Tiếng lũ chim sâu lích chích trong tán cây điều bỗng ngưng bặt, tiếp theo là tiếng vỗ cánh ào lên, thoảng cơn gió nhỏ. Anh chưa kịp hiểu điều gì phá tan sự tĩnh lặng buổi sáng trong khu vườn, thì nghe tiếng cửa xe sập đóng, dù rất nhẹ. Nhà có khách! Ai đến vào giờ này nhỉ, lại bằng xe du lịch? Anh gượng ngồi dậy trên chiếc võng dù cột giữa hai gốc xoài, ngóng cổ nhìn ra cổng. Chiếc xe bốn chỗ màu đen bóng, một người đàn bà sang trọng xách túi trái cây đang bước vội. Không nhìn mặt mũi, quần áo, chỉ nhìn đôi bàn chân bước xoải, đá lia sang hai bên sát mặt đất, kiểu đi “chữ bát” như dân gian thường gọi, anh đã giật mình nhận ra người đó. Đôi bàn chân chữ bát đã dừng lại ngay trước võng, túi trái cây đặt phịch lên chiếc bàn nhựa bên cạnh:
- Chào ông! Sức khỏe của ông có khá không?
- Dạ… cám ơn! Cũng bình thường… Sao cô… sao bà biết chỗ này mà tìm đến?
- Tôi vào Sài Gòn dự đám cưới con trai dì Thư. Con gái ông cho tôi địa chỉ, nên ghé thăm ông xem thế nào.
Cái cười nhếch mép, cặp chân mày rậm nhíu nhíu, đôi mắt to và đen một thời anh mê đắm giờ ánh lên nét khinh khỉnh, lướt trên tấm thân gầy lõng thõng bộ pijama. Anh suýt khùng lên, nhưng cố nén lại:
- Cô đến đây làm gì?
- Đã nói là đến thăm ông! Xem cuộc đời đưa ông đến đâu. Tiện thể đem trả mấy thứ giấy tờ cũ.
Người đàn bà chìa ra hai tấm giấy ố vàng, một to, một nhỏ. Đó là tờ giấy quyết định gọi nhập ngũ và tấm bằng Gia đình vẻ vang của anh. Đôi bàn tay vô thức giơ ra, trịnh trọng đón nhận. Quá khứ ùa về từ cơn gió phía cửa rừng thổi tới. Miệng anh mỉm cười, nhưng nét mặt nhăn nhúm, đau đớn. Một thời tuổi trẻ hào hùng cầm súng ra trận, coi thường cái chết, bây giờ nghĩ đến còn rưng rưng nước mắt. Nỗi đau của người lính không phải vết thương do bom đạn, mà âm ỉ từ phía sau lưng. Mấy tờ giấy này, anh để lại chỗ vợ sau lần chuẩn bị đi B năm bảy mốt. Cái buổi trưa tháng tư nóng bức còn ngầy ngật trong trí nhớ. Hôm ấy, anh đạp xe một lèo từ Xuân Mai về Vĩnh Yên. Đạp mải miết như điên, như rồ, mặc kệ cổ họng khô khốc vì khát nước. Thị xã yên bình nép mình dưới những bóng cây xà cừ cổ thụ. Nàng mắt nhắm, mắt mở xuất hiện sau cánh cửa nhỏ bằng cót. Nụ cười rộng, chiếc cổ gầy và cao. Khuôn ngực phập phồng thả rông sau chiếc áo đông xuân trắng tinh. Tiếng nàng reo lên:
- Anh về phép à? Giời ơi! Sao lại đạp xe giữa nắng trưa thế này. Rửa mặt mũi chân tay đi. Để em pha cho cốc si-rô.
Anh nắm tay vợ kéo lại:
- Không cần đâu em. Anh chỉ có hai mươi bốn giờ phép. Ở đây với em đến bốn giờ chiều, xong hai đứa đèo nhau về Phong Châu thăm bố bầm. Trưa mai anh phải có mặt tại đơn vị.
- Làm gì mà như đi trận thế?
- Đúng vậy! Anh có lệnh đi B.
Nàng buông rơi chiếc cốc, nước si-rô đỏ như máu tràn trên chiếc chiếu cá nhân.
- Sao… buồn cười thế! Anh là con một mà?
