Phật nói, ngày hôm qua đã đi, ngày mai còn là câu đố, đối diện hiện tại, chúng ta phải cố gắng, niềm vui đến từ thực thi, phiền não đến từ yêu cầu. muốn tu thân dưỡng tính, thường xuyên quét dọn tâm hồn, để tâm hồn luôn được thanh tịnh.
Thân tâm phải luyện tập mới ngày càng tráng kiện
Bánh mì loại lớn phải cán bột mới thành, sắt thép phải tôi luyện mới được, nhân tài phải rèn luyện mới thành. Cho nên, khi có roi da vung lên, né tránh không phải là cách của người biết nhìn xa trông rộng, chúng ta phải ngẩng đầu thật cao, đứng thẳng lưng, luyện thân có bản lĩnh, sau này không còn sợ nỗi sợ roi da đánh.
Vào mùa đông lạnh lẽo một hòa thượng tên Đích Thủy đến chùa Thiên Long đảnh lễ thiền sư Nghi Sơn. Bên ngoài tuyết rơi khá nhiều, nhưng thiền sư Nghi Sơn vẫn không cho hòa thượng kia vào. Đích Tủy quỳ mãi bên ngoài cổng, như thế đã ba ngày trôi qua.
Đệ tử của Nghi Sơn thấy Đích Tủy đáng thương, vào cầu xin, nhưng Nghi Sơn nói: “Ta ở đây không phải chỗ thâu nạp dễ dàng, không thu nhận người không có trú xứ!” Đệ tử không còn cách nào khác, đành phải đi ra.
Đến ngày thứ tư, một số chỗ trên thân thể của Đích Tủy bị nứt ra và bắt đầu chảy máu, mỗi lần ngã xuống lại đứng dậy ngay, dù vậy Đích Tủy vẫn quỳ ở đó, sét đánh không lay động. Nghi Sơn lệnh cho các đệ tử rằng: “Bất cứ ai cũng không được mở cửa, nếu không sẽ đuổi người đó ra khỏi chùa!”
Sau khi trải qua bảy ngày, sức lực Đích Thủy không thể chịu được nữa, nên bị ngã. Nghi Sơn đi ra thử vào mũi Đích Thủy, vẫn còn có tí hơi thở, thế rồi hạ lệnh cho dìu Đích Thủy vào trong. Đích Thủy cuối cùng được nhận vào tham học Nghi Sơn thiền sư.
Một lần, Đích Thủy đến hỏi Nghi Sơn thiền sư rằng: “Vô tự và Bát Nhã có gì khác nhau không?”
Vừa nói xong, Đích Thủy bị thiền sư Nghi Sơn đánh tới tấp, hét rằng: “Vấn đề này ngươi có thể hỏi được sao? Cút đi!”
Đích Tủy bị mấy nắm đấm của Nghi Sơn đến nỗi hoa mắt chóng mặt, bên tai còn nghe tiếng hét văng vẳng của Nghi Sơn, bỗng chốc Đích Tủy đã nghĩ thông: Có và không đều là ý thức nông cạn của mình, anh thấy tôi có, tôi thấy tôi không.
Lại một lần, Đích Tủy bị cảm, lúc đang dùng giấy để lau nước mũi, bị Nghi Sơn nhìn thấy, thiền sư hét lớn: “Mũi của ngươi quý hơn cả máu và mồ hôi của người khác sao? Ngươi làm như thế chẳng phải đang lãng phí giấy trắng ư?” Tế là Đích Tủy không dám lau nữa.
Rất nhiều người khó mà nhẫn được sự lãnh đạm của thiền sư Nghi Sơn, nhưng Đích Tủy nói: “Trong nhân gian có ba hạng người xuất gia, thứ nhất là tăng hạ đẳng, chỉ lợi dụng sức ảnh hưởng của sư môn để phát huy sự hiển hách vinh quang của mình; thứ hai là tăng trung đẳng, chỉ biết thưởng thức sự từ bi của gia sư, và bám gót theo sau mà thôi; còn tăng thượng đẳng được rèn luyện dưới sự dạy dỗ của sư phụ, do đó ngày càng tráng kiện hơn, cuối cùng có thể tìm thấy được bầu trời của riêng mình.
