Phật dạy, thiện ác đều có quả bảo, không phải không có quả báo, giờ thìn chưa đến. Tâm ôm niệm ác, làm việc ác, cuối cùng gặt quả báo xấu; tâm ôm niệm thiện, làm việc lành, sẽ được tích đức, người thiện cuối cùng được quả báo lành. Phải biết thiện hay ác chỉ trong một niệm mà thôi, nhớ kỹ: Không được buông thả bản thân, muốn làm gì thì làm.
Cứu người mà cầu mong báo đáp sẽ làm dơ bẩn thiện niệm
Giúp người nên có thái độ thành tâm thành ý, tích đức hành thiện cũng đừng mong cầu có sự hồi đáp. Nếu chúng ta giúp đỡ người khác, mong có mục đích nhất định, vậy thì, sẽ làm dơ bẩn thiện niệm này, khiến cho sự giúp đỡ của ta mất hết ý nghĩa và giá trị.
Thành Chuyết thiền sư lúc đang hoằng pháp tại chùa Viên Giác, mỗi lần giảng kinh, thính chúng đến nghe pháp ngồi chật như nêm, thế là, có người đề nghị mở rộng giảng đường thêm một tí nữa.
Bấy giờ có một tín đồ tặng cho Thành Chuyết thiền sư 50 lạng vàng, bảo ngài dùng số vàng này để sửa sang giảng đường. Thành Chuyết thiền sư nhận tiền xong lại dùng số tiền đó làm việc khác, nên tín đồ kia có thái độ bất mãn với thiền sư - phải biết, 50 lạng vàng thật không phải là một số tiền nhỏ, mà khi Thành Chuyết thiền sư cầm được số tiền này, ngay một tiếng “cảm ơn” cũng chẳng có. Thế rồi, tín đồ nhắc khéo sau lưng Thành Chuyết rằng: “Sư phụ à! Trong túi của tôi đựng những 50 lạng vàng đấy”.
Thành Chuyết thiền sư không để ý trả lời chậm rãi: “Ông đã nói, và ta cũng biết rồi mà”.
Thành Chuyết thiền sư không dừng lại mà tiếp tục bước đi, tín đồ bất giác cất cao giọng hét: “Ủa! Sư phụ à! Tôi quyên được những 50 lạng vàng, đây không phải là số tiền nhỏ! Nhưng lẽ nào ngay cả một tiếng cảm ơn ông cũng không chịu nói là sao?”
Thành Chuyết thiền sư liền dừng lại, nói với người tín đồ kia rằng: “Sao ông cứ nói lảm nhảm mãi thế? Ông quyên tiền cúng Phật tổ thì sao ta lại phải nói tiếng cảm ơn? Ông quyết định bố thí đó là công đức của ông, nếu như ông xem công đức cúng dường này như là một thứ mua bán, thì ta xin thay Phật tổ ‘cảm ơn’ ông, xin ông hãy mang tiếng ‘cảm ơn’ này về đi. Từ đây, việc ‘trao đổi ngân lượng’ giữa ông và Phật tổ xong rồi đấy nhé!”
Tâm hại người cuối cùng hại mình
Tâm hại người không được có. Một người nếu thường vắt óc tìm kế để hãm hại người khác thế nào, cuộc sống người đó tất nhiên không vui vẻ. Càng muốn hãm hại người khác, càng không thể thực hiện được, cuối cùng hại người không thành trở lại hại mình mà thôi.
Lúc đức Phật Thích Ca Mâu Ni bắt đầu truyền đạo, gặp rất nhiều khó khăn và phiền não khó tưởng tượng được, có lúc thậm chí gặp những người khiêu khích và đả kích. Nhưng bằng trí tuệ, nghị lực và nhân cách, khả năng của mình, hết lần này đến lần khác Ngài đã khắc phục được sự thất bại chèn ép, chiến thắng được khó khăn, hóa giải được những mâu thuẫn.
Có lần, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đi trên đường, gặp một người Bà la Môn phẫn nộ. Người Bà La Môn này rất căm ghét Phật giáo, hầu như đến độ điên cuồng. Sau khi ông ta phát hiện đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người khai sáng Phật giáo, nhận được sự tôn kính của người đời, tức thời một độc kế hiện ra trong đầu ông ta.
Ông ta cứ rón ra rón rén quanh quẩn sau lưng đức Phật Thích Ca Mâu Ni, nhân lúc đức Phật không để ý, ông ta liền bốc một nắm cát vãi lên đầu của Ngài.
Trong sát na, khi nắm cát vãi ra, bỗng nhiên một trận gió thổi đến hướng Bà La Môn đó, trong chốc lát nắm cát kia bay trở ngược lại về phía ông ta, tung vãi khắp lên mặt lên đầu ông, bấy giờ trông ông ta thật thảm hại.
Ông ta muốn nói gì đó, nhưng không có cách gì mở miệng được, tức giận đến nỗi mặt đỏ bừng bừng.
Những người trên đường nhìn thấy sự việc vừa xảy ra, đều nhìn chăm chăm vào ông, cười nhạo ông ta. Đứng trước những ánh mắt sắc nhọn như thế, người Bà La Môn kia đành cúi đầu, thật nhục nhã vô cùng, chỉ hận một nỗi không tìm được lỗ nào đó để chui xuống mà thôi.
