Phật nói, cái gì của bạn, cuối cùng sẽ thuộc về bạn. Cái gì không phải của bạn, bạn làm thế nào cũng không đạt được. Tranh giành chính đáng để đạt được những thứ thuộc về bạn, tranh giành những thứ không xứng đáng sẽ làm suy đồi nhân cách của bạn, dù nhất thời đạt được, cuối cùng vẫn sẽ mất đi, hơn nữa còn mất cả những thứ khác nữa.
Đừng xem thường bản thân
Nhiều người chỉ biết nương tựa, phục tùng người khác, coi nhẹ sự tồn tại của bản thân, từ đó mất đi cái tôi chân chính. Đừng xem thường bản thân, phải biết được giá trị tồn tại của mình, phải thực hiện những giá trị này.
Có một người đã làm thị giả 30 năm cho Quốc sư Huệ Trung ở Nam Dương, Quốc sư Huệ Trung thấy anh luôn mệt nhọc, cứ canh cánh trong lòng, muốn có dịp báo đáp, giúp anh ta sớm được khai ngộ.
Một ngày, Huệ Trung quốc sư như thường lệ gọi: “Thị giả!” Thị giả nghe quốc sư gọi, nghĩ là Quốc sư Huệ Trung có việc gì cần mình giúp, thế là lập tức trả lời: “Thưa quốc sư! Cần con giúp việc gì không ạ?”
Quốc sư nghe anh ta trả lời như thế cảm thấy chẳng biết làm thế nào, liền nói: “Chẳng có việc gì cần làm cả!”
Một lát sau quốc sư lại gọi: “Thị giả!” Người thị giả lại trả lời như trước.
Huệ Trung quốc sư trả lời: “Không có việc gì cần làm cả!”
Sau khi lặp đi lặp lại nhiều lần như thế, Huệ Trung quốc sư lại gọi: “Phật tổ! Phật tổ!”
Thị giả nghe Huệ Trung quốc sư gọi như thế, cảm thấy không hiểu, liền thưa: “Thưa quốc sư, Ngài đang gọi ai vậy ạ?”
Quốc sư thấy ông đần độn, cực kỳ lúng túng bèn gợi ý nói: “Người mà ta vừa gọi chính là ông đó!”
Thị giả vẫn thưa với vẻ không hiểu: “Thưa quốc sư, con không phải là Phật tổ, mà là thị giả của ngài! Ngài hồ đồ rồi sao?”
Huệ Trung quốc sư nhìn thấy ông như thế không thể giáo hóa, liền nói: “Không phải ta không muốn đề bạt con, thật sự con quá cô phụ ta rồi!”
Thị giả thưa: “Thưa quốc sư! Cho dù ở đâu và bất cứ khi nào, con vĩnh viễn sẽ không cô phụ ngài, con vĩnh viễn là thị giả trung thành nhất của ngài, bất cứ khi nào cũng không thay đổi!”
Huệ Trung quốc sư nói: “Con còn nói là không cô phụ ta ư, sự thật là con đã cô phụ ta rồi đó, dụng tâm tốt của ta con hoàn toàn không hiểu được. Làm sao con chỉ nhận mình là thị giả, mà không chịu nhận mình là Phật tổ chứ? Thật sự, Phật tổ và chúng sinh chẳng có gì sai khác, sở dĩ chúng sinh chỉ là chúng sinh, vì chúng sinh không chịu nhận mình là Phật tổ. Thật đáng tiếc biết bao!”
Không cần so sánh với người khác
Tục ngữ nói, người so người, tức chết mất. Thực ra, mỗi người đều có nét độc đáo của mình, không cần phải so sánh với người khác. Dù một mặt nào đó chúng ta kém hơn người, cũng phải học hỏi mặt đó từ người khác để tìm sự cân bằng - có lẽ mặt khác, chúng ta lại giỏi giang hơn người.
Có một học tăng tên Đạo Do, một lòng hướng Phật, nhưng anh khổ tâm tu hành đã hơn 10 năm, vẫn chưa ngộ được thiền lý gì. Nhìn thấy các huynh đệ đồng môn mỗi người đều ngộ đạo, tự mình trái lại chưa tiến bộ bao nhiêu, vẫn chỉ là người tầm thường, khiến lòng anh nóng như lửa đốt.
Đạo Do nghĩ, mình vừa không có óc khôi hài, lại không linh lợi, nên không thể vào cửa Phật. Anh ta không muốn tiếp tục khổ công tu luyện như thế nữa, cho rằng như thế chẳng có kết quả gì, chi bằng làm một tăng nhân khổ hạnh.
Thế là, Đạo Do chuẩn bị hành trang, quyết định vân du. Trước khi sắp đi, anh đến trước nhà giảng từ biệt thiền sư Quảng Phố.