Có đau khổ cũng đừng che giấu
Đời người thường gặp những cảnh ngọt bùi đắng cay, mỗi người đều cảm nhận cảnh hỷ nộ ái lạc. Vì thế, chúng ta nên thuận theo tự nhiên, gặp chuyện vui thì nên vui vẻ, còn như gặp chuyện bất hạnh, kêu khổ hay oán trách cũng là điều đương nhiên. Con người phải biết biểu lộ tình cảm của mình, hết sức che giấu chỉ khiến mất hết ý nghĩa vui vẻ, khiến nỗi khổ càng đau khổ hơn.
Thiền sư Đàm Chiếu mỗi ngày thuyết pháp cho tín đồ, câu đầu tiên thường nói là: “Vui vẻ a! Vui vẻ a! Đời người thật vui vẻ a!”
Nhưng có một lần ngài bị bệnh, nằm trên giường không ngừng kêu gào rằng: “Đau khổ a! Đau khổ a! Thật là đau khổ a!”
Hòa thượng trú trì ở xa nghe thấy, bèn đến quở trách Đàm Chiếu: “Là người xuất gia, mới mắc tí bệnh đã không chịu nổi kêu la đau khổ như thế, thật chẳng ra làm sao cả!”
Đàm Chiếu thưa: “Mạnh khỏe thì vui vẻ, mắc bệnh thì khổ đau, đây là việc tự nhiên của con người, sao lại không thể kêu khổ chứ ạ?”
Vị trú trì trả lời: “Trước đây con chẳng phải như thế sao. Ta nhớ một lần con bị rơi xuống nước sắp chết chìm, sau đó được người cứu, nhưng mặt không đổi sắc, tim không đập dồn dập. Lúc đó con xem cái chết như không, dáng không lo không sợ, khiến cho những vị hòa thượng trong viện này vô cùng khâm phục. Mà bây giờ, con lại biến thành người yếu ớt mỏng manh như thế? Vả lại, bình thường con không ngừng giảng về sự vui vẻ và vui vẻ, sao bây giờ mới bị tí bệnh, lại chẳng chút do dự kêu la đau khổ sở như thế?”
Đàm Chiếu thưa với hòa thượng trú trì: “Ngài hãy qua đây một lát, đến trước giường của con ấy!”
Hòa thượng trú trì đến bên giường ông, Đàm Chiếu thiền sư nhẹ nhàng hỏi: “Thưa hòa thượng trú trì, lúc nãy ngài vừa nói trước đây con thường giảng về vui vẻ, vui vẻ a! Bây giờ lại không ngừng kêu gào đau khổ, đau khổ a! Ngài hãy cho con biết, rốt cuộc giảng vui vẻ đúng hay giảng đau khổ đúng đây?”
Theo Phật giáo, đáp vui vẻ đúng hay là đáp đau khổ đúng đều sai tất. Vì thế, Hòa thượng trú trì không nói lời nào cả.
Phải thường xuyên giữ sạch tâm hồn
Chúng ta không những phải quét sạch bụi trần, còn phải thường xuyên quét sạch tâm hồn ta nữa - chỉ có nhặt từng chiếc từng chiếc lá khô trong lòng mình, mới giữ được nội tâm thanh khiết.
Lúc Phật còn tại thế, có một đệ tử tên Châu Lợi Bàn Đà vô cùng đần độn. Ngài dạy anh chỉ một bài kệ, nhưng hễ nhớ câu trước lại quên mất câu sau, nhớ câu sau lại quên câu trước. Chẳng có cách nào cả, đức Phật hỏi Châu Lợi Bàn Đà biết làm gì, anh nói biết quét sân, thế là đức Phật dạy Châu Lợi Bàn Đà lúc quét sân nhớ đọc câu “Quét sạch bụi trần”. Sau khi đọc một thời gian trong lòng Châu Lợi Bàn Đà nghĩ, bên ngoài dơ bẩn, phải dùng chổi để quét; nhưng trong lòng dơ bẩn, phải làm thế nào để quét sạch đây? Chính trong khoảnh khắc đó Châu Lợi Bàn Đà đã khai ngộ.
Thiền sư Đỉnh Châu lĩnh ngộ được điểm này, nhưng dễ hơn nhiều so với vị đệ tử kia.
Một ngày mùa thu khi trời nhá nhem tối, thiền sư Đỉnh Châu tản bộ trong sân chùa cùng với chú Sa di nhỏ, bỗng một trận gió thu thổi đến xào xạc, lá trên cây bay lả tả xuống đất. Thiền sư cúi xuống nhặt từng chiếc lá rơi đặt vào trong giỏ, chú Sa di đi bên cạnh thưa: “Bạch thầy, không cần phải nhặt đâu ạ, dù sao sáng sớm mai cũng phải quét kia mà, chúng con đều phải quét sân”.
