Phật nói, người ta có thể giúp bạn được một lúc, nhưng không giúp được cả đời. Trên thế giới này, chỉ một người có thể giúp được bạn suốt đời, đấy chính là bản thân bạn. Khi gặp cảnh khó khăn, đừng dễ dàng cầu xin người khác, phải biết dựa vào bản thân để giúp đỡ chính mình. Ghi nhớ cẩn thận rằng: Cầu người chi bằng cầu mình.
Muốn được người khác ngưỡng mộ trước hết phải là hạt minh châu
Nhiều khi, sở dĩ chúng ta không được người khác chấp nhận vì chúng ta chỉ là hạt cát bình thường, chứ không phải hạt minh châu giá trị. Vì thế, nếu muốn bản thân nhận được sự ngưỡng mộ của người khác, thì bạn phải cố gắng để trở thành hạt minh châu.
Có một chàng trai trẻ tự cho rằng mình là người toàn tài, nhưng sau khi tốt nghiệp mãi vẫn chưa tìm được việc làm lý tưởng.
Anh ta cảm thấy mình không gặp may, vô cùng thất vọng với xã hội, bởi anh ta cảm nhận được vì chưa có Bá Nhạc đến thưởng thức “ngựa thiên lý” của mình.
Trong lúc quá đau khổ tuyệt vọng, anh tìm đến biển cả, định kết thúc đời mình cho xong. Đúng lúc anh ta đang muốn tự vẫn, có một lão tăng đi ngang qua, đã cứu anh ta. Lão tăng hỏi thanh niên vì sao phải tuyệt đường như thế, anh nói rằng mình không được xã hội và mọi người ngưỡng mộ, chẳng có người nào trọng dụng mình cả…
Nghe xong, lão tăng vốc lên một nắm cát ngay dưới chân mình, bảo thanh niên này nhìn xem, rồi rải khắp trên mặt đất, nói: “Con hãy nhặt những hạt cát ta vừa rải trên đất lên xem”.
“Điều này không thể được!” - thanh niên thưa.
Lão tăng chẳng nói chẳng rằng, chọn từ trong túi mình ra những hạt trân châu óng ánh, vung tay rải trên mặt đất, sau đó nói với người thanh niên: “Con có thể nhặt những hạt trân châu này lên được không?”
“Điều này tất nhiên có thể được ạ!”
“Vậy con phải hiểu rõ sao ta làm thế chứ? Con nên biết rằng, bây giờ tự mình vẫn chưa phải là hạt minh châu, nên con không thể yêu cầu mọi người phải chấp nhận con ngay lập tức. Nếu muốn người khác chấp nhận mình, trước tiên con phải từ hạt cát trở thành hạt trân châu mới được”.
Thanh niên nghe xong lập tức tỉnh ngộ.
Dựa vào chính mình mới cứu được mình
Tự tính tự độ, cầu người chi bằng cầu mình, Phật lý như thế, cuộc sống cũng thế. Khi gặp vấn đề khó khăn, đừng nên hy vọng người khác giúp đỡ, mà phải dựa vào sự cố gắng nỗ lực của bản thân để giải quyết.
Có một vị tín đồ Phật giáo đứng trú mưa dưới mái hiên nhà, trông thấy một vị thiền sư che ô đi ngang qua, ông vội gọi lớn: “Thiền sư! Phật giáo chẳng phải thường giảng phổ độ chúng sinh sao, xin hãy độ cho tôi qua một đoạn đường!”
Thiền sư bèn đáp: “Tôi đang đi trong mưa, ông lại đang trú dưới mái hiên nhà, ở đây có mưa, dưới mái hiên không mưa, hà tất phải cần tôi độ ông chứ?”
Tín đồ nghe thiền sư nói như thế, lập tức bước ra khỏi chỗ trú mưa, đứng ở dưới mưa: “Thiền sư, bây giờ tôi cũng đang đứng dưới mưa, ngài có thể độ tôi được chứ?”
Thiền sư nói: “Tôi đang ở trong mưa, ông cũng đang ở trong mưa, sở dĩ tôi không bị ướt vì tôi mang theo ô, còn ông bị ướt là vì ông không chịu mang ô. Nói chính xác hơn, không phải tôi độ ông mà chính cái ô độ tôi. Nếu như muốn độ, ông không cần phải tìm tôi, phải tự mình đi tìm ô chứ!”
