Hồi xưa, trong số các loại nhân oden, tôi ghét chikuwa nhất, nên không bao giờ ăn nó. Vì không hiểu sao tôi cứ không thích cái lỗ của nó. Thấy vậy, mẹ tôi mới nói rằng:
- Con ngốc thật đấy! Chẳng phải con chỉ cần ăn xung quanh và chừa lại cái lỗ đấy là được hay sao?
1 Chikuwa: Tên một loại chả cá ở Nhật Bản, có dạng ống và có lỗ ở giữa.
Mẹ tôi chính là người đã dạy cho tôi cách suy nghĩ về mọi việc trên đời.
Lúc ấy tôi mới học khoảng lớp bốn, lớp năm tiểu học thôi. Hai mẹ con tôi cùng nhau đi Ueno và ngắm nhìn tác phẩm điêu khắc “Người suy tư” của Rodin2 đặt ở trước Viện bảo tàng quốc gia mĩ thuật phương Tây.
2 Auguste Rodin (12/11/1840 – 17/11/1917): Một họa sĩ, nhà điêu khắc nổi tiếng người Pháp.
Mẹ tôi hỏi tôi:
- Takashi, con nghĩ người này đang làm gì?
Tôi vỗ ngực tự tin, trả lời hệt như sách giáo khoa:
- Đây là tượng “người suy tư” ạ.
Nghe tôi trả lời như thế, mẹ tôi lại hỏi tiếp:
- Con nghĩ đây là “người suy tư” à? Đàn ông khi suy tư về một thứ gì đó không có điệu bộ như thế này đâu. Con nhìn kĩ gương mặt bức tượng mà xem. Anh ta đang cau mày đúng không?
Mẹ tôi ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
- Cái này phải là người phiền muộn mới đúng!
Mẹ tôi đã nói rất nhiều, nhưng theo tôi nghĩ, đại ý là bà muốn dạy cho tôi “Hãy luôn thử suy nghĩ theo cách của bản thân!”
Điều đó đã trở thành tài sản vô cùng to lớn đối với tôi.
Khi nhìn sự việc với góc nhìn khác nhau, sẽ có lúc chúng ta chợt nảy ra vô số ý tưởng. Nảy ra ý tưởng mới mẻ từ con số không rất khó khăn, nhưng nếu bạn có sẵn điều gì đó làm nền thì ý tưởng sẽ dễ dàng xuất hiện hơn. Và chỉ cần khéo léo một chút, bạn sẽ có thể dễ dàng chạm đến trái tim khách hàng
Ở tỉnh Miyazaki có một món đặc sản là gà nướng than hoa. Miếng thịt gà được đặt trên một tấm lưới rồi được nướng bằng than hoa. Lần đầu tiên tôi nhìn thấy món này tôi đã cảm thấy “A, món này hay quá!”
Tôi cho rằng món gà nướng chính là món ăn có sức hấp dẫn mạnh mẽ nhất trong quán nhậu. Sau khi uống rượu, món đầu tiên khách hàng thường cảm thấy “thèm ăn” chính là gà nướng. Hơn nữa vì nguyên liệu là thịt gà nên quán cũng dễ giữ mức giá hợp lí. Nhưng nếu dùng que tre để xiên thịt gà rồi nướng từng xiên, từng xiên một thì thật vất vả. Vậy nên khi tôi tình cờ nhìn thấy cách nướng bằng than hoa ở Miyazaki, tôi đã cảm thấy nếu sử dụng cách này, việc nấu nướng cũng nhàn hơn, hơn nữa khách hàng cũng sẽ cảm thấy thích thú hơn vì được trực tiếp nhìn thấy thịt gà nướng. Cách mới này quả nhiên là một ý tưởng hoàn hảo cho quán tôi.
Không phải những món ăn sáng tạo nhanh chóng thành trào lưu rồi cũng nhanh chóng lỗi thời, mà chính những món ăn có nguồn gốc nguyên bản mới là món ăn có sức sống mãnh liệt đến không thể ngờ
Bởi vậy, khi những quán nhậu muốn nấu những món ăn có giá hơi cao, khoảng trên dưới 600 yên thì chúng ta có thể tham khảo những món đặc sản các vùng. Nhưng nếu chỉ đơn giản bắt chước, chắc chắn chúng ta sẽ thua món nguyên bản.
Dựa vào ý tưởng gốc là nướng than hoa rồi tôi suy nghĩ xem mình có thể làm được điều gì khác biệt không. Đúng rồi! Món nướng than hoa ở Miyazaki là đặt tấm vỉ nướng lên trên lò than nên tôi đã nảy ra ý tưởng mình sẽ dùng thứ gì đó có thể lật qua lật lại như chảo nướng. Nếu vừa lật qua lật lại vỉ nướng vừa nêm nếm gia vị sẽ càng tạo cho khách hàng cảm giác như xem trực tiếp quá trình chế biến.
Bây giờ chúng ta đã có sẵn dụng cụ vỉ nướng nhưng thời điểm đấy chưa hề có dụng cụ nấu nướng như thế. Tôi đã phải bàn bạc với thợ kim loại rồi đặt làm một loại vỉ nướng có tay cầm. Sau khi cải tiến không biết bao lần những yếu tố như độ bền, bây giờ chiếc vỉ nướng đã trở thành dụng cụ không thể thiếu được trong căn bếp chỗ chúng tôi.
Tên món ăn cũng thế, chỉ cần thêm chút biến tấu thì sẽ có sức hấp dẫn hơn hẳn.
Ví dụ, thỉnh thoảng chúng tôi lại dồn sức bán món trứng cuộn. Đó là món vừa có giá thành rẻ, vừa là món ăn khách thường cảm thấy thèm ăn sau khi nhậu xong. Vậy nên tôi đã đưa món trứng cuộn thành sản phẩm chủ chốt để bán.
Nhưng nếu chỉ viết mỗi “trứng cuộn” trên thực đơn thì không thể thu hút khách hàng nên tôi đã đặt tên nó là “món trứng cuộn bà làm”. Đồng thời, tôi cũng đổi những món ăn phụ như sa-lát khoai tây và món hầm thành “sa- lát khoai tây mẹ làm” và “món hầm của ông”.
Như thế, thực đơn sẽ lập tức biến thành những món ăn tự làm và ấm áp.
Ngoài ra, tôi còn dựa vào thực đơn cố định “mì ý bình dân” để nghĩ ra tên cho món ăn mới như: “cơm nướng phô mai trung lưu” hay là “rau củ hấp thượng lưu”. Lối chơi chữ như thế sẽ tạo cảm giác hài hước và khách hàng sẽ muốn giới thiệu cho cả người khác nữa. Mặc dù chẳng phải điều gì to tát nhưng đó lại là một mánh khoé để khiến khách hàng bật cười. Điều đó sẽ hỗ trợ cửa hàng chúng ta về lâu về dài.