Đạo Do quỳ trước mặt thiền sư thưa: “Bạch sư phụ, học tăng đã cô phụ sự dạy dỗ của ngài, từ khi quy y với ngài, tập thiền đã hơn 10 năm, nhưng trước sau con vẫn chưa ngộ ra điều gì cả. Con nghĩ, thật sự con không phải sinh ra để học thiền, vì thế con muốn đi vân du khắp nơi, nên đến đây từ biệt ngài”.
Quảng Phố thiền sư vô cùng kinh ngạc, hỏi: “Vì sao chưa giác ngộ mà lại phải ra đi? Lẽ nào nơi đây không giác ngộ được thì đến nơi khác có thể giác ngộ chăng?
Đạo Do vô cùng thành khẩn thưa: “Mỗi ngày ngoài ăn cơm, ngủ nghỉ ra, con đều đem toàn bộ thời gian và sức lực của mình để tham thiền ngộ đạo, dụng công như thế mà vẫn không thể khai ngộ, con nghĩ con không có duyên với thiền chăng. Nhìn thấy các huynh đệ ai cũng ngộ đạo, lòng con rất khó chịu. Sư phụ à, hay là ngài cho con làm khổ hạnh tăng nhé, như thế lòng con sẽ dễ chịu hơn phần nào”.
Quảng Phố thiền sư nói: “Người khác có cảnh giới của người khác, con tu thiền đạo của con, hai việc này vốn dĩ không liên hệ gì nhau, vì sao chẳng phải nói nhập làm một thế?”
Đạo Do vô cùng ủ rũ, liền giải thích: “Bạch sư phụ, ngài không biết đó thôi, con so sánh với các huynh đệ khác, cũng giống như chim sẻ so với phượng hoàng vậy, lòng con vô cùng xấu hổ”.
Quảng Phố thiền sư lại hỏi: “Thế thì con nói thử xem, đại bàng lớn như thế nào, còn chim sẻ thì nhỏ ra làm sao?”
Đạo Do thưa: “Chim đại bàng mỗi khi tung cánh, có thể bay xa cả mấy trăm dặm, con thì cho dù cố gắng đến thế nào cũng chỉ có thể bay được mấy dặm mà thôi”.
Quảng Phố thiền sư nghe xong, nói ý nghĩa rất thâm thúy: “Chim đại bàng hễ tung cánh có thể bay xa mấy trăm dặm, nhưng nó có thể bay ra khỏi giới hạn sinh tử chăng?”
Thiền tăng Đạo Do yên lặng không nói gì cả, thu dọn hành lý của mình, sau đó không còn nhắc đến chuyện đi vân du nữa.
Chỉ có tự tính mãi mãi đi theo chúng ta
Trong đời sống mỗi người, đều ít nhiều mất đi thứ gì đó, chỉ có tự tính không thể mất đi, vả lại cũng chỉ có tự tính mới vĩnh viễn đi theo chúng ta. Cho nên, chúng ta đừng quên sự tồn tại của tự tính, phải trân quý tự tính tồn tại.
Trong một lần giảng pháp, đức Phật Thích Ca Mâu Ni kể câu chuyện:
Có một thương nhân giàu có cưới bốn người vợ. Người vợ thứ nhất lanh lợi đáng yêu, suốt ngày quấn quýt bên cạnh ông, một bước cũng không rời. Người vợ thứ hai do ông bắt về, là một đại mỹ nhân. Người vợ thứ ba chuyên làm những công việc vặt hằng ngày, khiến cho cuộc sống của ông yên ổn. Người vợ thứ tư cố gắng làm việc không ngừng, chạy đông chạy tây, khiến ông từ trước đến giờ quên đi sự tồn tại của cô ấy.
Một lần, thương gia này muốn du hành xa, để khỏi phải cô đơn lạnh lẽo vì đường sá xa xôi, nên ông quyết định chọn một trong bốn người vợ đi cùng mình. Ông liền đem suy nghĩ của mình nói với bốn người vợ.
Bấy giờ người vợ thứ nhất nói: “Tự một mình anh đi đi, tôi sẽ không đi với anh!”
Người vợ thứ hai nói: “Tôi là người bị anh nhặt về, vốn dĩ không cam tâm tình nguyện, tôi sẽ không đi với anh đâu!”
Người vợ thứ ba nói: “Mặc dù tôi là vợ của anh, nhưng tôi không muốn chịu khổ phải ăn gió nằm sương, nhiều nhất tôi cũng chỉ tiễn anh đến ngoại thành!”
Nhưng người vợ thứ tư lại nói: “Một khi tôi đã là vợ anh, dù anh đi đến đâu tôi cũng sẽ theo anh đến đó!”
Thế là thương gia dẫn theo cô vợ thứ tư và bắt đầu cuộc hành trình của mình!
