... chính sách Syria của Obama “vừa hỗn tạp về mặt trí tuệ vừa thiếu nhất quán một cách thảm hại - một ‘lằn ranh đỏ’ bất ngờ xuất hiện và rồi bốc hơi một cách bí ẩn, một cuộc tấn công bằng tên lửa được đem ra hăm dọa nhưng sau đó lại bị hủy bỏ...”
Barack Obama và Valerie Jarrett đang ở trong Phòng Bầu dục. Bà ấy đã bảo đảm rằng cả bốn cánh cửa vào phòng đều đóng kín để không ai có thể nghe được bài giáo huấn nghiêm khắc của bà ấy dành cho Tổng thống Hoa Kỳ.
“Lằn ranh đỏ!”, bà ấy nói. “Thứ đó từ đâu ra vậy?”
Obama gác chân lên chiếc bàn Resolute. Ông ấy nhìn sang bên kia phòng, về phía bức vẽ George Washington của Rembrandt Peale, cố gắng tránh ánh mắt của Jarrett.
“Ngài không được bầu chọn để làm một tổng thống thời chiến”, Jarrett nói, theo trí nhớ của bà ấy về cuộc gặp gỡ trong Phòng Bầu dục, mà bà ấy kể lại cho một người bạn. “Ngài được bầu để giải quyết những việc ở đây, trong nước. Ngài phải thay đổi quan niệm đó.”
Jarrett nổi giận vì chuyện “lằn ranh đỏ” và việc thay đổi ý kiến của Obama về Syria đẩy ông vào vòng phẫn nộ của toàn bộ thiết chế Washington, cả những thành viên Đảng Cộng hòa lẫn Đảng Dân chủ. Thậm chí truyền thông chính thống bình thường vốn dễ bảo, luôn cắt bỏ những đoạn không hợp lý của Obama, cũng đang đặt câu hỏi về năng lực của tổng thống.
Cây viết Richard Cohen, một tiếng nói tự do chủ nghĩa đáng tin cậy trên trang đối lập với trang xã luận của Washington Post, đã tuyên bố rằng chính sách Syria của Obama “vừa hỗn tạp về mặt trí tuệ vừa thiếu nhất quán một cách thảm hại - một ‘lằn ranh đỏ’ bất ngờ xuất hiện và rồi bốc hơi một cách bí ẩn, một cuộc tấn công bằng tên lửa được đem ra hăm dọa nhưng sau đó lại bị hủy bỏ. Đó là một chính sách chập chờn đến mức nếu Obama đang lái xe, chắc chắn ông ấy sẽ bị buộc phải ngậm ống thở để kiểm tra nồng độ cồn”.
Còn cây viết Maureen Dowd của New York Times, người có khiếu hài hước sâu cay thỉnh thoảng làm cho tờ báo sinh động hẳn, lại thở dài, “Ôi, ước gì lại được như xưa, lúc Obama đang lãnh đạo từ phía sau”.
Một lần nữa, qua sự thiếu kinh nghiệm, vô lý và cách hiểu sai lầm về vai trò của nước Mỹ trên thế giới, Obama đã khiến Hoa Kỳ chỉ như một con hổ giấy. Và vai trò lãnh đạo vụng về của ông ở nước ngoài xuống dưới mức thấp nhất cùng lúc với đạo luật dấu ấn nhiệm kỳ tổng thống của ông - Obamacare - bắt đầu được triển khai.
Tổng thống hứa hẹn rằng việc mua bảo hiểm y tế trên HealthCare.gov - trang web của chương trình Obamacare - sẽ đơn giản như “mua một chiếc ti vi trên Amazon”. Nhưng từ lúc được khai trương vào ngày 1 tháng 10 năm 2013, trang web rất tệ hại. Lỗi dữ liệu và sự cố liên tục khiến người dân không tài nào đăng ký được. Trang web liên tục bị sập. Nó chứa đầy thông tin không chính xác và các tệp tin lỗi dày đặc. Những cố gắng nhằm giải quyết các vấn đề đều thất bại. Vài tháng sau, trang web vẫn là một mớ bòng bong.
