N
gay từ khi ngồi trên giảng đường đại học, có bao giờ bạn nghĩ, sao có nhiều sinh viên cùng lớp kiến thức sách vở, trình độ học vấn kém mà vẫn có thể đỗ đại học, để nghiễm nhiên học cùng bạn và nhiều sinh viên trong khóa? Đôi khi con gái nhỏ của tôi hỏi: “Mẹ ơi, sao bạn B ở lớp con học dốt lắm toàn điểm kém mà cuối năm vẫn được giấy khen, vẫn được lên lớp?” Biết trả lời sao?
Những vụ việc tiêu cực trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) trong nhiều năm khiến Bộ GD&ĐT phải vào cuộc điều tra và lập tức tổ chức họp báo ngày 19-1-2019 công bố kết luận kỳ thi này đã có nhiều sai phạm trong tổ chức, chấm thi, ban hành các văn bản liên quan đến cuộc thi chưa đúng. Thanh tra Bộ GD&ĐT đã chỉ ra hàng loạt sai phạm trong tổ chức kỳ thi HSGQG từ năm 2015 - 2017 như một số địa phương , người ra đề đề xuất và hội đồng ra đề thi nhưng lại tham gia bồi dưỡng , tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố dẫn đến đề thi có thể bị lộ, kết quả kỳ thi bị sai lệch, nhiều bài thi được nâng điểm vô lý...
Thực tế cho thấy, đã có thi cử, ở bất cứ xã hội nào, đều có tiêu cực, có gian lận khi thi, từ đơn giản, đến tinh vi. Bởi vì, suy cho cùng , gốc rễ mọi tiêu cực, mọi gian lận nằm ở yếu tố Con Người. Khi xã hội mải miết chạy theo thành tích ảo, đánh giá năng lực, trình độ con người nặng về hình thức, bằng cấp thì tình trạng chạy điểm, chạy trường , chạy lớp từ nhỏ đến lớn, từ cấp tiểu học đến đại học, thạc sĩ, tiến sĩ… sẽ luôn tồn tại như một phần tất yếu của cuộc sống. Thay vì than vãn về những điều bất công , bạn hãy cùng con đối diện với những điều phi lý trong thi cử.
Hãy cùng con mình đối diện với những gian lận trong thi cử, đặc biệt là trong các kỳ thi vượt cấp, vào đại học khi mà gần đây, hầu như năm nào báo chí cũng đưa tin nhiều vụ việc gian lận, có khi biến một bài thi từ điểm 1 thành điểm 8, 9 một cách dễ dàng.
CÁC VỤ GIAN LẬN THI CỬ THỜI XƯA
Kì thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học năm 2018 đã chứng kiến sự gian lận thi cử quy mô lớn gây bức xúc trong dư luận, tuy nhiên không phải bây giờ mới có gian lận mà từ thời phong kiến, khi mà con đường thi cử là con đường thăng tiến trong quan trường, dù phép Vua luật nước rất nghiêm nhưng vẫn xảy ra hiện tượng đó. Xin được điểm qua các vụ gian lận đã ghi vào sử sách để mọi người tham khảo:
Thời vua Lê Gia Tông năm 1673, tại khoa thi Hương, quan Tham chính Vũ Cầu Hối nhận tiền bạc, gửi gắm học trò. Phủ doãn phủ Phụng Thiên Ngô Sách Dụ làm việc trong trường thi đã ngầm mang sách vở vào trường, sai gia nhân làm quyển thi đưa lẫn vào chấm lấy đỗ. Việc bị phát giác, cả hai đều bị xử tội đồ (bắt làm nô lệ).
