A
ndy là một trong những thành viên mới và giỏi của BIT. Anh đến từ thị trấn Grimsby (Anh), nơi anh có một nhóm bạn thân, và tất cả những người này đều hút thuốc. Khi đó Andy không thật sự nghĩ mình là một người hút thuốc, nhưng bất kỳ khi nào có người hút thuốc thì anh cũng hút một điếu. Andy là ví dụ điển hình của “người hút thuốc xã giao”. Khi chuyển đến Thành phố Bristol để học đại học, anh lại có hành vi tương tự. Nhiều người bạn học cùng đại học với Andy cũng hút thuốc, và trong những buổi tối đi chơi cùng nhau, nếu bạn của Andy hút thuốc thì anh cũng sẽ hút. Thói quen này của Andy đã tiếp diễn suốt những năm anh học đại học, theo đó anh hiếm khi hút thuốc nếu xung quanh anh không có ai hút và ngược lại, nếu có người hút thì anh sẽ hút theo. Nhưng khi Andy học năm cuối đại học, thói quen hút thuốc xã giao của anh bắt đầu thay đổi. Anh tham gia phong trào chính trị cấp sinh viên và dành phần lớn thời gian của mình làm việc tại trụ sở của một trong những đảng chính trị địa phương trong cuộc Bầu cử Quốc hội Anh năm 2010. Hầu hết những người tham gia chiến dịch vận động tranh cử đều nghiện hút thuốc, và họ thường nghỉ giải lao để hút thuốc giải tỏa căng thẳng. Khi những người này hút thuốc, Andy cũng hút theo. Nhưng chỉ sau một thời gian, anh dần trở thành người đề nghị giải lao để hút thuốc. Andy bắt đầu nhận ra hành vi hút thuốc xã giao mà anh từng có ở Grimsby hay những ngày học đại học tại Bristol vốn chỉ thỉnh thoảng diễn ra vào ban đêm thì nay đã trở thành một thói quen thường nhật. Tóm lại, Andy đã trở thành một người nghiện hút thuốc thật sự. Và có vẻ như anh đã hình thành thói quen này lúc nào không hay. Sau này khi nhớ lại, Andy chia sẻ: “Bạn thức dậy vào một buổi sáng, đưa tay rút một điếu thuốc, và rồi bạn bất chợt nhận ra bản thân không còn hút thuốc vì xã giao nữa mà đã trở thành một người nghiện thuốc lá thật sự”.
Đến một ngày, mọi chuyện thay đổi. Andy gặp Nicola và họ yêu nhau. Vấn đề là Nicola không hút thuốc, thậm chí cô còn rất ghét thuốc lá. Cô ghét khói thuốc vì khói thuốc làm cho răng ố vàng và khiến quần áo hôi hám. Nicola cũng khá chắc là cô không muốn kết hôn với một người đang tự tuyên án tử cho mình bằng cách hút thuốc. Vì thế, Nicola đã nói rõ với Andy rằng nếu muốn kết hôn với cô thì anh phải bỏ thuốc lá. Đây là một điều kiện có thể làm nhiều người cảm thấy nản chí, vì nicotine là một chất có khả năng gây nghiện cao. Nhưng vì đã được trang bị nhiều kiến thức từ các nghiên cứu về khoa học hành vi nên Andy rất tự tin mình có thể cai thuốc lá. Thế là Andy chấp nhận điều kiện khó khăn của Nicola và đồng ý bỏ hút thuốc để được kết hôn với cô.
Andy cảm thấy tự tin là vì anh hiểu rõ tác động của yếu tố xã hội trong việc theo đuổi mục tiêu. Anh nhận ra sức ảnh hưởng của những người xung quanh có thể khiến anh hút thuốc, nhưng cũng có thể giúp anh bỏ thuốc. Andy chấp nhận điều kiện của người vợ tương lai không chỉ vì anh yêu cô (dù đây hiển nhiên là một yếu tố có vai trò quan trọng), mà còn vì anh biết Nicola có thể giúp anh đạt được mục tiêu của mình. Nghiên cứu mới đã chứng minh những gì Andy nghĩ là đúng, theo đó nếu vợ hoặc chồng của bạn không hút thuốc thì xác suất bạn hút thuốc sẽ giảm đến 67%. Tuy nhiên, câu chuyện này không đơn giản như vậy. Một yếu tố quan trọng khác góp phần giúp Andy cai thuốc lá là anh đã cùng Nicola lên kế hoạch chuyển khỏi Bristol để tránh xa những mối quan hệ xã hội mà anh đang có lúc đó. Andy biết rõ về những khám phá mới cho thấy sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các mối quan hệ xã hội đối với mỗi người chúng ta. Sức ảnh hưởng này có thể mạnh mẽ đến mức nếu bạn bè của bạn hút thuốc thì rất có thể bạn cũng sẽ hút. Vì vậy Andy biết rằng nếu tự tách bản thân khỏi những mối quan hệ xã hội ở Bristol và Grimsby thì anh sẽ dễ bỏ được thuốc lá hơn, giống như khi chính những mối quan hệ này đã biến anh thành người hút thuốc trước đó. Sau hai năm, có vẻ như Andy đã đúng khi tự tin rằng anh có thể bỏ thuốc. Anh không hút thuốc kể từ ngày rời khỏi Bristol. Một năm sau đó, Andy kết hôn với Nicola và cùng cô tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc, không có khói thuốc lá.
Trong chương này, chúng ta sẽ thảo luận về việc sử dụng sức ảnh hưởng của những người xung quanh để đạt được mục tiêu của mình. Chia sẻ mục tiêu là một cách tuyệt vời giúp chúng ta duy trì động lực và đi đúng hướng; nhưng trong cuộc sống hằng ngày, đây lại là cách ít được sử dụng vì chúng ta có khuynh hướng cho rằng mục tiêu là kế hoạch tự cải thiện bản thân của mỗi cá nhân.Tương tự, trong công việc của chúng ta cũng như trong nhiều chính sách của chính phủ, chúng ta vẫn thường bỏ qua yếu tố xã hội trong các dự án hoặc chương trình mà ta thực hiện; vì chúng ta thường chỉ nghĩ về khía cạnh kinh tế và đưa ra các giả định về cách mỗi người hành động để tối đa hóa quyền lợi của riêng họ mà không nghĩ về tầm quan trọng của các mối quan hệ xã hội. Như Richard Thaler - chuyên gia tư vấn đã gắn bó với BIT suốt nhiều năm, đồng thời là chủ tịch của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ - từng nói: “Có thể nói, con người kinh tế thuần túy (Econ) là một kẻ khờ trong ứng xử xã hội”. Trước khi bạn đọc tiếp, chúng tôi muốn bạn ghi nhớ một trong những tác dụng phụ tích cực của các mối quan hệ xã hội và cũng là lý do vì sao chúng tôi quyết định gọi chương này là “Chia sẻ”. Đó là khi nhờ một người bạn, người thân trong gia đình hoặc đồng nghiệp giúp mình làm một việc gì đó, bạn đồng thời cũng sẽ cảm nhận được một sự thôi thúc mạnh mẽ, khiến bạn muốn làm gì đó cho họ để đền đáp. Sự thôi thúc đó mạnh mẽ đến mức Darwin cho rằng đó là nền tảng của đạo đức. Đây chính là động lực sẽ khiến bạn muốn tặng một món gì đó cho người đã tặng bạn một món quà, khen ngợi hoặc mời bạn đến nhà họ ăn tối. Vì thế chúng tôi hy vọng rằng song song với việc tìm kiếm sự trợ giúp của người khác để theo đuổi mục tiêu của mình, bạn cũng sẽ tranh thủ cơ hội để giúp đỡ người khác đạt được mục tiêu của họ.
