Ô
ng tình cờ gặp lại vợ cũ sau bao nhiêu năm trời không một lần mảy may liên lạc. Suýt chút nữa ông đã không nhận ra bà. Bà khác quá, quá khác so với trí nhớ vốn đang dần ngày một rệu rã của ông.
Dĩ nhiên là bà già đi nhiều. Đã bao nhiêu năm rồi còn gì! Mới đó mà cuộc đời này cũng có khác cơn mơ là bao. Giật mình bừng tỉnh, ta thậm chí còn chẳng nhận ra chính bản thân mình.
Nhưng bà thì lại nhận ra ông, vội vàng gọi:
“Anh Nguyên!”
Giọng nói ấy chính là của bà ấy, đúng là bà ấy rồi...
“Oanh...”
“Anh khỏe không?”
“Anh vẫn khỏe thế còn em?
“Em vẫn thế thôi...”
Người với người gặp nhau trên đời rốt cuộc là vì nguyên do gì? Và cớ sao gặp được nhau rồi, một ngày kia lại quyết định rời xa nhau?
Rất nhiều lần ông tự hỏi mình cùng những câu hỏi ấy. Nhưng chưa khi nào ông trả lời được.
Nhiều người đành đổ cho chữ duyên chữ nợ. Gặp nhau là bởi chữ duyên. Ở bên nhau là do chữ nợ. Và xa nhau đơn giản chỉ vì đã hết duyên hết nợ, thế thôi!
Ừ thì, cũng chẳng còn biết lý giải thế nào cho hợp tình hợp lý hơn, đành tin theo vậy. Giữa ông và bà duyên nợ đều đã hết, rời xa nhau là lẽ thường tình.
Ấy thế mà vào cái tuổi xế chiều này, cả hai gặp lại nhau, nhưng sau tất cả bà còn hận ông không? Ông chẳng dám nhìn thẳng vào mắt bà khi cả hai chuyện trò. Ông nào có đủ cái can đảm ấy...
“Anh bây giờ ở đâu?”
“Anh... ở cũng gần đây... còn em?”
“Em có việc phải qua khu này, sẵn tiện tạt vào siêu thị mua mấy thứ không ngờ lại gặp anh.”
“Ừ, anh cũng cần mua ít đồ.”
Ông đáp, mắt trộm liếc vào những thứ lỉnh kỉnh trên xe đẩy của bà.
“Chị nhà và các con anh vẫn tốt chứ?”
Tim ông nhói lên, chút nữa thì đứng không vững. Ông cố trả lời một cách bình thường nhất có thể:
“Tốt! Tất cả đều tốt!”
“Thế à...”
Giọng bà dường như hơi chùng xuống. Trong cơn bối rối, ông đánh liều hỏi:
“Em cho anh số điện thoại được không? Thỉnh thoảng mình liên lạc...”
Một khoảng lặng ập đến, tưởng chừng sẽ kéo dài vô tận nhưng cuối cùng, bà phì cười:
“Được thôi, số của em đây anh lưu đi...”
Ông lưu số bà vào máy, còn hỏi đi hỏi lại vì sợ nhầm. Bà chỉ lắc đầu cười...
“Thôi, em đi trước nhé.”
“ Ừ, Chào em.”
Từng là vợ chồng đầu ấp tay gối nhưng giờ đây cả hai chỉ có thể nói với nhau những lời khách sáo như vậy thôi. Ông thoáng chạnh lòng nhưng biết làm sao được kiếp này, ông và bà duyên nợ xem như đã trả xong... Ông đứng đó, bần thần nhìn bà đẩy xe đi. Bóng dáng thân thuộc ấy nhanh chóng mất hút sau những gian kệ đầy ắp hàng hóa của cái siêu thị rộng lớn này.
Lần này gặp, biết còn có lần sau? Sao ông không nói gì khác đi để níu bà ở lại chuyện trò lâu hơn? Già rồi mà vẫn chưa bỏ được tính “sĩ diện” sao?
