Phật nói, vứt bỏ tham dục đi, nếu không muôn đời muôn kiếp không trở lại được. Tham dục sẽ khiến con người rơi vào vực sâu tự ngã hủy diệt. Từ bỏ tham dục phải từ bỏ những mong cầu quá đáng, từ bỏ mong cầu quá đáng không phải không có tinh thần tiến thủ, mà là thái độ nhìn thấu kiếp người.
Càng không mong cầu quá đáng sẽ đạt được càng nhiều
Tục ngữ nói tri túc thường lạc, vô dục tắc cang. Trong cuộc sống, chỉ những người không mong cầu quá đáng, mới có thể sống vui vẻ, hạnh phúc. Nhiều khi, chúng ta càng không mong cầu quá đáng, thứ đạt được trái lại càng nhiều hơn.
Thiền sư Tuyết Đậu vào triều nhà Tống rất thích đi vân du khắp nơi để tham cầu học hỏi. Hôm đó, thiền sư gặp học sĩ Tăng Hội bên sông Hoài.
Tăng Hội bèn hỏi: “Thiền sư, ngài muốn đi đến đâu?”
Tuyết Đậu trả lời một cách lịch sự: “Cũng không chắc lắm, có lẽ đến Tiền Đường, cũng có thể sẽ đến Thiên Thai để xem xem”.
Tăng Hội đề nghị: “San Thiền sư trú trì chùa Linh Ẩn là chỗ tình cảm giao hảo thâm tình với tôi, tôi sẽ viết thư giới thiệu, ngài mang đến trao cho ông ấy, nhất định ông ấy đối đãi tử tế với ngài”.
Thế là thiền sư Tuyết Đậu đến chùa Linh Ẩn, nhưng ngài không đưa bức thư giới thiệu của Tăng Hội cho vị trú trì xem, mà cất kỹ trong người để làm một vị tăng bình thường trong chúng suốt ba năm.
Sau ba năm, lúc Tăng Hội phụng mệnh đi sứ đến Chiết Giang, liền đến chùa Linh Ẩn tìm thăm thiền sư Tuyết Đậu, nhưng các vị tăng trong chùa nói không biết người nào như thế cả. Tăng Hội không tin, bèn tự mình đến Vân Thủy trong phòng tăng chỗ của vị trú trì. Hơn 1.000 tăng trong chúng đi tìm khắp nơi, khó khăn lắm mới tìm được Tuyết Đậu. Tăng Hội hỏi với vẻ không hiểu: “Sao ngài không đến gặp vị trú trì mà lại ẩn giấu ở đây? Có phải bức thư giới thiệu tôi viết cho ngài bị mất rồi không?”
Tuyết Đậu thiền sư mỉm cười trả lời: “Không dám, không dám. Tôi chỉ là một vị tăng mây nước, hoàn toàn không có mong cầu điều gì, cho nên tôi không muốn làm người đưa thư của ông!”
Nói xong liền lấy bức thư giới thiệu ra, vẫn còn niêm phong chưa động đến trao lại cho Tăng Hội, hai người nhìn nhau mỉm cười. Ngay lập tức Tăng Hội dẫn ngài Tuyết Đậu giới thiệu với trú trì San thiền sư, San thiền sư rất tiếc người tài ba này.
Về sau, chùa Thúy Phong ở Tô Châu thiếu người trú trì, San thiền sư giới thiệu ngài Tuyết Đậu đến đó nhậm chức. Ở đó, ngài Tuyết Đậu trở thành một đại danh tăng.
Tham dục là một thứ độc dược
Tham dục sẽ đưa con người đến vực sâu tội ác, khiến người mất đi lý trí, có thể hủy hoại, lừa dối nhau, thậm chí khiến bạn bè tốt trở thành cừu địch. Vì thế, trong cuộc sống, chúng ta nhất định phải khắc phục lòng ham muốn bản thân, nhớ kỹ, con đao trên đầu chữ “tham”, một khi rơi vào “tham”, sẽ bị nó đầu độc.
Một hôm khi trời gần tối, hai người bạn rất thân tản bộ trong rừng. Lúc bấy giờ, một vị tăng chạy từ rừng ra với vẻ mặt thất sắc kinh hoàng, hai người thấy thế bèn kéo vị tăng kia lại hỏi: “Tiểu hòa thượng, vì sao lại kinh hoàng như thế, rốt cuộc đã xảy ra chuyện gì?”
Tăng nhân nói với sự thấp thỏm bất an: “Tôi đang bứng cây để trồng, bỗng nhiên phát hiện một hũ vàng”.
Hai người này cảm thấy tức cười nên nói: “Đào được vàng mà rụng rời tay chân như bị ma quỷ dọa thế, thật quá nực cười”. Sau đó họ hỏi: “Chú phát hiện hũ vàng ở chỗ nào, bảo cho chúng tôi biết, chúng tôi không sợ đâu”.
Tăng nhân nói: “Hay là đừng đi nữa, những thứ này ăn thịt các ông đó”.
Hai người không hẹn cùng nói: “Chúng tôi không sợ, hãy bảo cho chúng tôi hũ vàng đó ở đâu”.