Kỳ thi năm 1696, quan Tham tụng (người đứng đầu chính quyền trong phủ chúa Định Nam vương Trịnh Căn) là Lê Hi gửi gắm con mình trong kỳ thi Hương cho Sách Tuân, nhưng cuối cùng quyển thi của con Lê Hi vẫn bị đánh trượt. Sách Tuân ngầm đưa quyển thi của con Lê Hi cho các khảo quan duyệt lại lần nữa, sửa từ bị đánh trượt sang lấy đỗ. Phó đô ngự sử Ngô Hải biết chuyện nhưng ém đi không tâu báo. Sau khi sự việc bị phát giác, Sách Tuân bị xử giảo (thắt cổ chết). Ngô Hải bị bãi chức, các quan phúc, giám khảo đều bị phạt.
Kỳ thi Hội Năm 1775 dưới thời vua Lê Hiển Tông, con trai nhà bác học Lê Quý Đôn là Lê Quý Kiệt, đã đổi quyển thi cho một thí sinh khác tên Đinh Thì Trung. Khi sự việc bị phát giác, Thì Trung bị đày ra Yên Quảng, Quý Kiệt bị tước bỏ học vị cho về làm thứ dân, rồi bắt giam vào ngục một thời gian sau mới được thả.
Kỳ thi Hương năm Minh Mạng thứ 15 (1834), tiến sĩ Ngô Thế Vinh được triều đình điều về trường thi Hà Nội làm giám khảo. Do vi phạm trường quy nên ông bị cách chức, tước học vị phải về nhà dạy học. Đến đời vua Tự Đức, năm Tự Đức thứ 9 (1856), nhờ Tổng đốc Định An là Nguyễn Đình Tân dâng sớ cho phục chức hàm cho những người có tài năng từng bị cách chức, Ngô Thế Vinh mới được khôi phục học vị tiến sĩ.
Trong kỳ thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, Cao Bá Quát và Phan Nhạ làm sơ khảo, ngầm lấy muội đèn làm mực chữa 24 quyển bài thi của học trò, đỗ được 5 người. Quyển thi của Trương Đăng Trinh (cháu đại thần Trương Đăng Quế) nhẽ ra bị đánh hỏng thì quan phân khảo là Nguyễn Văn Siêu nói với quan giám khảo cho đỗ.
ĐẾN GIAN LẬN THI CỬ THỜI NAY
Năm 2006, thầy Đỗ Việt Khoa (một trong những giám thị tham dự coi thi tốt nghiệp tại THPT Phú Xuyên A, Hà Nội) đã quay video ghi lại cảnh giáo viên tại trường bỏ vị trí, nhân viên phục vụ vào tận phòng thi phát bài giải cho thí sinh. Không chỉ dừng lại ở đó, thầy giáo này còn tố giám thị nhận 700.000 đồng/người để làm ngơ cho học sinh sử dụng tài liệu.
Năm 2007, tại hội đồng thi Trung tâm GDTX huyện Lương Tài (Bắc Ninh), khi Thanh tra giáo dục đến đây kiểm tra đã bắt quả tang thư ký hội đồng thi Nguyễn Thành Bắc đang in sao, giải đề môn vật lý cho thí sinh. Do sự việc nhanh chóng được phát hiện và xử lý khi nên bài giải chưa kịp đưa đến các phòng thi và thí sinh. Tuy nhiên việc để lộ đề thi như trên là hành động nghiêm trọng và được cho là có tổ chức.
Năm 2012, trong kỳ thi tốt nghiệp năm 2012, sự việc tiêu cực thi cử diễn ra ở trường THPT dân lập Đồi Ngô, Lục Nam, Bắc Giang gây chấn động trong dư luận. Ngay sau môn thi cuối cùng kết thúc ngày 4/6/2012, Nguyễn Danh Ngọc (giáo viên Thể dục, trường THPT Đồi Ngô, Bắc Giang ) đã cung cấp cho thầy giáo Đỗ Việt Khoa một clip dài gần 10 phút quay cảnh nhốn nháo trong phòng thi tại hội đồng này. Chưa dừng lại ở đó, nhiều video khác cũng ghi lại cảnh tiêu cực ở các môn Toán, Ngoại Ngữ nhanh chóng được phát tán. Tổng cộng có tới 12 video quay lại cảnh gian lận trong thi cử tại hội đồng thi này. Các video này đều do chính thí sinh trong phòng quay lại. Đó là hình ảnh học sinh thản nhiên nhìn bài, ném tài liệu cho nhau. Thậm chí, trong phòng có hai giám thị nhưng các thí sinh vẫn hồn nhiên trao đổi một cách thoải mái. Đáp án còn được giải sẵn và cho phép tuồn vào phòng thi.
