Đức Phật dạy "tâm dẫn đầu các pháp" nếu tâm thanh tịnh, thế giới sẽ thanh tịnh, ngược lại, nếu với tâm bất an, tâm bất tịnh thì dù ở trong cõi an lạc cũng cảm thấy bất an, ở trong cõi tịnh cũng trở thành ô nhiễm. Do vậy kinh nói chiến thắng ba quân không vinh quang bằng chiến thắng được cái xấu, cái ác trong tâm mình.
Chỉ cần tâm không ngoại vật
Chỉ cần bạn có tồn tại tâm tích, cho dù che giấu sâu đến thế nào, người khác cũng có thể dò ra được. Nếu không muốn bị người khác dò ra tâm tích, chỉ có một cách - tâm không vướng mắc bởi ngoài vật.
Tam tạng pháp sư tự khoe mình thần thông quảng đại, anh ta đến trước mặt Thiền sư Huệ Trung, muốn chứng nghiệm với ngài một phen.
Huệ Trung khiêm nhường hỏi: “Sớm nghe nói ông có thể nhìn thấu nội tâm con người, không biết có thật thế không?”
Tam tạng pháp sư trả lời: “Chỉ là một vài trò vặt vãnh thôi mà!”
Thế là Thiền sư Huệ Trung nghĩ ra một chuyện, bèn hỏi: “Hãy nhìn xem bây giờ lão tăng đang ở chỗ nào?”
Tam tạng pháp sư vận dụng thần thông, tra xem một phen liền trả lời: “Ngưỡng mộ đạo đức cao sang, nước chảy trong dòng sông nhỏ”.
Thiền sư Huệ Trung gật đầu mỉm cười, ngài chuyển đổi tâm niệm rồi hỏi: “Hãy nhìn xem bây giờ lão tăng đang ở đâu?”
Tam tạng pháp sư lại vận dụng thần thông, tra xem một lần rồi mỉm cười nói: “Thiền sư sao lại chơi đùa với khỉ trong núi thế chứ?”
“Quả nhiên rất giỏi!” Thiền sư Huệ Trung khen ngợi ra mặt, sau khi khen xong, lập tức đem tâm niệm phong hành vũ tán thâu lại, phản quang nội chiếu, đi vào cảnh giới thiền định, không có tướng ta, không có tướng người, không có tướng thế giới, không có tướng động tịnh, lúc này ngài mới tủm tỉm cười hỏi: “Hãy xem bây giờ lão tăng đang ở nơi nào?”
Tam tạng pháp sư vận dụng thần thông khắp nơi, chỉ thấy trời xanh không mây, đầm nước không trăng, nhân gian không tung tích, gương sáng không bóng hình.
Tam tạng pháp sư vận dụng toàn bộ các chiêu thức, bản lĩnh, quán chiếu khắp trên trời dưới đất, nhưng hoàn toàn không thấy tâm tích của Huệ Trung, nhất thời ngớ ngẩn chẳng biết làm thế nào cả.
Thiền sư Huệ Trung từ từ xuất định, mỉm cười hàm tiếu nói với Tam tạng rằng: “Thần lực của các hạ có thông tâm, có thể biết toàn bộ nơi đi của người khác, rất giỏi! Rất giỏi! Nhưng lại không thể tìm ra được tâm tích của ta, ông biết điều này vì sao không?”
Tam tạng lắc lắc đầu, vẻ mặt đầy mông lung.
Thiền sư Huệ Trung cười nói: “Bởi vì ta không có tâm tích, một khi đã không có, làm sao có thể dò ra được chứ?”
Xả bỏ không được vì tâm quá nhiều tạp niệm
Có những việc sở dĩ buông bỏ không được là vì trong tâm có quá nhiều tạp niệm. Muốn dứt trừ tạp niệm, phải giữ tâm vắng lặng, khiến những tạp niệm không có chỗ dấy khởi. Chỉ có như thế, mới có thể đạt đến cảnh giới “buông xả”.
Một hôm, Hòa thượng Thản Sơn chuẩn bị đi thăm một cao tăng mà ngài ngưỡng mộ đã lâu. Cao tăng đó là vị trụ trì ở ngôi chùa cách xa đến mấy trăm dặm. Sáng sớm, bầu trời âm u, xa xa thỉnh thoảng lại vang đến những tiếng sấm sét.
Chú tiểu cùng đi với Thản Sơn do dự không muốn đi liền nhẹ nhàng thưa: “Trời sắp mưa to rồi, hay là đợi khi tạnh mưa rồi hãy đi nhé!”
Thản Sơn chẳng hề ngẩng đầu, mang ô và bước ra khỏi cổng, vừa đi vừa nói: “Người xuất gia thì sợ gì mưa gió”.
Chú tiểu chẳng còn cách nào cả, đành phải bước theo sau hòa thượng. Hai người đi được nửa đường thì trời mưa như trút nước. Mưa càng lúc càng lớn, gió càng lúc càng mạnh, Thản Sơn và chú tiểu cùng nắm chặt ô, gió ngược mưa bay, hai người dìu đỡ nhau, bước thấp bước cao rất vất vả, đi mãi nhưng vẫn chưa gặp được người nào.
