhất.
Cho nên em không cần quá lo lắng, cũng không nên quá e dè giữ kẽ. Dì hiểu anh, hiểu tính cách của anh, nên sẽ chấp nhận người con gái anh yêu. Em thấy đấy, em và dì vừa gặp nhau không phải rất tốt sao?”.
“Thật không?” Ôn Nhiễm nghi ngờ, “Dì anh không thấy em rất gượng gạo à?”.
Diệp Dĩ Trinh suy nghĩ một lát rồi gật đầu nói, “Tốt hơn so với tưởng tượng của anh nhiều”, nói rồi anh vòng tay ôm eo cô, ghé miệng thì thầm vào tai cô dịu dàng, “Anh còn sợ em sẽ ngượng đến mức quay đầu bỏ chạy ngay tức thì cơ”.
“…”
Lời an ủi của anh thật có sức mạnh to lớn khiến cô im lặng không phản kháng được nữa. Theo như cách nói của anh, cô đã thể hiện rất tốt, chẳng phải vậy sao?
Bữa sáng do bác Triệu tự tay nấu, cháo hoa thanh đạm mà vừa miệng kèm chút dưa góp coi bộ rất dễ ăn. Bác Triệu nói với dì Tề: “Bà đã tới đây rồi nên tôi không về quê nữa, ở lại đây thêm vài hôm”.
“Không cần đâu, bác cứ yên tâm về quê đi. Tôi ở đây có mấy ngày thôi, cũng không quen để người khác chăm lo cho mình từng li từng tí”, nói rồi bà quay sang bảo Diệp Dĩ Trinh, “Dĩ Trinh, cháu đưa bác Triệu về nhé, đang dịp nghỉ Tết nên cũng không tiện bắt xe đâu”.
“Không cần đâu”, bác Triệu vội xua tay.
Quê bác Triệu cách đây khá xa, đi về cũng phải mất bốn tiếng chạy xe, nghĩa là mất nguyên cả buổi chiều cả đi cả về. Diệp Dĩ Trinh hạ đũa xuống, mắt nheo nheo cười với dì Tề. Đôi mắt bà hiền từ cũng nhìn anh cười đầy ngụ ý. Đành nghe theo sự sắp xếp của dì, anh chuyển hướng nhìn Ôn Nhiễm đang dùng bữa, dù sao cô cũng phải làm quen và dần thích nghi với người thân trong gia đình anh. Dì Tề đã ra tay thì còn gì bằng nữa. Nhưng anh vẫn cẩn thận đáp lại dì bằng ánh mắt sắc bén kiên định, dịch ra thành lời sẽ là: “Dì không được phép bắt nạt cô ấy!”.
Dì Tề nháy mắt ra hiệu đồng ý với sự thỏa thuận của anh.
Dùng xong bữa sáng, Ôn Nhiễm giúp bác Triệu mang hành lý ra xe. Nhìn cô khệ nệ xách túi đồ cồng kềnh, Diệp Dĩ Trinh bật cười rồi lại nhẹ nhàng vuốt tóc cô.
“Ôn Nhiễm!” “Dạ.”
“Thực ra dì Tề không có sở thích gì đặc biệt ngoài sở thích chọc ngoáy người khác.”
Thích chọc ngoáy? Ôn Nhiễm đờ đẫn, chớp mắt liên tục. Nhìn người phụ nữ ngồi trước mặt tao nhã nhẹ nhàng nâng cốc cà phê lên uống, Ôn Nhiễm không tài nào ghép cái sở thích kì cục ấy lên bà được. Không khí ấm áp bao trùm cả căn phòng. Ôn Nhiễm chỉ mặc một chiếc áo len cao cổ đơn giản ngồi yên trên ghế nhìn mô hình thiết kế mẫu. Dì Tề là kiến trúc sư, lần này về nước, ngoài việc gặp mặt cô ra thì bà còn có mục đích khác, đó là tìm kiếm cảm hứng thiết kế. Ôn Nhiễm vừa nhìn bà vừa than thở, một cô gái chẳng có chút năng khiếu nghệ thuật nào như cô chỉ có thể nhìn bà ngưỡng mộ mà thôi.
Nhìn biểu cảm của cô, bà Tề cười đôn hậu, đặt cốc cà phê xuống bàn, hỏi, “Cháu sao thế?”.