Thiền sư Đỉnh Châu vừa ngồi xuống tiếp tục nhặt lá rơi, vừa nói với vẻ không đồng ý: “Mỗi ngày chúng ta đều phải quét sân, lẽ nào trên đất nhất định phải sạch sẽ hay sao? Ta nhặt nhiều chiếc lá rơi sẽ khiến đất càng sạch nhiều hơn a!”
Chú Sa di trả lời dường như không phục: “Bạch thầy, lá rơi nhiều như thế, ngài nhặt lá trước, lá sau lại rơi xuống, làm sao ngài có thể nhặt hết được ạ?”
Thiền sư Đỉnh Châu vừa nhặt lá vừa nói: “Lá rơi không chỉ trên mặt đất, mà còn rơi trong tâm chúng ta! Lá trên mặt đất nhặt không sạch, nhưng lá trong tâm, đến lúc cuối phải nhặt xong”.
Chú Sa di nghe xong, cuối cùng đã hiểu được vì sao thiền sư luôn bình tĩnh và từ bi như thế.
Bất cứ khi nào cũng phải có cách nghĩ “đủ rồi”
Tục ngữ nói, biển học không bờ, cho dù chúng ta cảm thấy sự học tinh thông đến thế nào, thực sự cũng chỉ biết sơ sài mà thôi. Vì thế, chúng ta phải biết khiêm nhường, bất cứ khi nào cũng phải có cách nghĩ “đủ rồi”.
Có một học tăng học thiền với thiền sư Vô Đức, lúc bắt đầu vô cùng chuyên tâm, học được rất nhiều thứ. Nhưng sau một năm, anh ta học được tàm tạm, liền muốn xuống núi du hành bốn phương.
Hôm đó, học tăng đến trước Vô Đức thiền sư thưa: “Bạch thiền sư! Con tham thiền học đạo với ngài đã nhiều năm, con cảm thấy sự học cũng đã đủ, bây giờ muốn xin ngài cho con nghỉ phép để vân du”.
“Đủ có nghĩa là gì?”
“Đủ chính là đầy đủ, không còn chứa đựng tiếp được nữa ạ”.
“Vậy trước khi con đi, hãy mang một hòn đá lớn đến đây nhé!”
Học tăng không hiểu rõ ý đồ của thiền sư Vô Đức, nhưng vẫn làm theo lời dặn, chở một hòn đá lớn đến trước mặt ngài.
Thiền sư Vô Đức chỉ hòn đá lớn trong chậu rồi hỏi học tăng: “Bây giờ chậu đã đầy chưa?” Học tăng thưa: “Dạ đầy rồi”.
Thiền sư Vô Đức thuận tay nhặt vài viên đá nhỏ bỏ vào chậu, những viên đá nhỏ tiếp tục lấp đầy hòn đá lớn.
Thiền sư Vô Đức lại hỏi học tăng: “Bây giờ đã đầy chưa?”
“Dạ đầy rồi”. Học tăng nói một cách khẳng định.
Thiền sư Vô Đức lại bốc những hạt cát nhỏ rải vào trong chậu, những hạt cát nhỏ tiếp tục luồn lách qua những viên đá nhỏ.
Thiền sư Vô Đức lại hỏi: “Bây giờ đã đầy chưa?”
“Dạ đầy rồi”. Trong lòng học tăng nghĩ rằng, lần này không biết thầy còn bảo đặt vào thứ gì nữa đây.
Thiền sư Vô Đức lại đổ vào trong chậu một ly nước trà. “Bây giờ đã đầy chưa?” - Thiền sư Vô Đức lại hỏi.
Học tăng im lặng không nói gì, từ đó về sau không còn nhắc đến việc xin nghỉ phép để vân du nữa.
Lúc chuyên cần dụng công đừng quên giữ tâm bình thường
Bất luận tham thiền ngộ đạo hay làm việc gì khác, chỉ dựa vào siêng năng dụng công thường thì hiệu quả không lớn, vì thế nên xuất hiện tình huống này, nguyên nhân chủ yếu là quên mất tâm bình thường. Cho nên, trong công việc và đời sống hằng ngày, chúng ta nên đối nhân xử thế với tâm bình thường, chỉ có như thế, chúng ta mới xử lý tốt mọi việc.