Tăng nhân chỉ địa điểm cụ thể cho họ, hai người chạy ngay đến rừng cây, quả nhiên họ đã tìm được hũ vàng ở đó. Một hũ vàng lớn làm sao!
Một người trong đó nói: “Nếu bây giờ chúng ta vận chuyển hũ vàng này về e không an toàn lắm. Thế này nhé, bây giờ tôi ở lại đây canh chừng, anh quay về mang một ít thức ăn đến, chúng ta cùng ăn cơm ở đây, đợi đến lúc nửa đêm sẽ vận chuyển vàng về”.
Thế là một người trở về nhà lấy cơm.
Người ở lại trong lòng nghĩ: Nếu số vàng này thuộc về ta thì tốt biết bao! Đợi anh ta trở lại, ta sẽ dùng gậy đánh chết, thế thì hũ vàng này chẳng phải hoàn toàn thuộc về ta sao?
Người trở về lấy cơm cũng suy nghĩ: Ta trở về ăn cơm no trước, sau đó bỏ vào phần cơm của anh ta một ít thuốc độc. Một khi anh ta chết, thì hũ vàng này chẳng phải thuộc về ta hay sao?
Người trở về vừa mang cơm vào rừng, thì bị người kia núp sau lưng dùng gậy đánh chết ngay tại chỗ. Sau đó anh ta mang cơm ra ăn, ăn như hổ như báo. Chẳng bao lâu sau đó, bụng của anh ta đau như có lửa đốt, lúc này mới biết mình bị trúng độc. Lúc sắp chết, anh ta nhớ lại lời của tăng nhân, nói: Lời của tăng nhân quả là linh ứng, ngay lúc đầu sao ta lại không hiểu rõ ư?
Điều khiển ham muốn hợp lý mới có thể sống hạnh phúc
Trong đời người, phải biết điều khiển ham muốn của mình một cách hợp lý, chỉ có như thế, mới có thể sống hạnh phúc; còn nếu long tham không đáy, chỉ mang đau khổ đi theo cùng ta, hơn nữa, tham dục và khổ đau trở thành tỷ lệ thuận.
Ngày xưa, có người sống trên núi bằng việc kiếm củi, quanh năm suốt tháng làm lụng vất vả, nhưng vẫn không thay đổi được hoàn cảnh khốn đốn. Anh cũng không nhớ mình đã đốt bao nhiêu cây hương cao trước Phật, cầu xin Phật tổ ban cho vận may, giúp vượt ra khỏi biển khổ.
Phật tổ quả nhiên từ bi, một ngày, người trên núi kia tình cờ đào được 100 cân vàng La Hán. Trong nháy mắt anh liền trải qua cuộc sống mà từ xưa đến nay có nằm mộng cũng không dám mơ, anh vừa mua nhà lại vừa bán đất. Bạn bè thân thích bỗng chốc nhiều lên gấp bội, người từ bốn phương tám hướng đến chúc mừng.
Nhưng chỉ vui vẻ được chốc lát, sau đó anh bắt đầu lo lắng trở lại, ăn không biết mùi vị, ngủ cũng chẳng ngon giấc.
“Gia sản lớn như thế, dù là giặc trộm, nhất thời cũng không thể trộm hết sạch được, nhìn anh lo buồn như quỷ thất vọng!” Vợ anh ta khuyên những mấy lần vẫn không hiệu quả, bất giác lớn tiếng trách mắng.
“Bà là phận đàn bà chỉ biết lo việc nội trợ trong nhà, làm sao hiểu được nỗi âu lo của tôi. Sợ người ăn trộm chỉ là một trong những nguyên nhân đó thôi!”
Anh cứ than thở mãi, nói được nửa câu bèn dùng hai tay ôm đầu than vãn ảo não.
“18 tượng La Hán mà tôi chỉ đào được có một, 17 tượng khác chẳng biết nó ở nơi nào? Nếu như toàn bộ 17 tượng La Hán kia đều ở chỗ tôi sẽ tốt biết bao! Đây mới là nguyên nhân chính lớn nhất mà tôi lo sầu”.
Thứ dễ kiếm được thường đi đôi với tai họa
Làm người nhất định phải biết đủ, không được tham mãi không chán, cuộc sống tốt đẹp phải dựa vào đôi tay siêng năng lao động để sáng tạo. Thứ gì không làm mà hưởng đạt dễ dàng, dùng nó lại khó - thường không mang lại hạnh phúc, chỉ có mang đến tai họa mà thôi.
Ngày xưa, có hai anh em từ nhỏ đã mất cả cha lẫn mẹ nên họ nương tựa vào nhau để sống, gia cảnh vô cùng bần hàn. Hai anh em suốt ngày chỉ biết lấy việc đốn củi làm kế sinh nhai, cuộc sống vất vả vô cùng. Mặc dù vậy, hai anh em chưa hề oán trách ai bao giờ, họ thức khuya dậy sớm, bận rộn từ sáng đến tối vẫn cảm thấy vui vẻ. Hơn nữa, anh chăm sóc em, em thương mến anh, cuộc sống tuy có vất vả, nhưng họ lại sống qua những ngày vui vẻ và thoải mái.