“Đẹp quá dì ạ, chỉ tiếc là cháu không rành về nghệ thuật, thường ngày cũng rất ít tiếp xúc”, Ôn Nhiễm thành thật trả lời.
“Vậy sao? Thế cháu tiếp xúc nhiều nhất với thứ gì?” “Các biểu đồ ạ”, Ôn Nhiễm vẫn thật thà, “Cháu học
Kinh tế, chủ yếu học Kế toán và Thương mại nên hầu như chỉ tiếp xúc với các loại biểu đồ và công thức thôi ạ”.
Câu trả lời quá đỗi thật thà của Ôn Nhiễm làm bà Tề bật cười thành tiếng, lại nhấp thêm một ngụm cà phê: “Đó có lẽ cũng được coi là nghệ thuật, dưới cái nhìn của cậu ấy”.
“Cậu ấy”, không nhắc đến tên nhưng ai cũng hiểu.
Ôn Nhiễm gật đầu, nghĩ ngợi một lúc rồi chợt cười để lộ đôi má lúm đồng tiền đáng yêu.
“Có lúc cháu thấy anh ấy thật sự rất tài giỏi.”
“Ồ!” Ngữ điệu kéo dài cho thấy bà muốn tiếp tục nghe cô nói.
“Đúng là như thế đấy ạ. Dì không thấy vậy sao? Một người tốt nghiệp trường đại học danh giá ở nước ngoài khi về nước chẳng lẽ chỉ làm một giảng viên dạy học sao? Dù có làm giảng viên đi nữa nhưng chắc chắn anh ấy luôn mang đến cho người khác cảm giác tò mò về thân phận của mình. Cháu nghĩ anh ấy lựa chọn như vậy thực ra là muốn tìm kiếm niềm vui thôi.”
“Đến giờ cháu vẫn gọi Dĩ Trinh là thầy sao?” Bà Tề hỏi với ý thăm dò. Ánh mắt bà như muốn nói: Đã cùng nhau ở dưới một mái nhà, việc có thể xảy ra chắc cũng đã xảy ra rồi…
Ánh mắt ấy làm Ôn Nhiễm dựng tóc gáy. “Cháu… tạm thời cháu vẫn chưa sửa được ạ.”
“Đây không phải là vấn đề thói quen mà là vấn đề về tâm lý, hoặc là cháu chưa hoàn toàn tiếp nhận tình cảm của nó.”
“Sao ạ?”
“Vậy cháu nói cho dì nghe tình cảm của cháu như thế nào đi, cháu ngưỡng mộ nó hay yêu nó?”
Câu hỏi này của bà làm Ôn Nhiễm bối rối. Cô đặt chén trà xuống, hai tay ôm gối trầm tư: “Cháu không rõ nữa. Dì, ngưỡng mộ và yêu không giống nhau sao?”.
Bà Tề bật cười đáp: “Dĩ nhiên là không giống nhau rồi”, khẽ xoay người, bà nói tiếp, “Yêu sâu sắc hơn thích hay ngưỡng mộ. Một khi đã yêu, người ta khó lòng tách khỏi nhau được. Dì thấy tình cảm của cháu chắc chưa đến mức đó”.
Ôn Nhiễm cúi đầu, chút thất vọng hiển hiện trên gương mặt cô rõ rệt, tiếng cô khẽ cất lên trong không gian yên tĩnh: “Dì… dì sẽ phản đối chúng cháu đúng không?”.
Câu hỏi dường như ngây ngô của Ôn Nhiễm lần nữa lại làm bà bật cười. Cô bé này thú vị thật.
“Cháu nghĩ với người như Dĩ Trinh, dì phản đối hay không liệu có tác dụng gì không? Dì chỉ hy vọng hai đứa nếu đến với nhau thì hãy vui vẻ chung sống, nếu có chia tay cũng không oán hận gì nhau cả, dĩ nhiên dì thích giả thiết đầu tiên hơn. Người con gái khi yêu cần sự dũng cảm, vì thế đừng hoài phí sự dũng cảm của mình. Hãy cùng người mình yêu xây nên hạnh phúc chứ đừng phó mặc cho số kiếp hay duyên phận.”
Bà Tề vừa dứt lời đã thấy cô gái ngồi trước mặt nhìn bà chăm chú.
“Cháu hiểu rồi, cảm ơn dì!”
