Thay vì xây những tượng đài để tưởng nhớ tới các tướng lĩnh hay nhà thơ, chúng ta nên xây những đài tưởng niệm để bày tỏ lòng biết ơn với những người lao động Ý và Hungari trên tàu điện ngầm ở tại thành phố này, giống như ở Boston vậy.
Nếu như bất cứ ai trong số các bạn là độc giả mến mộ Tolstoi, mọi người sẽ thấy rằng tôi đã trải qua một cảm giác giống như ông ấy. Một cảm giác ghét cay ghét đắng sự nổi tiếng, và chỉ thực sự sùng kính lòng dũng cảm, lòng kiên nhẫn, sự tử tế và sự bình lặng của những con người bình dị trong cuộc đời này.
Đây chính là Tolstoi của chúng ta, người mang đến sự thật về tất cả người dân Mĩ. Ông giúp chúng ta có một cái nhìn sâu sắc hơn và kéo chúng ta ra khỏi chủ nghĩa lãng mạn của văn học giả tạo mà nền văn hóa của chúng ta đã kiến tạo nên.
Thánh thần tồn tại xung quanh ta, và văn hóa đã quá thành kiến đến nỗi nghi ngờ tất cả thực thể trên đời.
Howells28 hay Kipling29 có thể điền tên họ vào nhiệm vụ này không?
28 Herbert Norman Howells (1892 - 1983) là một nhà soạn nhạc và giáo viên người Anh.
29 Joseph Rudyard Kipling (1865 - 1936) là một nhà báo, nhà thơ người Anh, sinh ra ở Ấn Độ.
Hay họ vẫn sẽ lún sâu vào những mê muội từ thời xa xưa? Họ không đủ cảm thông với niềm vui và ý nghĩa cho sự tồn tại của những người lao động ngoài kia.
Có khi nào chúng ta phải chờ đợi ai đó được sinh ra và nuôi dưỡng rồi sống như những người lao động? Liệu ai trong số đó có được sự ân sủng của Thượng đế và tìm thấy một tiếng nói bản năng bên trong mình?
Tôi nghỉ ngơi trong một ngày mà tôi cảm thấy mình đã thực sự nắm bắt được ý nghĩa của cuộc đời. Chắc chắn đó là sự đúng đắn khi đưa ánh sáng của tôn giáo vào đời sống. Trong mắt của Đức Chúa, không có sự tồn tại của những khác biệt giữa địa vị xã hội, trí thông minh, văn hóa, sự sạch sẽ, cách ăn mặc, những thứ mà con người dùng để phô diễn bản thân, và tất cả những điều lạ lùng mà họ tự hào khoe mẽ với những người xung quanh.
Sự thật là gì? Chúng ta ở đây giống như huyết mạch của cuộc đời. Mỗi chúng ta đều có những khó khăn riêng, đều phải tự mình đấu tranh bằng tất cả sự dũng cảm và thiện lành mà ta có.
Con người chúng ta nên sống một cuộc đời dũng cảm, nhẫn nại và tử tế
Trong mỗi con người đều có những phẩm chất đáng quý như thế.
Sự khác biệt về vị thế của chúng ta chỉ là một vấn đề của sự đa dạng hóa các hiện tượng bề mặt, khi chúng ta biểu hiện những đức tính riêng biệt của bản thân.
Sự sống sâu sắc nhất của con người tồn tại ở khắp mọi nơi, bên trong mỗi chúng ta, và mãi mãi tồn tại trong chúng ta
Và nữa, nếu tính cách của con người chỉ đơn thuần thuộc về một cá nhân nào đó, thì hẳn nhiên đó chỉ là sự biểu hiện ở bề mặt mà thôi.
Cuộc đời của mỗi người khi thăng khi trầm, lúc lên lúc xuống. Nhưng, tất cả không thể vùi lấp được vẻ đẹp tâm hồn cao quý, những phẩm tính tốt đẹp và những điều thực sự có giá trị bên trong mỗi người. Đó mới là điều làm chúng ta ngưỡng mộ và trân trọng giữa cuộc đời bể dâu bề bộn này. Ngược lại, những ánh hào quang bên ngoài chỉ khiến cuộc đời chúng ta ngày một lao dốc, nó cũng vụt tắt trong phút chốc mà thôi.