Tín đồ kia vì đứng dưới mưa nên bị ướt sũng, ông ta nói: “Không muốn độ tôi nói sớm đi, hà tất phải vòng vo như thế. Theo tôi nghĩ điều mà Phật pháp giảng dạy không phải “phổ độ chúng sinh” mà là “chuyên độ chính mình” thì đúng hơn!”
Thiền sư nghe xong không những không tức giận, trái lại nói một cách rất bình tỉnh hòa nhã: “Nếu muốn không bị mưa ướt, thì phải tự mình tìm ô. Người giác ngộ thật sự không bao giờ bị ngoại vật quấy nhiễu. Trời mưa không chịu mang ô, chỉ luôn muốn người khác mang ô cho, khẳng định rằng sẽ có người giúp đỡ mình, cách nghĩ này chắc chắn là cách hại người. Luôn muốn dựa dẫm vào người khác, tự mình lại chẳng chịu nỗ lực, kết cục không đạt được điều gì cả đâu. Bản tính là cái mà con người vốn có, chỉ có điều một số người vẫn chưa tìm được, bình thường không chịu đi tìm, chỉ muốn dựa vào người khác, không biết tận dụng tài năng tiềm ẩn vốn có trong mỗi con người, chỉ đem nhãn quang đặt ở chỗ người khác, như thế làm sao giành được thành công chứ?”
Nếu có cách nghĩ hay phải lập tức thực hiện
Làm việc gì cũng phải dũng cảm trả công cho hành động, không trả công cho hành động, cho dù có cách nghĩ hay hơn, chúng ta cũng chỉ dừng lại ở mốc khởi đầu. Vì thế, khi chúng ta dự tính làm việc gì, thì nên hành động ngay, nếu không, cách nghĩ hay đến mấy cũng không thể thành hiện thực.
Có hai hòa thượng, một vị rất nghèo, một vị trái lại vô cùng giàu có.
Vào một ngày kia, hòa thượng nghèo nói với hòa thượng giàu: “Tôi dự định đi Nam Hải một chuyến, ngài thấy thế nào?”
Hòa thượng giàu không dám tin vào tai mình, ông nhìn chăm chăm vào hòa thượng nghèo, cuối cùng không nén nổi nên cười thật to.
Hòa thượng nghèo chẳng hiểu ra làm sao nên hỏi: “Ngài sao thế?”
Hòa thượng giàu hỏi: “Tôi không nghe nhầm đấy chứ! Ngài mà cũng muốn đi Nam Hải sao? Nhưng ngài dựa vào thứ gì để đi Nam Hải vậy?”
Hòa thượng nghèo nói: “Chỉ cần một bình nước, một bát đựng cơm là đủ rồi”.
Hòa thượng giàu cười lớn nói: “Đi Nam Hải, nếu tính cả đi lẫn về mất mấy nghìn dặm, không những thế, trên đường đi còn phải gặp nhiều gian nan vất vả và hiểm trở, chẳng phải trò đùa đâu. Tôi chuẩn bị đi Nam Hải từ những mấy năm trước kia, đợi tôi chuẩn bị xong đầy đủ lương thực, thuốc men và những vật dụng khác, lại mua thêm chiếc thuyền, tìm thêm mấy thủy thủ và vệ sĩ, mới có thể đi Nam Hải được. Còn ngài chỉ dựa vào một bình nước, một bát đựng cơm làm sao có thể đi Nam Hải được chứ? Nên bỏ cuộc đi nhé, đừng có nằm mơ giữa ban ngày”.
Hòa thượng nghèo không muốn tranh cãi với hòa thượng giàu, qua ngày hôm sau, ông một thân một mình lên đường đi Nam Hải. Hễ gặp nơi có nước thì dừng lại lấy đầy bình rồi tiếp tục đi, gặp nơi có nhà ở thì ghé lại hóa trai, trên đường đi ông nếm mọi thứ khó khăn khổ sở. Nhiều lần, ông bị đói lả người và bị giá buốt lạnh cóng da thịt. Nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến chuyện bỏ cuộc, trước sau vẫn tiến bước hướng về phía Nam Hải. Thời gian trôi qua rất nhanh, mới đó đã trải qua một năm, cuối cùng hòa thượng nghèo cũng đến được thánh địa mà ông hằng mong muốn - đó chính là Nam Hải.
Hai năm sau, hòa thượng nghèo từ Nam Hải trở về, ông vẫn mang theo một bình nước, một bát cơm. Hòa thượng nghèo đã học được rất nhiều kiến thức từ Nam Hải, sau khi về chùa ông trở thành một hòa thượng đức cao vọng trọng. Còn hòa thượng giàu vẫn đang chuẩn bị đủ thứ cho chuyến đi Nam Hải của mình nhưng vẫn chưa thực hiện được.
