Âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn
K
hi nói đến chuyện học hành của con cái, nhất là với học sinh tiểu học, đa số phụ huynh chỉ quan tâm đến ba môn học Toán, tiếng Việt, tiếng Anh. Nhưng không phải ngẫu nhiên, càng ngày người ta lại càng quan tâm hơn đến việc trang bị các “kỹ năng mềm” cho các con ngay từ khi mới bước vào lớp 1. V ì vậy, hãy tạm bỏ qua các môn học sang một bên, chúng ta hãy bàn chuyện học những môn mà đa số phụ huynh cho là môn học phụ do không tính “điểm phẩy” chính khóa nhưng kỳ thực ai cũng hiểu, những kỹ năng mềm đó rất quan trọng trong cuộc sống. Người ta thường quen nói đó là các môn “Võ, vẽ, đàn ca sáo nhị”.
Thực ra, giáo dục ở nhiều nước phát triển trên thế giới, không có ranh giới giữa môn học chính và các môn học phụ như ở ta. Học sinh từ cấp một, cấp hai đều học các môn thể thao, nghệ thuật, đàn hát như một môn học bình thường, được quan tâm không khác gì các môn Toán, Văn, Ngoại ngữ.
Tại sao các nước có nền giáo dục văn minh lại chú trọng các kỹ năng, các môn năng khiếu, đàn hát võ vẽ đến thế? Tại sao nhiều trường trung học, đại học danh tiếng của Hoa Kỳ và nhiều nước châu Âu khi xét hỗ trợ tài chính, học bổng cho học sinh, ngoài xét điểm số các môn học chính khóa, lại rất quan tâm đến các hoạt động ngoại khóa, các thành tích nghệ thuật của ứng viên.
Hồ sơ du học có thành tích biễu diễn, nghệ thuật, triển lãm tranh ảnh là hồ sơ xét học bổng thêm cạnh tranh, có thêm cơ hội được tặng học bổng của các trường danh tiếng.
Đứng ở góc độ một phụ huynh, cũng từng “vật vã” với các chương trình học ngoại khóa “đàn, ca, sáo, nhị” cho các con mình bao năm qua, tôi xin có vài lời chia sẻ ở góc độ hoàn toàn cá nhân, ứng với chính những đứa trẻ con tôi. Trước hết, tôi xin nói trước, con tôi vốn không phải là người có đam mê piano, cháu chỉ là một cô bé tuổi teen có chút hiểu biết, yêu thích nghệ thuật, âm nhạc nói chung, có một chút nền tảng cơ bản về âm nhạc và khi vào lớp 10, cháu học thêm guitar để nghêu ngao đệm đàn hát cùng các bạn trong các buổi sinh hoạt đoàn. Tất nhiên, khi đi đâu có đàn piano, nếu bố mẹ nói con chơi một bản cho vui, cháu có thể chơi một vài bản như Love story, Hungarian Sonata. Nhưng dù không phải là dân nghệ thuật, tôi cũng hiểu con chỉ dừng lại ở mức chơi đàn vì học đàn, chứ không phải là một người chơi đàn vì đam mê.
Hiện đam mê lớn nhất của con lại nằm ngoài những gì tôi đầu tư dài hạn từ nhỏ cho con, là môn Ảo thuật. Những tâm sự này của tôi, biết đâu sẽ mang đến cho bạn nhiều trăn trở, suy tư và kinh nghiệm để đồng hành cùng con trong chặng đường đeo đuổi “đàn, ca, sáo, nhị”.
“Văn mình, vợ người”, “Con hát mẹ khen hay”. Không phải ngẫu nhiên người xưa đúc kết như thế. Ai cũng ngỡ con mình sắp trở thành danh họa hay ca sĩ, người mẫu, thành “sao” nổi tiếng đến nơi rồi khi con mới 3, 4 tuổi, tham gia các câu lạc bộ nghệ thuật! Khi con mới sinh ra, rồi bập bẹ biết nói, biết hát vài câu đơn giản với chất giọng trong veo, cao vút, bà mẹ, ông bố nào cũng có tâm lý, ngỡ con mình sau thành ca sĩ đến nơi. Nhưng cuộc đời không đơn giản như thế...
