Lại một chiều thứ Sáu nữa, trong buổi thảo luận định kì với Diệp Dĩ Trinh, Ôn Nhiễm trưng ra bộ mặt sầu não như thể mình là người đau khổ nhất thế gian. Cứ đến ngày này, cô lại đứng ngồi không yên vì lo lắng, chẳng may “sẩy chân” thì cô sẽ gánh đủ “đòn” từ sếp Diệp.
Nhưng hôm nay nằm ngoài dự đoán của cô. Diệp Dĩ Trinh không ở văn phòng, chỉ có cô nghiên cứu sinh năm thứ hai Trình Bắc đang cần mẫn làm phân tích khảo sát điều tra. Tiếng bàn phím lách tách nổi lên trong không gian tĩnh lặng. Thấy Ôn Nhiễm đang lúi húi ngoài cửa, cô ấy giơ tay vẫy: “Em đến tìm thầy Diệp sao?”.
Ôn Nhiễm gật đầu, rón rén bước vào.
“Học viện có cuộc họp, nếu không vội thì em ngồi đợi thầy chút nhé!”, Trình Bắc cười thân thiện với Ôn Nhiễm.
“Vâng ạ”, Ôn Nhiễm ngoan ngoãn đáp lại rồi khép nép tìm cho mình một chỗ ngồi khiêm tốn trong văn phòng của Diệp Dĩ Trinh. Thấy Trình Bắc bận bịu trong mớ công việc khổng lồ, Ôn Nhiễm chủ động chạy ra giúp đỡ cô ấy nhập phiếu khảo sát điều tra.
Trình Bắc nhìn đàn em, cười với vẻ cảm thông: “Mệt rồi đúng không? Cứ để đấy lát nữa chị nhập nốt cho!”.
Ôn Nhiễm lắc đầu: “Không sao, em làm được mà!”. Trình Bắc là nghiên cứu sinh năm thứ hai, nhận Diệp Dĩ Trinh làm giáo viên hướng dẫn, cô ấy vừa kết thúc chuyến khảo sát điều tra từ tỉnh J trở về. Hàng loạt mô hình và biểu đồ với những đường cong uốn lượn nằm la liệt trên tờ phiếu khảo sát khiến Ôn Nhiễm hoang mang:
“Chị à, thầy Diệp luôn khắt khe và yêu cầu cao như thế này sao?”.
“Bắt em làm lại phiếu khảo sát có vài lần mà đã là yêu cầu cao sao?”, đôi mắt Trình Bắc ánh lên những tia lém lỉnh, “Thầy Diệp rất coi trọng sự chịu khó, chăm chỉ của sinh viên và hiệu quả trong công việc. Em làm việc chưa hiệu quả, thầy chắc chắn sẽ bắt em làm lại, đó là lẽ đương nhiên. Nhưng cách thầy dạy cũng độc đáo đấy chứ nhỉ? Chị dám cá là em được lĩnh chiêu rồi!”.
Ôn Nhiễm tỏ ra vui sướng và cảm kích vô cùng khi tìm được người cùng chí hướng.
Trình Bắc cười khoái trí, đưa tay vỗ nhẹ lên má Ôn Nhiễm: “Tóm lại, những cái em tự làm được rồi thì không cần nói nữa, khỏi phải nghe mấy bài thuyết giảng nào là kĩ thuật với chuyên ngành cho mệt óc”.
Buổi họp của học viện được ấn định vào chiều thứ Sáu hàng tuần và thông thường chỉ diễn ra trong vòng một tiếng. Nhưng hôm nay lại khác, thời gian họp chiếm nguyên cả buổi chiều, đến sáu giờ tối mới xong. Diệp Dĩ Trinh vươn vai, hai ngón giữa day day ấn đường mệt mỏi. Đồng nghiệp rủ nhau đi làm vài ly nhưng anh từ chối, một mình lặng lẽ quay lại phòng làm việc.
Văn phòng vẫn còn sáng đèn dù đã muộn. Diệp Dĩ Trinh đẩy cửa bước vào, Trình Bắc vẫn tất bật với đống tài liệu, ánh mắt anh dịch chuyển đôi chút, bóng áo vàng tươi cũng đang cắm cúi làm việc. Ôn Nhiễm? Anh nhướng mày, chút ngạc nhiên thoáng hiện trên khuôn mặt. “Còn chưa về sao?”, câu này là hỏi Trình Bắc.
Trình Bắc cười đáp: “Sắp rồi thầy, với lại… Ôn Nhiễm vẫn còn ở đây mà!”.
Ôn Nhiễm ngước nhìn đồng hồ, đã bảy rưỡi tối, bảy rưỡi tối rồi!
Cô chưa kịp đứng dậy vươn vai cho đỡ mỏi thì Diệp Dĩ Trinh đã bước tới, vẫn phong thái ấy, nhẹ nhàng mà khoan thai tiến về phía cô, cúi người nhìn mẫu phiếu khảo sát cô đang cố gắng hoàn thiện. Cô ngồi trên chiếc ghế đẩu, thoáng nghe mùi hương thanh mát dịu nhẹ tỏa ra từ người đàn ông đứng bên mình, lòng rạo rực, lo lắng khó tả. Khi những suy nghĩ và cảm xúc trái chiều đang đan xen trong tâm trí Ôn Nhiễm thì…
“Được rồi, khá ổn đấy!”, Diệp Dĩ Trinh nhận xét kèm theo một nụ cười thỏa mãn khiến Ôn Nhiễm mừng khôn xiết. Mắt cô long lanh, nước mắt dường như chỉ chực lăn xuống. Lần đầu tiên cô được thầy Diệp khẳng định, thật không dễ dàng chút nào!
Trình Bắc khẽ cười: “Sếp à, chiều nay Ôn Nhiễm giúp em làm không ít việc. Lưu Bân không biết chạy đi đâu mất tiêu, bỏ lại cả đống phiếu khảo sát, cũng may có cô bé này giúp một tay đấy ạ”.
Ôn Nhiễm ngượng ngùng: “Em chỉ giúp được chút xíu thôi”.