Cuối cùng, đức Thích Ca Mâu Ni dạy: “Thương gia này chính là các vị đó. Người vợ thứ nhất là chỉ cho nhục thể, sau khi chết nó sẽ rời xa các vị; người vợ thứ hai chỉ cho tài sản, khi sinh không mang đến mà chết cũng chẳng mang đi; người vợ thứ ba chỉ cho vợ của chính mình, lúc sống hai người nương tựa vào nhau mới sống, khi chết vẫn phải mỗi người đi một ngả; người vợ thứ tư là chỉ tự tính (đặc tính của vạn sự vạn vật không thay đổi, không sinh diệt). Lúc bình thường mọi người thường quên sự tồn tại của nó, nhưng trái lại nó luôn luôn đi theo các vị”.
Thứ vất vả tìm kiếm luôn ở bên cạnh chúng ta
Nhiều người bôn ba khắp chốn, không nề gian lao vất vả tìm kiếm những thứ trân quý, cuối cùng vẫn chẳng thu được gì. Thực ra, thứ chúng ta tìm kiếm luôn ở bên cạnh chúng ta, điều quan trọng ở chỗ chúng ta muốn có thứ mình trân quý thì phải khéo phát hiện nó.
Ngày xưa có một người tên Ha Phí Đặc, vào một đêm anh ta nằm mộng thấy giấc mơ kỳ quái, trong mơ có vị cao tăng bảo với anh: “Nếu con có thể tìm được viên kim cương thứ nhất, con sẽ tìm được cả một quặng mỏ kim cương! Kim cương đang chảy xuống trong dòng sông cát trắng”.
Hôm sau thức dậy, trong đầu của anh ta toàn hình ảnh kim cương.
Thế là Ha Phí Đặc hạ quyết tâm, đem toàn bộ tài sản có sẵn của mình đổi thành tiền, sau đó lên đường đi tìm kim cương. Anh ta ăn gió nằm sương, rong ruổi bên ngoài tìm kiếm nhiều năm, nhưng ngay cả một viên kim cương cũng không tìm thấy. Khi tất cả hy vọng đã bị tan vỡ, anh liền tự sát.
Người mua nhà của Ha Phí Đặc, một lần đang giặt áo quần trong dòng sông vườn sau. Khi mặt trời chiếu vào, cát trong sông bỗng biến thành màu trắng, có gì đó trong dòng sông đang phát ra ánh sáng lấp lánh, anh ta bèn đào thử, thì ra đó là một hạt kim cương tự nhiên.
Thế là anh liền mang mai sắt và cái rây, đào toàn bộ cát trong dòng sông, sau khi dùng rây rây qua, các loại kim cương lớn nhỏ tới tấp hiện ra trước mắt, phát ánh sáng chói mắt.
Sau đó người kia mang những hạt kim cương lớn nhất trong số đó dâng tặng nữ vương Duy Đa Lợi Á, nữ vương phong cho anh làm quan lớn, từ đó anh sống cuộc đời giàu có sung túc.
Ha Phí Đặc vất vả khổ sở đi tìm kim cương, kết quả lại chẳng tìm được thứ gì, anh ta đâu ngờ rằng, kim cương thật sự ở trong vườn sau nhà anh ta!
Biết đợi chờ mới hiểu được hạnh phúc
Đối với công việc không nên dây dưa, phải hành động ngay. Nhưng đời người có những việc cần phải đợi chờ. Đợi chờ là sự từng trải, chúng ta nên học cách đợi chờ. Học đợi chờ mới hiểu được hạnh phúc.
Có một thanh niên trẻ tuổi hơi thiếu lòng nhẫn nại, làm việc gì cũng thường vội vã. Một lần anh hẹn với người yêu, lại đến chỗ hẹn quá sớm, nhưng cô gái kia mãi chưa đến, anh ta cứ đứng dưới gốc cây than ngắn thở dài: “Vì sao hẹn rồi bắt ta phải đợi mãi thế này? Làm việc gì cũng khiến người ta không vui!”
Chính lúc này, thần tiên xuất hiện trước mặt, đưa cho anh ta một chiếc đồng hồ, nói: “Lúc nào con muốn thời gian biến thành nhanh chóng, chỉ cần vặn đồng hồ, thì sự việc được như ý muốn”.
Chàng trai vô cùng vui mừng, anh ta xoay đồng hồ về trước một khắc, người yêu của anh lập tức xuất hiện trước mặt. Anh nghĩ: Nếu bây giờ có thể kết hôn thì tốt biết bao.Thế là anh lại xoay chuyển đồng hồ. Trong hôn lễ, anh và người tình sánh vai bên nhau, âm nhạc du dương và rượu ngon ngây ngất bắt đầu xuất hiện.
Anh ta lại nghĩ: Nếu như bây giờ động phòng hoa chúc thì sẽ tốt hơn nhiều! Thế là anh lại xoay chuyển đồng hồ. Bấy giờ trong phòng chỉ còn lại hai người mà thôi.
