Thả cái ly lăn lóc trên tấm đệm lác, ông Ba ngửa mặt lên trời. Ở trển trăng sáng lắm đó. Đúng hôn? Trăng lọc bầu trời thành tấm khăn màu vàng chanh, choàng xuống bến sông. Còn mặt nước thì lấp lánh hàng vạn con mắt lục bình tím biếc. Rồi trăng viền xung quanh mái lều cũ nát một quầng sáng phế tích. Tấm đệm lác bồng bềnh giữa sân, mát lạnh gió sông như chiếc thảm thần bay trong dĩ vãng.
Cánh tay ông Ba khẳng khiu, khô đét, níu muốn gãy cần cây đờn kìm. Tiếng tơ bung rứt, rỉ máu, khúc Dạ cổ hoài lang:
Hò là xang xê cống
Líu cống líu công xê xừ (xang)
Hò xê cống xê xang hò
Xừ xang xế xang hò (xư hò)
Đường dù xa ong bướm
xin đó đừng phụ nghĩa tào khang.
Đêm ngóng trông tin nhạn
ngày mỏi mòn như đá Vọng Phu…
Hức! Chớ má thằng Cò giờ có ngóng chồng một ngày, tao chết liền. Mái đầu lơ phơ muối tiêu lại ngẩng lên, tiếng cười khô khốc. Ánh trăng chiếu xuống khuôn mặt lồi lõm, teo tóp, hố mắt phải sâu hoắm, rỉ nước ghèn, con mắt trái mở hết cỡ nhưng đục lờ. Đời bể dâu quá bậu ơi. Mới hồi nào, thằng Ba Đực lực lưỡng, xách cây bá đỏ chạy cời cời đuổi theo xe lội nước M-113 của tụi Mẽo, bước chân phóng xuống, rút lên oàm oạp trong sình nước. Cây bá đỏ đưa lên vai, lửa nhoáng đầu nòng. Mới hồi nào, đội du kích xã hai chục cây súng quần nhau với cả đại đội địch. Thằng Út Rỡ nhảy lên nóc hầm, quỳ gối nhắm cây B-40 thẳng ụ đại liên đang quét ràn rạt, Ba Đực ôm AK nằm kế bên bắn yểm trợ. Một trái M-79 nổ ùng trước mặt, Út Rỡ té ngang, còn Ba Đực đau nhói con mắt phải, trời đất tối sầm, nhức nhối.
Xã đội trưởng Ba Đực tuy mất con mắt phải, nhưng mang kiếng mát vô, ngó vẫn kiểng trai nhất xứ. Anh không thấy phiền khi mọi người kêu tên mình trệch đi thành Ba Độc nhỡn. Ờ thì độc nhỡn. Cứ đưa cây súng coi. Con khỉ loi nhoi trên cây cà na cách hơn trăm thước, anh đưa súng lên ngắm vài giây, dứt cái một. Cô Tám Long An lên miền Đông làm mướn, xém bỏ về xứ vì bị đám đực rựa đeo chọc ghẹo tối ngày. Ai biểu cô xinh đẹp làm chi. Từ bữa gặp Ba xã đội trong tiệc cưới, cô Tám xiêu lòng trước vẻ phong trần của anh. Đám hỏi xong, chẳng thấy thằng nào dám vo ve gần cô nữa. Dám đụng vô người của xã đội trưởng hả?
Thằng Cò giống tía như đúc. Ba Đực ẵm con ra quán cà phê, mấy bà chép miệng khen “hổ phụ sinh hổ tử”. Mấy năm sau, thấy ông xã đội độc nhỡn… khó coi quá nên cấp trên điều Ba Đực về làm bí thư chi bộ ấp. Lương xướng không có, nhưng công việc búa xua xà bần, Ba Đực chỉ có nhà lúc bữa chiều, bữa trưa mắc họp hành rồi nhậu ba miếng đâu đó. Cô Tám thường làm mặt ngầu. “Ông làm cái giống gì mà đi cà nhổng tối ngày. Rồi ai mần nuôi thằng Cò đây? Mấy công lúa rầy nâu nám đen chưa xịt thuốc kìa. Chuồng heo đổ tanh banh, báo hại con heo nái phá hết bãi mì. Giường má con tui nằm mưa hắt như ngoài sàn nước… Thiệt với ông, hổng lẽ tui ôm con về xứ”.