Con người chúng ta là những sinh vật xã hội. Chúng ta bị ảnh hưởng bởi những gì chúng ta nghĩ là người khác đang làm, cũng như những gì họ nghĩ về chúng ta. Việc này thường xảy ra trong vô thức, ở những cấp độ mà chúng ta không thể nhận ra. Ba nguyên tắc vàng chúng tôi khuyến khích bạn sử dụng để giúp phát huy tốt nhất yếu tố xã hội trong việc theo đuổi mục tiêu bao gồm:
Tìm kiếm sự giúp đỡ. Bạn có thể đạt được mục tiêu của mình dễ dàng hơn khi nhờ ai đó giúp đỡ. Bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận ra mọi người thường sẵn lòng trợ giúp bạn đến thế nào.
Tận dụng mạng lưới xã hội. Các mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng rất lớn đến hành vi của chúng ta. Bạn có thể tận dụng mạng lưới xã hội theo rất nhiều cách để đạt được mục tiêu của mình.
Sử dụng sức mạnh tập thể. Hãy kết nối với một nhóm lớn gồm những người đang cố theo đuổi mục tiêu giống bạn. Khi đó bạn sẽ đạt được nhiều hơn trong khoảng thời gian ngắn hơn so với khi chỉ có một mình.
Nguyên tắc 1: Tìm kiếm sự giúp đỡ
Hãy tưởng tượng bạn đang ở Thành phố New York. Bạn cần gọi điện thoại, nhưng điện thoại di động của bạn đã hết pin. Vì đó là việc khẩn cấp nên bạn quyết định sẽ tiếp cận một người nào đó trên đường và hỏi mượn điện thoại của họ để thực hiện cuộc gọi. Bao nhiêu phần trăm trong số những người được hỏi sẽ đồng ý cho bạn mượn điện thoại? Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về tình huống này trước khi xem xét tình huống thứ hai. Bạn là một sinh viên và bạn đang cần đến phòng gym của trường, nơi mà bạn chỉ mới biết rằng mọi sinh viên đều phải tới đó để học môn giáo dục thể chất bắt buộc. Ngay khi nhìn thấy một sinh viên khác, bạn lập tức hỏi người đó xem phòng gym nằm ở đâu. Người này chỉ cho bạn hướng để đi đến phòng gym, nhưng thay vì tự đi theo hướng được chỉ thì bạn hỏi: “Bạn có thể dẫn tôi đến đó được không?”. Bao nhiêu phần trăm trong số những người được hỏi sẽ đồng ý đưa bạn đến phòng gym? Một lần nữa, hãy dành thời gian để suy nghĩ về đáp án của câu hỏi này.
Đây là những tình huống thử nghiệm của hai nhà nghiên cứu muốn xác định xem liệu chúng ta có thể đánh giá chính xác về khả năng mình sẽ được giúp đỡ bởi những người hoàn toàn lạ mặt hay không. Trong tình huống điện thoại di động, các đối tượng trong vai trò người tìm kiếm sự giúp đỡ dự đoán 30% số người được hỏi sẽ chấp nhận cho họ mượn điện thoại; trong tình huống phòng gym, các đối tượng này dự đoán chỉ có 14% sinh viên đồng ý đưa họ đến tận nơi. Nhưng trong cả hai trường hợp, gần một nửa số người được hỏi đều nói họ sẵn sàng giúp đỡ (tỷ lệ cụ thể trong từng trường hợp lần lượt là 48% và 43%). Hầu hết mọi người đều rất ngạc nhiên khi biết rằng có nhiều người đồng ý giúp đỡ người khác làm những việc rõ ràng là không mang lại lợi ích gì cho bản thân họ. Đây không phải là nghiên cứu duy nhất phát hiện ra điều này. Vanessa Bohns - nhà tâm lý thuộc Đại học Cornell (Mỹ) - và các đồng nghiệp đã thực hiện những thử nghiệm tương tự, trong đó các tình nguyện viên sẽ tìm kiếm sự giúp đỡ từ hơn mười bốn ngàn người hoàn toàn xa lạ. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy những khám phá tương tự. Chúng ta thường suy nghĩ tiêu cực về sự sẵn lòng giúp đỡ của người khác. Nhưng trên thực tế, mọi người thường rất sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, vượt xa những gì chúng ta vẫn nghĩ: có đến 50% lời đề nghị giúp đỡ của các tình nguyện viên đã được đáp ứng. Hậu quả của suy nghĩ tiêu cực này là hầu hết chúng ta đều bỏ lỡ cơ hội tận dụng một trong những nguồn lực tốt nhất để hỗ trợ cho quá trình chinh phục mục tiêu của mình, đó là sự trợ giúp của người khác. Khi đã biết rằng có gần 50% người dân New York sẵn sàng giúp đỡ khi điện thoại di động của chúng ta hết pin, hãy hình dung xem xác suất mà những người thân thiết sẵn lòng giúp đỡ chúng ta sẽ cao đến mức nào.
Lời khuyên đầu tiên và cũng rất đơn giản mà chúng tôi muốn gửi đến bạn là hãy chủ động nhờ người khác giúp bạn theo đuổi mục tiêu của mình. Đây là lý do vì sao các thành viên ở BIT thường suy nghĩ để tìm ra nhiều cách khác nhau để khuyến khích mọi người chủ động tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Chúng tôi áp dụng nguyên tắc này nhiều nhất trong lĩnh vực giáo dục. Thành viên BIT là Raj Chande đã hợp tác cùng Giáo sư Todd Rogers của Đại học Harvard (Mỹ) và Giáo sư Simon Burgess của Đại học Bristol (Anh) để tìm ra những biện pháp đơn giản để khuyến khích các bậc cha mẹ chủ động giúp đỡ con cái của họ trong việc học tập. Phần lớn các bậc cha mẹ đều muốn giúp đỡ con mình, nhưng họ lại không biết nên bắt đầu từ đâu. Thậm chí nhiều phụ huynh còn lo rằng họ sẽ không giúp ích gì được cho con, khi mà chương trình học của học sinh ngày nay không giống với những gì mà cha mẹ bọn trẻ đã học trước đây. Trong trường hợp này, Raj thường khuyến khích mọi người hình dung một cuộc trò chuyện điển hình giữa cha/mẹ với con của họ khi đứa trẻ vừa đi học về. Ví dụ, phụ huynh có thể sẽ hỏi: “Cuối tuần này con có phải làm bài tập gì không?”, khi đó, con của họ sẽ trả lời bằng câu nói quen thuộc: “Cũng không có gì ạ, chỉ là mấy bài tập như thường lệ thôi ạ”.
Nhóm nghiên cứu muốn cung cấp thêm một ít thông tin để các bậc cha mẹ có thể hỗ trợ nhiều hơn cho việc học của con cái. Sau đây là những gì nhóm nghiên cứu đã thực hiện. Trung bình mỗi tuần, các bậc phụ huynh sẽ nhận được một tin nhắn từ nhà trường, trong đó có nhiều thông tin cần lưu ý khác nhau. Đó có thể là thông báo về bài kiểm tra sắp tới hoặc tin nhắn cập nhật về những gì học sinh đã học trong giờ Khoa học, Toán hay Anh văn..., cùng những gợi ý nhằm khuyến khích phụ huynh trò chuyện với con về các môn học này. Bạn hãy đọc tin nhắn ví dụ dưới đây và nghĩ xem tin nhắn đó sẽ tác động như thế nào đến cuộc trò chuyện giữa cha mẹ và con của họ.