Muốn thu hoạch trái ngon trước tiên phải lo gieo hạt
Có làm thì mới có ăn. Muốn thu hoạch trái ngon, trước tiên ta phải gieo hạt. Chỉ khi chúng ta nỗ lực trả công làm đến nơi đến chốn, mới sống đời hạnh phúc mỹ mãn.
Có một người vô cùng nghèo khổ, hàng ngày cày sâu cuốc bẫm lao động vất vả. Một ngày nọ, anh ta bỗng nghĩ rằng: “Nếu mỗi ngày làm việc vất vả thế này, chi bằng ta hãy đến trước thần linh cầu khẩn, xin ngài ban cho ta sự giàu sang phú quý, hưởng thụ suốt đời”.
Anh ta rất đắc ý với cách nghĩ của mình, bèn gọi người em trai đến, ủy thác gia nghiệp lại cho người em, đồng thời dặn dò người em canh tác làm ruộng để mưu sinh, đừng để mọi người phải chịu đói khổ. Sau khi giao phó mọi thứ xong, anh ta cảm thấy chẳng còn lo ưu phiền muộn gì nữa, một mình đi đến miếu thần, sắp đặt mâm cỗ cúng thần, cúng dường hương hoa, quỳ lạy bất kể ngày đêm, cung kính cầu khẩn: “Thần linh à! Xin ngài ban cho con sự yên ổn và lợi ích, cho con có được nguồn tài nguyên giàu có nhé!”
Thiên thần nghe xong nguyện vọng của tên nghèo hèn, trong lòng nghĩ thầm: Tên lười biếng chảy thây này, tự mình không chịu lao động, lại muốn mưu cầu sự giàu có to lớn. Nếu đời trước ngươi từng làm việc bố thí, tích lũy công đức, ta cũng sẽ ban cho ngươi một ít lợi ích. Đằng này, tra xem hành vi đời trước, ngươi vốn chưa hề bố thí công đức, cũng chưa từng gieo một chút nhân duyên gì cả, bây giờ lại bỏ tất cả để đến ta cầu xin lợi lộc. Bất kể ngươi yêu cầu khổ sở thế nào đi nữa, cũng chẳng có tác dụng gì đâu. Nhưng nếu không ban cho ngươi một chút tài lộc, chắc chắn ngươi sẽ oán hận ta. Do đó ta có thể dùng phương tiện, khiến anh ta dứt bỏ tâm niệm này.
Thế là, thiên thần hóa làm người em của anh ta, cũng đến miếu Thiên thần để cầu phúc.
Người anh nhìn thấy em mình không nín được nên hỏi: “Em đến đây làm gì? Anh dặn em gieo hạt, em đã gieo chưa?”
Người em trả lời: “Em cũng giống như anh, cũng đến đây cầu xin thiên thần ban cho tài lộc, nhất định thiên thần sẽ cho em cơm áo không thiếu thứ gì phải lo cả. Dù em không cố gắng gieo hạt đi nữa, em nghĩ thiên thần nhất định ban cho lúa sinh sống tự nhiên trên bờ ruộng, Thiên thần sẽ đáp ứng được nguyện vọng của em”.
Người anh vừa nghe xong lời cầu nguyện của em, lập tức mắng: “Em là thứ chẳng ra gì, không chịu gieo hạt vào ruộng, lại muốn ngồi đợi để thu hoạch lấy hạt, thật sự suy nghĩ viển vông”.
Người em nghe anh mắng thế, cố ý hỏi thêm: “Anh vừa nói gì! Anh có thể nói lại lần nữa được không”.
“Anh sẽ nói lại cho em nghe nhé, nếu không gieo hạt, thì đâu có thể thu hoạch được quả ngon chứ! Em có thể suy nghĩ kỹ xem, thật là ngốc mà!”
Lúc này thiền thần mới hiện nguyên hình, nói với người anh rằng: “Như chính lời ngươi đã nói, nếu không gieo hạt, sẽ không có quả ngon đấy nhé”.
Toàn tâm toàn ý mới đạt “tâm thủ hợp nhất”
Sở dĩ nói “tâm thủ hợp nhất” chính là nói, khi làm một việc gì phải tích cực huy động toàn thân, đạt đến cảnh giới chí cao tâm tức thủ, thủ tức tâm. Cho dù chúng ta làm việc gì, cũng phải tập trung tâm trí, toàn tâm toàn ý tập trung tinh thần, chỉ như thế mới có thể đạt được “tâm thủ hợp nhất”.