Một bữa, Ba Đực cho chi bộ nghỉ họp sớm, về kiếm bình xịt thuốc, chèo xuồng ra thăm ruộng. Đúng y lời vợ nói, năm công ruộng chỗ này, chỗ kia rầy lốm đốm đen. Ba Đực bừng bừng nóng trong người. Chiếc vòi phun chém qua, chém lại tựa múa gươm, bụi thuốc xì trắng xóa. Nầy là cái miệng con vợ hay càm ràm. Nầy là con heo nái dịch vật. Nầy là bọn người nhiều chuyện. Tới đầu bờ, Ba Đực giận dữ vung vòi phun trở lại. Luồng gió mạnh từ dưới sông quất ngược, ném nguyên đám sương mù đặc thuốc rầy vô mặt anh. Nóng xót con mắt, Ba Đực thả chiếc bình, nhảy ào xuống sông. Con mắt muốn nổ tung, gặp nước sông thì dịu đi chỉ còn buốt xót. Đêm đó, anh không ngủ được vì nhức nhối. Cắt lá nha đam đắp vô, anh hy vọng thứ lá thuốc thần diệu đó sẽ chữa lành con mắt. Đến sáng, mở mắt ra chỉ thấy một màu trắng đục, Ba Đực kêu lên: “Má thằng Cò ơi? Tui bị mù hay sao đó…”. Ba ngày sau, cô Tám ôm con bỏ đi. Tình yêu thương cuối cùng cô để lại là nồi cơm và nồi cá kho. Ba Đực chống gậy lò dò qua hàng xóm kiếm vợ con. Bà Tư Mắm bán quán nói: “Má con nó xách đồ đi hồi chiều qua lận. Thấy nói đi kiếm việc làm trên thành phố. Ủa! Mà ba thằng Cò không hay vụ đó hả?”. Ba Đực phát điên, vung gậy đập bể mâm cơm. Mò mẫm tìm cái hộp quẹt, đổ hết bọng đèn dầu vô vách lá, rồi ra sức quẹt lửa. Thấy ngôi nhà bốc cháy ngùn ngụt, mọi người la ó lao tới, kịp kéo Ba Đực ra khỏi đám lửa.
Ba Đực bỏ nền nhà hoang, ra bến sông cất lều ở tạm, kiếm cọc chàm đóng cặp bờ sông, quây lưới lại rồi lần mò vớt lục bình thả vô. Tuần một lần, khi nước ròng sát, ông Ba ném lục bình lên bờ, kêu mấy đứa thanh niên phụ bắt cá. Tiền gạo muối, tiền rượu, thuốc… nhờ lũ cá núp trong đám lục bình.
Đó là chuyện của mười năm trước.
Dô! Rượu ngày xưa là chất men giúp ông Ba thêm mạnh mẽ, giờ là bạn hiền chia sẻ buồn vui. “Ngũ thập tri thiên mệnh”, ông tự biết phận mình. Cúi gập xuống bầu đờn, tâm tư dồn vô ngón tay.
Xừu xáng u liu phạn. Liu phạn xừu xáng u.
Ánh trăng quẫy đạp trên tấm lưng trần, khô khỏng những xương. Rượu đã ung ung trong đầu. Nhịp phách nức nở. Đầu óc căng ra, ráng nghĩ xem ngày trước mình là ai. Là ai hả? Tía tôi sống lại cũng không nhớ được. Hình như mình có một người vợ xinh đẹp, một cô gái miền Tây da trắng bóc, tóc đen dày. Mỗi lần nhậu sương sương, mình chỉ muốn chạy ào về nằm ấp trên tấm thân ngồn ngộn lửa của vợ.