Lúc này, bên tai ông ta có một âm thanh vang vọng mà bình tĩnh của đức Thích Ca Mâu Ni: “Nếu như muốn làm ô nhiễm thứ thanh tịnh, hoặc muốn hãm hại người tâm không tà niệm, tội ác trái lại làm tổn thương đến bản thân mình”.
Sau khi nghe được những lời triết lý này, người Bà La Môn kia nhất thời hoát nhiên đại ngộ, bắt đầu suy nghĩ lại những hành vi của mình.
Tự mình làm ác thì không thể sống
Làm người không thể quá ích kỷ, không thể vì niềm vui nhất thời của mình, mà không để ý đến cảm nhận của người, xâm phạm đến lợi ích người khác. Như thế chỉ có thể dẫn đến người thần đều căm phẫn.
Có người Bà La Môn vì muốn thuận lợi cho người đi đường, bèn đào một cái giếng trên cánh đồng bát ngát mênh mông, đồng thời đặt thêm một chậu sành bên cạnh giếng, như thế người qua đường và kẻ chăn trâu đều có thể uống nước, tắm giặt được.
Vào một ngày khi trời chập choạng tối, bầy cáo rừng khát nước bèn đến bên cạnh giếng, chúng uống những giọt nước còn sót trên mặt đất. Nhưng cáo chúa lại không muốn uống nước còn thừa đó, nó chui đầu vào chum sành bên giếng để uống. Sau khi uống nước xong, nó bèn đội nguyên cái chum trên đầu, đưa lên cao rồi ném hỗn loạn, kết quả chum sành bị rơi vỡ, miệng chum lại còn chụp vào cổ nó.
Những con cáo khác nói với cáo chúa rằng: “Chiếc chum này rất có ích cho người đi đường như thế, sao ông lại đánh vỡ nó chứ?”
Cáo chúa liền nói: “Ta làm như thế chỉ cốt để làm vui. Chỉ cần trong lòng ta vui vẻ, đâu cần phải quản đến việc người khác chứ!”
Có một người đi qua đường nhìn thấy chum sành bị cáo chúa đánh vỡ, liền báo với người Bà La Môn: “Cái chum sành ông đặt bên giếng bị vỡ rồi”.
Người Bà La Môn lại đem chum mới làm đặt ở chỗ đó, nhưng không bao lâu lại bị cáo chúa đánh vỡ. Liên tục như thế cả thảy 14 cái chum sành đều bị cáo chúa đánh vỡ, những con cáo khác hết lần này đến lần khác khuyên can cáo chúa không nên làm thế, nhưng nó vốn không nghe lọt tai, nên vẫn hành động như cũ.
Người Bà La Môn bèn nghĩ: Ta phải đi xem thử một lần, kẻ nào đã đánh vỡ chum sành.
Thế là, người Bà La Môn lặng lẽ núp ngay bên cạnh giếng. Đến lúc chập choạng tối, ông nhìn thấy cáo chúa kia lại đang làm việc xấu. Trong lòng nghĩ: Ta muốn tốt cho mọi người mới đào cái giếng này, sao có thể để cho cáo chúa này phá hoại đi chứ?
Thế rồi ông đi làm một chiếc chum bằng gỗ vô cùng kiên cố, độ lớn có thể để cho đầu Cáo chúa chui vào nhưng không dễ gì chui ra được. Ông mang chum gỗ đến bên giếng, sau đó cầm một cây gậy giấu đi và đợi chờ cáo chúa xuất hiện.
Người đi đường uống nước xong, cáo chúa lại chạy đến, nó chui đầu vào chum gỗ để uống nước, khi uống xong lại đưa chum gỗ lên cao dùng hết sức đánh xuống đất, nào ngờ lần này làm thế nào chum gỗ cũng không vỡ, hơn nữa đầu nó bị giữ chặt trong chum, phá mãi không ra. Lúc bấy giờ người Bà La Môn liền chạy đến, đánh cho nó một trận, cuối cùng cáo chúa bị đánh chết.
Cứu giúp người khác chính là cứu mình
Khi người khác cần chúng ta giúp đỡ, chúng ta cần dũng cảm ra tay cứu giúp. Bởi vì, đôi lúc cứu giúp người là đang cứu giúp mình vậy.
Vào một đêm khuya, một thí chủ đang men theo con đường nhỏ mờ mịt trở về nhà. Khi ngang qua khu rừng rậm, ông đột nhiên nghe thấy tiếng thở hổn hển của người nào đó đang giãy giụa, ông dừng chân lại lắng nghe một cách kỹ lưỡng, phát hiện có hai người đang giằng co nhau, xen lẫn với tiếng xé áo quần. Ông ta lập tức hiểu rằng: Người phụ nữ đang bị tập kích.
Ông nghĩ: Rốt cuộc ta có nên xen vào việc này hay không nhỉ? Một mặt ông lo lắng cho sự an nguy của mình, một mặt đang nguyền rủa vì sao tối nay lại chọn con đường nhỏ này để về nhà.
Nếu như mình cũng trở thành vật hy sinh thì phải làm sao đây?
Có nên chạy đến trạm điện thoại gần đây để gọi cảnh sát đến giúp hay không?
