“Các bà mẹ giống như chất kết dính. Họ nỗ lực trong thầm lặng gắn kết cả gia đình lại với nhau.”
- Susan Gale
Trong một cửa tiệm đồ cũ ở New York, thành phố nơi chúng tôi đang sống, mẹ tôi tình cờ nhìn thấy vài chiếc chân nến bằng bạc được trưng trên chiếc kệ nằm tít đằng sau tiệm. Những chiếc chân nến ấy cao khoảng hai mươi lăm xăng-ti-mét và đã bị xỉn màu, nhưng chỉ cần kỳ cọ một chút bụi bẩn bám trên thân và quan sát những hoa văn tinh tế ở phần đế, mẹ tôi ngay lập tức biết đây không phải là món đồ tầm thường. Sao thứ quý giá như thế lại có mặt ở chốn này? Một gia đình khốn khổ nào đó đã mang món đồ đi cầm để cầm cự qua ngày? Mẹ nóng lòng muốn mua những chiếc chân nến, nhưng chúng tôi đến đây là để đổi đôi giày tôi đang mang lấy một đôi lớn hơn vừa với cỡ chân tôi hiện tại. Chúng tôi phải ưu tiên những thứ cần thiết hơn.
“Chúng ta phải bơi, nếu không chúng ta sẽ chết chìm”, mẹ tôi tuyên bố, “và trước giờ mẹ luôn là một tay bơi cự phách”.
Và chúng tôi đã chọn bơi! Cha tôi đi bán hạt hạnh nhân rang ca-ra-men trên xe đẩy. Mỗi tối, chúng tôi rang sẵn hạnh nhân và gói vào giấy bóng để hôm sau cha mang đi bán dọc đường Broadway. Buổi sáng, mẹ đi học nghề đấm bóp và một vài buổi chiều trong tuần bà đến giúp việc nhà cho một số gia đình. Tôi đi học tại trường Elias Howe. Chị tôi, Lotte, theo học tiếng Anh trong một chương trình trao đổi tại Học viện cho người khiếm thính ở St. Louis. Buổi tối, cha nhận làm bảo vệ ca đêm, mẹ nhận may găng tay cho một xí nghiệp còn tôi đính hạt vào vòng cổ cho tiệm Woolworth với tiền công một xu một chiếc.
Tòa nhà mười lăm tầng ở số 150 Riverside Drive gần như khác hẳn với những gì chúng tôi từng quen thuộc ở Đức, đất nước chúng tôi từng sống trước khi chuyển sang Mỹ. Chính xác thì tòa nhà này có thang máy, nhưng người vận hành thang máy luôn xin tiền tip mỗi khi có người muốn sử dụng. Làm gì có ai có đủ tiền? Thế nên tất cả chúng tôi đều đi thang bộ. Căn hộ của chúng tôi bao gồm nhà bếp, phòng tắm, phòng khách và một phòng ngủ. Tôi và chị phải ngủ chung giường trong phòng khách cho đến khi chị đi học xa nhà. Lần đầu tiên cả nhà đến xem căn hộ, mẹ tôi đã thở dài ngao ngán khi nhìn thấy đống rác dồn ứ lâu ngày trong nhà. Không nản lòng, chúng tôi đã quyết tâm và nỗ lực lau chùi để biến căn hộ tù túng ấy thành tổ ấm của mình.
Một lần nọ, khi đang trò chuyện trong lúc cùng làm việc buổi đêm, mẹ lại nói với tôi về mấy chiếc chân nến.
“Mẹ tin chúng ta có thể kham nổi. Mấy chiếc chân nến chắc chắn sẽ trông rất đẹp nếu được làm sạch và đánh bóng.”
Thế là hai mẹ con tôi bí mật lên kế hoạch tiết kiệm tiền để mua những chiếc chân nến bạc tặng cha nhân dịp sinh nhật ông. Thật ra, đó không phải là món quà mà cha sẽ thích. Ông thích những kỷ vật chiến tranh, những món đồ thiết thực và tất cả những gì có thể giúp chúng tôi có miếng ăn và trả tiền thuê nhà. Nhưng mẹ lại khao khát có được một món đồ xinh đẹp trong ngôi nhà tồi tàn của mình.
Những chiếc chân nến có giá ba đô-la. Chúng tôi lên kế hoạch vào tháng Ba và bắt đầu bàn cách tiết kiệm tiền.
“Con sẽ thử đề nghị với ba cụ già hàng xóm để con mang rác xuống tầng thay họ”, tôi đề xuất. “Ngoài ra, con có thể kiếm tiền bằng cách nhận thêm việc xỏ vòng cổ.”
“Mẹ sẽ mua trứng gà lớn cho cha, còn chúng ta sẽ ăn loại nhỏ và rẻ hơn”, mẹ nói.
Thêm vào đó, mẹ tôi cũng chuyển sang mua bánh mì ra lò ba ngày trước thay cho loại được nướng trong ngày để tiết kiệm bảy xu một ổ. Một người bạn đã chỉ bà cách bọc vải ẩm quanh ổ bánh và nướng sơ lại một lần trong lò để bánh tươi trở lại, và cách này quả thật có tác dụng!
Mẹ con tôi đã biến việc tiết kiệm tiền lẻ thành một trò chơi. Vào cuối tháng Tư, chúng tôi thanh toán trước năm mươi xu cho kho báu nho nhỏ của mình. Đến ngày 23 tháng Chín năm 1940, chúng tôi tự hào trả dứt khoản tiền; người chủ cửa hàng thậm chí còn hào phóng tặng thêm cho chúng tôi vài cây nến cũ. Chúng tôi chà rửa và đánh bóng bạc. Mẹ cắt gọt mấy cây nến cũ và cạo lớp vỏ ngoài cho đến khi những cây nến trông như mới. Tôi sẽ chẳng bao giờ quên buổi tối trước ngày Sabbath3 hôm đó, khi chúng tôi cùng thắp lên những ngọn nến trên mấy chiếc chân nến bạc. Nước mắt lăn dài trên khuôn mặt mẹ khi bà đọc lời cầu nguyện. Mặc cho bao nỗi khốn khổ, chúng tôi thấy biết ơn vì được ở đây bên cạnh nhau, và trên hết, vì cả nhà đều được bình an.
3 Sabbath hoặc Shabbos hay Shabbat là ngày nghỉ và ngày thứ bảy trong Do Thái giáo. Vào buổi tối hôm trước đó (ngày thứ sáu), người phụ nữ trong gia đình sẽ thực hiện nghi thức thắp nến.
Khi tôi kết hôn và chuyển đến Wyoming, mẹ đã trao lại cho tôi những chiếc chân nến đó như quà cưới. “Con đã giúp mẹ mua những chiếc chân nến quý giá này. Con biết đây là món đồ có ý nghĩa nhiều thế nào với mẹ. Mẹ muốn con giữ những kỷ vật này để một ngày nào đó con sẽ truyền lại cho con gái con”, mẹ tôi nói.
Những chiếc chân nến giờ được đặt trên chiếc piano trong phòng khách nhà tôi. Chúng tôi dùng những chiếc chân nến này vào mọi dịp tụ họp gia đình, dù vui hay buồn. Một ngày nào đó, tôi sẽ để món quà cưới đặc biệt ấy lại cho con gái mình, như cách mẹ đã để lại cho tôi. Những chiếc chân nến dùng trong ngày Sabbath này luôn, và vẫn sẽ luôn, có ý nghĩa nhiều hơn những chiếc chân nến thông thường. Đó là biểu tượng của niềm tin, lòng dũng cảm và tình yêu thương.