Có gì đáng buồn cười đâu. Anh thấy nhói lên trong lồng ngực. Chiến trường đang cần người, anh lại là người lính. Con một hay con đàn có quan trọng gì lúc này. Rửa ráy qua loa xong, anh ôm vợ nằm dài trên chiếc giường nóng hầm hập. Bàn tay anh cuống quýt xoa lên thân thể mát lạnh của nàng. Hai hàm răng cắn vào môi anh đến bật máu, hai cánh tay nàng chợt nổi gai ốc. Hiện tượng này lan tới hai chân, khi anh kéo chiếc quần phíp đen của nàng xuống. Hồi mới cưới, mỗi khi gần nhau, thấy nàng hay nổi gai ốc trên người, anh tưởng vợ bị bệnh. Sau mới biết đó là phản ứng có điều kiện của thân thể nàng mỗi khi bị kích thích mạnh, dấu hiệu của sự sẵn sàng...
- Anh đi… không biết sống chết thế nào... Cố… đẻ cho anh thằng cu em nhé.
Nàng bỗng choàng dậy, cuống cuồng vơ quần áo mặc vào người. Anh cụt hứng, nhìn ra ngoài sân qua khe cửa sổ nhỏ. Tiếng ve kêu râm ran, thúc giục.
- Em sao thế?
- Thôi anh! Lỡ có chửa, một mình em ở nhà làm sao nuôi con?
Đang trưa nóng hừng hực. Đoạn đường rải nhựa trước nhà như chảy loãng ra, bốc hơi quằn quại. Trái tim bừng bừng dỗi hờn, anh quyết định đạp xe về quê chào cha mẹ và ba cô em gái.
- Em có về quê cùng anh không?
- Không ạ! Xưởng may dây chuyền, em nghỉ không xin phép trước sẽ ảnh hưởng đến cả tổ.
Lần đầu tiên, anh cảm thấy ghét cái tổ may mặc gồm mười hai cô gái trẻ đáng yêu của vợ.
Từ thị xã Vĩnh Yên về quê, bốn mươi lăm cây số. Nắng hừng hực sau lưng, đầu anh cũng nóng rực, muốn nổ tung. Chỉ đến khi bánh xe chạm vào cánh cổng tre xộc xệch trước nhà, tiếng cô em gái reo lanh lảnh mới làm anh bừng tỉnh, thân nhiệt hạ xuống.
- Bầm ơi! Anh cả về!
Mẹ anh thả chiếc giỏ chóc xuống hè, những cái vỏ chai đen nhẻm dùng để hứng nhựa sơn kêu lào xào. Nước mắt bà mẹ ứa ra.
- Sao gấp gáp thế hử con?
Bố anh ngồi trầm ngâm bên chiếc điếu bát, lặng lẽ hút thuốc lào. Đôi mắt ông xa xăm, diệu vợi. Những quang cảnh chiến hào ngổn ngang thi thể đồng đội ở Điện Biên mười bảy năm trước đang hiện lên, chầm chậm.
- Bà bắt con gà sống thiến, làm cơm cho con nó ăn. Tới giỗ cụ mình tính sau.
Thế rồi anh đi một lèo vào chiến trường Bình - Trị - Thiên, ba năm sau mới gặp lại vợ.
Người đàn bà năm mươi bảy - béo tốt, viên mãn. Bà ấy tuổi Ngựa, mạng Sa trung kim, đầy ý chí và bản lĩnh. Anh chỉ chiếc ghế nhựa đỏ bạc màu bên cạnh, mời khách ngồi, nhưng bà vẫn hai tay chắp đít, thong thả đi vào sân, hai bàn chân hình “chữ bát” ngập ngừng rồi bước hẳn vào trong nhà. Anh cảm nhận được ánh mắt đen quét trên tường, dừng lại trên tấm ảnh cưới của vợ chồng anh, chăm chú đọc từng dòng chữ trên tấm Huân chương Lao động hạng Ba của anh cùng với một lô, một lốc bằng khen của Bộ này Bộ kia và của Ủy ban nhân dân tỉnh. Chắc bà ta đang nhíu mày soi xét từng nét mặt trên tấm ảnh thằng cu Rin chụp lần sinh nhật thứ năm, nó dang tay, giơ chân giả làm Tề Thiên Đại Thánh. Đôi mắt mở to thông minh, vầng trán cao bướng bỉnh, cái mũi tẹt, miệng rộng giống bố. Lão già hư đốn này chẳng lẽ còn có con được ư? Vậy là con Thanh nói đúng. Hai năm trước nó khoe với bà: “Mẹ biết không? Con có em trai rồi!”.
