T
rong những ngày BIT mới được thành lập, Rory nhận thấy anh không còn tập thể dục nhiều như trước kia, vì anh phải mất nhiều thời gian để di chuyển từ ngoại ô Luân Đôn đến văn phòng mỗi ngày, thêm vào đó là giờ làm việc kéo dài và nhiều lần đi uống bia cùng đồng nghiệp sau khi tan sở. So với thời còn đi học thì số lần mà anh tham gia những buổi tập luyện bóng đá và bóng bầu dục đã giảm đi nhiều. Rory cũng nhận thấy anh đang bắt đầu có cái mà mọi người thường gọi là “bụng bia”. Vì vậy Rory đã quyết định làm một việc mà có lẽ nhiều người trong chúng ta cũng từng làm, đó là đi tập gym. Phòng tập gym Rory chọn có phí hội viên hằng tháng khá cao, nhưng anh lại xem đó như một điểm cộng. Anh cho rằng khi biết tháng nào mình cũng phải chi một khoản không nhỏ cho phí hội viên thì anh sẽ có động lực đến phòng gym để chạy bộ và nâng tạ. Anh nghĩ anh sẽ tập luyện thường xuyên hơn để xứng đáng với đồng tiền mình bỏ ra. Ít nhất thì đó là những gì anh nghĩ.
Sau nhiều tháng với hàng trăm bảng đã được chi ra, Rory quyết định chấm dứt gói tập của mình. Suốt những tháng đó, anh hầu như không bước chân đến phòng gym. Lúc này, Rory nghĩ là anh đã hiểu ra vấn đề của mình và cách để khắc phục vấn đề đó. Rory cho rằng vấn đề không phải là do anh thiếu động lực hay do phòng gym không tốt, mà là vì phòng gym đó nằm ở vị trí không thuận lợi. Vậy nên, khi phát hiện có một phòng gym ở ngay trong tầng hầm của tòa nhà Treasury - nơi đặt văn phòng của BIT lúc đó - Rory quyết định sẽ đăng ký tập. Mặc dù không hiện đại như phòng gym trước, nhưng vì phòng gym này quá gần nơi Rory làm việc nên anh nghĩ mình sẽ có thể đến chỗ làm sớm để tập luyện, rồi bước vào văn phòng với cảm giác khỏe khoắn và hăng hái. Thậm chí, anh còn có thể xuống tầng hầm trong giờ nghỉ trưa và tập luyện thêm chút nữa để giúp tạo cảm giác ngon miệng khi dùng bữa cũng như đốt cháy một ít ca-lo. Đây có vẻ là một kế hoạch khôn ngoan và hoàn hảo, ít nhất là trong tuần đầu tiên, khi Rory thật sự đã tranh thủ thời gian để tập trước giờ làm việc và chạy bộ vào giờ nghỉ trưa. Nhưng đến tuần thứ hai, Rory nhận ra mình đang dành ít thời gian hơn cho việc tập gym; và sau tuần thứ hai thì anh bắt đầu nhận thấy thời gian anh dành cho phòng gym này thậm chí còn không nhiều bằng phòng gym trước đó.
Hóa ra, việc phòng gym này nằm quá gần văn phòng lại có hại nhiều hơn là có lợi. Vì nó quá gần nên Rory luôn có thể tự nhủ anh sẽ đi tập vào ngày mai. Chỉ có điều “ngày mai” đó không bao giờ tới. Dường như luôn có một chuyện gì đó xảy ra. Có thể anh cần hoàn tất một bản báo cáo hay tóm tắt để gửi cho một bộ trưởng. Có thể một đồng nghiệp nào đó trong BIT đề xuất rằng cả nhóm nên đến quán rượu để bàn cho xong công việc thay vì giải quyết vào ngày hôm sau. Có thể Elaine vợ của Rory muốn anh đưa đi ăn tối sau giờ làm việc. Tất cả những chuyện này dường như đều quan trọng hơn hoặc đáng làm hơn so với việc chạy bộ trên máy trong một phòng tập gồm toàn những người cùng làm trong tòa nhà Treasury, nhất là khi anh “luôn có thể đi tập vào ngày mai”. Và theo cách nói của một bài báo cáo nổi tiếng về chủ đề này thì Rory lại một lần nữa “chi tiền để không đi tập gym”. Nhưng may mắn thay, Rory biết một kỹ thuật có thể giúp ích cho anh trong tình huống này. Anh có thể khiến bản thân cam kết sẽ đi tập bằng cách sử dụng “công cụ cam kết”.
Rory hạ quyết tâm sẽ đi tập ít nhất hai lần một tuần để lấy lại thân hình cân đối trước kia. Đây là một mục tiêu vừa tham vọng vừa phù hợp, xét trên thực tế là anh đã bỏ tập nhiều lần trước đó. Rory đã trưng dụng chiếc bảng trắng của BIT được treo trên bức tường ở giữa văn phòng để làm bảng ghi cam kết. Rory viết cam kết của mình lên bảng: “Tôi sẽ tập gym hai lần mỗi tuần trong vòng ba tháng”. Khi công khai cam kết của mình, Rory hiểu rõ anh đang áp dụng lên chính bản thân anh một kỹ thuật kinh điển về điều chỉnh hành vi, để giúp anh dễ theo đuổi mục tiêu của mình hơn. Anh biết rằng một khi đã viết ra và công khai cam kết của mình với mọi người, anh sẽ có động lực để hành động nhất quán với lời cam kết đó.
Kế đến, Rory đã làm một việc mà anh biết sẽ khiến anh khó từ bỏ cam kết của mình. Anh nhờ một người làm trọng tài cam kết để giúp anh giám sát sự nỗ lực của anh, để xác định xem anh đã hoàn thành cam kết của mình hay chưa, và để thực thi hình phạt mà Rory đã tự đặt ra cho mình. Owain đã nhận lời làm trọng tài cam kết cho Rory, điều này có nghĩa là Owain sẽ là người đánh giá xem Rory đã hoàn thành cam kết của mình hay chưa và Rory có phải chịu hình phạt mà anh đã tự đặt ra hay không. Chúng tôi sẽ nói rõ hơn về việc bạn nên đặt ra những hình phạt và phần thưởng như thế nào trong những chương sau, còn bây giờ bạn chỉ cần biết rằng hình phạt của Rory là một hình phạt rất nặng nề đối với anh: anh sẽ phải mặc áo của đội bóng anh ghét nhất là Arsenal trong vòng một giờ (trùng hợp thay, Arsenal lại là đội bóng ưa thích của Owain), trên đó có số áo và tên của cầu thủ giỏi nhất đội bóng (lúc đó là Robin van Persie).
