Nếu sự khác biệt của hoàn cảnh bên ngoài không có ý nghĩa gì với cuộc sống, thì tại sao vẫn luôn có những tính cách khác nhau ấy cùng tồn tại? Và hơn hết, hoàn cảnh đó cũng là những nhân tố quan trọng trong cuộc đời mỗi con người.
Chỉ cần xem xét kĩ sự tôn sùng của Tolstoi với những người lao động thủ công, ta sẽ nhận ra rất nhiều điều. Đó là Walter Wyckoff, ông đã làm việc như một người lao động không chuyên trong công cuộc phá dỡ một số tòa nhà ở West Point. Sau đó ông viết về tinh thần của tầng lớp người lao động mà ông tạm thời nằm trong số đó.
Tính cách riêng biệt của chúng ta rõ ràng đã được bộc lộ trong từng hoàn cảnh. Chúng ta là những người trưởng thành, không theo nghiệp giao thương. Trên thị trường lao động, chúng ta sẵn sàng bán cho nhà thầu sức mạnh cơ bắp của mình. Chúng ta nằm trong tầng lớp thấp kém nhất của lao động.
Bán sức mạnh cơ bắp của mình để đổi lấy những lợi ích nó mang lại cho chúng ta, và chúng ta bán nó trong những điều kiện đặc biệt.
Sức lao động là tất cả vốn liếng mà ta có. Chúng ta không có khoản dành dụm riêng để sinh sống, và vì thế cũng không thể tồn tại dựa vào món "của để dành" ấy được. Chúng ta bán sức lao động của mình để lấp đầy cái bụng đói. Chúng ta buộc phải chọn lựa, một là lao động, hai là chết đói, bởi ăn là một nhu cầu cấp thiết, và chúng ta không có cách nào khác để đáp ứng nhu cầu này. Ta buộc phải bán sức lao động của mình theo yêu cầu của thị trường.
Những người chủ thuê mua sức lao động trên một thị trường đắt đỏ. Ông ta chắc chắn sẽ tận dụng sức vóc của người lao động sao cho xứng đáng với số tiền ông ta đã bỏ ra. Người trưởng quản biết rõ trách nhiệm của mình, nên hắn luôn tìm cách đảm bảo mục tiêu này. Hắn chỉ huy chúng ta. Hắn và ta là những kẻ xa lạ. Hắn sẵn sàng đuổi việc tất cả chúng ta như xé một mảnh giấy vụn.
Vậy mà đổi lại, hắn sẽ vắt kiệt sức lao động của những người làm công, hết mức có thể. Nếu chúng ta có kiệt sức, chúng ta không thể tiếp tục làm việc, thì hắn cũng chẳng mất mát gì. Bởi lẽ thị trường sẽ sớm cung cấp cho hắn những nhân lực thay thế.
Chúng ta là những kẻ ngu muội, nhưng chúng ta vẫn có thể thấy rõ ràng rằng, chúng ta đang bán sức lao động ở nơi chúng ta có thể bán với mức giá đắt đỏ nhất, và ông chủ của chúng ta đã mua nó với giá rẻ mạt nhất. Ông ta đã trả giá và ông ta phải có trong tay tất cả nguồn nhân lực mà ông ta cần. Bằng bản năng mạnh mẽ, ông ta sẽ chiếm hữu sức lao động của chúng ta. Chúng ta sẽ bán đi từng chút, từng chút sức lực của mình.
Công việc đó dường như khiến chúng ta tự vắt kiệt, tự hủy hoại đi tất cả những gì cao quý của tinh thần hăng say lao động. Ta không còn cảm nhận được giá trị của bản thân. Ta cũng chẳng có chung lợi ích với người chủ của mình. Không có niềm vui của trách nhiệm, không có ý nghĩa của thành công. Đó chỉ là một sự ngu xuẩn đơn điệu của áp bức khổ sai. Đến cuối cùng, đó là những tín hiệu của khao khát được bỏ việc vì những đồng lương ít ỏi và vì kiệt sức.
Và chúng ta sẽ ra sao? Chúng ta chẳng còn chút giá trị với thị trường lao động và không có gì đảm bảo cho một công việc lâu dài. Không có tổ chức nào lãnh đạo và kết nối chúng ta. Chúng ta phải làm việc dưới sự giám sát thận trọng của ông chủ, bị sai khiến như những nỗ lệ của đồng tiền thông qua các nhiệm vụ.
Tất cả điều này để nói cho chúng ta biết rằng, thực tế cuộc sống của chúng ta vô cùng khó khăn, cằn cỗi và vô vọng.