Bồ Tát Quan Thế Âm biết được hoàn cảnh này, cảm động trước tình thân của họ, quyết tâm hạ giới giúp đỡ. Tờ mờ sáng, Bồ Tát đi vào giấc mộng của hai anh em kia, nói với họ: “Ở phương xa có một ngọn núi Thái Dương, trên núi vàng rải đầy rực rỡ, các con có thể đến đó nhặt lấy. Nhưng đường đến đó vô cùng gian nan nguy hiểm, các con phải hết sức cẩn thận! Vả lại, núi Thái Dương có độ ẩm khá cao, các con nhất định phải xuống núi trước khi mặt trời mọc, nếu không sẽ bị lửa thiêu”. Nói xong, Bồ Tát biến mất.
Hai anh em tỉnh mộng, vô cùng phấn chấn. Họ bàn luận với nhau một lát, liền khởi hành đến núi Thái Dương. Trên đường đi, họ không những gặp nhiều rắn độc mãnh thú, lang sói hổ beo, mà trên không trung gió to nổi lên, sấm sét điện chớp. Hai anh em vẫn cắn răng chịu đựng, đoàn kết nhất trí, cuối cùng cũng chiến thắng được những chướng ngại hiểm trở gian nan, hao tổn sức lực rất lớn, cuối cùng họ cũng đến được núi Thái Dương.
Hai anh em vừa nhìn, khắp nơi trên núi đều là vàng ròng, ánh sáng chiếu vàng rực rỡ, sáng đến nỗi người ta không thể mở mắt. Người em nét mặt rạng rỡ, nhìn thấy vàng cười mãi không thôi, người anh trái lại chỉ cười nhạt nhẽo.
Người anh nhặt một khối vàng ròng, bỏ vào bao rồi xuống núi. Còn người em cứ nhặt hết khối này đến khối khác, chẳng chịu buông tay. Chưa đầy một lát, các túi đều đầy. Lúc này mặt trời sắp mọc, nhưng người em trái lại vẫn nhặt mãi không dừng.
Một lát sau, mặt trời xuất hiện, độ ẩm trên núi dần lên cao. Lúc này, người em mới hoảng thần hồn, bèn vội vàng cõng túi vàng quay về, tiếc rằng túi vàng quá nặng, nên không thể chạy nhanh được, anh ta bước đi loạng choạng. Mặt trời càng lúc càng lên cao, cuối cùng người em ngã quỵ, bị thiêu chết ngay trên núi Thái Dương.
Người anh sau khi trở về nhà, dùng khối vàng nhặt được đổi thành tiền làm ăn, sau đó trở thành đại phú ông nổi tiếng gần xa. Còn người em vĩnh viễn ở lại trên núi Thái Dương.
Quá tham lam sẽ bị làm hại vô điều kiện
Tư lợi là nhược điểm chết người của con người. Nếu một người có lòng tư lợi quá nặng, thì mặc sức tham lam làm càn, cho dù mất đi hữu nghị, niềm vui, sinh mạng, vẫn mang theo. Cho nên, bất cứ lúc nào cũng lắng lòng tiết dục, chọn lựa có đạo lý, sẽ giúp ích cho chúng ta.
Trước đây rất lâu Phạn Thọ Vương trị vì quốc gia ở thành Ba La Nại, sau đó Bồ Tát chuyển ông sang làm thần cây.
Ngày nọ, một ngư dân mang cần câu, cùng với đứa con trai nhỏ đến hồ nước mà ông thường đến đó câu. Ông thả cần câu, nào ngờ câu phải một cột cây dưới đáy nước, xoay xở thế nào cũng không thể kéo lên được.
Ông thầm nghĩ: Chắc chắn đã câu được một con cá lớn. Ta hãy bảo con trai về nhà nói với mẹ nó, để bà ấy nghĩ cách cãi nhau với hàng xóm, vậy chẳng còn ai để ý mà đến đây, như thế con cá này chỉ thuộc về một mình ta thôi.
Thế là ông dặn dò đứa con trai: “Con à, hãy về bảo với mẹ, chúng ta câu được một con cá rất lớn, bảo mẹ con cãi nhau với những người hàng xóm”.
Sau khi đứa con đi, ông vẫn không kéo nổi cần câu lên. Ông ta lo lắng sợi dây bị kéo đứt, bèn cởi áo quần đặt trên bờ, nhảy xuống hồ để mò cá. Kết quả ông va phải cột cây, khiến hai mắt bị mù. Cũng trong lúc đó, một tên trộm lấy áo quần của ông để trên bờ đi mất.
Ông ta đau khổ khó nhẫn, dùng tay bịt hai mắt, lắc lư bò ra khỏi hồ nước, mải mò mẫm tìm kiếm áo quần, lúc này vợ ông ta đang nghĩ cách cãi nhau với những người hàng xóm. Bà ta lấy lá cọ đeo vào một lỗ tai của mình, trét bùn lên một con mắt đen như tàn thuốc, ôm một con chó, đi qua cửa nhà hàng xóm.