Diệp Dĩ Trinh uống một ngụm nước rồi nhìn đồng hồ trịnh trọng tuyên bố: “Muộn rồi, đi ăn thôi. Hôm nay tôi mời”.
Ôn Nhiễm trợn mắt nhìn anh như thể không tin vào những gì mình vừa nghe được, chỉ thấy ánh mắt anh sáng lên, đôi môi như khẽ cười: “Phần thưởng cho em đấy!”.
Khách sạn Giang Hoài.
Những ngày tháng Mười một, cái lạnh đầu mùa mơn man chạm vào từng cơn gió nhẹ, không khí bên trong nhà hàng ấm áp hơn đôi chút. Ôn Nhiễm ôm cốc trà nóng vừa nhìn Diệp Dĩ Trinh đang lật đi lật lại thực đơn mà lòng hồi hộp không thôi.
Sao thế này? Hôm nay mình mất trí rồi hay sao, vừa nghe thấy hai từ “phần thưởng” đã đi theo anh không cần suy nghĩ vậy?
Bữa cơm ba người bỗng trở thành bữa cơm hai người từ lúc Trình Bắc tóm được Lưu Bân. Cô ấy nhéo tai Lưu Bân khiến anh chàng kêu oai oái, thầy Diệp chẳng những không ra tay cứu giúp, ngược lại, anh thản nhiên căn dặn Trình Bắc: “Nhẹ tay chút thôi nhé!”.
Với cô học trò từ nhỏ luôn sống trong môi trường yên bình, được bao bọc bởi tình yêu thương như Ôn Nhiễm, cảnh tượng ấy có chút yếu tố bạo lực khiến cô khó mà thích ứng ngay được.
“Ôn Nhiễm”, Diệp Dĩ Trinh ngẩng đầu lên gọi khi những ánh nhìn từ phía Ôn Nhiễm còn chưa kịp thu về, cô ngượng ngùng đáp: “Dạ?”.
“Em muốn ăn gì?”
“Cháo ạ!”, Ôn Nhiễm thấy xấu hổ vì câu nói buột miệng không kịp suy nghĩ của mình.
Diệp Dĩ Trinh đưa mắt nhìn cô, khóe môi vẫn thường trực một nụ cười mơ hồ rồi lặng lẽ chọn món. Cô nhìn anh trân trối. Anh nghiễm nhiên coi cô là người vô hình?! Nhưng thực ra Ôn Nhiễm cũng chẳng nghĩ ra món gì để gọi, nhất là khi ngồi trước một pho tượng thần vĩ đại như Diệp Dĩ Trinh, ăn nhiều chưa biết chừng còn ảnh hưởng tới hệ tiêu hóa.
Nhân viên phục vụ mang đồ ăn lên, bày trước mặt Ôn Nhiễm một bát cháo rau củ nóng hổi thơm ngào ngạt. Cô sững sờ nhìn Diệp Dĩ Trinh đã bắt đầu dùng bữa, chưa bao giờ thấy gượng gạo khi được chăm sóc như thế. Cảm nhận được ánh mắt Ôn Nhiễm đang hướng về mình, Diệp Dĩ Trinh ngẩng đầu, hỏi: “Không hợp khẩu vị sao?”.
Ôn Nhiễm không ngừng lắc đầu để chứng minh cho sự “hợp khẩu vị” của mình. Cô cầm thìa múc liên tục chẳng kịp nghe tiếng anh nhắc nhở cẩn thận không bị bỏng, để rồi một giây sau lại phát khóc vì rát lưỡi. Anh sững sờ vài giây rồi bật cười vui vẻ, ân cần đưa cô khăn ăn lau miệng: “Cứ từ từ, không phải vội cô học trò của tôi ạ. Không ai tranh mất phần của em đâu!”. Ôn Nhiễm ngượng chín mặt không sao thốt lên nổi dù chỉ một lời phân bua.
Ôn Nhiễm đứng khép mình trong cái lạnh chớm đông chờ Diệp Dĩ Trinh đi lấy xe, đôi chân co rúm nép vào nhau tránh rét. Đâu đó phía xa vọng lại những âm thanh ồn ào của đôi tình nhân đang cãi vã. Ôn Nhiễm chưa bao giờ quan tâm đến những vụ xích mích như thế này này ngoại trừ hôm nay, cô chợt ngó nghiêng nhìn bọn họ. Cô gái kia sao trông quen quá vậy?
Lâm Sanh? Ý nghĩ đột nhiên xuất hiện khiến Ôn Nhiễm chột dạ. Nhìn thấy Ôn Nhiễm, Lâm Sanh vội kéo tay áo người đàn ông vờ như giữa hai người chưa từng xảy ra cãi vã, nhưng khuôn mặt ủ rũ và đôi mắt đẫm lệ của cô ấy thì không tài nào che giấu được.
Ôn Nhiễm nhìn Lâm Sanh, gật đầu gượng gạo. Kể cũng lạ, từ nhỏ đến lớn, mỗi khi vô tình khám phá ra bí mật của người khác thì y như rằng, người bối rối luôn là cô, người trong cuộc còn tỏ ra bình tĩnh hơn rất nhiều. Lâm Sanh cũng gật đầu đáp lại Ôn Nhiễm. Người đàn ông đứng cạnh Lâm Sanh giãn đôi mày cau có nhìn Ôn Nhiễm với vẻ thích thú.
“Ôn Nhiễm!”, chất giọng trầm ấm đặc biệt của Diệp Dĩ Trinh vọng lên từ phía sau, chen vào những suy tư của cô. Ôn Nhiễm quay đầu lại, chiếc xe màu đen sang trọng đang đỗ bên đường, kính cửa sổ kéo hờ, đôi mắt đen bí ẩn hướng về phía cô rồi lại lướt qua Lâm Sanh và “bạn trai”.
Chẳng lẽ anh vẫn nhớ sao?
Không kịp nghĩ gì nhiều, Ôn Nhiễm nhanh nhẹn khoác ba lô lên chào tạm biệt Lâm Sanh: “Tôi về trước nhé!”.