Sự việc lập tức gây chú ý của dư luận, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo tỉnh Bắc Giang nhanh chóng xử lý. Sau hơn hai tháng thanh tra, Sở GD&ĐT Bắc Giang đã quyết định kỷ luật 42 cán bộ, giáo viên, nhân viên liên quan đến vụ việc này.
Năm 2013, xảy tiêu cực tại hội đồng thi THPT Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội. Theo đó, video ghi lại cảnh phòng thi lộn xộn, thí sinh mặc sức trao đổi bài, thậm chí làm hộ bạn trước mặt giám thị tại phòng thi số 35. Trong khi đó giám thị lại làm ngơ và bỏ ra ngoài hành lang nói chuyện. Sự việc diễn ra ở cả hai môn Toán và tiếng Anh ngày 4/6. Vụ việc đã được Sở GD&ĐT Hà Nội điều tra, cảnh cáo các giám thị trong phòng thi số 35, khiển trách chủ tịch hội đồng, thanh tra viên được phân công phụ trách và các giám thị ở ngoài. Bên cạnh đó, lãnh đạo hội đồng gồm phó chủ tịch và thư ký, các thành viên của Tổ thanh tra cũng bị phê bình.
Năm 2015 là năm đầu tiên kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức với hai mục đích xét tốt nghiệp và đại học. Vụ việc gây chấn động nhất trong kỳ thi năm đó chính là thi môn Lịch sử trong ngày thi thứ ba. Theo đó, đội an ninh, Công an quận Cầu Giấy đã phát hiện 2 đối tượng Trần Đức Cường và Lê Thị Thùy Linh đang ở một quán cà phê số 257 Trần Quốc Hoàn, dùng điện thoại để đọc lời giải bài thi môn Lịch sử cho một thí sinh đang làm bài thi trong phòng thi. Phát hiện có dấu hiệu gian lận, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) ngay lập tức đã tạm giữ 2 người để điều tra hành vi dùng thiết bị đọc bài giải môn Lịch sử vào phòng thi.
Năm 2018 tại Hà Giang tổ công tác của Bộ GD- ĐT đã phát hiện ra nhiều bài thi có điểm cao đột biến. Có thí sinh đang từ điểm liệt (0,75; 1 điểm) đã được sửa điểm thành 9, 9.75. Theo cơ quan điều tra, vụ việc này do ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang cầm đầu thực hiện. Cụ thể, có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định. Có thí sinh đang nằm trong top thí sinh có điểm cao nhất nước, sau khi chấm thẩm định thì thấy điểm thật chỉ ở mức trung bình. Đây là vụ tiêu cực gây rúng động dư luận vì tính chất cũng như quy mô của nó.
Tại Sơn La sự việc còn nghiêm trọng hơn cả tại Hà Giang, tổ công tác của Bộ GD&ĐT đã phát hiện có việc sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi. Đĩa CD này hiện chưa biết là đã được đem đi đâu. Điểm bất thường trong điểm thi của Sơn La chủ yếu nằm ở môn trắc nghiệm, đặc biệt là các môn Toán, Lý, Sinh, Sử, Tiếng Anh và Hóa học.