Một người bạn gái nói với bà: “Bà đeo chiếc lá cọ lên tai, trét tàn thuốc đen lên một con mắt, ôm con chó như đang ôm đứa con quý, đi qua cửa nhà người ta, lẽ nào bà điên rồi sao?”
“Tôi không điên. Làm sao bà lại vô duyên vô cớ nói ra những lời làm tổn thương người ta chứ? Chúng ta cùng đến thôn trưởng để phân tích đúng sai, tôi phải bảo ông ta phạt bà 8 tệ mới được”.
Thế là, hai người đến chỗ thôn trưởng làm ồn náo loạn. Thôn trưởng hỏi rõ nguyên do cãi nhau, cuối cùng ông ta phán người đàn bà này có tội giả điên gây mất trật tự. Thế rồi, mọi người bắt người đàn bà này trói lại, dùng roi đánh, bảo bà phải mau nộp tiền phạt.
Thần cây thấy được sự bất hạnh mà người đàn bà trong làng chài và chồng của bà gặp phải, liền đứng trên cành cây nói rằng: “Ngươi đấy! Ngươi ở trong nước hay ở trên đất đều làm việc sai trái, do đó mà cả hai đều bị rắc rối”.
Nói xong, liền đọc bài kệ rằng: “Mắt mù áo quần mất, vợ giở trò vô lại. Trong nước và trên đất, cả hai đều thất bại”.
Cứ mãi ham muốn hưởng lạc cuối cùng bị hưởng lạc thôn tính
Người đời đa phần đều ham muốn hưởng lạc, nào ngờ, chính vì tham muốn hưởng lạc, con người mới mất đi tự ngã. Nếu một người cứ mãi ham muốn hưởng lạc, anh ta sớm muộn gì cũng bị sự hưởng lạc thôn tính.
Một lần, trong pháp hội, đức Phật Thích Ca Mâu Ni giảng về câu chuyện cách đây rất lâu cho các vị Tỳ kheo nghe.
Có hai thương nhân, mỗi người dẫn theo một đoàn gồm 500 người, họ tìm cách gom góp vàng bạc, tư lương ở khu vực Ba La Nại, chuẩn bị nhiều thuyền buồm, quyết định đi xa tìm châu báu.
Họ giương buồm, đạp sóng, rẽ gió, hướng chạy ra biển khơi.
Đoàn thương thuyền ra biển khơi thời gian khá lâu. Ngày kia, họ bỗng phát hiện một hòn đảo châu báu xuất hiện ngay trước mắt. Trên đảo lại có vô số châu báu, mỹ nhân, khiến mỗi người trong bọn họ nhìn thấy đều phải trố mắt đờ đẫn.
Người dẫn đầu đoàn thương nhân thứ nhất thấy cảnh tượng này, lập tức nói: “Chúng ta xả bỏ cả thân mạng, tài sản đi tìm châu báu, vất vả khổ sở mới đến được đây, người đẹp, tài sản châu báu ở đây không thứ gì là không có, một đời người có thể hưởng thụ những thứ này cũng đủ rồi vậy! Chi bằng chúng ta nên ở lại đây!”
Nhưng người dẫn đầu đoàn thương nhân thứ hai nhìn thấy cảnh tượng này, nói với vẻ bình tĩnh: “Trong biển lớn không có bờ bến, dù hòn đảo châu báu kia không thứ gì là không có, nhưng chắc chắn không thể tồn tại lâu dài!”
Mọi người nghe xong, đang do dự không biết quyết định thế nào, đúng lúc, có một thiên nữ đi ngang qua, trong lòng thương xót những thương nhân kia, bèn ở trên không trung nói với chúng thương nhân rằng: “Các ngươi ở vùng này mặc dù tạm thời có thể hưởng thụ tất cả khoái lạc, nhưng tất cả những thứ này đều không tồn tại lâu dài, qua bảy ngày nữa, hòn đảo nhỏ này sẽ bị biển lớn nuốt trôi!”
Thiên nữ nói xong, lập tức biến mất!
Lại có một ma nữ cũng đi ngang qua đó, cô ta muốn khiến những thương nhân này bị biển lớn nuốt trôi, bèn ở trên không trung nói với chúng thương nhân: “Các người chớ đi đâu cả, đảo châu báu này sao có thể bị biển lớn nuốt trôi cơ chứ? Nếu như mất cơ hội này, cầu được những người đẹp mê hồn này, những châu báu kỳ diệu như thế, còn phải đi đâu tìm nữa chứ?” Thiên nữ lúc nãy lừa phỉnh các ngươi đấy, các ngươi đừng tin lời cô ta!”
Ma nữ nói xong, cũng biến mất ngay lập tức.
Người dẫn đầu đoàn thương nhân thứ nhất nghe xong, ngay lập tức nói với thủ hạ của ông ta: “Các bạn chớ tin lời thiên nữ thứ nhất, chúng ta cứ ở trên hòn đảo này để hưởng thú vui ngũ dục đi nhé!”