Đáng lẽ khi bà gần rời khỏi, ông phải gọi thật to:
“Oanh ơi!”
Đáng lẽ phải như thế chứ.
Tại sao ông cứ để mọi chuyện xảy ra rồi mới cảm thấy hối hận?
Tại sao vậy?
***
Tim bà vẫn chưa thôi đập liên hồi dù đã yên vị trong taxi. Sau bao năm, bà vẫn có thể nhận ra ông dễ dàng, chẳng chệch đi đâu được.
Vậy là cuộc sống của ông vẫn tốt. Có vợ, có con... Tất nhiên là tốt rồi! Đâu như bà bây giờ.
Từ một người đang có chồng, danh chính ngôn thuận, gia đình yên ấm vậy mà bà bây giờ chẳng còn lại gì. Không chồng. Cũng chẳng con cái gì sất.
Bà bồi hồi nhớ lại những tháng ngày xưa cũ ấy. Chớp mắt, bà đã già. Bao nhiêu xuân xanh cứ thế trôi tuột theo dòng thời gian cuồn cuộn chảy, vĩnh viễn không bao giờ còn quay trở lại nữa.
Phải, ngày đó bà từng rất đẹp, nhan sắc nào có thua kém gì ai. Ông mê bà cũng vì lẽ đó. Ông thời trẻ vốn cũng rất phong độ, hào hoa. Cả hai trông mới thật xứng đôi vừa lứa, ai ai cũng khen: Trời sinh một cặp. Bà đã tự hào lắm trước những ánh mắt ghen tỵ của mọi người dành cho mình.
Và rồi sau những tháng ngày yêu nhau, một đám cưới cũng diễn ra hệt như cơn mơ của bà. Ông là chồng, bà là vợ... Gắn kết lại để trở thành một gia đình. Nếu được vậy, ông và bà đã không rơi vào cảnh ly tán như bây giờ.
Cớ sự đến từ lần đầu cũng là duy nhất bà trót dính bầu. Tất nhiên, khi ấy ông và bà còn yêu nhau chứ đâu đã nên vợ nên chồng. Đứa bé đến thật không đúng lúc! Cả ông và bà đều chưa sẵn sàng để đón nhận nó.
“Bỏ đi em sau này mình có điều kiện mình sinh con sau...”
Ông vốn giỏi thuyết phục, hay bản thân bà cũng thấy có lý?
Nào ngờ, sau cuộc nạo phá thai khi đó đã để lại một hậu quả quá đỗi nặng nề. Bà đã không may đánh mất hoàn toàn thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.
“Cô ơi đã đến nơi rồi ạ.”
Giọng của cậu tài xế lôi tuột bà trở về với hiện thực này. Cái hiện thực chẳng thể chối cãi được: Bà đã già, sống một mình cô quạnh trong căn nhà mà chiếc taxi đang đậu trước cửa này.
Bà trả tiền rồi bước xuống xe, xách theo hai bọc lỉnh kỉnh đồ vừa mua ở siêu thị. Căn nhà cũng nhỏ thôi nhưng với riêng bà sao lại quá đỗi rộng lớn và trống trải. Đây vốn dĩ từng là nhà của bà và ông cho đến khi ông thay lòng.
“Anh xin lỗi em... Nhưng anh thật sự, thật sự rất muốn có con...”
Bà nhớ như in từng lời ông đã nói. Chúng có khác gì những mũi dao sắc nhọn cứa vào tim bà từng vệt dài đau? Bao nhiêu năm rồi, vết thương trong lòng bà liệu đã lành chưa? Bà không rõ, nhưng tim vẫn nhói mỗi khi nhớ đến.
