Phật nói, luôn nhìn vào thực tại. Con đường của ta do ta bước đi, nếu đi đường chính, phải luôn nhìn trước mắt, nếu không cẩn thận ắt sẽ bị lệch, có thể đi vào đường tà; nếu đi trên con đường tà đạo, càng phải luôn nhìn trước mắt, điều chỉnh phương hướng, để đi trên đường chính.
Trước khi chỉ trích người khác hãy nghĩ xem mình có bị chỉ trích không
Khi người khác làm việc sai trái, chúng ta biết chỉ trích mọi người. Nhưng nhiều khi chúng ta chỉ trích người khác, bản thân mình cũng bị chỉ trích, nhưng chúng ta quên mất chỉ trích mình. Vì thế, trước khi chỉ trích người khác, nên nghĩ xem tự mình có bị chỉ trích hay không.
Có bốn hòa thượng vì muốn tu hành, tham gia thiền tông tu “pháp môn không nói chuyện”.
Trong bốn hòa thượng này, có ba vị đạo hạnh tương đối cao, chỉ một vị đạo hạnh hơi thấp, phải lo việc đốt đèn.
Sau khi bắt đầu tu “pháp môn không nói chuyện”, cả bốn hòa thượng đều xếp bàn, đốt đèn xung quanh, sau đó tiến hành việc tu tập. Trải qua mấy tiếng đồng hồ, bốn vị đều im lặng không hề lên tiếng. Bởi đây là “háp môn không nói chuyện”, nên không ai được phép nói chuyện cũng là việc rất bình thường.
Dầu trong đèn ngày càng cháy yếu đi, sắp bị khô kiệt, hòa thượng phụ trách đốt đèn thấy hiện trạng như thế rất sốt ruột. Bấy giờ, bỗng có cơn gió thổi qua, đèn đang cháy bị gió thổi gần như sắp tắt.
Hòa thượng đốt đèn thật sự không chịu nổi, nói lớn: “Thôi hỏng rồi! Lửa sắp cháy hết rồi”.
Ba hòa thượng khác, lúc đầu đều nhắm mắt ngồi thiền, trước sau không hề nói chuyện. Khi nghe tiếng hét của hòa thượng chăm lo đèn dầu, hòa thượng thứ hai ngồi trước mặt anh ta lập tức trách mắng: “Thầy nói gì vậy! Chúng ta đang tu tập ‘pháp môn không nói chuyện’, sao thầy lại mở miệng nói chứ”. Hòa thượng thứ ba nghe xong rất tức giận, bèn mắng hòa thượng thứ hai: “Vậy thầy không nói chuyện chắc? Thật chẳng ra làm sao cả”. Đạo hạnh của hòa thượng thứ tư cao nhất, trước sau vẫn im lặng ngồi thiền, nhưng qua một lúc, thầy trừng mắt xem thường nhìn ba hòa thượng kia nói: “Chỉ có tôi là không nói mà thôi”.
Thế là cả bốn hòa thượng tham gia tu tập “pháp môn không nói chuyện”, chỉ vì một cây đèn, trước sau họ đều mở miệng nói chuyện cả. Nhưng điều đáng cười nhất là, có ba hòa thượng “đắc đạo” khi chỉ trích người khác, đều không biết rằng bản thân mình cũng phạm sai lầm là đang “nói chuyện” nữa đấy.
Gặp việc gì nên bình tĩnh để giải quyết
Rất nhiều bi kịch đều do nhất thời bị kích động và lỗ mãng tạo thành. Vì thế, khi chúng ta gặp việc nên giữ sự bình tĩnh để giải quyết, như thế có thể tránh được bi kịch.
Ngày xưa có một người ngu đần vô cùng nghèo khổ, nhưng số phận của anh ta vẫn không đến nỗi xấu lắm. Một lần trời mưa, có một vách tường bị vỡ xuống, anh ta đào được hũ vàng từ trong vách tường đổ đó, vì thế chỉ sau một đêm anh ta trở thành người vô cùng giàu có. Tế nhưng anh vẫn đần độn, anh ta biết khuyết điểm của mình, thế là anh đến thưa với một vị thiền sư, hy vọng thiền sư có thể chỉ điểm khai mê cho mình.
Thiền sư bảo với anh ta: “Ngươi có tiền, người khác có trí tuệ, sao ngươi không dùng tiền để mua trí tuệ của người khác chứ?”
Thế là người ngu đần này đi vào thành phố, anh gặp một vị tăng, liền hỏi: “Ngài có thể đem trí tuệ của ngài bán cho tôi được không?”
Vị tăng trả lời: “Trí tuệ của ta rất đắt, một câu đáng giá nghìn vàng đấy”.
Người ngu đần kia nói: “Chỉ cần mua được trí tuệ thì bao nhiêu tiền tôi cũng bằng lòng chi cả!”
Sau đó vị tăng nói với anh ta: “Lúc gặp việc khó khăn gì không nên vội vàng xử lý, phải bước về phía trước ba bước, lại lùi về phía sau ba bước, phải suy đi nghĩ lại ba lần, như thế ngươi có thể đạt được trí tuệ rồi đó”.