Còn người dẫn đầu đoàn thương nhân thứ hai nói với thủ hạ của mình: “Các ngươi nhất thiết chớ vì tham hưởng thú vui nhất thời mà bỏ mất tính mạng. Chúng ta nhanh chóng chở lấy một ít châu báu, không nên tham luyến chỗ này. Lời của thiên nữ thứ nhất thật sự không hư dối đâu!”
Quả nhiên, qua bảy ngày, như lời thiên nữ thứ nhất đã nói, sóng biển ba đào đã cuốn đi tất cả hòn đảo kia. Những người trong đoàn thương nhân thứ hai, do sớm có dự phòng chuẩn bị, đều ở trên thuyền, nên yên ổn không có việc gì xảy ra. Còn người của đoàn thương nhân thứ nhất, vì chỉ lo ham muốn hưởng lạc, cuối cùng đã bị nước biển cuốn trôi tất cả.
Tiền tài là vật ngoài thân
Tuy nói không có tiền không được, nhưng nhất thiết chớ xem nặng tiền bạc, càng không nên dồn hết tâm trí tìm cầu. Bởi vì, tiền tài chẳng qua chỉ là vật ngoài thân mà thôi, sống không giữ được, chết chẳng mang theo.
Một chú tiểu mới xuất gia hỏi thiền sư: “Tiền tài là vật như thế nào?”
Thiền sư không trả lời vấn đề của tiểu hòa thượng, ông kể cho chú nghe một câu chuyện.
Ngày xưa có vị quốc vương tên Nan Đà. Quốc vương này ra sức thu sưu cao thuế nặng tiền của châu báu, hy vọng mang tài sản quý báu đến đời sau của ông. Trong lòng nghĩ rằng: Ta phải thu thập tài sản châu báu của cả nước về nơi ta, không để sót lại chút gì bên ngoài cả.
Bởi vì quốc vương tham lam luyến tiếc tiền của như thế, nên ông quy định: Nếu ai muốn kết giao với con gái ông, thì phải mang theo tiền tài châu báu làm lễ gặp mặt. Ông căn dặn những người hầu bên cạnh rằng: “Nếu có người nào mang tiền tài châu báu đến kết thân với con gái ta, gom lại tiền tài châu báu của họ mang đến đây cho ta!” Ông dùng cách này để gom góp tài sản châu báu, nên cả quốc gia không có nơi nào còn có tiền tài báu vật nữa, tất cả tài sản châu báu đều đưa hết vào kho của quốc vương.
Lúc bấy giờ có một quả phụ, chỉ có người con trai, bà rất cưng chiều con. Chàng trai này nhìn thấy con gái của quốc vương nhan sắc xinh đẹp, dung mạo phi phàm, vô cùng thích, nhưng nhà anh chẳng có tài sản gì cả, nên không có cách gì để kết thân với con gái quốc vương. Vì việc này mà anh sinh bệnh, thân thể gầy yếu, hơi thở thoi thóp. Mẹ anh hỏi: “Con bị bệnh như thế nào? Làm sao con lại mắc bệnh như thế?”
Người con trai đem sự việc thưa rõ với mẹ: “Nếu như con không được kết thân với con gái quốc vương, chắc con không sống nổi”.
Bà mẹ nói với con trai: “Nhưng tiền tài châu báu trong nước không còn gì cả, đi đâu tìm kiếm châu báu đây?” Người mẹ suy nghĩ một lát liền nói: “Lúc cha con qua đời, trong miệng có ngậm một đồng tiền vàng. Nếu như con đào mộ lên có thể lấy được đồng tiền kia, tự con dùng đồng tiền đó để kết giao với con gái quốc vương”.
Người con trai làm theo lời mẹ, đi đào mộ của người cha lên, lấy đồng tiền vàng từ trong miệng ra. Anh cầm được tiền, liền đến chỗ con gái của quốc vương. Bấy giờ con gái quốc vương dẫn anh và mang đồng tiền vàng đến gặp quốc vương. Quốc vương gặp rồi nói: “Tất cả tiền tài châu báu trong nước, trừ kho ta ra, tất cả đều sạch trơn, không chỗ nào có cả. Thế ngươi kiếm được đồng tiền vàng này ở đâu? Hôm nay chắc chắn là ngươi đã phát hiện ra chỗ cất giấu dưới lòng đất rồi!”
Quốc vương dùng đủ mọi hình phạt, tra khảo đánh đập con trai của người quả phụ này, muốn hỏi rõ nơi anh tìm được đồng tiền. Con trai người quả phụ trả lời với quốc vương: “Tôi thật sự không lấy đồng tiền vàng này từ chỗ cất giấu dưới đất. Mẹ tôi bảo rằng, trước lúc cha tôi qua đời, trong miệng có ngậm một đồng tiền. Sau đó bảo tôi đào mộ lên, do đó mà có được đồng tiền vàng này”.
Quốc vương bèn phái một cận thần đi kiểm tra thật hư. Người cận thần này quả nhiên nhìn thấy nơi đặt đồng tiền trong miệng của cha người con trai này, bấy giờ ông ta mới tin lời. Sau khi Quốc vương nghe lời báo cáo của cận thần, trong lòng ông nghĩ thầm: Trước đây ta đã gom góp tất cả tiền tài châu báu, hòng muốn mang qua đời sau tất cả những thứ này. Nhưng người cha kia, ngay một đồng tiền còn không thể mang theo xuống mồ, huống nữa tiền tài châu báu của ta nhiều như thế?
