"Con người như những đốm đen... chìm vào các ngõ ngách của đường phố… Tất cả những điều này, tôi đều cảm thấy những điều anh cảm thấy."
Nếu bạn muốn chứng kiến đám đông lang bạt kiếm tiền từ những cơ hội trời ban, hãy đọc trích thư mà Walt Whitman gửi đến cho người lái xe trẻ tuổi đã trở thành bạn của ông ấy:
New York, ngày 9 tháng 10 năm 1869.
Pete thân mến, buổi sáng ở đây thật lộng lẫy và mát mẻ. Từ sớm, tôi đã ra ngoài đi dạo một quãng ngắn bên bờ sông, cách nơi tôi ở khoảng hai ngã rẽ... Tôi nên nói gì về cuộc sống của mình cho anh nghe đây? Tôi thường dành cả buổi sáng trong phòng để viết, và sau đó tắm gội. Tôi ra ngoài lúc 12 giờ trưa, rủ ai đó cùng xuống phố hoặc làm một việc gì đó. Hay có lẽ thật dễ chịu nếu tôi có một chuyến đi với vài người bạn lái xe dọc đại lộ Broadway của tôi, một chuyến đi từ Phố 23 đến Bowling Green, chỉ khoảng 3 dặm mỗi chiều. (Hàng ngày tôi thường rất bận rộn, tôi cần làm cả tá việc trong mỗi giờ ấy).
Anh biết đấy, với tôi, cuộc đời là một chuỗi vui chơi, học hỏi và lại vui chơi không bao giờ kết thúc. Tôi sẽ có một vài giờ lái xe trong một buổi chiều dễ chịu, trên sân khấu kịch Broadway theo cách này. Anh ngắm nhìn mọi thứ mà anh đi qua, những khung cảnh sống động – những cửa hàng, những tòa nhà lộng lẫy, những ô cửa sổ sắc màu – nối dài vô tận. Liên tiếp, từng tốp từng tốp phụ nữ khoác lên mình bộ váy sang trọng lướt qua trên những vỉa hè rộng lớn. Mỗi người một vẻ, một phong cách khá hoàn hảo và rất ăn nhập với những quý ông ăn vận bảnh bao hay những người ngoại quốc. Đường phố đông đúc với xe thồ, xe đẩy, bục diễn xướng, khách sạn, hay những chiếc xe riêng.
Và thực tế rằng, các phương tiện qua lại, các tầng lớp thượng lưu, những con đường tuyệt vời với các dãy nhà cao tầng tráng lệ, những bức tường đá cẩm thạch trắng, sự chuyển động không ngừng ấy sẽ khiến anh không thể rời mắt. Và trong một ngày đẹp trời, thật tuyệt khi trở thành một gã lang thang như tôi, tận hưởng cảm giác nhộn nhịp của thế giới xung quanh và thích thú ngắm nhìn những thứ đang diễn ra trước mắt.15
15 Trích Calamus, Boston, 1897, trang 41-42.
Thực sự mà nói, ý tưởng muốn bắt kịp và vượt qua thời gian thật vô nghĩa. Những người trưởng thành và chín chắn có thể hiểu ra được điều này, nhưng không phải là tất cả mọi người đều hiểu, vả chăng cũng có người hiểu nhiều, có người hiểu ít. Là Whitman vui vẻ trên chuyến xe buýt đông đúc với bao khung cảnh truyền cảm hứng cho ông? Hay ai đó với cái nhìn đầy khinh miệt cho sự vô nghĩa của những hành động ấy?
Khi những con người Brooklyn hay New York đã lấp đầy trong mình bằng sự xa hoa, bằng quá nhiều mệt mỏi và chán nản với những mối quan hệ cá nhân rắc rối của mình, thì họ sẽ khó lòng có cùng cảm nhận như Whitman. Hòa mình vào ánh hoàng hôn trên chiếc phà Brooklyn hay ngang qua đại lộ Broadway sẽ là cảm giác mãi mãi xa lạ với họ. Họ cũng sẽ chẳng bao giờ nhận ra rằng thế giới này chứa đựng nhiều điều thiêng liêng hơn, nhiều điều ý nghĩa hơn là những thứ màu mè hình thức mà họ vô tình lướt qua.
Cuộc đời là vậy, ở đó, mỗi bước con người đi đều là đang tiến dần tới điểm kết của đời mình
Ở đó, có những vẻ đẹp chưa từng có ai khám phá.
Ở đó, có những cuộc tranh đấu giữa người xưa với thế hệ sau của mình.
Ở đó, có những bản văn và những bài thuyết giảng.
Ở đó, sự thật và lí tưởng hòa vào làm một.
Nhưng với đôi mắt khó chịu và thiển cận, tất cả những điều đó lại là cái chết, là những thứ tầm thường, thô tục, không có giá trị và đáng ghê tởm. “Đó là một viễn cảnh đáng buồn.” Carlyle16 từng nói như vậy khi có ai đó rủ anh đi dạo trong đêm tối và cố gắng chỉ cho anh thấy vẻ đẹp rực rỡ của những vì sao.
Những cảnh tượng ấy cứ lặp đi lặp lại từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ thế kỉ này sang thế kỉ khác. Đó là một vòng quay luân hồi của tạo hóa khiến cho những con người như Whitman có một sự thỏa mãn khó lòng hiểu được.
Và với Schopenhauer17, những cảm xúc miên man, những cảm giác về một sự trống rỗng đáng sợ bên trong xuất phát từ mọi thứ thấm nhuần sự tẻ nhạt và vô vị mà ông nhìn thấy. Ông hỏi: Cuộc sống bao la rộng lớn này thực chất là gì? Cùng một sự vô nghĩa lặp đi lặp lại, cùng một tiếng chó sủa, hay cùng một tiếng rì rầm không dứt? Có thể lắm, khởi nguồn cho sự tồn tại vô nghĩa này lại chính là những cảm xúc từng phấn khích, từng vui sướng, những ý nghĩa ta cấp cho vạn vật đã từng có, hoặc sẽ có trong thế gian này.
16 Thomas Carlyle (1795 - 1881) là một nhà triết học, nhà văn, nhà sử học và giáo viên người Scotland.
17 Arthur Schopenhauer (1788 - 1860) là một nhà triết học người Đức, nổi tiếng nhất với tác phẩm The World as Will and Representation năm 1818.