Lâm Sanh lặng người rồi khẽ cười, gương mặt ánh lên những tia sáng rạng rỡ hơn: “Ừm, tạm biệt”.
Nụ cười ấy không làm Ôn Nhiễm thấy thoải mái hơn, người cô khẽ run rẩy.
“Em lạnh sao?”, những thanh âm dịu dàng lại vang lên. “Dạ không”, Ôn Nhiễm lắc đầu.
“Hai người đó là bạn học của em?”
“Cô gái đó là bạn cùng lớp với em, còn anh chàng kia… là bạn trai của cô ấy. Nhưng… họ chia tay nhau rồi!” “Chia tay?”
“Vâng, hình như anh ta sắp ra nước ngoài.”
Thì ra là vậy, “Chuyện như thế là bình thường mà”, Diệp Dĩ Trinh nói vẻ am hiểu.
Vừa dứt lời, cô học trò ngồi bên đã lại lên tiếng: “Thầy, nếu hai người thực sự yêu nhau thì có xuất ngoại hay không cũng đâu nhất thiết phải chia tay, đúng không?”. Cô hỏi vậy không hề có ý thiên vị Lâm Sanh, chỉ cảm thấy sự cố chấp ấy quá đáng thương. Dù gì cô ấy cũng còn trẻ, đơn thuần và có đôi chút bướng bỉnh. “Ừm, đúng là không nhất thiết phải chia tay, đợi mười năm còn có người đợi được. huống chi là bốn, năm năm. Nhưng Ôn Nhiễm à, các em còn trẻ, tình yêu có thật sự là yêu hay không còn chưa chắc đã nhìn rõ và hiểu thấu ngay được.”
Chiếc xe từ từ cua một góc an toàn. Diệp Dĩ Trinh nói cũng có lý!
Ôn Nhiễm buồn bã: “Chẳng lẽ những người trẻ tuổi không được yêu sao?”.
“Dĩ nhiên là không phải vậy rồi”, anh đáp, “Những người trẻ tuổi có rất nhiều việc có thể làm, nhưng phải nhớ một điều: Luôn để lại một góc cho riêng bản thân. Đó không phải là sự chuẩn bị trước để sau này bản thân không phải hối hận, nó chỉ đơn giản là một cách để bảo vệ chính mình mà thôi”.
Như chợt nhớ ra điều gì, cô quay sang hỏi gấp: “Nếu là thầy, thầy sẽ làm thế nào?”, rồi lại nhìn anh chăm chú, cẩn thận quan sát từng biểu hiện trên khuôn mặt người thầy tuấn tú. Vầng trán anh thôi nhăn lại, đôi lông mày từ từ giãn ra, thản nhiên đáp: “Vấn đề này khó trả lời đây!”.
“…”
Anh nhẹ nhàng quay người sang phía cô, đôi mắt đen láy nhìn cô như đang cười: “Bởi vì… tôi vẫn chưa có người yêu”.
Nhớ lời mẹ dặn trong điện thoại, Ôn Nhiễm đành chọn một ngày Chủ nhật về thăm ông nội.
Đã sang tháng Mười một, trời chuyển đông, cái giá lạnh cứ thế ùa về bất chợt. Ôn Nhiễm đứng bên ngoài khu đại viện tường cao sơn đỏ, toàn thân bọc kín trong chiếc áo khoác dày sụ, cứ ngập ngừng, do dự.
Mẹ cô từng kể, ngày mẹ còn trẻ, không biết có biết bao nhiêu cô gái thầm ước được bước chân qua cánh cổng bề thế này. Đằng sau cánh cổng ấy là nơi đại gia đình Ôn Khác, Ôn lão gia, ông nội của Ôn Nhiễm đang sinh sống. Chỉ cần nhìn quân hàm thôi cũng biết, Ôn lão gia không phải người tầm thường. Nhưng với Ôn Nhiễm, mọi thứ nơi đây quá đỗi xa lạ, xa lạ như hai tiếng “ông nội” mà cô vẫn thường phải gọi. Cô biết về ông không nhiều, cũng chẳng muốn biết nhiều.
“Chị Nhiễm đấy ư?”
Một cô bé mặc áo màu hồng phấn từ trong nhà bước ra. Ôn Nhiễm ngẩng đầu lên nhìn, nở một nụ cười gượng gạo: “Viễn Viễn!”.
Ôn Viễn là con gái của bác ruột cô, tính tình hoạt bát, có cái tên đậm chất nam nhi giống cô. Đôi lúc cô tự hỏi, tại sao căn đại viện u sầu ảm đạm này lại có thể nuôi dưỡng một cô bé sôi nổi và đáng yêu đến thế? Viễn Viễn mừng rỡ níu lấy tay Ôn Nhiễm: “Chị đến rồi! Sáng nay nhận được điện thoại của thím hai, mẹ đã dặn em ở nhà đợi chị, không cho em đi đâu hết”, nụ cười tươi rói như mặt trời của Viễn Viễn bừng sáng, “Chị Nhiễm, lâu lắm rồi chị không đến chơi, chị không nhớ em sao?”.
“Chị vừa nhập học nên hơi bận”, Ôn Nhiễm lấy đại một lý do, “Ông nội có nhà không em?”.
“Có ạ, ông với chú út đang tiếp khách trong thư phòng, cũng được một lúc rồi chị ạ.”
Ôn Viễn cười rất xinh xắn, hai má lúm đồng tiền khiến người ta vừa nhìn đã muốn nhéo yêu.
Bác của Ôn Nhiễm, Kiều Vũ Phân đang đợi hai chị em ở phòng khách. Vừa thấy bóng Ôn Nhiễm đằng sau Viễn Viễn, bà đã ùa ra đón, nụ cười đôn hậu hàm chứa những tình cảm thân thiết khó miêu tả thành lời: “Ôn Nhiễm đến rồi đấy à? Sao lại ăn mặc mỏng manh thế này?”, bà nhíu mày lo lắng, “Con bé này, đúng là không phải dân vùng này. Tháng Mười một rồi mà vẫn không chịu khoác thêm áo, con muốn ốm ra đấy để mẹ con lo lắng đúng không?”, nói rồi, bà rót một cốc trà nóng, cẩn thận đặt vào tay Ôn Nhiễm.