Kể xong câu chuyện, thiền sư hỏi tiểu hòa thượng: “Tiền tài châu báu là vật như thế nào?”
Tiểu hòa thượng thưa: “Là vật ở ngoài thân ạ”.
Ham muốn quá nhiều, sẽ không làm được việc gì cả
Tham dục như một sợi xích, dẫn dắt người này lôi kéo người kia, mãi vẫn không biết đủ. Mỗi người chúng ta đều có tham muốn. nhưng tham muốn quá nhiều, con người trở nên mệt không chịu nổi, càng không cách nào tâm lắng đọng để làm việc chân chính.
Có một vị tăng cấm dục khổ hạnh, chuẩn bị rời xa xóm làng nơi anh ta ở, vào trong núi không có người để ẩn cư tu hành. Anh chỉ mang theo một tấm vải may áo quần, một mình đi vào núi cư trú.
Sau đó anh nghĩ đến lúc giặt áo quần, cần phải có một tấm vải khác để thay đổi, thế là anh ta xuống núi, đến người dân trong thôn xin một tấm vải về may áo quần, người dân trong thôn đều biết anh là một vị tăng thành kính, thế là không mảy may suy nghĩ, cho anh một tấm vải.
Vị tăng sau khi về đến núi, lại phát hiện trong căn nhà lợp cỏ mà anh ta đang ở xuất hiện một con chuột, đợi lúc anh chuyên tâm ngồi thiền thì đến cắn y phục mà mình chuẩn bị thay giặt. Anh đã phát thệ một đời giữ giới không sát sinh, vì thế không muốn làm tổn hại đến con chuột kia, cho nên anh lại trở vào thôn xóm, đến xin người dân một con mèo về nuôi.
Sau khi kiếm được con mèo, anh ta lại nghĩ: Mèo cần ăn thứ gì? Ta không muốn để nó ăn chuột, nhưng vẫn không để nó ăn những thứ rau dại và trái cây giống ta! Thế là anh lại vào thôn xóm xin một con bò sữa, như thế con mèo kia sẽ có sữa bò để duy trì mạng sống.
Nhưng sau một thời gian sống trên núi, anh lại phát hiện mỗi ngày phải mất khá nhiều thời gian chăm sóc cho bò mẹ, thế là anh lại trở về thôn xóm, tìm được một người lang thang đáng thương, dẫn theo người lưu lạc vô gia cư này cùng lên núi để giúp mình chăm sóc bò sữa.
Người lưu lạc kia sau một thời gian sống trên núi, oán trách vị tăng: “Tôi không giống ông, tôi muốn có một người vợ, tôi muốn sống một cuộc sống gia đình bình thường”.
Vị tăng nghĩ lại thấy có lý, ông không thể bắt buộc người khác nhất định giống mình, phải sống cuộc đời cấm dục khổ hạnh…
Câu chuyện này sẽ còn tiếp tục, nhưng bạn cũng có thể đoán được rồi, về sau, cả thôn xóm đều dọn đến núi ở.
Có những thứ không thể hạ giá
Người sống ở đời, có nhiều thứ không có cách gì hạ giá được, như tình thân, tình bạn, tình yêu... Nếu chúng ta tính toán xem nó như món hàng để đánh giá, sẽ khiến cho những thứ tốt đẹp vốn có bị biến chất hoặc bị thối nát.
Một người do thân phụ qua đời, đã đến chùa mời Thiền sư Phật Quang về tụng kinh siêu độ. Người này rất quan tâm đến chi phí tụng kinh, nên anh ta không ngừng hỏi Thiền sư Phật Quang:
“Tụng một quyển kinh A Di Đà thì cần bao nhiêu tiền?”
Thiền sư Phật Quang xem ra không quen kiểu tham lam bủn xỉn không bỏ của người này, bèn trả lời không chút khách khí: “Một quyển kinh A Di Đà phải mất 10 lạng bạc”.
Người kia cho rằng như thế quá đắt bèn mặc cả: “Thiền sư à, 10 lạng bạc hơi đắt đấy! Có thể hạ xuống 8 lạng nhé, 8 lạng thế nào?”
Trong lòng Thiền sư Phật Quang cảm thấy tức cười, nhưng vẫn gật đầu nói: “Được thôi!”
Trong quá trình tiến hành tụng kinh niệm Phật, người kia nghe Thiền sư Phật Quang tụng có từ: “Mười phương chư Phật Bồ Tát, xin hãy đem tất cả công đức tụng kinh hôm nay, hồi hướng cho người đã mất, khiến cho người đó có thể vãng sinh về cõi Đông phương thế giới”.
Người kia nghe xong cảm thấy bất thường, đến trước thiền sư kháng nghị: “Không đúng! Thưa Thiền sư, tôi chỉ nghe nói sau khi người qua đời vãng sinh về thế giới Tây phương cực lạc, chứ tôi chưa nghe nói ai vãng sanh về Đông phương thế giới bao giờ?”
