Bất chợt mùi hoa ngọc lan. Mùi hương thuần khiết thoảng qua trong hàng trăm mùi vị phố phường lúc chiều tà. Chị chợt nhớ bông hoa rơi trong khuôn viên thư viện thành phố đã nhặt lên bỏ vào túi xách.
Mặt trời gieo mình rơi xuống phía sau bức tường bê tông cao tầng nhấp nhô cửa lớn, cửa bé. Những ngôi nhà đang chen nhau ngoi đầu lên. Chút xíu màu xanh cây lá chìm khuất trong trăm màu loè loẹt biển quảng cáo.
Chị cảm thấy mình bơ vơ, cô đơn kinh khủng trước ngã tư Quảng trường. Không cảm thấy dòng xe cộ quay cuồng như lũ cuốn. Không nghe thấy tiếng dòng đời chua loét hỉ, nộ, ái, ố. Chị đang nhớ về mười hai năm trước, trái tim thiếu nữ mười tám tuổi đập rộn lên trước ánh mắt ấm áp màu nắng thu của anh, khi anh tặng cô bé bài thơ có tựa đề là Thu muộn.
… Câu thơ bắc cầu cho năm tháng
Anh bồi hồi nuối tiếc tuổi đôi mươi.
Không hiểu sao chị không quên nổi mối tình thiếu nữ đầu tiên ấy. Mối tình chẳng có gì đáng nhớ ngoài những bài thơ và những lá thư gửi qua, tặng lại. Hồi ấy đọc xong Thu muộn, cô bé nhìn anh thật đắm đuối, cõi lòng tan nát vì thương yêu người đàn ông nhỡ nhàng. Một lần chia tay sau cuộc hẹn, cô gái chủ động cầm tay anh vòng qua eo mình, anh mới dám ôm cô và đặt nhẹ nụ hôn lên má trái bầu bĩnh. Chỉ một nụ hôn duy nhất, để đến bây giờ người đàn bà ba mươi tuổi mỗi khi nhớ lại còn run rẩy nhịp tim thiếu nữ. Hôm nay nỗi nhớ ấy bất chợt ùa đến, chị rời khỏi ghế thư viện, nghỉ sớm buổi dạy thêm, đi như chạy ra đường. Chị muốn đuổi theo hoàng hôn đang chới với sau dãy nhà cao tầng. Thành phố không có hoàng hôn, mặt trời tự vẫn sau bức tường bê tông làm chị rơi vào trạng thái tuyệt vọng, chới với. Hoàng hôn ở quê chị đẹp vô cùng. Mặt trời rải tấm lụa vàng chanh suốt một quãng sông Lô tĩnh lặng, bờ trái liu riu phơ phất hoa ngô trổ cờ. Bên giếng đá đầu làng chị hay ra gánh nước, cây ngọc lan buông từng chùm cánh trắng, thơm ngây ngất. Cô gái quê mắt nhoè ướt nhìn cánh buồm vá víu xuôi dòng, tưởng tượng đó là bờ vai anh đang xa dần trong lấp loá hoàng hôn.
Ông xã mỗi ngày gọi ba cuộc điện thoại vào những giờ bất kỳ. Ông kỹ sư điện lạnh muốn kiểm tra vợ hơn là hỏi thăm hai mẹ con. Cu Bi học bán trú ở trường mẫu giáo lớn. Nó mải chơi với bạn đến nỗi buổi chiều không muốn theo mẹ về nhà. Nhà của hai mẹ con là căn phòng hẹp mười hai mét vuông ẩm thấp thuê gần bờ sông Đen. Sông Đen là do ông xã đặt tên vì nó không phải sông mà là dòng nước đen ngòm, nồng nặc mùi xú uế. Ba năm chị về thành phố thuê nhà để bảo vệ cho xong luận văn thạc sĩ văn hoá, lại chuẩn bị ba năm nữa cho luận văn tiến sĩ. Ông xã mỗi tuần xuống thăm vào hai ngày cuối, mặt mũi khó đăm đăm. Cả tuần mới gặp nhau một lần, nhớ muốn chết mà mình cứ nhăn như khỉ ăn gừng. Dù chị cố tỏ ra dịu dàng chăm sóc, ông xã vẫn mặt lạnh như kem. Cả khi chị cố dỗ cho cu Bi ngủ sớm để quay lại với chồng, bộ mặt ấy vẫn thế. Ông xã mang cả bộ mặt lạnh vào những giây phút ân ái, làm chị có cảm giác mình đang bị cưỡng bức: “Cô cứ muốn hơn tôi một cái đầu?”. Thế ra ông xã mặc cảm mình kém vợ. Anh cũng lên chức phó phòng A-xít rồi còn gì? Tôi có lên đến phó giám đốc thì vẫn còn thua xa bà tiến sĩ.