Cuộc sống khổ cực, cằn cỗi và vô vọng ấy chắc chắn không phải điều mà chúng ta mong muốn. Tại sao lại như vậy? Có phải vì nó quá tăm tối không?
Vâng, Nansen32 còn phát hiện ra nhiều điều tối tăm hơn thế qua chuyến thám hiểm địa cực của mình. Chúng ta sẽ thấy chẳng gì trong cuộc sống của chúng ta tồi tệ hơn thế.
32 Fridtjof Wedel-Jarlsberg Nansen (1861 - 1930) là một nhà thám hiểm người Na Uy. Khi còn trẻ, ông là một vận động viên trượt tuyết và trượt băng. Sau này, ông tham gia vào các đoàn thám hiểm Bắc Cực và Nam Cực. Ông đoạt giải Nobel Hòa bình.
Có phải sự mê muội không? Những chiến binh của chúng ta phải hết sức vượt lên sự mê muội ấy, và tất cả chúng ta đều vang danh họ lên tận trời cao.
Là nghèo đói chăng? Cái nghèo được xem như vương miện quý giá cho sự nghiệp của những người anh hùng.
Nếu lao động khổ sai là một nhiệm vụ, thì liệu rằng nó có mất đi niềm vui đẹp đẽ? Công việc cực nhọc với đồng lương rẻ mạt và sự mất mát đôi khi lại là nhân tố thúc đẩy một nghị lực phi thường. Đó luôn được coi như một công trạng, như một sự cống hiến cho công cuộc truyền giáo trên toàn thế giới.
Tất cả những điều này chưa hẳn là điều gì đó tồi tệ, kể cả khi chúng kết hợp với nhau. Đó cũng không phải là lí do để ta oán trách một cuộc đời không như mong muốn.
Trên thực tế, chúng ta có thể sống như một người lao động với một công việc nào đó mà chẳng cần có kĩ năng. Như thế, chúng ta hẳn đã trở thành sinh vật cao quý nhất mà Chúa tạo ra. Rất có thể, một số người trong chúng ta thuộc về tầng lớp mà các tác giả đã mô tả, nhưng giờ đây linh hồn của họ đang chảy dưới lớp đất này. Họ chìm đắm trong sự mù quáng từ ngàn xưa để lại, và chẳng thể nào nhận thức được.
Song, nếu có bất kì cá nhân tốt đẹp nào, thì điều gì làm họ trở nên khác biệt với những người còn lại?
Ta chỉ có thể giải thích được bằng điều này:
Đi theo lí tưởng từ bên trong là cách để ta làm việc với sự nhẫn chịu và lòng can đảm, để tâm hồn ta thong dong giữa một đời gian khó
Trong khi rất nhiều người trong chúng ta không được dẫn dắt bởi những điều có giá trị như thế. Lí tưởng sống của những người xung quanh là bí mật mà chúng ta hầu như không thể nào hiểu thấu được, mặc dù có những dấu hiệu có thể tiết lộ cho ta chút gì đó.
Trong trường hợp của Wyckoff, chúng ta có thể biết chính xác lí do của việc tự lừa dối chính mình là gì. Một phần bởi anh ta tự làm khó mình để đạt được một thành quả nào đó đòi hỏi nhiều cố gắng. Nhưng chủ yếu, anh ta muốn tăng thêm sự cảm thông của chính mình với những người đồng bào của mình. Bằng mồ hôi công sức và sự cần cù, anh ta đã tạo ra chân dung một người anh hùng mà chúng ta hoàn toàn yêu mến, tôn sùng.
Cũng thật dễ dàng khi tưởng tượng về vô vàn lí tưởng khác nhau bên trong những người bạn của anh ta. Tôi sẽ không nói đến những người vợ và những đứa trẻ. Bởi họ có thể trở thành những người cải đạo của Đội quân Cứu thế và cất vang tiếng hát véo von về sự thứ tha và xám hối trong trái tim; hoặc họ có thể trở thành một người như chính Tolstoi hay người đồng hương Bondareff của ông: Tự nguyện coi lao động như sứ mệnh tôn giáo của mình.
Lòng trung thành của tầng lớp lao động là một lí tưởng không có gì để nghi ngờ nữa. Những điều mà Phillips Brooks33 đã lặp đi lặp lại nhiều lần rằng, ai biết được sự nghèo khó hơn thế là như thế nào. Nó có từng tồn tại hay không trong tầng lớp ấy?