Thiền sư Phật Quang chế giễu nói: “Vãng sinh về cõi Tây phương cực lạc cần phải mất 10 lạng, nhưng anh cứ kiên quyết đòi hạ xuống 8 lạng, nên ta đành phải đưa người qua đời về thế giới Đông phương thôi vậy!”
Người kia ngượng ngùng, đành nói: “Tôi trả thêm 2 lạng là được chứ gì. Ngài hãy đưa cha tôi vãng sinh về Tây phương thế giới nhé!”
Người chỉ chú ý đến bản thân sẽ không nhận được sự chú ý của người khác
Nhiều người khi gặp việc, chỉ chú ý đến bản thân mà không để ý đến người khác, thậm chí vì bản thân mà không tiếc hy sinh lợi ích của người khác. Người chỉ chăm sóc bản thân như thế, cũng sẽ không nhận được sự chú ý của người khác.
Có một ngày, đức Phật an nhàn rảnh rỗi, liền đi xuống địa ngục xem thử, trông thấy một số người lúc sống làm nhiều việc ác, chính vì tà ác của mình mà phải chịu sự giày vò hành hạ của lửa địa ngục, nỗi thống khổ biểu lộ trên mặt không gì sánh bằng.
Lúc bấy giờ, một tên cường đạo thấy Phật từ bi, lập tức cầu xin ngài cứu giúp. Phật biết người này khi sống là một tên cường đạo không có việc ác gì mà không làm, anh ta cướp hết tài vật của người khác, tùy tiện giết hại sinh linh. Nhưng anh cũng không phải là người chưa từng làm một việc thiện nào. Có một lần, khi đi trên đường, lúc sắp đạp phải một con nhện nhỏ, đột nhiên anh khởi lên ý niệm thiện, động lòng thương xót, liền nhấc chân lên và thả con nhện nhỏ kia đi, đây là nghiệp thiện hiếm có nhất trong cuộc đời của anh ta.
Nghĩ đến đây, đức Phật thấy anh còn một chút thiện tâm, thế là Ngài dùng sức lực của con nhện nhỏ kia để cứu anh ta thoát khỏi biển khổ.
Đức Phật thả trên miệng giếng xuống một sợi tơ nhện, tên cường đạo phát hiện như có rơm rạ cứu mệnh liền cố nắm chặt sợi tơ nhện kia, sau đó dùng hết sức trèo lên. Nhưng những người chịu sự hành hạ khác trong miệng giếng thấy được cơ hội này, đều dùng hết sức để nắm chặt sợi tơ nhện đó, bất luận tên cường đạo kia có mắng nhiếc thế nào họ cũng không chịu buông tay.
Người trèo lên sợi tơ nhện càng lúc càng nhiều, tên cường đạo vì lo sợi tơ quá mỏng, không thể chịu đựng trọng lượng người nhiều như thế, bèn hủy hoại hy vọng duy nhất mà bản thân sắp thoát khỏi biển khổ, thế là anh dùng cây đao chặt đứt sợi tơ nhện dưới thân mình. Kết quả, sợi tơ nhện bỗng nhiên biến mất, mọi người lại bị rơi vào địa ngục vạn kiếp không thể trở lại làm người. Tên cường đạo kia ngay cả chút tâm thương xót sau cùng của mình cũng không có, nên đức Phật cũng bỏ tâm thương xót đối với anh ta.
Thứ muốn đạt được càng nhiều thứ mất đi sẽ nhiều hơn
Bất luận làm việc gì đều phải dừng lại đúng lúc, dừng lại đúng lúc là một cách biết nhìn xa trông rộng; đồng thời quyết không được lòng tham không đáy, vì thứ muốn đạt được càng nhiều, thì thứ mất đi càng nhiều, thậm chí kể cả sinh mạng.
Ngày xưa, có một người rất nghèo, nghèo đến mức ngay một chiếc giường cũng không mua nổi, nhà chỉ bốn bức tường trống không, duy có chiếc ghế đẩu dài, vào mỗi buổi tối anh ta ngủ trên chiếc ghế đó. Thế mà người này lại rất keo kiệt bủn xỉn, dù cũng biết mình mắc bệnh này, nhưng vẫn không làm sao thay đổi được.
Anh ta đến trước Phật cầu khấn: “Nếu con được phát tài, con tuyệt đối không keo kiệt bủn xỉn như bây giờ nữa”.
Đức Phật thấy anh ta cũng đáng thương, liền đưa cho anh một cái túi đựng tiền, nói: “Trong túi này có một đồng tiền, khi ngươi lấy đồng tiền đó ra, trong túi lại có một đồng tiền khác, nhưng lúc nào ngươi muốn tiêu, chỉ có quăng túi tiền này đi mới có thể tiêu tiền được”.
Người nghèo kia vui mừng khôn xiết, anh ta không ngừng lấy những đồng tiền ra, suốt cả buổi tối không hề chợp mắt, khắp nơi trên mặt đất đều là tiền. Suốt đời này không làm việc gì cả, những đồng tiền này cũng đã đủ cho anh tiêu xài rồi.