Có đám mây nào che khuất mặt trăng. Mình nhìn thấy vậy, khi làn da chợt nóng lên, nhớp nháp. Mình còn nhìn thấy chiếc xe đạp mi ni của con Hạnh lọc cọc lối con lộ đất dẫn xuống bờ sông. Tối rồi, nó đi đâu vậy cà? Hổng lẽ nó cũng khoái dạo trăng. Hai mươi tuổi, một mình nuôi má. Má nó, người đàn bà có chồng chết trận, ở góa nuôi con gái mà nghèo quá, hai năm trước tính đăng ký cho mấy thằng Đài Loan coi mặt con gái. Thằng Phèn mồ côi chạy tới lều ông Ba kêu khóc: “Bác Ba biểu nhỏ Hạnh đừng lấy chồng Đài Loan. Bác nói nó nghe mà. Ráng chờ con mấy năm mần mướn, sẽ có tiền cưới nó về. Con hứa sẽ nuôi cả má nó. Chắc cú đó!”. Hai đứa nầy lần bắt cá nào hổng tới phụ ông Ba, có bữa ăn cơm xong, trời đổ mưa tối mịt nên chúng ở lại, ba bác cháu ngủ lăn trên tấm đệm lác giữa nhà. Ông Ba nổi cục: “Mầy thương nó, sao nín khe như con hến? Giờ chạy như chó đạp lửa. Để tao tính coi!”. Thằng Phèn không biết ông Ba sẽ tính giùm kiểu gì. Nó nghèo, ổng còn nghèo hơn. Tối đó ông Ba kêu cả hai đứa tới, trải tấm đệm ngồi ngoài sân. Xị rượu lấp loáng mê hoặc ánh trăng đầu tháng. Con Hạnh khéo tay, trộn mớ khô sặt nướng với xoài xanh làm mồi nhậu: “Sao bác Ba hổng chịu cho người ta cất nhà tình nghĩa?”. Ý con Hạnh là chuyện ông Ba được tiêu chuẩn hỗ trợ đảng viên nghèo, xã tính cất cho cái nhà mới trên nền cũ, nhưng ông không chịu. Ông Ba dứt khoát: “Cái nhà tôi tự đốt, trật lất rồi còn đòi hỏi chi nữa? Mấy anh ưu tiên cho hộ nào nghèo”.
Ông Ba đưa ly rượu tới tay con Hạnh: “Mầy cũng làm bậy một ly đi, rồi tao nói cho nghe cái nầy”. Con Hạnh ngửa cổ “chót” một phát: “Bác Ba nói vụ con tính lấy chồng Đài Loan chớ gì?”. “Ừa! Phiêu bạt xứ người, hên xui mầy ơi”. “Nhưng… má con cực lắm”. Thằng Phèn xía vô: “Cực để tui phụ nuôi chớ gì”. “Hứ! Ông nuôi thân còn chưa xong…”. Ông Ba rờ rẫm nắm tay hai đứa, cầm trong hai bàn tay khô khẳng của mình. “Bác thương tụi bây lắm, mà không biết làm sao. Phải như ngày xưa tao còn đang công tác… thế nào cũng thu xếp cho tụi bây việc gì đó. Nhưng mà vầy, bây về đi, chủ nhật tới đây tao tính. Con Hạnh lui vụ chồng ngoại ít bữa nghen. Thằng Phèn không kêu khóc nữa”.
Chủ nhật trời mưa tầm tã. Hai đứa rồng rắn chạy xe đạp tới, gặp con lộ đất, nước ngập ứ cuộn đỏ ngầu chảy tràn xuống bến sông. Gió thổi tung tấm bạt rách phủ trên mái nhà. Ông Ba cởi trần, đang cố rịn sợi dây kẽm nối tấm bạt cột vô gốc dừa. Thằng Phèn ném chiếc xe đạp, nhào vô phụ. Nó thấy mình mẩy ông Ba ướt nhẹp, mấy chiếc xương sườn cong vòng nhấp nhô, cạp quần tụt xuống, vướng ngang hông. Ông Ba thở phè phè: “Hên quá! Tụi bây tới rồi hả. Xém chút nữa ổng thổi bay nhà tao rồi. Bây thấy đường trèo lên mái dặm lại mấy tấm lá coi”. Nhoáng cái, thằng Phèn đã đung đưa ngồi trên mái nhà: “Ủa! Mà có lá mới không bác Ba?”. Ông Ba chỉ con Hạnh mớ phên lá trữ sau bếp. Hạnh nhón chân đưa mấy tấm lá lên mái, khe áo lộ ra lấp ló. Thằng Phèn lõ mắt dòm, hai tay giữ hoài không chịu kéo lên. Con Hạnh đỏ mặt: “Hứ! Đồ quỷ!”