Mong muốn trong lòng anh ta cứ liên tiếp xuất hiện, thế là anh ta không ngừng xoay chuyển đồng hồ, đến lúc nghe tiếng trẻ con khóc ồn ào trong phòng, còn có quả trên cây…
Thời gian trôi qua nhanh chóng như thế, mạng sống sắp đến hồi kết thúc. Lúc sắp chết, anh ta bắt đầu hối hận trước đây mình làm bất cứ việc gì cũng vội vàng nóng nảy, vẫn chưa thụ hưởng cuộc sống nghiêm túc, mạng sống đã đến hồi kết thúc. Nếu như có thể làm lại từ đầu, anh nhất định sẽ đợi được. Nhưng hối hận thì đã muộn rồi, bởi vì thần tiên kia từng bảo anh, chiếc đồng hồ chỉ có thể xoay về phía trước chứ không thể xoay lùi phía sau. Anh nằm hối hận không thôi, khóc than rơi lệ thống thiết.
Chính lúc này người tình đáng yêu bỗng xuất hiện trước mặt, cô ấy vẫn còn trẻ khỏe và xinh đẹp làm sao, xung quanh chim hót hoa thơm, trời xanh mây trắng, bầu trời thật đáng yêu vô cùng! Thì ra sự việc lúc nãy chỉ là một giấc mơ.
Anh ta vui mừng đến nổi nhảy cẫng lên, sau đó kéo tay người yêu nói: “Em thân yêu, đợi em thật sự là một hạnh phúc!”
Nhận thức đúng giá trị của bản thân
Nhận thức chính xác giá trị bản thân, là nhân tố quan trọng cần thiết của người thành công. Trong cuộc sống thực tế, chúng ta thường phán đoán giá trị của mình quá thấp hoặc quá cao. Muốn nhận thức chính xác giá trị của mình, phải có cái nhìn khách quan đối với bản thân. Chỉ có nhận thức chính xác giá trị bản thân, chúng ta mới thực hiện giá trị của mình.
Ngày xưa, có một thiền sư vì muốn khai sáng cho đệ tử của mình, nên đưa cho đệ tử một viên đá, bảo anh đến chợ bán rau, thử bán nó.
Viên đá rất lớn, rất đẹp, nhưng sư phụ nói: “Đừng bán nó, chỉ là thử hỏi xem bán thôi. Phải chú ý quan sát, hỏi dò một vài người rồi bảo cho ta biết ở chợ bán rau nó có thể bán được bao nhiêu”.
Đệ tử đến chợ bán rau. Ở chợ rau, nhiều người xem viên đá này nghĩ: nó có thể là vật trưng bày nhỏ rất hay, con chúng ta có thể chơi, hoặc chúng ta có thể lấy nó làm quả cân để cân rau. Thế là họ ra giá, nhưng chẳng qua cũng chỉ được một vài đồng lẻ. Đệ tử sau đó quay về thưa với thầy: “Nhiều nhất nó cũng chỉ bán được mấy đồng tiền thôi ạ”.
Sư phụ bảo: “Bây giờ con đến chợ hoàng kim và hỏi những người ở đó thử xem, nhưng đừng bán, chỉ hỏi giá thôi”.
Khi từ chợ hoàng kim trở về, đệ tử rất vui, thưa; “Những người này rất tốt, họ vui vẻ ra giá đến 1.000 đồng”.
Sư phụ bảo: “Bây giờ con đến cửa hàng châu báu, nhưng đừng bán nó”.
Đệ tử đến cửa hàng châu báu. Quả thật anh ta không dám tin, họ vui vẻ ra giá đến 5 vạn đồng. Nhưng anh không muốn bán, họ lại tiếp tục ra giá cao hơn… họ đưa ra giá đến 10 vạn đồng, nhưng anh ta nói: “Tôi không dự định bán nó”. Họ lại nói: “Chúng tôi sẽ trả 20 vạn, 30 vạn, hoặc là anh muốn bán bao nhiêu chúng tôi sẽ trả bấy nhiêu, chỉ cần anh bán nó cho chúng tôi!” Anh ta nói: “Tôi không thể bán, tôi chỉ hỏi giá thôi”. Anh ta không thể không tin rằng: “Những người này quá điên rồ!” Anh tự cảm thấy giá ở chợ rau như thế cũng quá đủ rồi.
Khi anh quay về, sư phụ cầm viên đá lên và nói: “Chúng ta không định bán nó, bây giờ con phải hiểu rằng, điều chủ yếu ở đây là muốn bồi dưỡng và rèn luyện năng lực giá trị nhận thức đầy đủ của chúng ta và cách lý giải về sự vật. Nếu con chỉ sống ở chợ rau, thì sự hiểu biết của con chỉ ở chợ rau kia thôi, thế thì con sẽ vĩnh viễn không nhận thức được giá trị cao hơn của nó”.