Tệ hơn nữa, lời hứa thường xuyên được trích dẫn của tổng thống - “Nếu quý vị thích chương trình chăm sóc y tế của mình, quý vị có thể giữ nguyên” - hóa ra cũng là giả. Hàng triệu người đã phải hủy chương trình của mình bởi vì chương trình cũ của họ không đáp ứng được những yêu cầu mới của Obamacare. Nhà Trắng càng làm vấn đề tệ thêm khi đưa ra lời giải thích rất rối rắm và ban hành một sắc lệnh đình chỉ yêu cầu các chủ doanh nghiệp lớn phải trả lãi bảo hiểm. Nhưng một điều tra của NBC News cho thấy chính quyền Obama biết rõ rằng có khoảng 40 - 67% cá nhân hưởng chính sách này sẽ bị mất bảo hiểm. Đương nhiên điều đó làm nảy sinh câu hỏi: Tại sao Nhà Trắng không làm gì đó từ trước?
“Một vị tổng thống khác có thể lệnh cho ai đó ở Nhà Trắng gọi điện hằng ngày - không, hai lần mỗi ngày - để bảo đảm [Luật Chăm sóc sức khỏe giá cả phải chăng] sẽ hiệu quả”, Richard Cohen phàn nàn. “Nhưng không, đúng là một cú sốc với tất cả mọi người, và khi Nhà Trắng công bố chiếc bánh khổng lồ của mình - kìa nhạc trưởng, làm ơn cho tí nhạc - chẳng ai ló ra cả.”
Tai họa mang tên Obamacare đã ảnh hưởng đến đời sống của tất cả người dân Mỹ, và tình trạng lúng túng đối với Obama rất sâu và kéo dài. Mức tín nhiệm của ông, vốn đã tơi tả bởi những lời hứa suông khác, chẳng hạn cam kết đóng cửa trại giam ở Guantánamo, lại nhận thêm một đòn. Thêm nữa, thất bại xung quanh luật bảo hiểm toàn quốc của Obama - cốt lõi cho chính sách tiến bộ trong gần bảy năm trời - khiến người ta nghi ngờ những nguyên lý của chủ nghĩa tự do.
Bill Clinton không bỏ phí thời gian tận dụng yếu điểm này của Obama. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ tạp chí trực tuyến mới mang tên Ozy, Clinton đã gọi chương trình Obamacare là một “thảm họa” và nói rằng tổng thống cần nói rõ luật mới sẽ không buộc người dân Mỹ thay đổi chương trình bảo hiểm của họ.
“Họ là những người nghe được lời hứa hẹn, ‘Nếu quý vị thích những gì mình đang có thì quý vị có thể giữ nguyên’”, Clinton nói. “Cá nhân tôi tin, cho dù phải thay đổi luật, thì tổng thống vẫn sẽ tôn trọng cam kết mà chính phủ liên bang đã hứa với những người dân này và để họ giữ nguyên những gì họ có.”
Hàm ý rất rõ ràng trong lời nói của Bill Clinton là Hillary sẽ không làm cho dự án bảo hiểm rối như vậy nếu bà, chứ không phải Obama nghiệp dư, là tổng thống.
Tính chất nghiệp dư còn là điểm nhấn trong cách Obama giải quyết vụ Syria.
Trở lại tháng 8 năm 2011, Obama đã tuyên bố, “Vì nhân dân Syria, đã đến lúc Tổng thống Assad từ chức”. Nhưng Bashar al-Assad, nhà độc tài Syria, chẳng quan tâm đến mệnh lệnh của Obama. Nhờ những người đỡ đầu ông ta - Nga và Iran - Assad vẫn nắm quyền, và cuộc nội chiến Syria vẫn tiếp tục cướp đi hàng vạn sinh mạng mỗi tháng.
Và Barack Obama chẳng làm gì cả.
Một năm sau, tháng 8 năm 2012, Obama có một bình luận ngẫu hứng trong một cuộc họp báo: Ông tuyên bố rằng việc chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học sẽ là “lằn ranh đỏ” với Hoa Kỳ. “Điều đó sẽ làm thay đổi phép vi tích phân của tôi”, Obama nói. “Nó sẽ làm thay đổi phương trình của tôi... Đối với chúng ta, lằn ranh đỏ chính là việc chúng ta bắt đầu thấy rất nhiều vũ khí hóa học di chuyển xung quanh mình hoặc đang được sử dụng.”