Quá trình quyết định của người kia cứ giằng co mãi không dứt, nhưng trên thực tế chỉ mất chưa đến mấy giây, hơn nữa nghe ra hơi thở, tiếng giãy giụa của người con gái kia ngày càng yếu dần. Ông ta quyết định phải hành động ngay, thế rồi bất chấp tính mạng nguy hiểm, lập tức xông vào rừng rậm, kéo được cô gái kia ra khỏi tay kẻ xấu. Sau đó ông với kẻ xấu kia còn giằng co với nhau một trận, lăn qua lộn lại cũng khá lâu.
Cuối cùng kẻ xấu cũng buông tay, đứng dậy chạy trốn. Ông ta thở phì phì nhấc thân đứng dậy, người con gái ngồi xổm trong bóng tối vẫn đang khóc nức nở và không ngừng run rẩy.
Ông giữ khoảng cách với người con gái kia, rồi từ từ nói: “Tốt rồi, kẻ xấu kia đã đi xa, bây giờ cô đã an toàn rồi đấy”.
Im lặng khá lâu, bấy giờ cô gái kia mới bắt đầu mở miệng, mang lại sự kinh ngạc không thể ngờ: “Ba ơi! Chính là con đây ạ!”
Tha thứ lỗi lầm của người khác có thể cứu giúp linh hồn
Mọi người đều có lỗi lầm, “biết lỗi nên sửa đổi”, cho người ta một cơ hội, đôi lúc tránh được tình huống xấu ác phát triển, thậm chí có thể cứu vãn một linh hồn, điều này chỉ cần sự khoan dung của chúng ta mà thôi.
Một vị thiền sư tu hành trong căn nhà lá trên núi, vào một đêm trời tối đi tản bộ trong rừng dưới ánh trăng sáng trong, ông bỗng nhiên lĩnh ngộ được Bát nhã của tự tính.
Ông quay về trú xứ với niềm vui sướng, nhìn thấy một tên trộm chiếu cố đến căn nhà lá của mình. Tên trộm chẳng tìm được bất cứ của cải gì cả, lúc sắp rời đi, hắn gặp thiền sư đứng ngay trước cổng. Thì ra thiền sư sợ làm kinh động đến tên trộm, nên ông cứ mãi đứng đợi ở cổng. Thiền sư biết tên trộm chắc chắn không tìm được thứ gì đáng giá, nên đã cởi chiếc áo khoác ngoài của mình rồi đặt vào tay tên trộm kia.
Tên trộm gặp thiền sư, trong lúc hắn ta cảm thấy vô cùng kinh ngạc, thiền sư nói: “Ngươi vượt đường núi xa xôi đến đây thăm ta, ta không thể để ngươi tay không trở về được! Đêm lạnh rồi, người hãy mang chiếc áo này mà đi đi!”
Nói xong, ông liền khoác chiếc áo lên người tên trộm, tên trộm luống cuống chẳng biết làm thế nào, đành cúi đầu rồi chuồn đi mất.
Thiền sư nhìn bóng tên trộm đi qua dưới ánh trăng sáng, dần dần mất hút trong núi rừng, ông không ngăn được sự cảm khái nói: “Con người này thật đáng thương! Chỉ mong rằng ta có thể tặng cho hắn một vầng trăng sáng”.
Sau khi nhìn tên trộm đi khuất, thiền sư trở về căn nhà lá ngồi thiền, ông nhìn ánh trăng sáng bên ngoài cửa sổ, bước vào cảnh trống không.
Ngày hôm sau, thiền sư tiếp xúc ánh sáng mặt trời ấm áp, từ trong thiền thất cực sâu mở mắt thì nhìn thấy chiếc áo khoác ngoài mà ông đã khoác lên người tên trộm được gấp ngay ngắn chỉnh tề đặt ở trước cổng. Thiền sư vô cùng hoan hỷ, lâm râm nói: “Cuối cùng thì ta cũng tặng được cho anh một vầng trăng sáng rồi!”
Chỉ dựa vào chủ quan phán đoán sẽ ủ thành sai lầm lớn
Phán đoán đúng sai, nhất định phải làm tốt công tác điều tra, sau khi nắm rõ chứng cứ xác thực mới đưa ra kết luận, không được dựa vào phán đoán chủ quan, cố chấp ý kiến của mình, nếu không sẽ ủ thành sai lầm lớn.
Trước đây rất lâu, có hai vợ chồng chim bồ câu sống trong một cái hang. Vào mùa thu khi trái cây đã chín, hai vợ chồng đồng tâm hiệp lực, cần mẫn thu thập trái chín, đem tất cả trái cây ngon chứa đầy tổ. Hai vợ chồng chim hết sức thỏa mãn, sống qua những ngày rất vui vẻ, thuận hòa.
Nhưng, sau một thời gian dài, trời vẫn chưa mưa, khi thời tiết khô hanh, lượng nước của trái cây trong tổ giảm bớt trở nên khô héo, trái cây đầy tổ chỉ thu nhỏ lại còn phân nửa.
Bấy giờ chim bồ câu trống phát hiện trái cây trong tổ chỉ còn một nửa, lòng sinh tức giận, cho rằng trái cây nhất định bị chim mái lén trộm ăn.
Thế là, chim trống giận dữ quở mắng chim mái: “Chúng ta thu thập trái cây vất vả như thế, vì muốn chuẩn bị phòng khi không có gì để ăn, mà bà lại lén ăn mất một nửa, thật chẳng ra làm sao cả!”
