Á
p lực học hành ở cấc cấp học dẫn đến trầm cảm học đường là một thực trạng đáng báo động ở nước ta trong thời gian qua. Không chỉ học sinh học các trường chuyên, lớp chọn mà do căn bệnh thành tích trong giáo dục tạo áp lực khiến học sinh bất cứ trường nào cũng có nguy cơ bị căng thẳng, trầm cảm bất cứ lúc nào. Nếu bố mẹ không quan tâm đúng mức, không tỉnh ngộ khi còn chưa muộn, chỉ nhăm nhăm học và học, chỉ quan tâm điểm số của con thì sẽ dẫn đến hệ lụy khôn lường.
Tôi xin chia sẻ kinh nghiệm quẳng gánh lo học hành để “xách ba lô lên và đi” cùng các con. Bởi vì quan điểm của nhà tôi là “cho trẻ đi để lớn” và “đường và chân là đôi bạn thân”. Điều quan trọng nhất để quẳng gánh lo học hành đi để đưa con chinh phục các dặm đường là gì? Nhiều người nói, phải có tiền mới đi được. Điều đó không sai, rất đúng là đằng khác. Nhưng chưa đủ, với kinh nghiệm của nhà tôi, từ khi con còn bé đã được vi vu cùng mẹ trong các chuyến công tác hoặc du lịch thì chốt lại, điều quan trọng nhất của mỗi chuyến đi là lòng quyết tâm, niềm tin vào một chuyến đi thật vui, thật có ích cho con, thật ý nghĩa cho gia đình. Khi đã có sự quyết tâm đi, thì chúng ta mới sắp xếp kế hoạch để lên đường một cách phù hợp và hiệu quả.
Với gia đình tôi, khi các con còn nhỏ, có khá nhiều chuyến đi có đủ ba thế hệ: ông bà, bố mẹ, con cái, thậm chí là chú, dì, anh em họ hàng. V ì vậy, kinh nghiệm của tôi, để có được những chuyến đi có đông đủ ông bà, con cháu, điều đầu tiên, chúng ta đã phải tính đến sức khỏe của cả nhà, từ đứa bé 1 tuổi đến tất cả các thành viên trong gia đình như ông bà nội, ngoại 60-70 tuổi cũng phải ổn. Tiếp theo, sau khi có được quyết tâm, có sức khỏe, mới hoạch định cho chuyến đi khả thi thế nào. Lúc này, tiền đóng vai trò quan trọng. Nhiều người nói. “Có tiền làm gì chả được. Không có tiền đi du lịch bằng “niềm tin” à?” Tôi đã chứng kiến nhiều bạn bè, nhiều gia đình khá giả mà người ta hay nói đùa “tiền đè chết người”, nghĩa là tiền nhiều lắm lắm nhưng vì nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan họ cũng không thể có một chuyến du lịch với cả nhà gồm nhiều thành viên trong gia đình ba thế hệ. Tiền rất quý, nhưng cái gì không mua được bằng tiền thì đặc biệt quý. Đó chính là sức khỏe và niềm vui khi được cùng con cái và bố mẹ chúng ta rong ruổi trên những chặng đường. Đôi khi nhiều tiền thậm chí rất nhiều tiền cũng không mua được niềm vui giản dị đó. Khi đã hiểu rõ điều đó, thì chúng ta sẽ có đủ quyết tâm để sắp xếp chuyến đi phù hợp túi tiền và hoàn cảnh của chính mình.