Có một vị học tăng tên Đại Niên, thích điêu khắc tượng Phật, nhưng vì thiếu sự chỉ dạy khéo léo, mà tượng Phật điêu khắc ra luôn thiếu mất Phật tính. Thế là, Đại Niên vội đến tham cầu thiền sư Vô Đức, mong sẽ nhận được sự chỉ dạy.
Lúc Đại Niên đến nhà giảng, Vô Đức thiền sư liền đặt vào tay Đại Niên một hòn đá quý, bảo anh ta nắm chắc vào, sau đó nói chuyện thiên tào bắc đẩu với anh ta, ngoài việc điêu khắc, tất cả các việc khác đều nhạt nhẽo. Sau một tiếng hồ, Vô Đức thiền sư bảo Đại Niên mang viên đá quý về thiền đường để dụng công.
Trải qua ba tháng liên tục như thế, thiền sư Vô Đức trước sau vẫn không nói đến kỹ thuật điêu khắc, thậm chí ngay cả việc vì sao đặt vào tay anh ta viên ngọc quý cũng không nói. Đại Niên bắt đầu có chút không nhẫn nại, nhưng cũng không dám hỏi Vô Đức thiền sư.
Một hôm, Vô Đức thiền sư theo lệ thường, lại mang viên đá quý đặt vào tay anh ta, chuẩn bị nói chuyện. Đại Niên vừa tiếp xúc với viên đá quý kia, cảm thấy không bình thường, lập tức nói: “Sư phụ! Cái mà hôm nay sư phụ cho con, không phải là đá quý”.
Vô Đức thiền sư hỏi: “Đó là cái gì?”
Đại Niên ngay cả nhìn cũng không nhìn, nói: “Đó chỉ là một viên đá bình thường mà thôi”.
Vô Đức thiền sư cười thanh thản: “Đúng rồi, điêu khắc phải dựa vào ‘Tâm thủ hợp nhất’, bây giờ bước thứ nhất xem như con đã đạt tiêu chuẩn rồi”.
Công bằng chỉ tồn tại trong tâm
Trên thế giới không tồn tại công bằng tuyệt đối, nếu cứ mãi tìm cầu sự công bằng, cuối cùng chỉ làm cả hai cùng bị thua thiệt. Công bằng chỉ tồn tại trong lòng chúng ta, hễ việc gì không tính toán chi li, nhường nhịn nhau giữa người với người - đây mới là sự công bằng lớn nhất.
Nước Ma La vào thời xa xưa từng xảy ra câu chuyện thế này. Có một người mắc bệnh nặng, tự biết mình chẳng còn sống được bao lâu, liền cho gọi hai người con trai đến cạnh giường, ân cần dặn dò: “Sau khi ta qua đời, hai anh em con nhất định phải phân chia tài sản ổn thỏa tốt đẹp, nhưng đừng vì thế mà khởi lên tranh chấp!”
Hai anh em hứa sẽ tuân thủ theo di chúc cha dặn, sau khi cha mất sẽ phân tài sản ra hai phần bằng nhau.
Nhưng trong lúc hai người phân chia tài sản, người anh bảo người em phân chia không đều và ngược lại, cuối cùng đã xảy ra một cuộc tranh chấp cãi vã.
Lúc bấy giờ, có một ông lão tự cho mình là người thông minh, nghe nói hai anh em họ xảy ra tranh chấp vì phân chia tài sản, bèn đến chỉ dạy cho họ.
Ông nói với hai anh em: “Ta bày cho các ngươi cách chia tài sản công bằng nhất, bảo đảm các ngươi sẽ không còn ý kiến gì nữa. Nghe lời ta, bây giờ các người đem tất cả tiền tài và vật dụng chặt ra làm hai, như thế tuyệt đối công bằng”.
Hai anh em nhất thời chưa hiểu rõ, ông già kia liền nêu ví dụ: “Chẳng hạn như áo quần, nắm giữa rồi xé ra làm hai; các vật dụng khác cũng bẻ ra làm hai; tiền bạc cũng bẻ làm hai như thế. Như vậy, có thể phân chia được quân bình tuyệt đối”.
Mặc dù hai anh em cảm thấy cách này chẳng phải thượng sách, nhưng vì muốn chia đều tài sản, liền nghe theo lời kiến nghị của ông lão. Kết quả, tất cả tài sản trong gia đình đều bị phân làm hai nửa, hai anh em phân chia tài sản một cách tuyệt đối công bằng. Nhưng, trong tay họ mỗi một người chỉ nhận được một đống vỡ nát thật sự.