Chim mái vừa nghe xong thì cảm thấy oan ức, vội vàng biện luận nói: “Tôi vốn không lén ăn trái cây, trái cây tự nó thu nhỏ lại đấy chứ!”
Chim trống cho rằng chim mái đang giảo biện, càng tức giận. Nó trợn tròn mắt phẫn nộ, lớn tiếng hét rằng: “Trái cây sao có thể giảm bớt được? Chắc chắn là bà lén ăn nó!”
Chim trống không nói nữa, liền lấy mỏ nhọn của mình dùng hết sức mổ loạn xạ vào chim mái, chim mái không biết làm thế nào, đành một mình một bóng vỗ cánh bay đi.
Chưa đến mấy hôm, trời mưa rất lớn, nước mưa thấm vào tổ chim, trái cây trong tổ bị nước mưa ngấm ướt, từng trái từng trái bắt đầu nở to ra, dần dần khôi phục hình dáng vốn có của nó, làm đầy cả tổ. Cho đến lúc này chim trống mới hiểu rằng mình đã vu oan cho chim mái.
Chim trống càng nghĩ càng hối hận, trong lòng không ngăn được sự giày vò bi thương, bèn hướng lên trời xanh mênh mông không bờ bến khóc lóc rất thảm thiết: “Chim mái ơi bây giờ bạn ở đâu, bạn đến phương nào rồi?”
Tiếng kêu bi thảm của chim trống khiến cho lá giữa khu rừng lay động không ngừng, nhưng đáp lại lời nó chỉ có tiếng gió thổi và mưa bay mà thôi.
Giấy không thể gói được lửa
Lừa bịp người khác có thể nhất thời đạt được, nhưng khi sự việc bại lộ, không những mất uy tín, còn có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Cho nên, đối nhân xử thế phải nên thẳng thắn, trong sáng.
Ngày xưa có một con chó hoang, vốn dĩ rất tham ăn, nó lầm lũi từ thôn này đến xóm khác, đi khắp nơi để tìm cái ăn. Một ngày, nó chạy đến nhà của thợ nhuộm, không cẩn thận nên bị rơi vào chậu nhuộm màu xanh thẫm. Thợ nhuộm trông thấy, liền kéo nó ra rồi quăng trên đất. Chó hoang lăn lộn mấy vòng, toàn thân dính đầy bụi đất. Nó nhìn khắp thân mình bẩn thỉu không chịu được, liền nhảy xuống sông tắm. Khi từ sông đi lên, nó thấy bộ lông mình một màu xanh thẫm.
Những con chó khác nhìn thấy màu lông của nó không giống với những con chó bình thường khác, cảm thấy kỳ lạ, bèn hỏi: “Ngươi là ai vậy?”
Con chó có màu xanh thẫm trả lời: “ Ta là sứ giả của trời Đế Thích, Trời Đế Thích phong cho ta làm chúa tể các loài cầm thú”.
Trong lòng những chó hoang kia nghĩ rằng, dù hình dáng của nó là chó hoang, nhưng màu lông lại không giống chúng ta. Những con chó hoang kia bèn đem sự việc này báo cáo với sư tử. Sư tử lại đem sự việc này báo cáo lên sư tử vương. Đại sư tử vương lại phái một sứ giả đến đó xem thực hư thế nào. Sứ giả đến đó, nhìn thấy chó hoang xanh thẫm đang ngồi trên lưng voi, các loài cầm thú khác ngồi vây quanh, như đang ngồi hầu chúa tể các loài thú vậy. Sứ giả sau khi thấy, trở về báo cáo tường tận việc này cho đại sư tử vương biết. Đại sư tử vương nghe xong liền dẫn theo một đội quân đến đó, trông thấy chó hoang đang ngồi trên lưng voi, các loài thú nào là hổ, beo và các loài mãnh thú ngồi hai bên, những con chó hoang nhỏ khác chỉ có thể núp xa xa nhìn lén.
Đại sư tử vương trong lòng rất không vui, bèn nghĩ ra một cách, chọn trong bầy chó hoang một con, bảo nó đi tìm mẹ của con chó vương kia. Con chó này tìm được mẹ của chó vương ở trong núi. Sau khi sứ giả chó hoang về, nói với chó hoang khác rằng: “Nó quả thực là chó hoang, chẳng phải vua chúa gì cả, tôi đã tận mắt trông thấy mẹ nó trong núi”.
Các chó hoang nói: “Chúng ta sẽ thử một tí nhé”. Liền đi đến gần chó hoang chúa kia. Chó hoang có quy luật thế này, chỉ cần một con chó tru lên, những con chó khác nếu không tru theo, thì lông trên thân sẽ bị rụng hết. Thế là chó hoang kia liền tru lên. Con chó hoang chúa trong lòng nghĩ rằng: Nếu như ta không tru, thì lông sẽ bị rụng hết. Còn nếu như nhảy trên lưng voi mà tru lại, chắc chắn sẽ bị voi giết chết. Hôm nay ta phải tru, cũng thà tru trên lưng voi.
Nó đành phải tru lên theo. Con voi vừa nghe thấy tiếng tru của nó, biết rằng nó chỉ là một con chó hoang mà thôi, liền dùng vòi ném chó hoang xuống đất, sau đó dùng hai chân giẫm cho đến chết.