Thậm chí như Obama nói, đã có những báo cáo lọt ra ngoài Syria cho biết Assad đang sử dụng hơi độc nhằm vào người dân của chính mình. Ngoại trưởng Hillary Clinton, Giám đốc CIA David Petraeus, Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Martin Dempsey đều thúc giục tổng thống vũ trang và đào tạo cho phiến quân Syria thân phương Tây mà không có liên hệ với al-Qaeda. Ngay trước khi rời Foggy Bottom, Hillary đã nói với tờ New York Times rằng bà ủng hộ một chính sách cứng rắn hơn.
Và Barack Obama chẳng làm gì cả.
Giờ đây, mùa hè năm 2013 - hai năm kể từ khi Obama đưa ra tối hậu thư “Assad phải từ chức” - có bằng chứng rành rành rằng Assad thực tế đã sử dụng vũ khí hóa học. Obama chịu sức ép ngày càng lớn phải làm đúng lời cảnh cáo về lằn ranh đỏ của mình. Đã có thêm những ý kiến kêu gọi vũ trang cho phe phiến quân... thiết lập vùng cấm bay... làm gì đó, bất kỳ việc gì, để ngăn chặn những hành động bạo tàn.
Trong số những người lên tiếng phản đối chính sách của Obama về Syria có Bill Clinton. Kể từ khi Obama nuốt lời hứa ủng hộ Hillary làm tổng thống vào năm 2016, Clinton đã tìm mọi cơ hội trả đũa và gây ra một số tổn thất cho chương trình nghị sự nhiệm kỳ hai của Obama. Theo một thành viên trong nhóm nội bộ của cựu tổng thống, những nhân vật trung gian của Clinton - Doug Band và Terry McAuliffe - đã cảnh báo Nhà Trắng rằng họ đang hứng “những trận gió ngược Clinton” và rằng Clinton quyết tâm bắt Obama phải trả giá cho sự gian dối.
Cơ hội của Clinton xuất hiện tại sự kiện báo chí kín do một học viện có liên hệ với Thượng Nghị sĩ John McCain tài trợ (Tờ Daily Beast có được bản ghi âm những đoạn phát biểu của Clinton). Clinton nói rằng Obama chẳng khác gì một “gã khờ” và “bất lực” với cách hành xử bàng quan với Syria.
Và Barack Obama vẫn chẳng làm gì.
Suốt bốn năm rưỡi Obama tại nhiệm, Jarrett chưa bao giờ nổi giận với ông như lúc này. Bà ấy tâm sự với một người bạn rằng không thể khiến tổng thống tập trung được. Ông chóng chán và muốn chuyển sang vấn đề tiếp theo. Ông thích làm mọi người ngạc nhiên bằng việc khoe trí tuệ sáng láng của mình. Có lẽ điều đó giải thích được lằn ranh đỏ đến từ đâu: tội tự mãn của Obama.
“Nhưng tại sao”, Jarrett hỏi Obama, “ngài lại có một tuyên bố quan trọng như thế mà không tham vấn các cố vấn của ngài trước đã? Ngôn ngữ bất thành văn luôn khiến ngài gặp rắc rối”.
Và thực tế, tin tức từ Syria - rằng Bashar al-Assad đã sử dụng các loại chất độc cấm để sát hại hơn 1.400 dân thường - càng làm cho cuộc sống của Obama thêm phức tạp, dù đã đủ phức tạp rồi. Nhà Trắng của ông sa lầy trong hoạt động thiếu hiệu quả, tai tiếng và bầu không khí bức bối chung. Thứ duy nhất ông cần là một cuộc thảo luận cấp quốc gia về việc sử dụng lực lượng quân sự.
Mùi thất bại lơ lửng phía trên Nhà Trắng. Tờ New Republic, vốn bình thường rất được hy vọng sẽ tìm thấy điểm gì đó tích cực để nói về Obama, cũng phải than vãn về tình thế khó khăn của tổng thống; tờ tạp chí tự do này kết luận rằng Obama đang có nguy cơ trở thành “người khốn khổ nhất trong số những kẻ khốn khổ thất cử”.
Trong bữa tiệc trưa họp mặt với các bạn cùng lớp ở Đại học Wellesley của mình mới đây, Hillary Clinton đã sử dụng một ẩn dụ hoa mỹ để ám chỉ tình trạng hiểm nghèo của chính quyền Obama. “Câu chuyện về nhiệm kỳ tổng thống của Obama”, bà nói, là ở chỗ “làm gì có bàn tay nào chèo lái”.