Cách phân chia tài sản như thế, trên thế gian này thật hiếm thấy, câu chuyện này đã trở thành truyện cười châm biếm truyền mãi đến đời sau.
Hãy chăm sóc bản thân
Một người nên có tâm chăm sóc, chú ý đến người khác, nhưng cũng phải có tâm chăm sóc, chú ý đến bản thân. Nếu chỉ chăm sóc người khác không chú ý bản thân, dễ dàng mất đi nhiều cơ hội.
Một lần, thiền sư Phật Quang thấy thiền tăng Khắc Khế, liền hỏi: “Con học thiền ở đây năm tháng trôi qua như đã 12 mùa xuân thu rồi nhỉ, nhưng vì sao từ xưa đến nay chưa hề thấy con đến hỏi đạo với ta vậy?”
Thiền tăng Khắc Khế thưa: “Lão thiền sư mỗi ngày đều bận rộn, học tăng con thật sự không dám đến quấy rầy ngài”.
Thời gian trôi qua rất nhanh, thoáng chốc đã ba năm.
Vào một ngày, thiền sư Phật Quang đi trên đường gặp học tăng Khắc Khế, lại hỏi: “Con tham thiền học đạo ở đây, có vấn đề gì thắc mắc không? Sao không đến hỏi ta vậy?”
Thiền tăng Khắc Khế thưa: “Lão thiền sư rất bận, nên học tăng không dám tùy tiện thưa chuyện với ngài!”
Lại một năm nữa trôi qua rất nhanh, học tăng Khắc Khế cũng từng ngang qua trước phòng thiền sư Phật Quang, hết lần này đến lần khác thiền sư Phật Quang nói với thiền tăng Khắc Khế: “Con qua đây. Hôm nay rảnh rỗi, con hãy đến phòng ta bàn luận thiền đạo nhé”.
Thiền tăng Khắc Khế vội vàng chắp tay cung kính vái chào, thưa: “Lão thiền sư rất bận, con sao có thể dám tùy tiện làm lãng phí thời gian của ngài được chứ?”
Thiền sư Phật Quang hiểu sự khiêm nhường quá đáng của thiền tăng Khắc Khế, nếu cứ tiếp tục như thế làm sao tham thiền, cũng không thể khai ngộ được. Thế là Thiền sư Phật Quang quyết định áp dụng phương pháp chủ động.
Thiền sư Phật Quang lại một lần nữa đến gặp thiền tăng Khắc Khế, hỏi: “Học đạo tọa thiền, phải tham cứu không ngừng, nhưng sao con vẫn không đến hỏi ta vậy?”
Thiền tăng Khắc Khế vẫn thưa như cũ: “Lão thiền sư, vì ngài quá bận, nên học tăng không dám đến quấy nhiễu Ngài ạ!”
Thiền sư Phật Quang lập tức hét lên: “Bận! Bận! Con đang bận vì ai? Ta cũng có thể bận vì con chứ!”
“Ta cũng có thể bận vì con” - câu nói này của thiền sư Phật Quang nhắm thẳng vào nội tâm thiền tăng Khắc Khế. Bấy giờ học tăng Khắc Khế hoát nhiên đại ngộ.
Trước khi chiến thắng người khác phải chiến thắng chính mình
Kẻ thù lớn nhất và khó chiến thắng nhất trong đời người chính là mình. Có người chiến thắng được vô số đối thủ, nhưng cuối cùng bị bại trận trong tay mình. Vì thế, trước khi chúng ta thử chiến thắng đối phương, hoặc khi muốn đạt được mục tiêu nào đó, nhất định phải kiểm tra mình trước, xem thử mình có làm trở ngại mình hay không.
Trước đây, có một hòa thượng tên Minh Huệ một lòng hướng đạo. Muốn mong sớm ngày đạt thành chính quả, liền đến ngôi chùa trong núi sâu để lắng lòng tu hành.
Nhưng, mỗi lần hòa thượng Minh Huệ nhập định ngồi thiền, trước mắt ông thường xuất hiện một con nhện rất lớn. Con nhện đó nhe nanh múa vuốt, không ngừng quấy nhiễu ông, mặc dù hòa thượng Minh Huệ không sợ, nhưng không có cách nào ngồi yên tu hành được.