Ngày xưa, có một học tăng đến giảng đường cầu xin sự chỉ dạy của thiền sư: “Bạch Thiền sư! Con thường ngồi thiền, thường tụng kinh, dậy sớm ngủ sớm, lòng không tạp niệm. Con nghĩ so với việc ngồi thiền của ngài thì không có người nào dụng công hơn con được, nhưng vì sao con vẫn không có cách gì khai ngộ ạ?”
Thiền sư cầm một bình hồ lô, bỏ vào một viên muối, sau đó đưa cho học tăng và nói: “Con hãy đổ đầy nước vào bình hồ lô này, rồi bỏ muối vào, khiến nó dung hòa ngay lập tức, bấy giờ con sẽ khai ngộ!”
Học tăng làm theo lời chỉ dạy của thiền sư, không bao lâu, học tăng chạy về thưa với thiền sư: “Con đã bỏ muối vào trong bình hồ lô, nhưng nó vẫn không hòa tan; miệng bình hồ lô quá nhỏ, con dùng đũa cũng không khuấy được. Con vẫn không có cách nào khai ngộ được cả”.
Thiền sư cầm bình hồ lô rồi rót vào một ít nước, sau đó lắc qua lắc lại mấy lần, những hạt muối tan ngay. Thiền sư hiền từ nói: “Dụng công một ngày từ sáng đến tối, không giữ dù chỉ một chút tâm bình thường, thì cũng giống như bình hồ lô chứa đầy nước vậy, lắc không kêu, khuấy không động, làm sao muối tan được, thế thì sao con có thể khai ngộ được chứ?”
Học tăng hỏi với vẻ không hiểu: “Lẽ nào không dụng công thì có thể khai ngộ sao?”
Thiền sư vẫn nhẫn nại giải thích: “Người tu hành giống như cây đàn vậy, dây quá căng sẽ nhanh bị đứt, dây quá chùng sẽ không phát ra tiếng. Cho nên bất cứ lúc nào cũng phải giữ tâm bình thường, đấy mới là gốc của sự ngộ đạo”.
Cuối cùng học tăng cũng lĩnh ngộ được đạo lý trong đó.
Học tập kiến thức không phải ở chỗ bao nhiêu mà ở chỗ tinh thông và vận dụng
Kiến thức học được nhiều, nếu không tinh thông hay hiểu để vận dụng, cũng ngang với chưa học. Cho nên, học biết kiến thức không phải ở chỗ bao nhiêu, mà là ở chỗ học hiểu thực sự hay không, có vận dụng được hay không.
Đức Thích Ca Mâu Ni có một đệ tử tên Bàn Đặc, người này căn tính ngu độn, đức Phật bảo 500 vị La Hán mỗi ngày luân phiên dạy dỗ, nhưng Bàn Đặc vẫn không thể khai ngộ. Đức Phật cho gọi Bàn Đặc đến trước Ngài, dùng từng câu từng chữ dạy cho Bàn Đặc một bài kệ: “Thủ khẩu nhiếp ý thân mạc phạm, như thị hành giả đắc độ thế” (Giữ gìn nhiếp phục thân, khẩu, ý chớ sai phạm, như vậy người tu hành sẽ vượt qua khỏi đời này).
Đức Phật dạy: “Con đừng nghĩ rằng bài kệ này bình thường sơ sài, con chỉ cần chăm chỉ học hiểu bài kệ này, đã là không mấy dễ dàng rồi!” Thế là Bàn Đặc học đi học lại nhiều lần bài kệ, cuối cùng lĩnh ngộ được ý nghĩa trong đó. Trải qua một thời gian, đức Phật bảo Bàn Đặc đến giảng kinh thuyết pháp cho chư ni ở gần đó.
Một vài chư ni sớm nghe nói Bàn Đặc là người ngu đần, nên trong lòng không khâm phục, họ nghĩ: Người ngu đần như thế cũng biết giảng kinh thuyết pháp sao? Mặc dù trong lòng nghĩ như thế, nhưng ngoài mặt họ vẫn dùng lễ tiết phải có đối với ngài.