Đường phía trước càng đi càng lầy lội, mấy lần tiểu hòa thượng suýt bị ngã, may mà Thản Sơn kịp thời kéo lại. Vừa đi thì tiểu hòa thượng đột nhiên đứng lại, hai mắt nhìn sững về phía trước, dường như bị ai làm phép định thân vậy. Thản Sơn nhìn theo ánh mắt chú tiểu, ngài thấy một cô gái trẻ đứng ở bên đường cách đó không xa. Ở vùng ngoại ô hoang dã mưa lớn thế này lại xuất hiện một cô gái trẻ đẹp như thế, chẳng trách gì chú tiểu lại sững sờ ngây ngất đến vậy.
Đó thật sự là một cô gái xinh đẹp khó thấy, hai hàng mi cong trên gương mặt trái xoan, đôi mắt to long lanh, dưới sống mũi rất thẳng là một cái miệng như trái anh đào tươi thắm, mái tóc đẹp dài ngang lưng. Nhưng đôi chân mày của cô gái kia lúc này hơi chau lại, sắc mặt khó coi. Thì ra cô gái đang mặc bộ áo quần tơ lụa mới toanh, nhưng dưới chân cô lại là một vũng bùn, cô sợ bước qua sẽ làm bẩn áo quần, nên đang vô cùng lo lắng.
Thản Sơn bước đến trước mặt cô gái nói, “cô gái, ta đến giúp con đây”. Nói xong, ngài đưa hai cánh tay ra và đưa cô gái qua khỏi vũng bùn.
Sau đó trên đường đi, chú tiểu theo sau ngài Thản Sơn cứ mãi rầu rầu không vui, không nói câu nào, cũng không cần ngài Thản Sơn nâng đỡ dắt dìu nữa.
Lúc trời gần tối, cuối cùng mưa cũng tạnh, bên trời xuất hiện ráng chiều nhàn nhạt, Thản Sơn và chú tiểu tìm đến một quán trọ để tá túc.
Mãi đến khi ăn cơm xong, lúc ngài Thản Sơn rửa chân chuẩn bị lên giường nghỉ ngơi, cuối cùng không nhịn được nữa chú tiểu bèn mở miệng nói: “Chúng ta là người xuất gia thì không được sát sinh, không được trộm cắp, không được tà dâm, không được vọng ngữ, không được uống rượu, đặc biệt là không được tiếp xúc với những người con gái xinh đẹp. Vậy sao thầy lại có thể ôm cô gái kia cơ chứ?”
“Ai? Người con gái nào?” Thản Sơn kinh ngạc, sau đó cười và nói, “Ồ, thì ra con nói người con gái mà chúng ta gặp trên đường đó sao. Ta đã sớm đặt cô gái kia xuống rồi, lẽ nào con lại còn ôm lấy cô gái ấy mãi sao? Xem ra, con vẫn chưa đặt xuống, bởi vì tạp niệm trong tâm con còn có quá nhiều đó con ạ!”
Bấy giờ chú tiểu bỗng nhiên đốn ngộ.
Cho dù ở đâu cũng phải giữ gìn yên tịnh
Chỉ cần chúng ta đổi mới hằng ngày, thường tự xét lại mình, thì sẽ thoát khỏi sự quấy nhiễu của thế tục, quét sạch bụi bẩn trong tâm hồn. Cho nên, chỉ cần chúng ta dụng tâm làm, cho dù thân chúng ta ở đâu, cũng có thể giữ được hòa bình yên tịnh.
Có một tín đồ Phật giáo rất thành kính, mỗi ngày đều hái hoa tươi trong vườn nhà mình mang đến chùa cúng Phật. Một hôm, lúc cô mang hoa đến điện Phật, vừa khéo gặp lúc thiền sư Vô Đức từ pháp đường đi ra, thiền sư Vô Đức vô cùng hoan hỉ nói: “Mỗi ngày con đều mang hoa thơm cúng Phật với tấm lòng thành kính như thế, theo kinh điển nhà Phật, người nào thường mang hương hoa cúng Phật, đời sau sẽ được phúc báu, tướng mạo trang nghiêm”.
Người tín đồ này vô cùng sung sướng thưa: “Đây là điều đáng làm. Mỗi lần con đến lễ Phật, tâm hồn cảm thấy thanh thản mát mẻ như vừa được rửa sạch tội lỗi, nhưng về nhà thì tâm lại phiền muộn. Là nữ chủ trong gia đình, con phải làm thế nào để giữ được tâm hồn thanh tịnh thuần khiết trong cuộc đời bụi bặm, ồn ào này?”
Thiền sư Vô Đức hỏi lại: “Con đem hoa tươi cúng Phật, chắc hẳn hiểu được vài điều thông thường về hoa cảnh, bây giờ ta hỏi con, con phải làm thế nào để giữ cho hoa được tươi đẹp?”
Tín đồ trả lời: “Cách giữ được hoa tươi đó là, cách một ngày phải thay nước, vả lại lúc thay nước phải cắt bỏ những cánh hoa héo, vì những cánh hoa này đã thối rữa, khi thối rữa thì phần nước không dễ hấp thu được, như thế hoa dễ bị héo tàn!”
Thiền sư Vô Đức nói: “Giữ gìn tấm lòng thuần khiết thanh tịnh cũng như vậy. Môi trường sống của chúng ta giống như nước trong bình hoa ấy, chúng ta chính là hoa, chỉ có không ngừng tịnh hóa thân tâm, thay đổi phong cách sống, đồng thời không ngừng sám hối, kiểm thảo, sửa đổi những khuyết điểm, thói hư tật xấu, mới có thể không ngừng hấp thu năng lượng của thiên nhiên”.