“Trí tuệ đơn giản thế thôi sao?” Người kia nghe xong nửa tin nửa ngờ, sợ vị tăng kia lừa tiền của mình.
Tăng nhân nhìn thấu tâm tư từ trong ánh mắt của anh ta, thế rồi tăng nhân nói với anh ta rằng: “Ngươi hãy trở về trước đi, nếu cảm thấy trí tuệ của ta không đáng giá nghìn vàng thì ngươi không cần phải đến nữa, còn nếu ngươi cảm thấy đáng giá, hãy trở lại đưa tiền cho ta cũng không muộn!”
Đêm đó anh ta trở về nhà, trong đêm tối, anh ta phát hiện vợ mình rõ ràng đang ngủ trên giường cùng với một người khác, cơn giận lập tức nổi lên, tay lăm lăm con dao làm thức ăn chuẩn bị xông vào giết người kia. Bỗng, anh ta nhớ ra trí tuệ mua được lúc sáng, thế là anh ta bước về phía trước ba bước, rồi lùi lại phía sau ba bước, suy nghĩ ba lần, trong lúc đi như thế, người vợ ngủ cùng với người kia tỉnh dậy, vội hỏi: “Con trai à, con đang làm gì vậy, đêm khuya lắm rồi!”
Người ngu đần nghe ra giọng của mẹ mình, trong lòng thầm kinh hoàng thất sắc, nếu không có trí tuệ ta mua được lúc sáng, e là hôm nay ta đã giết nhầm mẹ rồi!
Ngày hôm sau, vừa sáng sớm anh ta đã mang tiền đến cho vị tăng kia.
Trên đường đời không chỉ nhìn phía trước mà còn phải nhìn dưới chân mình
Nếu đi trong đêm tối, bất cứ những gì nằm dưới chân mình đều phải chú ý, nếu không sẽ bị va vào, thậm chí bị vấp ngã. Con đường nhân sinh cũng như thế, phải luôn luôn nhìn ở trước mắt, bước từng bước chắc chắn từ chỗ mình chăm chú nhìn.
Vào một đêm, thiền sư Pháp Diễn ngồi nói chuyện phiếm trong một ngôi đình với ba vị đệ tử là Phật Quả, Phật Nhãn và Phật Lam. Ba đệ tử này đều tên gọi “Tam Phật”, công phu thiền định xấp xỉ ngang nhau, rất ngưỡng mộ thiền sư Pháp Diễn. Lúc này chỉ nghe họ bàn luận xôn xao, khá sôi nổi.
Bất giác trời đêm trở nên mát mẻ, mấy thầy trò quấn chặt cà sa, chuẩn bị về chùa nghỉ ngơi.
Trên đường trở về, bỗng một cơn gió thổi đến, làm tắt ngọn đèn trong tay Phật Nhãn đang đưa ra trước mặt. Xung quanh tối đen như mực, Pháp Diễn không để mất cơ hội này liền nói với các đệ tử: “Hãy đem tâm tình của các con lĩnh ngộ được trong thời khắc này nói ra xem”.
Pháp Diễn vừa nói xong, Phật Lam liền đáp: “Phượng hoàng năm sắc múa trên bầu trời trong, bóng tối và ánh sáng chẳng có gì khác nhau cả. tâm của thiền giả trong thời khắc này giống như chim phượng hoàng năm sắc rực rỡ đang nhảy múa nhẹ nhàng trên bầu trời sáng đẹp”.
Pháp Diễn quay sang phía Phật Nhãn, bấy giờ Phật Nhãn thưa: “Rắn sắt ngang đường cũ. Chỉ cần trong lòng sáng suốt rỗng không, thì chẳng có gì ngăn cản được bước chân của người cầu pháp”.
Đến lượt Phật Quả, Phật Quả chỉ về phía trước con đường: “Hãy nhìn dưới chân”.
Lúc này Pháp Diễn mới gật đầu khen: “Người có thể thắng được ta, chỉ có Phật Quả mà thôi”.
Lúc này, đèn trong tay của Phật Nhãn lại sáng, hình bóng của bốn thầy trò chập chờn chập chờn đổ dài lên nhau.
Nhường nhịn khiêm nhường quá đáng sẽ trở thành khách sáo hư dối
Trong cuộc sống giao tiếp hằng ngày, chúng ta nhường nhịn khiêm nhường là điều nên có, nhưng nếu quá mức, sẽ trở thành khách sáo hư dối, khiến người cảm thấy không chân thành. Vì thế, nên vứt bỏ những hình thức dư thừa rườm rà, đem tâm thẳng thắn đối xử với mọi người, càng đơn giản càng thể hội được sự chân thành trong nhân gian.
Ngày xưa, có một vị cư sĩ, anh ta đến thiền viện thăm lão thiền sư nổi tiếng. Hai người gặp nhau, nói chuyện rất tâm đầu ý hợp, không biết thời gian trôi qua lúc nào đã quá ngọ, thế là thiền sư mời cư sĩ ở lại dùng cơm.
Thị giả bưng đến hai bát mì, xem ra rất ngon, chỉ có điều một bát lớn và một bát nhỏ. Sau khi hai người ngồi xuống, thiền sư liếc mắt nhìn, liền đem bát lớn đẩy sang trước mặt cư sĩ nói: “Anh ăn bát lớn này đi”.