Hòa thượng Minh Huệ vô cùng khổ não, thế là, ông tìm đến tổ sư cầu sự chỉ dạy: “Sư phụ, chẳng biết vì sao cứ mỗi lần con vừa nhập định, lại xuất hiện một con nhện rất lớn, bất luận con đuổi thế nào đi nữa nó vẫn không đi, cúi xin tổ sư chỉ điểm khai mê cho đệ tử”.
Tổ sư nghe xong vô cùng kinh ngạc, nói: “Rõ ràng có chuyện này sao? Thế này nhé, lần sau lúc nhập định, hãy cầm một cây bút, đợi đến lúc con nhện kia xuất hiện, hãy vẽ vào bụng nó một vòng tròn, thử xem nó là con vật ở phương nào, lúc đó ta sẽ diệt trừ nó cho con”.
Lần sau, lúc hòa thượng Minh Huệ nhập định, quả nhiên có cầm theo cây bút, đợi con nhện kia xuất hiện, ông liền nhanh chóng vẽ vào bụng nó một vòng tròn màu đỏ thật lớn. Con nhện kia chẳng chút phòng bị nào cả, nên vội hoảng hốt trốn đi, hòa thượng Minh Huệ nhanh chóng nhập định. Đến khi vừa xuất định, bỗng phát hiện trên bụng mình có một vòng tròn màu đỏ thật lớn!”
Hòa thượng Minh Huệ hoát nhiên đại ngộ: Thì ra người phá rối sự tu hành của mình chính là bản thân mình chứ chẳng phải ai khác!
Nuôi dưỡng và dạy dỗ con cái cũng giống như chăm sóc hoa lá vậy
Chăm sóc, nuôi dưỡng con cái cũng như chăm bón, cắt tỉa hoa lá, giúp chúng thay đổi một vài khuyết điểm, trừ bỏ thói hư tật xấu. Khi chúng bị tổn thương, ta đến ủng hộ động viên, khiến chúng chấn chỉnh lại cờ trống. Bảo chúng ra ngoài dạo chơi, tiếp xúc nhiều người và việc, hấp thu nhiều quan điểm, từ đó tư tưởng ngày càng hoàn thiện, càng thành thục hơn. Khi chúng manh nha nảy mầm làm việc lợi ích, phải cho chúng có môi trường sáng tạo, giúp chúng thực hiện mục tiêu.
Có một tín đồ sau khi đảnh lễ chí thành trong điện Phật, tản bộ đến vườn hoa của thiền viện, vừa đúng lúc gặp thiền sư tri viên (hòa thượng phụ trách việc làm vườn) đang mải cúi đầu sửa sang hoa lá.
Tín đồ chỉ nhìn thấy thầy tri viên lúc dùng kéo cắt bỏ cành lá của hoa cỏ, lúc lại nhổ lên một vài bụi hoa, dời đến đặt vào một chậu hoa khác, lát sau lại tưới nước bón phân cho một chậu hoa khác bị héo, chăm sóc đặc biệt. Thiền sư tỉa tỉa cắt cắt, vô cùng bận rộn.
Tín đồ nhìn một lúc, sau đó hỏi với vẻ không hiểu: “Thiền sư tri viên, rốt cuộc thầy chăm sóc hoa lá thế nào vậy? Cành lá còn tốt lại cắt chúng đi, những cây hoa bị khô héo, thầy còn phải tưới nước bón phân cho chúng, vả lại còn dời từ chậu này sang chậu khác, có nên chăng phải dời đến dời đi phiền muộn thế không?”
Thiền sư tri viên vừa làm việc vừa hỏi: “Thí chủ có con chứ? Chăm sóc hoa lá cũng giống như nuôi dạy con cái vậy, con người cần dạy dỗ thế nào thì hoa lá cũng cần được chăm sóc thế ấy”.
Sau khi nghe xong, tín đồ hoài nghi hỏi: “Thiền sư, con càng nghe càng không hiểu, cỏ cây hoa lá làm sao đem so sánh với con người được chứ?”
Thiền sư tri viên không ngẩng đầu lên, chậm rãi dạy: “Chăm sóc hoa lá sao lại không thể so sánh với con người được chứ? Ông xem, những cây hoa này cành lá um tùm, hoa nở quá nhiều sẽ không đẹp, vì thế phải cắt bớt đi, hơn nữa, phải kịp thời cắt bỏ những cành lá tạp nhạp, để tránh chúng hút hết chất dinh dưỡng của những cây hoa khác”.