Trong thời gian đầu, Rory vẫn cảm thấy rất khổ sở mỗi khi phải buộc mình đến phòng gym hai lần mỗi tuần, nhưng cảm giác khổ sở đó không thể bì được với áp lực của việc phải thực hiện cam kết của bản thân và nguy cơ phải mặc chiếc áo đấu mang tên Robin van Persie. Vài tuần sau đó, Rory nhận thấy anh đã bắt đầu hình thành một thói quen. Chẳng mấy chốc, Rory đã đạt được mục tiêu của mình, còn Owain thì chưa từng được tận hưởng khoảnh khắc nhìn thấy Rory trong màu áo của Arsenal. Có lẽ quan trọng hơn cả là từ đó trở đi, cả Rory và Owain đều đã áp dụng các công cụ cam kết vào cuộc sống của họ, từ phương diện cá nhân đến sự nghiệp, từ việc tạo động lực tiết kiệm tiền hay thành lập văn phòng đại diện của BIT ở nhiều quốc gia đến việc dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.
Cam kết là một việc tương đối đơn giản, nhưng bạn sẽ cần thực hiện một số việc nhỏ để củng cố cam kết của mình và tạo động lực để bạn có thể theo đuổi cam kết đó đến cùng. Ba nguyên tắc vàng giúp bạn hoàn thành cam kết của mình là:
Lập cam kết. Việc đầu tiên bạn cần làm là đưa ra một lời cam kết. Bạn phải đảm bảo rằng lời cam kết đó có liên quan mật thiết đến mục tiêu chính của bạn cũng như từng bước nhỏ trong kế hoạch theo đuổi mục tiêu đó.
Viết ra và công khai cam kết. Bạn sẽ có thể giữ vững cam kết của mình nếu bạn viết ra và công khai cam kết cho người khác biết.
Nhờ người làm trọng tài cam kết. Trọng tài cam kết sẽ là người giúp bạn bám sát mục tiêu cốt lõi của mình. Người làm trọng tài cho bạn phải là một người mà bạn tin tưởng, đồng thời cũng phải đủ cứng rắn để áp dụng hình phạt nếu bạn không hoàn thành cam kết.
Nguyên tắc 1: Lập cam kết
Hãy tưởng tượng đó là một tối thứ Tư. Bạn đã có một ngày làm việc mệt mỏi và trong tủ lạnh không còn nhiều đồ ăn. Bạn quyết định sẽ thư giãn bằng cách gọi đồ về nhà ăn trong khi xem một bộ phim. Bạn nhấc điện thoại lên để đặt một cái pizza, rồi bạn bật tivi và đối mặt với hai sự lựa chọn. Một kênh đang chiếu một bộ phim có tính giải trí mà bất cứ ai cũng có thể xem và hiểu được, giả sử đó là phim Batman v Superman (Người Dơi đại chiến Siêu nhân) hay Pitch Perfect (Cao độ hoàn hảo) - cả hai phim này đều không có các tình tiết phức tạp khiến bạn phải động não phân tích sau khi xem xong. Kênh còn lại đang chiếu một bộ phim thuộc thể loại hoàn toàn khác, đòi hỏi người xem phải đầu tư trí tuệ cao hơn nhiều, giả sử đó là Twelve Years a Slave (Mười hai năm nô lệ) hay Lincoln (Tổng thống Lincoln) - cả hai phim này đều không có tính giải trí cao, nhưng lại là những phim mà bạn đã muốn xem thử từ lâu. Thêm vào đó, bạn nghĩ hai phim này sẽ có những chi tiết thú vị và bổ ích mà Pitch Perfect không thể có được. Bạn sẽ chọn thể loại phim nào sau một ngày làm việc cật lực: dễ dãi và có tính giải trí hay nghiêm túc và có tính hàn lâm?
Nếu bạn là một trong các giáo sư về khoa học hành vi như Daniel Read, George Loewenstein, hay Shobana Kalyanaraman đồng nghiệp của họ thì bạn sẽ hiểu được cảm giác luôn muốn xem một bộ phim có tính hàn lâm, nhưng rồi lại chọn xem một bộ phim có tính giải trí khi cảm thấy căng thẳng. Nhiều người cho rằng các bộ phim có tính hàn lâm là những bộ phim mà chúng ta luôn muốn xem (và nếu đã xem thì có lẽ chúng ta sẽ không cảm thấy hối tiếc vì đã chọn xem thể loại phim này); trong khi đó, phim có tính giải trí thì thường “vui nhưng dễ quên”. Theo các nhà nghiên cứu, khi mới bắt đầu tìm hiểu về hiện tượng phim hàn lâm, họ đã nhận thấy rất nhiều bạn bè của họ có ý định xem Schindler’s List (Bản danh sách của Schindler) nhưng lại chần chừ suốt nhiều tuần cho đến khi thật sự xem được bộ phim đó, nhiều người thậm chí còn không bao giờ hoàn thành ý định của mình.
Giống như mọi nhà khoa học hành vi tận tụy khác, Read, Loewenstein và Kalyanaraman không dừng lại ở việc rút ra một lời kết luận chung chung rồi chuyển sang chủ đề nghiên cứu khác. Họ quyết định thực hiện một cuộc thử nghiệm để tìm hiểu xem hiện tượng này có thể thay đổi như thế nào khi chúng ta có nhiều lựa chọn khác nhau. Họ tập hợp một số sinh viên, phân chia ngẫu nhiên thành hai nhóm khác nhau và yêu cầu các sinh viên chọn ra ba bộ phim để xem vào ba đêm khác nhau. Giữa hai nhóm sinh viên có một sự khác biệt quan trọng. Nhóm thứ nhất sẽ chọn một bộ phim họ muốn xem theo từng ngày, nhằm mô phỏng tình huống của những người chọn phim để xem sau một ngày làm việc vất vả. Nhóm thứ hai sẽ chọn cả ba bộ phim vào ngày đầu tiên và xem dần mỗi ngày một bộ phim như đã chọn. Có thể thấy bản chất của sự lựa chọn cho ngày đầu tiên ở cả hai nhóm là như nhau (chọn phim để xem trong ngày hôm đó), nhưng ngày thứ hai và thứ ba thì khác, vì nhóm thứ hai đưa ra lựa chọn cho tương lai trong khi nhóm thứ nhất chỉ chú ý tới hiện tại. Vấn đề mà các nhà nghiên cứu muốn xác định là khi khuyến khích các sinh viên đưa ra cam kết về những gì họ sẽ làm trong tương lai, phải chăng quyết định của họ sẽ phản ánh những gì họ dự định làm (xem phim Schindler’s List) thay vì những gì họ muốn làm trong khoảnh khắc đưa ra quyết định (xem phim Batman v Superman). Đó chính xác là những gì đã xảy ra. Ở nhóm đầu tiên, mỗi khi được yêu cầu chọn phim để xem trong ngày hôm đó, hầu hết sinh viên đều chọn những phim có tính giải trí. Nhưng ở nhóm thứ hai, đa số sinh viên chỉ chọn phim giải trí cho ngày đầu tiên. Với những ngày sau đó, khi các sinh viên có thời gian để suy ngẫm về những dự định của mình, họ thường sẽ chọn những bộ phim có tính hàn lâm hơn.