Tín đồ nghe xong, lạy tạ thiền sư: “Cám ơn sự chỉ dạy của thiền sư, mong rằng sau này có dịp được gần gũi ngài, sống đời thiền giả trong chùa một thời gian, sớm tối được nghe chuông mõ, sống yên tịnh trong lời kinh tiếng kệ”.
Vô Đức thiền sư nói: “Hơi thở của con chính là lời kinh, mạch đập của con chính là chuông trống, thân thể là chùa chiền, hai tai chính là bồ đề, không có nơi nào là không yên tịnh cả, hà tất lại phải đợi cơ hội đến chùa sống ư?”
Cái gì mất đi thì để mặc nó mất đi
Sự việc trong thế gian thay đổi vô thường, chúng ta không chấp vào sự vật với tâm tham ái khó mà cắt đứt. Suy cho cùng, chúng ta yêu thích cái ban đầu của sự vật, đồng thời không phải khi mất nó mà đau lòng. Nhiều thứ trong đời đã mất đi, đừng ngại cứ để nó mất đi nhé.
Thiền sư Kim Đại vô cùng thích hoa lan, nên trồng trong vườn nhiều loại hoa lan với đủ màu sắc, ngoài việc giảng kinh thuyết pháp, ngài dốc toàn tâm lực chăm sóc giàn hoa lan. Mọi người đều nói, hoa lan như là mệnh sống của Kim Đại thiền sư vậy.
Ngày nọ, Kim Đại thiền sư có việc ra ngoài. Một đệ tử nhận sự chỉ thị của sư phụ, tưới nước cho hoa, nhưng vì không cẩn thận vướng chân nên chậu lan đã bị đổ.
Bấy giờ trong lòng đệ tử này nghĩ: Sư phụ trở về, thấy chậu hoa lan ngài yêu thích với cảnh tượng thế này, chẳng biết phẫn nộ đến mức nào đây? Thế là thầy bèn bàn bạc với huynh đệ khác, đợi khi thiền sư về sẽ dũng cảm đến nhận lỗi, đồng thời chịu bất cứ sự trừng phạt nào.
Sau khi Kim Đại thiền sư trở về, thấy sự việc này, ngài không một chút tức giận, trái lại rất bình tĩnh hòa nhã an ủi đệ tử: “Sở dĩ ta thích hoa lan, vì muốn dùng hoa thơm cúng Phật, vả lại cũng vì làm đẹp cho môi trường thiền viện, chứ không phải vì tức giận mới trồng hoa! Phàm tất cả các vật trên thế giới đều vô thường, không nên chấp trước vào vật mình yêu thích mà khó từ bỏ, đó không phải là đường đi của một hành giả Như Lai!”
Công án Thiền: “Không phải vì tức giận mà trồng hoa” của Kim Đại thiền sư cảm hóa một cách sâu sắc đến các đệ tử. Đệ tử đã buông bỏ được tâm thấp thỏm lo sợ, vì thế ngày càng tu hành tinh tấn hơn.
Nếu muốn sống vui vẻ thì đừng tự đi tìm phiền não
Trên đời vốn vô sự, kẻ tầm thường tự chuốc lấy phiền toái. Trong cuộc sống, nhiều người thường tự đi tìm phiền não, tự buộc xiềng xích vào mình, làm cho bản thân mệt mỏi không chịu nổi. Chúng ta phải biết cởi bỏ những trói buộc này, giảm bớt áp lực cho bản thân, từ đó cuộc sống nhẹ nhàng, vui vẻ.
Thiền sư Đạo Tín Tổ thứ tư lúc chưa ngộ đạo, từng đến chỗ Thiền sư Tăng Xán Tổ thứ ba để thỉnh giáo.
Đạo Tín thỉnh cầu một cách thành kính: “Con cảm thấy đời người quá khổ não, mong ngài chỉ dẫn cho con một con đường giải thoát”.
Tam tổ Tăng Xán thiền sư hỏi lại: “Là ai đang trói buộc ông?”
Đạo Tín suy nghĩ một lát rồi thật thà trả lời: “Chẳng có ai trói buộc con cả”.
Tam Tổ Tăng Xán thiền sư cười nói: “Một khi không có ai trói buộc thì ông đã được tự do, được giải thoát rồi, ông hà tất còn phải đi tìm cầu giải thoát ở đâu nữa chứ?”
Về sau Thạch Đầu Hy Vận thiền sư lúc đang hướng dẫn người học, thường đem thiền cơ linh hoạt sống động này phát huy đến chỗ cao nhất.
Có một học tăng hỏi Hy Thiên thiền sư: “Làm sao mới có thể giải thoát được?”
Hy Thiên thiền sư trả lời: “Ai trói buộc ông?”
Học tăng lại hỏi: “Làm thế nào mới có thể cầu được nhất phương tịnh độ?”
Hy Thiên thiền sư trả lời: “Ai đã ô nhiễm ông?”
Học tăng lại tiếp tục truy hỏi: “Làm thế nào mới có thể đạt đến cảnh giới Niết bàn vĩnh hằng?”
Hy Thiên thiền sư trả lời: “Ai đã cho ông sinh và tử? Ai bảo ông là sinh và tử khác nhau?”
Dưới sự bức hỏi tiếp tục của Hy Thiên thiền sư, học tăng bắt đầu mông lung không hiểu, sau đó bỗng hoát nhiên đại ngộ.