Song, một lần nữa phải thú nhận rằng, sự thật về vẻ đẹp cao quý ấy có xu hướng bị che lấp, và sự mê muội từ ngàn đời vẫn luôn ở đấy, bao bọc lấy từng mảnh đời của chúng ta. Con người chúng ta tìm mọi cách chỉ để gây sự chú ý với người khác, hòng đoạt lấy thành tích hay sự thưởng công.
Rồi sau đó, sẽ có một người dẫn đường xuất hiện xua tan sự mê mờ của chúng ta. Một vị thánh trong hình hài của một nhà tiên tri tôn giáo như Đức Phật, Chúa Kito, hoặc Thánh Francis, Rousseau hay chính những nhà văn như Tolstoi. Từng chút, từng chút một, thế giới sẽ bình hòa hơn, nhân văn hơn. Cho đến cuối cùng, tôn giáo của nền dân chủ sẽ tiếp tục được nhân lên, mãi mãi.
Như tôi đã nói, điều này đã trở thành đức tin chắc chắn trong tôi. Tin tưởng vào những giá trị lí tưởng đem đến cho tôi những điều rất tuyệt vời. Tôi đã đặt vấn đề theo dạng thức một sự hồi tưởng cá nhân, bởi vậy tôi có thể đưa các bạn đến một cái nhìn trực diện và toàn diện hơn, cũng tiết kiệm thời gian cho chúng ta. Nhưng giờ tôi muốn thảo luận với các bạn theo một hướng khách quan hơn.
Triết lí xóa bỏ mọi sự chênh lệch xã hội của Tolstoi đã được bắt đầu từ lâu, trước cả khi ông rơi vào cuộc khủng hoảng u sầu mà chính ông từng hé lộ trong một tập tài liệu rất tuyệt vời Lời thú tội – tác phẩm xuất sắc hơn cả trong số công trình nghiên cứu tôn giáo của ông. Trong kiệt tác Chiến tranh và Hòa bình – một tiểu thuyết vĩ đại của loài người, vai trò của người hùng tinh thần được trao cho người lính trẻ tội nghiệp tên là Karataieff, một chàng trai hào hiệp, sôi nổi và mộ đạo. Dù anh ta ngu ngốc và thô tục, nhưng cái nhìn của anh ta đã mở ra cánh cổng thiên đàng cho tâm trí của chính mình. Ở đây, rõ ràng Tolstoi đã cho người đọc thấy, một lần nữa ông đưa Chúa đến với thế gian này.
Thật tội nghiệp Karataieff nhỏ bé bị người Pháp bắt làm tù binh. Khi quá kiệt sức bởi khổ ải và những cơn sốt hoành hành, cậu bị xử tử như bao tù nhân khác trong một cuộc tàn sát đẫm máu ở Moscow. Lần cuối cùng, độc giả còn trông thấy cậu là khi Karataieff tựa mình vào thân cây bạch dương trắng, dần chìm vào giấc ngủ vĩnh hằng.
Tolstoi viết trong Lời thú tội rằng:
Càng ngày tôi càng quan sát kĩ hơn cuộc sống của những người lao động. Nó thuyết phục tôi rằng, họ có một đức tin mãnh liệt, và chỉ cần có đức tin mãnh liệt đó là đủ cho họ tiếp tục sống...
Ngược lại, những con người thuộc tầng lớp của chúng ta luôn phủ nhận số phận và phẫn nộ với sự khắc nghiệt của nó. Nhưng chúng ta lại tự chuốc lấy bệnh tật và bất hạnh mà không hề phàn nàn, hay chống đối. Chúng ta tin rằng tất cả đều phải như thế và không thể khác được. Chúng ta chỉ trông thấy một trò đùa tàn nhẫn trong đau khổ và cái chết.
Càng cố sống bằng những luận giải của bản thân, chúng ta càng không thể hiểu được ý nghĩa của cuộc sống.
Trong khi, những con người hăng say lao động, họ sống, cam chịu, yên lặng chờ đợi cái chết và thường chẳng biết đến niềm vui... Có rất nhiều người trong số họ hài lòng với hạnh phúc hoàn hảo nhất, dù bị tước đi những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống. Họ hiểu ý nghĩa của cuộc sống này, và biết làm thế nào để sống, để chết. Và có hai, ba, mười, thậm chí là hàng trăm, hàng nghìn, hàng triệu người như vậy. Họ lao động một cách thầm lặng, nhẫn chịu sự đau khổ, tổn thương, luôn ở giữa ranh giới sự sống và cái chết. Tất thảy những điều đẹp đẽ lẫn bất hạnh trên đời, với họ chỉ là hư không.