Bà mở cổng, vào trong sân nhà. Nhà là gì? Là nơi người ta có thể yên tâm trở về sau bao nhiêu bon chen mỏi mệt với cuộc đời, phải vậy không? Người ta vẫn nói: Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm. Nghĩa là, một ngôi nhà cần có đến hai người để dựng xây, vun đắp. Để rồi từ đó, những tiếng cười hồn nhiên trong vắt của trẻ thơ mới có thể cất lên.
Cơn xúc động khiến hai mắt bà hoen đi. Bà nhìn quanh quất khắp lượt khoảnh sân vắng vẻ này. Đây rõ ràng là nhà bà, nhưng lại chẳng phải là một mái nhà đúng nghĩa.
“Cô ấy đang có bầu anh xin lỗi, anh hết thương em rồi. Mình ly hôn, em nhé! Anh không cần gì cả, căn nhà này anh để lại cho em.”
Bà có hận ông không? Chẳng thể nói là không... Phải, bà đã từng rất hận ông! Một kẻ bạc tình! Bà ra cớ sự hôm nay là vì ai? Vì ai?
Nhưng có hận ông cũng đâu thể đổi thay được gì? Đàn ông một khi đã muốn ra đi thì biết làm sao cản được? Ông cần con hơn là cần vợ. Ở với bà, ông đâu thể có con. Còn bỏ vợ này, có thể lấy vợ khác được cơ mà.
Xách đồ vào bếp, bà sửa soạn để nấu một bữa cơm tối tươm tất. Bà quen rồi, làm gì cũng cứ lủi thủi một mình thế thôi. Một mình thì đã làm sao? Một mình cũng tốt mà! Ngày trước ở với ông, bà hầu như chẳng thể tự do làm điều mình thích. Bạn bè qua lại cũng rất hạn chế. Giờ thì bà muốn đi du lịch với “hội bạn già” lúc nào chẳng được, cứ “ới” nhau một tiếng là xong! Đi chơi thoải mái, chẳng cần lo lắng ở nhà chồng con thế nào, cơm nước ra làm sao... Từ dạo bà chia tay ông, cũng có vài người ghé đến chốc lát rồi lại rời đi. Niềm tin vào đàn ông, vào tình yêu, vào hạnh phúc gia đình theo năm tháng đã vơi cạn sạch sẽ trong bà. Yêu nhau, lấy nhau để rồi một ngày bất thình lình lại rời xa nhau.
Thôi thì, ở vậy! Cũng có khi chạnh lòng cám cảnh đơn chiếc mà thương thân tủi phận mình thật nhưng rồi sẽ qua nhanh thôi. Đời người có là bao lâu mà cứ u sầu hờn tủi mãi? Vui được gì thì vui. Tha thứ hết. Bỏ qua hết. Tất cả, hãy để cho gió cuốn đi.
Tự ủi an mình xong bà thấy nhẹ hẳn người. Nào, nấu nướng cho thật ngon rồi thưởng thức bữa cơm nhà tự mình nấu! Không ai ăn thì mình ăn! Đời mình, mình cứ tận hưởng!
***
Ông về lại phòng trọ nằm sâu trong con hẻm vắng. Vợ ông đâu? Con ông đâu? Ra đón ông nhanh đi nào!
Ông phì cười, khẽ lắc đầu. Ông đang tự cười mình đó ư? Ừ, phải, ai biết chuyện chắc cũng sẽ cười vào mặt ông thôi...
Lâu nay, chỉ mỗi mình ông sống trong căn phòng trọ tồi tàn này. Người từng là vợ cùng với con gái ông giờ đang ở một phương trời xa xôi nào đó nơi xứ người.
Tất nhiên, người ấy không phải là bà... Ấy là người đã khiến ông bỏ bà không chút do dự. Cổ họng ông nghẹn ứ khi nhớ lại tất cả.