Trong một bài viết trên trang đối lập trang xã luận của tờ Wall Street Journal, Edward Kosner, người từng là biên tập viên hàng đầu của các tạp chí Newsweek, New York, và Esquire cũng như tờ New York Daily News, đã công kích Obama là một “nhà quản lý thất bại”. Kosner viết:
Barack Obama nhậm chức năm 2008 với bản lý lịch mỏng manh nhất kể từ thời JFK, nửa thế kỷ trước. Khi Obama ở độ tuổi 20, ông ấy đứng đầu một nhóm 13 thành viên với tư cách nhà tổ chức cộng đồng ở Chicago và sau đó chỉ đạo một nhóm 10 người trong chiến dịch vận động kéo dài 6 tháng cũng có tới 700 tình nguyện viên. Tại Trường Luật Harvard, ông ấy điều hành một tờ tạp chí luật. Nếu không, Obama đã là một cây viết, một trợ giáo tại Trường Luật Đại học Chicago, một nhà lập pháp bang Illinois tám năm nay và một Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ trong bốn năm với một bộ máy độ ba chục người.
Tuy nhiên, ông ấy có thể là một chính trị gia xuất sắc, kiểu nền tảng này đem lại sự chuẩn bị vừa đủ cho nhiệm vụ quản lý là tranh cãi trong ngành hành pháp với bộ máy quan liêu rất lớn cùng lĩnh vực quân sự công nghệ cao, đấy là chưa kể đến một Quốc hội bè phái nhất. Phản ứng của Obama cơ bản không phải là tìm cách điều khiển chính sách ngoại giao trong đó thành công có thể được mô tả một cách nhân ái là khó nắm bắt.
Người ta có thể gọi Obama là thuyền trưởng của một con tàu không bánh lái (như lời Hillary), hoặc “một nhà quản lý thất bại” (như lời Kosner), hay một “tay nghiệp dư” (như tôi, được sự nhất trí của Joe Klein của tờ Time, Maureen Dowd của tờ New York Times, và Charles Krauthammer của Fox News, cùng những người khác). Kết luận rằng cách hành xử của Obama có vẻ là ảo giác mơ hồ lại hoàn toàn khác - và hợp lý hơn nhiều.
Vậy thì, phải nghĩ thế nào đây?
Thậm chí khi chính quyền Obama đang suy sụp trên mọi lĩnh vực - Syria, thất bại của trang web Obamacare, và vụ Cơ quan An ninh Quốc gia nghe trộm điện thoại các nhà lãnh đạo thế giới - dường như rất lạ vì tổng thống vẫn hoàn toàn chẳng biết gì đến tình trạng đổ nát ấy. Ông không thể hiện gì là mình nhận thấy tình trạng sụp đổ đang đến gần. Ông nói với các thành viên trong nhóm nội bộ của mình rằng tương lai tươi sáng đến mức “tôi cần đeo kính đen ngay trong Nhà Trắng”. Ông đập tay ăn mừng với các cố vấn cao cấp của mình sau “chiến thắng” của họ trước phe Cộng hòa trong vụ chính phủ tạm ngừng hoạt động do cắt giảm ngân sách, bất chấp thực tế là uy tín của ông tệ hại chẳng kém phe Cộng hòa.
Nhưng tệ hơn, Obama hành xử cứ như thể các đối thủ trong nước của ông đều là những kẻ ngốc non nớt không có luận cứ giá trị nào và như thể các vụ tai tiếng dính đến chính quyền của ông - vụ Benghazi, vụ Cục Thu nhập Nội địa (IRS) nhắm đến các nhóm bảo thủ, vụ Bộ Tư pháp tịch thu hồ sơ điện thoại của hãng AP, vụ theo dõi điện thoại và email của phóng viên James Rosen, chiến dịch “Fast and Furious”29, và vụ Kathleen Sebelius, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh, gạ gẫm tiền ủng hộ từ các công ty do Bộ của bà ấy quản lý - đều chỉ là những cuộc khủng hoảng giả do những kẻ thù bị vướng vào mối thâm thù đảng phái và bị kích động bởi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc không cần che giấu tạo ra vậy.