Khi tin nhắn đã trở nên cụ thể hơn, có đề cập thời gian và những gì phụ huynh có thể làm (“Xin vui lòng nhắc cháu học”), hầu hết mọi người đều nghĩ rằng cuộc đối thoại giữa cha mẹ và con cái sẽ có sự thay đổi. Lúc này phụ huynh có thể sẽ hỏi: “Nghe nói thứ Sáu này con có bài kiểm tra Toán. Con muốn ôn tập vào lúc nào? Cha/mẹ có thể giúp gì cho con?”. Mặc dù không thể biết chính xác những cuộc trò chuyện đó sẽ diễn ra thế nào, nhưng chúng ta có thể biết chắc là những biện pháp can thiệp thế này đã tác động đến kết quả học tập của học sinh. Kết quả thử nghiệm cho thấy những tin nhắn đơn giản như trên có tác dụng cải thiện thành tích của học sinh tương đương một tháng học tập. Đây là một kết quả tuyệt vời khi mà chi phí bỏ ra hầu như bằng không. Các tin nhắn dạng này không chỉ có hiệu quả đáng ngạc nhiên mà còn được rất nhiều người ủng hộ. Khi được hỏi có muốn tiếp tục chương trình này không, câu trả lời của phụ huynh không chỉ là “Có”, mà còn là “Các vị có thể thực hiện chương trình này thường xuyên hơn không?”. Ngay cả học sinh cũng muốn cha mẹ của mình nhận được nhiều tin nhắn hơn. Kết quả của nghiên cứu này sau đó đã được xác nhận bởi những nghiên cứu mà trong đó, tin nhắn được gửi hằng tuần để khích lệ sinh viên của các trường cao đẳng không bỏ tiết và động viên các em phấn đấu để đạt thành tích tốt trong các kỳ thi. Trong những nghiên cứu này, chúng tôi đã có được những kết quả thậm chí còn rõ rệt hơn. Tin nhắn hằng tuần được gửi tới người mà học sinh chọn làm “người hỗ trợ học tập” đã giúp các em đến lớp thường xuyên hơn tới 11% so với bình thường.
Đây là những phát hiện rất có sức hấp dẫn đối với Quỹ Hỗ trợ Giáo dục (Education Endowment Foundation - EEF), một tổ chức tuyệt vời được thành lập từ trợ cấp sáng lập trị giá một trăm hai mươi lăm triệu bảng của Bộ Giáo dục Anh, với mục tiêu là tìm ra “những phương pháp hiệu quả” trong giảng dạy. Nhiều công trình nghiên cứu, chẳng hạn như nghiên cứu về tác dụng của tin nhắn, đã chứng minh sức mạnh của việc khuyến khích mọi người giúp đỡ lẫn nhau. Một trong những giải pháp hiệu quả nhất mà nhà trường có thể áp dụng là để học sinh kèm cặp lẫn nhau. Những chương trình “giúp nhau học tập” như thế - một học sinh đóng vai trò như gia sư để kèm một học sinh khác - có thể giúp học sinh có được sự tiến bộ tương đương năm tháng học tập. Chương trình này không chỉ giúp ích cho học sinh được kèm cặp mà còn mang lại lợi ích cho học sinh kèm cặp, và có vẻ như chương trình đã tác động nhiều nhất đến những học sinh có thành tích học tập kém nhất. Hiếm khi nào chúng ta có thể tìm ra một phương pháp hữu hiệu đến thế - một phương pháp không tốn nhiều chi phí, nhưng lại có thể mang tới sự cải thiện đáng kể về thành tích và mang lại lợi ích vô cùng lớn cho những ai cần được giúp đỡ nhất. Vì thế, một khi đã tìm được thì chúng ta cần nhìn nhận về phương pháp này một cách nghiêm túc. Cụ thể, điều mà chúng ta nên ghi nhận là phương pháp này được xây dựng dựa trên một nguyên tắc rất đơn giản, theo đó chúng ta có thể giúp nhau hoàn thành mục tiêu.
Những kết quả tương tự cũng được phát hiện trong nhiều lĩnh vực khác. Các chương trình cai thuốc lá, cai rượu hoặc giảm cân có cung cấp giải pháp để người tham gia hỗ trợ lẫn nhau được chứng minh là có thể mang lại hiệu quả tốt hơn so với những chương trình khác. Nếu là người thích thể thao thì có lẽ bạn cũng nhận thấy bạn thường có thể hoàn thành nội dung tập luyện của mình nhanh hơn hoặc tập được lâu hơn khi có người cùng tập luyện. Cả hai trường hợp này đều là kết quả của cùng một hiện tượng. Chúng ta sẽ dễ củng cố động lực của mình hơn khi có sự đồng hành của người khác - một người có khả năng thúc đẩy chúng ta mạnh mẽ hơn chính bản thân ta. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh việc để những người tham gia tập luyện thể dục thể thao hỗ trợ nhau có thể mang lại hiệu quả cao. Để kiểm chứng, một nhóm chuyên gia đã tiến hành nghiên cứu với đối tượng là các gymer1 nữ.
1 Từ được dùng để chỉ những người thường xuyên tập luyện ở phòng gym.
Mỗi ngày trong vòng sáu ngày, những gymer đều được yêu cầu tập luyện trên máy tập đạp xe với cường độ trung bình, sao cho nhịp tim của họ đạt 65% nhịp tim tối đa1. Những người này được chia ra thành hai nhóm khác nhau. Một nhóm tự tập luyện. Nhóm còn lại tập luyện với sự đồng hành của người khác. Chỉ có điều, “người khác” ở đây không phải người thật mà là một “gymer ảo”, chỉ tương tác với người tập qua ứng dụng Skype. Tương tự diễn biến bất ngờ trong phim Speed (Tốc độ), toàn bộ quá trình tương tác của gymer ảo là một đoạn ghi hình lặp đi lặp lại và vì thế, gymer ảo sẽ luôn có thành tích tập luyện vượt trội so với gymer thật. Kết quả thử nghiệm cho thấy những người được đồng hành bởi gymer ảo có thời lượng tập luyện tăng gấp đôi so với bình thường và có thể tập lâu hơn nhiều so với những người tự tập một mình. Có vẻ như chúng ta thường sẽ đạt được hiệu quả cao hơn khi có sự đồng hành của người khác, nhất là khi sự đồng hành đó khiến ta có cảm giác bản thân đang thi đua với một đối thủ thiện chí.
Tóm lại, nguyên tắc đầu tiên của việc chia sẻ mục tiêu là nguyên tắc đơn giản nhất và dễ thực hiện nhất, theo đó bạn nên tìm người giúp bạn theo đuổi mục tiêu của mình. Khi tìm được người như thế, hãy nghĩ xem bạn sẽ làm thế nào để nhờ họ giúp mình. Giống như những bậc phụ huynh nhận được tin nhắn thông báo từ nhà trường, người hỗ trợ bạn cũng cần được biết họ có thể giúp bạn như thế nào.Vậy nên khi tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác, hãy xác định rõ bạn muốn họ giúp bạn làm những gì và vào lúc nào.
1 Nhịp tim tối đa (HRmax) là nhịp tim cao nhất một người có thể đạt được mà không gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Công thức phổ biến nhất để tính nhịp tim tối đa là: HRmax = 220 - số tuổi.
Nguyên tắc 2: Tận dụng các mối quan hệ trong mạng lưới xã hội
Với nhiều người trong chúng ta, những công trình xây dựng đầu tiên (hoặc cuối cùng) trong đời có thể đều liên quan đến những khối xếp hình nhiều màu sắc.
