Đây là một chuyện mới xảy ra gần đây. Có một chương trình ở Hàn Quốc muốn làm nội dung về những người không có kinh nghiệm trong ngành kinh doanh ẩm thực nhưng đã mở thử quán nhậu. Thế nên nghệ sĩ bên đó đã đến hỏi chuyện tôi. Họ là chương trình đó hình như là vì ở Hàn Quốc có nhiều người nghỉ hưu sớm rồi kinh doanh cửa hàng ăn uống, và có nhiều bạn đã đọc những quyển sách được dịch sang tiếng Hàn của tôi.
Một thanh niên trẻ đã đến hỏi tôi:
- Tôi nên làm món gì thì được ạ?
Tôi lại hỏi ngược lại cậu ấy:
- Vậy cậu thích món gì nhất?
Nghe tôi hỏi thế chàng trai trả lời:
- Cơm cà-ri ạ.
Tôi lại hỏi tiếp:
- Vậy cậu thích cà-ri ở nơi nào nhất?
- Tôi thích cà-ri mẹ tôi nấu nhất!
- Nếu vậy cậu thử chăm chỉ học món cà-ri từ mẹ rồi nấu thử xem? Cậu vừa đẹp trai lại còn quảng cáo với mọi người rằng: “Đây là món cà-ri tôi thích nhất trên đời!” thì chẳng phải món đấy sẽ được bán được đắt hàng như tôm tươi hay sao?
Mặc dù đây chỉ là một câu chuyện trong chương trình, nhưng ngay cả quán nhậu “chuyên nghiệp” vẫn sẽ tồn tại lối tư duy giống như thế thôi. Những quán nhậu như chúng tôi không phải là những nhà hàng có đội ngũ đầu bếp nấu nướng với nhiều năm kinh nghiệm. Vậy nên thay vì chế biến những món khó, quá khả năng của mình, việc chế biến “cơm cà-ri mẹ nấu” sẽ khiến khách hàng vui vẻ hơn nhiều.
Vì là quán nhậu nên những món ăn cố định của cửa hàng thường món là món hầm, oden… Vậy nên lúc nào trong quán cũng có sẵn nước dùng hoặc nước xốt. Sau đó ta thêm cho rau, gia vị cà-ri vào nước dùng đấy rồi nói với khách “Quán có món cơm cà-ri nhân viên đặc biệt hợp với quý khách”, thì hẳn là khách hàng sẽ muốn gọi món. Hơn nữa, vì chúng ta đang tận dụng những đồ có sẵn trong cửa hàng nên không tốn mấy công sức, thời gian.
Ý tưởng về món ăn tạo cho khách hàng cảm giác muốn ăn ngay lập tức xuất hiện ở khắp mọi nơi. Những món ăn được chạy quảng cáo trên ti-vi chính là một ví dụ điển hình. Những quảng cáo được tạo ra để thu hút và khiến hàng chục nghìn người cảm thấy “ngon quá!”. Một tin quảng cáo với món xào bằng tương miso với hình ảnh quả cà tím căng mọng được phóng to, miếng thịt lợn bốc hơi nóng nghi ngút thật đúng là rất hấp dẫn. Những người xem được những quảng cáo như thế chắc chắn sẽ cảm thấy muốn ăn những món đấy. Nếu chúng ta không tận dụng điều này thì thật lãng phí. Hơn nữa, vì quảng cáo cũng thay đổi theo mùa nên chỉ cần điều chỉnh cho khớp với chúng thôi là đã tạo được cảm giác đặc trưng từng mùa rồi.
Tôi hay cảm thấy “Bản thân mình chẳng có năng lực gì đặc biệt” nên tôi luôn quan sát xung quanh mình. Ngay cả những quảng cáo treo ở xe điện, khu vực bán đồ ăn chế biến sẵn trong tầng hầm bách hoá cũng thế. Chúng đều là những thứ được các doanh nghiệp bỏ ra rất nhiều thời gian để nghiên cứu xem điều gì thu hút được khách hàng, rồi mới chính thức được bày bán. Đó đúng là điều chúng ta cần cảm ơn họ.
Chỉ cần chỉnh sửa, xoay chuyển một chút những ý tưởng bản thân quan sát là tôi đã có thể biến chúng thành sản phẩm của bản thân rồi. Khi nhìn thấy quảng cáo thịt lợn xào cà tím, tôi liền nghĩ tới việc “Dùng tương miso mà quảng cáo này sử dụng làm gia vị để ướp dưa chuột, chắc hẳn món này sẽ ngon lắm đây!”, hay là “Nếu trộn tương miso cùng với mì udon là có thể làm món banbanji1 rồi!”.
1 Banbanji: Một món ăn có nguồn gốc Trung Quốc, bao gồm thịt gà luộc xé nhỏ đặt lên trên mì rồi rưới nước sốt (thường gồm vừng, ớt chưng...)
