Phẩm này xưa nay đã trở thành nhân duyên sâu đậm ở cõi Ta-bà này, một trong bốn phẩm quan trọng của Kinh Pháp Hoa, cũng như phẩm trước, cũng trần thuật về truyền thừa tam muội, trong phần tam muội nói rõ về diệu dụng Phổ môn thị hiện của Quán Thế Âm Bồ tát.
Trong văn có hai đoạn, trường hàng và kệ tụng. Trong trường hàng, trước sau có hai lần vấn đáp, lần trước liên quan đến con người (nhân), lần sau liên quan đến giáo pháp (pháp). Trong lần trước, đối với lời hỏi về nhân duyên và danh hiệu Quán Âm của Vô Tận Ý Bồ tát, Như Lai trả lời tổng quát trước. Thứ nữa, trong phần biệt đáp có liên quan đến ba nghiệp, nói về bảy nạn, ba độc, hai cầu, hai nguyện được mãn túc, dạy cần phải nương vào nơi thọ trì danh hiệu Quán Âm. Trong lần sau, đối với lời hỏi về ba nghiệp của Vô Tận Ý, Như Lai từ thân, khẩu hai nghiệp của Quán Âm, nói về 33 thân, 19 lần thuyết pháp, nói rõ về diệu dụng bất khả tư nghì của Phổ môn thị hiện, nương vào lời khuyên cúng dường, Vô Tận Ý Bồ tát cúng dường Quán Âm tràng anh lạc, Ngài Quán Âm, được lời ấn khả của Phật, nhận tràng anh lạc, chia làm hai phần, một phần cúng dường Phật Thích Ca, một phần dâng tháp Phật Đa Bảo. Hết đoạn trường hàng.
Kệ tụng, có các phần nói rộng, lược, khai, hợp, nương theo biểu đồ sẽ thấy rõ.
Biểu đồ phẩm Phổ Môn
Tên phẩm này gọi Quán Thế Âm Bồ tát phổ môn. Quán Thế Âm là tên vị Bồ tát biểu hiện đức từ bi của Phật. Phổ môn, có ý nghĩa là cửa vào đạo mở ra cho hết thảy mọi người.
Phẩm này do lời hỏi của Vô Tận Ý Bồ tát, nên Đức Thế Tôn mới nói pháp để trả lời. Vô Tận Ý Bồ tát hỏi Phật:
“Bạch Thế Tôn! Quán Thế Âm Bồ tát lấy nhân duyên gì, tên là Quán Thế Âm?”
Tên Quán Thế Âm Bồ tát, trong chữ “Quán” có nghĩa là quan sát, không phải chỉ là nghĩa thấy một cách đơn giản. “Thế” có nghĩa là thế giới, nơi tập hợp của mọi người, khác nhau về thân phận, hoàn cảnh, sự tình ở cõi đời này. “Âm” có nghĩa là tiếng nói mong muốn của mọi người đời.
Trả lời câu hỏi của Vô Tận Ý Bồ tát, Đức Thế Tôn nói: “Thiện nam tử! Nếu có vô lượng trăm ngàn vạn ức chúng sinh, chịu mọi khổ não, được nghe Quán Thế Âm Bồ tát, nhất tâm xưng tên Quán Thế Âm Bồ tát, tức thời quán âm thanh đó, đều được giải thoát”.
Mọi khổ não của chúng sinh, được thuyết minh từ bảy khía cạnh khác nhau, gọi tóm lại là “thất nạn”, bảy thứ nạn:
1) Đại hỏa nạn, nạn hỏa hoạn lớn. Chúng sinh gặp khổ nạn, nghe vị Bồ tát này, nếu xưng tên Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát, Bồ tát nghe âm thanh ấy, liền tới cứu thoát, ví dụ vào trong lửa lớn, lửa không thể đốt.
2) Đại thủy nạn, nạn nước lớn trôi. Nếu xưng tên Bồ tát này, liền tới được chỗ nông.
3) La sát nạn, nạn La sát. Vì tìm của báu, khi vào biển lớn, gió thổi dạt thuyền bè sa vào nước quỷ La sát, trong đó nếu có một người nào, xưng tên Quán Thế Âm Bồ tát, tất cả mọi người này đều được giải thoát.
4) Đao trượng nạn, nạn đao gậy. Nếu có người bị hại, sắp bị đánh đập cắt xẻo, xưng tên Quán Thế Âm Bồ tát, dao không thể cắt, gậy không thể tới thân.