Bàn Đặc hổ thẹn khiêm nhường nói với ni chúng: “Tôi vốn dĩ ngu đần, chỉ học được mỗi bài kệ từ đức Phật mà thôi, bây giờ xin giảng lại, mong mọi người chú ý lắng nghe”. Tiếp theo Bàn Đặc liền đọc bài kệ, “Thủ khẩu nhiếp ý thân mạc phạm, như thị hành giả đắc độ thế”.
Lời vừa nói ra, cả ni chúng đều cười rộ lên: “Rõ ràng chỉ một bài kệ vỡ lòng, chúng tôi học thuộc nó như nước chảy rồi, còn cần ông phải giảng giải nữa sao?”
Bàn Đặc không đổi sắc mặt, vẫn tiếp tục giảng, nói mạch lạc rõ ràng từng chữ từng lời. Chỉ một bài kệ bình thường, nhưng Phật lý nói ra lại thâm thúy vô hạn.
Ni chúng nghe giảng một cách say sưa, không ngăn được sự cảm thán: “Chỉ một bài kệ vỡ lòng, lại có thể lý giải được với một trình độ như thế, thật là bậc tài trí hơn người!” Mọi người cảm thấy xấu hổ, từ đó khởi lòng cung kính với ngài.
Mặc dù Bàn Đặc chỉ học biết một bài kệ mà thôi, nhưng ngài học một cách tinh thông và biết cách vận dụng. Thế mới biết chỉ một bài kệ cũng có thể đắc đạo vậy.
Hiểu được một việc cũng có thể hiểu được mọi việc
Thế gian nhiều việc xem ra vô cùng phức tạp thần bí, thực ra đạo lý rất đơn giản. Lĩnh hội một sự việc đích thực cũng không dễ, quá trình đó là quá trình gian khổ phức tạp, nhưng sau khi hiểu được một việc, sẽ hiểu được mọi việc trên thế gian. Vì việc thế gian là thế này: Một thông thì trăm sự thông.
Có một hòa thượng tên Trí Thông, nửa đêm canh ba bỗng gào lớn rằng: “Ta đã ngộ rồi, ta đã ngộ rồi…” làm kinh động đến chúng tăng. Thiền sư cũng bị làm cho tỉnh giấc.
Thế là mọi người cùng đến phòng vị tăng kia, thiền sư hỏi: “Con ngộ được điều gì? Lại ở đây lớn tiếng thế, nói cho ta nghe xem!”
Mọi người cho rằng hẳn vị này ngộ được thiền chỉ gì cao thâm lắm. Nào ngờ anh nói với vẻ trang trọng: “Con suy nghĩ suốt ngày đêm, cuối cùng đã ngộ được - thì ra ni cô là phụ nữ”.
Ông ta vừa nói đã khiến mọi người được một trận cười vỡ bụng,“đây cũng xem là đại ngộ sao?”
Thiền sư kinh ngạc nhìn vị tăng này nói: “Đúng vậy, con thật sự đã ngộ rồi!”
Hòa thượng Trí Thông bèn thưa: “Bạch sư phụ, bây giờ con đành cáo từ ngài, con muốn hạ sơn vân du đây”.
Tăng chúng lại thêm một lần kinh ngạc, hòa thượng này thật sự quá kiêu ngạo, chỉ ngộ được “ni cô là phụ nữ”, vốn dĩ chẳng có gì mới lạ cả, nhưng ông ta lại có thể đem điều này ra yêu cầu sư phụ cho mình xuống núi vân du, thật chẳng còn xem ai ra gì cả.
Nhưng thiền sư lại không nghĩ thế. Ngài cho rằng hòa thượng này đến lúc phải xuống núi vân du rồi, thế nên ngài không níu giữ ông làm gì nữa, liền mang nón, dẫn đầu chúng tăng, tiễn vị tăng đến cổng chùa. Đến ngoài cổng chùa, hòa thượng Trí Thông nhận nón, sải bước đi, không có bất cứ sự lưu luyến nào cả.
Chúng tăng đến trước thiền sư thưa: “Hòa thượng này thật sự ngộ rồi sao?”
Thiền sư cảm thán nói: “Con đường phía trước của hòa thượng này thật rộng lớn vô biên! Ngay cả ‘ni cô là phụ nữ’ cũng thẩm thấu được, thì còn có thiền đạo gì mà không ngộ ra chứ? ‘Ni cô vốn dĩ là phụ nữ’, đạo lý này mọi người chắc ai cũng biết, nhưng mấy ai hiểu được Phật lý trong đó chăng? Câu nói này từ miệng hòa thượng Trí Thông nói ra, nhưng trong đó còn hàm chứa một ý nghĩa đặc thù khác - Thế mới biết, sự lý của thế gian, hễ hiểu được một việc thì trăm việc có thể hiểu vậy.
