Ở bất cứ đâu trên hành trình của cuộc sống, sự tiến bộ luôn thổi một niềm say mê cho những người sống với nó.
Đôi khi, sự say mê ấy được đan xen bằng những hoạt động thể chất, có lúc là những nhận thức sáng suốt, cũng có khi là những mộng tưởng, hay thỉnh thoảng bằng các tư duy phản chiếu. Song, ở nơi nào mà sự tiến bộ này chạm đến, chúng ta đều thấy một sự hăng hái và nhiệt huyết thực sự. Đó những đặc tính quan trọng cho những cảm nhận tích cực và chân thật ở bất cứ đâu có thể.
Robert Louis Stevenson2 đã mô tả trường hợp này bằng một ví dụ rút ra từ một sự tưởng tượng. Trong một bài luận, tôi thực sự nghĩ rằng cả bản chất sự thật bên trong và dạng thức linh hoạt bên ngoài của nó đều xứng đáng trở thành bất hủ.
2 Robert Louis Stevenson (1850 - 1894) là một nhà văn người Scotland, người đã sáng tác nhiều tác phẩm văn học nổi tiếng trong đó có tiểu thuyết Treasure Island (Đảo giấu vàng).
Stevenson viết:
Vào khoảng cuối tháng Chín, trường học đang chuẩn bị khai giảng trở lại. Màn đêm buông xuống, chúng ta bắt đầu ra khỏi nhà và dạo chơi cùng với những chiếc lồng đèn mạ thiếc. Chuyện đó đã quá phổ biến, đến nỗi trở thành một nét văn hóa của Anh Quốc. Những cửa hàng tạp hóa dần chuyển sang trang hoàng cửa sổ với đèn nháy từ các thương hiệu nổi tiếng. Người ta đeo nó quanh hông, trên thắt lưng hoặc dây đai, thậm chí có người còn đeo cả lên nút áo.
Mấy chiếc đèn nháy ấy không làm cháy da thịt như bình thường, mà chỉ khiến ta bỏng nễu lỡ chạm tay vào. Việc sử dụng những chiếc đèn ấy thật vô nghĩa, và sự thích thú mà chúng đem lại thực chất chỉ là tưởng tượng. Ấy vậy các cậu bé đeo chiếc đèn mạ thiếc dưới lớp áo choàng luôn cảm thấy thỏa mãn với nó. Trong khi ấy, ngư dân thường sử dụng đèn thiếc này trên thuyền của họ chỉ để thắp sáng.
Chắc hẳn đến đây, các bạn đã lờ mờ nhận ra một điều gì đó phải không?
Các ngư dân đâu có sử dụng những chiếc đèn thiếc để vui vẻ hay chơi đùa. Rõ ràng chúng ta thấy cảnh sát đeo những chiếc đèn nhấp nháy bên hông và đã bắt chước họ làm như vậy. Vâng, chúng ta thích thú trong cảm giác "giả vờ" mình là những cảnh sát của khu phố. Thực sự, chúng ta có một nỗi ám ảnh mà chúng tôi đã nhận thấy ngay trong thời đại trước khi chiếc đèn nhấp nháy trở nên phổ biến hơn. Trong những cuốn sách mà chúng tôi tìm thấy, đây là một nỗi ám ảnh rất lớn. Nhưng đừng gán điều đó cho tất cả chúng ta. Niềm vui nó đem lại cũng có khi là thật. Trở thành một cậu bé với đôi mắt khờ dại dưới lớp áo choàng có lúc cũng đôi phần thú vị.
Khi hai người gặp nhau, có một sự lo lắng thoáng qua trong họ: “Cậu đã có đèn lồng cho mình chưa?” và người kia đáp lại với sự hài lòng: “Rồi!” Đó là luật bất thành văn, và với họ nó tựa như niềm vinh dự. Không ai có thể nhận ra người mang chiếc đèn lồng ấy nếu không nhờ mùi hương của nó (giống như con chồn hôi hám). Đôi khi bốn năm người cùng nhảy lên boong tàu, dù không có gì ngoài những thanh chắn ngang trên đầu họ. Hoặc họ chèo lên trên nóc, có những cái hõm cho gió lọt vào bên trong. Sau đó, họ cởi bỏ áo choàng ngoài và để lộ ra chiếc đèn.
Ánh đèn chói lóa trong màn đêm lộng gió, một niềm vui nhen nhóm bởi hơi ấm nghi ngút bốc lên từ những chén rượu mừng. Những quý ông trẻ tuổi may mắn sẽ cùng nhau trải qua một đêm trên thềm cát lạnh lẽo hoặc dưới mái úp của con thuyền đánh cá, rồi hân hoan với những câu chuyện tầm phào.