Đừng nên tìm việc không đáng tìm
Rất nhiều người thích tìm những việc vô duyên chưa từng làm để làm, hoặc cố tình gây sự với người khác. Đâu biết, người kiếm chuyện gây sự như thế rất dễ gây ra việc lớn, thậm chí chuốc lấy tai họa, không những hại người còn hại bản thân. Cho nên hãy nhớ kỹ: Đừng nên kiếm chuyện gây sự.
Trước đây không lâu, có một quốc gia chưa từng xảy ra tai họa gì. Ngũ cốc ở đó được mùa, nhân dân sống trong cảnh an ổn, vừa không có bệnh tật hoành hành, cũng không có tai nạn xảy ra, trên dưới ai nấy đều vui vẻ chẳng có gì lo lắng, một cảnh tượng vô cùng thanh bình.
Một ngày nọ, quốc vương nói với các đại thần rằng: “Ta nghe nói trong thiên hạ có một thứ gọi là tai họa, thứ này rất nhiều, nhưng không biết rốt cuộc nó có hình dáng như thế nào?”
Các đại thần cũng nói: “Chúng thần từng nghe nói, nhưng cũng chưa thấy qua hình dáng của nó bao giờ”.
Thế là quốc vương liền phái một đại thần đi đến quốc gia lân cận để mua tai họa về.
Bấy giờ có vị thiên thần sau khi biết việc này, từ xa hóa thành một thương nhân đến chợ, bày ra con quái vật có hình dáng bên ngoài giống như hình lợn, sau đó ông dùng dây xích sắt trói chặt, bình tĩnh đợi đại thần kia đến mua.
Quả nhiên vị đại thần đến trước con quái vật, ông dừng chân quan sát một cách tỉ mỉ, sau đó ông hỏi thương nhân: “Đây là quái vật gì vậy?”
Thương nhân nói: “Đây là ‘Họa mẫu’, nó có thể tạo ra các tai họa khác”.
Đại thần nghe xong vô cùng vui mừng, trong lòng nghĩ: Ta đã tìm được thứ cần mua. Ông liền vội hỏi giá cả, thương nhân nói giá trị của nó đáng giá nghìn vàng. Vị đại thần lại hỏi: “Nó dùng thứ gì để ăn?”
Thương nhân đáp: “Con vật này chuyên lấy kim để ăn, mỗi ngày phải ăn mấy đống kim”.
Sau khi nghe một cách kỹ càng, đại thần rất đỗi vui mừng liền mua ‘Họa mẫu’ mang về nước. Từ đó về sau, dân chúng cả nước đều dừng lại công việc vốn có, từ sáng đến tối mọi người chỉ làm mỗi việc, đó là đi khắp nơi tìm kim để nuôi dưỡng ‘Họa mẫu’. Dân chúng cả nước vì nuôi dưỡng ‘Họa mẫu’ lại tìm không đủ kim nên sinh ra lo lắng, chẳng bao lâu, quốc gia này biến thành quan phủ hỗn loạn, dân chúng phạm tội, ngũ cốc không thu hoạch được, bệnh hoạn giết chóc bừa bãi, dân chúng không còn lấy gì để sinh sống nữa. Lúc bấy giờ mọi người hoàn toàn hiểu ra: Đây chính là tai họa!
Thế rồi, quốc vương hạ lệnh đốt ‘Họa mẫu’, quăng nó ra khỏi thế giới. Thế nhưng, lúc mọi người đem ‘Họa mẫu’ ra ngoại thành để giết, đao không thể chặt nổi. Mọi người lại chất thêm củi, dùng lửa để đốt, ‘Họa mẫu’ vẫn bất động như không có điều gì xảy ra. Trong lúc mọi người không biết làm thế nào, những ‘Họa mẫu’ đỏ gay gắt đột nhiên luồn vào thành, chúng vào thành thiêu đốt thành, vào điện thiêu đốt điện, cả thành phố chìm trong biển lửa, phá hủy quốc gia này chỉ trong nháy mắt.
Thiên đường và địa ngục chỉ trong một niệm
Khi một người nảy sinh niệm ác, anh ta liền đọa vào địa ngục hắc ám; còn khi anh ta hoàn toàn tỉnh ngộ, hướng niệm thiện thay đổi, anh ấy liền bước vào cảnh thiên đường thánh thiện cao sang. Vì thế, thiên đường và địa ngục, chỉ ở trong một niệm.
Võ sĩ Tín Trọng đến chỗ Thiền sư Bạch Ẩn để thỉnh giáo: “Thật sự có thiên đường và địa ngục sao?”
Bạch Ẩn hỏi ông ta: “Ông đang làm nghề gì?”
“Con là một võ sĩ!”
“Chẳng ông chủ nào muốn ngươi là khách của họ đâu, vì trông nét mặt ngươi giống tên ăn mày vậy!” - Bạch Ẩn nói.
Tín Trọng vô cùng phẫn nộ, ấn tay vào chuôi kiếm, như muốn rút kiếm ra.
“Ố, ngươi có một thanh kiếm, nhưng cây kiếm của ngươi cũng hơi cùn rồi, vốn không thể chặt được đầu ta”. Bạch Ẩn tiếp tục nói mà không một mảy may để ý.