Mười giờ tối Diệp Dĩ Trinh mới từ quê bác Triệu về đến trấn Thạch Kiều. Anh dừng xe dựa lưng vào thành ghế lái cho tỉnh rượu. Bác Triệu nhất nhất đòi giữ anh ở lại ăn tối với cả nhà rồi mới để anh về. Không nỡ phụ lòng hiếu khách của bác nên anh đành ở lại, mới uống với bác Triệu vài chén rượu Dương Mai của nhà ngâm mà người anh đã lâng lâng như say. Anh nhướng mày, vô tình nhìn lên căn phòng trên tầng hai còn sáng đèn, một lúc sau đèn tắt, chắc cô ngủ rồi.
Anh khẽ đẩy cửa vào, không ngờ đèn trong phòng khách còn sáng. Dì Tề đang làm việc với chiếc máy tính xách tay, thấy anh về, bà cười vui vẻ.
“Sao thế? Thấy người đợi không phải là cô bé họ Ôn nên thất vọng hả?”
“Dì, dì coi thường cháu quá đấy”, anh cười nhạt. “Được rồi”, dì Tề nhún vai, “Thực ra cô bé ấy định gọi điện cho cháu nhưng dì khuyên không nên, thế là cô bé lại thôi”.
“Dì khuyên thế nào ạ?”, anh tỏ vẻ tò mò. Dì Tề tủm tỉm cười.
“Dì bảo đường ở dưới quê khó đi, trong lúc lái xe mà nghe điện thoại thì không tiện lắm. Cô bé này còn rất dễ dỗ nữa, vừa lên tầng ngủ rồi.”
Diệp Dĩ Trinh nheo mắt định cất bước lên tầng. “Này, đợi đã, dì đang nói chuyện với cháu đấy.” “Chuyện gì ạ?”
“Dĩ Trinh, cháu đã nghĩ đến bố cháu chưa?” Dì Tề nói, “Cháu đã bao giờ thử nghĩ cho bố cháu chưa?”.
“Cháu hiểu”, Diệp Dĩ Trinh trầm giọng, “Nhưng cháu nghĩ đó không phải vấn đề”.
Dì Tề so vai, “Được như vậy thì tốt”.
Ở lại trấn Thạch Kiều ba ngày, Ôn Nhiễm mới quay về thành phố T. Trước khi đi, Ôn Nhiễm và dì Tề cứ lưu luyến mãi khiến Diệp Dĩ Trinh không khỏi ngạc nhiên. Anh không ngờ hai người lại có thể thân tới mức ấy chỉ sau hai ngày làm quen ngắn ngủi. Có một điều anh chắc chắn không biết, đó là vào buổi chiều ngày anh đưa bác Triệu về quê, dì Tề đã kể cho cô nghe biết bao nhiêu chuyện về anh, đặc biệt là chúng thú vị hơn truyện kể đêm khuya của anh rất nhiều.
“Dì không về cùng chúng con sao?” Ôn Nhiễm ngân ngấn lệ, chuyện về Diệp Dĩ Trinh cô dường như vẫn còn muốn nghe thêm nữa.
Dì Tề tươi cười, đưa tay vuốt tóc cô.
“Ngoan, đợi khi nào có thời gian dì sẽ qua thăm con.” Dì – con?
Diệp Dĩ Trinh tròn mắt nhìn dì Tề. Dì giục: “Dì còn ở đây để tìm cảm hứng, hai đứa cứ về trước đi”.
Diệp Dĩ Trinh không chờ Ôn Nhiễm kịp có phản ứng đã vội nhét cô vào trong xe. Chỉ có ba ngày, chỉ có ba ngày mà đã xưng hô “dì – con” thân mật vậy rồi, khác nào gạt anh sang một bên?
Kỳ học mới sắp bắt đầu, Ôn Nhiễm trở về trường trước hai ngày. Đặt chân vào ký túc, cô ngỡ ngàng nhận ra Lưu Phi Phi và Lâm Sanh đã lên từ bao giờ.
“Hai cậu lên sớm thế?”
Lâm Sanh vừa đọc sách vừa nói: “Tớ đăng kí thi CPA nên phải về trường sớm để nghiên cứu, trượt thì không biết tốn bao nhiêu tiền”.
Nghiêm trọng thế sao?
Ôn Nhiễm quay sang Phi Phi: “Thế còn cậu?”.