Thật sự buồn khổ khi tôi chẳng thể đưa ra ví dụ khác hơn!
Những mẩu chuyện vô nghĩa ấy chỉ như một thứ gia vị, và những buổi tụ họp bất đắc dĩ này chỉ là một sự cố trong sự nghiệp của một người cầm đèn. Niềm hạnh phúc nhất của người cầm đèn là tự mình bước trong đêm đen, chốt đóng then cài, áo choàng chùm kín. Không có tia sáng nào phát ra dù là để dẫn hướng cho bước chân của họ, hay là để phô bày niềm tự hào trong họ. Họ giống như cái trụ của bóng tối lướt qua màn đêm. Họ chìm sâu trong sự riêng tư nơi con tim khờ dại, trong niềm hân hoan với chiếc đèn đeo bên hông, và ca ngợi những tri thức.
Có câu chuyện kể rằng, nhà thơ nọ đã chết đi khi hơi thở của thanh xuân vẫn còn phập phồng trong lồng ngực. Có nhiều tranh cãi rằng thi sĩ ấy hiện vẫn còn sống, câu chuyện này chỉ giúp đánh bóng cho cuộc sống của anh ta. Tuy nhiên bạn cần hiểu công bằng không bao giờ đến với những người hay thay đổi hoặc có suy nghĩ nông cạn trẻ con. Cuộc sống của những kẻ như thế chẳng có gì ngoài một cái đầm lầy nhơ nhớp. Ở đó có vài căn phòng dát vàng nằm giữa đám bùn sình. Anh ta hẳn sẽ vui mừng lắm khi cái lối mòn tăm tối của chính mình dường như có thể lấp lánh sáng với chiếc đèn lồng ở bên hông.
Có một câu chuyện ngụ ngôn khác rất gần với nhịp sống gấp gáp của thời đại này.
Một tu sĩ đi xuyên qua cánh rừng. Ông nghe có tiếng chim reo thánh thót. Đến khi trở lại nơi cổng tu viện, ông thấy mình đã là một người xa lạ. Năm mươi năm đã trôi qua, hầu hết các đồng tu cùng thời đều còn sống, nhưng chỉ có một người nhận ra ông. Không phải tiếng sơn ca đã mê hoặc, đã dẫn lối ông đến cánh rừng ấy, mà có lẽ đấy vốn là nơi ông sinh ra. Ông cất lên tiếng hát từ nơi thẳm sâu nỗi buồn. Những con người khốn khổ lắng nghe tiếng hát ấy và bất giác mỉm cười. Cuộc đời của ông chính là những khoảnh khắc như thế. Chẳng cần nhiều hơn một chiếc đèn lồng ma thuật, tôi đã có thể gọi tên vị tu sĩ ấy bằng những mối liên kết vô cùng chân thực.
Cuộc đời không đơn giản là một cỗ máy xoay vần bằng hai sợi chỉ, một đầu là tiếng sơn ca lảnh lót, và bên kia là những người nghe chăm chú. Thật khó bề định giá được cuộc sống, và niềm vui của con người thực chất là một điều không tưởng.
Đây là tri thức của cuộc đời, là sự tưởng nhớ về những khoảng khắc diệu kì. Chú chim sơn ca đã hát cho ta nghe, lấp đầy tâm trí chúng ta, cho đến khi thực tại kéo ta về với cuộc đời. Cuộc đời của chúng ta như một đống đổ nát lẫn bùn sình. Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi những mong cầu rẻ mạt và cả nỗi sợ hãi không có thật, luôn khiến chúng ta thấy tủi hổ mỗi khi nhớ lại. Cuộc sống là cả những điều chúng ta đã vô tình lãng quên. Nhưng trong giây phút đắm chìm vào tiếng sơn ca lanh lảnh, chúng ta dường như không nghe, không thấy, và không còn biết đến điều gì nữa.
Câu chuyện ấy kể ra chỉ để nói rằng, chúng ta đã dần hiểu (trong một khung cảnh lãng mạn chân thực) nhiệm vụ của những người mang bên mình chiếc đèn lồng mạ thiếc. Ta say sưa kể về những chàng trai đang chán chường, bước vội trong cơn mưa xối xả, cảnh vật thật thê lương. Chúng nói những mẩu chuyện ngờ nghệch và tục tĩu, chắc chắn là vậy. Chúng ướt sũng và run rẩy, thất vọng và sầu thảm. Nhưng với chúng, đó là một thiên đường đầy vui thú, và trên mặt đất khi ấy là một chiếc đèn lồng có mùi bất hạnh.