Chỉ cần tâm bất động
Đôi khi, chúng ta nhìn thấy cảnh xuân rực rỡ, chim hót hoa thơm, hay gió lạnh thấu xương, hoa rơi lá rụng, trong mắt thiền giả những thứ này đều là kết quả tác dụng của tâm lý chúng ta, trong lòng chúng ta cảm nhận hướng ra thế giới sự vật bên ngoài. Vì thế, giữ được tâm bình thường, mới thực sự không xem trọng sự vật vui hay buồn, mới đạt đến cảnh giới cao tột của đời người.
Đại sư Huệ Năng được trao y bát từ ngũ tổ Hoằng Nhẫn, vì muốn ngộ đạo tu hành, nên chỉ một mình đi đến Nam Hải.
Bấy giờ, Thiền sư Ấn Tông đang giảng kinh “Niết bàn” tại chùa Pháp Tính ở Quảng Châu, thế là Huệ Năng đại sư quyết định dừng lại chùa Pháp Tính vài hôm, để tiện việc nghe pháp sư giảng kinh.
Hôm ấy, vì pháp sư giảng kinh nên trước chùa có dựng cờ phan.
Có hai hòa thượng thấy cờ phan tung bay phất phới trong quảng trường, liền bàn tán xôn xao. Trong đó một người nói: “Là phan động”.
Một người khác nói: “ Không, là gió động”.
Kết quả, hai người cứ tranh luận việc này mãi không thôi.
Lúc này Huệ Năng đại sư mới bắt đầu lên tiếng: “Không phải phan động, cũng chẳng phải gió động, mà chính là tâm hai vị đang động”.
Hai người đang tranh luận, vừa nghe được lời của Huệ Năng nói, nhất thời hoát nhiên đại ngộ.
Trừ bỏ vọng niệm mới không bị thế sự mê hoặc
Một người có thể đạt đến cảnh giới tâm tịnh, sẽ không bị mơ màng. Thế nhưng ít người làm được, vì trên đời có quá nhiều điều mê hoặc, tuy nhiên chúng ta không thể quản hết tất cả việc thế gian, có một điểm phải cố gắng đạt được, đó chính là đừng bị quấy nhiễu bởi hoàn cảnh bên ngoài.
Thiền sư Huệ Năng thấy đệ tử suốt ngày ngồi thiền, một lần ngài hỏi: “Con vì sao ngồi thiền suốt ngày vậy?”
Đệ tử trả lời: “Con tham thiền ạ!”
Thiền sư Huệ Năng nói: “Tham thiền và ngồi thiền hoàn toàn không phải là một việc”.
Đệ tử trả lời: “Nhưng thầy chẳng thường dạy chúng con phải giữ gìn tâm không để thất lạc, quán sát tất cả các pháp một cách thanh tịnh, suốt ngày ngồi thiền không được nằm sao?”
Thiền sư Huệ Năng nói: “Suốt ngày ngồi thiền, đây không phải là thiền, mà là đang giày vò thân thể mình đấy”.
Đệ tử hồ đồ rồi.
Huệ Năng thiền sư tiếp tục nói: “Thiền định, không phải là con người ngồi trơ như khúc gỗ, đầu đá hoàn toàn, mà là thân tâm đạt đến trạng thái sáng suốt, yên tịnh cực độ. Lìa bỏ tất cả vật tướng thế giới bên ngoài, là Thiền; trong tâm yên tịnh không tán loạn là Định. Nếu như chấp đắm vào vật tướng của nhân gian thì nội tâm sẽ bị tán loạn; nếu như rời xa tất cả những sự mê hoặc và khuấy nhiễu của vật tướng, thì tâm hồn không bị tán loạn nữa. Tâm hồn chúng ta vốn dĩ thanh tịnh, chỉ vì sự mê hoặc, quấy nhiễu của vật tướng bên ngoài, giống như gương sáng bị bụi trần che mờ, phải sống mê muội thất lạc vậy”.
Đệ tử cúi mình thưa hỏi: “Vậy thì làm thế nào mới có thể trừ bỏ vọng niệm, không bị tất cả các vật thế gian mê hoặc?”
Huệ Năng thiền sư nói: “Suy nghĩ đến việc thiện của nhân gian, tâm chính là thiên đường; suy nghĩ đến việc tà ác của nhân gian, sẽ biến thành địa ngục. Tâm sinh độc hại, con người sẽ luân hồi làm súc sinh; tâm sinh từ bi thì khắp nơi đều là Bồ Tát; tâm sinh trí huệ thì không có chỗ nào là không phải cõi an vui; trong tâm ngu si thì khắp nơi đều là biển khổ”.
Cuối cùng đệ tử đã ngộ được tất cả đạo lý đó.
Phàm có chút thiền tâm sẽ có sở ngộ, có sở đắc
Thiền tâm là tập trung ý chí, là tâm không tạp niệm, phàm sự vật gì cũng nên có chút thiền tâm, dù việc nhỏ nhặt cũng phải như thế. Mang chút thiền tâm khi làm việc, cuối cùng sẽ được đại ngộ.
Một hôm, khi Dịch Thượng thiền sư xả thiền, đúng lúc bên ngoài vang đến những tiếng chuông rất du dương, Ngài chuyên tâm chăm chú nghiêng tai lắng nghe, đợi khi tiếng chuông ngưng lại, thiền sư không nhịn được bèn gọi thị giả đến hỏi: “Người đánh chuông sáng nay là ai?”