Tín đồ nghe xong, gật gật đầu rồi lại hỏi: “Có một vài cành lá khô như đã chết, sao còn phải đặc biệt chăm sóc nó chứ, làm thế chẳng phải hao phí sức lực hay sao?”
Thiền sư tri viên nhìn ngắm những cành lá khô kia, từ bi nói: “Những cành lá này nhìn như đã khô héo chết đi, nhưng kỳ thực bên trong nó vẫn còn ẩn chứa cơ hội sống vô hạn, nếu chăm sóc kịp thời, chúng sẽ nở ra những đóa hoa vô cùng đẹp đẽ. Phải biết rằng bản tính con người vốn là thiện, chỉ cần chúng ta dốc lòng yêu quý giữ gìn, quan tâm đến chúng nhiều hơn, chắc chắn chúng sẽ sống tốt trở lại”.
Vừa nói, thiền sư tri viên cầm lên một cây hoa, dời sang một chậu hoa khác, sau đó giải thích: “Đem hoa từ chậu này sang chậu khác có thể khiến chúng hấp thu chất dinh dưỡng được nhiều hơn, điều này cũng giống như bảo người thanh niên rời xa môi trường không tốt, đến một nơi khác và tiếp xúc với thầy hiền bạn tốt, thì trình độ học vấn ngày càng cao vậy”.
Tín đồ nghe xong, vui vẻ cảm thán: “Thiền sư tri viên, cảm ơn thầy đã dạy con bài học nuôi dạy con cái vô cùng có đạo lý! Mãi cho đến bây giờ, con mới thật sự biết nên dạy dỗ con cái của mình như thế nào”.
Nếu như cho điều đó là chính xác phải giữ vững chủ kiến
Mỗi người nên có chủ kiến, nếu chúng ta cho rằng bản thân làm điều chính xác, thì phải giữ vững chủ kiến của mình, nếu không thì quan một cũng ừ, quan tư cũng gật, bị sự không chế của người khác. Chỉ có như thế, mới có kiến giải thuộc về mình, từ đó khiến mình thay đổi trở thành người xuất chúng.
Thiền sư Đại Mai học thiền đã nhiều năm, mặc dù học tập rất chăm chỉ, nhưng mãi vẫn chưa ngộ đạo.
Một ngày, Đại Mai đến chỗ thiền sư Mã Tổ xin thỉnh giáo: “Phật là gì?”
Thiền sư Mã Tổ trả lời: “Tức tâm tức Phật”. Thiền sư Đại Mai hốt nhiên đại ngộ.
Sau khi khai ngộ, Đại Mai rời thiền sư Mã Tổ, hạ sơn hoằng dương chính pháp. Lúc thiền sư Mã Tổ nghe nói Đại Mai đã khai ngộ, không tin tưởng lắm, trong lòng nghĩ rằng: “Trước đây Đại Mai học Phật pháp nhiều năm như thế, làm sao trong chốc lát mà khai ngộ được chứ? Vậy ta có thể bảo một người đi thử một phen xem sao!” Thế là thiền sư Mã Tổ sai một đệ tử của mình đi thăm dò Đại Mai.
Lúc người này gặp thiền sư Đại Mai, liền hỏi rằng: “Sư huynh à, sư phụ dạy điều gì khiến cho sư huynh ngộ đạo vậy?”
Đại Mai trả lời: “Tức tâm tức Phật”.
Người này nói: “Nhưng bây giờ sư phụ đã không còn nói ‘tức tâm tức Phật’ nữa!”
Đại Mai vô cùng kinh ngạc vội hỏi: Ồ! Vậy bây giờ ngài dạy cái gì?”
Người kia nói: “Bây giờ sư phụ thường dạy ‘phi tâm phi Phật’”.
Đại Mai nghe xong, cười nói: “Lão hòa thượng này, chẳng phải đang cố ý cho người đến thử ta chăng? Ta cũng mặc kệ Phật’ gì đó của ông, ta vẫn kiên quyết giữ vững Phật’ của ta mà thôi”.
Người kia trở về đem sự việc đã trải nghiệm qua thưa lại với thiền sư Mã Tổ. Tiền sư Mã Tổ xúc động nói: “Đại Mai thật sự thành thục rồi”. Ý ngài nói rằng, Đại Mai thật sự đã khai ngộ rồi.
Việc của mình tự mình làm
Đại đa số sự việc trong đời, người khác không thể làm thay ta được. Nếu đã là việc của mình, phải tự mình làm. Việc của ta tự ta đi làm, mới có thể thực sự gặt hái tất cả.