Nếu theo lý thường, vị cư sĩ nên khiêm nhường một chút, nên đem bát lớn sang trước mặt Thiền sư để bày tỏ lòng tôn kính. Nào ngờ vị cư sĩ này rõ ràng ngay cả cái nhìn cũng không nhìn thiền sư, chỉ lo cắm đầu ăn lấy ăn để. Thiền sư thấy tình trạng này, mày chau lại, chẳng nói gì cả. Cư sĩ vẫn chưa phát giác, cứ một mình say sưa thưởng thức.
Anh ta ăn mì xong, ngẩng đầu lên, thấy bát của thiền sư chưa hề động đũa, anh ta cười hỏi: “Sư phụ, sao ngài lại không ăn?”
Thiền sư thở dài một hơi, chẳng nói lời nào cả.
Vị cư sĩ lại cười hỏi: “Phải chăng sư phụ đang tức giận tôi? Trách tôi không hiểu lễ nghi, chỉ lo một mình ăn như hổ như báo?”
Thiền sư vẫn không trả lời, lại thở ra một hơi nữa.
Vị cư sĩ lại hỏi: “Xin hỏi sư phụ, chúng ta đùn qua đẩy lại như vậy, mục đích là vì cái gì?”
“Là nhường cho đối phương ăn bát lớn”.
“Vậy thì đúng rồi, nhường cho đối phương ăn bát lớn là mục đích cuối cùng. Thế thì đùn qua đẩy lại, đến khi nào ta mới ăn được mì vào bụng đây. Nếu ngài đã muốn tôi ăn bát lớn, lẽ nào ngài lại không vui?”
Sau khi thiền sư nghe cư sĩ nói như vậy, trong lòng liền đốn ngộ.
Cái tên chỉ là một ký hiệu
Danh tự chỉ là một ký hiệu mà thôi, không nên vì thế mà phiền muộn không đáng. Trong cuộc sống, nên bỏ đi những việc nhỏ nhặt, phiền muộn không cần thiết, như thế mới sống đời hạnh phúc vui vẻ.
Ngày xưa, môn đệ của một thiền sư có đến 500 vị, trong đó có một tiểu hòa thượng tên “Ác Giả”. Tên của đệ tử này nghe khiến trong lòng người khác không thoải mái lắm, thế là, tiểu hòa thượng muốn nhờ sư phụ đặt cho mình cái tên khác dễ nghe hơn, nhưng sư phụ lại bảo chú tự mình đi ra ngoài tìm một cái tên hay. Tiểu hòa thượng vô cùng vui mừng, liền đi khắp hang cùng ngõ hẻm để tìm một cái tên vừa ý.
Một lần, tiểu hòa thượng trông thấy nhóm người đang tiễn đưa một người chết, chú đến trước họ hỏi: “Xin hỏi, người chết này tên là gì vậy?” Người đưa tang nói tên “Hữu Mạng”. Chú tiểu nghe xong lắc đầu ngán ngẩm thương tiếc: “ Tên Hữu Mạng, nhưng sao lại không có mạng vậy chứ?” Những người đưa tang cười nhạt nói rằng: “ Tên chẳng qua chỉ là một thứ ký hiệu, mọi người đều khó tránh khỏi cái chết, lẽ nào tên Hữu Mạng thì không thể chết sao? Tên tiểu hòa thượng này cũng thật là hồ đồ”.
Tiểu hòa thượng vừa nghĩ vừa đi về phía trước, một lát sau, chú đến trước cổng một nhà phú hộ, nhìn thấy người chủ đang dùng roi đánh người hầu nữ. Tiểu hòa thượng thấy người hầu nữ này rất đáng thương, liền đến trước mặt người chủ hỏi: “Vì sao ông lại đánh đập cô ta vậy?” Người chủ nói với vẻ giận dữ: “Cô ta nợ tiền chúng tôi không trả, sao tôi không thể đánh cô ta chứ?” Tiểu hòa thượng lại hỏi: “Xin hỏi người hầu gái này tên gì?” Người chủ trả lời, cô ta tên Bảo Ngọc. Tiểu hòa thượng nghe xong kinh ngạc than rằng: “Tên Bảo Ngọc tốt đẹp như thế, sao lại không có tiền trả nợ, lại còn bị đánh đập dã man thế kia?” Người chủ nghe xong cười châm biếm nói: “Tên Bảo Ngọc thì sao chứ, cô ta chẳng phải vẫn là người hầu đó sao? Cái tên chỉ là ký hiệu mà thôi, nó có liên quan gì đến việc có tiền hay không có tiền?” Tiểu hòa thượng nghe ra cảm thấy cũng có lý, bèn quyết định không đi tìm cho mình một cái tên khác nữa, chú bắt đầu quay trở về chùa.