Chẳng hạn, nếu sống ở Hà Nội, không có đủ thời gian và tiền bạc cho những chuyến đi xa, bạn có thể cùng con đi đến nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử lâu đời và bạn sẽ cho con được mở rộng nhãn quan và có những ngày nghỉ cuối tuần thật thú vị và ý nghĩa. Dù sinh ra và sống ngay trong lòng Hà Nội, nhưng chính tôi cũng thừa nhận, chưa đi thăm hết Hà Nội bao giờ, còn nhiều chỗ, nhiều điểm đẹp lắm, nhiều quán cà phê, quán cóc, nhiều góc chùa, mái đình cổ xưa giữa lòng Hà Nội mà tôi cũng như nhiều người chưa biết. Chẳng hạn, nhiều người bạn tôi, sinh ra ở Hà Nội, rồi nhiều đồng nghiệp các tỉnh, thành phố khác, định cư ở thủ đô hơn hai chục năm nhưng trong số đó rất nhiều người chưa biết hoặc chưa đi tham quan hết “Thăng Long Tứ trấn” của đất Hà Nội xưa và nay. Đó là các di tích bao gồm bốn ngôi đền: Đền Bạch Mã trấn phía Đông thờ thần Long Đỗ; Đền Voi Phục trấn phía Tây thờ thần Linh Lang ; Đền Kim Liên trấn phía Nam thờ thần Cao Sơn và Đền Quán Thánh thờ thần Trấn Vũ, trấn phía Bắc của thành Thăng Long xưa. Mỗi ngôi đền thờ một vị thần có nguồn gốc và ý nghĩa khác nhau, nay vẫn uy nghi đứng trấn giữa Hà Nội ngàn năm văn vật.
Nếu không có tiền đi xa, chúng ta sẽ sắp xếp các chuyến đi quanh Hà Nội, bao gồm cả vùng mở rộng ra tận Sóc Sơn, Ba V ì… thì bạn sẽ nhận thấy Hà Nội có rất nhiều chỗ cắm trại “ngon, bổ, rẻ” cho các con mình. Nhà tôi đã từng hạ lều ở triền đê sông Hồng, hay có lúc đi cắm trại ở Công viên Yên Sở, bãi cỏ Sóc Sơn, Ba V ì… Tiền không quá nhiều, nhưng bọn trẻ con thì rất thích. Nếu tặc lưỡi: “Đi toàn ngắm người ý mà, Hà Nội có gì mà đi” thì đúng là “Bụt chùa nhà không thiêng rồi”, có lẽ, bạn cứ ngủ nướng đi. Và con cái bạn sẽ không bao giờ có các kỷ niệm của những chuyến dã ngoại ngoài điện thoại Smartphone, tivi, iPad hay những khung nhôm cửa kính.
Còn nếu bạn ở Hải Phòng, Huế, Sài Gòn, Đà Nẵng, Phú Yên, Quy Nhơn... hay bất cứ miền xa nào, bạn có chắc đã khám phá hết miền đất thân thuộc đó? Nhiều lần, khi tôi kể cho những người dân địa phương về nơi tôi và gia đình vừa khám phá, họ bảo: Ơ sao mình đẻ ra ở Huế mà chưa biết chỗ đó, có bạn ở Tuy Hòa bảo, đã 30 tuổi rồi mà chưa ra đảo Nhất Tự Sơn, dù gốc Phú Yên. Nếu bạn nghĩ, phải tiết kiệm thật nhiều tiền, để có các chuyến đi, các tour du lịch hoành tráng, thì biết đâu, con bạn đã lớn ngồng và không có vé nào quay lại tuổi thơ con. Và bố mẹ thì không chờ bạn, cứ già đi theo thời gian, các bãi biển, rừng già Việt Nam cũng không chờ bạn, khi các tập đoàn lớn nhảy vào làm ăn lớn, thì sẽ mang đến sự hiện đại, và đương nhiên, vẻ đẹp hoang sơ, tự nhiên cũng mãi mãi ra đi, không bao giờ trở lại. Đó là lý do bạn hãy đi khi có thể, đừng chờ đợi điều gì. Khi có ô tô, có một số tiền nhất định, thì chuyện du lịch đây đó cũng trở nên đơn giản. Bán kính vài trăm km cứ xách ba lô lên, đổ xăng là đi. Với các kỳ nghỉ dài 7-10 ngày thì có thể đi xuyên Việt. Rồi hành trình qua các chuyến bay. Không nhiều tiền thì canh vé rẻ, book trước một vài tháng, sẽ có khá nhiều chuyến bay Đà Nẵng, Phú Yên, Sài Gòn, Phú Quốc của các hãng hàng không giá rẻ chào đón bạn. Nếu có kế hoạch du lịch nghiêm túc, bài bản, chuyên nghiệp từ đầu thì bạn luôn có cơ hội book được vé máy bay, bay các chặng Bắc - Trung - Nam giá bằng hoặc rẻ hơn đi tàu hỏa, ô tô. Với nhiều gia đình, cho con đi tàu hỏa du lịch giờ khó có cơ hội hơn cả đi bằng máy bay. Với gia đình tôi, chuyến đi Lăng Cô tàu hỏa đỗ xịch ga Lăng Cô cách resort 2 km thật là tuyệt vời. Dù người lớn kêu mệt nọ kia, nhưng các con thì khoái chí. Và giờ đi là để cho trẻ lớn, cho trẻ mở rộng tầm mắt, học được nhiều nét văn hóa vùng miền chứ có phải đi cho mình đâu mà câu nệ?