Dù thử nghiệm đơn giản này nghe có vẻ như một nỗ lực nhằm tìm hiểu thị hiếu của người xem phim, nhưng đó cũng là thử nghiệm đã cho chúng ta thấy một điều quan trọng về cách chúng ta nghĩ về tương lai. Chúng ta thường ưu tiên những “thói xấu” trước mắt (xem phim giải trí, ăn bánh mì kẹp thịt và khoai tây chiên, lướt web trong giờ làm việc) hơn những “đức tính tốt” trước mắt (xem phim hàn lâm, ăn thịt gà nướng vỉ và salad trộn, làm xong bản báo cáo cuối cùng), “vì thói xấu mang lại phần thưởng tức thời trong hiện tại”. Các nhà khoa học hành vi gọi đây là “thiên kiến hiện tại”, theo đó chúng ta thích có được phần thưởng ở hiện tại hơn là đạt được những thành tựu lớn hơn trong tương lai, và chúng ta thường trì hoãn những quyết định cũng như hành động đòi hỏi sự nỗ lực dù chúng ta biết rõ mình không nên trì hoãn như thế. Chúng ta thích ăn bánh ngọt và thư giãn ngay hôm nay, còn ăn gạo lứt và tập thể dục cứ để ngày mai. Chúng ta thích tiêu tiền hôm nay hơn là tiết kiệm cho ngày về hưu. Chúng ta không thể khắc phục những vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu vì chi phí phải trả để cải thiện những vấn đề đó thì bày ra trước mắt, trong khi mãi tận về sau chúng ta mới nhìn thấy được lợi ích. Cứ như thể chúng ta có hai cái tôi khác biệt: cái tôi hiện tại có khuynh hướng thích ăn kem và uống bia; còn cái tôi tương lai có khuynh hướng đưa ra những lựa chọn tốt hơn, sẽ kiêng các món tráng miệng và nước uống có ga. Vấn đề là dĩ nhiên vào một lúc nào đó, cái tôi tương lai sẽ trở thành cái tôi hiện tại của chúng ta. Và đây chính là chi tiết thể hiện sự tài tình trong công trình nghiên cứu của Read, Loewenstein và Kalyanaraman. Họ đã có thể chứng minh rằng khi chúng ta buộc cái tôi hiện tại phải suy nghĩ về cái tôi tương lai và gắn cái tôi tương lai với một kế hoạch đã được định sẵn từ trước, chúng ta sẽ có thể vượt qua những rào cản về thời gian giữa hai cái tôi. Về bản chất, đây chính là ý nghĩa của công cụ cam kết. Công cụ cam kết là một lời hứa được đưa ra bởi cái tôi hiện tại nhằm buộc cái tôi tương lai phải đi theo một con đường tốt đẹp hơn, biết rằng những hành động của cái tôi tương lai đã được định đoạt bởi cái tôi hiện tại.
Vì vậy, khi biết rằng việc khiến bản thân thường xuyên đến phòng gym là khó khăn - tương tự tình huống của Rory - hoặc biết rằng việc theo đuổi những lớp học ngoại ngữ là không hề dễ dàng vì cái tôi tương lai của bạn sẽ thích đến quán rượu hơn là chia động từ, bạn nên suy nghĩ về việc lập một lời cam kết. Trong những phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu những cách bạn có thể áp dụng để củng cố cam kết của mình. Nhưng hiện tại, bạn chỉ cần biết rằng lập cam kết - đi tập thể hình, đến lớp ngoại ngữ - là bước quan trọng đầu tiên của giai đoạn cam kết. Bạn có thể lập cam kết dựa trên mục tiêu cuối cùng (hoàn thành một cuộc thi ma-ra-tông trong vòng bốn giờ), hoặc dựa trên những bước nhỏ mà bạn đã xác định là mình phải thực hiện để đạt được mục tiêu cuối cùng (chạy bộ ba lần một tuần). Bạn cũng nên liên hệ cam kết của mình với những phần thưởng hoặc hình phạt do bạn tự đặt ra (chủ đề của chương “Đề ra phần thưởng”). Đây là cách tốt nhất để làm cho cam kết của bạn có tính ràng buộc, đi kèm với những hệ quả nhất định mà bạn phải gánh chịu nếu không hoàn thành cam kết của mình. Khi đã thực hiện tất cả những việc này, bạn sẽ cảm nhận được một sự thôi thúc mãnh liệt, khiến bạn muốn hành động nhất quán với những gì mình đã hứa và khiến bạn thấy không thoải mái nếu phá vỡ cam kết của mình. “Cảm giác không thoải mái đã được đoán trước” này sẽ giúp bạn tập trung để hoàn thành cam kết của mình.
Một trong những ví dụ ưa thích của chúng tôi về công cụ cam kết được sử dụng để giúp chúng ta đạt được mục tiêu tham vọng là một nghiên cứu có liên quan đến việc tiết kiệm, trong đó khai thác tất cả các cơ chế của công cụ cam kết. Trong nghiên cứu này, bảy trăm đối tượng tham gia nghiên cứu được quyền lựa chọn giữa tài khoản tiết kiệm thông thường hoặc tài khoản tiết kiệm cam kết - loại tài khoản tiết kiệm chỉ cho phép người tiết kiệm rút tiền khi họ đạt mục tiêu cụ thể mà họ tự đề ra. Mục tiêu đó có thể là một thời điểm mà họ cần khoản tiền lớn (chẳng hạn như Giáng sinh hay kỳ đóng học phí), hoặc một số tiền nhất định. Những người này được toàn quyền quyết định mục tiêu của mình sẽ là gì, nhưng một khi mục tiêu đã được xác định thì họ phải cam kết hoàn thành mục tiêu đó. Nói cách khác, những người chọn mở tài khoản cam kết sẽ chỉ được nhận tiền khi họ đã hoàn thành mục tiêu. Sau mười hai tháng, các nhà nghiên cứu đã tính toán số tiền tiết kiệm trung bình của những người mở tài khoản cam kết và so sánh với nhóm đối chứng. Kết quả là số tiền trung bình mà những người mở tài khoản cam kết tiết kiệm được đã tăng đến 81%.