Ôn Nhiễm liền đáp: “Không sao đâu bác, con quen rồi, con không lạnh đâu ạ”.
Kiều Vũ Phân ngồi xuống, vẫn giữ nguyên nụ cười đôn hậu: “Con ở thành phố B học bao năm mà về nhà chơi có vài lần, đếm được cả trên đầu ngón tay. Học hành bận bịu lắm sao con?”
Ôn Nhiễm khẽ nhấp một ngụm trà nóng, lòng bàn tay ấm dần lên: “Con vẫn ổn”.
“Thế thì khi nào rảnh con nhớ qua chơi với bác, chơi với Viễn Viễn nhé!”, Kiều Vũ Phân đặt tấm thêu trên tay sang một bên, nói với vẻ hài lòng, “Bác trai con không cho bác đi làm. Bác ở nhà cả ngày cũng chán nên mang đồ ra thêu thùa giải khuây, nhưng già rồi, mắt mũi cũng kém!”.
Ôn Nhiễm nhìn tấm thêu còn dang dở nằm trên sô pha mà muốn ứa nước mắt, sống mũi cay cay. Đời thật lắm trái ngang! Trong khi bác gái nhàn đến nỗi không có việc gì làm thì mẹ cô phải lặn lội ở thành phố T làm lụng vất vả nuôi cả gia đình, cho cô ăn học.
Cốc trà chợt nghiêng đổ ra tay bỏng rát khiến Ôn Nhiễm giật mình. Cô tỉnh lại sau khoảnh khắc tủi thân, khẽ gật đầu đáp lại bác gái.
Bác gái vừa hỏi chuyện xong, Ôn Viễn liền kéo cô vào phòng, căn phòng màu lam tươi sáng tràn năng lượng. Ôn Nhiễm nhìn Ôn Viễn mắt dim lim nằm trên giường: “Viễn Viễn, lần trước thím hai em gọi điện cho chị có nói… em có bạn trai rồi phải không?”.
Ôn Viễn xoa trán mệt mỏi: “Chị Nhiễm, không phải chị cũng như bọn họ đến để dạy dỗ em đấy chứ? Mấy ngày nay em bị bố mẹ nói suốt, đầu sắp nổ tung đến nơi rồi. Bọn em chỉ đơn thuần là bạn học với nhau, ngoài ra không có gì hết”.
Ôn Nhiễm cười: “Bố mẹ em không ý kiến gì nữa hả?”. “Vâng”, Ôn Viễn gật đầu nhưng tỏ vẻ không muốn nói thêm. Ôn Nhiễm cũng không ép. Đúng lúc ấy, bác gái gọi cô đến thư phòng gặp ông nội, dặn dò vô cùng kĩ lưỡng: “Tâm trạng ông không được tốt, con phải để ý nhé! Đừng làm ông giận mà khổ”. Ôn Nhiễm gật đầu, trong lòng không khỏi dấy lên chút lo lắng, căng thẳng.
Cửa thư phòng khép hờ, cô đứng bên bậc cửa nghe tiếng la mắng của ông nội từ trong thư phòng vọng ra. Giọng trầm dày, sang sảng chẳng giống với người đang ốm chút nào. Ôn Nhiễm cười khổ. Lúc cô chuẩn bị đẩy cửa vào phòng thì một người đàn ông bất ngờ bước ra. Cô khựng lại ngẩng đầu lên nhìn, đối diện với khuôn mặt phẳng lặng không chút cảm xúc của chú út Ôn Hạng Chi.
Cô lùi ra sau một bước, lí nhí chào: “Chú ạ!”.
“Ừm!”, người đàn ông đáp lại hết sức lãnh đạm rồi đi thẳng. Ôn Nhiễm đứng đó, nhìn bóng chú mình nhỏ dần xa dần, không nén nổi một tiếng thở dài.
Giữ phép lịch sự, Ôn Nhiễm gõ cửa lại lần nữa trước khi bước vào, nhưng cánh cửa còn chưa kịp mở rộng thì mọi thứ trước mắt cô bỗng chốc trở nên mờ nhạt. Tiếng quát giận dữ của ông nội xé tan bầu không khí vốn nặng nề ảm đạm của đại viện, cổ Ôn Nhiễm tấy lên bỏng rát. Tai vạ bất ngờ đổ xuống khiến cô luống cuống không kịp phản ứng. Cô đứng sững ngoài cửa, đưa tay ôm vết thương trên cổ, bao nhiêu căm phẫn, ấm ức và đau khổ xô nhau ép những giọt nước mắt trào ra.
Ôn lão gia cũng ngỡ ngàng. Bà Thành, bà nội Ôn Nhiễm vội đến bên an ủi, vừa vỗ về cô vừa trách khéo Ôn lão gia: “Ông thật là… muốn trút giận thì cũng phải nhìn cho rõ xem người đó là ai đã chứ. Cơn giận của ông làm Ôn Nhiễm bị thương rồi đây này. Nhiễm Nhiễm, đừng ôm vết thương mãi thế, bỏ tay ra để bà xem nào!”.
“Con không sao đâu bà”, Ôn Nhiễm cúi nhìn cốc trà vỡ tan dưới chân mình. Cô đau, rất đau, nhưng vẫn ráng nhẫn nhịn. Cô nhìn ông nội đang ngồi trên chiếc ghế bành làm từ gỗ tử đàn, lễ phép chào: “Ông, con đến thăm ông ạ”.
Ôn lão gia nhìn cô, môi khẽ run, nói: “Để bà nội đi lấy thuốc bôi cho con!”.
Ôn Nhiễm cố nở một nụ cười đáp lại rồi theo bà nội ra ngoài. Bà vội vã đi nhanh đến căn phòng cuối hành lang lấy thuốc. Ôn Nhiễm vẫn gắng gượng, đến khi không trông thấy bà nội nữa, mới gập người, tay ôm vết thương, chân co lại, bóng dáng cô đơn đầy chua xót.
Đau! Quả thực rất đau!
