“Mẹ là người thầy vĩ đại nhất của tôi, mẹ đã dạy tôi về lòng vị tha, tình yêu thương và lòng dũng cảm. Nếu tình yêu ngọt ngào và đẹp đẽ như những đóa hoa thì mẹ tôi chính là đóa hoa đẹp nhất.”
- Stevie Wonder
Ken là người anh thứ sáu của tôi. Anh mắc chứng bại não, khiếm thính và chậm phát triển bẩm sinh. Mẹ tôi rất mực thương yêu anh nhưng bà không bao giờ nuông chiều anh Ken chỉ vì muốn bù đắp cho những khiếm khuyết mà anh gặp phải. Mẹ đối xử với anh bình đẳng như những đứa con khỏe mạnh khác và mẹ làm mọi thứ trong khả năng để anh có thể lớn lên bình thường, về thể xác và đặc biệt là về tinh thần.
Tôi nhớ vào dịp Giáng Sinh năm anh Ken lên chín tuổi, mẹ đã dành tặng chúng tôi một bộ cầu trượt và xích đu tuyệt đẹp. Vừa nhìn thấy món quà, anh Ken đã tỏ ra vô cùng hào hứng. Chỉ tiếc rằng anh không thể leo lên cầu trượt vì lúc nào anh cũng phải mang theo cặp nạng nặng nề của mình. Suốt dịp lễ năm đó, anh Ken chỉ biết ngồi một mình, buồn bã nhìn các anh em của mình chơi đùa thỏa thích ngoài sân trên bộ cầu trượt mới.
Ngày đầu tiên chúng tôi đi học lại sau kỳ nghỉ lễ, mẹ đã đưa anh Ken ra sân sau mà không mang theo nạng và đứng đó trông chừng trong lúc anh tập chơi cầu trượt. Suốt vài giờ sau đó, anh Ken chỉ làm duy nhất hai việc: cố gắng trèo lên chiếc thang dẫn lên cầu trượt rồi lại té ngã. Hai ống quần của anh rách bươm, để lộ những vết trầy xước rướm máu. Một bên khuỷu tay anh cũng bị chảy máu.
Bà hàng xóm sau nhà tôi thấy vậy liền sốt ruột hét lên: “Cô làm mẹ kiểu gì vậy? Mau đỡ thằng bé xuống ngay đi!”. Mẹ tôi chỉ nhẹ nhàng nói cảm ơn và đáp lại rằng nếu cảm thấy không an tâm, bà ấy chỉ việc kéo rèm cửa nhà mình lại. Mất vài ngày anh Ken mới có thể leo lên cầu thang và trượt xuống cầu trượt thành thục như chúng tôi. Thêm một tuần tập luyện khó nhọc nữa, sau cùng anh đã có thể chơi đùa khi mang theo cặp nạng của mình. Tất cả mọi người đều vui vẻ khi nhìn thấy anh mỉm cười thích thú vì có thể tự mình chơi cầu trượt. Đến tận lúc ấy, cả gia đình tôi và người hàng xóm mới hiểu được tấm lòng của mẹ.
Anh Ken của tôi, người mà năm xưa các bác sĩ đã cho rằng sẽ “không thể sống được qua năm mười tuổi”, nay đã trở thành một người đàn ông bốn mươi hai tuổi có một cuộc sống độc lập và công việc ổn định. Trong bất kỳ việc gì, anh vẫn luôn giữ thái độ kiên trì như thuở còn tập chơi cầu trượt. Món quà kỳ diệu mẹ đã trao tặng anh chính là mẹ luôn kỳ vọng anh sẽ trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân và, như cách mẹ vẫn nói, “không được phép than phiền gì cả”.