Có phải cứ sang trọng, tiêu chuẩn 5 sao là con bạn sẽ càng sướng và càng nhớ các chuyến du lịch xa xỉ; Điều đó không hẳn đã đúng. Nhiều chuyến đi người lớn đánh giá thấp, chán tận cổ nhưng trẻ đánh giá cao như... “Ngàn sao”! Ít nhất là với trường hợp nhà tôi. Từ nhỏ, con mình đã từng được vi vu khắp nơi do tính chất công việc mình hay đi và tranh thủ cả nhà cùng đi, sau mỗi chuyến công tác. Có lúc con mình được đi cùng bố mẹ đến những resort 5 sao miền Trung, miền Nam, các vùng biển đảo.
Nhưng mới đây, khi được hỏi thích chuyến đi nào ấn tượng nhất thì con mình liệt kê ra hai địa điểm: du lịch Thung Nai hồ Thác Bờ rất thích và du lịch dọc đường Trường Sơn là hoành tráng nhất!
Trong khi đó, với hai vợ chồng nhà mình, chuyến đi Thung Nai “cạch đến già” không quay lại vì có kỷ niệm không đẹp khi vấp phải tình trạng chỗ ăn ngủ không tiện nghi, điện nước thiếu, ăn uống không hợp và đi lại không thuận tiện lắm, dù công nhận, phong cảnh hồ Thủy điện Thác Bờ và các điểm tham quan sông nước khá là hùng vĩ, sơn thủy hữu tình. Với nhiều người đi Quảng Bình, Đà Nẵng, Sài Gòn thì máy bay là nhất. Nhưng đấy, với con trẻ như nhà tôi thì chặng đường xuyên Việt, qua dãy Trường Sơn hùng vĩ, thậm chí có đoạn mưa giông ùn đến, mưa trắng trời, xe phải dừng lại vì cần gạt nước không kịp thì mới là ngoạn mục! Lúc đó cả nhà buột miệng hát “Gặp em, trên cao lộng gió. Rừng Trường Sơn ơi, ào ào lá đỏ”. Đó là những kỷ niệm du lịch ngàn sao chứ không phải 4 hay 5 sao với con trẻ! Thế nên, dù nhiều khó khăn để sắp xếp một chuyến đi thật hài hòa, thì rất nên đi du lịch cùng đại gia đình. Đó sẽ là những chuyến đi vô giá, dù bất cứ với gia đình nào… Có thể bạn không đi đây đó nhiều và có nhiều tiền tiết kiệm hay nhà đất sau này tặng lại cho con, cháu. Đó là một sự lựa chọn tốt.
Nhưng với tôi cũng như nhiều người, cho con những chuyến đi, để lớn, cũng là một sự lựa chọn không tồi. Cho trẻ đi để lớn và cho bố mẹ già đi để… trẻ. Và sau mỗi chuyến đi xa, lại chẳng thấy nơi nào thích hơn nhà mình mới lạ. Dù nhiều khi mệt mỏi, đến những vùng đất lạ đắt đỏ, nhiều khó khăn phát sinh, lại thề không quay lại, không đi nữa, nhưng rốt cuộc, cứ hở ra là nhà mình vẫn… “xách ba lô lên và đi”. Đơn giản thôi, cũng chỉ là, cho trẻ đi để lớn.