Tín Trọng bị kích động đến nỗi rút kiếm ra thật. “Cửa địa ngục mở ra từ đó”. Bạch Ẩn chậm rãi nói.
Tín Trọng trong lòng bị chấn động, ngay lúc đó có sự sở ngộ, ngoài sự cảm phục, anh ta thu kiếm lại và cúi đầu trước Bạch Ẩn.
“Cửa Thiên đường mở ra từ đó”. Bạch Ẩn nói một cách vui vẻ.
Nghĩ cho người khác chính là nghĩ cho mình
Thắp lên một ngọn đèn trong bóng tối không chỉ soi sáng người khác, còn chiếu sáng bản thân ta, cuộc sống cũng như thế. Đối nhân xử thế là đang nghĩ cho người khác, khiến cả hai đều được lợi ích, mà người được lợi ích lớn nhất, chính là bản thân ta vậy.
Có một vị tăng đi trên đường tối, vì đường quá tối, vị tăng bị người đi đường tông vào đến mấy lần. Vị tăng tiếp tục đi về phía trước, nhìn thấy có người xách chiếc đèn lồng đi về phía ông. Bấy giờ bên cạnh có người nói: “Người mù này thật kỳ lạ, rõ ràng là không nhìn thấy, nhưng trái lại cứ mỗi tối đều đốt đèn lồng làm gì chứ!”
Vị tăng bị người kia mê hoặc, đợi người mang đèn lồng đi qua, vị tăng liền đến trước hỏi: “Ông thật sự là người mù sao?”
Người kia nói: “Đúng vậy, tôi từ khi sinh ra đến nay chưa từng thấy qua mảy may ánh sáng, đối với tôi ban ngày hay ban đêm đều như nhau, thậm chí tôi không biết đèn sáng có hình dáng như thế nào nữa!”
Vị tăng càng mê hoặc hơn bèn hỏi: “Một khi đã như thế, vì sao ông còn đốt đèn làm gì nữa? Phải chăng vì muốn làm mê hoặc người khác, không để cho người ta biết ông là người mù chăng?”
Người mù nói: “Không phải vậy, tôi nghe người ta nói, mỗi khi tối đến, mọi người đều trở thành người mù như tôi, vì đêm tối không có ánh sáng, nên vào mỗi tối tôi mới đốt đèn lồng”.
Vị tăng cảm thán nói: “Tấm lòng của ông mới tốt làm sao! Thì ra ông thắp đèn vì người khác!”
Người mù trả lời: “Không phải, tôi chỉ vì bản thân tôi thôi!” Vị tăng càng kinh ngạc, hỏi: “Vì sao thế?”
Người mù trả lời: “Lúc nãy ông qua đường có bị người ta tông vào không?”
Vị tăng nói: “Có chứ, chỉ mới lúc nãy thôi, tôi bị hai người không cẩn thận tông vào đấy”.
Người mù nói: “Tôi là người mù, không nhìn thấy gì cả, nhưng từ xưa đến nay tôi chưa từng bị ai tông mình. Bởi đèn lồng của tôi vừa chiếu sáng cho người khác, cũng khiến người khác nhìn thấy tôi, như thế họ sẽ không vì không thấy mà tông vào tôi”.
Tăng nhân bỗng đốn ngộ, bèn than rằng: “Ta vất vả bôn ba chỉ để tìm Phật, nhưng thật sự Phật ở ngay bên cạnh ta đấy thôi!”
Vận dụng trí tuệ có thể giúp đỡ người khác
Giúp đỡ người khác không cần phải cho bao nhiêu sức lực, đôi lúc chỉ cần một chút trí tuệ. Dùng sự khôn ngoan, nhìn xa trông rộng của mình để giúp người thoát khỏi khó khăn sẽ càng biểu lộ thông minh, trí tuệ và khiến người tôn trọng.
Một hôm, một tín đồ của Nhất Hưu đến trước mặt ngài khóc lóc, tự trách mình nợ nần chồng chất, đã vào bước đường cùng không có lối thoát nên muốn tự sát, xin Nhất Hưu nhất định phải siêu độ cho ông ta. Ngài Nhất Hưu dùng lời dịu dàng khuyên giải, đồng thời hỏi ông ngoài cái chết ra thật sự không còn cách nào khác mà ông nghĩ đến sao? Người tín đồ lắc đầu nói không có, bởi vì ngoài người con gái ra, ông chẳng có cái gì cả. Nhất Hưu đề nghị ông mau đi tìm một chàng rể để giúp ông trả nợ. Tín đồ nghe lời này xong, nói với vẻ mặt gần như tuyệt vọng: “Sư phụ à! Con gái con chỉ mới tám tuổi, làm sao có thể gả đi được chứ?”
“Vậy ông gả con gái của ông cho tôi nhé!” - Nhất Hưu mỉm cười nói.
Người tín đồ kinh ngạc thất sắc nói: “Điều này… Điều này sao có thể được! Ngài là sư phụ của con, sao có thể làm con rể con được?” Nhưng Nhất Hưu vỗ ngực rồi khua tay nói một cách chắc chắn rằng: “Không sao, để ta làm con rể của ông, giúp ông trả nợ, ông hãy nhanh đi tuyên bố việc này với mọi người nhé!”