Đi nhà trẻ, cô dạy vẽ, tô màu, con sáng tác được vài bức tranh ngộ nghĩnh, nhiều người mang ngay về nhà đóng khung, treo tường, và ngỡ con mình thành họa sĩ lừng danh như các đại danh họa Van Gogh, Picasso đến nơi rồi! Tôi cũng thế. Khi có con đầu lòng tôi đã mua đĩa hát ru, học hát với cái giọng khản đặc, nhưng rồi con cũng thích, cứ mẹ ru à ơi là con ngủ. Tôi ngỡ con tiếp thu hát ru, ngấm văn hóa dân gian, thích dân ca như thế, chắc chuẩn theo sách rồi! Lúc con đến tuổi ăn bột, con cứ phải nghe video Xuân Mai mới ăn thì lấy làm thích thú. Con 3 tuổi, thậm chí sáng ra, để giục con dậy đúng giờ đi nhà trẻ, tôi chỉ cần bật các đĩa nhạc của ban nhạc Bond, nhạc violin phá cách của các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới là con tự dậy. Kể cả những hôm mùa đông cực khó chui ra khỏi chăn ấm nhưng cứ nghe nhạc không lời, nhạc kinh điển, nghe The Beatles là thấy con thích mê và tự giác, vui vẻ thức dậy chuẩn bị đi học là tôi mừng lắm. Tôi nói với chồng : “Tình hình con mình có vẻ có năng khiếu âm nhạc quá cơ anh ạ. Phải sớm cho con đi học đàn piano ngay thôi”.
Thời điểm những năm 2008, khi Hà Nội đang chuẩn bị qua cái trào lưu học organ, nhiều phụ huynh bắt đầu cho con học piano. Ngày đó, tôi cũng ra trung tâm Yamaha khá nổi tiếng với quy mô dạy đàn organ, piano và dàn giáo viên bài bản của các trường nghệ thuật về “đầu quân” xin cho con học đàn. Con tôi được học ngay giai đoạn đầu cô Phó Vũ Thư, cô giáo nhẹ nhàng, lại thuộc gia đình truyền thống âm nhạc, con gái nhạc sĩ Phó Đức Phương, cô rất thân thiện với phụ huynh, tôi thấy con mình thật may mắn quá! Hồi đó lớp đàn khoảng gần 10 cháu, học giáo trình Yamaha khá hay, các cô thì nhiệt tình, piano được coi là một món “quý tộc” ở Hà Nội. Sáng thứ Bảy hàng tuần, tôi và các phụ huynh cùng phải ngồi vào lớp, kè kè bên con để cùng học.
Trung tâm giải thích, các con nhỏ quá, chưa biết chữ, bố mẹ ngồi cạnh kèm cùng cô, giờ ra chơi, học sinh bố mẹ còn có nhiệm vụ cao cả là cho các con đi tè, đi vệ sinh, vì nhỏ quá, trung tâm không quản nổi “khoản WC”.
Dù bỏ hết các cuộc chơi, “cà phê cà pháo” sáng cuối tuần, vì sự nghiệp đàn hát của con, nhưng tôi và nhiều bố mẹ, lòng đầy khấp khởi, vì ai cũng nghĩ đến một tương lai không xa, được ôm hoa thập thò cánh gà Nhà hát Lớn hoặc một sân khấu nào đó, để tặng hoa cho con khi được biểu diễn trong dàn nhạc giao hưởng... Rồi các con cũng tuần tự thi các chứng chỉ theo từng trình độ từ thấp đến cao với hơn 2 năm học đàn trôi qua nhanh chóng. Trong suốt thời gian đó, có một lần trung tâm Yamaha tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập thì con tôi, được chọn không phải là biểu diễn piano mà là biểu diễn hát đồng ca cùng các bạn.
Để có cơ hội được biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn thời điểm đó, dù chỉ là hát đồng ca thôi, cũng là quý hóa lắm rồi. Còn để được biểu diễn độc tấu piano trước khán giả, phải là những bạn học sinh cực kỳ xuất sắc, nhiều bạn đỗ vào nhạc viện và từng được giải thưởng âm nhạc trong nước và quốc tế. Trong khi đó, có bạn học cùng lứa con, cũng các cô giáo đó, giờ đã có hành trang mấy giải thi quốc gia, thậm chí quốc tế tài năng piano trẻ.