Chị đẹp một cách quyến rũ. Sự cuốn hút từ tấm thân gái một con đang độ mòn con mắt làm nhiều kẻ ngẩn ngơ. Và ông xã lên cơn ghen bệnh hoạn. Cô đi học thì tự lo lấy học phí. Dĩ nhiên rồi. Mấy năm nay chị vừa làm gia sư, vừa dạy thêm trong các lớp ôn thi đại học. Chị đủ tiền học và nuôi con, điều đó cũng làm ông xã tức giận: “Có cảm tưởng tôi là người thừa trong cuộc đời cô”. “Sao anh nói vậy. Em hiện đại nhưng rất truyền thống, gia đình luôn quan trọng số một. Tại sao anh ghen cả với mấy ông giáo sư già? Em đến nhà thầy, là có tà ý gì sao?”. Chị bị một quả đấm vào ngực, ngã ngửa ra giường. Ông xã hầm hầm dắt xe ra khỏi nhà, phi một mạch 40 cây số về công ty. Buổi tối chị đứng dưới vòi hoa sen, nhìn thấy vết tím bầm hình chân gấu phía trên ngực phải thì lặng đi, bất động. Chị thấy người lâng lâng, chập chờn như cánh bướm bên bến sông Lô ướt đẫm hoàng hôn màu vàng chanh, hương ngọc lan thoang thoảng. Cánh buồm vá víu trôi chầm chậm cuối chân trời. Nhận được điện báo chị phải vào viện cấp cứu, ông xã cuống cuồng lao xe về thành phố, tí nữa thì gây tai nạn giao thông. Ôm chầm lấy vợ mà khóc, ông xã hứa không bao giờ vũ phu như thế, không bao giờ ghen tuông vô cớ nữa.
Cu Bi bị viêm phế quản, ho muốn đứt cổ họng và sốt nóng rừng rực. Chị đành bỏ hai buổi hội thảo về lịch sử Phật giáo, chở con đi bệnh viện. Thằng nhỏ thở khò khè, mặt đỏ bừng, nắm tay mẹ năn nỉ: “Mẹ cố chữa bệnh cho Bi nhé, đừng bỏ Bi chết, mai này Bi còn nuôi mẹ”. Chị khóc rưng rức trước lời con trẻ: “Cục vàng của mẹ! Mặt trời của mẹ! Có mẹ đây con không sợ gì cả. Ngoan uống thuốc cho chóng khỏi về còn đi lớp với các bạn”.
Thành phố không hoàng hôn. Bệnh viện càng không có hoàng hôn. Chiều trốn đi trong mùi thuốc tẩy hăng hắc, mùi khói bếp than nặng nề, nhường chỗ cho ánh đèn cao áp đùng đục con mắt thong manh giả. Thằng nhỏ bớt sốt, thiu thiu ngủ. Chị ra ngồi ngoài chiếc ghế đá góc sân bệnh viện, thầm ước có cánh hoa ngọc lan nào từ trên trời rơi xuống. Bóng người ập xuống ghế làm chị giật thót, chút nữa thì kêu lên. Ông xã đột ngột xuất hiện. “Sao anh nói phân xưởng có sự cố hở nồi chứa axít, mai mới xuống được cơ mà?”. “Tôi chưa định đi nhưng tìm thấy mấy thứ này nên phải đi ngay. Cô là gái đã có chồng, lưu giữ làm gì?”. Chao ôi! Là mấy lá thư và tập thơ anh tặng hồi chị còn là sinh viên. “Sao lại lục tung tủ sách của em ra thế? Em đã cất mãi ở ngăn tủ trong cùng”. “Cô muốn yên nhà cửa thì đốt ngay đi!”. Chị không muốn đốt. Chị trân trọng kỷ niệm, nhưng muốn yên gia đình, đành gửi cô em gái bên Đại học Sư phạm đem về nhà mẹ đẻ cất hộ.