Việc dễ nhất luôn là việc khó nhất
Việc trên thế gian không phân định khó dễ, việc dù khó hơn, chỉ cần chúng ta dụng tâm làm, hơn nữa kiên trì bền bỉ, nó sẽ trở thành giản đơn; còn việc xem như đơn giản, nhưng nếu chúng ta không làm, cũng trở nên khó khăn.
Các đệ tử hỏi thiền sư: “Thưa thầy, làm thế nào mới có thể thành công?”
Thiền sư nói: “Hôm nay chúng ta chỉ học một việc dễ nhất, đơn giản nhất thôi. Mỗi người hãy dùng cánh tay của mình vung hết sức về phía trước, sau đó vung hết sức ra phía sau”.
Nói xong, thiền sư chỉ bày một lần và nói: “Bắt đầu từ hôm nay, mỗi ngày làm 300 lần. Mọi người làm được chứ?”
Các đệ tử nghi ngờ nên hỏi: “Làm như thế để làm gì ạ?” Thiền sư trả lời: “Làm xong việc này, sau một năm các con có thể biết được sự thành công của nó như thế nào!”
Các đệ tử thưa: “Việc đơn giản như thế, có gì là khó đâu?” Sau một tháng, thiền sư hỏi các đệ tử: “Việc ta bảo các con làm, có ai kiên trì làm được?”
Đa số mọi người đều kiêu ngạo trả lời: “Con làm được rồi!” Thiền sư hài lòng gật đầu: “Tốt lắm!”
Lại trải qua một tháng nữa, thiền sư lại hỏi: “Bây giờ còn có bao nhiêu người kiên trì nữa nào?” Kết quả chỉ có một nửa số người thưa: “Con làm được!”
Sau một năm trôi qua, thiền sư lại hỏi mọi người: “Hãy nói cho ta biết, việc vận động vung tay đơn giản nhất còn có mấy người kiên trì làm được?”
Lúc này chỉ có duy nhất một người tự hào trả lời: “Thưa thầy, con làm được!”
“Ta đã từng nói, làm xong việc này, các con có thể biết được thành công của nó như thế nào”. Thiền sư nói với các đệ tử, “bây giờ ta sẽ bảo cho các con biết, việc dễ nhất trên thế gian, thường cũng là việc khó làm nhất, việc khó nhất cũng là việc dễ nhất. Nói nó dễ là vì mong muốn được làm, mọi người đều có thể làm được; nói nó khó, là bởi vì thật sự có thể làm được và kiên trì bền bỉ, rốt cuộc chỉ có số ít người làm được”.
Sau đó chỉ có một vị đệ tử kiên trì bền bỉ, trở thành người được thiền sư truyền trao y bát.
Chỉ cần có tâm nhẫn nại
Trong cuộc sống chúng ta, có nhiều việc không vội vàng được, phải có tâm nhẫn nại đợi chờ. Chỉ cần có tâm nhẫn nại, sẽ đạt được thứ mình mong muốn, tất nhiên, còn cần chúng ta trả giá cho hành động.
Có một lần đức Phật và thị giả của Ngài đang đi trên đường. Giữa trưa, đức Phật khát nước khó nhẫn liền bảo thị giả: “Lúc nãy chẳng phải chúng ta vừa ngang qua con suối nhỏ sao? Con hãy đến đó lấy một ít nước mang về đây cho ta nhé”.
Thế là thị giả mang bình bát đi lấy nước. Đường không xa, đi một lát là tìm được. Nhưng khi đến đó thì có một đoàn thương nhân vừa cưỡi ngựa đi qua con suối nhỏ, nước suối bị đục ngầu không thể uống được!
Thị giả đành quay trở về, thưa với đức Phật: “Nước suối bị đoàn thương nhân làm bẩn đục nên không thể uống được, hay là chúng ta tìm đến con suối khác nhé! Con biết phía trước có con suối nhỏ, hơn nữa nước suối ở đó trong mát lại cách đây không xa, hai tiếng có thể đến nơi”.
Đức Phật dạy: “Chúng ta ở rất gần con suối nhỏ này, vả lại bây giờ miệng ta khát khô, sao lại phải đi một đoạn đường hai tiếng nữa chứ, con đi tìm con suối nhỏ phía trước xem sao? Hay là con đi đến con suối nhỏ lúc nãy đi”.
Thị giả lại mang bát đi với nét mặt không vui, trong lòng nghĩ: “Lúc nãy chẳng phải đã nhìn thấy rồi sao! Nước bẩn thế kia sao có thể uống được? Bây giờ lại bảo con đi, đây chẳng phải là mất công lãng phí thời gian sao?”
