T
rong đời sống nội tâm của tôi có những điều tôi cứ nghiền ngẫm nhiều lần, chẳng khác gì dò tìm bản đồ khi du lịch. Và trong số những kho tàng đó là một câu chuyện liên quan đến thế giới cờ vua.
Người đàn ông tên là Frank Marshall đã đi một bước tuyệt đẹp trên bàn cờ. Trong một trận đấu sống còn giữa ông và một đối thủ bậc thầy người Nga, Marshall chợt nhận ra con hậu của mình đang có nguy cơ bị tấn công. Có nhiều lối để tẩu thoát và do con hậu là con cờ phòng thủ quan trọng nhất, người xem đoán Marshall sẽ theo cách quen thuộc mà tính nước an toàn cho con hậu.
Trong đầu, Marshall dùng tất cả khoảng thời gian có được để nghiền ngẫm tình thế của ván cờ. Và ông nhấc con hậu lên, ngừng lại, rồi đặt nó xuống cái ô vô lý nhất, nơi con hậu có thể bị bắt bởi một trong ba kẻ thù bất kỳ trước mặt.
Marshall đã hy sinh con hậu, một nước cờ không thể tưởng tượng được mà người chơi chỉ làm trong những tình thế tuyệt vọng nhất.
Người xem lẫn đối thủ của Marshall đều mất hết tinh thần.
Nhưng rồi sau đó đối thủ lẫn đám đông chợt nhận ra rằng Marshall đã có một nước cờ hết sức sáng suốt. Rõ ràng mặc dù ông mất con hậu nhưng bù lại, chẳng mấy chốc đối thủ đã rơi vào thế thua. Thấy trước thất bại không thể tránh, bậc thầy người Nga đã thừa nhận thua cuộc.
Khi mọi người đã hết bàng hoàng vì sự táo bạo của Marshall, họ tung tiền đầy bàn cờ. Marshall đã chiến thắng một cách lẫy lừng, hiếm hoi bằng cách hy sinh con hậu.
Với tôi, điều quan trọng không phải là chuyện ông ấy thắng cuộc.
Cũng không phải chuyện ông ấy đã hy sinh con hậu.
Điều đáng nói ở đây là ông dám gạt bỏ lối suy nghĩ thông thường để thực hiện nước cờ đó.
Marshall đã có cái nhìn thoát ra khỏi cách chơi truyền thống và sẵn sàng chấp nhận rủi ro có thể xảy ra, dựa trên nhận định của riêng mình. Cho dẫu ván cờ kết thúc ra sao đi nữa thì Marshall vẫn là người chiến thắng tuyệt đối.
Tôi đã nghe kể về câu chuyện đó vô số lần.
Và trong cẩm nang hướng dẫn của đời mình, tôi đã ghi thêm vào dòng này: “Đã đến lúc hy sinh con hậu chưa?”.
Vẫn tiếp tục câu chuyện đó, tôi lại nhớ đến một kỷ niệm thời thơ ấu. Các bạn có biết Tinkertoy – một loại đồ chơi lắp ráp làm bằng những mảnh gỗ đựng trong một cái hộp? Ngày nay loại đồ chơi này vẫn còn nhưng người ta đã thay gỗ bằng chất liệu nhựa.
Khi dạy lớp mỹ thuật, tôi thường dùng Tinkertoy để làm bài kiểm tra trước một khóa học vì muốn tìm hiểu đôi chút về bản năng sáng tạo của học trò. Một hôm vào ngày thứ Hai, tôi đổ ra một bộ Tinkertoy và giao nhiệm vụ một cách ngắn gọn cho các em: “Hãy làm ra một cái gì đó từ những thứ này, các em có bốn mươi lăm phút mỗi ngày, tính từ hôm nay đến hết tuần này”.
Một vài học sinh ban đầu tỏ ra lúng túng. Các em cứ tần ngần mà chưa chịu bắt tay vào làm ngay. Nhiệm vụ này dường có vẻ hơi trẻ con và các em muốn biết thật ra ý tôi muốn gì cũng như muốn đợi xem những trò khác trong lớp sẽ làm gì.
Một số khác thì xem phần hướng dẫn trên cái hộp và làm theo một kiểu mẫu sẵn có trên bao bì.
Một nhóm khác tạo nên một món đồ theo trí tưởng tượng của mình hoặc ngồi tính toán xem mình có thể tạo ra một công trình xây dựng dài bao nhiêu, cao bao nhiêu.
Và hầu như lần nào cũng có ít nhất một em phá luật, ghép thêm vào nào là bút chì, kẹp giấy, dây nhợ, giấy vở cùng những thứ khác có sẵn trong phòng, hoặc thậm chí là còn bỏ ra khỏi lớp để đi tìm ống hút ở căn-tin hay những mẩu cây khô ngoài sân trường. Một lần, tôi có em học sinh hễ rảnh tay là lại mày mò với Tinkertoy. Những công trình của em này chất đầy nhà kho trong lớp lẫn tầng hầm tại nhà.
Tôi thích sự hiện diện của một học sinh như thế trong lớp mình.
Đó là một bộ óc sáng tạo vượt ra ngoài khuôn khổ.
Bản thân em cũng đã dạy cho tôi nhiều thứ.
Sự hiện diện của em đồng nghĩa với việc tôi đang có được một “trợ giảng” ngoài biên chế với sức sáng tạo có thể dễ dàng tác động đến những em khác. Với tôi, đó là những em học sinh kiểu “hy sinh con hậu”.