5) Đại quỷ nạn, nạn quỷ lớn. Toàn thể tam thiên đại thiên thế giới đầy rẫy các quỷ Dạ xoa, La sát, muốn tới não loạn người, nếu nghe người xưng tên Quán Thế Âm Bồ tát, các ác quỷ này, còn chẳng dám nhìn bằng con mắt hung ác, nữa là gia hại.
6) Già tỏa nạn, nạn gông cùm. Ví lại có người, hoặc có tội, hoặc không tội, bị xiềng tay, xích chân, gông cổ, trói buộc nơi thân, nếu xưng tên Quán Thế Âm Bồ tát, hết đều đứt nát, liền được giải thoát.
7) Oán tặc nạn, nạn oán tặc. Nếu trong ba ngàn đại thiên quốc độ đầy rẫy oán tặc, có một người chủ buôn, đem các người lái buôn, mang nhiều của báu, khi trải qua con đường hiểm, bị trộm cướp tập kích, nếu nhất tâm xưng danh, Nam mô Quán Thế Âm Bồ tát, liền được giải thoát.
“Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ tát Ma ha tát, có sức oai thần vòi vọi như thế. Nếu có chúng sinh, tính nhiều dâm dục, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ tát, liền được lìa dục. Nếu nhiều sân hận, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ tát, liền được lìa sân. Nếu nhiều ngu si, thường niệm cung kính Quán Thế Âm Bồ tát, liền được lìa si”.
“Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ tát, có các sức oai thần lớn, nhiều lợi ích như thế. Vì thế chúng sinh thường nên tâm niệm”.
“Nếu có người nữ, ví muốn cầu con trai, lễ bái cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát, liền sinh con trai phúc đức trí tuệ. Ví muốn cầu con gái, liền sinh người gái có tướng xinh đẹp, trồng cội đức từ trước, được mọi người kính yêu”.
“Vô Tận Ý! Quán Thế Âm Bồ tát có sức thần như thế. Nếu có chúng sinh, cung kính lễ bái, phúc chẳng rơi rớt”.
Đức Phật đã nói duyên do tên của Quán Thế Âm Bồ tát, giải thoát khỏi bảy nạn ba độc. Tiếp tục chỗ hỏi của Vô Tận Ý Bồ tát, Đức Phật cũng đã thuyết minh, Quán Thế Âm Bồ tát biến hiện 32 thân để tế độ chúng sinh, nói các loại pháp và khuyên nên cúng dường:
“Vì thế các ông, phải nên nhất tâm, cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát. Quán Thế Âm Bồ tát Ma ha tát này, ở trong chỗ sợ hãi cấp nạn, hay ban cho không sợ. Thế nên, ở thế giới Ta-bà này, đều gọi Ngài là người ‘Thí vô úy’.
Vô Tận Ý Bồ tát bạch Phật: “Bạch Thế Tôn! Con nay phải cúng dường Quán Thế Âm Bồ tát”.
Ngài liền cởi tràng anh lạc bằng các thứ ngọc báu nơi cổ, giá trị bằng trăm ngàn lạng vàng, trao Quán Thế Âm Bồ tát và nói:
“Thưa nhân giả! Xin Ngài nhận cho tràng anh lạc ngọc báu, pháp thí này”.
Quán Thế Âm Bồ tát, không chịu nhận. Vô Tận Ý lại thưa:
“Thưa nhân giả! Vì thương chúng con, nhận cho tràng anh lạc này”.
Khi đó, Phật bảo Quán Thế Âm Bồ tát: “Nên thương vì Vô Tận Ý Bồ tát và tứ chúng, Thiên, Long, Dạ xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, nhân và phi nhân v.v. nhận tràng anh lạc này”.
Quán Thế Âm Bồ tát, vâng theo lời Phật, nhận sự cúng dường anh lạc, không tự trang sức, chia làm hai phần, một phần cúng Phật Thích Ca Mâu Ni, một phần dâng tháp Phật Đa Bảo. Đó là sức vĩ đại của Quán Thế Âm Bồ tát, biểu thị qua lời dạy của Đức Phật.
Cầu con trai và con gái, không phải là trai gái trên phần nhục thể, mà là tượng trưng cho trí tuệ và thiền định. Trí tuệ, tượng trưng cho hoạt động là nam. Thiền định, tượng trưng cho tĩnh chỉ là nữ.
Lại nữa, sự cứu tế của Quán Thế Âm Bồ tát bất khả tư nghì này cũng là biểu thị cho những người đã nắm bắt được tinh thần căn bản của Kinh Pháp Hoa, thì những người đó đã mở ra chân trời mới của thế giới tự do tự tại, biểu hiện cụ thể được thọ lượng Bản Phật.
Hết phẩm Quán Thế Âm Bồ tát phổ môn