Thuốc lấy về rồi. Bác gái Kiều Vũ Phân cũng vừa đi lên thư phòng, Ôn Nhiễm lập tức trở về trạng thái cũ, tay vẫn giữ chặt vết thương nhẫn nhịn chịu đau.
Bà nội nhẹ nhàng thoa thuốc cho cô. Bác gái Kiều Vũ Phân nhìn cô vừa thương vừa xót: “Con đến không đúng lúc rồi, chẳng mấy khi về nhà được một lần, vậy mà lại gặp phải tai bay vạ gió thế này”.
Ôn Nhiễm khẽ cười, động vào vết thương trên cổ lại thấy đau điếng. Bác gái kiên quyết giữ Ôn Nhiễm lại ăn cơm nhưng cô từ chối. Cô không dám tưởng tượng đến cảnh ngồi chung bàn dùng bữa với ông nội, chắc sẽ nuốt không trôi mất.
Kiều Vũ Phân tiễn Ôn Nhiễm ra cổng, trước khi đi, cô còn quay lại dặn: “Bác à, chuyện ngày hôm nay bác đừng kể với mẹ con nhé”.
Kiều Vũ Phân lặng nhìn Ôn Nhiễm, đưa tay vuốt tóc mái mềm mượt của cô rồi nói: “Đừng lo, ông nội không có ý nhằm vào con đâu. Con không muốn để mẹ con biết, bác sẽ không nói. Cầm lọ thuốc này về bôi nhé! Nhiễm Nhiễm nhà ta xinh đẹp thế này không được để có sẹo!”.
Ôn Nhiễm mỉm cười, đâu đó trong trái tim chợt nhói lên những niềm đau vô thức.
Ký ức cô vẫn lưu giữ hình ảnh ngày bé lần đầu tiên đến gặp ông nội. Đó là một ngày tuyết rơi dày đặc. Cô và mẹ đứng bên ngoài bức tường sơn đỏ cầu xin lính gác cổng cho vào nhưng vô ích. Không khuyên được mẹ, anh lính đành chuyển lời đến bà nội, rồi bà mới mời ông nội ra tiếp. Ngày đó cô còn quá nhỏ, chỉ biết khi nói chuyện với mẹ, râu ông nội cứ dựng hết cả lên, mà không hề hay biết đó là biểu hiện của sự tức giận cùng cực. Cô còn chưa kịp gọi một tiếng “ông nội”, người đàn ông ấy đã thẳng tay tát mẹ cô ngã xuống đất, kéo cô khi ấy đang níu chặt tay mẹ ngã theo. Cô rất sợ hãi, nhưng không biết mẹ lấy đâu ra dũng khí đỡ cô đứng dậy, bình tĩnh nói với ông: “Dù có nhận hay không thì Nhiễm Nhiễm vẫn là cháu gái ông. Tôi đưa con đến không phải vì muốn lấy tiền của nhà họ Ôn. Tôi chỉ mong con bé được gặp ông nội, biết đến ông, như vậy bố con bé mới có thể yên lòng!”.
Cuối cùng, ông nội cũng nhận Ôn Nhiễm, nhưng cô rất ít khi về đây, bởi vì lần nào về cũng bị thương. Điều này dường như đã trở thành quy luật bất biến đối với Ôn Nhiễm và gia đình này, bản thân cô cũng không hiểu tại sao. Đột nhiên bị ai đó gõ nhẹ vào đầu, Ôn Nhiễm khẽ kêu một tiếng rồi ngước lên. Diệp Dĩ Trinh đang đứng bên chồng tài liệu, vẫn với gương mặt trầm tĩnh và ánh mắt dịu dàng: “Đang nghĩ gì thế? Em đứng ngây ra đó mười lăm phút rồi đấy”.
Ôn Nhiễm giật mình cười ngượng: “Không có gì ạ. Thầy gọi em qua có việc gì vậy?”. Ở nhà ông nội về chưa được bao lâu, cô nhận được email của Diệp Dĩ Trinh hẹn đến khu học viện. Vội vã xỏ găng tay vào, cô phóng mình qua giá rét đến gặp anh trong ánh mắt ngưỡng mộ của Đồng Chu và Lưu Phi Phi.
“Không có chuyện gì thì em chịu khó chăm chỉ hơn đi”, Diệp Dĩ Trinh nhắc nhở, “Đây là báo cáo giữa kì của em, sửa cũng tương đối rồi, những chỗ sai tôi cũng đã chú thích. Em chỉ cần chỉnh lại chút thôi. Còn nữa…”, anh nghiêng người ngó vết thương trên cổ cô: “Cổ em làm sao vậy?”.
“Cổ em?”, Ôn Nhiễm lặng người một hồi rồi nhanh nhẹn đáp: “Em không cẩn thận bị bỏng thôi, không có gì đâu ạ”. Theo phản xạ, cô đưa tay chạm vào, vết thương cũ chưa lành nhói lên đau rát. Cô lấy trong cặp lọ thuốc bà nội đưa cho ra bôi, chất cao lạnh buốt thấm vào da thịt khiến cô không khỏi rùng mình.
Diệp Dĩ Trinh thở dài một hơi, với lọ thuốc trong tay cô, đầu ngón tay miết nhẹ lấy ra một chút cao rồi quay qua Ôn Nhiễm đang hóa đá: “Ngẩng đầu lên!”.
“Để… để làm gì ạ?”
Cô khẽ nhấc cằm, Diệp Dĩ Trinh cúi người, nhẹ xoay khuôn mặt cô, chút ấm áp từ các đầu ngón tay, chút lạnh buốt của thuốc cao hòa với nhau, chạm lên vết thương trên cổ, nhẹ nhàng xoa cho đến khi cao tan và thấm vào da: “Bỏng lên tận đây mà không sao, coi như em vẫn còn may mắn đấy!”.