. Thằng Phèn vừa cột lá vừa nghĩ: “Đẹp thiệt! Mang cho mấy thằng Đài Loan xài, uổng”. Ông Ba xuống bến sông tắm rửa sơ qua, bận bộ quân phục cũ. Ngày xưa nó vừa in, nay rộng rinh vì thân hình ông còn có bộ xương. Biểu hai đứa ngồi xuống một đầu chiếc ghế ngựa mọt gặm, ông ngồi đầu kia ngó cặp mắt đục lờ sang: “Tao có tiền rồi hai đứa. Bảy chục triệu lận”. Thằng Phèn há hốc miệng: “Đâu ra nhiều dữ vậy?”. Con Hạnh ngây thơ: “Chắc thiếm Tám gởi về cho”. Ông Ba dụi mắt: “Mẹ họ! Nó mà biết làm vậy, tao chết liền. Tiền bán đất đó. Bây biết trại gà của Mười Liên mà. Từ lâu con mẻ dụ tao bán nền đất cũ, tao chưa chịu. Tao đòi một trăm triệu, nó trả bảy chục vì sổ đỏ cháy mất tiêu rồi. Mình đang cần tiền, thôi bán phứt”. “Bác Ba cần tiền chi gấp vậy? Bà Mười ép bác, chớ sổ đỏ làm lại mấy hồi”. Ông Ba cười, hình như có ánh sáng phát ra từ con mắt trắng đục: “Để lo cho tụi bây chớ sao. Nói thiệt nghen, số tiền nầy tao để lại một triệu mua lá sửa nhà, còn đâu hai đứa chia nhau làm vốn mần ăn đỡ đi. Tao cho mượn thôi. Mai mốt tao chết, lỡ thằng Cò tìm về, hai đứa bây trả cho nó”. Con Hạnh khóc. Thằng Phèn cười hí hửng. Ông Ba đưa xấp tiền ra, thằng Phèn lẹ tay đón lấy. “Tao nói trước. Đừng đem tiền đi buôn bán. Cái nghề đó phải lừa lọc người ta, bạc lắm. Nhỏ Hạnh đừng ham đi nước ngoài nữa con. Mầy ở nhà làm chuồng trại nuôi thỏ đi. Bên đó vườn rộng nuôi thỏ được. Mà cái giống thỏ sinh mau lắm, cứ mỗi tháng một lứa. Siêng chăm chỉ một hai năm là bộn tiền”. Thằng Phèn giơ xấp tiền lên, ra hiệu cho con Hạnh có nên nhận không? Con Hạnh cúi đầu không nói chi. Trong bụng thằng Phèn mừng rơn. Có số tiền này, nó về mở tiệm sửa xe máy, khỏi đi làm mướn cho tiệm xe Hùng Phát ngoài chợ. Nhưng ông Ba lại lẩm nhẩm tính toán: “Thằng Phèn… Ờ, ờ… mua nửa thiên vịt nuôi đi. Cắt lúa xong, xua vịt chạy đồng từ Bàu Ếch qua Đồng Rùa, Bàu Cỏ là xong một lứa”.
Thằng Phèn lén ông Ba mở tiệm sửa xe chớ không nuôi vịt chạy đồng. Tay nghề nó khá, lại lanh miệng nên khách cũ tìm tới cũng nhiều. Lần đầu tiên nó dám hẹn Hạnh đi cà phê vườn, nó liều mạng ôm hun con nhỏ. Nhỏ Hạnh làm thinh không cự nự. “Tôi sửa xe mỗi tháng dư ra được hai triệu. Chừng một năm đủ tiền nạp tài, tôi rước em về nghen?”. Con Hạnh hổn hển như hụt hơi: “Gấp dữ vậy? Bán được thỏ… em sẽ phụ tiền đám cưới”.
Ông Ba buông cây đờn, hai tay bó gối, ngước lên trời. Lạy trời cho cô Tám gặp người tử tế, khá giả. Nó đỡ cực mà thằng Cò cũng được ăn học thành người. Sớm muộn thằng nhỏ cũng tìm về thăm tía nó thôi. “Lá rụng về cội” mà. Cành lá dừa xạc xào đưa tâm tư của ông theo làn gió nhấp nhổm bay về phía bờ sông. Tiếng xe đạp lạch xạch vô tới sân, dừng lại bên gốc dừa. “Bác Ba chưa đi ngủ sao? Trời có sương lạnh rồi đó. Coi chừng cảm” - Tiếng con Hạnh nhỏ nhẻ ngay bên cạnh. “Đêm nay trăng sáng quá! Tao ngồi ngắm chút, đỡ buồn”. Hạnh suýt phì cười khi nghe ông Ba nói ngồi ngắm trăng. Hai con mắt đui hết làm sao ngắm? Nó cúi xuống thu dọn mấy thứ lăn lóc trên tấm đệm. “Rầu quá bác Ba ơi! Đàn thỏ lớn ù ù, gần sáu trăm con rồi mà bán hổng được. Con nào con nấy ba, bốn kí lận, hai má con kiếm lá cỏ muốn khùng luôn. Đem ra chợ bán cù cưa cù nhằng mỗi lần chừng chục ký. Làm sao đây bác Ba?”