Ông xã không giữ lời hứa. Trận ghen này còn đáng sợ hơn. Chiếc laptop bị đập vỡ tan khi mật mã máy bị tìm ra và trong email của chị có thư của mấy người bạn trai cùng học. Điện thoại di động bị giật ngay trên tay và tin nhắn được mở ra: “Anh sắp về thành phố kí hợp đồng in sách. Em chỉ đường cho anh tới nhà xuất bản với nhé”. “Anh có thất vọng về cô bé ngày xưa?”. Là chị muốn hỏi anh khi nhìn thấy bà tiến sĩ dáng người rất “phồn thực”. “Cô chưa muốn quên thằng cha nhà thơ nghèo kiết đó? Cô lấy cớ về thành phố học hành là tạo cơ hội hẹn hò? Cô phản bội tôi. Cô về ngay trường cũ mà dạy học, không thì đừng trách tôi!”. Chị không hiểu sao sự việc lại phức tạp lên như thế. Ông xã sẵn sàng xin nghỉ việc nửa tháng trời về thành phố “trực chiến” trong căn phòng mười hai mét vuông. Thời khoá biểu của chị được theo dõi chặt chẽ. Lên lớp mấy giờ? Từ nhà đến điểm dạy thêm mấy giờ? Đến thư viện mấy giờ? Đi chợ mấy giờ? “Muộn năm phút là cô đừng trách tôi. Cô phải sống có nền nếp thế mới được”. Điện thoại di động bị kiểm tra liên tục. Những tin nhắn, cuộc gọi đến của mấy cô bạn trên quê cũng thành mối nghi ngờ. “Cô lại thông qua họ để hẹn hò chứ gì?”. Chị như kẻ bị quản thúc. Trái tim nhạy cảm bị bóp nghẹt, đập loạn nhịp làm chị khó thở. “Cô có định quên thằng dở người kia không?”. “Em với anh ấy có gì mà quên với nhớ. Chẳng lẽ anh cấm em quan hệ bạn bè?”. “Tôi cấm!”.
Mỗi tuần ông xã về với chị bằng một vẻ mặt mới, chẳng lần nào giống lần nào. Một lần thấy chồng vui vẻ chị đã mừng. Chắc ông ấy hết ghen rồi. Lạy trời đừng để con bị hành hạ mãi thế này, con chết mất. Nhưng chị nhầm. Đêm ấy anh vuốt ve chị mãi nhưng không làm gì. “Anh đừng hành hạ em kiểu ấy nữa, em chết mất”. “Tôi cũng đang định bảo cô nên chết đi thì tốt hơn”. Chị lạnh toát người trước câu nói dửng dưng. “Anh muốn tôi chết thật à? Tôi không sợ chết đâu”. Chị uất lên, nghẹt thở. Chị đã nghĩ đến một liều thuốc ngủ. Hay là một căn phòng kín nào đó chất đầy hoa. Chị không còn con đường nào khác. Mình đi với cha về dưới ấy cũng được. Chị không muốn ly hôn. Hồi cha còn sống, chị rất yêu và hợp tính cha. Ông cụ là người hoài cổ và luôn dạy con gái phải học theo đạo “tam cương”, “ngũ thường”. Chị đã rất bình tĩnh khi nghĩ đến cái chết. Chị thương cu Bi lắm. Nếu chị chết đi, nó sẽ thiếu tình cảm của mẹ, nhưng chắc sẽ không phải khổ vì cha nó là người căn cơ.