Thị giả quyết định không đi, quay về thưa với đức Phật: “Con đã thưa Ngài rồi, nước suối đã bị bẩn đục, sao còn muốn con đi mất công một chuyến chứ?”
Đức Phật không giải thích thêm gì cả, Ngài dạy: “Làm bất cứ việc gì cũng cần có tâm nhẫn nại! Đợi lát nữa con sẽ biết. Bây giờ điều con phải làm chỉ là nghe theo ta, nhất định con sẽ không bị mất công một chuyến đâu!”
Thị giả đành phải đi một lần nữa, nhưng lúc anh đến bên con suối nhỏ lúc nãy, nước suối rất trong mát, tinh khiết làm sao, sớm đã không còn bùn cát nữa.
Chỉ cần làm tốt chính mình
Mỗi nhà đều có cách khó nghĩ, mỗi người đều có nỗi niềm khó nói. Cho nên, trong cuộc sống không cần phải ngưỡng mộ gia cảnh người khác - phía sau cảnh đó, tự có nỗi khổ tâm của họ; cũng không phải vì mình bình thường mà đau khổ, thực ra bình thường cũng có niềm vui của người bình thường. Không cần ngưỡng mộ người khác, chỉ cần làm tốt chính mình là được rồi.
Ngày xưa, có vị Bồ Tát hóa thân làm quốc vương tên Sát Vi. Ngài có chí hướng cao thượng, phẩm hạnh chính trực, hơn nữa lại một lòng một dạ tin theo Phật giáo.
Một hôm, khi công việc nhàn rỗi, ông mặc trang phục giản dị ra khỏi cung, đến chỗ ông lão sửa giày, trong lúc hứng khởi liền hỏi: “Trong một quốc gia, ai là người vui sướng nhất?”
Ông lão trả lời: “Đương nhiên quốc vương là người vui sướng nhất”.
Quốc vương hỏi: “Vì sao vậy?”
Ông lão nói: “Ông nghĩ xem, quốc vương thì có trăm quan để sai khiến, dân chúng cung phụng, nếu muốn cái gì sẽ có cái đó, điều này há còn không vui sao?”
Quốc vương trả lời: “Hy vọng như lời ông nói”. Thế là quốc vương cùng ngồi uống rượu nho với ông lão, mãi đến lúc ông lão say khướt đến bất tỉnh nhân sự, quốc vương liền đưa ông ta vào cung. Quốc vương nói với Vương phi: “Ông lão này bảo với ta rằng Quốc vương là người vui vẻ nhất, bây giờ ta sẽ đùa ông ta một tí, hãy mặc y phục Quốc vương cho ông, để ông ta xử lý công việc triều chính, tất cả các ngươi không cần phải sợ hãi”.
Vương phi đáp: “Tuân lệnh”.
Đợi đến lúc ông lão tỉnh dậy, các tỳ nữ bèn giả bộ nói: “Tâu Đại vương, ngài uống say rồi, rất nhiều việc tích lũy lâu ngày đợi ngài xử lý”. Thế là ông lão bị đưa ra lâm triều, mọi người thúc giục ông mau xử lý mọi việc, trong khi ông ta cứ lóng nga lóng ngóng, cái gì cũng không biết. Lúc này, bên cạnh có quan chép sử ghi lại hành động và lời nói của ông, các đại thần công khanh đang bàn luận về quốc gia đại sự, ngồi suốt cả ngày, khiến ông lão đau lưng mỏi gối, mệt không chịu được. Trải qua mấy ngày như thế, ông lão ăn không ngon ngủ không yên, đến nỗi gầy ốm trông thấy.
Cung nữ lại giả bộ thưa: “Sao đại vương tiều tụy như thế, ngài không khỏe chỗ nào sao?”
Ông lão trả lời: “Ta nằm mộng thấy mình làm một ông lão sửa giày, vất vả cầu thực, cuộc sống gian nan khốn khổ, nên gầy ốm như thế này đây”.
Mọi người đều lén nhìn nhau cười thầm. Đến tối muộn, nhưng ông lão vẫn trằn trọc mãi không sao ngủ được, liền than: “Ta là ông lão sửa giày hay là quốc vương? Nếu thật sự là quốc vương, sao da dẻ ta lại thô ráp đến thế? Còn nếu là lão sửa giày, vì sao ta lại ở trong cung? Ái chà, lòng ta rất hoang mang, mắt cũng hoa cả rồi”. Ông thật sự không biết rõ chính mình rốt cuộc là ai nữa.
Vương phi giả bộ hỏi: “Sao Đại vương lại không vui như thế, hay bảo các ca kỹ đến làm cho ngài vui nhé”. Thế là ông lão bắt đầu uống rượu nho, uống say đến mức bất tỉnh nhân sự. Mọi người lại đem y phục cũ mặc vào cho lão đồng thời mang ông đặt trên giường cũ sơ sài của ông. Sau khi lão tỉnh rượu, nhìn thấy căn phòng rách nát của mình, áo quần thô sơ, tất cả đã trở về hình trạng ban đầu, nhưng trái lại toàn thân ông đau mỏi, như bị ai dùng gậy đánh vậy.