Lego là một công ty có truyền thống lâu đời về chế tạo đồ chơi. Công ty này được thành lập năm 1932 bởi Ole Kirk Christiansen, một thợ mộc đã thiết kế nhiều món đồ chơi bằng gỗ và gặt hái nhiều thành công tại quê hương Đan Mạch của mình. Những năm 1940, Christiansen đã dành hẳn lợi nhuận của hai năm kinh doanh để làm điều mà chưa một nhà sản xuất đồ chơi nào thời đó từng làm, đó là đầu tư một máy ép phun nhựa1. Trong vòng năm mươi năm sau đó, công ty đạt được thành công ngoạn mục với những khối xếp hình Lego và thu về những khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong vòng mười lăm năm tính từ năm 1978, cứ mỗi chu kỳ năm năm thì công ty này lại tăng trưởng gấp hai lần, và đến năm 1993 công ty đã thu về được khoản doanh thu lên đến một tỷ ba trăm triệu đô-la. Thế nhưng không đầy mười năm sau đó, công ty này phải đứng bên bờ vực phá sản. Năm 2004, Lego công bố đó là năm thua lỗ thứ ba trong chu kỳ năm năm và đang phải duy trì hoạt động bằng những khoản vay từ các công ty thành viên.
1 Máy ép phun nhựa là loại máy ứng dụng công nghệ ép phun, phun vật liệu nóng chảy vào khuôn đúc để làm ra các sản phẩm bằng nhựa.
Tại sao một doanh nghiệp từng thành công vượt trội và có dòng sản phẩm được nhiều người ưa thích bỗng dưng phải đối mặt với nguy cơ sụp đổ?
Ở các trường kinh doanh, hầu hết các ví dụ về những công ty từng đứng đầu thế giới nhưng sau đó thất bại thảm hại đều tập trung vào nguyên nhân là không có khả năng cải tiến và đổi mới trong một thế giới không ngừng thay đổi. Lego không phải là một công ty như vậy. Theo quan điểm được nhiều người đồng tình nhất, Lego thất bại không phải do không đổi mới, mà do đổi mới quá nhiều. Hay như nhận định của một số nhà phê bình thì Lego đã “không thể kiềm chế nỗ lực đổi mới của mình”. Lego đã đa dạng hóa quá đà khi mua lại một công ty sản xuất “đồ chơi trí tuệ” ở California (Mỹ), mở công ty kinh doanh mạng ở New York (Mỹ) và xưởng thiết kế ở Milan (Ý). Một số trò chơi được thiết kế hoặc sản xuất bởi những cơ sở này hầu như không liên quan gì đến xây dựng hay xếp hình.
Nhưng điều đáng kinh ngạc về Lego không phải là sự tuột dốc đột ngột của công ty, mà là cách Lego đảo ngược tình thế trong vòng mười năm, kể từ khi công ty này công bố năm thua lỗ thứ ba. Đến năm 2013, Lego đã trở thành nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới với tổng giá trị gần mười lăm tỷ đô-la, vượt mặt hai đối thủ cạnh tranh hàng đầu là Mattel và Hasbro. Ngày nay, hàng loạt các bài nghiên cứu và phân tích đã được viết nhằm lý giải sự hồi sinh ngoạn mục trong vòng mười năm của Lego, từ khi CEO Jorgen Vig Knudstorp nắm quyền điều hành công ty. Những bài nghiên cứu này tập trung phân tích rất nhiều yếu tố khác nhau, trong đó có nhiều yếu tố liên quan đến tài chính như kiểm soát nợ và dòng tiền, bán đi những phần không cần thiết đối với lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của đế chế Lego. Nhưng một trong những lý do chính, thường được đưa ra để giải thích sự đảo ngược tình thế ngoạn mục của Lego, là khả năng tận dụng sự ủng hộ của những khách hàng trung thành. Doanh nghiệp này đã có thể tận dụng mạng lưới xã hội được tạo nên từ chính những người đang sử dụng sản phẩm của mình, những gì mà trước đó không được Lego nhìn nhận như một tài sản tiềm năng của công ty. Ví dụ tốt nhất để minh họa cho việc tận dụng mạng lưới xã hội là sự ra đời của dự án Lego Ideas (Ý tưởng Lego), được công ty giới thiệu lần đầu tiên ở Nhật Bản vào năm 2008 và được mở rộng trên phạm vi toàn cầu vào năm 2011. Ý tưởng của dự án này vừa đơn giản vừa mới mẻ. Thay vì để nhân viên của Lego phát triển những dòng sản phẩm mới, tại sao không nhờ khách hàng - những người sẽ mua sản phẩm của Lego - tự suy nghĩ và đề xuất ý tưởng về sản phẩm mới? Hơn thế nữa, tại sao không để những khách hàng này - những người tự nhận mình là người hâm mộ trung thành của Lego - giúp quảng bá sản phẩm mới trước cả khi sản phẩm đó được tung ra thị trường? Và đó chính xác là những gì Lego đã làm.
Bất kỳ ai cũng có thể đề xuất một “ý tưởng Lego”. Tất cả những gì bạn cần làm là tạo ra một mô hình, chụp một vài bức hình về mô hình đó, lập kế hoạch cho dự án của bạn và tải hình lên trang web của Lego. Điều kiện để ý tưởng của bạn được duyệt là trong vòng hai năm, ý tưởng đó phải nhận được sự ủng hộ của ít nhất mười ngàn người. Điều kiện này chính là yếu tố cốt lõi của một sáng kiến thiên tài.
Lego đã tạo ra một công cụ có thể giúp họ xác định ý tưởng nào sẽ thành công và ý tưởng nào thì không. Trước khi đề ra chương trình Lego Ideas, họ phải thực hiện cả một quy trình phát triển sản phẩm phức tạp và mạo hiểm tung sản phẩm ra thị trường mà không biết liệu sản phẩm đó có được đón nhận hay không. Nhưng từ khi có chương trình trên, Lego đã có được một cơ chế giúp họ xác định một sản phẩm nào đó có thể thành công hay không, trước cả khi các nhân viên của họ bắt tay vào thực hiện. Có những lúc cơ chế này vận hành hiệu quả đến mức Lego có thể ngay lập tức xác định sản phẩm nào sẽ là sản phẩm bán chạy trong tương lai. Có một người hâm mộ trò chơi Minecraft đã đăng tải ý tưởng của họ về trò chơi trực tuyến này lên trang web của Lego, và người này đã có được mười ngàn phiếu bình chọn chỉ trong vòng hai ngày. Sáu tháng sau, bộ xếp hình Lego Minecraft Micro được tung ra thị trường và nhanh chóng trở thành một sản phẩm bán chạy trên thị trường quốc tế. Một số ví dụ điển hình khác là bộ xếp hình Lego Birds (bao gồm nhiều loài chim như giẻ cùi lam, chim cổ đỏ và chim ruồi), Lego Doctor Who hay Lego Maze. Một trong những lý do khiến Lego Ideas có sức hấp dẫn đặc biệt đối với người hâm mộ là Lego dường như đã hiểu được bản chất của mối quan hệ tương hỗ giữa thương hiệu và khách hàng. Lego không chỉ ghi nhận ý tưởng của khách hàng rồi thương mại hóa ý tưởng đó, mà họ còn để khách hàng đã đóng góp ý tưởng được đồng hành cùng những nhà thiết kế chuyên nghiệp. Những khách hàng này sẽ được đề cập trong phần thông tin của sản phẩm sau cùng, thậm chí còn nhận được tiền tác quyền dựa trên doanh số của sản phẩm đó.