33 Phillips Brooks (1835 - 1893) là một linh mục và tác giả người Mĩ.
Một vùng đất gồ ghề, cằn cỗi là nơi mà cái nghèo ngự trị. Tôi cảm thấy biết ơn vùng đất ấy, nơi mà tôi có thể hái được một quả mọng hoặc tìm thấy cái rễ cây để lấp đầy bụng đói. Thực sự sống trong vùng đất đó là bằng chứng cho sự tồn tại của nó với tôi. Nếu tôi không đánh giá dựa trên các chuẩn mực của những vùng đất khác, thì dần những phẩm chất của nó sẽ xuất hiện.
Hãy nhìn này! Không có vùng đất nào cằn cỗi như thế, trơ trụi như thế có thể bộc lộ những lớp địa chất tốt lành của thế gian.
Hãy nhìn những đường thớ đất gồ lên vững chắc và mạnh mẽ. Không có điều gì ngoài nghèo đói có thể cho con người thấy được trái tim của vạn vật và giúp họ hiểu ý nghĩa của chúng là gì.
Bởi vậy, ta có thể cảm nhận được cuộc sống và thế giới với tất cả các lớp vỏ giả tạo đã bị lột trần và tước bỏ. Sự thiếu thốn khiến chúng ta đến gần nhau hơn và nhận ra trái tim của đồng loại. Sự thiếu thốn là tột cùng cho tất cả đi đến với những mong cầu và khóc than vào đức tin nơi Chúa.
Tôi biết rõ cái cảm giác hời hợt và vô cảm là thế nào. Tôi cũng biết đâu là lời nhạo báng, và đâu là ca từ ngợi khen cho những cảnh đời éo le. Nhưng tôi chắc chắn rằng, phẩm giá và tự do của những người nghèo khổ, tự tôn sức mạnh của họ phụ thuộc vào chính tri kiến của họ. Rằng sự nghèo khổ của họ là một bổn phận, và đó là sự tử tế đích thực của cuộc đời. Rằng sự nghèo khổ cũng có cơ hội riêng, có hạnh phúc riêng và có cả sự mặc khải của Chúa.
Hãy để họ chống lại sự tầm thường bằng chính sự sự thiếu thốn của mình.
Hãy để họ tiếp tục trân trọng những nguồn sống đã nuôi dưỡng họ.
Hãy để họ học cách yêu thương nó.
Và dần dần, nếu họ trở nên giàu có, họ sẽ bước ra khỏi cánh cửa của nghèo đói với một sự hối tiếc thực sự, với một lòng tôn kính dành cho những ngôi nhà nhỏ hẹp đã từng là nơi trú chân của họ suốt một khoảng thời gian rất dài.34
34 Phillips Brooks, Sermons, Tuyển tập thứ 5, New York, 1893, trang 166- 167.
Thực chất, cuộc sống cằn cỗi và trần trụi của những người lao động bình thường ít bị thôi đẩy bởi những lí tưởng bên trong. Họ kiên nhẫn chịu đựng những cơn đau lưng trong hàng giờ liền và cả sự nguy hiểm vì điều gì? Để có được một điếu thuốc lá, một cốc bia lạnh, một tách cà phê, một bữa ăn, một cái giường. Để bắt đầu một ngày mới và trốn tránh thực tại.
Đây là lí do tại sao chúng ta không dựng lên các tượng đài cho người lao động, mặc dù họ là những chiến binh của chúng ta. Đằng sau vẻ ngoài của thành phố này chính là những trái tim kiên cường, những đôi vai bền bỉ và cánh tay không ngừng vươn lên.
Đây là lí do tại sao chúng ta dựng tượng đài cho những chiến sĩ, mặc dù họ thật sự tàn nhẫn. Những người lính được cho là người hành động vì lí tưởng, còn những người lao động thì không.
Các bạn thấy đấy, sự kì lạ và phức tạp trong bản chất của con người lao động tuyệt vời này đã lớn mạnh dưới đôi bàn tay "tạo tác" của chúng ta.
Mù quáng và thờ ơ, đây chính là sự kế thừa cố nhiên mà ta có
Chúng ta thừa nhận có một tầng nghĩa ẩn bên trong sự mù quáng mà những người xung quanh thể hiện ra bên ngoài. Ít nhất, chúng ta đã từng trông thấy điều đó ẩn hiện trong cuộc đời của họ. Và giờ đây chúng ta phải thừa nhận lớp nghĩa ấy cũng có bên trong chúng ta: Khi niềm vui, lòng quả cảm và sự kiên nhẫn trong lao động hòa hợp với một lí tưởng...