Phi Phi không đáp. Lâm Sanh cười đỡ lời: “Cậu ấy à, còn phải nói nữa sao, chẳng phải vì tình yêu thì còn vì cái gì nữa”.
Phi Phi tức giận, với quyển sách úp lên mặt, giọng hờn dỗi: “Cậu ghen tỵ với người ta hả?”.
Ôn Nhiễm nhoẻn miệng cười, cảm giác thân thuộc lại trở về chỉ sau vài phút trò chuyện.
“À phải rồi Ôn Nhiễm, sáng nay tôi qua chỗ chủ nhiệm khoa, nghe nói Đồng Chu xin nghỉ hai tháng mới quay lại nhập học.”
“Tại sao?” Ôn Nhiễm ngạc nhiên.
“Nghe chủ nhiệm khoa nói hình như nhà cậu ấy có vấn đề gì đó”, Lâm Sanh nhún vai, “Bố cậu ấy gặp tai nạn giao thông trên đường đi làm, bị thương khá nặng nên giờ trở thành người thực vật rồi”.
“Người… người thực vật?” Ôn Nhiễm không dám tin vào những gì vừa nghe. Cô vội mở điện thoại bấm số Đồng Chu nhưng điện thoại vẫn không ngừng kêu những tiếng “tút… tút…” vô vọng. Chắc hẳn Đồng Chu bây giờ không muốn nhận điện thoại của cô.
Ngày đầu của học kỳ mới, Ôn Nhiễm bàn giao lại hai lớp Thương mại Quốc tế cho cô Từ. Cô Từ gầy đi nhiều, thân hình bé nhỏ héo hon khiến người khác không khỏi xót thương. Ôn Nhiễm cũng từng nếm trải cảm giác mất đi người cha thân yêu nên cô hiểu cảm giác đau xót quặn thắt khó lòng miêu tả, ngoài bản thân mình ra không ai có thể giúp đỡ vượt qua nỗi đau mất mát ấy. Cô đưa bàn tay mảnh dẻ vỗ về, an ủi, “Lễ tang tổ chức ổn thỏa cả chứ ạ?”.
“Cảm ơn em. Tôi nghe học sinh trong lớp kể lại, cô Ôn và các em sinh viên phối hợp với nhau rất tốt.”
“Vậy ạ? Cũng tạm cô ạ”, Ôn Nhiễm ngượng ngịu. “Theo như tôi biết thì không chỉ tàm tạm thôi đâu, cô giáo có thể khiến cậu lớp trưởng thầm thương trộm nhớ thì đâu phải tàm tạm nữa chứ?”, cô Từ cười trìu mến.
Đến cả chuyện này mà cô ấy cũng biết?
Ôn Nhiễm cười gượng gạo. Tình cảm ở độ tuổi ấy đều rất trong sáng, vì thế Ôn Nhiễm vô cùng cảm kích, cảm kích vì có người đã dành tình cảm ấy cho mình, là tôn trọng, ngưỡng mộ hoặc là thích một cách đơn thuần. Chắc nhiều năm qua đi, khi những rung động ấy dần lắng xuống không còn chút dấu vết, thi thoảng nhớ lại họ sẽ cười, một nụ cười nhẹ nhàng và thanh thản.
Buổi trưa, Diệp Dĩ Trinh đưa Ôn Nhiễm đi ăn. Từ ngày rời khỏi trấn Thạch Kiều trở về, anh lại bắt đầu bận rộn với guồng quay công việc. Cô xót xa khi thấy anh còn bận hơn cả đám sinh viên, ít ra đám sinh viên còn có hai kỳ nghỉ một năm. Vừa nghe Ôn Nhiễm nhắc tới Phàn Ánh Trạch, Diệp Dĩ Trinh khi ấy đang cắt miếng beefsteak trong đĩa mình có đôi chút ngập ngừng, anh khẽ cười, nhận xét: “Đó là một cậu bé ngoan”.
“Đúng rồi, đúng rồi”, Ôn Nhiễm cười đắc ý, dù gì đó cũng là học sinh lớp cô dạy nửa năm học. Cậu được anh khen cô cũng được thơm lây.
“Em biết mà”, Ôn Nhiễm ủ rũ, nhìn anh một lúc lâu chợt khiến cô tươi tỉnh trở lại, “Thầy Diệp, tới lúc đó có khi em phải phiền thầy giúp em ôn tập rồi”.