Thị giả trả lời: “Là một Sa di mới đến tham học”. Dịch Thượng thiền sư liền bảo thị giả gọi vị Sa di ấy đến, Ngài hỏi: “Sáng sớm hôm nay con thỉnh chuông với một tâm trạng thế nào?”
Sa di không biết vì sao thiền sư lại hỏi như thế, liền thưa: “Chẳng có tâm trạng gì đặc biệt cả, con chỉ biết thỉnh chuông và thỉnh chuông thôi ạ”.
Dịch Thượng thiền sư nói: “Không phải chứ? Lúc con đang thỉnh chuông, trong lòng nhất định phải nghĩ đến một vài điều gì đó? Bởi vì tiếng chuông hôm nay ta nghe được, là âm thanh vô cùng cao quý, đó là người có chính tâm thành ý, mới khiến cho tiếng chuông phát ra âm thanh như thế”.
Sa di suy nghĩ một lát, sau đó thưa: “Bạch thiền sư, thật ra cũng chẳng có tâm niệm gì đặc biệt cả, chỉ là lúc con chưa xuất gia tham thiền học đạo, khi đó gia sư thường dạy con, lúc thỉnh chuông phải nghĩ đến chuông tức là Phật, phải có lòng thành kính, chỉ có kỉnh chuông như kỉnh Phật, mới phù hợp với việc thỉnh chuông”.
Dịch Thượng thiền sư nghe xong vô cùng hài lòng, nhắc nhở hết lần này đến lần khác: “Sau này lúc xử lý việc gì, cũng phải giữ gìn thiền tâm như tâm thỉnh chuông sáng nay, tương lai nhất định con sẽ có triển vọng”.
Từ đó Sa di này luôn nuôi dưỡng thói quen cung kỉnh, không những thỉnh chuông, mà làm bất cứ việc gì, suy nghĩ làm sao, đều luôn ghi nhớ đến lời khai thị của Dịch Thượng thiền sư, giữ gìn thiền tâm như khi đang thỉnh chuông, cuối cùng hoát nhiên đại ngộ.
Vị Sa di đó chính là thiền sư Ngộ Do nổi tiếng sau này.
Lúc cần thiết, buông xả chính là con đường giải thoát
Con người ở đời có quá nhiều thứ không buông bỏ được, có công danh thì không buông bỏ được công danh; có tiền bạc thì không buông bỏ được tiền bạc; có tình yêu thì không buông bỏ được tình yêu; có sự nghiệp thì không buông bỏ được sự nghiệp... Những gánh nặng và áp lực này khiến cho nhiều người sống rất gian khổ. Vậy nên, lúc cần thiết, buông xả vẫn có thể xem như là một con đường giải thoát.
Lúc Phật còn tại thế, có vị Bà la môn tên là Hắc Chỉ, hai tay mang hai bình hoa, đến trước pháp tòa của đức Phật để dâng lên cúng dường Ngài.
Đức Phật nói với Bà La Môn Hắc Chỉ: “Đặt xuống!” Người Bà la môn đem bình hoa bên tay trái đặt xuống. Đức Phật lại dạy: “Đặt xuống!”
Người Bà la môn lại đặt bình hoa bên tay phải của ông xuống. Song đức Phật vẫn bảo ông: “Đặt xuống!”
Bấy giờ người Bà la môn thưa: “Trong hai tay con không còn gì cả, con chẳng còn gì có thể đặt xuống nữa, xin hỏi bây giờ con phải đặt xuống cái gì đây?”
Đức Phật dạy: “Ta không phải bảo ông đặt bình hoa của ông xuống, cái mà ta muốn ông đặt xuống chính là sáu căn, sáu trần và sáu thức của ông kia. Trong lúc ông đem tất cả những thứ này đặt xuống, không còn gì nữa, tức là ông đã giải thoát được từ trong xiềng xích sinh tử rồi vậy”.
Bà la môn Hắc Chỉ gãi gãi vào đầu mình rồi suy nghĩ: Con thật là ngu muội! Mục đích con đến đây chính là để “buông xả” điều này, đó chính là muốn giải thoát tinh thần.
Cuối cùng ông cũng ngộ được ý nghĩa đích thực của sự “buông xả”. Đó chính là “buông xả” tất cả những tham dục, phẫn hận và vọng tưởng ở trong tâm để được tự do tự tại.
Chỉ cần buông bỏ gánh nặng trên thân
Đời người vốn có nhiều phiền muộn đau khổ. Nếu như bản thân mang thêm những gánh nặng tinh thân quá mức, sẽ mệt suốt đời không thể thắt lại. Chỉ có đem gánh nặng gán ép vào bản thân đặt xuống, mới có thể tìm thấy niềm vui thực sự.
Ngày xưa, có một người lang thang đang bôn ba vất vả đường dài không nhìn thấy đường cuối phố, anh ta mang trên vai một bao cát lớn vô cùng nặng nề, lại chở thêm một cái ống kềnh càng chứa đầy nước làm vướng víu thân anh. Tay phải anh nâng một hòn đá với hình thù kỳ quái, tay trái lại cầm một hòn nham thạch, trên cổ dùng một sợi dây thừng cũ treo vào một tảng đá mài, dưới cổ chân buộc thêm một sợi dây xích sắt đã gỉ, trên sợi xích sắt lại buộc thêm một vòng sắt lớn. Trên đầu anh đội một quả bí ngô lớn đã dậy mùi thối rữa.