Người đàn bà bước trở ra, tiếng loẹt quẹt của đôi chân đi giày Bitis nghe rõ hơn. Bầy chim sâu ở đâu bay ào về đáp xuống cây điều, nghe tiếng bước chân lạ liền bay tóe đi, kêu râm ran.
- Suốt ngày ông ngồi dí trên chiếc võng thế này ư?
- Vâng!
- Thế muốn đi vệ sinh?
Anh chỉ sang chiếc bô có nắp đậy, để bên võng.
- Không có ai ở nhà với ông à?
Lắc đầu.
Bà ta cầm cuốn sách nặng trịch dưới võng lên, ngó qua:
- Tiểu thuyết! Đời ông lúc nào cũng dính vào mấy quyển tiểu thuyết, rồi cũng thê thảm như tiểu thuyết. À quên! Còn cái này.
Bà ta mở khóa chiếc túi nhỏ, lấy ra một tờ giấy được ép nhựa cẩn thận, màu mực tím bút bi nhòe nhoẹt, loang lổ. Ném tờ giấy cứng còng lên bụng anh, bà cười nhạt:
- Trả nốt cho ông lá thư. Bây giờ tôi không cần nó nữa.
Anh run run nâng tờ giấy lên ngang mắt. Dù không mang kính, anh vẫn nhận ra nét chữ tròn quen thuộc. Đây là lá thư của Quyên, cô giao liên ở Khe Sanh. Anh mừng rỡ như gặp lại người cũ.
“Ngày 13 tháng 2 năm 19...
Hoàng tử thân yêu!
Cám ơn tình yêu của anh. Cám ơn sự giữ gìn của anh cho em trong suốt thời gian qua. Em yêu anh hơn cả mạng sống của mình và em không tiếc anh điều gì. Mong cho sớm hết chiến tranh để em được đặt chân lên vùng đất rừng cọ đồi chè, nơi đã sinh ra anh. Ước gì em được về làm dâu xứ cọ, được gội đầu bằng nước giếng khơi nấu với lá bưởi đồi.
Còn bây giờ em phải đi đây. Chiến dịch còn dài mà anh. Hãy chờ em trở về. Kiếp này không có anh, kiếp sau em vẫn đi tìm.
Hôn anh
Công chúa chăn dê”.
Ba mươi năm rồi Quyên ơi! Em vẫn nằm bên bờ suối có nhiều cây quýt rừng hay ở nghĩa trang liệt sĩ nào? Có lẽ đến lúc nhắm mắt từ giã cõi đời, anh vẫn không thể tha thứ cho mình vì đã không giữ được Quyên. Cô giao liên người Hà Tĩnh có đôi mắt tròn ngây thơ và giọng hát trong vắt ấy từng làm anh chạnh lòng nhớ tới người vợ ở hậu phương. Tổ thông tin của anh rất thân với trạm giao liên T48 phía ngoài bờ suối. Sau khi Quyên dạy cho anh thuộc bài hát “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” là lúc hai người phải lòng nhau. Anh còn nhớ rõ, đêm 12 tháng 2 năm 1974, vầng trăng suông lạnh lẽo rơi lốm đốm trên lớp lá rừng cạnh suối Ông Do, nụ hôn Quyên chủ động trao cho anh có vị bùi bùi, mằn mặn của bánh lương khô. Cô ôm chặt lấy anh, bật khóc:
- Chiều nay, anh Hậu tổ trưởng và o Chúc hy sinh rồi anh ơi!
Anh liếm những giọt nước mắt Quyên vừa chảy ra, mặn chát:
- Thật là buồn. Nhưng mà thôi… chúng mình đã xác định chiến tranh là có hy sinh mà em.
- Dạ! Chiến tranh đáng sợ thật. Không kịp để người ta yêu nhau.
Quyên chủ động nằm xuống. Từng chiếc cúc áo lần lượt bật ra. Anh lờ mờ nhìn thấy màu vải đen áo bà ba lẫn vào màn đêm, còn làn da trắng sáng lóa như một vầng trăng trên nền lá khô. Quyên không mặc coóc xê, thứ nịt vú được cấp phát dày như mo nang, nhọn hoắt.
- Em hiến dâng cho anh tất cả đó. Em chưa biết thế nào là yêu anh ơi. Làm ơn yêu em đi!
- Sao liều lĩnh thế! Lỡ có ai đi qua…
- Mặc kệ… em sợ lúc chết mà chưa dâng hiến được gì cho người mình yêu.