Một trong những lý do khiến chúng tôi thích công trình nghiên cứu này là vì không ai trong số các đối tượng nghiên cứu bị ép phải mở những tài khoản đó. Trên thực tế, những người này hoàn toàn có lý do chính đáng để từ chối mở loại tài khoản tiết kiệm này, vì họ vừa không nhận được bất kỳ ưu đãi nào vừa không thể rút tiền khi họ muốn. Mặc dù vậy, cứ ba hoặc bốn người được giới thiệu về tài khoản cam kết thì lại có một người chấp nhận mở loại tài khoản này. Bản thân việc có nhiều người sẵn sàng mở tài khoản cam kết đến thế đã là một khám phá quan trọng, cho chúng ta thấy rằng nhiều người cũng ý thức về những điểm yếu trong nhận thức của họ, khiến họ không thể theo đuổi đến cùng những lựa chọn của mình. Thực tế thì chúng ta cũng thường sử dụng công cụ cam kết trong cuộc sống hằng ngày. Những bậc cha mẹ bực tức vì sự bừa bộn của con không chỉ yêu cầu con dọn dẹp phòng mà còn bắt con hứa sẽ làm. Chúng ta thường sắp xếp thời gian để tập thể dục cùng bạn bè một phần vì chúng ta biết nếu không đi tập nghiêm túc thì chúng ta sẽ khiến bạn mình thất vọng. Chúng ta đăng ký tham gia một cuộc thi ma-ra-tông khi chỉ còn sáu tháng là đến ngày diễn ra sự kiện, vì chúng ta biết khi làm vậy thì chúng ta buộc phải tập luyện. Tương tự, chúng ta hỏi các đồng nghiệp xem họ sẽ làm những gì trước khi cuộc họp tiếp theo diễn ra để tăng xác suất hoàn thành công việc của họ. Thậm chí, có bằng chứng còn cho thấy nhiều người đang bắt đầu mua thức ăn qua mạng nhiều hơn, vì việc này sẽ giúp họ mua những món ăn phù hợp hơn với sở thích của cái tôi tương lai và tránh mua những món mà cái tôi hiện tại của họ đang muốn ăn.
Có vẻ như trong tất cả các lĩnh vực, dựa vào trực giác của mình, chúng ta có thể hiểu rằng trong tương lai chúng ta sẽ đối mặt với những cám dỗ mà cái tôi hiện tại của chúng ta mong cái tôi tương lai của ta sẽ tránh được. Chúng ta dường như cũng hiểu rằng cách hữu hiệu để tránh những cám dỗ đó là cam kết thực hiện một hành động cụ thể trong tương lai. Vì vậy, một khi đã xác định được mục tiêu và những bước cần thực hiện để theo đuổi mục tiêu đó, bạn nên cam kết sẽ hoàn thành mục tiêu của mình và/hoặc các bước riêng biệt trong hành trình chinh phục mục tiêu đó.
Nguyên tắc 2: Viết ra và công khai cam kết
Một trong những thử nghiệm nổi tiếng nhất về tâm lý học xã hội là thử nghiệm về “sự khách quan”, hay nói cách khác là bài kiểm tra về việc chúng ta dễ bị tác động bởi áp lực xã hội được tạo ra từ số đông như thế nào. Thử nghiệm kinh điển này được thực hiện bởi Solomon Asch vào những năm 1950. Trong đó, đối tượng tham gia được cho xem hai hình khác nhau. Một hình là một đoạn thẳng, còn hình kia là ba đoạn thẳng có độ dài khác nhau. Câu hỏi được đặt ra là đoạn thẳng nào trong hình thứ hai có độ dài bằng với đoạn thẳng trong hình thứ nhất. Đây là một thử thách đơn giản, và thường thì số người trả lời sai chiếm chưa tới 1%. Thật lòng mà nói, có lẽ bạn cũng đang tự hỏi những người chiếm 1% đó đã làm gì khi nghe câu hỏi để có thể trả lời sai như thế. Bạn có thể tự mình kiểm chứng bằng hai hình dưới đây: đoạn thẳng nào trong hình bên phải có chiều dài bằng với đoạn thẳng trong hình bên trái?
Thật ra, đây là một thử nghiệm tâm lý, và điều mà các nhà nghiên cứu thật sự muốn kiểm tra không phải là khả năng xác định đoạn thẳng nào dài bằng đoạn thẳng nào. Điều họ muốn thử nghiệm là chuyện gì sẽ xảy ra khi ai đó có nhận định khác với bạn. Trong thử nghiệm của Asch, một đối tượng nghiên cứu sẽ được xếp vào cùng phòng với một nhóm người, trong đó gồm những diễn viên đã được yêu cầu phải luôn đưa ra câu trả lời sai. Mục đích của tình huống này là để tìm hiểu xem việc bị tác động bởi áp lực xã hội từ nhóm người kia có khiến đối tượng nghiên cứu đưa ra một câu trả lời mà họ biết rõ là sai hay không. Nếu đây là lần đầu tiên bạn đọc về thử nghiệm này thì có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết được kết quả thử nghiệm, theo đó số lần đối tượng nghiên cứu chấp nhận câu trả lời sai của số đông chiếm tới 37%. Trong những năm 1950, khi Cuộc thảm sát người Do Thái kết thúc và Chiến tranh Lạnh bắt đầu, kết quả thử nghiệm trên là một khám phá đáng lo ngại, vì có vẻ như chúng ta dễ bị tác động bởi áp lực từ tập thể nhiều hơn ta nghĩ. Trong bài viết của mình, Solomon Asch nhận định: “Thật đáng lo ngại khi khám phá được rằng trong xã hội của chúng ta, khuynh hướng đồng tình với số đông có tác động mạnh mẽ đến mức có thể khiến cho những con người trẻ tuổi, thông minh và thiện chí sẵn sàng nói trắng là đen”. Dù đây thật sự là những khám phá đáng kinh ngạc và có thể khiến các nhà tâm lý học xã hội thời đó cảm thấy lo ngại, nhưng nhiều người cũng công nhận rằng những thay đổi nhỏ trong cách một người đưa ra quan điểm sẽ tác động rất nhiều đến khả năng giữ vững lập trường của họ.
Sau công trình của Solomon Asch, Morton Deutsch và Harold Gerald đã thực hiện những thử nghiệm tương tự với nhiều sự điều chỉnh tinh tế, được thiết kế với mục đích kiểm tra xem liệu các hình thức cam kết khác nhau có thể giúp đối tượng tham gia củng cố sự kiên định của mình hay không. Một số đối tượng đã tham gia các thử nghiệm được tiến hành theo phiên bản đầu tiên. Họ xem các đoạn thẳng, tự rút ra nhận định cho riêng mình và sau đó nghe quan điểm trái chiều của nhiều người khác. Tình huống thử nghiệm của các đối tượng khác thì được điều chỉnh đôi chút. Thay vì chỉ giữ nhận định của mình trong đầu, họ được yêu cầu phải viết những nhận định đó ra giấy trước khi nói cho người khác biết. Câu hỏi được đặt ra là việc viết ra giấy có thể hay không thể củng cố sự kiên định của một cá nhân đối với kết luận của họ và giúp họ không bị tác động bởi áp lực nhóm. Những thử nghiệm mà không ai viết câu trả lời của mình ra giấy có kết quả tương tự thử nghiệm của Asch. Đối tượng tham gia những thử nghiệm này cũng bị áp lực nhóm thôi thúc tuân theo số đông, và vì thế họ đã đưa ra những nhận định sai lệch về độ dài của các đoạn thẳng. Ở nhóm đối tượng viết đáp án của mình ra giấy trước khi trả lời, những nhận định sai lệch đã giảm hơn ba phần tư.
