Về chuyện kinh doanh buôn bán ấy, thật ra bạn có rất nhiều cơ hội để thu hút khách hàng từ lúc mở cửa cho đến tận giây phút quán đóng cửa. Thế nhưng rất nhiều cửa hàng đã không thể tận dụng tối đa những cơ hội đấy.
Có một lần vào mùa Hè, một nhân viên quán tôi đã nghĩ đến việc dùng que xiên những miếng dưa dấu hình tam giác lại thành món “chiếc quạt dưa hấu”. Nhân viên đó nói có thể khách hàng sẽ cảm thấy vui không chừng, rồi bỏ rất nhiều công sức để chuẩn bị. Nhưng khi tôi đến xem thử thì món “quạt dưa hấu” mà bạn đó cất công làm lại không bán được.
Tôi cho rằng việc bạn đó đã tự mình chăm chỉ suy nghĩ rồi đem phục vụ món “quạt dưa hấu” như một món ăn mới là điều rất xuất sắc. Nhưng nếu bạn không nỗ lực cho đến khi món đó được bán hết thì cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Nếu bạn nghĩ mình sẽ bán hết một món ăn nào đó thì chắc chắn nó sẽ bán hết
Ngay cả với món “quạt dưa hấu” cũng thế, nếu cuối cùng còn thừa năm chiếc, nhân viên quán có thể chỉ cần thông báo rằng: “Chúng tôi sẽ mời những vị khách ở lại cuối cùng món quạt dưa hấu này! Không còn dịp khác như thế này đâu ạ!”
Chỉ cần khách hàng cảm thấy “Ồ, cửa hàng này thú vị nhỉ!” thì điều đó sẽ thành cơ hội để khách hàng quay lại.
Nếu số lượng khách hàng quá nhiều nên số lượng dưa hấu không đủ, quán cũng có thể đưa ra cách phân chia bằng trò chơi: “Xin mời các quý khách oẳn-tù-tì ạ. Người chiến thắng sẽ được mời!” Chẳng phải như thế sẽ càng tạo không khí ở quán sôi động hơn hay sao? Nếu món quạt dưa hấu còn thừa đến hôm sau thì với tư cách là một món hàng hoá, sức hấp dẫn của nó đã giảm sút rồi. Vốn dĩ ngay từ đầu chúng ta phải nhận ra những món ăn bắt buộc phải được bán hết trong ngày.
Xét cho cùng, thì có vẻ vẫn đang có người thiếu sự nghiêm túc đối với việc “bán hàng”. Nếu bạn làm việc cho người khác, cho dù không bán hết, bạn vẫn sẽ được nhận tiền lương. Việc này sẽ kiến tạo trong bạn cảm giác thoải mái dù mới bán được 60-70% sản phẩm. Nhưng nếu bạn tự mở quán, có một điều bạn phải ý thực được là bạn sẽ phải bán hết đồ số đồ đó. Dĩ nhiên là bạn không được phép ăn chúng rồi.
Nếu bạn nghĩ đến việc buôn bán, bạn phải xác định rõ đâu là thứ bạn muốn đẩy lên để bán. Khi đó tự nhiên số mặt hàng trong danh sách sản phẩm sẽ có thể thu hẹp lại
Một cửa hàng tôi tư vấn trước đây có tận sáu, bảy loại đồ tráng miệng, nhưng không phải toàn bộ đồ tráng miệng đó đều bán được. Vậy nên tôi đã đưa ra lời khuyên là mỗi ngày chỉ bán một loại thôi, và quán phải dành toàn bộ tâm trí vào việc bán món đấy, làm thế quán vừa nhàn vừa sẽ có thể bán hết được hàng.
Ví dụ, quán có thể viết tên món tráng miệng muốn bán ở ngay bảng tên gắn trên ngực nhân viên cũng được. Có thể viết những dòng như “món caramen mềm mượt cho một chiếc bụng no”, hoặc giới thiệu với khách hàng “Món này ngon lắm ạ!” Cho dù một nhóm chỉ có một người gọi suất tráng miệng thôi, hoá đơn của từng khách lẻ cũng đã tăng lên 250-300 yên rồi! So với việc quán hoàn toàn bị động trong việc giới thiệu đồ ăn, đồ uống cho khách hàng, thì có thể chủ động để thay đổi cách nhìn của khách hàng về quán.
Không chỉ riêng những quán kinh doanh ăn uống. Khi nhìn xung quanh, tôi cảm thấy dường như mọi người đã quên mất sự quan trọng của việc phải bán hết được đồ thì phải. Có lần tôi đi ngang qua một cửa hàng rau đang chuẩn bị đóng cửa thì thấy cửa hàng vẫn còn thừa tận một, hai rổ cà tím đầy ắp. Nếu bán ế, tôi nghĩ quán nên mời những người phụ nữ đi ngang qua cửa hàng “Cái này bán không hết nên cô mang về nhé?” Như thế thì hàng ngày quán đều có thể bày bán rau tươi mới và thu hút được khách hàng bằng suy nghĩ “Rau củ cửa hàng đấy lúc nào cũng tươi nhỉ!”. Đấy là cách tôi suy nghĩ về kinh doanh.