Tôi phải yêu lấy con người ấy. Tôi càng bước vào cuộc đời của họ, tôi càng thêm yêu mến họ, và càng có nhiều điều thôi thúc tôi sống. Xã hội nơi chúng ta sống, nó không chỉ là xã hội của những người được học hành, của những kẻ giàu sang đáng ghê tởm - mà giờ đây trong con mắt của tôi thì nó hoàn toàn không có ý nghĩa gì cả.
Tất cả hành động của chúng ta, sự đắn đo của chúng ta, khoa học của chúng ta, nghệ thuật của chúng ta đều xuất hiện trước mắt tôi với một ý nghĩa mới. Tôi hiểu rằng mọi thứ đều có điểm quyến rũ riêng của nó. Nhưng có những thứ, nếu không thực sự tìm hiểu kĩ càng, ta sẽ không thể hiểu được cuộc đời của những người đã lao động chăm chỉ, của những mảnh đời thực sự sống và xuất hiện trong ánh sáng rực rỡ của nó. Tôi hiểu rằng, đó đích thực là cuộc sống. Ý nghĩa mà cuộc sống chứa đựng chính là sự thật, và tôi chấp nhận nó.30
30 Trích Lời thú tội, Chương X.
Theo một cách tương tự, Stevenson đã kêu gọi lòng thành kính của chúng ta dành cho những đức tính vốn có của con người. Ông viết:
Thật tuyệt vời là chính Con người này! Phẩm chất của anh ta thực sự đáng kinh ngạc! Một tâm hồn buồn khổ, bị những khó khăn và sự bạo tàn bủa vây. Anh trở thành mồi nhử của những đồng loại bên cạnh mình – những người đã đổ lỗi cho anh.
Liệu đó có phải là một mảnh ghép của số phận, hay chỉ đơn thuần là sự tàn nhẫn của loài người?
Song, điều quan trọng không nằm ở cách chúng ta nhìn, nơi chúng ta quan sát dưới bầu trời này. Mà là trong xã hội này, ở tận đáy của sự ngu dốt, chúng ta bị đè nén bởi vô số những quy chuẩn đạo đức sai lệch.
Trên con tàu nơi đại dương xa xôi, người thủy thủ đã quen với những gian khổ, quen với những niềm vui tầm thường. Niềm hi vọng sáng nhất của anh ta đặt vào một quán rượu, một ả gái điếm sẵn sàng bán thân. Và anh ta cũng đơn thuần, ngây ngô, sôi nổi và cũng tử tế như một đứa trẻ, sẵn sàng hi sinh mình, làm việc quần quật vì những người khác.
Trong những khu ổ chuột của thành phố, hàng triệu công nhân không biết hi vọng gì vào ngày mai, họ cũng chẳng có được chút niềm vui nào cho hiện tại. Song, họ sống đúng với bản chất của mình, trung thực với chính mình, tử tế với những người xung quanh. Họ không để mình sa ngã bởi những thứ sáng đẹp lấp lánh giả ngụy của các cung điện nguy nga. Họ đáp trả lại sự khinh miệt của thế gian bằng lòng phụng sự và sự kiên định, không do dự.
Ở nơi nào chúng ta cũng có thể thấy những đức tính đáng được trân trọng và làm người ta động lòng.
Ở nơi nào cũng có những lí tưởng khả kính và lòng dũng cảm, nơi nào cũng thấy sự bất lực của lòng tử tế nơi con người.
Giá tôi có thể cho các bạn thấy được. Giá tôi có thể mở toang những đôi mắt ngây thơ khờ dại. Để thấy được tất cả những mảnh đời trên thế gian này, trong mọi giai đoạn lịch sử, dưới mọi sự sai lầm, ở mọi tình thế thảm bại, không còn hi vọng, không có sự giúp đỡ, cũng chẳng có lời hàm ơn. Đằng sau đó vẫn tồn tại những cuộc chiến cho đạo đức - phẩm hạnh, nhằm níu kéo một chút danh dự, hòng gìn giữ một viên ngọc cho những linh hồn tội nghiệp của chúng ta.31
31 Trích Cross the Plain, “Pulvis et Umbra”.
Tất cả những điều này đều đúng, giống như việc ta nhìn nhận một điều là tốt đẹp hay xấu xa. Và ta cần cả Tolstoi lẫn Stevensons để thấy rằng tất thảy những cảnh huống đời sống đó, những con người đó là chân thực.