Và có cho con học đàn, tôi mới hiểu, từ cái tố chất thông minh, có chút năng khiếu, tiếp thu tốt đến việc có thể học piano một cách thực sự không hề đơn giản. Con tôi không hề có cái năng khiếu trời phú và đam mê cháy bỏng mang tên piano. Một điều đơn giản có thể nhận ra điều đó là con tôi không bao giờ tự giác ngồi vào đàn luyện một ngày 30 phút mà chỉ ôn bài theo cô giao trước mỗi buổi học đàn. Trong khi, với các con đam mê học đàn, các con có thể say sưa luyện đàn cả tiếng đồng hồ mà không vì bố mẹ hay thầy cô giục tập hay ép học. Nhưng không hề gì, tôi nghĩ, nghệ thuật kinh điển luôn có chỗ trong tâm hồn con, khi đồng hành cùng con từ nhỏ. Do tính chất công việc của tôi thời điểm đó hay được giao lưu với các nghệ sĩ, tôi cũng hay quan tâm đến các chương trình biểu diễn giao hưởng, hay được mời tham gia các chương trình lớn nên bắt từ lúc con lên 6 tuổi, tôi và con đã trở thành người bạn thân thiết của Nhà hát Lớn - Ha Noi Opera trong hầu hết các chương trình Hòa nhạc giao hưởng, biểu diễn nghệ thuật kinh điển.
Những chương trình thích, tôi vẫn xem lịch, mua vé cho con xem, ủng hộ các nghệ sĩ. Còn nhớ hồi con 6 tuổi, nhỏ bé hơn so với các bạn, khi vào Nhà hát Lớn, lần đầu mẹ phải xin chú kiểm vé ngoài cửa, giải thích là cháu đã 6 tuổi rồi, và đang học piano, nên sẽ ngồi ngoan trong hàng ghế khán giả của nhà hát. Sau lần đó, đều đặn, những buổi biểu diễn giao hưởng theo lịch diễn bốn mùa của Giàn nhạc giao hưởng Việt Nam tôi đều cho con đi xem. Một điều khá thú vị, dù mẹ cứ lo con còn nhỏ, mới 8, 9 tuổi đã đi nghe giao hưởng sẽ ngủ gật giữa chừng, hoặc nghịch ngợm, nhưng không hề thế, con tôi dự đều đặn các buổi diễn ở Nhà hát lớn và hình như chưa bao giờ ngủ gật, bỏ dở buổi xem giữa chừng. Cháu thuộc lòng mặt các nghệ sĩ và đặc biệt, cháu cực ấn tượng với Nhạc trưởng Tetsuji Honna và thường nói: “Mẹ ơi ông On na hôm nay mặc áo có đuôi”. Tôi không biết ông Tetsuji Honna nhận nhiệm vụ làm nhạc trưởng cho dàn nhạc giao hưởng Việt Nam từ bao giờ, nhưng kể từ khi con 6 tuổi đến tận 16 tuổi, mỗi lần đến Nhà hát Lớn xem các chương trình thường kỳ của dàn nhạc, mẹ con tôi đều gặp ông trong vai trò nhạc trưởng.
Đến nỗi, khi hết chương trình, là lúc 2 mẹ con đứng ở cửa, để gặp chào ông Honna một câu bằng tiếng Anh: “Good night! See you again!” Và con gái tôi, nhiều khi được gặp và chào đến quen mặt các nghệ sĩ như bác Thiện violin, cô Pha Lê (cello), bà Trần Thị Mơ (cello)... Bất cứ chương trình hòa nhạc nào như Hennessy, hòa nhạc Toyota hay các đêm các nghệ sĩ nổi tiếng đến diễn ở các Nhà hát, tôi đều tìm mọi cách xin vé, mua vé bằng được để đưa con đi. (V ì nhiều chương trình tài trợ không bán vé, nên buộc phải đi xin bằng mọi cách). Chỉ vì một mục tiêu duy nhất, cho con ngấm nghệ thuật giao hưởng từ nhỏ.
Con học đàn đến năm thứ ba, tôi cũng sắm một chiếc đàn dương cầm mới cho con nhưng đến lúc đó, tôi hiểu, con không hề có đam mê piano, dù bất cứ thầy cô nào dạy con đều khẳng định rằng con tiếp thu tốt. Ví như có bản nhạc kinh điển khá phức tạp mà con vỡ bài rồi tập luyện chỉ 5, 6 buổi là thuộc, trong khi cô định dạy con trong 7, 8 buổi. Nhưng dù tôi có chăm chút đến mấy, vẫn chỉ thấy con học mãi mà một ngày luyện đàn không quá 15 phút, chỉ khi trả bài mới thì ngồi lì học cho xong thì tôi tự hiểu: con không có đam mê dành cho piano.
Dù vậy, tôi vẫn cần mẫn, bất cứ chương trình nghệ thuật nào lớn, chương trình giao hưởng nào có thể thu xếp, là lại cùng con lên đường. Điều đó không liên quan đến chuyện học piano cho lắm, nó làm cho con tôi ngấm dần, ngấm dần bầu không khí âm nhạc, nghệ thuật kinh điển một cách tự nhiên như hơi thở. Biết thưởng thức nghệ thuật cũng là một điều đáng quý, đâu cứ phải thành một nghệ sỹ dương cầm, mới đến Nhà hát Lớn?