Trên đường trở về chùa, tiểu hòa thượng gặp một người bị lạc đường, chú liền hỏi thăm tên của người kia, người kia nói anh ta tên là Chỉ Nam. Tiểu hòa thượng cảm thấy rất hiếu kỳ liền hỏi: “Một khi đã tên là Chỉ Nam, sao lại còn bị lạc đường chứ?” Người lạc đường nghe rồi cười hà hà nói: “Cái tên chẳng qua chỉ là một ký hiệu mà thôi, lẽ nào tên Chỉ Nam thì tôi sẽ không bị lạc đường sao?” Tiểu hòa thượng im lặng chẳng nói lời nào cả.
Cuối cùng, chú về đến chùa, đến bên cạnh sư phụ. Sư phụ hỏi chú phải chăng đã tìm được một cái tên vừa ý, tiểu hòa thượng ân hận thưa: “Con không muốn tìm nữa, con vẫn giữ tên cũ nhé, nó chẳng qua chỉ là một ký hiệu thôi mà”.
Ngoài nhân tài còn có thiên tài; ngoài núi cao còn có trời cao
Nhân ngoại hữu nhân, thiên ngoại hữu thiên, người mạnh có người mạnh hơn. Vì thế, lúc làm việc, chúng ta phải khiêm tốn, cẩn thận, không được kiêu ngạo tự mãn, khi học tập, phải chuyên sâu tinh tế tỉ mỉ, không nên phập phồng thô tháo.
Thiền sư Ẩn Phong cầu học với thiền sư Mã Tổ được ba năm, tự cho là đạo hạnh cao thâm, không tránh khỏi vẻ dương dương tự đắc. Hôm đó, Ẩn Phong chuẩn bị hành trang xong, từ biệt thiền sư Mã Tổ, đến chỗ Thạch Đầu Hy Thiên thiền sư để tham cầu thiền đạo.
Thiền sư Mã Tổ biết thiền sư Ẩn Phong là người có tâm khí hơi kiêu ngạo, nên quyết định cho ông gặp một vài điều trở ngại, từ trong thất bại hấp thụ được vài điều giáo huấn cũng tốt. Trước lúc sắp đi, thiền sư Mã Tổ nhắc nhở: “Phải cẩn thận nhé, đường đá trơn lắm đấy”. Mã Tổ nói câu này hàm có hai nghĩa, một nghĩa nói núi cao đường trơn, cẩn thận nếu không sẽ bị vướng đá ngã nhào, một nghĩa khác chính là nói, thiền sư Thạch Đầu là người cơ phong lanh lợi, nếu làm không tốt sẽ bị mất mặt.
Nhưng thiền sư Ẩn Phong bấy giờ đang cảm thấy hứng thú, căn bản không chịu để ý những lời của sư phụ. Vả lại, lúc đi đường ông vẫn chưa bị té ngã, càng thêm đắc ý hơn.
Vừa đến chỗ Thạch Đầu thiền sư, Ẩn Phong liền nhiễu quanh pháp tòa một vòng, hỏi với vẻ đắc ý rằng: “Tông chỉ của ngài là gì?”
Thạch Đầu ngay một cái nhìn cũng không thèm liếc anh ta, chỉ ngẩng đầu lên, hai mắt ngài nhìn về phía trước, trả lời: “Trời ơi! Hỡi trời!” (trong Phật giáo, các thiền sư thường dùng bầu trời xanh để biểu thị hư không của tự tính).
Ẩn Phong thiền sư không còn lời gì nói cả, cuối cùng ông mới biết sự lợi hại của thiền sư Thạch Đầu. Lúc này Ẩn Phong mới hiểu ra lời lúc sắp đi Mã Tổ đã nói, thế là, lại một lần nữa Ẩn Phong trở về với Mã Tổ.
Thiền sư Mã Tổ nghe xong đầu đuôi câu chuyện, nói với Ẩn Phong: “Ngươi hãy đi hỏi lại một lần nữa, đợi đến lúc ta kêu Trời ơi, ngươi hà hơi chậm hai tiếng”. Ẩn Phong vừa nghe xong, không nén nổi vội vàng năm vóc gieo xuống đất. Thạch Đầu thiền sư dùng “Trời ơi” để thay thế cho hư không, thì ra còn có văn tự, nhưng hai tiếng “hà hơi” không dính dáng gì đến văn tự cả, thật kỳ diệu thay! Thế rồi Ẩn Phong lại vui vẻ lên đường.
Lần này, Ẩn Phong cho rằng mình thắng là cái chắc, có thể đem so tài tiếp với Thạch Đầu thiền sư. Sau khi đến, anh ta lại nhiễu quanh pháp tòa một vòng, hỏi lại vấn đề cũ. Nào ngờ, Thạch Đầu thiền sư chẳng nói chẳng rằng, sau cùng hướng mình “than thở” hai tiếng, thiền sư Ẩn Phong vừa nghe thì sững sờ cả người. Ông không thể ngờ rằng, mình vẫn chưa than thở ra tiếng, thì bị dọa trở lại.
Lúc bấy giờ, Ẩn Phong không còn thói kiêu ngạo như trước nữa, mặt ỉu xìu quay trở về. Sau khi về đến chùa, Ẩn Phong cung kính đứng trước mặt thiền sư Mã Tổ nghe những lời giáo huấn. Thiền sư Mã Tổ chẳng phê bình gì cả, ngài chỉ nhấn mạnh rằng: “Chẳng phải ta đã nói từ sớm rồi sao, đường sá trơn rồi mà”.