Chỉ vượt thoát khỏi cảnh giới sinh tử mới không kinh sợ
Thế sự biến đổi khôn lường, họa phúc vô thường, vượt thoát sinh tử là một cảnh giới chí cao của đời người, chỉ đạt đến cảnh giới này, khi gặp sự việc ngoài ý muốn, mới có thể giữ được bình tĩnh, giải quyết công việc mà không kinh sợ, ung dung ứng phó.
Vào mỗi tối, thiền sư Vân Cư đều muốn vào hang động trên hoang đảo ngồi thiền.
Một số thanh niên thích gây rối, muốn trêu đùa ngài một tí, bèn núp bên đường, đợi đến lúc thiền sư ngang qua đó, một người từ trên cây thòng cánh tay xuống, chụp lên đầu thiền sư.
Người trẻ tuổi kia nghĩ rằng thiền sư Vân Cư chắc chắn sẽ bị hồn bay phách tán, nào ngờ thiền sư mặc cho thanh niên chụp đầu mình, vẫn bình tĩnh đứng yên bất động. Người thanh niên trái lại hét nhảy cẫng lên, vội vàng thu tay về, bấy giờ, thiền sư Vân Cư lại vờ như không có việc gì xảy ra, tiếp tục đi.
Hôm sau, bọn họ đến chỗ thiền sư Vân Cư, họ đến trước thiền sư và hỏi: “Đại sư, nghe nói gần đây ngài thường gặp chuyện ma quái, có việc này chăng?”
Thiền sư Vân Cư nói: “Chẳng có việc gì cả!”
“Vậy sao? Chúng tôi nghe nói có người đi đường lúc trời tối thường bị ma quỷ chụp đầu”.
“Đó chẳng phải ma quỷ gì đâu, mà là một thanh niên trong thôn đấy!”
“Vì sao ngài lại nói thế?”
Thiền sư Vân Cư đáp: “Bởi vì ma quỷ không có bàn tay ấm áp và rộng dày như thế!”
Ngài tiếp tục nói: “Lâm trận không sợ sống chết, là cái dũng của tướng quân; lên núi không sợ hổ beo, là cái dũng của người đi săn; xuống nước không sợ thuồng luồng, là cái dũng của người đánh cá; vậy thì cái dũng của hòa thượng là gì? Chính là một chữ ‘ngộ’. Ngay việc sống chết cũng đã vượt thoát, thì có điều gì đáng sợ nữa đâu?”
Thay đổi tâm thái, luôn có ý tưởng không ngờ
Tâm thái đối với mỗi người rất quan trọng, bi quan hay lạc quan đều do bản thân chúng ta quyết định. Đôi lúc, trong nháy mắt có thể nhìn thấy mặt khác của vấn đề, trong nháy mắt có được tấm lòng cởi mở. Cho nên, khi thất ý ngã lòng, nên thay đổi tâm trạng nhìn nhận vấn đề, thường sẽ thu hoạch được ý tưởng không ngờ vậy.
Ngày xưa, có một bà lão mỗi ngày đều đến chùa thắp hương, đồng thời bà cũng thường hay khóc thút tha thút thít.
Vị trú trì trong chùa thấy lâu ngày như thế, trong lòng bồn chồn: Người thắp hương nhiều như thế, đều có mong cầu điều gì mà đến, nhưng mỗi ngày lấy nước mắt rửa mặt thế này chỉ có mình bà mà thôi.
“Sao bà lại khóc suốt ngày không thôi như vậy?” Vị trú trì hỏi bà lão.
Bà lão vẫn cứ không ngừng khóc, thưa với trú trì rằng: “Con khóc là vì hai bảo bối của con! Con có hai cô con gái, con gái lớn gả cho người bán giày, con gái nhỏ gả cho người bán ô”.
Bà lão vừa nói vừa lấy khăn lau nước mắt.
“Thế chẳng phải tốt hay sao?” Vị trú trì thật sự nghĩ không ra lý do vì sao bà lão khóc, nhưng vẫn bình tâm lắng nghe bà nói tiếp.