Trở lại vụ việc tháng 1-2019, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã kết luận hàng loạt sai phạm trong tổ chức kỳ thi học sinh giỏi quốc gia (HSGQG) từ năm 2015- 2017 như: một số địa phương, người ra đề đề xuất và hội đồng ra đề thi nhưng lại tham gia bồi dưỡng, tập huấn cho đội tuyển dự thi của các tỉnh, thành phố dẫn đến kết quả kỳ thi bị sai lệch. Nghĩa là, người ra đề lại tổ chức dạy ôn thi “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dẫn đến tình trạng “mua đề, mua giải” xảy ra ở một kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp quốc gia - một kỳ thi nhằm động viên, khuyến khích người dạy và người học phát huy năng lực sáng tạo, dạy giỏi, học giỏi, nhằm phát hiện học sinh có năng khiếu môn học để tạo nguồn bồi dưỡng, thực hiện mục tiêu đào tạo nhân tài cho đất nước. Chẳng hạn trường THPT chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình), năm 2017 có 12 người; Trường THPT chuyên Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang ), năm 2017 có 21 người; Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP Hồ Chí Minh), năm 2016 có 7 người... là thành viên ra đề đề xuất, hội đồng ra đề thi tham gia tập huấn, ôn luyện học sinh giỏi. Số lượng đề đề xuất của một số môn dùng cho thi HSGQG khá ít nên dễ thiếu khách quan và có thể lộ đề. V ì vậy, trong những năm 2015 - 2017, kỳ thi HSGQG đã để lọt nhiều bài thi không đạt nhưng bằng cách nào đó vẫn được nâng điểm, nhiều học sinh được giải học sinh giỏi quốc gia nhưng thực lực không đạt như điểm thi công bố.
SỐNG CHUNG VỚI LŨ
Nhiều phụ huynh khi thấy tình trạng gian lận, sửa điểm của một số thủ khoa các trường đại học ngành công an, quân đội, y dược trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 hay việc nâng điểm trong các kỳ thi học sinh giỏi các cấp thì than vãn: “Biết ăn nói sao với con mình đây. Bất công cho con tôi quá!” Chả có gì phải lo biết nói sao với con. Sự thật thế nào, chúng ta cứ nói thế. V ì các con từ lớp 1 mới 6-7 tuổi đã rất hiểu cuộc sống xung quanh rồi chứ đừng nói 15-17 tuổi. Bố mẹ nói dối, giấu nhẹm các vụ việc tiêu cực trong thi cử vì nghĩ rằng ảnh hưởng tâm lý các con thì chúng cũng tự xem ti vi, tự đọc báo mạng, tự bàn tán với nhau chứ không thể bỏ qua được.
Đối diện với sự thật là cách khôn ngoan với con cái chứ không phải là bưng bít thông tin. Vụ gian lận thi cử trong kỳ thi chung quốc gia xét tốt nghiệp THPT, vào đại học năm 2018, tôi đã trao đổi thẳng thắn với con gái đầu lúc đó đang học lớp 10: “Con nghĩ sao khi Hà Giang, Sơn La, nhiều người sửa điểm từ 1 lên 9 và được điểm cao ngất? Giả sử, chuyện không bị lộ, con học đại học cùng khóa với các bạn đó thì như thế nào?” “Con thấy bình thường, giả sử việc việc đó chót lọt, không ai phát hiện ra, thì cùng lắm là trong một lớp mấy chục sinh viên có một vài trường hợp “mua điểm” cũng chỉ là sốt ít, chứ không phải là tất cả. Việc ai nấy học thôi và chắc chắn những bạn đó cũng khó mà học được thật trong suốt quá trình dài khi mà đầu vào là “thi giả”.