Dùng hết tâm trí bắt chước người khác sẽ chỉ đánh lạc mất mình
Bất cứ lúc nào, chúng ta cũng không nên dung hết tâm trí bắt chước người khác để thay đổi bản thân… kết quả chỉ đánh lạc mất mình mà thôi. Cho nên, chúng ta phải yêu lấy bản thân.
Trước đây rất lâu, có một đàn trâu sống trên đồng cỏ mênh mông. Tính tình của chúng vô cùng ôn thuận lương thiện, sống với nhau rất hòa thuận, chúng tìm được một nơi có cỏ cây tươi tốt um tùm, lần lượt ăn cỏ, uống nước và sống ở đó.
Mỗi khi đến đâu, chúng đều biết chọn những thứ cỏ non xanh mềm mại để ăn, chúng giải khát bằng nước suối ngon ngọt mát mẻ, luôn giữ mình trong sạch, sống nhởn nhơ không lo ưu trên thảo nguyên dưới trời xanh mây trắng, bên dòng suối ngọc bích.
Thế là đàn trâu ngày càng trở nên thịnh vượng hơn.
Một con la trông thấy đàn trâu sống hòa thuận như thế, vô cùng ngưỡng mộ. Từ trước đó rất lâu, nó luôn khát vọng được gặm những cây cỏ xanh non mềm mại và sống yên ổn nhởn nhơ như đàn trâu kia, chậm rãi thưởng thức nước suối ngon ngọt, sống cuộc đời yên tịnh tự do tự tại. Thế là, con la hạ quyết tâm bắt chước hành vi cử chỉ, lối sống của đàn trâu.
Một ngày nọ, con la chạy theo đàn trâu đến một nơi có cỏ non nước ngọt. La ta đi lẫn giữa đàn trâu, nhìn ngang nhìn ngữa, chạy trước chạy sau, đàn trâu cũng rất lịch sự tỏ ra khiêm nhường với nó. Thế là trong lòng nó cảm thấy đắc ý lắm, nó nghênh ngang kiêu ngạo chạy theo sau đàn trâu, nghiễm nhiên trở thành thành viên trong dòng tộc của trâu.
Thế nhưng, la cũng chỉ là la thôi, bất luận có thay đổi như thế nào thì bản tính vẫn chỉ là la, không trở thành trâu được. Nó vốn không thể ăn cỏ một cách trầm tĩnh an ổn như bản tính loài Trâu, nó không kìm nổi chân mình nên cứ chạy trước nhiễu sau, cỏ xanh bị nó giẫm đạp tan tành, bùn đất bị nó đào lật lên tứ tung. Sau đó, nó lại chạy không yên đến bên suối uống nước, khuấy động cả hồ nước trong mát thành một vũng bùn đục ngầu. Chưa yên, nó còn bắt chước tiếng rống của trâu nữa chứ. Nhưng cho dù có đùa với sinh mệnh mình mà gọi “Ta là trâu! Ta cũng là trâu” thế nào chăng nữa, thì nó vẫn không đổi được âm thanh khó nghe mà mọi người trên đời này đều biết.
Cuối cùng, đàn trâu vốn dĩ ôn hòa khiêm nhường không còn nhẫn được sự biểu diễn vụng về của con la. Đàn trâu cảm thấy nó đã phá hoại trật tự sống của mình và bắt đầu đánh hạ nó, dùng sừng tấn công con la đáng ghét. Chẳng mấy chốc, con la bị tê liệt nằm trên đống bùn đất, chỉ còn hơi thở thoi thóp.
Đàn trâu vứt con la vào cánh đồng trống, rồi bước đi với những bước chân nhịp nhàng chắc chắn, tiếp tục tìm đến chỗ có cỏ tươi, nước ngọt rộng lớn và mới mẻ hơn.
Thà bị chặt đầu trước người trí còn hơn thắng lợi người tầm thường
Thà bị chặt đầu trước người trí, cũng không muốn giành thắng lợi trước kẻ tầm thường, là một thái độ nhân sinh tích cực. Đứng trước thế sự, chúng ta phải phân biệt rõ thị phi, khiêm tốn học tập theo người khác, và không ngừng thay đổi bản thân. Chỉ có như thế mới phát triển lớn mạnh không ngừng, cuối cùng trở thành việc lớn.
Đức Phật ban rải đạo mầu, tiếng tăm của Ngài vang vọng khắp nơi, do đó có một Trường Trảo phạm chí rất không phục, ông ta chuyên tìm đến trước mặt Phật, muốn cùng Ngài quyết phân cao thấp. Trước khi thi đấu, Trường Trảo phạm chí nói với Phật rằng: “Quan điểm của tôi nếu bị Ngài bác bỏ, tôi sẽ tự chặt đầu mình, sau này vĩnh viễn không đến quấy nhiễu Ngài nữa!”
Nghe xong lời của anh ta, Đức Phật khoan thai hỏi: “Quan điểm của ông là gì?”
Trường Trảo phạm chí ngẩng cao đầu, nói một cách kiêu ngạo: “Tôi là một luận giả hoài nghi, không tiếp nhận bất cứ quan điểm nào cả!”