Lego chắc chắn không phải là công ty duy nhất tận dụng sức mạnh của mạng lưới xã hội để thúc đẩy đổi mới và nâng cao dịch vụ khách hàng. Apple lập ra diễn đàn “cộng đồng hỗ trợ” trên trang web của mình để các khách hàng có thể giúp nhau giải đáp các vấn đề mà họ gặp phải. Nhãn hàng khoai tây chiên Lay’s từng thực hiện chiến dịch Do us a Flavour (tạm dịch: Giúp chúng tôi tạo vị) vào năm 2013 và nhận được hơn mười bốn triệu ý tưởng về vị khoai tây. Nhiều công ty trên khắp thế giới cũng đang tận dụng mạng lưới xã hội để thúc đẩy sự ra đời của những ý tưởng mới và cải thiện hiệu quả kinh doanh. Không chỉ có các công ty và tổ chức mới có thể sử dụng những mạng lưới này. Thật khó để nói rõ về tầm quan trọng của các mạng lưới xã hội quanh ta đối với cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Nghiên cứu về hành vi đang dần có thể chứng minh tác động của mạng lưới xã hội theo những cách mới mẻ và rõ ràng. Trong ví dụ về Andy và nỗ lực cai thuốc lá của anh ở đầu chương này, chúng ta đã thấy các mối quan hệ xã hội có thể có tác động mạnh mẽ đến thế nào. Nhưng những hiệu ứng tương tự cũng bắt đầu được chỉ ra trong các vấn đề hệ trọng mà chúng ta đang đối mặt ở các quốc gia phát triển. Ví dụ, khi nói đến chứng béo phì, có thể nhiều người trong chúng ta sẽ nghĩ đó là một vấn đề hoàn toàn mang tính cá nhân, vì suy cho cùng thì chỉ có bản thân bạn mới có thể quyết định mình ăn uống thế nào và tập thể dục nhiều hay ít. Thế nhưng nếu từng đến một quốc gia khác thì có lẽ bạn cũng thấy rằng tỷ lệ béo phì giữa các quốc gia có sự khác biệt rất lớn. Một trong những nguyên nhân gây ra sự khác biệt này xuất phát từ hiệu ứng mạnh mẽ mà mạng lưới xã hội quanh ta đã tác động lên chúng ta. Một trong những phân tích chi tiết nhất về hiện tượng này là nghiên cứu được thực hiện bởi Nicholas Christakis và James Fowler, với dữ liệu về cân nặng của hơn mười hai ngàn người được ghi nhận thường xuyên từ năm 1971 đến năm 2003. Chỉ riêng những con số này cũng đủ để nói lên sự thú vị của nghiên cứu: việc thu thập những dữ liệu cụ thể trên diện rộng giúp hai nhà nghiên cứu này có điều kiện thuận lợi mà chưa ai từng có để xem xét tác động của mạng lưới xã hội đến hành vi của con người chúng ta. Những gì họ khám phá được rất giống với những gì Andy đã phát hiện khi anh cai thuốc lá. Họ thấy rằng béo phì thực chất không phải là một vấn đề mang tính cá nhân, mà nó có liên quan mật thiết đến những người trong mạng lưới xã hội của chúng ta. Christakis và Fowler phát hiện nguy cơ bị béo phì ở những người có liên quan trực tiếp đến người bị béo phì thường cao hơn khoảng 45% so với một người nào đó trong một mạng lưới xã hội ngẫu nhiên. Nói cách khác, nếu bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân của bạn bị béo phì thì nguy cơ bạn cũng bị béo phì là rất cao. Hai nhà nghiên cứu cũng khám phá được rằng nếu bạn của bạn của bạn của bạn bị béo phì thì vẫn có một xác suất nhỏ là bạn sẽ bị béo phì. Có thể thấy ngay cả khi quen biết một người béo phì qua đến ba trung gian trên mạng lưới xã hội của mình, bạn cũng vẫn có thể bị ảnh hưởng.
Khi đã nhận ra sức mạnh của các mối quan hệ xã hội, chúng ta sẽ muốn suy nghĩ lại về cách thức cũng như lý do chúng ta sử dụng những mối quan hệ đó. Vì thế, khi nghĩ về bản thân và những mục tiêu mà bạn đã đặt ra, bạn không chỉ nên cân nhắc về cách tận dụng mạng lưới xã hội của mình để theo đuổi mục tiêu, mà còn nên xác định mối quan hệ nào trong mạng lưới đó có thể làm suy yếu nỗ lực của bạn. Có rất nhiều kỹ thuật đơn giản để bạn thấy được một cách rõ ràng và nhanh chóng về việc bạn có thể làm thế nào để tận dụng thành công mạng lưới xã hội của mình. Một trong những kỹ thuật thú vị nhất mà chúng tôi từng thử nghiệm là kỹ thuật được phát triển bởi nhà xã hội học Wayne Baker cùng Cheryl vợ của ông, sau đó được phổ biến bởi nhà khoa học hành vi Adam Grant. Kỹ thuật này được gọi là “vòng tròn cho-nhận”, được hình thành dựa trên một ý tưởng rất đơn giản. Chúng ta thường gắn bản thân với những mạng lưới xã hội có phạm vi kết nối lớn, cả ở nơi làm việc lẫn vui chơi. Vấn đề là hầu hết chúng ta đều không nhận ra điều này, hoặc không có những cơ chế phù hợp để tận dụng tối đa những mối quan hệ xã hội của mình. Vòng tròn cho-nhận nghĩa là tất cả những người tham gia sẽ tập hợp thành một vòng tròn, và mỗi người trong vòng tròn đó sẽ được động viên để nói (chỉ khi họ thật sự muốn nói) cho những người còn lại biết họ cần được hỗ trợ những gì. Ý tưởng của hoạt động này là để mỗi cá nhân thử nghĩ xem những người họ quen biết (hoặc những người quen biết của những người họ quen biết) có thể giúp đỡ họ theo đuổi mục tiêu của mình như thế nào. Đây không phải là sự giúp đỡ trực tiếp mà chúng ta đã tìm hiểu trong phần trước, mà là khả năng kết nối với mạng lưới xã hội của bạn để có được sự giúp đỡ mà trước đó bạn không có.
Khi áp dụng vòng tròn cho-nhận với nhóm sinh viên của mình, Grant nhận thấy các sinh viên có nhiều cách trợ giúp rất đáng ngạc nhiên mặc dù ban đầu họ vẫn còn ít nhiều hoài nghi. Chẳng hạn, một trong những sinh viên của Grant đã chia sẻ rằng cậu rất thích các khu vui chơi và ước mơ của cậu là được điều hành một trong những công viên giải trí của công ty Six Flags. Tình cờ, một người bạn cùng lớp với cậu sinh viên đó có quen biết với cựu CEO của Six Flags và đã giúp cậu kết nối với vị CEO kia. Khi BIT tập hợp các thành viên trong nhóm thành một vòng tròn và động viên mọi người nói ra mong muốn được hỗ trợ của mình, có đến mười đề xuất trợ giúp cho mọi lĩnh vực khác nhau đã được đưa ra. Một đồng nghiệp đã khiến cả nhóm không khỏi ngạc nhiên khi tuyên bố anh muốn học lái máy bay. Liệu có bất kỳ ai trong vòng tròn có thể kết nối giúp người này không? Hóa ra có rất nhiều người trong BIT quen biết những người có thể giúp đỡ người đồng nghiệp này, từ một quan chức chính phủ từng được huấn luyện trong Không quân Hoàng gia Anh cho đến một phi công dân sự vừa được thăng chức. Như những gì chúng tôi đã đề cập trong nghiên cứu về béo phì, bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mạng lưới xã hội của mình có phạm vi rộng lớn ra sao, và vì thế đừng ngại tận dụng mạng lưới đó để theo đuổi mục tiêu của mình.
