Khi cái Tôi vị kỉ và hẹp hòi trong mỗi người tan ra thành từng mảnh, một viễn cảnh mới tươi sáng sẽ bắt đầu.
Sự thay đổi này được Josiah Royce4, một đồng nghiệp của tôi, miêu tả một cách rõ nét:
4 Josiah Royce (1855 - 1916) là một nhà triết học duy tâm người Mĩ. Ông là người sáng lập ra chủ nghĩa duy tâm Hoa Kì.
“Người hàng xóm của chúng ta là người như thế nào? Có phải chúng ta luôn coi suy nghĩ của anh ta, cảm xúc của anh ta là thứ gì đó khác với chúng ta? Người ta thường nói: Nỗi đau trong anh không giống nỗi đau trong tôi, nhưng chắc hẳn dễ chịu hơn. Cuộc sống của anh không ý nghĩa bằng cuộc sống của tôi. Nó mờ nhạt, buồn tẻ, lạnh lẽo. Nó như một ánh lửa nhạt nhòa bên cạnh những khát khao cháy bỏng trong anh. Vì thế, một cách lờ mờ và bản năng, tôi thực chẳng biết gì về anh, chẳng thể nhìn thấy anh. Tôi đã tạo ra (từ anh) một điều gì đó, không có cái Tôi nào cả. Đó chỉ là ảo ảnh, và đơn giản là tôi cố gắng đi tìm sự thật.
Nỗi đau là nỗi đau, niềm vui là niềm vui, nơi nào cũng vậy, thậm chí trong anh cũng vậy. Trong tiếng hót của chim rừng; trong tiếng khóc của những người bị thương, những người đã chết, hay những người đang vật lộn với kẻ thù hùng mạnh; trong đại dương bao la nơi những sinh vật đang vùng vẫy chờ chết; trong tất cả đám người man rợ; trong bệnh tật và muộn phiền; trong tất cả niềm vui và hi vọng; ở khắp mọi nơi, từ nơi thấp hèn nhất đến chốn cao quý nhất, đều có một khát khao sống mãnh liệt và không ngừng lớn mạnh. Nó giống như ngọn lửa bất diệt của mặt trời. Những thôi thúc mạnh mẽ đang cuộn trào trong trái tim đầy vị kỉ của chính mình.
Hãy mở to đôi mắt và ngắm nhìn cuộc sống xung quanh. Hãy trút hết và quên đi tất cả như tôi đã làm. Nếu tôi biết cuộc sống thực chất là gì, thì tôi đã bắt đầu biết được sứ mệnh của anh.5
5 Trích The Religious Aspect of Philosophy (tạm dịch: Khía cạnh tôn giáo của Triết học), trang 157-162.
Đó thực là cái nhìn sâu sắc về thế giới nội tâm.
Trước giờ, chúng ta mới chỉ thấy được cái vỏ bọc xỉn đục bên ngoài của con người, chúng ta chỉ tình cờ lướt qua một người. Và luôn có một điều gì đó khác, tựa như mở ra một kỉ nguyên mới cho hành trình đi tìm chính mình của mỗi người, đó cũng là hành trình thấu cảm với người khác. Giống như Emerson6 nói:
6 Ralph Waldo Emerson (1803 - 1882) là nhà tiểu luận, nhà thơ, triết gia người Mĩ, và cũng là người đi đầu trong phong trào tự lực cánh sinh và chủ nghĩa siêu việt.
Luôn có điều gì đó sâu bên trong mỗi khoảnh khắc, buộc ta phải thực tế hơn trước những trải nghiệm khác
Sự đam mê trong tình yêu sẽ tạo ra một cú rung chuyển như một vụ nổ. Hay một hành động nào đó sẽ đánh thức sự hối hận day dứt đang treo lơ lửng như một đám mây trên bầu trời.
Bí mật ẩn sâu dưới lớp nghĩa bị che giấu này bắt đầu từ những thứ không phải bản chất của con người. Tôi muốn trích một đoạn văn trong cuốn Obermann – một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Pháp đã từng rất thịnh hành.
Paris, Ngày 7 tháng Ba. Bầu trời tối sầm và lạnh lẽo. Tôi buồn bã lê bước trên đường, bởi tôi chẳng có việc gì để làm cả. Tôi đi qua những khóm hoa cao ngang thân người, bám vào một bức tường. Một đóa hoa trường thọ đang bừng nở. Chợt một khao khát mãnh liệt dâng trào trong tôi: Đây có phải mùi hương đầu tiên của năm. Một cảm giác ngập tràn hạnh phúc. Linh hồn của tôi, bóng đêm trong tôi cùng hòa vào một thế giới lí tưởng và đẹp đẽ.
