Đây là chuyện xảy ra vào mấy hôm trước khi tôi đi chơi golf. Gần đây, tôi hay chơi golf với rất nhiều người khác nhau. Hôm nọ tôi có chơi cùng với một thành viên trong ban giám đốc điều hành của một doanh nghiệp lớn. Điều tôi cảm thấy thật thú vị đó là dù bóng có bay đi đến đâu thì người đó cũng tuyệt đối không di chuyển bóng mà tiếp tục đánh cú tiếp theo.
Với cách chơi golf bình thường thường là nếu bóng rơi xuống khu vực bụi cỏ, hoặc bùn lầy thì sẽ rất khó đánh bóng, nên chúng ta hay sử dụng quy tắc “Phạm vi sáu inches”1 cho phép di chuyển bóng trong phạm vi nhất định. Thế nhưng người kia lại không hề dịch chuyển quả bóng mà hăng hái nói rằng “Tôi thấy bây giờ mới là lúc môn golf thú vị nhất”. Vị đấy giải thích lí do là vì ông chỉ có cơ hội đánh những quả bóng ở nơi có địa hình xấu vào lúc đấy thôi.
1 Quy tắc “Phạm vi sáu inches”: Khi người chơi đánh bóng vào những nơi khó đánh bóng tiếp thì người chơi có quyền tự do dịch quyển bóng trong phạm vi 6 inches (khoảng 15 cm). Nhưng đây không phải là quy tắc chính thống.
Ví dụ nếu bóng rơi vào khu pot (pot là mảng cỏ bị tróc sau một cú đánh), theo thông thường dù người chơi có đánh bóng thì cũng không thành công. Vậy nên người chơi bắt buộc phải tính toán chiến lược như đánh bóng như thế nào, đánh bóng bay đến đâu. Người đàn ông đó cho rằng chính điều đó mới thật là thú vị.
Nếu thử nghĩ lại, việc có thể đánh thành công một cú bóng khó như thế thì quả thật là chúng ta sẽ sung sướng hơn nhiều việc thực hiện một cú đánh thường. Vị kia đã nghĩ rằng sau khi ông nghỉ hưu, ông sẽ chơi golf một cách bài bản, nhưng khi chơi theo phong cách như thế này, có vẻ phải bước vào độ tuổi 60 thì những ràng buộc, trở ngại mới được giảm đi.
Sau khi nghe câu chuyện của vị đó, tôi đã nhận ra rằng môn golf và kinh doanh thật ra cũng giống nhau. Cho dù chúng ta nghĩ rằng mình đã có được một cú đánh bóng ưng ý, nhưng vẫn có khả năng chỗ bóng rơi lại là khu pot. Nếu không dịch chuyển bóng mà đánh tiếp có khi chúng ta sẽ không đánh bóng hướng vào khu green1 mà sẽ đánh bóng sang ngang, thậm chí đánh bóng ngược lại phía khu green.
1 Green: Vùng bao quanh hố, điểm đến cuối cùng mà mỗi người chơi mong muốn.
Trong kinh doanh cũng vậy, không phải lúc nào bạn cũng có thể tiến lên phía trước, sẽ có khi bạn bắt buộc phải lùi lại. Ngay cả tôi – một người gần 50 năm kinh doanh – cũng có lúc phải di tán cửa hàng để phát triển lại từ đầu, hay phải nghĩ cách tái tổ chức những cửa hàng thiếu nhân lực, thậm chí cũng có lúc tôi buộc phải đóng cửa một cửa hàng nào đó.
Nhưng khi tôi mở cửa hàng ở khu vực khác với trước đây thì cũng tạo được những động lực mạnh mẽ thúc đẩy những chi nhánh khác tiến lên. Nhờ việc từng chi nhánh đều trở thành cửa hàng có chỗ đứng vững chãi, nên tôi có thể tích trữ đủ năng lượng để mở cửa hàng tiếp theo. Lúc nào việc kinh doanh cũng được thuận buồm xuôi gió thì thật tốt, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng đánh được những cú bóng đắc ý như ở sân golf được.
Đầu tiên là bối cảnh kinh tế, nếu kinh doanh dài lâu thì chắc chắn nền kinh tế sẽ có cả những đoạn đường gập ghềnh, lúc lên lúc xuống nữa. Điều ta có thể làm trong hoàn cảnh đó là tiếp tục chăm chỉ, chịu khó và vun đắp năng lực kinh doanh của mình
Tôi cho rằng nếu bạn càng có tầm nhìn xa trông rộng, bạn sẽ càng có “điểm số” tốt, tức là bạn sẽ ngày càng xây dựng nên những cửa hàng theo hướng phát đạt mạnh mẽ hơn nữa.
Ngoài ra, tôi nghĩ còn một điểm golf và kinh doanh giống nhau nữa là:
Để đạt được kết quả cuối cùng tốt, bạn sẽ phải tạo ra từng đường đi tốt
Tôi cũng sắp sửa 74 tuổi rồi nên so với hồi trẻ thì cự li đánh bóng đã giảm sút nhiều. Bởi vậy, với lỗ gậy dài như par 51 (từ Teeing ground2 đến khu vực trung tâm vùng green là khoảng 435 m), thông thường đến gậy thứ ba là tôi đánh được bóng vào vùng green, và cần hai cú putt3 để đưa bóng vào lỗ, nhưng ngay từ điểm khởi đầu tôi phải đánh đến cú thứ tư.
