Tôi cho rằng những điều thường ngày chúng ta nói rằng “không thể làm tốt” không hẳn là một trở ngại mà chính là một cơ hội tuyệt vời. Bất kì ai cũng đều sẽ có việc gì đấy có thể làm được. Nếu vậy, thay vì phiền muộn về thứ mình “không thể làm” thì hãy suy nghĩ đến những thứ bản thân mình “có thể làm”
Nếu không thể thái miếng sashimi cho đẹp, vậy sao bạn không thử phục vụ những món trộn không nhìn được vết cắt của miếng thịt. Tôi cho rằng chỉ cần chúng ta thay đổi góc nhìn thì những việc “không thể”, nhất định sẽ biến thành “có thể”.
Vào mùa cá thu Nhật, một nhân viên quán tôi nói rằng muốn vẽ hình cá thu vào thực đơn. Nhưng vì vẽ xấu nên cậu ấy đã đến nhờ tôi vẽ hộ. Đầu tiên, tôi khích lệ cậu ấy thử tự vẽ xem sao. Bạn nhân viên đấy cũng cố gắng vẽ rồi đem đến cho tôi xem, nhưng hình cậu ấy vẽ nhìn kiểu gì cũng ra hình con cá mòi khô. Tôi hỏi cậu ấy rằng:
- Cậu định vẽ cái gì thế?
- Mặc dù xấu thế này thôi nhưng tôi định vẽ cá thu ạ.
Bởi vậy, tôi liền nói với cậu ấy:
- Thế là cậu đã có câu trả lời rồi đúng không?
Sau đó tôi đã bảo cậu nhân viên đấy chỉ cần thêm chú thích bên cạnh dòng chữ “Tôi định vẽ cá thu” là được. Cách làm đó chắc chắn sẽ thú vị hơn hẳn việc vẽ một con cá thu thật đẹp.
Có thể chúng ta không có khả năng hoàn hảo như giới chuyên nghiệp, nhưng ta có thể đem những thứ trong khả năng của mình biến thành vũ khí để tiến lên
Quá trình nỗ lực để có thể làm được một điều gì đó thật hoàn hảo sẽ cần rất nhiều thời gian và như thế thì gian truân quá. Nếu đã vậy, chi bằng chúng ta hãy suy nghĩ xem với năng lực của mình hiện giờ, mình có thể làm được việc gì tốt hơn.
Ở cửa hàng của tôi, chúng tôi đã từng làm một thực đơn sử dụng phương pháp “in cá trực tiếp”1 chứ không vẽ tranh. Làm như thế thì quả nhiên món cá bán “đắt hàng như tôm tươi”, một ngày cửa hàng chúng tôi có thể phục vụ từ ba mươi đến bốn mươi con cá. Số lượng đó gấp mười lần lượng tiêu thụ so với khoảng thời gian trước.
1 Gyotaku: Kĩ thuật in cá trực tiếp, Gyo có nghĩa là “cá”, và “taku” có nghĩa là sự in dấu. Người ta dùng mực tô lên con cá rồi dùng giấy ấn lên để tạo thành hình cá in.
Cho dù thực đơn có được trang trí bằng những dòng chữ hay tranh đẹp thì cũng không được thực khách chú ý đến mấy. Vậy nên với bức vẽ không được đẹp mắt, thứ vốn dĩ đã không thể thu hút được khách hàng, thì chúng ta càng cần phải cố gắng suy nghĩ chăm chỉ hơn cả những người vẽ đẹp để làm sao khách hàng có thể chú ý đến. Chính điều đó sẽ biến thành năng lực, kinh nghiệm bán hàng của chúng ta.
“Không làm được” thực ra cũng chẳng phải chuyện gì to tát, chỉ cần chúng ta tìm ra cách để “che đậy” chuyện đó là được.
Việc dùng khoai tây hay củ cải trắng làm con dấu với những chữ đơn giản cũng khá thú vị. Nếu ta làm con dấu hình chữ “J” rồi đóng dấu sẵn vào thực đơn, hẳn sẽ khiến khách hàng thắc mắc tại sao quán lại làm thế. Khi ấy chúng ta đã có thêm cơ hội để trò chuyện với khách hàng rồi, ta có thể đáp lại bằng những câu chuyện bên lề hài hước như “Đó là vì một nữ nhân viên làm thêm ở chỗ chúng tôi hâm mộ Johnny Depp (diễn viên người Mĩ) ấy mà”.
Với chuyện tiếp đãi khách ấy, nếu cửa hàng chỉ có một người làm thì đương nhiên là ta sẽ chỉ có thể duy trì quán theo những các nằm trong khả năng của mình thôi. Ví dụ như quán chỉ có một bác đã lớn tuổi làm việc chẳng hạn, chẳng phải có những quán mà bà chủ vừa nói “xin lỗi nhé” vừa để khách phải tự đến quầy bưng đồ ăn đồ uống về còn gì.
Nhưng ngược lại, việc đấy có cái lợi là khoảng cách giữa khách hàng với chủ quán được thu ngắn lại. Thay vì tuyển dụng những người làm thêm còn ít kinh nghiệm, thì cách làm chẳng tốn tiền nhân công này sẽ giúp cửa hàng trở nên vui vẻ hơn. Những ông bà chủ có thể nhận sự giúp đỡ từ khách rồi nói với họ: “Để đền bù, tôi sẽ mời mọi người một món miễn phí nhé!”.
Nếu chúng ta cứ xoáy sâu vào yếu tố “không thể”, ta sẽ không thể nào tạo ra vũ khí lợi hại trong kinh doanh được