Ngay cả món cocktail chanh cũng thế, chỉ cần một chút biến tấu là nó sẽ trở thành thức uống thú vị khác hẳn.
Vỏ chanh vàng sau khi vắt lấy nước thì ngâm vào rượu nền whiskey rồi để đông trong tủ đá. Nếu làm như thế thì chúng ta có thể thay thế đá viên, hơn nữa còn không làm nhạt rượu đi. Lúc phục vụ khách, nhân viên cũng có thể trò chuyện với khách:
- Quý khách có biết cocktail chanh cũng phát ra âm thanh không?
Sau đó, nhân viên sẽ thả vỏ chanh đông lạnh vào cốc thuỷ tinh tạo nên những tiếng loong coong. Nếu chúng ta phục vụ khách hàng như thế thì làm sao khách hàng lại không vui lòng được chứ! So với việc phục vụ cocktail chanh đơn thuần, theo tôi, cách này sẽ giúp khách hàng vui hơn rất nhiều.
Một nhân viên cũ ở quán tôi, trong buổi cuối làm việc ở quán, đã nói một điều khiến tôi rất vui.
- Mọi người nên nghe lời “bố” (tức là tôi) nói. Thật đáng tiếc nếu mọi người nghĩ rằng lời của bố cũng giống lời của những người cấp trên, của những người hoàn toàn không hiểu cảm giác của những nhân viên trực tiếp làm việc trong quán!
Tôi vẫn thường xuyên đi nhậu cùng nhân viên quán. Chúng tôi sẽ cùng nhau uống rượu, trò chuyện thật nhiều. Họ thường bảo nhau phải nghe kĩ lời tôi vào.
- Vì bố chỉ nói những điều chắc chắn làm được thôi! Nếu bố bảo hãy làm cái này, ngừng cái kia lại, thì cứ làm tất theo lời bố. Không cần phải lựa chọn gì cả. Dù sao chúng ta cũng chưa có năng lực suy nghĩ đến chuyện đấy đâu!
Nhưng thật ra, trong thực tế khi những nhân viên chỗ tôi mở quán đều đưa ra được những ý tưởng tuyệt vời và đưa quán đến sự phát đạt. Đến mức tôi phải hỏi họ là:
- Tại sao lúc còn ở quán thì không làm việc đấy hả?
Những lúc quán gặp khó khăn như “Doanh thu bị giảm rồi!”, hay là “Đúng như những gì tôi nghĩ, chẳng có khách gì cả”, mọi người thường sẽ nghĩ “Mình nên làm thế nào nhỉ?” rồi chùn bước. Nhưng ở chỗ chúng tôi, trong buổi họp các cửa hàng trưởng, các cửa hàng khác cũng đưa ra ý tưởng như: “Nhờ điều này mà doanh thu gần đây của quán tôi đã tăng lên!” Rồi trong số những nhân viên cũ của quán cũng có những người thành công rồi nên mọi người đã đến cửa hàng của người đó để quan sát và lắng nghe câu chuyện.
Xung quanh chúng ta có rất nhiều những quán phát đạt khác, nên nếu mọi người chịu khó đến quan sát, kiểu gì cũng có thể tìm thấy lí do tại sao cửa hàng họ lại phát đạt như thế. Nhưng đừng mặc định đấy là công thức phù hợp với bản thân, hãy thử từ từ từng thứ một
Câu chuyện thành công của người khác thực sự là những viên ngọc quý. Nhưng nếu bạn chỉ giữ khư khư lấy chúng mà không hành động, thì đó cũng chỉ là những viên ngọc đồ chơi mà thôi!
Tôi nghĩ khi mọi người bắt đầu làm điều gì mới thường hay dẫm vào cùng vết xe đổ. Đó là sợ hãi thất bại. Nhưng thay vì lo lắng bất tận mà không dám thử nghiệm, thà ta cứ thất bại liên tục còn tốt hơn
Ít ra, nếu thất bại thì bạn còn hiểu được cách đó không phù hợp với mình. Quan trọng hơn nữa là bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về lí do “Tại sao cửa hàng đấy lại đắt hàng nhỉ?”, hay là “Làm thế nào để có thể thành công nhỉ?”. Những nỗ lực nhỏ bé như thế nhất định sẽ mang lại thành công cho bạn.
Vốn những cửa hàng đông khách đến ăn, họ sẽ ngày càng tự hào về cửa hàng của bản thân nên họ lại càng cố gắng giữ vệ sinh quán sạch bong. Ngay như cửa hàng của tôi, tôi luôn muốn cửa hàng ở trạng thái hoàn hảo nhất, chiếc chao đèn cũng cần sạch bóng, những chai lọ xếp ở quầy hàng cũng được lau chùi sạch sẽ. Như vậy thì tâm trạng khách hàng mới tốt và muốn quay trở lại quán. Đó cũng là lí do tại sao khoảng cách giữa cửa hàng phát đạt và cửa hàng ế ẩm ngày càng lớn.