Hai công trình nghiên cứu khác biệt này đã được thực hiện cách nay hơn sáu mươi năm và có thể khiến bạn cảm thấy quá xa lạ, không liên quan đến những mục tiêu mà bạn tự đề ra cho mình. Nhưng đó là những thử nghiệm cho thấy nhiều sự thật về hành vi của con người, những gì chúng ta có thể vận dụng để củng cố các cam kết của mình. Bước đơn giản đầu tiên chúng ta có thể thực hiện chính là làm những gì mà các đối tượng nghiên cứu đã làm trong thử nghiệm được điều chỉnh, đó là viết ra cam kết của mình. Bạn có thể viết cam kết của bạn lên một chiếc bảng được đặt ở không gian chung của tập thể, như Rory đã viết cam kết tập gym của anh lên chiếc bảng ở văn phòng của BIT. Hoặc bạn có thể viết cam kết của mình ra giấy trước sự chứng kiến của trọng tài cam kết (chúng ta sẽ tìm hiểu về vai trò của những người này trong nguyên tắc tiếp theo). Viết cam kết ra giấy, hay thậm chí ký tên xác nhận đối với từng cam kết, là cách hiệu quả để gia tăng sự kiên định của chúng ta. Đây cũng là một trong những lý do khiến kỹ thuật này được sử dụng rất thường xuyên trong đời sống hiện đại. Chúng ta ký hợp đồng lao động, hợp đồng mua bán nhà hoặc giấy đăng ký kết hôn. Những loại giấy tờ này chỉ được xem là có hiệu lực - buộc ta phải cam kết cho hành động của mình trong tương lai - khi chúng ta điền ngày tháng và ký tên mình vào đó. Nhiều tổ chức trên khắp thế giới cũng yêu cầu nhân viên tự đề ra mục tiêu về những gì họ sẽ đạt được trong năm; những mục tiêu này phải được viết ra giấy và có sự xác nhận của trưởng phòng. Danh sách mua sắm dường như cũng là một công cụ hiệu quả để thay đổi hành vi mua sắm của chúng ta. Tương tự tác dụng của việc mua sắm trực tuyến, danh sách mua sắm không chỉ giúp chúng ta nhớ món đồ mình cần mua, mà còn giúp chúng ta hạn chế hành vi mua sắm bốc đồng bằng việc cam kết trước về hành động mua sắm của mình trong tương lai. Vậy nên, một khi bạn đã cam kết sẽ thực hiện điều gì đó, hãy viết ra cam kết của mình.
Nếu việc viết ra cam kết của mình giúp bạn tăng tính ràng buộc của một cam kết thì việc công khai cam kết có thể tối đa hóa mức độ ràng buộc của cam kết đó. Nói cách khác, bạn không nên viết cam kết ra đâu đó rồi chỉ giữ cho riêng mình. Một trong những yếu tố khiến các cam kết được viết ra giấy trong thử nghiệm của Deutsch và Gerald có tính ràng buộc mạnh mẽ chính là những cam kết này có thể sẽ được công khai sau đó. Để hiểu cơ chế vận động của một cam kết được công khai, chúng tôi muốn giới thiệu đến bạn một nghiên cứu thú vị được Giáo sư tâm lý học Thomas Moriarty thực hiện, trong đó áp dụng một tình huống quen thuộc với tất cả chúng ta. Lần đầu tiên chúng tôi biết đến nghiên cứu này là thông qua Robert Cialdini, tác giả của quyển sách kinh điển Influence (Những đòn tâm lý trong thuyết phục) đã xác nhận các công trình nghiên cứu mà BIT từng thực hiện những năm qua.
Bối cảnh được đặt ra là một ngày hè tại bãi biển Jones Beach của Thành phố New York. Hãy hình dung bạn đang ở đó và nghĩ xem bạn sẽ hành động thế nào trong tình huống sau. Bạn thấy có người đang đi về phía mình. Khi còn cách bạn khoảng một mét, người đó dừng lại, trải khăn để ngồi thư giãn và mở radio với âm lượng khá lớn để nghe chương trình phát thanh địa phương. Vài phút sau, người này hỏi bạn có bật lửa không và có thể cho họ mượn để mồi một điếu thuốc hay không, sau đó người này bước đi và chẳng mấy chốc bạn đã không còn nhìn thấy anh ta nữa. Vài phút sau, một người đàn ông khả nghi xuất hiện. Người đàn ông này bước đến chỗ của người khi nãy, cầm chiếc radio vẫn đang phát ra những âm thanh ồn ào lên và nhanh chóng bỏ đi. Bạn sẽ làm gì? Nếu giống như hầu hết các đối tượng trong công trình nghiên cứu này thì có lẽ bạn sẽ không làm gì cả. Bạn sẽ không can thiệp và để cho người đàn ông lạ mặt kia lấy chiếc radio đi. Có thể bạn sẽ tự hỏi tại sao bạn phải can thiệp - người đàn ông lạ mặt có thể sẽ gây sự với bạn và bạn cũng không chắc ai mới là người sở hữu chiếc radio kia. Nhưng bây giờ, hãy tưởng tượng một tình huống tương tự, với một sự thay đổi nhỏ. Thay vì hỏi mượn bật lửa của bạn, người có vẻ khó gần và thích nghe radio kia nói với bạn trước khi anh rời đi: “Tôi chuẩn bị đi dạo dọc bãi biển một lúc. Tôi có thể nhờ anh coi giùm mấy món đồ được không?”. Nói cách khác, anh ta muốn có một cam kết công khai và trực tiếp từ phía bạn. Vậy bạn sẽ làm gì nếu một người đàn ông khác xuất hiện và lấy cắp chiếc radio? Nếu giống như hầu hết những người đi tắm biển ở bãi biển Jones Beach thì sau khi công khai cam kết sẽ trông chừng những món đồ của người kia, bạn sẽ hành động hoàn toàn khác so với khi bạn gặp tình huống đầu tiên. Khi thử nghiệm này được thực hiện, những người quyết định can thiệp chiếm đến 95%, tức là chỉ có một trong số hai mươi người không hành động để ngăn cản tên trộm.