Bạn có thể sử dụng nhiều cách khác để kết nối với mạng lưới xã hội của mình cũng như của người khác. Trên thực tế, BIT ngày càng có nhiều nghiên cứu tập trung vào cái mà chúng tôi gọi là “cú hích liên đới”, có nghĩa là chúng ta không chỉ tập trung khuyến khích một người thay đổi hành vi của họ, mà còn khuyến khích người đó tạo động lực thúc đẩy người khác thay đổi hành vi. Đây cũng chính là những gì mà Michael Sanders - trưởng nhóm nghiên cứu của BIT - đã thử nghiệm khi ông đề ra những cách mới để khuyến khích lãnh đạo của các ngân hàng đầu tư đóng góp một ngày lương của họ cho hoạt động từ thiện. Trong những thử nghiệm ban đầu, Michael phát hiện tỷ lệ đồng ý đóng góp ở các vị lãnh đạo lạnh lùng kia thường cao gấp đôi, nếu họ được những người gây quỹ trao tặng một hũ kẹo trước khi được kêu gọi đóng góp. (So với khoản tiền các nhà vận động có thể thu về khi thành công thì giá trị của món quà mà họ trao đi là thấp hơn đến hàng ngàn lần.) Đây là biểu hiện của hiệu ứng cho-nhận trong thực tiễn. Tuy nhiên, Michael nhận thấy hiệu ứng này sẽ giảm dần theo thời gian. Khi các lãnh đạo ngân hàng từng đóng góp tiếp tục được tặng kẹo trong năm kế tiếp, xác suất họ sẽ đồng ý quyên góp vẫn cao, nhưng không bằng năm trước. Vì vậy trong năm tiếp theo, thay vì kêu gọi những vị lãnh đạo này quyên góp tiền lương của chính họ, Michael đã nhờ những người này kêu gọi đồng nghiệp của họ đóng góp. Đây là một trong những phương pháp hiệu quả nhất chúng tôi từng thấy trong việc kêu gọi ủng hộ từ thiện, giúp các nhà vận động thu về rất nhiều tiền quyên góp. Sau khi Michael nhờ lãnh đạo của các ngân hàng đầu tư - những người được cho là chỉ biết theo đuổi lợi ích cá nhân - kết nối với mạng lưới xã hội tại nơi làm việc của họ, tỷ lệ quyên góp đã tăng lên gấp bốn lần.
Buổi thực hành vòng tròn cho-nhận của các thành viên BIT
Sự phổ biến của các trang mạng xã hội trực tuyến như Facebook, Twitter hay Instagram trong thế kỷ 21 đã giúp chúng ta tận dụng mạng lưới xã hội của mình theo những cách mà trước đây chúng ta không nghĩ là khả thi. Giờ đây, thử thách mà chúng ta phải đối mặt không còn là làm thế nào để kết nối với mạng lưới xã hội của mình, mà là làm thế nào để các hoạt động kết nối đó có thể diễn ra suôn sẻ, từ đó giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình.
Nguyên tắc 3: Sử dụng sức mạnh tập thể
Trong những tuần cuối cùng của tháng Một hằng năm, các văn phòng của BIT trên khắp thế giới bắt đầu tràn ngập không khí phấn khởi, hân hoan. Tại văn phòng BIT ở Luân Đôn, giám đốc tài chính Oliver đang bắt đầu chuẩn bị xà đơn trong nhà kho như thường lệ, sẵn sàng chào đón “tháng thể dục thể thao” xuyên mùa đông lạnh giá của nước Anh1. Giám đốc điều hành David Halpern nổi tiếng với khả năng kéo xà một tay đang khởi động để làm nóng cơ tay. Hugo - người có thân hình vạm vỡ và cũng là người đứng đầu một số chương trình quan trọng nhất của BIT về sức khỏe - đã sẵn sàng cho một tháng luyện tập đầy thử thách. Arielle đang phủi bụi cho đôi giày chạy bộ của mình, dù từ trước đến nay cô không được các đồng nghiệp biết đến như một người thường xuyên tập luyện thể thao. Tại Thành phố Sydney (Úc), Guglielmo, Ed và Ravi bắt đầu lên kế hoạch cho những hoạt động mùa hè như bóng bầu dục chạm, bóng chày hay tập thể dục nhóm. Tại văn phòng Singapore, một số lớp nhảy Zumba đã được lên kế hoạch tổ chức, thu hút nhiều thành viên đăng ký tham gia. Và tại văn phòng vừa được thành lập sau năm 2015 ở New York, các thành viên chỉ mới lờ mờ nhận ra sự nghiêm túc của những đồng nghiệp ở tất cả các trụ sở khác. Theo thông lệ của BIT, tháng Hai hằng năm là khoảng thời gian mà tất cả các trụ sở sẽ thi đua với nhau để giành ngôi vị quán quân của cuộc thi FitFeb (tạm dịch: Tháng Hai khỏe mạnh).
Mọi chuyện bắt đầu không lâu sau khi Rory chuyển tới Sydney, khi đội ngũ mà anh hỗ trợ thành lập ở bang New South Wales (Úc) thách đấu với trụ sở BIT ở Luân Đôn bằng hàng loạt các hoạt động thể chất. Hiện nay, cứ đến tháng Hai là các trụ sở lại thi đua với nhau để tích lũy điểm FitFeb bằng cách thực hiện các chế độ luyện tập và ăn uống lành mạnh. Bạn có thể thực hiện các hành vi lành mạnh khác nhau để tích điểm, chẳng hạn như tập luyện trong vòng hai mươi phút hay không uống rượu bia trong vòng một ngày. Bạn sẽ được cộng thêm điểm thưởng khi hoàn thành thử thách tuần, chẳng hạn như thay thế một bữa ăn không lành mạnh bằng một bữa ăn lành mạnh và giàu dinh dưỡng. Một thành viên của đội ngũ BIT ở Singapore đã tìm được cách để thay thế trứng chiên và khoai tây chiên bằng sữa chua, đào và táo đóng hộp.
1 Mùa đông ở Anh thường diễn ra từ tháng Mười Hai đến tháng Hai năm sau.
Có lẽ bạn cũng đồng tình là kết quả cuối cùng trông khá hấp dẫn.
Những cuộc thi dạng này rất dễ phản tác dụng nếu không được tổ chức đúng cách, khi sự thi đua chỉ diễn ra ở mức độ cá nhân. Xét về khía cạnh hành vi, kết quả của những cuộc thi thế này thường rất dễ đoán: những người vốn đã tập luyện nhiều sẽ tiếp tục tập luyện để cố giành chiến thắng, còn đa số những người ít tập luyện hơn sẽ dành phần lớn thời gian để thư giãn. Nhưng khi được tổ chức theo hình thức thi đua nhóm kết hợp với cơ chế tính điểm cho từng cá nhân, cuộc thi này lại thúc đẩy những hành vi hoàn toàn khác. Những đồng nghiệp ít vận động sẽ bắt đầu tham gia cùng mọi người, vì mỗi cá nhân sẽ được cộng thêm điểm khi luyện tập với một đồng nghiệp khác (nhân đôi điểm) hoặc với cả văn phòng (năm phút mỗi ngày tương đương một điểm cộng cho mỗi người). Không những thế, thật khó để bạn không tham gia một buổi rèn luyện thể chất tập thể khi mà mọi thành viên trong văn phòng đều tham gia. Dĩ nhiên hầu như không hệ thống tính điểm nào không có lỗ hổng. Năm 2016, văn phòng Luân Đôn đã tổ chức một chuyến trượt tuyết cho toàn bộ thành viên của họ trong thời gian diễn ra FitFeb, kết quả là những thành viên này được cộng thêm hàng trăm điểm, tương đương năm giờ đồng hồ tập luyện. Nhưng dù sao đi nữa, chuyến đi đó cũng đã giúp những thành viên trước đó ít tập luyện cải thiện thành tích của mình nhờ được các đồng nghiệp tích cực động viên.