Anh lồng lộn lên khi biết chị có ý định chết. “Cô tưởng chết là dễ lắm sao? Cô tưởng như thế tôi sẽ tha thứ cho thằng dở người kia à? Tôi muốn cô phải quên nó đi chứ không phải tìm đến cái chết để trốn tránh. Tôi thề với cô, chuyện gì tôi cũng dám làm, kể cả giết người. Cô cứ chết đi! Đưa ma cô xong tôi sẽ tìm đến thằng dở người của cô, chặt phăng bàn tay phải của nó, cho nó hết đường viết thơ tặng vợ người khác”. Nhìn bộ mặt tái dại của chồng, chị biết chuyện đó có thể xảy ra với anh. Chị đành cúi đầu khuất phục. Chị hứa không bao giờ liên lạc với anh nữa. Chị muốn… Ông xã bắt chị gọi cho anh, bật loa ngoài điện thoại di động: “Anh à! Anh đừng nên điện thoại cho em nữa. Gia đình chồng em cho rằng em bồ bịch với anh rất không hay”. Chị nói không được nhiều, nhưng cố nói thật cay nghiệt cho chồng vừa lòng. Bên kia anh cũng chợt hiểu ra chị gọi điện không bình thường, hình như có người bắt chị phải nói những điều không phải từ đáy lòng. Thế là chị xa anh, hay nói đúng hơn là trốn anh. Đã được hai năm rồi, không một lời hỏi thăm, không một tin nhắn. Chị cố tình xoá số điện thoại của anh trong danh bạ. Chị bắt đầu óc phải quên tất cả những gì liên quan đến kỷ niệm và chị đã làm được. Một niềm vui sâu kín tận đáy lòng vì chị đã giữ được bàn tay anh khỏi bị tàn hại. Bàn tay anh vốn mềm mại, thon nhỏ đáng yêu như tay con gái.
Giáo sư Hải là người hướng dẫn chị làm luận án tiến sĩ, khen chị thông minh, tài tử và duyên dáng. Tiến sĩ Khoa phụ giảng về văn hoá tôn giáo khen chị có giọng nói ấm và truyền cảm. Một ông thầy trẻ U40 luôn nhìn chị mê đắm. Chị không còn khả năng cảm nhận mọi tín hiệu từ bên ngoài. Ông xã cũng ngạc nhiên trước thái độ lạnh nhạt của chị với mọi người. Mấy hôm nay chị bỗng nhận được những tin nhắn từ một số máy lạ, liên tục những bài thơ ỡm ờ về kỷ niệm xa xưa nào đó. Chị gọi lại số đó nhưng bao giờ đầu bên ấy cũng tắt máy. Chị phát khùng lên vì bị quấy rối: “Hay là anh đã không giữ lời hứa?”. Chị bỗng thấy căm ghét anh: “Mới có hai năm mà tâm tính anh đã thay đổi, đã hèn vậy sao?”. Chị muốn hỏi cho ra nhẽ, nhưng số điện thoại của anh, chị quên thật rồi, căng óc ra nhớ mà không được. May cô bạn trên quê còn số của anh. “Tôi nghe ạ!”. Vừa thấy giọng nói của anh mọi nỗi nghi ngờ tan biến. “Anh có số điện thoại mới à? Sao cứ nhắn tin trêu chọc em làm gì, tội nghiệp?”. “Anh có mỗi số này thôi mà. Tại sao cứ phải là anh trêu em? Số của em… anh xin lỗi vì đã quên lâu rồi”.
Chị đã biết ai là thủ phạm những dòng tin nhắn. Người ta còn định thử thách chị đến bao giờ? Những chiều hoàng hôn bên sông quê, chị sắp quên hết rồi, giờ bừng bừng trở lại sắc nắng màu vàng chanh và cánh buồm vá víu trôi chầm chậm. Chị bỏ cuốn sách đọc dở trên bàn thư viện, lao ra đường phố. Chị chạy đi tìm hoàng hôn xưa. Phố không có hoàng hôn. Mặt trời tự vẫn sau những bức tường bê tông nhấp nhô. Chỉ có hoàng hôn quê chị là đẹp vô cùng. Nắng rải màu vàng chanh một khúc sông Lô làm nên bài thơ về Mùa thu.