Tương tự như việc viết ra cam kết, công khai cam kết cũng tạo ra động lực mạnh mẽ khiến bạn kiên định hơn so với khi bạn chỉ tự đưa ra lời hứa trong đầu mình. Nếu việc viết ra cam kết đã chủ quan hóa áp lực xã hội - chúng ta có những kỳ vọng nhất định về chính hành vi của mình - thì việc công khai cam kết sẽ khiến người khác biết đến những áp lực chủ quan đó của chúng ta. Chúng ta muốn trong mắt người khác, chúng ta là những người có hành vi nhất quán, kiên định. Ví dụ bạn đã hứa sẽ trông chừng đồ đạc giúp một người nào đó, vậy bạn sẽ cảm thấy thế nào khi người đó hỏi bạn đã làm những gì khi có người trộm đồ của họ? Sự cần thiết của việc duy trì sự nhất quán công khai là một trong những lý do vì sao khi các thành viên bồi thẩm đoàn bất đồng ý kiến với nhau và không thể đưa ra kết luận, họ buộc phải biểu quyết bằng cách giơ tay chứ không thể biểu quyết bằng phiếu kín. Một khi các thành viên bồi thẩm đoàn đã công khai quan điểm của mình, họ khó có thể thay đổi những quan điểm đó một cách công khai. Nếu dành chút thời gian để suy nghĩ về điều này, chúng ta sẽ nhận ra mình cũng từng áp dụng những lời cam kết công khai, thường là đối với những việc mà chúng ta xem là quan trọng nhất trong số những quyết định chúng ta đưa ra. Ví dụ, ở các nước phương Tây, người ta thường mời người khác tới dự đám cưới của mình để chứng kiến khoảnh khắc họ đọc lời thề thủy chung, chứ không phải chỉ nghe họ nói đồng ý lấy người kia làm vợ/chồng của mình. Thậm chí, có bằng chứng còn cho thấy số người mà người ta mời tới đám cưới của họ tỷ lệ nghịch với nguy cơ ly hôn. Những cặp yêu nhau kết hôn mà không tổ chức lễ cưới thường có tỷ lệ ly hôn cao gấp mười hai lần so với những cặp vợ chồng có tổ chức lễ cưới và có sự tham dự của hai trăm khách mời trở lên. Dĩ nhiên, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ ly hôn cao, một trong số đó có thể là do các cặp tự ý kết hôn thường kém chín chắn hơn. Nhưng dù sao thì kết quả nghiên cứu này cũng khớp với nhiều công trình nghiên cứu mà theo đó, việc công khai cam kết trước sự chứng kiến của người thân và bạn bè có thể giúp bạn có thêm động lực và sự gắn kết cần thiết, để bạn có thể gắn bó với người bạn đời của mình dù cuộc sống hôn nhân có nhiều khó khăn. Vậy nên, để đảm bảo bạn sẽ thực hiện cam kết của mình, hãy nghĩ về những cách mà bạn có thể áp dụng để công khai cam kết đó. Ví dụ, bạn có thể cam kết với nhóm của mình rằng mỗi tuần bạn đều sẽ gửi cho họ thông tin cập nhật về những quyết định quan trọng, hoặc bạn có thể công khai cam kết trên trang web của công ty rằng mỗi năm bạn sẽ công bố báo cáo về tình hình hoạt động của công ty.
Giống như nhiều khía cạnh khác của cách tiếp cận tập trung vào các chi tiết nhỏ, cách bạn công khai lời cam kết cũng rất quan trọng. Hãy nhớ lại cách mà Rory đã cam kết sẽ tập luyện để có một thân hình cân đối. Anh không đơn giản chỉ tuyên bố mục tiêu của mình trước mặt các đồng nghiệp rồi xem như mọi chuyện đã xong. Có một số bằng chứng đã cho thấy việc chỉ đơn giản tuyên bố ý định theo đuổi mục tiêu có thể sẽ gây phản tác dụng, đồng thời việc này cũng không tạo ra được sự ràng buộc cần thiết để chúng ta duy trì sự kiên định của mình. Dường như chúng ta dễ bị phân tâm hơn nếu chúng ta kể cho người khác nghe về mục tiêu của mình, bất kể sau đó chúng ta có thật sự theo đuổi mục tiêu của mình tới cùng hay không, đặc biệt nếu đó là những mục tiêu có thể khiến chúng ta cảm thấy hãnh diện (chẳng hạn như viết tiểu thuyết hay tăng cường tái chế). Dù vậy, chỉ cần chúng ta không dừng lại ở bước công khai ý định của mình thì mọi chuyện sẽ khác. Đó là lý do vì sao Rory không chỉ tuyên bố ý định của mình, mà còn công khai những bước anh sẽ thực hiện để đạt được mục tiêu bằng cách viết tất cả lên chiếc bảng đặt trong văn phòng. Đây là dấu hiệu nhận biết của một công cụ cam kết tốt. Khi áp dụng phương pháp nghĩ nhỏ, quan trọng là chúng ta phải kết hợp được cam kết của mình với việc xác định mục tiêu và lập kế hoạch - những bước quan trọng mà chúng ta đã tìm hiểu ở các chương trước. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc cam kết thực hiện những bước cụ thể và cần thiết để theo đuổi mục tiêu với việc chỉ đơn giản tuyên bố ý định muốn đạt được một điều gì đó. Như chúng ta đã đề cập, chi tiết nhỏ có vai trò rất quan trọng.
Nguyên tắc 3: Nhờ người làm trọng tài cam kết
Trong loạt phim hài Mỹ Curb Your Enthusiasm (Đừng quá nhiệt tình), có một tình huống rất thú vị mà trong đó, Larry David được một người bạn nhờ làm “trọng tài tráng miệng” để giúp cô tránh ăn các món tráng miệng. Cô nói với Larry rằng dù “vì bất kỳ lý do gì” thì ông cũng không được để cô ăn bất kỳ món tráng miệng ngon lành nào mà cô đã chuẩn bị cho mọi người. Tuy nhiên sau khi dùng xong bữa chính trong tối hôm đó, cô đi tới chiếc bàn để các món tráng miệng và lấy một miếng bánh ngọt lớn. Hành động của cô đã bị Larry nhìn thấy, ông giật miếng bánh ra khỏi tay cô và ngăn không cho cô ăn.
Người bạn: “Tôi chỉ muốn ăn thử một miếng thôi mà”.
Larry: “Không, không. Cô đã dặn tôi rất kỹ là không được để cô ăn bất kỳ món tráng miệng nào”.
Người bạn: “Tôi vô cùng biết ơn vì hành động này của anh, Larry. Nhưng tôi đổi ý rồi”.
Larry: “Nhưng cô đã nói ‘vì bất kỳ lý do gì’ kia mà”.
Người bạn: “Nhưng tôi đổi ý rồi. Và tôi đang nói tôi cảm ơn anh vì đã giúp tôi, nhưng bây giờ tôi sẽ ăn một ít bánh ngọt”.
Larry: “Nhưng cô không thể đổi ý được. Cô đã nói tôi không được cho cô ăn bánh ngọt ‘vì bất kỳ lý do gì’, nên tôi không thể cho cô ăn vì cô ‘đổi ý’ được. Đây là lý do vì sao cô nhờ tôi mà không phải ai khác, vì cô biết tôi sẽ không cho cô ăn”.
Những người khác: “Trời ơi, Larry, cứ để cô ấy ăn đi”.
Larry: “Nhưng cô ấy nói không được cho cô ấy ăn ‘vì bất kỳ lý do gì’ mà”.