29 Chiến dịch bán vũ khí do cơ quan liên bang ATF (đặc trách về rượu, thuốc lá, vũ khí) bí mật điều khiển để gài bắt những kẻ mua bán vũ khí lậu ở biên giới Mexico và Mỹ từ năm 2009 đến 2010. Chủ đích là để bắt những “nghiệp đoàn” mafia của Mexico đưa người sang Mỹ mua vũ khí. Nhưng chiến dịch này đã hoàn toàn thất bại, và làm thiệt mạng nhiều viên chức của cả Mỹ lẫn Mexico.
Làm sao Obama lại thiếu liên hệ với thực tiễn đến vậy?
Có thể tìm được một phần lời giải thích qua cách ông được những cố vấn như Valerie Jarrett nuông chiều. Họ sàng lọc và loại bỏ bất kỳ lời khuyên nào có thể trái ngược với quan điểm của ông chủ họ. Họ tạo ra những lớp ngăn giữa ông và những người có thể làm ông khó chịu với những suy nghĩ tiêu cực hoặc trái ngược. Do đó, Obama có rất ít thông tin và cứ đeo bám lấy những điều mơ tưởng. Chẳng hạn, ông không thấy rằng nước Mỹ hiện nay không còn được thế giới biết đến như dưới thời George W. Bush, hoặc các đồng minh của Mỹ - bao gồm không chỉ những nước đặc biệt nhất như Israel và Saudi Arabia, mà còn cả Brazil, Nhật Bản cùng rất nhiều nước khác - đã không còn niềm tin vào quyết tâm của Washington.
Trong dịp xuân hè 2013 - trước chính sách vụng về với Syria và việc triển khai thất bại chương trình Obamacare - tổng thống và các trợ lý thân cận nhất của ông đã nói chuyện cứ như thể nửa sau nhiệm kỳ hai của ông sẽ là một thắng lợi. Valerie Jarrett dự đoán rằng phong trào Tea Party sẽ đưa phe Cộng hòa “rơi khỏi vách núi như lũ chuột lemming”. Bà ấy nhìn thấy đảng viên Dân chủ ở khắp mọi nơi: Ở New Jersey, Cory Booker giành chiến thắng vào Thượng viện; ở Virginia, Terry McAuliffe thắng đối thủ Tea Party trong cuộc đua giành chức thống đốc; và nhân vật dân túy cánh tả Bill de Blasio giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Thị trưởng thành phố New York một cách vang dội.
Với phe Obama, “chủ thuyết tiến bộ” - một thuật ngữ họ sử dụng những khi thuật ngữ “chủ nghĩa tự do” bị nghi ngờ - là trật tự cho chính trường Mỹ. Obama nói rằng sự bất bình đẳng - chứ không phải công ăn việc làm, nền kinh tế, và nợ quốc gia đang phình ra - mới là “thách thức sống còn của thời đại chúng ta”. Jarrett cùng vài cố vấn Nhà Trắng khác cảm thấy lạc quan rằng các ứng viên Đảng Dân chủ đều chiến thắng các cuộc bầu cử giữa kỳ 2014 trong trào lưu chiến tranh giai cấp. Mọi thứ sẽ theo ý họ, Hạ viện sẽ chuyển sang phe Dân chủ, và Nancy Pelosi sẽ lại trở thành Chủ tịch.
Jarrett cũng rất lạc quan về những gì đang diễn ra ở nước ngoài. Nhà Trắng, vốn thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ chính sách đối ngoại từ khi Hillary còn là Ngoại trưởng, đã cho người kế nhiệm bà, John Kerry, mặc sức thực thi cái tôi được tán tụng hết lời của ông ấy.
Kerry vui vẻ chạy khắp thế giới, cố gắng tiếp cận người Iran và người Syria để hành động một cách trách nhiệm hơn, theo đuổi ảo tưởng về một hiệp ước hòa bình Israel - Palestine, và tìm kiếm một Giải Nobel Hòa bình như là đỉnh cao sự nghiệp. Trong khi đó, quân đội Mỹ có lịch rút khỏi Afghanistan năm 2014, chấm dứt cuộc chiến tranh cuối cùng ở nước ngoài của Mỹ. Việc bàn thảo về một can thiệp quân sự nữa của Mỹ ở Trung Đông đã giảm. Trọng tâm chuyển về trong nước, nơi đội ngũ Nhà Trắng của Obama muốn.