Tôi chưa bao giờ cảm nhận được bất cứ điều gì tuyệt vời như thế. Tôi chẳng thể định hình nó. Điểm tương đồng với nó là gì và sợi dây liên kết bí ẩn với nó ra sao, lại khiến tôi chìm đắm trong vẻ đẹp vô hạn của loài hoa này... Tôi không biết định nghĩa nó thế nào, bởi lẽ sự vô hạn đó là thứ tôi không thể diễn tả được. Nó cấu thành từ điều gì, chẳng rõ. Con người có thể cảm nhận được một thế giới tươi đẹp hơn, nhưng có vẻ như nó không phải là sản phẩm của tự nhiên.7
Wordsworth8 và Shelley9 có những quan điểm tương đồng về ý nghĩa vô hạn của những thứ thuộc về tự nhiên. Với Wordsworth, đó là một điều mang nghĩa hơi khổ hạnh và đạo đức, một “niềm vui cô độc”.
7 Trích Sénancour: Oberman, Lá thư XXX.
8 William Wordsworth (1770 - 1850) là nhà thơ lãng mạn Anh, người cùng với Samuel Taylor Coleridge khởi xướng trào lưu lãng mạn của văn học Anh với tác phẩm Lyrical Ballads (Thơ trữ tình), 1798.
9 Mary Wollstonecraft Shelley (1797 - 1851) là nữ nhà văn Anh, bà nổi tiếng thế giới với tiểu thuyết Frankenstein, or The Modern Prometheus. Bà cũng là vợ của nhà thơ lãng mạn Percy Bysshe Shelley.
Hỡi tất thảy muôn hình của tự nhiên,
Là sỏi đá, là quả cây, hoa lá
Cả phiến đá bao bọc lấy con đường
Ta khéo đặt vào một cuộc đời phẩm hạnh:
“Ta đã thấy những gì chúng cảm thấy”
Ta ghép chúng lại thành một khối tuyệt vời
Cuộc đời vốn dĩ rất khó nghĩ
Là những linh hồn đang say sưa ngủ
Là hơi thở rộn ràng ẩn bên trong…10
10 The Prelude, Quyển III.
“Quả là những mảnh ghép sinh động của những thứ vô hình!” Wordsworth cảm thấy rất phấn khích với những điều ẩn giấu của tự nhiên. Ông đi dưới ánh sáng, qua muôn nẻo đường đèo, nhưng có lẽ ông chưa thể giải thích một cách rõ ràng nhất về những điều mà ông cảm nhận được. Và độc giả cũng từng cảm thấy mình đã trải qua những cảm nhận tương tự như Wordsworth, họ lại cảm thấy rất hài lòng:
Sự lộng lẫy
Mặt trời đã lên huy hoàng đáng nhớ
Nắng rực rỡ hiện ra trước mắt tôi
Xa xa đại dương hé nở nụ cười
Giữa những dãy núi sừng sững tỏa rạng,
Sáng rỡ như những đám mây
Nhuộm màu lấp lánh nơi ánh sáng thiên đường
Cả trên những đồng cỏ lưng chừng núi
Là tất cả vị ngọt của bình minh
Giọt sương, hạt nước và rộn ràng tiếng chim muông
Và người lao động sải bước đến những cánh đồng
Này! Những người bạn của tôi,
Trái tim tôi đang chan chứa
Tôi hồ hởi, đắm say, tôi rụt rè, e ngại
Nhưng chẳng gì có thể ràng buộc tôi
Đó là thứ tôi xứng đáng nhận được
Hay một tội lỗi tôi phải gánh vác
Hỡi linh hồn tận tụy trong tôi,
Khi tôi bước đi trong phước lành
Thật biết ơn vô vàn, bởi vì tôi còn sống.11
11 The Prelude, Quyển IV.
Wordsworth đã bước đi và hân hoan với những niềm vui lạ kì bên trong. Đó như lời đáp cho bí ẩn của thiên nhiên xung quanh ông. Trong khi những người hàng xóm của ông vẫn mê mải với những tính toán hẹp hòi và thiển cận về những vấn đề của riêng họ, về mùa màng, về đám cừu hay cái hàng rào... Hẳn họ đã nghĩ những niềm vui ấy của ông thật vô giá trị và rất đỗi xuẩn ngốc. Chắc chắn chẳng ai trong số họ tự hỏi: Những gì đang xảy ra trong chính mình? Hay điều gì mới thực có giá trị?
Kì lạ thay, những gánh nặng trong tâm hồn chúng ta có khi lại trở thành món ăn nuôi dưỡng tâm hồn người khác, và lấp đầy bên trong họ bằng những niềm vui nhỏ bé tội nghiệp