Thế là, tin ngài Nhất Hưu sắp lấy vợ lập tức gây xôn xao cả thành phố, đến ngày rước dâu, người đi xem đông như hội, ồn ào náo nhiệt. Nhất Hưu đến nơi lập tức sắp đặt bàn trước cổng, bày lên bốn thứ quý của văn phòng (bút, mực, giấy, nghiên), sau đó ngài viết chữ ngay trước bàn. Nhất Hưu trước tác bộ “Cuồng vân tập”, vốn là tài tử về các phương diện thư pháp, thi, ca, mọi người nhìn thấy thư pháp đẹp của Nhất Hưu, mặc lòng thưởng thức, tranh nhau mua, quên đi điều ồn ào gì đó mà họ tiếp cận lúc đầu. Kết quả, tiền bán thư họa tích lũy được đến mấy cái hộp.
Nhất Hưu hỏi tín đồ: “Số tiền này đủ cho ông trả nợ chưa?”
Tín đồ vui mừng đến nỗi nước mắt như chảy mãi, vội vàng nói: “Đủ rồi, đủ rồi”. Tín đồ liên tiếp cúi mình trước Nhất Hưu, hỉ còn chưa quỳ xuống để biểu đạt tấm lòng cảm kích.
“Tốt rồi, vấn đề đã được giải quyết, ta - người con rể này không cần phải làm nữa rồi, vậy ta vẫn làm sư phụ của ông chứ”. Nói xong Ngài nhất Hưu rủ tay áo, nhẹ nhàng ra đi.
Báo thù và lừa bịp nhau chỉ khiến hai bên đều bị tổn thương
Trong giao tiếp, không nên cứ ngấm ngầm mưu tính, lừa bịp đối phương, thậm chí báo thù đối phương, mà phải chân thành đối đãi với nhau. Chỉ có như thế, mối quan hệ qua lại giữa người với nhau mới dung hợp, thế giới này mới trở nên tốt đẹp, đáng yêu hơn.
Ngày xưa, ở Bắc Thiên Trúc có một thợ mộc kỹ nghệ cao siêu. Ông ta tạc ra một người con gái bằng gỗ. Mộc nữ dung mạo đoan chính, có một không hai, quần áo, trang sức của cô cũng gọn gàng như mới, chẳng khác gì so với những người con gái trên thế gian cả. Cô cũng có thể đi tới đi lui, châm rượu mời khách, chỉ không biết nói mà thôi.
Bấy giờ Nam Thiên Trúc cũng có một họa sĩ có khả năng vẽ đặc biệt. Người thợ mộc sau khi nghe nói, bèn chuẩn bị nhiều món ngon rượu quý, mời họa sĩ đến nhà làm khách. Khi họa sĩ đến, thợ mộc liền bảo mộc nữ châm rượu mời thức ăn, ăn từ sáng đến tối, họa sĩ trước sau vẫn không biết đấy là người gỗ, nên rất thích cô ta, nhớ mong mãi không thôi.
Hôm đó lúc trời tối, người thợ mộc vào trong nghỉ ngơi, cũng mời họa sĩ ở lại đó, đồng thời để mộc nữ ở lại phục vụ ông, nói với ông ta rằng: “Ông giữ lại người con gái này, có thể nghỉ ngơi với cô ấy nhé!”
Sau khi chủ nhà vào phòng, người con gái gỗ vẫn đứng dưới ánh đèn. Họa sĩ liền gọi, nhưng cô gái vẫn không nhúc nhích. Ông nghĩ rằng cô gái xấu hổ nên mới không qua, nên ông đến trước kéo tay cô gái, lúc này ông mới biết thì ra đó chỉ là người nộm. Ông ta cảm thấy xấu hổ vô cùng, trong lòng nghĩ: Người chủ này lừa ta, nhất định ta phải báo thù mới được. Thế là họa sĩ liền vẽ lên tường bức họa người mặc y phục như mình. Trên bức tranh, người này dùng sợi dây treo cổ, giống như dáng người treo cổ chết vậy, lại vẽ thêm một con chim đang mổ thi thể. Vẽ xong, ông đóng cửa lại, lên giường nghỉ ngơi như chưa hề có chuyện gì xảy ra.
Trời sáng, người chủ đi ra, nhìn thấy cửa này vẫn chưa mở, bèn nhìn vào bên trong, chỉ thấy người khách bộ dạng như đang treo cổ. Ông thợ mộc kinh ngạc thất sắc, cho là họa sĩ thật sự đã chết, liền phá cửa xông vào, dùng dao chặt dây xuống. Bấy giờ, họa sĩ từ giường bước ra, người thợ mộc nhìn thấy vậy rất lấy làm hổ thẹn.
Họa sĩ nói với ông ta: “Ông có thể lừa tôi, tôi cũng có thể lừa ông, bây giờ quan hệ tình cảm chủ khách đã hết, chúng ta không ai nợ ai cả”.
Sau đó hai người không ngăn được than thở: “Người đời cứ mãi lừa nhau như thế, cũng chỉ là như thế mà thôi!”
Có những chân tướng không thể nói
Trong lòng mỗi người đều có thiện niệm, mỗi người cũng nên thành thực nói ra những chân tướng của sự việc. Nhưng có những chân tướng sau khi nói ra, thường đưa đến hủy diệt thiện niệm. Vì thế, muốn giữ thiện niệm trong tâm, có những chân tướng không thể nói ra.