Con được gì sau tuổi thơ học đàn và “lê la” Nhà hát Lớn?
Nhiều khi tôi tự hỏi, con tôi không theo piano chuyên nghiệp, giờ chơi đàn cũng chỉ là biết vậy thôi. Vậy bao năm tôi đầu tư cho con theo học piano, đi Nhà hát lớn có vô ích?
Tất nhiên là không có cái gì trên đời là lãng phí nếu ta thực hiện nó bằng cả sự đam mê cho con. Sau bao năm như thế, cái được lớn nhất con có là gì:
Từ nhỏ con đã hiểu, khi vào Nhà hát lớn, đến với thánh đường nghệ thuật thưởng thức âm nhạc, nhất là nghe giao hưởng tại sao không nên nói to, cười nói ầm ĩ dù chương trình chưa bắt đầu. Tại sao hầu hết khách ngồi thưởng thức giao hưởng dưới sân khấu đa phần là các ông bà Tây, những người luôn tận dụng từng giây phút được lắng nghe những chương trình hòa nhạc của Dàn nhạc giao hưởng, trong khi khán giả Việt còn nhiều người thờ ơ. Từ nhỏ con đã hiểu, đi vào Nhà hát Lớn nên tắt điện thoại di động hoặc để chế độ rung. Con nhăn mặt khi đang ngồi nghe giao hưởng chợt thấy có bác quên tắt để chuông điện thoại réo rắt trong ánh mắt kinh ngạc của nhiều khách nước ngoài và có khi cả những nghệ sĩ đang chơi đàn trên sân khấu.
Con hiểu giá vé mua vé vào cửa xem nhạc giao hưởng Nhà hát Lớn luôn quá rẻ so với những gì bao nghệ sĩ đổ mồ hôi trên sân khấu. Con tôi cũng nhiều lần tự hỏi, chỉ huy dàn nhạc giao hưởng Việt Nam bao năm vẫn là ngài Honna đến từ nước Nhật mà không phải người Việt. Con cũng hay so sánh, tìm ra nét khác biệt trong phong cách chỉ huy của những người nước ngoài và các nhạc trưởng Việt như bác nghệ sĩ Phi Phi.
Con tôi nhận ra rằng, đam mê lớn nhất của mình là Ảo thuật và nhanh chóng học một khóa cơ bản 10 buổi và một khóa nâng cao 10 buổi là có thể đứng trên sân khấu biểu diễn ảo thuật với tinh thần và thần thái như một ảo thuật gia chuyên nghiệp. Con có thể tra trên mạng các chương trình của các ảo thuật gia thế giới, lùng mua trên mạng đạo cụ để tự tập cho những buổi diễn mình có thể tham gia. Dù có lúc được diễn chung sân khấu lớn với các nghệ sĩ hàng đầu hay chỉ là diễn cho 60 em nhỏ vùng cao thì con đều chuẩn bị đạo cụ và đầu tư bài diễn bằng cả sự say mê. Con có khả năng chọn nhạc giao hưởng phù hợp với các tiết mục biểu diễn ảo thuật của con sao cho vừa thu hút khán giả, vừa thể hiện được ý đồ biểu diễn.
Con có bản lĩnh sân khấu, không bao giờ run khi diễn trước vài chục hay vài trăm, hay cả ngàn khán giả. Có lần thi piano ở Cung thiếu nhi, mẹ và cô ở dưới run lắm, nhưng con trên sân khấu thì bảo, con thấy bình thường và coi như dưới không có ai ngoài con và đàn. Sau này, bản lĩnh sân khấu giúp con khi học hành, thi cử luôn bình tĩnh, không bao giờ run khi làm bài thi, cho dù đề khó hay dễ. À, có một điều là khi học chuyên Anh, khi gặp các bài luận, thuyết trình về âm nhạc, con bao giờ cũng có thể thuyết trình, “chém” say sưa, không bị bí từ hay tắc tị như nhiều đề tài khác. Vậy ở góc độ cá nhân mình, một phụ huynh luôn muốn đồng hành cùng con những chặng đường “đàn ca sáo nhị”, tôi xin đưa ra một vài chia sẻ chứ không hẳn là lời khuyên sau:
Chỉ có đam mê mới cứu rỗi được Piano hay cái nghiệp “đàn ca sao nhị” của con bạn!!! Điều quan trọng nhất đơn giản chỉ nằm trong 2 chữ: đam mê và đam mê!