Cô cúi đầu nhìn Diệp Dĩ Trinh với vẻ bối rối, chợt nhớ đến những gì trên diễn đàn trường nhận xét về anh. Bài viết nói anh được học sinh yêu mến vì: Thứ nhất, phương pháp dạy khoa học và vô cùng chuyên nghiệp, không bao giờ phê bình học sinh của mình giữa chốn đông người, cho dù có phê bình đi chăng nữa, người khác cũng chưa chắc đã hiểu; Thứ hai, anh là sự kết hợp hoàn hảo của những điều hoàn hảo theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Thấy Diệp Dĩ Trinh đứng dậy, Ôn Nhiễm vội vàng lấy lại lọ thuốc anh đang cầm rồi liên tục cảm ơn.
“Không cần khách khí, nhìn học trò của mình vụng về luống cuống, giáo viên như tôi không khỏi có cảm giác mình không làm tròn trách nhiệm của một người thầy.”
“…”, Ôn Nhiễm nín thinh, hình tượng hoàn mĩ của Diệp Dĩ Trinh bỗng chốc sụp đổ.
Ôn Nhiễm khoác ba lô ra đến cổng thì bị Diệp Dĩ Trinh gọi lại: “Phải rồi Ôn Nhiễm, học viện vừa đề ra một dự án có liên quan đến bài nghiên cứu của em. Giáo sư Ngô Nham nói em có thể tham gia, tôi đã đồng ý thay em rồi”.
Ôn Nhiễm bàng hoàng, có chút trách móc: “Thời buổi xã hội bình đẳng rồi sao thầy vẫn độc tài và chuyên chế như vậy chứ?”.
Diệp Dĩ Trinh bật cười: “Trong trường hợp có quá nhiều lựa chọn mà đương sự nhiều khả năng sẽ từ chối thì độc tài và chuyên chế là phương pháp xử lý rất hữu hiệu”.
Ôn Nhiễm không nói lại được lời nào. Bước ra khỏi khu học viện, cô lôi điện thoại ra, nhìn cái tên “Diệp Dĩ Trinh” trong danh bạ một hồi lâu rồi… cạch cạch, nghiến răng bấm liên hồi, màn hình hiển thị hai chữ “Ông Diệp”. Cuối tháng Mười một, nhà trường chuẩn bị tổ chức ngày hội thể dục thể thao vô cùng sôi động. Ôn Nhiễm vừa về tới ký túc xá chưa kịp nghỉ ngơi đã phải nhận tin sét đánh. Cán sự ban Truyền thông của Hội nghiên cứu sinh Đồng Chu chống nạnh như ra lệnh: “Ôn Nhiễm, tôi còn nhớ cậu từng nói hồi học đại học cậu có học chơi tennis đúng không?”.
Ôn Nhiễm xấu hổ đổ mồ hôi hột, “Cậu có cần phải nhớ kĩ từng chi tiết như thế không? Lời tôi nói ra làm sao tôi lại không nhớ chứ?”, cô nghĩ thầm.
Rồi chưa kịp đợi cô trả lời, Đồng Chu đã phán: “Vụ này chốt nhé, cậu đi!”.
“Tôi? Tôi làm gì?”
Lưu Phi Phi nhìn cô với ánh mắt cảm thông: “Tháng sau trường mình tổ chức ngày hội thể dục thể thao, kêu gọi tất cả sinh viên tích cực tham gia. Lớp mình được phân công cử người tham gia thi, không đủ chỉ tiêu sẽ bị trừ điểm thi đua, thật đúng là…”.
“Thế các cậu tham gia cái gì?”, Ôn Nhiễm hỏi. “Nhảy dây tập thể và đá cầu chinh.”
Mặc dù bị hai cô bạn kèm chặt nhưng Ôn Nhiễm vẫn ra sức phân bua hòng vớt vát lại thế trận: “Thực ra tôi chơi tennis rất dở, đánh không nổi mười quả qua lại. Mà lâu lắm rồi tôi có chơi đâu, bây giờ chơi là kiểu gì cổ tay cũng bị đau, cổ tay bị đau thì phát bóng không qua lưới, phát bóng không qua lưới thì…”.
“Stop!”, Đồng Chu ra lệnh, “Nếu không thì cậu thi lắc vòng nhé, tự chọn đi!”.
Ôn Nhiễm cầm quả bóng nhỏ màu xanh chạy quanh sân tennis khởi động, khuôn mặt uể oải không giấu nổi cảm giác bất lực. Đồng Chu đứng cuối sân đối diện đưa tay vẫy: “Ôn Nhiễm, tôi xả thân hướng dẫn cho cậu, cậu phải cố lên đấy!”.
Cô nàng Đồng Chu này vui tính thật, chưa bao giờ cầm vợt tennis mà còn lớn giọng đòi “xả thân hướng dẫn”!
Ôn Nhiễm áp tay xoa má cho đỡ run rồi vào tư thế chuẩn bị sẵn sàng. Cô ném bóng lên cao, vợt tiếp bóng đập rất mạnh, sau đó mở to mắt theo dõi đường bóng bay… Quả nhiên trái bóng không làm cô thất vọng. Bóng không qua lưới.
Cô cười xòa nhìn Đồng Chu: “Bỏ qua bỏ qua, nhặt bóng lên rồi chúng ta tiếp tục tập!”.
Thế rồi họ tiếp tục tập hết cả buổi sáng.
Ôn Nhiễm thở dốc, các khớp xương lâu ngày không vận động kêu lên răng rắc, cổ tay phát bóng đến độ muốn trật gân. Cô lấy hết sức bình sinh dồn vào cú phát bóng cuối cùng, nhưng không may… bóng lại vọt ra ngoài lưới!
Ôn Nhiễm vứt vợt xuống sân, chẳng buồn chạy đi nhặt bóng, đôi bàn tay ôm hai gối rệu rã dưới luồng hơi thở gấp gáp, dồn dập. “Hay là cho tôi đi thi lắc vòng đi…”, Ôn Nhiễm cầu xin.
“Cậu thật là… kém cỏi!”