Ngày xưa, có một vị Sa môn vô cùng nghèo khổ. Ông nghèo đến mức chẳng có vật gì cả, suốt ngày chỉ lấy việc khất thực để sống. Nhưng ông là một tín đồ Phật giáo thành kính, từ xưa đến nay chưa hề làm hại bất cứ sinh linh nào, thậm chí không tiếc hy sinh tính mạng để cứu giúp kẻ khác.
Một lần, Sa môn này suốt ba ngày liền không được ăn thứ gì, đói đến nỗi chóng mặt hoa mắt. Ông đi ngang qua một nhà thí chủ, bước ngất ngưởng lảo đảo vào đó khất thực. Đây là nhà của một phú thương, trong nhà đường hoàng đẹp đẽ, đồ đạc bày biện vô cùng cầu kỳ. Nữ chủ nhân nhìn thấy ông đói lả thật đáng thương, liền bảo người hầu dọn cơm canh đầy đủ để khoản đãi. Sa môn sung sướng quá đỗi, ăn như hổ như báo.
Nam chủ nhân trong nhà là người sưu tầm châu báu, ông thường xuyên thu mua kỳ trân dị bảo từ khắp nơi trên thế giới với giá rất đắt, cất giấu trong nhà những châu báu quý giá nổi tiếng, cái gì cũng có, tưởng như là trở thành nhà trưng bày châu báu.
Hôm đó, ông vui mừng vì chọn mang về một viên trân châu. Đây là viên trân châu có ánh sáng có thể soi gương được, giá trị vô cùng. Ông vui vẻ hăm hở vào phòng, chỉ nhìn thấy Sa môn đang ngồi ăn cơm một mình, liền đặt viên trân châu trên bàn, xoay người vào phòng để thay áo quần. Chính lúc ông vừa quay người đi, thì có một con chim oanh vũ trong nhà nuôi bay qua, nó ngậm viên trân châu nuốt vào bụng.
Một lát sau, ông chủ nhà thay áo quần xong cùng vợ đi ra. Ông phát hiện viên trân châu quý báu đã không thấy đâu nữa, ông vội vàng hỏi Sa môn: “Viên trân châu ở đây đâu rồi?”
Vị sa môn nghe xong sững sờ, lập tức trả lời: “Viên trân châu gì? Tôi không nhìn thấy nó đâu cả”.
Nam chủ nhân lại truy hỏi lần nữa: “Thế từng có người nào đi qua đây không?”
Vị Sa môn đáp: “Chẳng có ai qua đây cả”.
Thế là nam chủ nhân phẫn nộ hầm hầm hét lên: “Lúc nãy rõ ràng tôi đặt viên trân châu trên bàn này, ở đây ngoài ông ra, chẳng còn có ai cả, nhưng hạt trân châu chỉ trong nháy mắt chẳng thấy đâu, chắc chắn ông đã lấy trộm nó rồi! Ông thật là người không có lương tâm, chúng tôi đã hảo tâm hảo ý bố thí chiêu đãi cơm nước, vậy mà ông lại lấy oán để trả ân, dám lấy trộm đồ của nhà người ta. Hôm nay ông phải thật thà giao hạt trân châu ra đây, tôi sẽ tha mạng cho ông, bằng không tôi sẽ đánh chết ông đấy!”
Vị sa môn nghe những lời này vẫn không kinh hoàng sợ hãi, trái lại còn nói với vẻ kiên quyết: “Ta không lấy, tuyệt đối không lấy nó!”
Người chủ nam nghe xong càng phẫn nộ, cầm cây gậy đánh tới tấp vào đầu và mặt mũi Sa môn. Vị Sa môn bị đánh té xỉu, máu chảy lênh láng.
Lúc này, con chim oanh vũ nuốt hạt trân châu liền bay đến uống máu, gặp lúc nam chủ nhân vung gậy đánh luôn, tức thời con chim oanh vũ bị đánh chết. Bấy giờ, Sa môn mới nói: “Dừng tay! Ta sẽ nói cho ông biết, chính con chim oanh vũ này đã nuốt hạt trân châu của ông đấy”.
Nam chủ nhân nghe xong, bảo người hầu mổ bụng chim oanh vũ ra, quả nhiên thấy hạt trân châu trong đó và lấy ra. Nam chủ nhân tay cầm hạt trân châu, hỏi một cách kỳ lạ: “Rõ ràng ông biết chim oanh vũ đã nuốt hạt trân châu, nhưng sao ông không nói sớm cho ta biết? Như thế chẳng phải ông đã tránh được sự đánh đập đau đớn vô ích rồi sao”.
Sa môn trả lời: “Ta đã giữ giới của Phật là không được sát sinh. Vốn dĩ ta muốn cho ông biết chân tướng sự việc, nhưng lo sợ chim oanh vũ gặp phải tai họa bị mổ bụng. Bây giờ chim oanh vũ đã chết, nói ra cũng không hại gì. Nếu như chim oanh vũ chưa chết, thì dù ông có đánh chết đi nữa ta cũng không nói nửa lời”.
Nam chủ nhân nghe xong, trong lòng vô cùng hổ thẹn, liên tục hướng đến Sa môn nói lời xin lỗi. Nhưng vị Sa môn rất bình tĩnh như chưa từng có chuyện gì xảy ra, trên nét mặt không lộ mảy may sự phẫn nộ gì cả.