Lằn ranh đỏ nổi tiếng của Obama đã xuất hiện như thế.
Nhưng hóa ra lằn ranh đỏ còn chưa phải là điều tệ hại nhất trong những sai lầm ngớ ngẩn về Syria của Obama.
Cuối tháng 8 năm 2013, Obama lệnh cho Lầu Năm Góc phái một lực lượng viễn chinh gồm oanh tạc cơ, tàu thủy, và tàu ngầm tiến vào đông Địa Trung Hải. Ông còn cử Ngoại trưởng Kerry công khai nêu rõ hành động quân sự của Mỹ nhằm vào Syria. Kerry công kích Assad như “gã côn đồ và kẻ sát nhân”, so sánh bạo chúa Syria với Hitler. Thế giới sửng sốt và kinh hãi - một loạt tên lửa hành trình của Mỹ trút xuống những địa điểm có vũ khí hóa học của Syria.
Và sau đó... Obama lẩn tránh.
Có hai điều khiến ông chùn bước. Thứ nhất, Thủ tướng David Cameron không được ủng hộ tại Hạ viện Anh để tham gia một cuộc tấn công liên quân nhằm vào Syria. Lập tức, Obama thấy mình bị đồng minh quan trọng nhất bỏ rơi. Thứ hai, Valerie Jarrett đã thuyết phục tổng thống tìm chỗ trú ẩn chính trị bằng cách khiến Quốc hội đồng lõa trong bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào.
Tối hôm đó, sau màn rầy la tại Phòng Bầu dục của Jarrett, Obama đi dạo quanh sân Nhà Trắng với chánh văn phòng của mình, Denis McDonough. Trước sự ngạc nhiên của McDonough, Obama nói rằng ông có ý định đề nghị Quốc hội cho phép mở một cuộc tấn công nhằm vào Syria.
“Kế hoạch ấy”, Chuck Todd, phóng viên đưa tin Nhà Trắng của NBC, tường thuật lại, “lập tức vấp phải sự phản kháng quyết liệt từ một nhóm của Obama... Hội đồng An ninh Quốc gia của Obama tin... rằng việc đề nghị biểu quyết thậm chí còn không được đặt lên bàn”.
Các cố vấn của Obama cho rằng ông đang mạo hiểm chính trị một cách không cần thiết bằng việc tìm tới Quốc hội. Một nửa Quốc hội - Hạ viện - nằm trong tay phe Cộng hòa, những người không tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Obama, còn nửa kia - Thượng viện - nằm trong tay phái Dân chủ theo chủ nghĩa tự do, vốn chẳng có lòng dạ nào cho chiến tranh cả.
“Tôi không hiểu nổi Nhà Trắng thời nay nữa”, Hạ Nghị sĩ Jim Moran, một đảng viên Dân chủ bang Virginia, nói. Obama, như Moran chỉ ra, cần gọi cho thủ lĩnh phe Dân chủ trong Hạ viện Nancy Pelosi để nói, “Tôi nghĩ đến việc đưa chuyện này ra Quốc hội biểu quyết. Bà nghĩ mọi việc có thể như thế nào?”.
“Bà ấy sẽ nói, ‘Chắc ngài đang đùa’. Bà ấy biết các lá phiếu đứng ở đâu.”
Khi Obama cử Ngoại trưởng Kerry ra điều trần trước Thượng viện, Kerry càng làm cho lằn ranh đỏ mờ nhạt hơn nữa.
“Một số người cố gắng gợi ý rằng cuộc tranh luận chúng tôi có ngày hôm nay là về lằn ranh đỏ của Tổng thống Obama”, Kerry nói. “Tôi không thể nhấn mạnh hơn rằng điều đó là hoàn toàn sai. Cuộc tranh luận này là về lằn ranh đỏ của thế giới. Về lằn ranh đỏ của nhân loại.”
Nhưng Quốc hội không chấp nhận điều đó. Thượng viện đã chuẩn bị bỏ phiếu bác một nghị quyết cho phép dùng vũ lực. Obama có vẻ đã rơi vào ngõ cụt.