Đức Phật cảm thán vì sự chấp trước mê hoặc của chúng sinh, nhìn ông ta chăm chú với lòng từ bi thương xót, Ngài hỏi: “Quan điểm này ông có chấp nhận không?”
Phạm chí nhất thời chưa có phản ứng, cho là đức Phật đang miễn cưỡng mình, ông ta vô cùng tức giận, đứng dậy phủi tay áo ra đi. Đến nửa đường, ông ta bỗng tỉnh ngộ, liền nói với các đệ tử của mình: “Ái chà, ta đã thua rồi! Quân tử nhất ngôn, tứ mã nan truy, ta phải đến chỗ đức Phật, chặt đầu tạ tội với Ngài đây!”
Các đệ tử nhao nhao khuyên can: “Sư phụ à! Ngài là người anh minh nhất đời, cũng xem như rất có tên tuổi, hà tất phải vì chuyện nhỏ này mà đoạn mất đi mạng sống của mình ư?”
Trường Trảo phạm chí than thở: “Có một chút tên tuổi ở đời này thì tính làm gì chứ! Ta thà chặt đầu trước mặt người trí, cũng không muốn thắng lợi trước kẻ tầm thường! Đức Phật là một vị đại trí huệ thật sự”.
Sau khi nói xong, Trường Trảo phạm chí dẫn theo các đệ tử đến chỗ đức Phật để tạ tội cuồng vọng của mình. Đức Phật đã tha thứ tội lỗi cho ông ta, đồng thời Ngài còn lịch sự tiếp đãi ông. Tế là Trường Trảo phạm chí cùng với 500 đệ tử của ông đều xin quy y theo đức Phật, cuối cùng tu hành đắc chính quả, trở thành A La Hán.
Đã hứa điều gì với người khác thì phải thực hiện
Bất cứ lúc nào, chỉ cần hứa với người khác điều gì, thì phải nghiêm túc thực hiện lời hứa đó, phải thực sự làm được “ngôn tất tín, hành tất quả”. Nếu không như thế, quả xấu bản thân trồng xuống, chỉ tự mình nuốt lấy mà thôi.
Trước đây rất lâu, trong rừng hoang dã tại Ấn Độ, có một con sư tử chúa đánh nhau túi bụi với một con voi.
Sư Tử chúa khó khăn lắm mới đánh chết con voi kia, sau khi nghỉ ngơi một lát, nó bắt đầu ăn thịt voi. Không may, một khúc xương của con voi đột nhiên trôi tuột vào cổ họng sư tử, nó vô cùng khó thở, choáng váng mặt mày. Sau một hồi vận công, sư tử chúa bắt đầu tỉnh lại, mệt mỏi nhìn khắp bốn phía, bỗng trông thấy trên cây có con chim sẻ đang bắt mồi ăn.
Sư tử chúa mở miệng cầu xin chim sẻ: “Chim sẻ nhỏ ơi, bạn hãy lấy khúc xương trong cổ họng của ta ra giùm đi! Sau này khi tìm được thức ăn gì ta nhất định chia phần cho bạn”.
Chim sẻ nghe lời hứa của sư tử chúa, vô cùng vui mừng, liền vội vàng bay từ trên cây xuống, nhảy vào cổ họng sư tử chúa. Sau đó dùng hết sức mình, dùng mỏ lấy khúc xương ra, vậy là sư tử chúa được cứu sống.
Trải qua mấy ngày, sư tử chúa đuổi bắt được một con mãnh thú, thu hoạch khá nhiều thịt. Chim sẻ biết sư tử chúa tìm được thức ăn, nó vội vàng bay đến, xin sư tử chúa ít thức ăn. Nào ngờ, sư tử chúa dường như đã quên sạch ân nghĩa cứu mạng và lời hứa với chim sẻ. Nó trách mắng chim sẻ rằng: “Ta là sư tử chúa, dù là động vật nào đi nữa ta cũng có thể bắt giết để ăn thịt, đây là việc chẳng lạ lùng gì, ngươi là chim sẻ nhỏ thật quá kiêu mạn rồi đó, ngươi cho rằng, nhảy vào miệng lấy xương ra cho ta, cứu mạng sống, thì ta phải cảm kích ngươi sao?”
Chim sẻ nhỏ châm biếm lại: “Mặc dù tôi chỉ là con chim sẻ nhỏ bé, nhưng nhất định không để bị ông giết chết. Nếu ông không quên ân tình, coi trọng lời hứa trước đây, ít nhiều cho tôi một chút thức ăn, tôi có lẽ không hận ông đâu, cũng không nói xấu ông nữa”.
Song, sư tử chúa trước sau vẫn không chia cho chim sẻ một miếng thịt nào, chỉ lo cho mình ăn no mà thôi, sau đó nó lắc lư qua lại rồi ra đi.
Trong lòng chim sẻ nghĩ: Tôi đã cứu một mạng sống, trái lại còn chịu sự khinh miệt và chế giễu chê cười của ông ta, nếu không trút được cơn oán giận này, tôi chết cũng không yên.