Trải qua mấy ngày, Quốc vương lại đến chỗ ông. Ông lão nói với quốc vương: “Lần trước uống rượu, là tôi hồ đồ không biết, bây giờ mới hiểu rằng, tôi nằm mộng thấy mình làm một quốc vương, phải xét duyệt trăm quan dân chúng, lại có quốc sử ghi chép đúng sai, các đại thần lại đến bàn luận việc nước, luôn bị nỗi lo ám ảnh, làm cho toàn thân tôi đau nhức, như bị ai dùng roi đánh vậy. Ở trong mộng mà còn như thế, nếu thực sự làm quốc vương, chẳng biết còn đau khổ thế nào nữa? Mấy ngày trước nói chuyện với ông, thật sự là tôi không đúng”.
Quốc vương trở về cung, đồng thời kể chuyện này cho các quan đại thần cùng nghe, khi nghe xong mọi người đều ôm bụng cười ngất.
Người tự cao tự đại cuối cùng sẽ lộ sơ hở
Những người tự cao tự đại luôn có ý nghĩ khoe khoang tài năng hoặc tô son trát phấn cho mình. Vì thế, chúng ta không thể lĩnh ngộ sâu sắc chân đế của đời người. Cho dù họ nhất thời nổi tiếng, phong quang vô hạn, nhưng cuối cùng cũng lộ sơ hở.
Có một thanh niên tự cho mình đã lý giải thấu triệt ý nghĩa của chữ “Không”, thế là anh ta ba hoa khoác lác với mọi người, đi khắp thiên hạ cũng chẳng ai có đủ trình độ như anh ta.
Đúng vậy, thanh niên này quả thật tư chất hơn người, trong khi thiền luận với người khác, từ xưa đến nay chưa từng gặp được địch thủ, điều này khiến anh ta có chút tên tuổi ở vùng bản địa. Vì thế, mỗi khi thanh niên này qua chỗ thiền lâm, các thiền sư trong vùng đều tiếp đãi anh với những lễ nghi đặc biệt. Điều này càng khiến cho người này chẳng coi ai ra gì, càng cống cao ngã mạn hơn. Thật sự, không thể trách được tính tự cao tự đại của anh ta, vì anh ta có thể giảng một mạch 10 tiếng đồng hồ “Nhị thập không” trong “Đại phẩm Bát nhã”, tài năng như thế chẳng người bình thường nào có thể làm được.
Vì thế, mọi người đề nghị thanh niên này nên kết giao với một đại sư ngồi thiền nổi tiếng lúc bấy giờ.
Vừa ngồi xuống đối diện với vị đại sư, thanh niên không nén nổi, không ngừng khoe khoang cảnh ngộ chứng đắc của mình: “Tâm, Phật và chúng sinh, cả ba đều không - Chân tính của hiện tượng là không; không ngộ không mê, không phàm không thánh, không cho không nhận!”
Đại sư kia miệng ngậm ống thuốc, bình tĩnh lắng nghe. Trong lúc đó ngài mời người thanh niên uống trà, lại mời anh ta thưởng thức trái cây. Nhưng người thanh niên cứ mãi khoe khoang nên đẩy trái cây và nước trà sang một bên, vẫn ngồi nguyên chỗ đó và nói say sưa thao thao bất tuyệt…
Chính lúc này, đại sư bỗng cầm ống thuốc đứng dậy, ra sức đánh mạnh vào đầu người thanh niên.
Bấy giờ thanh niên vô cùng phẫn nộ, khí thế giận dữ đùng đùng, nhìn dáng vẻ anh ta như gà trống đang hăng say đấu nhau.
Đại sư nhìn thanh niên, mỉm cười nói: “Một khi tất cả đều không, vậy thử hỏi phẫn nộ từ đâu đến?”
Lúc gặp nguy hiểm Bồ Tát luôn bên cạnh chúng ta
Bồ Tát cứu khổ cứu nạn ở đâu? Nhiều khi, Bồ Tát thực sự ở cạnh chúng ta, đó có thể là cơ hội một lần, hoặc là một người, cũng có thể luôn ở cạnh chúng ta.
Có tín đồ một lòng hướng Phật, vô cùng thành kính.
Một lần, khi quê hương xảy ra lũ lớn, anh tránh đi không kịp, đành trèo lên đỉnh nhà đợi người đến cứu giúp. Nhìn thấy dòng nước lớn như muốn nhấn chìm nóc nhà, tín đồ kia vội vàng cầu nguyện: “Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, nhanh chóng đến cứu con đi!”