Nếu từng xem tập phim này thì chắc hẳn bạn cũng biết mọi thứ đã trở nên hỗn loạn sau khi Larry David can thiệp. Mặc dù cách can thiệp của Larry không phải là điều đáng để mọi người học hỏi, nhưng quá trình can thiệp của Larry đã cho chúng ta thấy một số nguyên tắc mà theo các nghiên cứu mới nhất về khoa học hành vi là rất quan trọng trong việc theo đuổi mục tiêu. Đầu tiên, đó là khả năng nhận ra cái tôi tương lai của chúng ta sẽ đối mặt với nhiều cám dỗ mà ta khó có thể kháng cự được. Đây cũng là yếu tố quan trọng nhất của một công cụ cam kết. Thứ hai, đó là khả năng hiểu rằng chúng ta sẽ có thể theo đuổi cam kết của mình tới cùng nếu nhờ ai đó đóng vai trò trọng tài cam kết - người sẽ giám sát quá trình thực hiện của chúng ta và xác định xem chúng ta đã đạt được mục tiêu của mình hay chưa.
Dean Karlan và Ian Ayres là hai trong số những nhà khoa học đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu tầm quan trọng của trọng tài cam kết. Họ cũng là hai trong số những thành viên sáng lập trang web stickK.com - một trang web được thiết kế với mục đích giúp mọi người lập cam kết và theo đuổi cam kết của họ đến cùng. StickK.com khuyến khích mọi người tạo “hợp đồng cam kết”, theo đó bạn sẽ ký vào một hợp đồng có ràng buộc để giúp bản thân theo đuổi những ý định của mình đến cùng. Việc này cũng tương tự như nguyên tắc thứ hai mà chúng ta đã tìm hiểu trong chương này, đó là viết ra và công khai cam kết. Suốt nhiều năm, Karlan và Ayres đã thu thập dữ liệu về những hợp đồng cam kết có kết quả tốt nhất, và họ đã phát hiện một trong những cách hiệu quả nhất để chúng ta đạt được mục tiêu của mình là nhờ một người làm trọng tài cam kết. Những người có trọng tài cam kết thường có tỷ lệ hoàn thành mục tiêu cao hơn 70% so với những người không có trọng tài cam kết. Nhưng như Karlan và Ayres đã nhận thấy - cũng là những gì Larry đã khám phá khi làm “trọng tài tráng miệng” cho bạn mình - việc tìm người làm trọng tài cam kết cho mình đôi khi cũng khá phức tạp. Khi Ayres chia sẻ những khám phá mới nhất của mình với các thành viên BIT, ông đã đưa ra hai lời khuyên. Đầu tiên, bạn phải tin rằng trọng tài của bạn sẽ có quyết định công bằng. Bạn sẽ gặp nhiều bất lợi nếu người mà bạn nhờ làm trọng tài cảm thấy thích thú trước sự khổ sở của bạn hoặc muốn cản trở bạn. Ví dụ, một trọng tài tráng miệng tồi là người thích thú trưng miếng bánh ngọt ra trước mắt bạn hòng khiến bạn bỏ cuộc. Thứ hai - quan trọng hơn cả lời khuyên đầu tiên - bạn phải tin rằng trọng tài cam kết sẽ tạo động lực để bạn hoàn thành cam kết của mình bằng cách thực thi hình phạt (hoặc trao phần thưởng) mà bạn đã tự đặt ra cho chính mình (đây cũng chính là chủ đề của chương sau).
Nhiều người nghĩ rằng một người thân thiết với chúng ta (như người yêu chẳng hạn) có thể là người tốt nhất để ta chọn làm trọng tài cam kết của mình. Có nhiều bằng chứng cho thấy khi công khai cam kết, nếu chúng ta nói lời cam kết trước mặt người mình yêu thì cam kết đó sẽ có tác động lớn hơn. Dù vậy, người yêu của chúng ta lại là những vị trọng tài kém cỏi vì họ dễ động lòng mỗi khi chúng ta có hành vi không tuân thủ cam kết (“Hãy nghỉ ngơi đi anh yêu. Hôm nay anh đã quá mệt mỏi vì công việc rồi!”). Hoặc họ có thể sẽ chiều theo ý thích của bạn, không cứng rắn để buộc bạn thực hiện các điều khoản có trong hợp đồng cam kết, khiến quá trình thực hiện cam kết của bạn bị gián đoạn (“Nếu anh muốn thì tối nay chúng ta có thể dành thời gian cho nhau. Chuyện tập thể hình có thể để sau cũng được.”). Vì vậy, Ayres khuyên chúng ta “đừng nhờ kẻ thù hay người bạn dễ mềm lòng của bạn làm trọng tài cam kết cho bạn”. Người thích hợp để chúng ta chọn làm trọng tài cam kết có thể là một đồng nghiệp mà ta tin tưởng, vì họ thường sẽ không chiều theo ý muốn của chúng ta như bạn trai hoặc bạn gái của ta. Chẳng hạn, khi Rory bắt đầu cam kết sẽ tuân thủ chế độ tập luyện mới, anh biết rằng Owain sẽ “mạnh tay” hơn nhiều so với vợ của mình - người sẽ dễ cảm thông cho Rory hơn nếu anh không thể đến phòng tập thường xuyên, đặc biệt là vào những hôm mà cả hai đều muốn đi xem phim hoặc ăn tối cùng nhau. Nguyên tắc duy nhất mà Rory và Owain đã phạm phải khi đề ra các điều khoản trong cam kết của Rory là xung đột lợi ích giữa Owain và Rory trong hình phạt dành cho Rory: nếu Rory thất bại thì Owain sẽ rất vui sướng khi được nhìn thấy Rory mặc áo thi đấu của đội Arsenal. May cho Rory là việc đó đã không xảy ra.