Thiền sư Đạo Khiêm kết bạn tốt với Tông Viên cùng đi tham phương hành đạo. Giữa đường thiền sư Tông Viên không chịu nổi mệt nhọc phải trèo non lội suối, vì thế đã mấy lần ông tỏ ý muốn quay về, không đi nữa.
Đạo Khiêm an ủi ông: “Chúng ta quyết tâm ra đi tham học, hơn nữa cũng đi được một đoạn đường khá xa rồi, giờ nửa đường lại quay về thật là đáng tiếc. Thế này nhé, từ bây giờ trở đi, trên đường đi nếu việc gì tôi có thể làm được, tôi nhất định làm thay cho ông, nhưng chỉ có năm việc tôi không thể nào giúp cho ông được”.
Tông Viên liền hỏi: “Năm việc đó là việc gì vậy?”
Đạo Khiêm nói một cách vô cùng tự nhiên, đó là: “Mặc áo quần, ăn cơm, đại tiện, tiểu tiện và đi đường”.
Nghe xong lời Đạo Khiêm, Tông Viên cuối cùng đã khai ngộ, từ đó ông không còn dám than vất vả khổ sở nữa.
Chỉ sống trong hy vọng mới thấy được ánh sáng
Nhiều người trách rằng cuộc đời thiếu đi hoặc không có ánh sáng, đấy là do họ thiếu hoặc không hy vọng. Bất luận ở trong cảnh khốn khó thế nào, chỉ cần sống trong hy vọng, thì sẽ thấy được ánh sang, ánh sáng này luôn theo suốt cuộc đời chúng ta.
Một đệ tử hỏi thiền sư: “Con tham thiền đã lâu như thế, vì sao con vẫn không nhìn thấy được ánh sáng?”
Thiền sư liền giảng cho đệ tử nghe câu chuyện sau đây.
Ngày xưa, có hai người mù một già một trẻ cùng nương tựa nhau mà sống, mỗi ngày họ dựa vào cây đàn để duy trì cuộc sống của mình. Một ngày nọ, ông lão mù ngã bệnh không thể ráng sức được nữa. Ông biết rằng không bao lâu nữa mình sẽ qua đời, bèn gọi người mù trẻ đến đầu giường, nắm chặt tay người mù trẻ và dùng hết sức dặn dò anh ta: “Con à, ở đây ta có một bài thuốc bí truyền, có thể giúp con nhìn thấy được ánh sáng. Ta đem nó cất giấu trong cây đàn, nhưng con phải nhớ rằng, lúc con nhặt đủ 1.000 sợi dây đàn mới có thể lấy nó ra được, nếu không con sẽ không bao giờ thấy được ánh sáng”. Người mù trẻ nghe xong nước mắt chảy ròng ròng, hứa với sư phụ. Sau đó ông lão mù cười nhẹ rồi nhắm mắt ra đi.
Ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, người mù trẻ luôn ghi nhớ trong lòng lời di chúc của sư phụ, đàn rồi lại đàn không ngừng, đem từng sợi dây đàn đứt cất giữ lại tất cả. Lúc nhặt đủ 1.000 sợi dây, bấy giờ người mù trẻ trở thành ông già lụ khụ, yếu đến nổi gió thổi cũng bay, đã chịu bao cảnh tang thương. Ông nén chặt sự vui mừng trong lòng, hai tay run run, chậm rãi mở hộp dây đàn để lấy ra phương thuốc bí truyền.
Song, mọi người bảo với ông, đó chỉ là một tờ giấy trắng, trên đó chẳng ghi gì cả, nước mắt rơi xuống tờ giấy, ông ta cười.
Điều đó cũng hiển nhiên thôi, lão mù lừa người mù trẻ. Nhưng người mù trẻ của quá khứ đã trở thành người mù già của hôm nay, cầm tờ giấy trắng trong tay, vì sao lại cười? Bởi trong khoảnh khắc mang ra “phương thuốc bí truyền”, bỗng ông hiểu rõ sự dụng tâm của sư phụ. Tuy chỉ một tờ giấy trắng, nhưng từ nhỏ đến già sau khi nhặt đủ 1.000 sợi dây đàn đứt, ông lại ngộ ra được chân lý của phương thuốc bí truyền vô tự, đó chính là: Chỉ có sống trong niềm hy vọng, mới có thể nhìn được ánh sáng.
Sau khi giảng xong câu chuyện, thiền sư hỏi đệ tử: “Con đã thấy được ánh sáng chưa?”
Người đệ tử trả lời: “Dạ con nhìn thấy rồi”.