Thôi thì liều một phen. Bàn tay anh chạm vào bên ngực trái vun đầy, ấm nóng, cảm nhận rõ nhịp đập gấp gáp trái tim Quyên. Người anh run lên lẩy bẩy như sắp vào cơn sốt rét, cổ họng khô rát, nghẹt thở. Anh đã cúi xuống sát làn da mịn màng, thoảng mùi mồ hôi lẫn mùi khói bom. Hai cánh tay Quyên đã cuốn quanh cổ anh, vít chặt. Bỗng anh gỡ vòng tay con gái, ngồi dậy lúng túng gài từng cúc áo cho cô.
- Sao vậy anh?
- Lỡ có bầu… làm sao em nuôi con một mình?
- Còn có anh mà!
- Chiến tranh không nói trước được điều gì đâu em ạ.
Quyên ngồi phắt dậy, vuốt mái tóc xõa xượi ra phía sau, cặp lại. Cô gay gắt:
- Vậy tại sao anh không chịu yêu em? Lỡ ngày mai, anh hoặc em hy sinh, có hối tiếc không?
Buổi trưa nóng nực ngày nào ở Vĩnh Yên hiện về trong trí nhớ, đốt cháy lồng ngực anh. Khi mà vợ anh cuống cuồng vơ đám quần áo che đậy tấm thân trần, vẻ mặt hốt hoảng, miệng nàng méo xệch: “Thôi anh! Lỡ có chửa…”. Anh thấy nỗi giận hờn năm xưa lây qua cả Quyên. Kéo tay cô đứng dậy, anh gắt:
- Về! Ngày mai còn nhiều việc.
Quyên ngúng nguẩy giật tay lại. Cô lấy trong túi ra một tờ giấy nhỏ gập vuông vức:
- Lá thư này, ngày mai em đi rồi anh hãy đọc. Em buồn lắm!
Anh thấy chẳng có gì ngạc nhiên. Trạm giao liên ngày nào không đi đón khách, cũng như tổ thông tin của anh ngày nào không lên đài trực chiến. Nỗi bực bội vô cớ làm anh quên cả đọc lá thư của Quyên. Ba hôm sau, không thấy Quyên trở lại trạm, mọi người đã túa đi tìm cô. Cách trạm chừng bảy cây số đường rừng, Quyên nằm ngửa gối đầu lên một ụ mối nhỏ, hai chân giạng ra, quần áo bị xé rách toang. Trên ngực trái cô, vết đâm trí mạng của lưỡi lê M-16, ứa máu. Xung quanh, cỏ cây ngã rạp, lộn xộn những dấu giày của bọn biệt kích Mỹ. Đồng đội mang cô về chôn cất ngay bên bờ suối, cạnh chỗ hai người hẹn hò lần trước.
Nghe tin dữ, suýt nữa anh phát điên. Thấy anh vồ lấy khẩu AK, lên đạn rồi tì nòng súng vào cằm, duỗi chân định đạp cò, Tiểu đội trưởng Đạt nhảy tới đạp thẳng vào mặt anh, giật lấy cây súng. Anh ngã lăn mấy vòng, hai tay ôm mặt, rú lên: “Quyên ơi!”.
- Tiên sư khỉ! Định chết ngu ngốc thế hả? Có giỏi đi tìm tụi biệt kích mà chiến đấu.
Anh Đạt chửi xong, cúi xuống ôm lấy đầu anh, an ủi:
- Nín đi em! Ai cũng đau lòng trước sự hy sinh của Quyên. Hãy cứng rắn lên. Hãy trả thù cho cô ấy.
Anh ghi vào sổ nhật kí, tô đi tô lại nét mực thật đậm. “Ngày 13 tháng 2 năm 1974. Q”. Chính dòng nhật kí này, năm 1998 đã làm một cô gái ngạc nhiên.
Năm đó anh đã bỏ quê, vào làm công tác quản lí ở một nông trường miền Đông Nam Bộ. Cô nhân viên kế toán có biệt danh Lan “lùn” một lần vào phòng xin chữ kí, thấy anh trầm ngâm ngồi trước cuốn sổ nhỏ bìa đỏ, trên trang giấy nâu, nét mực xanh đậm dòng chữ. “Ngày 13 tháng 2 năm 1974. Q”.
- Chú Hai biết ngày sinh nhật của cháu hả? Có quà gì không? Bữa nay là ngày 13 tháng 2 năm 1998, cháu tròn hai mươi bốn tuổi rồi đó.