Người lang thang này di chuyển từng bước hết sức vất vả, mỗi bước đi, sợi xích sắt trên chân anh lại phát ra âm thanh ồn ào khó chịu. Anh vừa rên rỉ và oán trách sao vận mệnh của mình gian nan đến thế, oán trách sự mệt mỏi không ngừng giày vò anh ta.
Trong lúc anh ta lê bước khó khăn dưới ánh mặt trời chói chang, có một vị tăng đi về phía anh, hỏi: “Ồ, hỡi người lang thang mệt nhọc kia, vì sao anh không ném viên đá trong tay đi chứ?”
“Tôi thật là ngu xuẩn,” kẻ lưu lạc đã hiểu, “trước đây sao tôi không nghĩ ra chứ?” Thế rồi anh ta liền ném hòn đá đi, và cảm thấy nhẹ nhõm hơn nhiều.
Không lâu sau, trên đường đi anh lại gặp một vị tăng. Vị tăng hỏi: “Hãy bảo cho ta, hỡi người lang thang mệt mỏi kia, sao anh không quăng quả bí ngô đã thối rữa trên đầu đi chứ? Vì sao anh lại phải kéo lê sợi dây xích nặng nề thế kia chứ?”
Kẻ lang thang trả lời: “Tôi thật rất vui vì ngài có thể chỉ cho tôi biết, tôi không ý thức được mình đang làm gì nữa”. Anh ta cởi sợi dây xích dưới chân ra, sau đó đem trái bí ngô đã thối rữa trên đầu đập nát xuống bên đường. Anh cảm thấy nhẹ đi rất nhiều. Sau đó tiếp tục bước về phía trước, lại cảm thấy bước đi lảo đảo.
Sau đó anh lại gặp một vị tăng. Vị tăng gặp người lưu lạc này thì vô cùng kinh ngạc: “A, người tốt, anh khiêng theo một bao cát, nhưng trên đường có rất nhiều cát; anh mang theo một ống nước lớn, dường như muốn đi xuyên qua đại sa mạc, nhưng anh nhìn kìa, bên đường có một khe suối nhỏ rất trong mát, nó đã đi theo làm bạn với anh cả một khoảng thời gian rất dài”. Nghe được những lời này, kẻ lưu lạc lại bỏ ống nước lớn xuống, nước đổ vào trong đã đổi mùi, sau đó anh đem cát trong bao đổ vào một cái hố.
Anh đứng lại trên đường, lặng im suy nghĩ nhìn ngắm tà dương. Ánh tà dương chiếu rọi vào người. Bỗng anh nhìn thấy tảng đá mài vẫn còn đeo trên cổ, và ý thức được rằng đây chính là thứ khiến cho mình không thể ưỡn thẳng lưng đi đường được, thế là anh liền tháo tảng đá mài xuống, quăng nó rất xa vào trong hồ.
Cuối cùng anh ta đã buông bỏ tất cả gánh nặng, quanh quẩn một mình trong cơn gió nhẹ mát mẻ lúc trời nhá nhem tối, bỗng nhiên anh phát giác mình đã tìm được chỗ quay về trong tâm hồn.
Một trái tim bình thường chân chính
Mỗi người đều có trái tim bình thường, nhưng rất ít người thể hội được tâm chân chính bình thường. Cho nên tâm bình thường là tâm rất khó được. Một người chỉ có tâm không tạp niệm, nhìn thấu được công danh lợi lộc, mới có thể có một trái tim bình thường.
Có một tín đồ hỏi thiền sư Huệ Hải: “Ngài là thiền sư nổi tiếng, nhưng có chỗ nào không giống với mọi người?”
Huệ Hải thiền sư trả lời: “Có”. Tín đồ lại hỏi: “ Là cái gì?”
Huệ Hải thiền sư trả lời: “Lúc ta cảm thấy đói thì ăn cơm, lúc cảm thấy mệt thì đi ngủ”.
“Đây cũng xem là chỗ khác với mọi người sao, mỗi người ai cũng đều thế cả thì có gì khác nhau đâu?”
Huệ Hải thiền sư trả lời: “Đương nhiên là không giống nhau!”
“Vì sao lại không giống nhau?” - tín đồ lại hỏi.
Thiền sư Huệ Hải bảo rằng: “Lúc các người ăn cơm thì luôn nghĩ đến những việc khác, không chuyên tâm vào chuyện ăn uống; lúc các người ngủ nghỉ, cũng thường nằm mộng, nên giấc ngủ không an. Còn lúc ta ăn cơm chỉ biết ăn cơm, không nghĩ đến điều gì cả; lúc ta ngủ nghỉ thì từ xưa đến nay không hề nằm mộng, cho nên ngủ được an giấc. Đây chính chỗ ta khác với mọi người”.
Thiền sư Huệ Hải tiếp tục nói: “Người đời rất khó chuyên tâm vào một việc gì đó, họ qua lại không ngừng trong danh lợi được mất, chấp chặt vào sự sủng ái, tủi nhục của phù hoa, nảy sinh ‘các loại vọng tưởng’ và ‘muôn nghìn vọng tưởng’ khác. Dừng lại ở lớp vỏ bọc bên ngoài của sinh mạng, đây là chướng ngại lớn nhất trong cuộc đời họ, vì thế mà bản thân bị mất phương hướng, mất cả ‘tâm bình thường’. Phải biết rằng, chỉ có đem tâm hồn dung hòa vào thế giới, dùng tâm để cảm nhận cuộc sống, mới có thể tìm được chân đế của cuộc sống.