Và tôi chợt nghĩ, có lẽ lũ trẻ nó không ngu ngơ, tồ tẹt như chúng ta nghĩ. Chúng khá lạc quan khi đối diện với sự thật, và xác định đúng bản chất vấn đề, những trường hợp mua điểm đó chỉ là số ít. Sau khi trao đổi vô tư về vụ gian lận thủ khoa đại học đó, bài học rút ra của mẹ con tôi là: Gian lận thi cử có thể vẫn tồn tại, nhưng “dù sao trái đất vẫn quay”. Bản thân con cứ phải học tốt nhất trong điều kiện có thể đã. Hiện trong bối cảnh “sống chung với lũ”, hãy nghĩ không có kỳ thi nào tuyệt đối công bằng 100%, kể cả ở các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Hãy tin, “Mọi ngả đường đều dẫn đến thành Rome” thật. Chứ học giả từ bé, sẽ chỉ đến thành Rome giả, thành Rome “fake” mà thôi. Tôi cũng chia sẻ thật với con: “Bạn bè bố mẹ xưa nhất lớp, nhất trường, được các giải thưởng các cấp, giờ không phải họ đều nhất trong cuộc sống. Một phần do thành công không chỉ có bảng điểm mà cuộc sống còn nhiều kiến thức ở “trường đời” và một phần ở sự may mắn nữa. Có một người bạn của mẹ, hồi học lớp 5, suýt bị lưu ban, bị đúp, ai ngờ sau này, học sinh đúp đó lại là một doanh nhân thành đạt. Nhưng cũng có những bạn học xưa, nói và viết một câu “không nên hồn”, không đủ chủ vị, giờ lại có bằng thạc sĩ, tiến sĩ. Có những bạn quay bài, nhìn bài mà chép không xong, một chữ tiếng Anh không biết, ai ngờ giờ lại là một cô giáo tiếng Anh ở một trường nổi tiếng”. Tôi thường nói với con về câu nói nổi tiếng của Bill Gates, nhà tỷ phú Mỹ đại khái là: “Cuộc sống vốn không công bằng, hãy tập quen dần với điều đó”.
Và tôi nói với con, đừng hy vọng vào sự công bằng tuyệt đối trong thi cử, và con phải học điều đó từ nhỏ. Nếu con cố hết sức rồi, mà không được kết quả như mong muốn, thì có lẽ, do cuộc sống không công bằng thôi. Vui vẻ chấp nhận. Đừng để con hy vọng lắm rồi thất vọng nhiều, vì bất cứ điều gì nhé các bố mẹ. Cuộc sống luôn có những bất ngờ, việc của bố mẹ là chia sẻ như thế nào với các con hiểu “sống chúng với lũ”, không chỉ chia sẻ những mặt tích cực, tiến bộ của nền giáo dục mà còn nhìn thẳng vào những tồn tại của nền giáo dục trong nước để chúng bớt bi quan, cứ vô tư học tập “cày cuốc” và có niềm tin vào những gì được trang bị thật, những kiến thức được nạp thật trên giảng đường. Bởi vì, trên thực tế, nền giáo dục cũng đang ngày một thay đổi trong cuộc cách mạng 4.0 này.
Tôi tin, những đứa trẻ lớn lên trong môi trường giáo dục này mà biết “sống chung với lũ”, khó khăn khắc phục thì sau “vứt” đi miền núi, hải đảo hay sang các cường quốc như Anh, Mỹ, Pháp thì con cái chúng ta sẽ vẫn “ra ngô ra khoai”, vẫn thích nghi để phát triển. Đôi khi, trong cuộc sống, khi thành công rồi người ta mới ngậm ngùi cám ơn những chông gai, biết ơn cái thời ta “sống chung với lũ” mà vẫn ngoi ngóp, vượt lên để có ngày hôm nay. Con cái chúng ta sẽ như vậy. Than vãn chả tích sự gì đâu.
DẠY CON CÁCH TỰ BẢO VỆ BẢN THÂN
Trong thời gian qua, trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là trên mạng xã hội, thỉnh thoảng cộng đồng lại phẫn nộ về những vụ việc giáo viên đối xử tệ hại với học sinh với những hình phạt dã man về tinh thần lẫn thể xác. Nhiều học sinh phải nhập viện do bị hoảng sợ, trầm cảm hoặc bị thương nặng phải điều trị.