Và tôi cần phải nhắc lại, rất khó để con người chúng ta chạm vào niềm vui thực sự. Niềm vui ấy có thể chỉ xoay quanh một thứ nhỏ bé trong một khoảnh khắc nào đó, giống như chiếc đèn lồng mạ thiếc đeo bên hông kia. Nó cũng có thể trú ngụ trong những điều bí mật của tâm lí con người.
Niềm vui không nằm ở thế giới bên ngoài. Vì vậy, chúng ta thậm chí còn chẳng thể chạm vào nó.
Một cuộc sống thực sự có ý nghĩa là khi chúng ta nguyện ý cùng sống và cống hiến hết mình trong lĩnh vực mà mình đam mê. Như thơ ca chẳng hạn.
Những người quan sát (một tâm hồn tội nghiệp, với bản thảo của mình) chỉ là những kẻ đứng ngoài. Họ nhìn rõ con người là gì, nhưng cuối cùng lại giả dối với chính mình. Giống như anh ta nuôi dưỡng một cái thân cây, cái anh ta nhìn thấy chỉ là những gì mình nuôi dưỡng. Song, chính người ấy lại ở trên cành, vươn ra ngoài vòm lá, đung đưa theo những con gió thoảng, và là nơi chim sơn ca ưa đậu.
Chủ nghĩa hiện thực thực sự của những thi sĩ hiện ra khi ta leo lên lưng anh ta như những chú sóc tinh nghịch, và ta sẽ thấy thiên đường nơi anh ta sống.
Chủ nghĩa hiện thực thực sự của những thi sĩ là đi tìm nơi niềm vui tồn tại và gửi gắm những nỗi niềm đang ngân vang trong lồng ngực.
Mất đi niềm vui sống sâu thẳm ấy là mất tất cả. Niềm vui của các diễn viên nằm trong ý nghĩa của mỗi vai diễn. Nó có thể coi là một lời giải thích, cũng là một lí lẽ chứng minh. Với những người không có bí mật của chiếc đèn lồng mạ thiếc, niềm vui đó là vô nghĩa. Đây cũng là lí do khiến cho các cuốn sách theo chủ nghĩa hiện thực dấy lên nỗi ám ảnh hoặc những cảm xúc không có thật.
... Mỗi lần ta gạt bỏ một tứ thơ, quên đi bầu không khí tuyệt vời ngoài kia, hay trút xuống những bộ phục trang rực rỡ, là một lần ta thấy một cuộc sống trần trụi. Dường như những điều mộc mạc, giản dị lại trở nên cao quý. Mỗi lần cuộc sống của ta rã xuống như những tảng bột, chẳng thể vút lên như những quả bóng bay rực rỡ sắc màu dưới bóng hoàng hôn. Mỗi điều ta nghĩ là thật, lại là một điều ta không nhận thức được. Bởi lẽ không ai muốn sống một cuộc đời trần trụi khắc nghiệt và khổ đau. Chúng ta chỉ muốn sống trong một căn phòng ấm áp và huyền ảo trong tâm trí, với những ô cửa sổ sơn son và những bức tường biết kể chuyện.3
3 Lược trích “The Lantern-bearers” nằm trong tuyển tập Across the Plains (tạm dịch: Bước qua phẳng lặng).
Những đoạn văn trên là điều thú vị nhất tôi học được ở Stevenson.
“Mất đi niềm vui sống sâu thẳm là mất tất cả”
Chính xác là vậy. Tất nhiên, con người là hữu hạn, và mỗi người chúng ta đều là một chỉnh thể duy nhất của riêng mình. Dường như, nó chính là nguồn năng lượng cho chúng ta thực hiện những sứ mệnh của mình với một trái tim kiên định. Cái chết của chúng ta, chẳng ai có thể tránh khỏi, nhưng lại là một niềm vui đặc biệt. Đó là cái giá phải trả để chúng ta trở thành những con người hữu dụng.
Chỉ những kẻ mơ mộng đáng thương, một vài triết gia, các thi sĩ, hay những tác gia, và cả những người đang yêu, họ có một cái nhìn sâu sắc với thế giới khách quan, và những khó khăn ngoài kia chẳng thể cản bước họ. Như Clifford đã nói: Thế giới nội tâm bên trong chúng ta vượt ra khỏi chính chúng ta. Đó là một thế giới khác biệt, một thế giới soi sáng tâm trí của ta. Và rồi tất cả các giá trị lề thói của chúng ta bị đảo lộn. Và nữa, khi cái Tôi vị kỉ và hẹp hòi trong mỗi người tan ra thành từng mảnh, một viễn cảnh mới tươi sáng sẽ bắt đầu.