Đừng bao giờ xác định từ đầu là con học đàn cho vui, con học vẽ cho vui. V ì cái vui đó nếu không được bắt đầu với một tinh thần chuyên nghiệp của cả bố mẹ và con thì sẽ rất tốn tiền và tốn nhất là thời gian. Trong khi tuổi thơ của con trôi đi rất nhanh, không lấy lại được. Đầu tư sai phí cả một khoảng trời thơ ấu của con. Đừng bao giờ quá kỳ vọng và nhầm tưởng con bạn trở thành người nổi tiếng đến nơi, để bạn đỡ phải thất vọng mai sau. Nếu con bạn đang học đàn, chỉ là để lấy chứng chỉ làm đẹp hồ sơ du học thì tùy bạn, cũng là một cách hay. Nhưng có nhiều cách làm cho hồ sơ đẹp bằng chính đam mê của con. Mà các trường trung học, đại học của các nước phát triển khi cấp học bổng, họ cũng tinh lắm, họ là cái nôi của nhạc giao hưởng, của nghệ thuật kinh điển nên chỉ qua vài câu phỏng vấn, họ có thể hiểu con bạn có thực sự có tâm hồn nghệ sĩ hay không chứ không chỉ nhìn vào cái chứng chỉ đơn giản bằng giấy.
Hãy bán đàn nếu như ngày nào con cũng than vãn, thậm chí viết điều ước gửi ông già Noel dịp Giáng sinh là: “Ước gì mẹ không bắt con tập đàn”. “Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép... học đàn”, vì thực tế, nếu bố mẹ cố ép con học thì cũng không mang lại kết quả. Tôi từng chứng kiến nhiều cháu van vỉ xin mẹ đừng bắt con tập đàn mà mẹ không chịu. Như thế ích gì, mà đàn để lâu không chơi, cũng hỏng, để làm trang trí, “decor” cho căn nhà thôi cũng phí.
Còn nếu con bạn mới học một đến hai năm mà bạn vẫn thấy piano hay nhạc cụ nào đó là niềm mong mỏi của bạn và có cảm giác con bạn có thể hiện thực hóa ước mơ học dương cầm của mình thì hãy tìm cho con giáo viên thực sự giỏi. Đừng học piano hay bất cứ nhạc cụ gì theo các khóa hàng chợ, giáo viên lởm khởm, sẽ là thảm họa mà học phí cho các khóa học đàn đó chưa chắc đã rẻ hơn bao nhiêu so với các giáo viên chuyên nghiệp dạy bài bản.
Bạn có thể “mò” vào Học viên âm nhạc Quốc gia mà người ta quan gọi là “nhạc viện” ở số 77 Hào Nam, phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội để tìm hiểu thầy cô dạy đàn chuyên nghiệp, giúp con được học giáo viên tốt. Bạn cũng có thể đến Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam số 11 ngõ Núi Trúc, Ba Đình, HN, Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội, số 7 Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, HN để tìm giáo viên, nhờ tư vấn cho con bạn học đàn. Ở TP Hồ Chí Minh, bạn có thể đến Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh có trụ sở tại đường Nguyễn Du, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là một trong ba nhạc viện tại Việt Nam, nơi có nhiều giáo viên dạy đàn nổi tiếng của TP. HCM.
Ngoài ra, bạn cũng có thể đến các trung tâm dạy nhạc uy tín để tìm hiểu các khóa học đàn, chắc chắn sẽ tìm được thầy cô giỏi cho con học. Nếu bạn đam mê, thích con học đàn, trước hết, hãy cho con đi thật nhiều buổi diễn nghệ thuật, âm nhạc, nhạc giao hưởng. Trong nhiều năm qua, dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam biểu diễn khoảng 60 buổi hoà nhạc một năm, với vốn tiết mục gồm các tác phẩm nhạc cổ điển, lãng mạn và hiện đại trong đó có nhiều tác phẩm của các nhạc sĩ Việt Nam đương đại. Đi nghe giao hưởng nhiều, con bạn sẽ ngấm và vỡ ra được nhiều điều về nghệ thuật kinh điển.
Tôi tin một điều, dù con tôi, con bạn không thành một nghệ sĩ trong tương lai, nhưng chắc chắc con sẽ ngấm được vẻ đẹp âm nhạc, nghệ thuật một cách rất tự nhiên. Điều đó, sau này sẽ là một hành trang quý giá mà con tôi, con bạn sẽ mang theo suốt cuộc đời.