Chẳng hạn vụ việc vào tháng 4-2018, để phạt học sinh nói chuyện trong lớp, cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương - chủ nhiệm lớp 3A5, trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng - đã bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng chỉ vì em này nói chuyện riêng.
Vụ việc ngày 19-11-2018 cũng khiến dư luận bức xúc, trên các trang báo, các chương trình truyền hình độc giả cả nước đều lên án hành động của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy. Chủ nhiệm lớp 6/2 Trường THCS Duy Ninh đã phạt em H.L.N, học sinh của lớp vì chửi tục, ảnh hưởng thi đua của lớp bằng cách yêu cầu mỗi người trong lớp phải tát em N. 10 cái để phạt. Hậu quả, mặt mũi nam học sinh này bị sưng tím phải đến bệnh viện điều trị.
Ngày 26-11-2018, Công an huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình ban hành quyết định khởi tố vụ án “Hành hạ người khác” theo điều 140 Bộ luật Hình sự để điều tra vụ một giáo viên tại Trường THCS Duy Ninh bắt các học sinh trong lớp tát vào má một bạn nam do chửi tục. Vụ việc này ngay lập tức xuất hiện khắp mạng xã hội Facebook và khiến cộng đồng mạng lên án dữ dội bởi hành vi phản giáo dục của một cô giáo.
Không chỉ có các tỉnh, tại Hà Nội, vụ việc giáo viên một trường tiểu học bắt học sinh tát phạt bạn cũng xảy ra vào tháng 11-2018 đã gây bức xúc trong dư luận.
Ngày 15-12-2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thanh Sơn, Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Đinh Bằng My - hiệu trưởng Trường TP DTNT - THCS Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) để điều tra làm rõ hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo Điều 146 Bộ luật Hình sự 2015. Vụ việc được phanh phui khi một số học sinh nam tố hiệu trưởng cũ của mình, ông Đinh Bằng My có hành vi lạm dụng tình dục. Trong đó, một số nam sinh kể đã nhiều lần được hiệu trưởng gọi lên phòng nói chuyện. Sau đó, người này yêu cầu các em thực hiện một số hành vi phục vụ nhu cầu tình dục cá nhân của ông ta. Điều đáng nói là những hành vi này diễn ra trong thời gian rất dài, học sinh và giáo viên nhiều người biết nhưng vì tâm lý ngại ngùng, lo sợ nên không ai dám tiết lộ câu chuyện.
Quá đau lòng dù biết là “Con sâu làm rầu nồi canh”, bởi vì dù bất cứ nghề nghiệp gì, bác sĩ, công an, nhà báo, kỹ sư, thợ điện... cũng có kẻ nọ, người kia, có kẻ tự dưng làm trò lố bịch, nhưng nghề giáo, dù gì vẫn bị xã hội đặc biệt chú ý, vì nó ảnh hưởng đến con trẻ. Nhưng điều quan trọng là ngay từ nhỏ, song song với việc quan tâm trường lớp, điểm số, thi cử, bênh cạnh việc dạy con biết “tôn sư trọng đạo”, bố mẹ nên dạy con cách bảo vệ chính mình trước khi xã hội lên cơn phẫn nộ vì những chuyện xâm hại, ảnh hưởng đến con trẻ. Nếu hai trường hợp giáo viên bắt uống nước bẩn và bắt bạn tát mà nạn nhân bị phạt là con gái tôi, tôi tin, con sẽ phản đối cô giáo, cô không thể đè nó ra mà đổ nước giẻ lau bảng vào mồm.