Anh chộp lấy cánh tay cô gái như kẻ chết đuối vớ được phao. Hả? Hôm nay sinh nhật cô thật sao? Nụ cười chuyển thành cái nhăn mặt lo lắng. Cô gái để tập tài liệu xuống bàn, nhẹ gỡ tay anh:
- Ủa! Có sao không chú? Cháu nói thiệt mà!
- À… à! Xin lỗi cô! Thực ra… là tôi hỏi, hôm nay sinh nhật cô?
- Dạ! Đúng đó chú.
- Vậy thì chúc mừng sinh nhật…
Buổi chiều, anh xách một giò lan rừng bước vào phòng kế toán. Ba bốn cái đầu con gái cùng ngó ra, mấy cái miệng xinh xắn cùng reo lên đủ thứ tiếng Bắc - Nam.
- A! Sếp mang tặng hoa chúng mình kìa. Hoa lan ở đâu vậy sếp?
Chùm hoa lan màu tím rung rinh trước ánh mắt thán phục của các cô gái. Anh nhìn quanh và thấy một đôi mắt sáng bừng lên trong góc phòng.
- Giò lan tôi xin anh em bên Đồn Biên phòng. Hôm nay sinh nhật Lan “lùn”, xin tặng cô.
Cả phòng náo loạn cả lên. Cả chục cánh tay phụ nữ giơ ra giành lấy giò lan. Chùm hoa tím lượn khắp một vòng từ bàn này qua bàn khác rồi đậu nhẹ trước mặt Lan “lùn”.
- Con bé này lạ thật. Sinh nhật mà không nói với chị em một tiếng, lại đi nói với trưởng phòng.
Anh xua tay, thanh minh cho cô gái.
- Chỉ là sự tình cờ thôi. Đừng nghĩ oan cho cô ấy. Các cô có muốn nghe kể về ngày 13 tháng 2 của tôi không?
Lại nhao nhao lên đòi kể. Anh ngồi xuống, kể lại mối tình của mình trong cuộc chiến hai mươi bốn năm trước. Chuyện đêm cuối cùng Quyên đi công tác và hy sinh. Các cô gái ngồi lặng phắc. Con thạch sùng rơi bộp từ trên trần nhà xuống đất, ngơ ngác nhìn đám người hóa đá một lúc mới đủng đỉnh nguẩy đuôi bò lên tường. Trong góc phòng bật lên tiếng nấc. Lan ôm giò lan trong vòng tay, hai mắt đỏ hoe.
Chuyện hôm đó đã thành định mệnh cuộc đời anh. Anh không biết Lan “lùn” chuyển từ chú sang anh từ lúc nào mỗi khi tiếp xúc với anh. Cô thường tìm cớ lân la hỏi chuyện về chiến tranh, về cô giao liên tên Quyên. Cô mời anh về thăm nhà để thưởng thức món bánh canh Trảng Bàng nổi tiếng. Ba mẹ Lan đều là nông dân, hiền lành và hiếu khách. Hơn một năm, sau lần đến chơi thứ ba của anh, ra về Lan “lùn” lỏn lẻn:
- Ông bà già em kì quá! Cứ tò tò theo hỏi em bao giờ cưới? Bay định lấy chồng già hả? Người ta có vợ con gì chưa?
- Vậy hả! Bao giờ em lấy chồng?
- Ai biết!
Sau, anh mới ngã ngửa khi biết ba mẹ Lan tưởng anh là người yêu của cô. Thời gian đó, tình cảm của anh đối với cô gái có gì đó khác lạ, không giống tình yêu, cũng không phải tình anh em. Anh cảm thấy mình tìm thấy quá khứ, thấy được Quyên trong vóc dáng Lan. Có lần, Lan trầm ngâm:
- Chắc chị Quyên đầu thai vô em đó anh!
- Làm gì có chuyện đó!
- Chớ tại sao ngày chị hy sinh lại trùng đúng ngày sinh ra em?
Suy nghĩ của Lan từng ngày, từng ngày ám ảnh tâm trí anh, để một ngày anh quyết định kể với cô chuyện anh đã ly hôn, trốn chạy người vợ cũ và đứa con gái kém Lan ba tuổi để chạy vào đây. Cô ngạc nhiên một chút rồi quyết định:
- Anh phải cưới em! Chuyện anh có con gái không quan trọng, mà anh phải hiểu em chính là Quyên, là người yêu của anh.