Ôn Nhiễm mặc cho Đồng Chu mắng nhiếc. Lúc này cô cũng không còn hơi sức cãi lại nữa, chỉ chăm chăm xoa bóp vòng eo mỏi nhừ thôi cũng thấm mệt rồi. Đang định vươn người đứng thẳng dậy thì đôi giày da nâu mũi tròn từ đâu nhảy vào tầm nhìn của Ôn Nhiễm. Chiếc quần Âu đen phẳng phiu hiện ra, bước từng bước thong dong. Dự cảm (không biết là tốt hay xấu) trong lòng cô bất chợt nổi lên.
Cô còn chưa kịp tìm lời giải đáp thì đã nghe tiếng Đồng Chu đứng bên cạnh chào ngọt ngào: “Thầy Diệp ạ, thầy đi đâu vậy?”.
Thầy Diệp. Diệp Dĩ Trinh.
Quả nhiên lại là anh.
Ôn Nhiễm đứng thẳng dậy, hai tay vỗ nhẹ vào má lấy tinh thần.
Cô nhìn anh, vẫn đôi mắt với những tia dịu dàng hiếm thấy. Tay anh đang cầm quả bóng tennis đáng thương bị Ôn Nhiễm hắt hủi không thèm nhặt lại sau pha đánh vụng về. Đôi mắt ấy khẽ lướt qua gương mặt thanh tú ửng hồng của cô, gửi lại nơi cô một nụ cười khe khẽ. Anh quay qua gật đầu với Đồng Chu khiến cô nàng sướng rơn.
Anh nói, “Tôi đi dạo thôi!”.
Trong khuôn viên trường Đại học B có một khu nhà dành riêng cho giảng viên, hầu hết các giảng viên đều mua căn hộ ở đây. Diệp Dĩ Trinh cũng mua một căn, nhưng anh rất ít khi ở, chỉ thi thoảng ghé qua. Phần lớn thời gian anh đều ở khu chung cư trong thành phố. Mấy ngày nay do bận chạy dự án nên anh đành ở lại trường để tiện làm việc. Tiết học hôm nay vừa tan, anh không lái xe về ngay mà tự thưởng cho mình một buổi đi dạo trong sân trường. Đôi mắt bâng quơ vô tình bắt gặp Ôn Nhiễm đang bối rối “đập” vợt trong sân tennis, không kìm được, anh bật cười.
Trái bóng tròn màu xanh nằm gọn trong tay anh, đôi mắt đen sâu thẳm nhìn cô: “Em đăng kí thi tennis sao?”.
Cô sinh viên trước đó không lâu còn ấm ức vì sự chuyên chế và độc tài của thầy Diệp lễ phép đáp lại, giọng ỉu như cơm thiu. Diệp Dĩ Trinh cười trả bóng lại cho Đồng Chu. Anh nhặt cây vợt lên nhìn chăm chú: “Vợt tốt đấy!”, rồi liếc mắt nhìn Ôn Nhiễm. Hai má cô càng ửng đỏ lên vì ngượng.
Ôn Nhiễm bĩu môi phụng phịu: “Em học môn này đã từ bốn năm trước rồi ạ”. Những cái có thể quên cô đã cho ra khỏi đầu từ lâu rồi.
Diệp Dĩ Trinh vờ như không nghe thấy, tiếp tục giảng: “Tư thế phát bóng của em đúng rồi, nhưng cách cầm vợt thì cần phải chỉnh lại. Em chơi bóng mà cầm vợt kiểu này thì rất dễ bị sái cổ tay”, anh nhìn cổ tay cô, “Đau không?”.
Sao anh đoán chuẩn vậy nhỉ?
Mặc dù tâm trạng đang ủ dột, buồn không để đâu cho hết nhưng Ôn Nhiễm vẫn đáp lại ngoan ngoãn: “Em vẫn ổn!”.
“Thầy Diệp, thầy biết chơi tennis sao?”, Đồng Chu kinh ngạc nghe bài giảng chuyên nghiệp của anh, mừng như bắt được vàng.
“Thời đại học tôi có tập môn này”, anh nói, thuận tay với bóng, vợt vừa vung, trái bóng nhỏ bay lên theo đường parabol tuyệt đẹp rồi tiếp đất an toàn trong khu vực sân được chỉ định. Động tác phát bóng vô cùng hoàn hảo.
Thời đại học, có một khoảng thời gian Diệp Dĩ Trinh rất thích chơi thể thao, môn gì cũng muốn thử, nhất là tennis và các môn thể thao ngoài trời. Đến khi đi làm, anh bận quá nên đành phải tạm gác sở thích đó lại. Lâu rồi mới động vào, vậy mà cảm giác với vợt đã mau chóng trở lại với đôi tay rắn chắc chỉ sau một cú phát bóng nhẹ nhàng mà điêu luyện.
Trong khi Ôn Nhiễm xấu hổ chỉ muốn trốn đi đâu đó thì Đồng Chu lại tỏ ra phấn khích lạ thường, mắt hấp háy nhìn Diệp Dĩ Trinh: “Thưa thầy, hay là… thầy dạy Ôn Nhiễm nhà em đi. Cô ấy có hơi ngốc thật nhưng cũng chăm chỉ chịu khó học lắm thầy ạ”.
Diệp Dĩ Trinh nhìn Ôn Nhiễm đang trợn mắt tức tối nhưng đành cố nhẫn nhịn, không dám la lối vì có mặt anh ở đấy, ánh mắt anh dịu dàng như muốn thăm dò ý của cô. Cô vẫn do dự. Đồng Chu thúc vào eo cô ra dấu, Ôn Nhiễm quắc mắt lườm cô bạn cùng phòng, không còn cách nào khác, phải quay lại nhìn Diệp Dĩ Trinh với vẻ thành khẩn.
Diệp Dĩ Trinh cười hiền hòa, gật đầu đồng ý. Chủ nhật mùa đông rét buốt.
Nhiệt độ giảm mạnh trên toàn thành phố B. Ôn Nhiễm bọc mình cẩn thận trong mấy lớp khăn quàng, găng tay và chiếc áo khoác dày sụ rồi chạy xuống sân vận động nhưng hơi lạnh vẫn cứ chạy thẳng vào từng tế bào trong cơ thể cô. So với cô, Diệp Dĩ Trinh trông nhẹ nhàng, khoan khoái hơn nhiều.