Thực tế cho thấy chúng ta thường đạt được nhiều thành quả hơn khi cùng nhau theo đuổi một mục tiêu thay vì hành động đơn lẻ. Nếu dành thời gian để suy nghĩ về những thành tựu lớn nhất của con người, có thể bạn sẽ thấy hầu hết các thành tựu đều được tạo nên khi một nhóm người hợp tác với nhau. Một ví dụ thích hợp để minh họa cho điều này là câu chuyện nổi tiếng về John F. Kennedy, xảy ra vào năm 1962. Khi đó, vị tổng thống thứ ba mươi lăm của Mỹ đã hỏi một nhân viên tạp vụ tại Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (National Aeronautics and Space Administration - NASA) rằng ông đang làm gì. Nhân viên tạp vụ đó trả lời: “Thưa Tổng thống, tôi đang góp sức đưa con người lên mặt trăng”.
Có lẽ chúng ta đã không thể đạt được những thành tựu lớn như thế nếu không hợp tác cùng nhau. Nhưng chúng ta cứ thường nghĩ rằng mục tiêu của chúng ta là việc của cá nhân ta và tìm cách tự mình theo đuổi mục tiêu đó, bất chấp sự thật rằng trong hầu hết các lĩnh vực, làm việc theo nhóm mới là hình thức hoạt động phổ biến. Nhiều bằng chứng đã củng cố nhận định này. Chúng ta có thể lấy nghiên cứu về hút thuốc lá của Christakis và Fowler năm
2008 làm ví dụ. Theo nghiên cứu này, khi xem xét tỷ lệ người hút thuốc lá trên toàn nước Mỹ, chúng ta sẽ thấy tổng số người và nhóm người hút thuốc có giảm xuống, nhưng số người trong các nhóm còn hút thuốc thì gần như không đổi. Thoạt đầu, kết quả này nghe có vẻ nghịch lý, vì nếu tổng số người hút thuốc giảm thì lẽ ra số người trong các nhóm hút thuốc cũng phải giảm, trừ khi người ta bỏ thuốc lá theo nhóm. Nếu người hút thuốc lá bỏ thuốc theo nhóm thì số người trong các nhóm “chưa bỏ thuốc” sẽ duy trì không đổi trong khi số lượng nhóm vẫn giảm đi - đây chính là những gì đã xảy ra. Nghiên cứu cho thấy những người hút thuốc thường không tự mình ngừng hút thuốc mà sẽ cai thuốc theo tập thể. Dù vậy, những người hút thuốc lại ít khi nào nghĩ đến việc tận dụng động lực nhóm ngay từ đầu để giúp bản thân đạt được mục tiêu cai thuốc lá của mình.
Nhận định trên có vẻ cũng được công nhận trong tất cả các lĩnh vực khác với nhiều loại mục tiêu khác nhau, đặc biệt là những mục tiêu mà chúng ta có khuynh hướng muốn tự mình theo đuổi. Ví dụ điển hình là các chương trình giảm cân. Một số chương trình giảm cân hiệu quả nhất là những chương trình khuyến khích chúng ta theo đuổi chế độ giảm cân cùng người khác, thay vì cố giảm cân một mình. Trong số đó, chương trình giảm cân được nhiều người biết đến nhất có lẽ là Weight Watchers (tạm dịch: Theo dõi trọng lượng). Một trong những nghiên cứu của chương trình này đã được thực hiện trên bảy trăm bảy mươi hai người thừa cân, và kết quả là những người trong nhóm Weight Watchers đã giảm được số cân nhiều gấp đôi (5,06kg) so với những người không tham gia giảm cân theo nhóm (2,25kg). Chúng ta cũng thấy được hiệu ứng tương tự trong những lĩnh vực hoàn toàn khác, chẳng hạn như tiết kiệm - một lĩnh vực mà bạn có thể nghĩ là không chịu bất kỳ ảnh hưởng gì từ động lực nhóm. Một trong những nghiên cứu ưa thích của chúng tôi là nghiên cứu được tiến hành nhằm tìm hiểu tác dụng của việc khuyến khích người có nhu cầu tiết kiệm thực hiện tiết kiệm theo nhóm. Theo đó, từng người sẽ tự đề ra mục tiêu tiết kiệm của mình, công khai mục tiêu cho mọi người trong nhóm biết và đồng ý để họ giám sát quá trình thực hiện mục tiêu của mình (nói cách khác, động lực nhóm đã được kết hợp với cam kết và thông tin phản hồi). Sau đó, các nhà nghiên cứu đã so sánh xem những người tiết kiệm theo nhóm có dành dụm được nhiều tiền hơn những người tiết kiệm theo cá nhân hay không, dù một số người tiết kiệm đơn lẻ sẽ được nhận lãi suất cao hơn (5% thay vì 0,3%). Kết quả là những người tiết kiệm theo nhóm đã dành dụm được khoản tiền cao gấp đôi, còn lãi suất cao thì hầu như không có tác dụng đối với những người tiết kiệm theo cá nhân.
Khi nói đến việc hợp tác theo nhóm, chúng ta thường nghĩ tất cả các thành viên trong nhóm phải ở cùng một địa điểm thì mới có thể làm việc được với nhau. Nhưng trong thế giới “internet hóa” và “toàn cầu hóa” như hiện nay, chúng ta có thể tận dụng mạng lưới xã hội ảo hoặc sức mạnh tập thể để hỗ trợ cho việc theo đuổi mục tiêu của mình, đặc biệt là trong khía cạnh công việc và những mục tiêu liên quan tới nghề nghiệp của chúng ta. Tại BIT, chúng tôi cũng bắt đầu quan tâm tới các bằng chứng ngày càng nhiều về sức mạnh của những quyết định được đưa ra bởi tập thể. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh khi hợp tác với những người phù hợp, chúng ta có thể đưa ra những quyết định khôn ngoan hơn cả chuyên gia.
Một số nghiên cứu đã kết luận tập thể “luôn luôn” khôn ngoan hơn cá nhân, nhưng trên thực tế, mọi việc không đơn giản như thế. Chúng ta cần một cách lý giải xác đáng hơn về việc làm thế nào một nhóm người có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn cả chuyên gia. Yếu tố quan trọng đầu tiên là bạn cần thu thập được nhiều ý kiến. Ví dụ, nếu muốn đoán xem lạm phát có tiếp tục tăng hay không, bạn không nên chỉ nghe ý kiến của các nhà kinh tế học, mà nên lắng nghe cả những chủ doanh nghiệp nhỏ hay những bà mẹ đơn thân đang gặp nhiều khó khăn trong việc trang trải cuộc sống. Nghiên cứu đã chứng minh dự đoán được đúc kết từ ý kiến của cả ba đối tượng này sẽ chính xác hơn dự đoán của cá nhân nhà kinh tế học, vì mỗi đối tượng có thể đóng góp vốn kiến thức và kinh nghiệm khác nhau. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý rằng dự đoán của từng đối tượng cần được đưa ra khi không có sự can thiệp của những người còn lại, nghĩa là doanh nhân không nên thảo luận với nhà kinh tế học hay người mẹ đơn thân trước khi nêu ý kiến của mình. Yếu tố quan trọng thứ hai là bạn cần có cách phù hợp để thu thập ý kiến, tránh trường hợp có nhiều ý kiến hoàn toàn khác biệt nhau cho cùng một vấn đề. Khi hai yếu tố này được đảm bảo, hầu như không chuyên gia nào có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn tập thể.