Lúc này, một người chèo thuyền độc mộc đi ngang qua, nhìn thấy tín đồ đang tránh lũ trên nóc nhà, vội chèo qua đó, bảo anh ta lên thuyền. Nào ngờ, người tín đồ cự tuyệt, anh ta nói lớn: “Tôi không cần ông đến cứu, Quan Thế Âm Bồ Tát đích thân đến cứu tôi”. Người chèo thuyền lắc lắc đầu ngao ngán, lái thuyền đi.
Nước lớn tiếp tục dâng cao, cao đến thắt lưng, tín đồ kia rất sốt ruột, lại lớn tiếng cầu cứu: “Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, nhanh đến cứu con đi! Nước đã ngập đến thắt lưng con rồi”.
Lúc này, lại có một chiếc thuyền nhỏ đến, người trên thuyền chèo đến cứu, nào ngờ anh ta lại từ chối: “Tôi không lên thuyền của các ông đâu, Quan Thế Âm Bồ Tát sẽ đến cứu tôi”. Người trên thuyền chẳng biết làm thế nào, đành bỏ anh ta lại mà đi.
Lúc này, nước đã dâng cao đến ngực, lòng anh ta nóng như lửa đốt, bèn lớn tiếng hét: “ Quan Thế Âm Bồ Tát đại từ đại bi, nhanh đến cứu con đi, con sắp mất mạng rồi”. Lúc này có một chiếc thuyền lớn chở đầy người đến, người trên thuyền thúc giục anh nhanh chóng lên thuyền, nếu không sẽ bị mất mạng. Đáng tiếc anh vẫn cự tuyệt, lại nói giọng như khóc: “Quan Thế Âm Bồ Tát sẽ đến cứu tôi, các ông đi đi”.
Thế là thuyền lớn lại ra đi.
Sau đó nước lớn dâng đến cổ anh ta, Quan Thế Âm Bồ Tát cuối cùng vẫn không thể cứu anh ta được.
Trên thiên giới, tín đồ gặp Quan Thế Âm Bồ Tát, bèn trách móc: “Con cầu thành khẩn như thế vì sao Ngài không chịu đến cứu con?”
Quan Thế Âm Bồ Tát than thở: “Con thật uổng công học Phật pháp, ta từng ba lần phái người mang thuyền đến cứu, nhưng đều bị con từ chối, xem ra con thật sự không có duyên với Phật, thật uổng phí tâm huyết một đời”.
Đừng vội định luận khi chưa làm rõ chân tướng sự vật
Thực ra, có nhiều khi, người ta không đến mức xấu như thế, là chúng ta nghĩ xấu cho mọi người. Cho nên, trong cuộc sống, chúng ta phải có thái độ công chính hòa bình đối đãi với người và sự việc xung quanh, trước khi chưa làm rõ chân tướng sự vật, thì đừng định luận xằng bậy.
Thản Sơn thiền sư và Vân Thăng thiền sư cùng tham thiền học đạo với một sư phụ, nhưng tính cách hai vị hoàn toàn trái ngược nhau. Sư huynh Thản Sơn là người phóng khoáng không câu nệ, rượu thuốc không kiêng, bị người sỉ nhục; sư đệ Vân Thăng thì lại trang trọng nghiêm túc, hoằng dương Phật pháp, được sự tôn kính sâu xa của tín chúng.
Một ngày, Vân Thăng đi ngang qua chỗ Thản Sơn. Lúc bấy giờ Thản Sơn đang uống rượu, nhìn thấy Vân Thăng bèn lớn tiếng gọi: “Sư đệ! Nghỉ chân vào đây uống một ly rượu nhé”.
Vân Thăng thiền sư vô cùng khinh bỉ, mỉa mai: “Thuốc rượu không kiêng, làm sao tu thành chính quả được”.
Thản Sơn nghe xong cười lớn, vẫn nói như trước: “Chớ lo nhiều như thế, qua đây uống một ly rượu nhé”.
Vân Thăng vừa đi vừa trả lời dứt khoát: “Tôi không biết uống rượu”.
Thản Sơn nói với vẻ không vui: “Ngay cả rượu cũng không biết uống, thật chẳng giống người gì cả!”
Vân Thăng nghe xong vô cùng tức giận, lớn tiếng chất vấn: “Tự mình phóng đãng lại còn không lo, làm sao dám mắng người khác chứ?”
Thản Sơn khí khái thẳng thắn hỏi: “Ta mắng người thế nào chứ?”
“Anh bảo tôi không giống người, chẳng phải mắng tôi sao?”
“Sư đệ quả là không giống người!”
“Tôi làm sao không giống người? Tôi không giống người thì giống gì nào? Anh nói đi!”
“Sư đệ giống Phật”.
Vân Thăng nghe xong, im lặng không nói lời nào cả.