. Ông Ba dụi mắt: “Chết mẹ! Vậy thằng cha dưới thành phố hứa bao tiêu sản phẩm đâu?”. Hạnh thở dài: “Ổng hứa với bác Ba vậy, nhưng lặn một hơi. Có lần nhắn con mướn xe chở thỏ về thành phố, ổng trả bốn lăm ngàn một ký. Con tính lui tính tới thấy hổng được. Tại vườn giá thỏ thịt đã bảy mươi ngàn, chở đi thành phố chắc lỗ quá”. Ông Ba bắt chước con Hạnh, thở dài: “Đồ thất tín. Phải còn làm xã đội, ông bắn… bể đầu thằng đó”. Có một chỗ chắc nhờ cậy được, lại là chỗ ông Ba ghét như ghét cùi. Đó là nhà hàng Ka Kum bên kia sông, chuyên bán đặc sản thịt thỏ. Chủ nhà hàng là Sáu cụt, ngày xưa cùng đội du kích với ông. Sáu bị mảnh pháo làm cụt một bàn tay, sau về nghỉ thì đi buôn lậu dọc biên giới. Có tiền bộn thì cất nhà hàng, tuyển em út về bán đồ nhậu xôm lắm. Hồi trước, có lần Sáu cụt ỡm ờ rủ cô Tám qua bển bán hàng cho nó. Ông Ba coi thằng này như quân phản động. Nhưng bây giờ cả trại thỏ của con Hạnh chình ình kia, hổng lẽ đem mần thịt nhậu dần? Phải muối mặt qua năn nỉ Sáu cụt thôi.
“Ngày mai chèo xuồng đưa tao qua sông nghen Hạnh. Tao lo vụ bán thỏ thử coi”. Con Hạnh dạ, cúi xuống dìu ông Ba vô nhà. “Bác Ba nghỉ sớm cho khỏe, mai đi công chuyện giùm con”. Rượu ngấm vào xương tủy, lạnh run. Ông Ba loạng choạng vấp té, phải ôm ngang hông con Hạnh. Hông nó nở nang, eo tròn lẳn. Bất giác ông Ba nôn nao nhớ tới tấm thân nóng hổi của cô Tám. Ông vội xua tay đuổi con Hạnh: “Về đi! Về đi! Không phải dọn dẹp chi hết”.
Chiếc xuồng ba lá lách qua đám lục bình sin sít gần bờ rồi nhẹ lướt ra giữa sông. Con Hạnh ngồi chèo lái, ông Ba ngồi mũi, cúi gập người móc mái dầm. Xuồng dập dềnh theo nhịp chèo, nước róc rách ngay bên dưới chỗ ông Ba ngồi, mùi rong rêu ngai ngái quen thuộc. Cột xuồng xong, Hạnh dắt tay ông Ba đi chênh vênh trên cây cầu dừa, qua con lộ đá thì tới nhà hàng của Sáu cụt. Cách nhà hàng mấy chục thước, ông Ba đã ngửi thấy mùi thịt nướng khen khét, thơm lựng. Giờ được nhậu ba miếng hén. Ao ước của ông Ba được thực hiện ngay như gặp Bụt. Chẳng cần ông lên tiếng, Sáu cụt nhìn thấy con Hạnh mơn mởn thì đồng ý mua hết trại thỏ: “Mèng đéc ơi! Hồi nào tới giờ có nghe cô em nuôi thỏ đâu. Để đó đi, mai mốt tôi qua hốt về hết. Giờ nhậu ba miếng đi anh Ba, lâu quá rồi mới gặp chiến hữu”. Ông Ba cau mặt chửi thầm: “Vì con nhỏ, nếu không tao dộng vô mặt mầy chớ ở đó mà chiến hữu”.
Chiều về, xuồng chạy êm ru, tựa có bàn tay khổng lồ đẩy đàng sau. Ông Ba bỏ dầm, ngồi quay mặt lại: “Thằng chả nói mua là sạch chuồng luôn đó, nhưng phải dăm bữa nửa tháng mới dùng hết. Bây ráng kiếm rau lá cho thỏ đừng hao nghen”. Hạnh khoát mạnh mái dầm, miệng cười tươi: “Con mừng muốn khóc chú Ba ơi. Không ngờ lại lẹ vậy”. “Tao cũng mừng cho bây, nhưng nhớ đừng để người ta lợi dụng mình. Còn đám vịt của thằng Phèn nữa, sắp bán được chưa?”. Hạnh buột miệng: “Vịt đâu mà bán!”. “Ủa! Vậy nó bán hết rồi hả?”. Hạnh lảng qua chuyện khác: “Ngày mai, con bắt con thỏ bự nhất cho bác Ba với anh Phèn nhậu mát trời ông địa luôn”.