*
Người đàn bà nhìn anh vẻ thương hại:
- Ông cố mà ăn uống bồi dưỡng vào. Người ngợm trông ghê quá, chẳng bù cho ngày xưa.
Anh biết bà nói thật. Từ ngày bị tai nạn gãy chân, đúng là người ngợm lôi thôi, lếch thếch, nhưng sức khỏe thì tốt hơn. Mẹ thằng Rin nuôi chồng khéo, luôn có thực đơn phù hợp với tuổi tác của anh. Còn hiện tại bà ta muốn gì ở mình đây? Nhìn ánh mắt to đen ướt kia, anh hiểu mà. Con đường công danh của bà ta khá tốt. Hình như lên tới chủ tịch công đoàn, rồi phó giám đốc xí nghiệp may. Tiền của không thiếu, chắc bà còn món nợ nào muốn đòi.
- Nhân tiện vào Nam, tôi tranh thủ ghé thăm ông. Cũng nhắc ông việc đất đai, nhà cửa ngoài quê. Ông nên làm di chúc trước đi. Con này, con kia phức tạp lắm. Theo luật định, phần con Thanh được bao nhiêu, ông phải tính trước đi. Sau này hai chị em khỏi tranh giành, mất tình mất nghĩa.
À là thế! Con người duy ý chí của bà ta đã trở lại. Cơn giận bất chợt kéo đến lùng nhùng lỗ tai, suýt làm anh ngã nhào khỏi võng.
- Bà cút đi! Tài sản của cha ông tôi để lại, mặc xác tôi. Con Thanh sẽ có phần, vì tôi coi nó là con gái mình. Chứ bà nghĩ tôi không biết cha nó là tay giám đốc xưởng may à?
Mặt người đàn bà tái mét, lập bập:
- Sao… sao ông nói thế! Rõ ràng sau giải phóng, ông trở về tôi mới sinh con Thanh cơ mà?
Anh cắn chặt môi, lắc đầu. Tiếng là lấy nhau sáu năm trời, nhưng thời gian vợ chồng ở bên nhau gom lại chưa được hai tháng. Sau giải phóng miền Nam, anh khoác ba lô trở lại căn phòng nhỏ có cánh cửa bằng cót của vợ ở Vĩnh Yên, nhưng chưa được bao lâu thì xảy ra xích mích. Khác với buổi trưa mùa hè hôm anh chuẩn bị đi B, vợ anh hừng hực như lò than nóng, háo hức lôi anh lên giường bất cứ lúc nào. Nhưng anh không thể làm được chuyện vợ chồng. Cứ chuẩn bị “lâm trận” là “súng ống” gục nòng. Duy nhất một lần anh thành công khi chợt nghĩ đến Quyên và bộ ngực trắng mịn của cô bên bờ suối. Nghĩ rằng chồng có vấn đề, vợ anh chủ ý theo dõi, tìm tòi và một đêm, cô gầm gừ dí bức thư của Quyên vào mặt anh.
- Đây rồi! Con đĩ này phải không? Thảo nào mà anh nhạt nhẽo với tôi. Hừ! Công chúa chăn dê! Nghe cái tên đã thấy đĩ thõa rồi.
Anh dang thẳng cánh, tát vào bên má gần nhất:
- Cô không đủ tư cách nói về cô ấy!
Vợ anh mím chặt môi, không kêu một tiếng, giấu biến lá thư của anh. Mấy tháng sau, lá thư trở thành vật chứng về “quan hệ nam nữ bất chính” của anh trước tòa. Anh không nói gì, thở dài rồi kí vào đơn ly hôn.
- Bây giờ bà làm ơn đi khỏi nơi này càng nhanh càng tốt. Tôi ghê tởm bà!
Đôi mắt đen ném cái nguýt sắc lẻm lên bộ mặt nhăn nhúm vì tức giận của anh. Tiếng cửa xe đóng sập, khói xả phun tận chỗ anh ngồi. Cũng vừa lúc chiếc xe máy của vợ anh về tới. Thằng cu Rin tự tụt xuống xe, khoanh tay:
- Thưa bố chon chi học dề!
Tiếng thằng nhỏ trớt trát làm anh phì cười. Lan xách giỏ đồ ăn đi vào, hỏi:
- Bữa nay đỡ đau chân chưa chồng? Nhà mình có khách hả?
Anh mỉm cười gật đầu, cúi xuống hôn lên đôi má bầu bĩnh của con trai.
Trại sáng tác Văn nghệ quân đội
Tháng 5-2014