Mỗi lần, lúc quyết tâm quăng túi tiền kia đi, anh ta đều không nỡ quăng bỏ. Thế là anh ta chẳng chịu ăn uống gì cứ mãi lấy những đồng tiền ra, đến khi trong phòng đầy tiền, nhưng anh vẫn nói với mình: “Ta không thể quăng túi này được, tiền bạc cứ không ngừng tuôn ra, hay là đợi đến lúc tiền nhiều hơn chút nữa, quăng túi đi cũng không muộn!”
Đến lúc không còn sức đem những đồng tiền ra khỏi túi nữa, nhưng anh ta vẫn không chịu quăng bỏ túi, cuối cùng anh ta chết bên cạnh đống tiền, căn nhà anh ta khắp nơi đều là tiền và tiền mà thôi.
Hưởng thụ nhàn hạ lâu dài giống như vào địa ngục
Chúng ta nói, an nhàn và hưởng thụ thích đáng là nhu cầu cần thiết của mỗi người, nhưng quyết không được thích hưởng thụ an nhàn mãi. Một người nếu cứ thích thú hưởng thụ nhàn hạ, thì bản thân biến thành kẻ vô công rồi nghề, cuối cùng khó mà chịu sự trống rỗng, đây cũng như rơi vào địa ngục vậy.
Có tiểu hòa thượng luôn oán trách cuộc đời quá vất vả khổ sở, mỗi ngày làm quá nhiều việc lặt vặt như tưới cây, nấu cơm, ngồi thiền... Một lần, tiểu hòa thượng đến bên thiền sư than khổ, thiền sư liền kể cho chú nghe một câu chuyện như sau.
Một người sau khi chết bị đưa đến điện Diêm La. Anh ta đến đó, thấy cuộc sống ở đây vô cùng nhàn hạ thoải mái. Người này nghĩ rằng: Lúc còn sống ta phải sống cuộc đời quá vất vả khổ sở, bây giờ chết rồi, cuối cùng cũng có thể được hưởng thụ đời nhàn hạ. Mỗi ngày ngoài ăn cơm ngủ nghỉ ra, không có việc gì cả, cũng không cần phải làm việc vất vả mỗi ngày, cuộc sống như thế thật sự quá tốt rồi! Đây quả thật như thiên đường vậy!
Sau đó anh đến trước người phụ trách hỏi: “Đây là địa ngục sao? Tôi thật sự khó tưởng tượng rằng địa ngục lại tốt đẹp đến như thế!” Người phụ trách nói: “Đúng vậy, đây chính là địa ngục! Ở đây ngươi không cần phải làm bất cứ việc gì, cố gắng hưởng thụ đi nhé! Một thời gian nữa ngươi sẽ biết được đây mới là địa ngục thật sự”.
Trong lòng người này nghĩ: Sao thế được nhỉ! Ở đây mỗi ngày đều có sơn hào hải vị, muốn ăn thứ gì cứ ăn thứ đó; còn có cả giường cao nệm ấm, thoải mái vô cùng, muốn ngủ bao nhiêu cứ ngủ bấy nhiêu, từ xưa đến nay chẳng ai quản cả. Nếu sớm biết thế này, ta đã sớm không sống nữa rồi, đang sống mà vẫn không bằng chết vậy!
Thế là suốt ngày anh ta hết ăn rồi ngủ, hết ngủ lại ăn, vui vẻ giống như là thần tiên vậy. Nhưng thời gian dài trôi qua, anh cảm thấy cô đơn lạnh lẽo và trống vắng thế nào ấy, vậy là anh ta chạy đi tìm người phụ trách và hỏi: “Tôi mỗi ngày ngoài việc ăn cơm, ngủ nghỉ ra, chẳng khác gì loài lợn cả? Tôi không muốn cứ sống mãi thế này nữa, hay ông tìm cho tôi một công việc nhé! Vất vả một tí tôi cũng bằng lòng”.
Người phụ trách trả lời: “Ở đây từ xưa đến nay chưa từng có công việc để làm, nếu muốn thứ gì chỉ cần nghĩ đến, lập tức có thể đạt được, chỉ có công việc là không thể được mà thôi!” Người này không còn cách nào khác đành phải quay trở về, qua một thời gian nữa, anh ta thật sự không thể nào nhẫn chịu được cuộc sống thế này, nên lại đi tìm người phụ trách và nói: “Tôi không muốn sống ở đây nữa, cuộc sống như thế này thật là khó nhẫn chịu được, chi bằng ông cứ để tôi xuống địa ngục đi!”
Người phụ trách nói: “Ta từng bảo với ngươi rồi, ở đây vốn dĩ là địa ngục, ngươi còn cho rằng đây là thiên đường sao? Ngươi thật là quá ngốc rồi! Đây mới là địa ngục thật sự”.
Sau khi kể câu chuyện xong, thiền sư hỏi tiểu hòa thượng rằng: “Bây giờ con còn cảm thấy cuộc sống quá vất vả khổ sở nữa không?”
Tiểu hòa thượng thưa: “Bạch ngài, con đã hiểu rồi ạ”.