Điều thú vị ở đây là dường như yếu tố đa dạng cũng có thể cải thiện hiệu quả làm việc của nhóm nhỏ. Tác giả nổi tiếng kiêm bình luận viên người Anh Tim Harford từng nhận định rằng dù chúng ta có khuynh hướng thích làm việc với bạn bè hoặc những người ta quen biết, nhưng sự hiện diện của một người hoàn toàn mới trong nhóm của chúng ta sẽ giúp hiệu quả làm việc của nhóm được cải thiện đáng kể. Vậy nên khi làm việc theo nhóm, bạn nên cân nhắc việc kết nối và tạo điều kiện để những người có kỹ năng và kinh nghiệm khác nhau làm việc cùng nhau.
Tại BIT, chúng tôi cũng áp dụng các nguyên tắc tương tự để theo đuổi những mục tiêu chung của tập thể, dựa trên quan điểm rằng làm việc cùng nhau là tốt nhưng làm việc cùng nhau như thế nào mới là quan trọng. Chẳng hạn, để tránh mắc phải lối “tư duy tập thể” trong quá trình thảo luận nhằm tìm kiếm ý tưởng mới, chúng tôi thường sử dụng các công cụ trực tuyến để đảm bảo mỗi thành viên đều vận dụng chính kiến thức và kỹ năng của bản thân họ để nghĩ ra ý tưởng mới, sau đó chúng tôi mới tổng hợp tất cả ý tưởng cùng một lúc. Khi tổng kết các bảng phân tích dữ liệu và báo cáo, chúng tôi nhờ các thành viên không thuộc nhóm thực hiện dự án tiến hành kiểm duyệt chất lượng và đưa ra quan điểm phản biện. Và khi muốn vạch ra những phương pháp tuyển dụng mới, chúng tôi đã phát triển một nền tảng trực tuyến nhằm tận dụng sức mạnh tập thể để giúp chúng tôi đưa ra những quyết định tuyển dụng tốt hơn. Nền tảng này được gọi là Applied, và nó đòi hỏi trưởng phòng nhân sự phải chỉ định một số cá nhân khác nhau làm người thực hiện sàng lọc. Chúng tôi nhận thấy nhân viên cấp thấp thường quan tâm đến những vấn đề khác (Ứng viên này có thể trở thành một trưởng phòng giỏi hay không?) so với các nhân viên ở cấp cao hơn (Ứng viên này có thể thực hiện một bảng phân tích chính xác hay không?). Vì thế, chúng tôi thường chỉ định những nhân viên thuộc cả hai cấp này làm người sàng lọc và cho từng người xem câu trả lời của các ứng viên. Mỗi người đều không biết họ đang cho điểm ai và không thể tham khảo ý kiến của những người sàng lọc khác. Sau đó ý kiến của họ sẽ được tổng hợp và phân tích trên nền tảng trực tuyến của chúng tôi, và trưởng phòng tuyển dụng có thể dựa vào đó để quyết định nhận ứng viên nào vào vòng tuyển dụng kế tiếp. Bản thân chúng tôi cũng đã sử dụng nền tảng Applied để thực hiện rất nhiều phân tích và thấy rằng nền tảng này đã thay đổi hoàn toàn quyết định tuyển dụng của chúng tôi. Chúng tôi từng thực hiện một thử nghiệm khi tuyển dụng các sinh viên mới tốt nghiệp, trong đó các ứng viên vừa được sàng lọc theo cách truyền thống vừa được sàng lọc qua Applied. Mục đích của thử nghiệm này là để chúng tôi xác định công cụ nào hiệu quả hơn trong việc giúp chúng tôi tìm được ứng viên mình mong muốn. Kết quả là 60% số ứng viên chúng tôi đã tuyển là những ứng viên sẽ không bao giờ được tuyển nếu chúng tôi sử dụng phương pháp sàng lọc truyền thống.
Các ví dụ trên đã cho thấy mặc dù chúng ta thường nghĩ mục tiêu là vấn đề của cá nhân, nhưng chúng ta sẽ dễ đạt được những mục tiêu đó hơn nếu hợp tác với người khác. Chúng ta có thể vận dụng sức mạnh tập thể với tư cách là thành viên của một nhóm và phối hợp với các thành viên khác để theo đuổi mục tiêu chung, hoặc vận dụng sự sáng suốt của tập thể để giúp bản thân đưa ra những quyết định tốt hơn.
Có câu: “Vấn đề được chia sẻ là vấn đề đã được giải quyết một nửa”; câu nói này cũng có thể được áp dụng đối với việc chinh phục mục tiêu của chúng ta. Nhưng chúng ta lại thường không muốn chia sẻ mục tiêu của mình và xem đó như những dự án tự hoàn thiện của cá nhân ta, chứ không phải những gì mà người khác có thể giúp ta hoàn thành. Thực tế thì hoàn toàn trái ngược. Những người xung quanh có vai trò rất quan trọng trong việc giúp chúng ta đạt được mục tiêu của mình, và trong chương này chúng tôi đã đề ra ba nguyên tắc giúp bạn chia sẻ mục tiêu của mình với người khác để bạn có thể đạt được những mục tiêu đó nhanh chóng hơn. Điều đơn giản nhất mà bạn có thể làm là tìm kiếm sự giúp đỡ từ người khác. Bạn sẽ bất ngờ khi thấy nhiều người sẵn lòng giúp đỡ bạn ra sao và lợi ích mà họ có được từ việc giúp đỡ bạn là nhiều như thế nào. Bạn sẽ có được nhiều lợi ích hơn nữa nếu biết tận dụng mạng lưới xã hội của mình. Dù bạn có muốn hay không thì cuộc sống của bạn vẫn chịu một sự tác động mạnh mẽ từ gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp. Nhưng có lẽ từ trước đến nay, bạn chưa từng nghĩ về việc có thể vận dụng sự tác động đó như thế nào để giúp bản thân đạt được mục tiêu của mình. Bạn cũng cần lưu ý rằng “tận dụng mạng lưới xã hội” không phải là việc chỉ có lợi cho cá nhân bạn, mà khi nhờ người khác giúp bạn theo đuổi mục tiêu của mình thì bạn cũng sẽ có cơ hội để giúp đỡ người khác đạt được mục tiêu của họ. Trong nguyên tắc cuối cùng, chúng tôi đã chứng minh cho bạn thấy việc chia sẻ có thể phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn nếu bạn hợp tác với người khác. Sự hợp tác đó có thể diễn ra theo hình thức cả nhóm cùng theo đuổi một mục tiêu chung (giảm cân, tiết kiệm tiền, làm việc theo nhóm), hoặc một cá nhân khai thác sự sáng suốt của cả tập thể để cải thiện quyết định của bản thân trong quá trình chinh phục mục tiêu riêng. Bất kể phương pháp bạn sử dụng là gì, nền tảng của các nguyên tắc về “chia sẻ” vẫn là sự thật mà theo đó, con người chúng ta là những sinh vật xã hội. Và một khi đã nhận thức được sự thật này, bạn sẽ hiểu rằng chúng ta nên hợp tác với nhau để theo đuổi những mục tiêu cá nhân của mình.