Khi làm công việc mình yêu thích, khối lượng công việc dù có nhiều bao nhiêu cũng sẽ không biến thành nỗi vất vả. Để công việc kinh doanh trong ngành dịch vụ ăn uống phát triển có rất nhiều cách, nhưng nếu tự mình mở quán, bạn sẽ có thể kiểm soát toàn bộ mọi công đoạn. Đó là điểm hấp dẫn lớn nhất khi làm chủ quán ăn của riêng mình.
Đương nhiên, việc vận hành quán ăn không chỉ toàn những điều thú vị, sẽ có lúc bạn cảm thấy phiền muộn vì doanh thu không tăng lên.
Để có cái nhìn khách quan về tình hình kinh do- anh của quán, tôi sẽ cùng lúc đóng hai vai “diễn viên” và “đạo diễn”. “Diễn viên” là vai trò khi tôi đứng ở vị trí nhân viên tiếp đón, phục vụ khách hàng. Còn “đạo diễn” là vai trò khi tôi quản lí bao quát toàn bộ cửa hàng
Ví dụ, nếu có một món ế ấm, “diễn viên” sẽ trăn trở về món đó. Khi ấy, tôi sẽ hỏi phiên bản “đạo diễn” trong mình rằng: “Hãy chỉ cho tôi cách bán món đó đi!” Như vậy, phiên bản “diễn viên” trong tôi sẽ có thể nghỉ ngơi trong chốc lát.
Có những lúc, phiên bản “diễn viên” sẽ cất lời than phiền, càu nhàu rằng: “Chẳng phải vì chỉ thị của ông thật buồn cười nên món đấy mới không bán được hay sao?”
Luân phiên đóng hai vai như vậy, tôi có thể dễ dàng nhận ra những vấn đề quán đang gặp phải
Tương tự như vậy, khi chuẩn bị ra mắt một món ăn mới, phiên bản “đạo diễn” trong tôi sẽ phải truyền cho phiên bản “diễn viên” niềm say mê với món đó. Bây giờ, tôi không còn thường xuyên có mặt trực tiếp ở quán nữa, vậy nên, tôi sẽ truyền đạt với các nhân viên rằng mình thích món đó ra sao, nó đặc sắc như thế nào. Điều này đã thúc đẩy các nhân viên làm việc với nhiệt huyết và chăm chỉ hơn rất nhiều.
Khi dạo một vòng các hiệu sách cũ, chúng ta hẳn sẽ rất thích thú trước những dòng đánh giá viết tay ngay trong ruột sách từ những người từng đọc nó, có khi chúng ta còn muốn mua luôn cuốn sách ấy. Tại sao lại như vậy? Vì chúng ta cảm nhận được niềm yêu thích, sự tâm đắc của những người chủ trước của cuốn sách đó.
Không chỉ riêng ngành dịch vụ ăn uống mà bất cứ ngành kinh doanh nào cũng vậy. Để thúc đẩy nhân viên làm việc hết mình, điều quan trọng nhất là người chủ cần nhanh chóng truyền cho họ niềm say mê của bản thân đối với sản phẩm của công ty
Tập đoàn Honda cũng áp dụng phương pháp tương tự. Dù đã nghỉ hưu, ông Honda Soichiro – nhà sáng lập tập đoàn – vẫn thường xuyên đến xưởng sản xuất và trực tiếp xem xét những chiếc xe máy, ô tô ở đây. Chỉ cần nhìn hình bóng ông, ai cũng thấy được tình yêu mãnh liệt của ông dành cho các sản phẩm của tập đoàn. Và cũng chính hình ảnh này sẽ giúp cổ vũ tinh thần cống hiến của các công nhân viên khác.
Khi ông chủ và nhân viên cùng đồng lòng, nhuệ khí làm việc chắc chắn sẽ lan tỏa khắp công ty. Ban đầu, những người niềm say mê ấy có thể chỉ thu hút một, hai người, nhưng dần dần nó sẽ nhanh chóng lan tỏa, đó chính là cách để một công ty phát triển.