Chim sẻ hạ quyết tâm, thường bay theo sau sư tử chúa. Sư tử chúa lại tập kích được một con thú, sau khi ăn no, liền tìm đến một gốc cây im mát ngủ ngon lành. Chim sẻ mãi ở trên cây đợi cơ hội, nó nhảy bổ vào trán sư tử chúa, dùng hết sức mình mổ vào một con mắt của sư tử.
Sau khi tỉnh lại, sư tử chúa vùng dậy, nhìn khắp nơi nhưng chẳng trông thấy gì cả, chỉ nghe tiếng chim sẻ đang hót trên cây.
Sư tử chúa quay về phía chim sẻ hét toáng lên: “Tên khốn! Sao ngươi lại dám mổ vào mắt ta?”
Chim sẻ từ trên cây nói vọng xuống: “Ông không báo ân tôi cứu mạng, trái lại luôn coi tôi như kẻ thù. Vì những lời ác này, nên tôi mổ vào mắt của ông. Ông tự cho mình là chúa tể sơn lâm, nhưng một chút báo ân và tri ân ông cũng không hiểu, từ này về sau tôi không bao giờ giao thiệp với ông nữa!”
Chim sẻ nói xong vỗ cánh bay đi.
Vẻ đẹp tâm hồn mới thật sự là đẹp
Một người con gái có vẻ đẹp bên ngoài như tiên nữ nhưng tâm hồn giống như loài rắn rết, vậy chúng ta có thể nói cô ta đẹp không? Tất nhiên là không. Một người con gái có dáng vẻ bên ngoài xấu xí nhưng tâm hồn lại lương thiện, chúng ta có thể bảo cô ấy không đẹp sao? Tất nhiên không thể. Cho nên, nhìn một người đẹp hay không, điều quan trọng phải nhìn thấu tâm hồn cô ấy chứ không phải tướng mạo bên ngoài.
Ngày xưa, có một người chủ vô cùng giàu có, ông có bảy cô con gái, mỗi người đều có dung mạo xinh đẹp đến hoa nhường nguyệt thẹn, không ai sánh kịp. Mỗi lần trong nhà có khách đến chơi, ông chủ giàu có luôn gọi con gái đến trình diện. Điều mà ông ta muốn nghe nhất là tiếng tán thán của những vị khách kia, sự thật cũng như vậy.
Có một ngày ông mời đến nhà một vị khách, ông chủ giàu có như cũ bảo khách ngắm con gái mình, sau đó hỏi: “Ông thấy con gái tôi xinh đẹp không?”
Người kia nói: “Thế này nhé, ông bảo các con gái ông khoác y phục lên, sau đó đi khắp nơi, nếu mọi người đều bảo họ xinh đẹp, tôi sẽ cho ông 500 lạng vàng, nhưng chỉ cần có một người nói không đẹp, ông sẽ bị thua tôi 500 lạng vàng, thế nào?”
Ông chủ giàu có động lòng, thế nên vui vẻ đồng ý ngay.
Ông ta dẫn các con gái đi khắp nơi, mỗi một người đều bảo con gái ông ta rất xinh đẹp, xem ra ông đã cầm chắc trong tay 500 lạng vàng rồi. Người chủ giàu có lại dẫn họ đến trước mặt Phật, ông hỏi với thái độ đắc ý: “Phật Tổ, Ngài nói xem con gái tôi có xinh đẹp không?”
Đức Phật trả lời: “Không đẹp!”
Người chủ giàu có vô cùng cụt hứng, hỏi: “Mọi người trong thành phố này đều nói chúng xinh đẹp, sao chỉ có mỗi mình ông nói chúng không đẹp chứ?”
Đức Phật trả lời ông ta: “Người đời chỉ nhìn thấy vẻ đẹp bên ngoài, nhưng cái ta nhìn thấy là tâm hồn kia. Theo cách nhìn của ta, thân phải không tham tài vật, miệng không nói lời ác, ý không khởi tà niệm, như thế mới gọi là đẹp!”
Người chủ giàu có nghe xong lời của đức Phật, bỏ đi một cách ảo não, tất nhiên ông ta cũng bị thua 500 lạng vàng.
Người đánh cược với ông ta chính là đệ tử của Đức Phật, ngài biết rằng đức Phật đánh giá cái đẹp như thế nào, nên sắp xếp trạm cuối cùng cho người chủ giàu có đến chỗ đức Phật.
Chúng ta sống trong thế giới của mình chứ không phải trong mắt người khác
Cho dù thân ở nơi nào, chúng ta phải ghi nhớ: Ta chính là ta, là một cái ta độc nhất vô nhị, tuyệt không nói hùa theo. Vì thế, chúng ta không nên ở chỗ người khác nói thế này thế nọ, chỉ cần trấn giữ bản thân, trấn giữ thể tính, thì có thể sống đời tuyệt vời tự tại. Bởi vì, chúng ta sống trong thế giới của mình, chứ chẳng phải sống trong mắt người khác.
Một phụ nữ có con riêng, nên cô luôn bị người khác chỉ chỉ trỏ trỏ, vì thế suốt ngày cô bị phiền não. Bất luận đi đến đâu, thứ phiền não ấy cứ đeo bám cô như bóng theo hình, giày vò cô không dứt.