“Ngài nói đơn giản thế sao! Trời nắng, ô của con gái nhỏ bán không được, lo buồn chết mất thôi.”
Bà lão vừa nói xong, vị trú trì gật đầu ra vẻ thông cảm.
“Nhưng khi trời mưa, ai đến mua giày cho con gái lớn chứ? Lại lo buồn chết đi mất”.
Nghe bà lão nói xong, vị trú trì cũng lại gật gật đầu.
“Buồn chết mất thôi, buồn chết mất thôi!” - bà lão bắt đầu khóc trở lại.
Đợi bà lão khóc mệt rồi, trú trì bình tĩnh nói: “Bà không thể nghĩ thế này được sao: Lúc trời nắng, tiệm giày của con gái lớn mua bán nhộn nhịp; lúc trời mưa, ô của con gái nhỏ đã có nơi tiêu thụ. Như thế chẳng phải rất tốt sao?”
Qua sự chỉ bày của trú trì, bà lão nín khóc và cười trở lại: “Xem con chẳng chịu động não tí nào cả, sao con lại không nghĩ được như thế chứ? Vẫn chỉ là pháp sư cao minh ạ!”
Từ đó về sau, bà lão thường tới lui ở với hai người con gái của bà, trời nắng cũng cười, trời mưa cũng cười, từ đó “bà lão khóc” đã trở thành “bà lão cười” vậy.
Văn tự chỉ là công cụ để học tập hãy dựa vào tâm để lý giải
Một đời chúng ta không ngừng học tập. Trong quá trình học tập, đừng chỉ chú trọng đến sự diễn đạt của văn tự. Văn tự chẳng qua chỉ là công cụ mà thôi, quan trọng phải dựa vào tâm để lý giải. Chỉ có như thế, chúng ta mới có học vấn, nắm bắt được thực chất kiến thức đã học.
Một lần, thiền sư Huệ Năng tá túc nhà người khác, lúc nghỉ trưa, bỗng nghe thấy có người tụng kinh.
Huệ Năng chăm chú lắng nghe, cảm giác như có điều gì đó không đúng, thế là đứng dậy đến bên cạnh người đang tụng kinh nói rằng: “Bạn thường hay tụng đọc kinh văn, phải chăng có hiểu được ý nghĩa trong đó?”
Người kia lắc lắc đầu nói: “Có một vài điều thật sự khó hiểu!” Huệ Năng đem một vài điều người kia vừa đọc thuộc, giải thích rõ ràng cho ông ta: “Chúng ta đang sống trong khói thuốc hư danh phù phiếm, từng ngày qua đi, đến lúc đầu bạc trắng, chúng ta mới nghĩ cần phải làm gì? Lúc ngọn lửa sinh mạng sắp tắt, đến lúc trái tim và hơi thở sắp ngừng đập, điều gì là mong mỏi cuối cùng của chúng ta? Lúc thân thể nằm dưới nấm mồ, hài cốt thối rữa, bụi trả lại cho bụi, đất trả lại cho đất, sinh mạng cuối cùng trở thành hư không, không mảy may tri giác, bấy giờ chúng ta đang ở đâu?”
Trong lúc này, trời sáng trong, người kia ngớ ngẩn hiểu ra, dường như thấp thoáng nhìn thấy ánh sáng bình mình của sinh mạng rồi vậy.
Tiếp đó, người kia nói Huệ Năng giải thích những chữ trong kinh Phật, Huệ Năng cười nói: “Ta không biết chữ, ông có thể trực tiếp hỏi ý nghĩa với ta nhé!”
Người kia nghe xong cảm thấy rất kinh ngạc, nói rằng: “Ngài ngay cả chữ cũng không biết thì sao hiểu được ý nghĩa của nó? Sao có thể giải thích được nghĩa lý trong kinh Phật?”
Huệ Năng cười nói: “Nghĩa lý huyền diệu của chư Phật với văn tự chẳng có quan hệ gì với nhau cả. Văn tự chỉ là công cụ mà thôi, để lý giải được cần phải dựa vào tâm, là ngộ tính, chứ không phải là văn tự. Lúc cưỡi ngựa, không nhất thiết phải dùng dây cương, đó là sự chuẩn bị cho người lúc mới học mà thôi, một khi lành nghề rồi, có thể tháo bỏ dây cương, bôn ba tự do tự tại nơi ta muốn đi”.
Người kia cuối cùng cũng đã đốn ngộ.