Ôn Nhiễm vô thức nhìn anh.
“Lạnh lắm sao?”, anh nhướng mày, đưa cho cô chiếc bình giữ nhiệt.
Cô với tay giữ chặt, hai hàm răng va vào nhau lập cập nói không ra hơi: “Rất… rất lạnh… ạ!”, thầm cầu mong thầy Diệp thương hại, nhẹ tay cho tập vài lượt rồi về.
Diệp Dĩ Trinh cười, gật đầu ra vẻ cảm thông: “Ừm, vậy tốt rồi!”.
Ôn Nhiễm ngơ ngác nhìn, lại nghe anh nói tiếp: “Thời tiết như thế này cộng thêm sức khỏe em… nên chạy hai nghìn mét để làm nóng cơ thể”.
“Thưa… thưa thầy, không… không được đâu ạ… !”, Ôn Nhiễm rên rỉ.
Nhưng thầy Diệp không buồn để ý, nụ cười vẫn dịu dàng: “Bắt đầu thôi, học trò của tôi”.
Ôn Nhiễm chỉ muốn hét lên chửi thề nhưng trước mặt cô là thầy Diệp, Diệp Dĩ Trinh. Cô cố nuốt cục tức, men theo bốn trăm mét sân vận động gắng sức chạy vài vòng. Đến khi toàn thân đã được làm nóng, cô mới dừng lại thở hổn hển, hai má và chóp mũi ửng hồng: “Thầy, ta bắt đầu được chưa ạ?”. Cô nhìn anh, trong tích tắc ánh mắt khẽ chạm vào đôi mắt đen sâu thẳm ấy, đôi mắt dịu dàng nhìn cô ấm áp. Bất giác, một luồng hơi nóng thổi qua. Ôn Nhiễm biết mặt mình đang đỏ lên. Cô vội vàng áp hai tay xoa mặt cho bớt đỏ, chỉ nghe tiếng anh cười khe khẽ: “Được rồi, bắt đầu thôi!”.
Ôn Nhiễm nắm chặt vợt, chăm chú nghe Diệp Dĩ Trinh giảng giải sự khác nhau giữa cách cầm vợt của người phương Đông và người phương Tây, từ từ cảm nhận hơi ấm của anh khi chỉnh lại tư thế cầm vợt cho cô. “Khi thực hiện cú đánh trái tay, nhất định phải đặt tay vào vị trí này, không thì cổ tay sẽ rất dễ bị đau. Nào, em thử đi!”, anh vừa chỉnh, vừa đưa trái bóng cho Ôn Nhiễm. Cô không mất nhiều thời gian để hiểu hết các kỹ thuật cơ bản, thậm chí còn đánh được vài quả qua lại nữa. Cô vừa vui, vừa không dám tin là mình làm được điều đó.
Diệp Dĩ Trinh ôn tồn nói: “Thực ra môn này không quá khó, chỉ là em không chịu đón nhận nó, không dám thử mà thôi”.
Ôn Nhiễm lắc nhẹ cổ tay đang đau nhức: “Sao bỗng nhiên trường mình lại nghĩ ra ngày hội thể dục thể thao này nhỉ?! Chỉ khổ mấy khớp xương của em…”.
Diệp Dĩ Trinh nuốt ngụm nước, ánh mắt ẩn chứa nụ cười dịu dàng nhìn cô, lắc đầu: “Thế bình thường em làm gì?”.
“Đi học ạ, lúc thiếu tiền thì em đi làm thêm”, Ôn Nhiễm thật thà trả lời. Thực ra cô rất hiếm khi thiếu tiền, mẹ cô làm việc tại ngân hàng thành phố T, lương tháng không phải thấp, chỉ là cô không muốn mẹ phải vất vả, cũng không muốn mình lớn rồi mà vẫn ăn bám mãi nên cuối tuần vẫn làm gia sư dạy thêm.
Nghe vậy, anh cẩn thận nhận xét: “Ừm, có thể biến những năm tháng tuổi hai mươi thành ba mươi, bốn mươi tuổi cũng không đơn giản!”.
Ôn Nhiễm xị mặt. Diệp Dĩ Trinh như chẳng cảm nhận được cơn tức giận của cô chỉ chực bùng nổ, vẫn nhẹ nhàng phân tích: “Mặc dù em luôn thấy mình cả ngày bận bịu, phải đi học, phải theo tôi làm nghiên cứu, còn phải làm bao nhiêu việc không tên khác, nhưng chỉ cần rảnh một chút thôi, em sẽ thấy mình chẳng có gì để làm cả. Cảm giác trống rỗng xâm lấn sẽ khiến em buồn chán”, rồi đột nhiên quay lại hỏi cô, “Ôn Nhiễm, tôi nói vậy có đúng không?”.
Ôn Nhiễm bĩu môi phụng phịu chẳng nói gì.
Diệp Dĩ Trinh kết luận: “Làm những việc mà thế hệ trẻ nên làm, trải nghiệm những hỉ, nộ, ái, ố mà thế hệ trẻ nên trải qua, cho dù trong mắt người khác đó là sự ngây thơ, bồng bột, điên rồ hay ấu trĩ, em cũng không cần phải lo lắng. Vì đó là quyền của tuổi trẻ”.
“Thầy ạ, em cũng có mục tiêu của riêng mình chứ không hề sống hời hợt không có định hướng”, Ôn Nhiễm phân bua, “Thêm nữa, thầy luôn miệng nhắc tuổi trẻ, chẳng lẽ thầy không thuộc thế hệ trẻ hay sao?”.
“À…”, Diệp Dĩ Trinh cười, “Đúng là dạo gần đây có rất ít người nghĩ tôi còn trẻ, chắc bình thường tôi lên lớp người khác nhiều quá nên tạo cho người ta cảm giác già dặn và từng trải”.
Ôn Nhiễm bật cười, hóa ra anh ta cũng biết điều đó cơ đấy. Phải chăng nên nói với anh là đừng lên lớp người khác nhiều quá, cũng đừng nghĩ ngợi quá nhiều, nếu không sẽ càng dễ lão hóa sớm?