1 Par: Thuật ngữ “Par” ra đời vào năm 1911. Lúc này, Luật golf quy định “par” là điểm gậy tiêu chuẩn mà người chơi cần đạt được khi kết thúc một lỗ golf. Các lỗ golf có chiều dài khác nhau, chiều dài giữa các lỗ golf thường được tính từ tee box đến khu vực green. Par 5 khoảng trên 435 m..
2 Teeing ground: Khu vực phát bóng.
3 Putt: Kĩ thuật gạt bóng trong golf.
Bởi vì dù cố gắng thế nào tôi cũng không thể đánh bóng được vào khu green, kể cả khi cố tăng cự li đánh bóng thì ở cái tuổi này tôi cũng không thể làm được điều đó. Vậy nên tôi sẽ tập đánh những cú có cự li ngắn hơn bình thường, miễn là tôi có thể đảm bảo những cú đánh bóng đấy sẽ đưa bóng được vào vùng green. Như thế tôi chắc chắn sẽ giành được điểm.
Việc kinh doanh cũng giống thế, nếu tôi cứ cố chấp làm những việc bản thân không giỏi thì mãi cũng không thu được kết quả.
Những quán nhậu như chỗ chúng tôi, dù nhân viên quán có cố gắng đến đâu thì cũng không thể phục vụ được những món ăn giống như được chế biến bởi những đầu bếp lâu năm trong các nhà hàng kiểu Nhật được. Thế nhưng, trong quán nhậu có cái hay của nó, chẳng hạn như món thịt ninh khoai tây mềm nhừ hay là món được khách hàng yêu thích. Tuy chúng tôi không thể phục vụ thực đơn gồm những món kiểu Pháp rồi nói “Món này ở quán tôi là ngon nhất Nhật Bản”, nhưng với món thịt ninh khoai tây vừa đơn giản lại vừa quen thuộc, nhân viên quán tôi có thể vỗ ngực nói “Đây là món thịt ninh khoai tây ngon nhất Nhật Bản” được. Nhắc đến việc bán hàng, bạn đừng quên giới thiệu món cho khách hàng với một tinh thần tự hào từ đáy lòng như thế nhé.
Những bạn trẻ thường muốn lấy thực đơn mới từ những cửa hàng khác, nhưng thay vì đâm đầu vào làm những món không phải “món tủ” của các bạn, các bạn có thể có một cách khác vừa đơn giản lại hiệu quả: Hãy bán những món vốn luôn được yêu thích trong quán nhậu (đó có thể là món sở trường của các bạn).
Nhân viên quán tôi vẫn thường cho rằng doanh thu bán hàng đã chạm mức cực đại rồi, thực đơn vốn luôn được yêu thích kia khó có thể chạm cột mốc cao hơn nữa. Nhưng nếu đã là lĩnh vực sở trường, thì chắc chắn sẽ còn phương pháp bán hàng tốt hơn nữa nếu các bạn ấy đào sâu suy nghĩ thêm. Ví dụ, ở quán tôi, tôi cho dán một tờ giấy lên nồi thịt hầm khoai tây với nội dung: “Phải bán được gấp vài lần so với hồi trước”.
Vì đó là món được nhiều khách hàng gọi rồi, nên sẽ rất khó để tăng được số lượng đơn gọi món lên gấp đôi. Tuy vậy, chỉ cần chút thay đổi thôi, chúng tôi đưa ra chương trình “chỉ cần thêm 200 yên, quý khách sẽ được đĩa to gấp đôi”, lúc đó mọi khách hàng đều rất vui vẻ đón nhận. Nhờ thế mà doanh thu cũng tăng lên theo. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tăng giá món ăn lên, như thế chúng ta vừa không cần thêm nhiều nhân lực mà quán vẫn dễ vận hành.
Hiện nay, dù là ngành nào thì vấn đề thiếu nhân lực cũng rất trầm trọng. Bởi vậy chúng ta cần phải nghĩ đến những món ăn không đòi hỏi nhân lực mà vẫn có thể phục vụ một cách hấp dẫn.
Quán tôi có món sashimi là một trong những món ăn tiêu điểm của quán. Chúng tôi cắt miếng thịt ra từ khối thịt ban đầu, rồi bày lên đĩa ngay trước mặt khách nên họ có thể trực tiếp cảm thấy đột tươi ngon của nguyên liệu. Đấy chính là một cách để quán tôi thể hiện được sự hấp dẫn với khách hàng. Còn vào những thời điểm đông khách, nếu thiếu người, việc chế biến này sẽ rất khó khăn. Vậy thì chúng tôi chỉ cần nghĩ cách phô bày được sức hấp dẫn của món sashimi mà không cần thái thịt ngay trước mặt khách hàng là được.
Ví dụ, chúng tôi sẽ dùng tảo bẹ kẹp các miếng thịt mỏng. Sau đó bọc màng thực phẩm, đồ ăn luôn ở trạng thái sẵn sàng để mang ra phục vụ cho khách. Và khi mang ra món ăn ra cho khách hàng, nhân viên chỉ cần nhanh chóng gỡ lớp tảo bẹ phía trên rồi bày sashimi vào đĩa, như thế món ăn vẫn lộ được vẻ hấp dẫn của nó.
Chúng ta càng tận tâm với sản phẩm bao nhiêu, thì khả năng bán hàng càng mạnh lên bấy nhiêu. Nếu bạn muốn tăng khả năng bán hàng của mình, vậy thay vì giãy giụa trong lĩnh vực mình không giỏi, hãy bồi đắp năng lực bán hàng ở lĩnh vực sở trường của mình. Đấy sẽ là bước thuận lợi của bạn trên con đường tiến tới giấc mơ bạn hằng mong ước