Đồ đạc quá nhiều có lúc sẽ trở thành gánh nặng
Có người thỉnh thoảng có niềm vui sướng, có lẽ chỉ trong phút chốc thấy được sự vật, nhưng chỉ trong chớp mắt, còn nỗi lo sợ đã phát sinh vẫn tồn tại mãi. Vì thế, đồ đạc quá nhiều, đôi lúc cũng trở thành một thứ gánh nặng. Tất nhiên, chỉ cần có tâm thái tốt đẹp, thì gánh nặng thế nào cũng không tồn tại.
Có một lần, thiền sư Tịnh Không đang giảng kinh tại Hồng Kông. Trong thời gian này, ngài gặp một vị cư sĩ có rất nhiều vàng bạc châu báu. Một hôm, cư sĩ dẫn thiền sư đến ngân hàng để cho ngài xem những thứ châu báu kia, vì châu báu của ông để trong tủ bảo hiểm ngân hàng.
Đến ngân hàng, họ trải qua nhiều lớp giám định, lại được người bảo vệ đưa đến tủ bảo hiểm, vào tủ mở hòm bảo hiểm để lấy vàng bạc châu báu ra. Lúc này thiền sư nói: “Đây là vàng bạc châu báu của ông sao? Ông chỉ có bấy nhiêu thôi sao?”
Sau khi nghe lời này, trong lòng cư sĩ cảm thấy không vui. Tài sản ông ta nhiều như thế, song thiền sư lại bảo nó không phải là của ông ta? Những thứ châu báu này ông không dám mang về nhà, mang về nhà ông sợ ăn trộm; không dám đeo trong tay vì sợ người cướp giật. Cho nên đành để trong tủ bảo hiểm ngân hàng, một tuần lại đến mở xem một lần.
Lúc này thiền sư bảo: “Nếu như tôi xem những thứ châu báu này là của mình, thì tất cả ngân hàng ở Hồng Kông này đều là của tôi. Vì sao? Tôi đến đó và bảo người ta mang ra cho tôi xem, sờ nó, rồi thỏa thích thu lấy, bảo quản tốt cho tôi. Châu báu của ông có gì khác những thứ châu báu kia đâu? Những thứ châu báu này ông vừa không dám mang trên người, cũng không dám cất nó trong nhà, thế thì làm sao xem là của mình chứ?
Nếu không buông bỏ được, ta phải có trách nhiệm với nó
Chúng ta luôn cảm thấy gánh nặng ngày càng lớn, là vì được quá nhiều, lại muốn càng nhiều hơn. Một khi thứ mình được lại không muốn mất đi, hoặc vẫn còn muốn nhiều hơn nữa, thì phải có trách nhiệm với những thứ mình đã được và muốn được. Chỉ như thế, chúng ta mới có thể giảm bớt gánh nặng nhân sinh.
Có một người trung niên cảm thấy mình sống qua những ngày tháng vô cùng nặng nề, áp lực cuộc sống quá lớn, nên muốn tìm cách giải thoát, do đó tìm đến một thiền sư cầu xin sự chỉ giáo.
Bấy giờ vị thiền sư đưa cho anh ta một cái giỏ rồi bảo mang trên vai, sau đó chỉ một con đường gập ghềnh phía trước nói: “Mỗi khi bước về phía trước một bước, con phải cúi lưng xuống nhặt một hòn đá bỏ vào giỏ, sau đó xem thử cảm giác thế nào?”
Người trung niên làm theo lời chỉ dạy của thiền sư, cái giỏ trên lưng anh sau khi chứa đầy những đá, thiền sư hỏi anh có cảm giác ra sao khi đi trên đường này.
Anh ta trả lời: “Cảm thấy càng đi càng nặng”.
Thiền sư nói: “Mỗi người có mặt trên cõi đời này, đều mang theo một cái giỏ không. Mỗi một bước của chúng ta đi về phía trước, sẽ nhặt những thứ như thế đặt vào trong cõi đời này, do đó mới có cảm giác càng đi càng mệt”.
Người trung niên lại hỏi: “Thế thì có cách nào có thể giảm nhẹ gánh nặng cho con người không?”
Thiền sư hỏi lại: “Con muốn đem tiếng tăm, giàu có, gia đình, sự nghiệp và bạn bè để xả bỏ không?”
Người kia không trả lời được.
Thiền sư lại nói: “Trong giỏ của mỗi người đã chứa đầy các thứ, đều là những thứ tự mình tìm được trong thế giới này, một khi đã muốn có thì phải có trách nhiệm đối với nó”.
Khi nhu cầu được thỏa mãn đó chính là một thứ hạnh phúc
Hạnh phúc là gì? Một nghìn người thì có nghìn đáp án. Hạnh phúc vốn dĩ chẳng có định nghĩa tuyệt đối, thông thường một vài việc nhỏ cũng có thể dấy động tâm hồn bạn. Hạnh phúc hay không, chỉ do cách nhìn của bạn, khi nhu cầu được thỏa mãn, đó chính là một thứ hạnh phúc.