Ông vốn dĩ chưa bao giờ là một người chồng tốt. Ngay cả khi chưa lấy bà, ông đã hơn một lần làm những chuyện khuất tất. Ông chẳng rõ bà có biết hay không, cũng có thể bà biết mà vẫn để yên thế. Bà thương ông, yêu ông nhiều vậy mà ông vẫn cứ phụ bà. Người đã sẵn có máu trăng hoa, không sớm thì muộn rồi cũng sẽ chứng nào tật nấy. Ông ra ngoài làm ăn, quan hệ phức tạp, hết cà phê rồi tới quán nhậu, hết quán nhậu lại đến vũ trường, và cuối cùng kết thúc tại khách sạn lúc nào chẳng hay.
Ông ngày đó quả thật rất “thèm” có con. Một đứa con trai giống ông như tạc. Bản sao bé nhỏ của ông, ông mơ được ôm nó vào lòng mà bế bồng. Nghiệt một nỗi, bà không thể giúp ông biến giấc mơ ấy thành sự thật được. Hay là mình nhận con nuôi? Đâu phải ông chưa từng nghĩ đến. Nhưng con nuôi làm sao bằng con ruột cho được? Một giọt máu đào vẫn hơn ao nước lã.
Có thật vậy không?
Một giọt máu đào hơn ao nước lã?
Đứa con gái ngày đó ông đánh đổi cả gia đình để có được, giờ đây thậm chí còn không thèm nhìn mặt ông vì nó đã bị những lời cay độc của người đàn bà kia “tẩy não” mất rồi!
Thực ra, khi biết nó là con gái, ông đã thoáng buồn. Ông đâu cần con gái! Ông muốn có con thật, nhưng là con trai kìa! Vậy nên, tuy đã bỏ bà để về chung sống cùng người vợ sau rồi, với ông dường như vẫn chưa bao giờ là đủ.
“Tại sao anh lại lừa dối tôi? Tôi chịu đau chịu đớn sinh con cho anh, thế vẫn còn không vừa lòng anh sao?”
Không giống bà, người vợ sau này của ông tính khí vô cùng kinh khủng. Phải, “ngựa quen đường cũ”, ông lại tiếp tục ngoại tình và chẳng chóng thì chầy bị cô ta phát hiện ra. Cô ta nằng nặc đòi ly hôn, đòi quyền nuôi con gái, rồi tìm đường qua nước ngoài định cư. Được thôi! Dù sao nó cũng chỉ là con gái thôi mà, nhưng ông nào ngờ ly hôn xong, công chuyện làm ăn của ông cũng ngày một đi xuống... Vận may lâu nay như thể cứ thi nhau rời bỏ ông vậy. Tiền hết, những nhân tình bên ông cũng theo đó mà lần lượt rời xa khi chưa kịp cho ông được đứa con trai nào.
Giờ thì ngoảnh đi ngoảnh lại, ông chẳng còn gì ngoài hai bàn tay trắng.
Không vợ.
Không con.
Không nhà, không cửa.
Không tiền bạc.
Ở cái tuổi này, ông còn chút hy vọng có vợ, có con, có một gia đình đủ đầy hay không?
Nhưng chẳng phải chính ông đã từng một tay vứt bỏ đi hạnh phúc của mình hay sao?
Ông đáng bị trừng phạt, người ta nói không sai “quả báo” thường đến muộn!
Ông nhìn lại bọc đồ mình vừa mua trong siêu thị. Toàn là mỳ gói thôi... Ông làm gì biết nấu những món ngon tươm tất như bà ngày xưa đâu...
Bà sống tốt chứ? Đã hơn một lần ông tự hỏi lòng mình cùng một câu hỏi ấy. Giá mà ngày ấy... Giá mà...
Ông rút trong túi ra cái điện thoại rẻ tiền, tay run run nhắn cho bà một tin nhắn muộn màng nhưng chần chừ mãi vẫn không sao dám nhấn nút gửi đi:
“Chẳng ai như em! Chẳng ai tốt với anh như em cả! Anh thật lòng xin lỗi em, em tha thứ cho anh, Oanh ơi!”