“Được thôi”, Diệp Dĩ Trinh vui vẻ nhận lời, “Nhưng… có gì để trả ơn anh không?”. Ánh mắt anh cố ý rơi xuống đôi môi cô.
Diệp Dĩ Trinh nhướng mày nhìn cô rồi đẩy đĩa của mình cho cô. Dùng bữa với anh lâu dần cô cũng quen với cảm giác được anh quan tâm săn sóc từng chút một. Lúc đầu cô còn ngượng ngùng, sau thì vui vẻ nhận lấy sự quan tâm đặc biệt ấy của anh.
“À phải rồi, đợt này em đang nghĩ xem có nên thi lấy bằng CPA không”, Ôn Nhiễm sực nhớ ra ý định ấy liền nói ngay với anh.
“Sao cơ?”
“Chị Trình Bắc sắp phải ra ngoài làm việc rồi, ngày nào chị ấy cũng lên MSN nói với em bây giờ tìm việc khó lắm. Em định nhân lúc còn đi học, thi thêm một cái bằng chuyên ngành cho có thêm lợi thế, sau này tìm việc cũng dễ hơn.”
Chưa biết chừng chẳng dễ tìm việc hơn đâu, Diệp Dĩ Trinh nghĩ thầm, nhưng hiếm khi thấy Ôn Nhiễm hăng hái và quyết tâm đến thế, anh tích cực cổ vũ cô:
“Em muốn thi thì cũng tốt thôi, nhưng cái bằng đó không dễ gì thi được, em nên chuẩn bị tâm lý trước đi.”
Ôn Nhiễm ho sặc sụa nhìn anh bất mãn. Anh mỉm cười rồi rướn người vỗ nhẹ vào lưng cô làm hòa.
Tháng Tư ập đến đem theo không khí hối hả cho đám nghiên cứu sinh sắp bước vào kỳ bảo vệ luận văn tốt nghiệp. Sau khi bảo vệ xong sẽ làm lễ tốt nghiệp, trước đó, học viện sẽ tổ chức hội thảo việc làm và lễ tốt nghiệp lần một. Ôn Nhiễm vốn chẳng có chút hứng thú nào với những buổi lễ trịnh trọng như vậy, nhưng Trình Bắc lại giao cho cô một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, đó là lúc Trình Bắc đại diện cho khối nghiên cứu sinh lên sân khấu phát biểu, Ôn Nhiễm ngồi dưới phải quay lại cảnh đó giúp cô nàng.
Ôn Nhiễm kì kèo: “Chị, việc nặng nhọc này chị giao cho anh Lưu Bân là được mà”.
“Không được”, Trình Bắc cau có, “Cái gã Lưu Bân ấy thế nào cũng vừa cười vừa thêm mấy câu châm chọc chị vào đoạn ghi hình, chị không thể giao trọng trách này cho hắn được. Mà này, hôm đó thầy Diệp cũng lên phát biểu đấy, em không muốn ngắm phong thái đĩnh đạc của thầy sao?”.
“Em… Em không muốn… cho lắm!” Cô cố gắng khước từ sự lưỡng lự của mình.
“Bỏ bớt hai từ đi!”
“Em không muốn.”
“Bỏ tiếp hai từ nữa đi!”
“Muốn”, Ôn Nhiễm ngượng ngịu.
Khán phòng chật kín người, Ôn Nhiễm đứng ngoài cửa ngó nghiêng, tay cầm máy quay bấm bụng tìm một chỗ ngồi thích hợp. Đột nhiên giữa rừng người đông đúc có hai người đứng dậy vẫy tay ra hiệu cho cô. Là Lưu Phi Phi và Lâm Sanh. Hai cô nàng này giỏi thật, dám bỏ cô lại để rủ nhau đi mảnh.
Ôn Nhiễm chen qua hàng người kín đặc len vào ngồi giữa hai cô bạn, “Sao các cậu không chịu chờ tôi mà đã đi rồi hả?”.
Lưu Phi Phi chỉ cười không đáp, Lâm Sanh nói: “Bọn này tưởng cậu có suất chân trong nên được ngồi ghế VIP. Hi hi”.