Vào một ngày, đức Phật gặp một nông phu. Trông dáng vẻ nông phu vô cùng khổ não, ông ta đến chỗ đức Phật thưa: “Con trâu của con vừa mới chết, không có nó để giúp đỡ trong việc cày ruộng, con phải làm sao để có thể cày ruộng được đây?” Thế là đức Phật liền ban cho ông một con trâu vô cùng khỏe mạnh, nông phu vui mừng khôn xiết, đức Phật cảm nhận được sự thích thú, hạnh phúc khắp người ông.
Lại một ngày khác, đức Phật gặp một người đàn ông, vẻ mặt người này vô cùng ủ rũ, anh đến chỗ đức Phật và thưa: “Tiền của con bị người ta lừa sạch rồi, con không còn lộ phí để trở về quê hương nữa”. Thế là đức Phật liền ban cho anh ta một ít ngân lượng làm lộ phí, người đàn ông rất vui mừng, đức Phật cũng cảm nhận được thứ hạnh phúc trong người anh ta.
Lại một ngày kia, đức Phật gặp một thi nhân, thi nhân tuổi trẻ, anh tuấn, có đủ tài hoa, vợ anh xinh đẹp dịu dàng, thế nhưng anh vẫn cảm thấy cuộc sống của mình chẳng vui vẻ tí nào cả.
Đức Phật hỏi: “Con không vui sao? Ta có thể giúp được gì cho con?”
Thi nhân thưa với đức Phật: “Con cái gì cũng có, chỉ thiếu một thứ, Ngài có thể cho con không?”
Đức Phật trả lời: “Được chứ, con cần cái gì ta đều có thể cho con”.
Thi nhân thẳng thắn thưa với đức Phật: “Điều mà con muốn chính là hạnh phúc”.
Lần này làm khó cho Ngài rồi, đức Phật suy nghĩ nói: “Ta hiểu rồi”. Sau đó đức Phật lấy tất cả những thứ mà thi nhân vốn có. Đức Phật lấy đi sự tài hoa, hủy bỏ dung nhan, đoạt hết tài sản và tính mạng vợ con của thi nhân. Sau khi làm xong những việc này, Ngài liền ra đi.
Sau một tháng, đức Phật lại đến bên cạnh thi nhân, thi nhân bấy giờ đói lả như sắp chết, áo quần lam lũ đang nằm giẫy giụa trên đất. Thế là, đức Phật đem tất cả những thứ trước đây của thi nhân trả lại cho anh. Rồi Ngài lại ra đi. Nửa tháng sau, đức Phật lại đến thăm thi nhân. Lần này, thi nhân dẫn theo vợ con, đến chỗ đức Phật không ngừng cảm tạ Ngài. Bởi vì anh ta đã tìm được hạnh phúc thật sự.
Buông xả thì sẽ vui vẻ
Trong cuộc sống, thứ chúng ta buông không được quá nhiều, cho nên có nhiều phiền não và không vui, thậm chí cảm nhận cuộc sống nặng nề như thế. Vì thế trong cuộc sống, chúng ta phải học cách buông bỏ, buông bỏ thì vui vẻ, buông bỏ thì sẽ nhẹ nhàng.
Một thanh niên cõng trên lưng cái bao lớn, vượt qua nghìn dặm để tìm Vô Tế đại sư. Anh nói: “Đại sư, con là người cô độc, đau khổ và buồn bã làm sao, trèo non lội suối vượt đường xa khiến con mệt mỏi đến cực điểm. Giày của con đã bị rách, gai góc làm xước cả đôi chân; tay con cũng bị thương, máu chảy không dứt; cổ họng vì la hét lâu ngày trở thành câm ngọng… Nhưng sao con vẫn không tìm được ánh sáng mặt trời trong tâm con, tìm được sự vui vẻ?”
Đại sư hỏi: “Trong bao lớn kia con đựng những gì?”
Người thanh niên thưa: “Nó rất quan trọng với con. Bên trong nó là sự đau khổ mỗi khi con vấp ngã, sự khóc than sau mỗi lần bị thương, mỗi lần phiền não khi cô đơn buồn bã…, dựa vào nó con mới tìm được đến đây”.
Vô Tế đại sư dẫn người thanh niên đến bên dòng sông, họ ngồi thuyền qua sông.
Sau khi lên bờ, Đại sư nói: “Con vác chiếc thuyền chạy trên đường nhé!”
“Cái gì? Vác thuyền mà chạy trên đường sao? Người thanh niên rất kinh ngạc, “nó nặng thế con làm sao vác nổi h,ả?”
“Đúng vậy, con à, con không thể mang nổi nó”. Đại sư mỉm cười nói, “lúc qua sông, thuyền là vật hữu dụng. Nhưng khi đã qua sông rồi, chúng ta phải để lại thuyền, lên bờ. Nếu không, nó sẽ trở thành gánh nặng cho chúng ta. Đau khổ, cô độc, buồn tẻ, tai nạn, nước mắt, những thứ này đều là vật hữu dụng của đời người, nó có thể khiến con người được thăng hoa, nhưng trong chốc lát không xả bỏ, nó cũng sẽ trở thành gánh nặng cho con người. Cho nên phải đặt nó xuống! Con à, mạng sống không thể quá nặng nề như thế”.
Người thanh niên đặt gánh nặng xuống, tiếp tục đi trên đường, anh ta phát hiện bước chân mình nhẹ nhàng, thoải mái hơn nhiều so với trước kia. Thì ra, mạng sống của con người không nên quá nặng nề như thế.