Tinh thần “hy sinh con hậu” ấy hiện diện ở hầu hết mọi tình huống, ngay cả những tình huống vụn vặt nhất. Tôi tình cờ gặp một học sinh như thế khi em đang tình nguyện giúp văn phòng cựu học sinh của nhà trường dán tem lên các phong bì của một chương trình gây quỹ tài trợ. Thay vì liếm con tem và dán nó lên phong bì, em liếm ngay lên góc phải của phong bì, rồi dán con tem lên đó. Dùng nắm tay đấm mạnh lên đó, thế là em lại tiếp tục sang phong bì khác.
Sở dĩ em làm thế là do chất keo trên con tem có vị ghê ghê. Ngược lại, phong bì có mùi quế rất thú vị. Mà con tem lại còn dính chặt hơn khi được dán theo kiểu đó.
Tuy nhiên, cách suy nghĩ này cũng có phần tiêu cực.
Tôi đang có nguy cơ đánh mất những em học sinh có lối suy nghĩ khác thường như thế.
Nhất định là sẽ có em tuyên bố:
– Nhưng em không phải là người sáng tạo.
– Thế em có mơ khi đi ngủ không?
– Dĩ nhiên là có ạ.
– Vậy em kể cho tôi nghe một trong những giấc mơ mà em thích nhất đi.
Và lúc nào cũng vậy, em học sinh đó sẽ nghĩ ra một câu chuyện nào đó đầy yếu tố tưởng tượng. Chẳng hạn như bay trên trời hay đến một hành tinh khác hoặc được chu du trong một cỗ máy thời gian hoặc bỗng đâu mọc thêm ba đầu.
– Nghe cũng khá sáng tạo đấy. Thế ai giúp em làm những điều đó?
– Chẳng ai cả. Em tự làm lấy.
– Rõ là vào ban đêm, khi em đi ngủ phải không?
– Vâng ạ.
– Thế thì em hãy cố gắng tưởng tượng như thế vào ban ngày, trong lớp học ấy. Được chứ?
Vào một ngày hè nóng nực cuối tháng Tám, tôi tìm chỗ bóng râm ngồi nhâm nhi món thức uống mát lạnh dưới tấm bạt của một quán cà phê ngay trước hải cảng cũ kỹ tại thị trấn Chania, trên đảo Crete của Hy Lạp. Ngoài trời lên đến hơn 38 độ C. Chỗ nào cũng đông đúc. Tính khí của cả du khách lẫn những người bồi bàn đều nóng lên theo thời tiết, tạo ra một bầu không khí căng thẳng đầy tiếng cãi vã.
Ngồi ở bàn bên cạnh tôi là một cặp đôi còn trẻ. Họ ăn vận đẹp đẽ theo đúng mốt mùa hè, với chất liệu vải lanh nhàu nát và mang giày quai hậu bằng da mịn. Chàng trai có vóc người chắc nịch, nước da màu ô-liu, tóc đen và để ria mép. Còn cô gái gầy gò, dong dỏng cao có làn da trắng và mái tóc vàng. Trong lúc chờ đợi đồ ăn thức uống, họ nắm tay nhau, thì thầm đầy âu yếm rồi hôn nhau, khúc khích rồi cười vang.
Đột nhiên họ đứng dậy, nhấc lấy cái bàn bằng kim loại, bước qua mép bến cảng rồi đặt nó xuống mép nước nông ở bến cảng. Chàng trai quày quả lội trở lại để lấy hai cái ghế. Anh ta lịch thiệp giúp cô gái ngồi xuống ghế giữa mực nước lên đến thắt lưng rồi sau đó cũng tự ngồi xuống ghế.
Người xem cười lớn, rồi vỗ tay và reo hò.
Một người hầu bàn với bộ dạng cáu kỉnh xuất hiện. Anh ta ngừng lại trong giây lát rồi nhướn mày, cầm lấy một cái khăn bàn, khăn giấy và bộ đồ ăn bằng bạc. Anh lội xuống nước đến dọn bàn và chờ gọi món, sau đó lại lội ngược trở lên bờ giữa tiếng reo hò, vỗ tay không dứt của các thực khách còn lại. Vài phút sau, anh ta trở lại với một cái khay trên đó dựng một cái xô bên trong là chai sâm banh và hai cái ly. Không ngần ngừ, anh lại lội xuống nước và phục vụ sâm banh cho khách. Cặp đôi nâng ly với nhau, với người bồi bàn và với mọi người. Đám đông lại reo hò và lấy những bông hoa trang trí trên bàn ném xuống cho họ.
Thêm ba bàn khác cũng xuống ăn trưa trong nước biển.
Bầu không khí nơi đây chuyển từ bực bội sang hội hè.
Một người không nên lội xuống nước khi đang diện bộ quần áo mùa hè đẹp nhất. – Tại sao lại không?
Không nên phục vụ thực khách dưới biển. – Tại sao lại không?
Đôi khi chúng ta nên thoát khỏi lối suy nghĩ truyền thống khi nhìn nhận sự việc.
Chúng ta không cần phải ở trong lớp học hay ngồi trước một ván cờ.
Bất cứ khi nào cuộc sống trở thành món đồ chơi Tinkertoy, chúng ta phải hy sinh con hậu.