Trong vụ việc cô giáo Nguyễn Thị Minh Hương - chủ nhiệm lớp 3A5, trường tiểu học An Đồng, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng - đã bắt học sinh súc miệng bằng nước vắt từ giẻ lau bảng cũng thật may, em học sinh đó sau khi về nhà, đã dám kể lại cho bố mẹ, và bố mẹ cháu không im lặng. Họ đã đã ngay lập tức đến trường, báo Hiệu trưởng về hành vi không thể chấp nhận được của cô giáo đó. Nhiều người bình luận, may cho cô giáo đó, phụ huynh hành xử văn minh, đến báo ban lãnh đạo nhà trường, chứ họ nóng tính, không kiểm soát được mà tìm cô chửi bới hoặc đánh cô một trận, thì chưa biết tai họa sẽ đi đến đâu. Từ khi con tôi học cấp một, có một vài lần, con về nhà kể chuyện, ở lớp, có lần cô hiểu sai con, con cũng nói lại để cô hiểu cho đúng. Một lần hồi cấp hai, con cũng từng “bật” lại giáo viên, do thầy giáo hiểu lầm con không trực nhật, trong khi theo con, nguyên nhân con không trực nhật không phải do con ý thức kém, quên không thực hiện, mà do bạn lớp trưởng phân công nhầm bạn khác, và bạn đó quên không quét dọn lớp.
Lần đó, thầy nóng tính, đuổi luôn con ra khỏi lớp. Khi con kể đến đó, mẹ hỏi: “Sao con không cứ đứng trong lớp, giải thích lại cho thầy hiểu mà lại đi ra khỏi lớp khiến thầy giáo thêm bực mình?”. Con trả lời tôi: “Lúc đó thầy đang nóng tính và cứ nhất định nghĩ là con sai, con nghĩ nên ra ngoài, khi thầy nguôi, hết nóng, con sẽ giải thích lại cũng chưa muộn.” Và tôi đồng tình với suy nghĩ và hành động đó của con. V ì đôi khi, giáo viên cũng có thể nhầm lẫn, không đúng hoặc nóng tính, không kiểm chế được bản thân chứ không phải lúc nào học sinh cũng sai và giáo viên luôn đúng. Chúng ta không nên gieo vào đầu óc con trẻ quan điểm giáo viên luôn đúng và không được quyền phản đối dù giáo viên nói và làm điều gì đó sai. Và một điều nữa, cũng nên cho con trẻ được biết, giáo viên, học sinh hay bất cứ ai thì đều có lúc phạm sai lầm. Điều quan trọng là con phải biết cách ứng xử như thế nào cho không bị ảnh hưởng.
Trong trường hợp các nam học sinh tố cáo cho biết trong quá trình theo học ở trường nội trú Thanh Sơn, Phú Thọ, thường xuyên bị thầy hiệu trưởng gọi lên ép quan hệ tình dục, nếu đó là trường hợp ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP. HCM thì chắc chắc vụ việc đã sớm bị phanh phui chứ không thể kéo dài như thế. Tại sao các em học sinh trường dân tộc bán trú phải chấp hành theo yêu cầu của hiệu trưởng suốt một thời gian dài? Do học sinh theo học tại ngôi trường này đa phần là gia đình có hoàn cảnh khó khăn, các em nội trú, thi thoảng mới có điều kiện về thăm gia đình, nên khi bị xâm hại vì sợ bị đuổi học, các em không dám nói với ai. Cũng có trường hợp có em sợ quá xin bố mẹ chuyển trường thì bố mẹ nói nhà nghèo, không có điều kiện cho con chuyển để đi học xa. Đã đến lúc ngành giáo dục cần đưa chương trình giáo dục chống xâm hại học đường vào giảng dạy nghiêm túc tại các trường học. Đặc biệt là ở các trường dân tộc, bán trú vùng cao, nơi các em học sinh hoàn cảnh khó khăn gặp nhiều trở ngại trong cách tự bảo vệ bản thân mình thì càng cần những chương trình dạy các em không im lặng, dám tố cáo những hành vi xâm hại nơi học đường. Nên dạy con cách sống có chính kiến, phản kháng lại điều sai, không im lặng khi bị xâm phạm. Điều đó cũng quan trọng chả kém gì điểm số và các kỳ thi học sinh giỏi.