Việc sử dụng trọng tài cam kết có thể phát huy tác dụng trong hầu hết các lĩnh vực. Trong ví dụ ở phần đầu của quyển sách này, chúng ta đã thấy công cụ cam kết không chỉ giúp bạn đạt được mục tiêu của mình mà còn có ích trong việc giúp bạn khích lệ người khác đạt được mục tiêu của họ. Chương trình mà chúng tôi thực hiện ở các trung tâm giới thiệu việc làm đã giúp cho nhiều người tìm được việc làm nhanh chóng hơn. Trọng tâm của chương trình đó là giúp người tìm việc tập trung đề ra những mục tiêu tham vọng, sau đó chia nhỏ và cam kết thực hiện từng phần nhỏ, riêng lẻ. Paul đã cam kết sẽ cải thiện hồ sơ xin việc của mình, nộp đơn xin việc cho các nhà tuyển dụng và mua những công cụ cần thiết cho công việc mà anh muốn làm. Anh đã xác định thời điểm cụ thể để thực hiện những việc đó (một phần của hoạt động hoạch định). Và Paul đã làm tất cả trước sự chứng kiến của Melissa, chuyên gia tư vấn việc làm đồng thời cũng là trọng tài cam kết của Paul. Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc Melissa yêu cầu Paul thực hiện hàng loạt những thủ tục hành chính cần thiết để anh được hưởng chế độ phúc lợi với việc cô đóng vai trò trọng tài và theo dõi Paul hoàn thành những mục tiêu do chính anh cam kết. Chính Paul là người đã chủ động lập cam kết khi anh tuyên bố rằng trong tuần anh sẽ “đăng ký thành viên trên năm trang web tuyển dụng khác nhau”, sẽ mang hồ sơ xin việc đã điều chỉnh và thư tự giới thiệu đến gặp Melissa trong cuộc hẹn tư vấn kế tiếp. Paul sẽ khiến bản thân thất vọng nếu anh không theo đuổi những cam kết đó đến cùng. Nhưng đồng thời, Melissa cũng có một lời hứa cụ thể về những cam kết của Paul để buộc anh phải có trách nhiệm. Tuy nhiên, hãy lưu ý rằng vai trò của Melissa không phải là xác định xem Paul đã làm sai những gì. Cô cũng không có những hành động ác ý như người trưng chiếc bánh ngọt ra trước mặt người đang cố hạn chế ăn bánh ngọt. Thay vì vậy, Melissa luôn có mặt để giúp đỡ và hỗ trợ Paul, nhưng cô cũng có thể lùi lại để quan sát xem Paul có đạt được những mục tiêu của anh hay không.
Đến nay, chúng ta vẫn đang mặc định rằng trọng tài cam kết là người sẽ giúp bạn theo dõi quá trình thực hiện cam kết của mình, đồng thời là người chứng kiến khi bạn đề ra mục tiêu của mình. Nhưng chúng tôi nghĩ trong những năm sắp tới, nhiều phát minh công nghệ sẽ ra đời để thực hiện chức năng của trọng tài cam kết, giúp giảm bớt những nỗ lực mà chúng ta phải bỏ ra để theo dõi quá trình hoàn thành cam kết của mình. Với sự phát triển của điện thoại, thiết bị đeo thông minh cũng như các ứng dụng, chúng ta đã có thể theo dõi các hoạt động thể chất, chi tiêu, giấc ngủ hay trọng lượng cơ thể. Theo thời gian, có thể các thiết bị này sẽ được kết hợp với những hiểu biết về lợi ích khi có trọng tài cam kết để giúp chúng ta theo đuổi mục tiêu tới cùng. Trên thực tế, có một số sản phẩm đã được tạo ra dựa trên sự kết hợp giữa công nghệ thông minh với trọng tài cam kết. Một ví dụ điển hình trong số đó là GlowCaps (tạm dịch: Nắp phát sáng), sản phẩm được thiết kế để giúp bạn theo dõi việc uống thuốc. GlowCaps là loại nắp thay thế có kích thước phù hợp với những lọ thuốc tiêu chuẩn, được trang bị công nghệ không dây, có khả năng phát sáng và phát nhạc để nhắc bạn uống thuốc. Thiết bị này sẽ ghi nhận thông tin mỗi khi lọ thuốc được mở nắp và sẽ gửi lời nhắc nhở tới người bệnh nếu lọ thuốc không được mở trong vòng một tới hai giờ theo thời gian được cài đặt. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được khuyến khích đề cử một người (chẳng hạn như người trong gia đình, bạn bè, người chăm sóc hoặc bác sĩ) làm trọng tài cam kết, và hằng tuần người đó sẽ nhận được email tóm tắt lịch uống thuốc của bệnh nhân. Điều mà các nhà phát minh của Glowcaps hy vọng là người được đề cử làm trọng tài sẽ giúp tạo thêm động lực từ bên ngoài để giúp người bệnh uống thuốc đúng giờ hơn.
Chúng ta đã thấy rằng trọng tài cam kết có thể xuất hiện với nhiều hình thức khác nhau, nhưng một số nguyên tắc quan trọng vẫn cần được đảm bảo để giúp bạn đạt được mục tiêu của mình. Cụ thể, chúng ta đã thấy việc tìm được người phù hợp để làm trọng tài có ý nghĩa quan trọng đến mức nào. Đó phải là một người công bằng và sẵn sàng trừng phạt hoặc khen thưởng bạn, dựa trên những gì bạn đã tự quy định từ trước. Chúng ta cũng đã thấy việc viết ra và công khai cam kết sẽ giúp đảm bảo rằng những người xung quanh đều biết về mục tiêu của chúng ta, từ đó khiến chúng ta phải tuân thủ cam kết của mình. Chúng tôi hy vọng tất cả những bước nhỏ này sẽ giúp bạn dễ duy trì động lực của mình hơn, và trọng tài cam kết của bạn cũng có thể dựa vào đó để hỗ trợ bạn tốt hơn.
Công cụ cam kết có thể giúp ích cho chúng ta vì cái tôi hiện tại của chúng ta thường có những lựa chọn ưu tiên khác với cái tôi tương lai. Nếu không ý thức được sự xung đột giữa hai cái tôi của mình thì chúng ta khó có thể lập cam kết về bất kỳ điều gì. Nhưng may thay, dường như con người chúng ta cũng hiểu rõ điểm yếu của mình, và đó là lý do vì sao nhiều người thường đưa ra những lựa chọn cụ thể để buộc bản thân phải có hành động nhất định trong tương lai, chẳng hạn như mở một tài khoản tiết kiệm không cho phép họ rút tiền nếu chưa đạt được mục tiêu mà họ đặt ra. Nguyên nhân đầu tiên và quan trọng nhất khiến công cụ cam kết có thể phát huy tác dụng là chúng ta sẵn sàng sử dụng công cụ cam kết vì chúng ta ý thức được bản thân có khả năng tự kiểm soát kém. Nhưng một khi chúng ta đã lập cam kết thì công cụ cam kết lại có hiệu quả vì một nguyên nhân khác: chúng ta phải đối mặt với những áp lực nhất định về việc phải hành động nhất quán với lời hứa mình đã đưa ra, và khi hành động như thế thì ta sẽ càng có khả năng hoàn thành cam kết của mình. Khi viết ra và công khai cam kết, chúng ta không chỉ tự tạo áp lực buộc mình phải hành động nhất quán với lời cam kết của mình, mà còn cảm nhận được áp lực từ người khác. Và để gia tăng áp lực từ bên ngoài đó, chúng ta có thể nhờ một người làm trọng tài cam kết cho mình. Đó không phải là người sẽ khiến bạn phạm lỗi hoặc giúp bạn tìm lời biện hộ, mà là người sẽ hỗ trợ để bạn tập trung thực hiện cam kết của mình. Trọng tài cam kết cũng là người sẽ quyết định liệu bạn có xứng đáng với phần thưởng mà bạn đã tự đề ra cho mình hay không. Và việc bạn nên đề ra phần thưởng như thế nào sẽ là chủ đề của chương kế tiếp.