Máy quay bị Lưu Phi Phi cướp mất, cô nàng dạo này bỗng nhiên có thú quay phim chụp ảnh nên đang tiết kiệm tiền mua một chiếc. Ôn Nhiễm giao luôn trọng trách mà Trình Bắc giao phó cho Phi Phi, không quên nhắc lại lời dặn dò của Trình Bắc, “Nhớ quay cẩn thận để khoe vẻ đẹp của bộ áo thạc sĩ màu xanh sẫm một cách khéo léo đấy nhé”.
Cô nhìn Trình Bắc chững chạc trên sân khấu, tự thấy yêu cầu này của bà chị quá khó đáp ứng.
Diệp Dĩ Trinh ngồi hàng đầu, anh đang cúi đầu xem gì đó rất chăm chú. Dù ngồi giữa hàng dài giảng viên mặc Âu phục chỉnh tề, anh vẫn thật nổi bật. Ôn Nhiễm nghển cổ ngó anh một lúc rồi ngồi lại ngay ngắn vị trí cũ.
Buổi lễ diễn ra rất lâu, sau phần phát biểu của lãnh đạo học viện, đến lượt Diệp Dĩ Trinh lên sân khấu, anh mặc Âu phục màu đen nên có phần nghiêm túc và trịnh trọng hơn. Ôn Nhiễm chỉ dám liếc anh một cái rồi lại cúi đầu xuống, sợ anh sẽ nhìn thấy mình.
Lâm Sanh huých tay cô còn đang đội lốt rùa rụt cổ. “Tôi nghĩ cậu nên mạnh dạn hơn một chút đi.” “Làm sao cơ?”
“Thầy Diệp nhìn thấy cậu rồi.”
“Sao lại thế được?” Cô càng cúi thấp người hơn nữa. “Thế cậu nghĩ ngồi giữa tôi và Phi Phi thì còn cô ngốc nào nữa hả?”
“…”
Thật là tức chết đi được!
Ôn Nhiễm ngẩng đầu, đúng lúc Diệp Dĩ Trinh bước lên bục diễn thuyết. Ánh mắt anh dịu dàng lướt một lượt khắp khán phòng, dõng dạc nói: “Trước khi tôi bắt đầu bài phát biểu của mình, tôi muốn hỏi tất cả các sinh viên ngồi đây một câu hỏi”.
Cả khán phòng lặng yên nghe anh nói. Ôn Nhiễm lặng người thấy màn mở đầu này quá thân thuộc, thân thuộc tới nỗi cô muốn quay lại ngày đầu tiên gặp anh, ngắm dáng vẻ anh cao ráo đứng trên bục giảng thu hút mọi ánh nhìn.
“Nếu tôi nhớ không nhầm thì các em là lứa sinh viên chính quy đầu tiên tôi dạy kể từ khi về trường Đại học B. Tôi muốn hỏi các em, có ai còn nhớ điều đầu tiên trong mười nguyên lý Kinh tế học không?”
Một học sinh đáp ngay khi anh vừa tiết lộ câu hỏi của mình. Diệp Dĩ Trinh cười hài lòng: “Cảm ơn em, em nói không sai, điều đầu tiên trong mười nguyên lý của Kinh tế học nhắc đến sự so sánh và lựa chọn. Vậy có em nào có thể đọc cả mười nguyên lý đó không?”.
Đám đông sinh viên lao xao do dự còn Diệp Dĩ Trinh lại tủm tỉm cười: “Bài phát biểu của tôi xin được bắt đầu. Chủ đề ngày hôm nay liên quan đến vấn đề tìm việc làm, vậy để tôi kể cho các bạn nghe hành trình tìm việc mưu sinh của tôi nhé”.
“Thời điểm tôi về nước, tôi cũng đau đầu tìm việc như các bạn bây giờ vậy, nhưng cuối cùng tôi chọn làm một giảng viên, điều này làm nhiều người thấy khó hiểu. Họ nghĩ rằng những người học Kinh tế phải tạo thêm GDP hay nâng tầm nền kinh tế và trình độ xã hội lên, nếu không thì phí hoài công sức khổ luyện trong mấy năm qua, hoặc ít nhất là phí tiền ăn học. Tôi nghĩ rằng các em và các vị ngồi đây ít nhiều cũng có cảm giác đó.”
Khán phòng lác đác tiếng cười.