Vào phút cuối cùng, ông được cứu nhờ một nhận xét ngẫu hứng của John Kerry. Trong một cuộc họp báo ở London, Ngoại trưởng nói rằng Hoa Kỳ sẽ ngừng tấn công Syria nếu Assad để kho vũ khí hóa học của mình dưới quyền kiểm soát của quốc tế. Còn nhanh hơn cả bạn có thể nói “Vladimir Putin”, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố rằng nước ông hiểu như thế nghĩa là Assad phải chuyển giao toàn bộ kho vũ khí hóa học của Syria nếu Mỹ gạt vấn đề đe dọa quân sự ra khỏi bàn đàm phán.
Obama chấp nhận đề nghị của Lavrov, cho dù như thế nghĩa là Hoa Kỳ sẽ phải đàm phán hiệp ước vũ khí hóa học với không ai khác ngoài Bashar al-Assad. Theo thỏa thuận giữa Washington và Moscow, Assad được phép tiếp tục nắm quyền, tự do giết hại nhân dân mình tùy thích. Tóm lại, Barack Obama đã bị chính đối thủ của mình ở nước ngoài, Tổng thống Nga Vladimir Putin, chơi tháu cáy.
“Ông Putin”, các cây viết phóng sự của New York Times rên rỉ, “đã lấn át ông Obama trong vai trò nhà lãnh đạo thế giới dẫn dắt chương trình nghị sự về cuộc khủng hoảng Syria. Ông ấy đưa ra một phương án tiềm năng, dù vẫn còn rất bấp bênh, cho những gì mình lớn tiếng chỉ trích như là chủ nghĩa quân phiệt Mỹ và tái khẳng định những lợi ích của Nga trong một khu vực, nơi quốc gia này đã bị xem nhẹ kể từ khi Liên bang Xô viết sụp đổ”.
Forbes, tạp chí kinh doanh nổi tiếng với những bản danh sách và xếp hạng thường niên, còn tiến xa hơn nữa. Tờ tạp chí đánh tụt hạng Barack Obama xuống vị trí số hai sau Vladimir Putin trong danh sách “Những nhân vật quyền lực nhất thế giới” năm 2013.
“Trên trường quốc tế”, Steve Forbes giải thích, “Obama là tổng thống yếu kém nhất thời kỳ hậu Thế chiến II. Thậm chí Jimmy Carter vốn gặp đủ rắc rối cũng vẫn hơn một nhân tố trong các mối quan hệ đối ngoại so với Barack Obama. Giới ngoại giao vẫn kinh ngạc, chẳng hạn, trước việc Obama rất ít chuẩn bị trước các hội nghị quốc tế. Ông không đến dự một chương trình nghị sự, cũng không giao tiếp với các nhà lãnh đạo khác từ trước để có sự ủng hộ. Ông hầu như chỉ xuất hiện đúng lúc... Quý vị có nghĩ giờ đây Israel, sau lằn ranh đỏ của Obama với Syria... thật sự tin rằng Nhà Trắng là hậu thuẫn của họ?”.
Với Obama, 2013 là một năm kinh khủng - cụm từ từng được Nữ hoàng Elizabeth của Anh sử dụng để mô tả năm Công nương Diana công bố cuốn sách tiết lộ về cuộc đời của mình và Lâu đài Windsor trở thành chủ đề bàn tán của mọi người. Obama có một danh sách những vụ kinh khủng không kém:
• Lời hứa về chương trình Obamacare (“Nếu quý vị thích chương trình bảo hiểm của mình, quý vị có thể giữ nguyên”) trở thành cát bụi.
• Những phát giác việc theo dõi của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) trở thành một sự bẽ bàng.
• Lằn ranh đỏ bốc hơi của Obama cho thấy ông chỉ là một con hổ giấy.
• Xếp hạng tín nhiệm của tổng thống rớt xuống mức kỷ lục chưa từng thấy kể từ thời kỳ George W. Bush.
Tại một cuộc họp báo cuối năm, Obama được hỏi về sai lầm lớn nhất của mình. Ông đã nói đến việc triển khai chương trình bảo hiểm, và sau đó nói thêm, “Không phải tôi không biết tự phê bình. Có lẽ tôi đã tự hại mình còn hơn cả [phóng viên CBS News] Major Garrett hay [phóng viên Fox News Channel] Ed Henry gây ra cho tôi vào bất kỳ thời điểm cụ thể nào... Tôi sẽ có những ý tưởng hay hơn nữa sau vài ngày nghỉ ngơi”.