Một ngày, người phụ nữ này không chịu đựng được nữa, muốn nhảy sông tự vẫn, chết quách cho xong. Nhưng, khi cô vừa nhảy xuống sông, thì được người cứu thoát. Sau khi nghe xong nỗi bất hạnh phụ nữ này gặp phải, người cứu mạng khuyên cô nên quy y theo Phật, tìm cầu sự giải thoát.
Thế là, người phụ nữ này đến bái kiến một vị thiền sư, kể lại nỗi bất hạnh của mình cho thiền sư nghe. Thiền sư nghe xong, chỉ bảo cô im lặng ngồi thiền, không nên nghĩ đến bất cứ điều gì khác.
Người phụ nữ ngồi thiền ba ngày, chẳng những không dứt trừ được phiền não, trái lại sự nhục nhã tủi hờn càng tăng thêm mãnh liệt. Cô vô cùng phẫn nộ, chạy đến trước mặt thiền sư, muốn mắng cho ông một trận.
“Ngươi đang muốn mắng ta chăng? Chỉ cần ngươi ngồi thiền thêm một tí nữa, bảo đảm ngươi sẽ không còn có ý nghĩ như thế này đâu”. Sự biết trước của thiền sư, khiến người phụ nữ vừa ngạc nhiên vừa sinh lòng cung kính, thế là, sau đó cô nương theo sự chỉ dạy của thiền sư, tiếp tục ngồi thiền.
Không biết thời gian trôi qua bao lâu, thiền sư nhẹ nhàng hỏi: “Trước khi ngươi có con riêng, thì ngươi là ai?”
Sợi dây cung vô hình nào đó trong đầu người phụ nữ kia đột nhiên bị rung lên, cô lúng túng lấy hai tay bưng mặt, sau đó khóc toáng lên: “Tôi chính là tôi! Tôi chính là tôi!”
Người có đức tin chân chính không cần quỳ bái hay đảnh lễ
Niềm tin chân chính, không phải chỉ phủ trên miệng, càng không phải quỳ bái hay đảnh lễ. Nó phải tồn tại trong sự việc cụ thể, thậm chí trong một việc nhỏ vô cùng phổ thông, chẳng hạn, giúp người khi gặp nạn. Người từ bi lương thiện đích thực không chấp chặt vào lễ tiết và hình thức, chúng ta phải biến tâm thiện của mình thành dòng nước suối trong mát, khiến nó chảy vào những tâm hồn đang khát nước.
Vào đêm đông giá lạnh, có một người hành khất đến tìm Vinh Tây thiền sư, khóc lóc than vãn: “Bạch Thiền sư, vợ của con đã nhiều ngày rồi chưa có hạt cơm nào vào bụng.
Con muốn dốc toàn bộ sức lực của mình giúp cô ấy được ấm no, nhưng trước sau vẫn không nghĩ ra được cách gì. Vì dầm sương dãi nắng nhiều ngày khiến bệnh cũ của con tái phát, bây giờ thật sự con đã sức cùng kiệt lực, nếu cứ tiếp tục thế này, e là vợ của con bị chết đói mất. Thiền sư! Xin Ngài giúp đỡ chúng con đi ạ!”
Nghe xong, thiền sư Vinh Tây rất thông cảm, nhưng bản thân ngài không tiền tài lại chẳng có vật thực gì, biết giúp đỡ thế nào đây? Bất đắc dĩ đành phải đem giấy thếp vàng chuẩn bị thếp tượng Phật ra nói: “Ông hãy mang giấy thếp vàng này đổi tiền để đáp ứng nhu cầu cho vợ con ông nhé!”
Khi nghe quyết định này của thiền sư Vinh Tây, những đệ tử của ngài vô cùng kinh ngạc, nhao nhao phản đối: “Bạch Sư phụ! Những giấy thếp vàng này là vật dùng để thếp tượng Phật, sao ngài lại dễ dàng tặng cho người khác chứ?”
Thiền sư Vinh Tây bình tĩnh ôn hòa nói với các đệ tử: “Có lẽ các con không có cách để giải quyết, nhưng ta thật sự vì tôn kính đức Phật nên mới làm như thế”.
Các đệ tử trong chốc lát chưa thể lĩnh ngộ được thâm ý của sư phụ, nên tức giận đùng đùng thưa rằng: “Sư phụ! Ngài dạy vì tôn kính đức Phật nên mới làm thế, vậy sau này chúng ta đem thánh tượng đức Phật dùng vào việc mua bán để bố thí, hành vi không tôn trọng đức tin này cũng là tôn kính đức Phật sao?”
Thiền sư Vinh Tây không biện giải gì thêm, chỉ nói: “Ta xem trọng đức tin, ta tôn kính đức Phật, dù có xuống địa ngục, ta cũng phải làm như thế vì đức Phật!”
Các đệ tử chưa phục, vẫn còn nghi ngờ không thôi. Thế là thiền sư Vinh Tây hét lớn quở: “Đức Phật tu hành, cắt xẻo thịt mình để nuôi chim, xả thân mình nuôi hổ đói vẫn không tiếc thân mạng. Đức Phật chẳng phải đối đãi chúng sinh như thế sao? Các ngươi đích thực hiểu được Phật đà không chứ?”