“Thực ra họ không sai khi nghĩ như vậy. Mỗi người đều có những yêu cầu theo đuổi lợi ích kinh tế của riêng mình. Có người muốn kiếm nhiều tiền, có người muốn tạo dựng nhiều mối quan hệ làm ăn, lại có người muốn có vị trí trên sàn chứng khoán, trên phố Wall. Con người trong quá trình tạo ra của cải vật chất cũng đồng thời tạo ra hạnh phúc. Nhưng đến đây, tôi muốn hỏi lại một câu hỏi đã cũ và quá đỗi quen thuộc. Liệu tiền bạc có tỷ lệ thuận với hạnh phúc hay không?”
Đám đông ngồi dưới nhìn nhau. Ôn Nhiễm ngẩng đầu kiếm tìm sự dịu dàng trong ánh mắt anh. Câu hỏi đưa ra dường như không có đáp án. Anh nói tiếp: “Rất ít người ngồi đây có thể lập tức đưa ra câu trả lời, trừ phi bạn là một người theo chủ nghĩa lạc quan hoặc bi quan thuần túy”.
“Vì chúng ta đều biết suy nghĩ, đắn đo, vì của cải vật chất, vì lợi ích kinh tế, chúng ta buộc phải so sánh và lựa chọn. Chúng ta không chọn cái chúng ta thích nhất mà chọn cái đem lại giá trị nhất. Trong sự lựa chọn ấy luôn tồn tại một khoảng cách, ấy là khoảng cách giữa vật chất và hạnh phúc. Vì giá trị thực tế, chúng ta bắt đầu tính đến ranh giới giữa được và mất. Chúng ta hy vọng chỉ phải bỏ ra ít vốn nhất nhưng lại thu lợi nhiều nhất. Lẽ đương nhiên, thu lợi nhiều nhất là điều tốt, nhưng chúng ta không thể trốn tránh một mặt khác của vấn đề, đó là đôi khi công sức chúng ta bỏ ra chỉ là công dã tràng. Kết cục đó có thể xảy ra, vì mọi sự lựa chọn đều tiềm ẩn rủi ro.”
Diệp Dĩ Trinh mỉm cười trước không gian lặng thinh của khán phòng chật kín người, khẽ cúi đầu nhìn bài phát biểu đã soạn sẵn mà từ đầu đến giờ anh chưa một lần ngó qua: “Cho nên, suy nghĩ là một việc làm vô cùng phiền phức.
Bài phát biểu của tôi không phải bài thuyết giáo về con người, về cuộc đời vì đó là một phạm trù rất rộng, tôi càng không phải là một nhà triết học. Tôi chỉ muốn nói với các bạn sinh viên ngồi đây rằng, khi các bạn bước ra xã hội, khi các bạn dốc hết tâm sức phấn đấu vì công việc hay khi các bạn bắt đầu so đo tính toán, bắt đầu đi ngược với chân lý của bản thân vì lợi ích cá nhân, khi bắt đầu thấy mệt thì hãy quên hết mọi thứ đi. Đừng suy nghĩ về tiền bạc, về được về mất, về cái giá phải trả, đừng suy nghĩ xem cách nào đem lại nhiều lợi ích kinh tế nhất. Hãy lắng nghe bản thân để biết mình thực sự muốn gì và hãy làm theo cách bạn thích. Như vậy có lẽ sẽ tốt hơn”.
Dứt lời, anh đưa mắt nhìn khắp khán phòng. Ánh mắt khi lướt qua cô dường như ấm áp và dịu dàng hơn. Anh cúi người chào kết thúc bài phát biểu.
Khán phòng dường như vẫn chìm trong im lặng và ngỡ ngàng. Ôn Nhiễm nhìn Lâm Sanh, định biện giải hộ Diệp Dĩ Trinh vài câu vì bài phát biểu không có tính chuyên môn thì cả phòng rộ lên tiếng vỗ tay rào rào không ngớt. Cô ngồi đó bần thần.
Lâm Sanh quay sang Ôn Nhiễm, đôi mắt đẹp mê hồn đang cười: “Ôn Nhiễm này, cậu phải cẩn thận đi, không khéo sau bài phát biểu đó, cậu lại có thêm vài tình địch đấy”.
Ôn Nhiễm tủm tỉm cười, chăm chú nhìn dáng anh từ phía sau, vỗ tay nhiệt tình cổ vũ không ngớt.