“Mẹ chưa bao giờ đặt chân lên Mặt Trăng. Mẹ chưa bao giờ đi khinh khí cầu vòng quanh thế giới. Mẹ chỉ là một người phụ nữ bình thường, nhưng mẹ chính là người hùng trong lòng các con.”
- Jamie O’Neal
Vào một ngày tháng Mười Hai năm 1986, tôi bồn chồn đứng nhìn ra ngoài cửa sổ phòng chờ ở sân bay quốc tế O’Hare thuộc thành phố Chicago. Lúc này đang là giữa mùa đông nhưng ánh nắng có vẻ ấm áp và tươi sáng khác hẳn mọi ngày, điều này đã giúp xoa dịu phần nào nỗi thấp thỏm, lo lắng trong lòng tôi. Hôm nay, trên chuyến bay số hiệu 517, cô con gái bé bỏng tôi chờ đợi bấy lâu nay đang trên đường đến bên tôi.
Cuối cùng thì chuyến bay cũng hạ cánh an toàn. Các thành viên của Hiệp hội Bà mẹ và Trẻ em đang bế trên tay những đứa bé với chỏm tóc đen nho nhỏ thấp thoáng đằng sau những tấm khăn bông. Các con là những đứa trẻ Hàn Quốc được các gia đình người Mỹ nhận làm con nuôi, trong đó có cả viên ngọc quý của tôi, bé Sarah Elizabeth Hee Jin. Đây là cái tên mà cả hai vợ chồng tôi đã phải suy nghĩ rất lâu mới chọn được. Sarah đã phải sống trong trại trẻ mồ côi suốt mười tháng kể từ lúc chào đời.
Khi nghe thấy tên mình được gọi trên loa, người tôi bỗng run lên với niềm hạnh phúc và xúc động không nói nên lời. Người nhân viên trao cho tôi một đứa trẻ - một sinh linh bé bỏng, mỏng manh đến mức tôi sợ rằng mình sẽ làm đau con. Sarah rất gầy gò, ốm yếu vì thiếu sữa mẹ, và rõ ràng con bé đang hoảng sợ và bối rối trước khung cảnh lạ lẫm xung quanh. Thế nhưng từng biểu cảm trên gương mặt con vẫn thật đáng yêu. Tôi biết mình đã yêu Sarah ngay giây phút đứa trẻ tựa đầu vào ngực tôi, nhắm mắt lại và dần chìm vào giấc ngủ như thể đã tìm được một chốn nương tựa bình yên.
Một năm thấm thoát trôi qua. Suốt thời gian đó, tôi luôn cố gắng chăm sóc, bồi bổ để giúp Sarah khỏi chứng suy dinh dưỡng và biếng ăn. Tôi yêu thương Sarah như những đứa con khác trong nhà, và tình cảm tôi dành cho đứa trẻ này đã mở ra cho tôi một trải nghiệm hoàn toàn mới. Thế nhưng, mặc cho sự chăm bẵm của tôi, Sarah vẫn có những biểu hiện bất thường. Ở tuổi lên hai, Sarah không nhìn thẳng vào mắt mọi người và không biết quan sát đồ vật. Bé không biết bò, không biết nói một từ nào và cũng không có dấu hiệu tập nói.
Vợ chồng tôi vất vả đưa con đi chạy chữa khắp nơi, ban đầu ở những vị bác sĩ quen gần nhà, rồi đến những chuyên gia cách nhà chúng tôi hàng trăm cây số. Một ngày kia, vợ chồng tôi dẫn Sarah tìm đến một vị bác sĩ ở rất xa. Sau khi Sarah được kiểm tra xong, tôi ngồi chờ kết quả khám bệnh của Sarah với nỗi bất an không sao xoa dịu được, trong khi con bé không ngừng quấy khóc trong tay tôi. Cuối cùng, vị bác sĩ bước ra, nhẹ nhàng giải thích với chúng tôi rằng Sarah được chẩn đoán bị chậm phát triển do hội chứng “đầu nhỏ”.
“Đầu nhỏ? Đầu nhỏ là sao?” Tai tôi như ù đi. Suốt hơn năm tiếng đồng hồ trên đường về nhà, trong xe chúng tôi lặng im không một tiếng nói. Trong đầu tôi ngổn ngang những suy nghĩ, và không hiểu sao, từ sâu thẳm nơi trái tim người mẹ, tôi kiên quyết phủ nhận vận số không may của con mình. Không! Con tôi không thể trở nên như thế được.
Suốt một tuần sau đó, ngày nào tôi cũng đến thư viện tìm đọc mọi tài liệu có liên quan đến tật đầu nhỏ. Sau khi tìm hiểu kỹ lưỡng, tôi nhận thấy biểu hiện của con gái tôi dường như không hoàn toàn phù hợp với các triệu chứng của hội chứng đầu nhỏ. Sarah không phải là một đứa trẻ thiểu năng trí tuệ. Tôi nói với các bác sĩ về mối nghi ngờ của mình, rằng con gái tôi có thể không phải mắc chứng đầu nhỏ mà đang bị rối loạn nhiễm sắc thể. Thế nhưng không một người nào tin tôi. Các bác sĩ an ủi tôi, họ cho rằng vì tôi quá đau khổ về tình trạng của con gái nên mới suy nghĩ viển vông như thế. Dù vậy, tôi vẫn kiên trì tìm kiếm một vị bác sĩ chịu tin lời tôi nói. Cuối cùng, tôi cũng thuyết phục được một nữ bác sĩ tiến hành vài bước kiểm tra đơn giản để xem nghi ngờ của tôi có đúng hay không, bà ấy cũng là một người mẹ. Tôi đưa Sarah đi thử máu và chờ kết quả kiểm tra nhiễm sắc thể của con. Tôi đã dự đoán đúng, con tôi có quá nhiều nhiễm sắc thể đặc biệt.
Nhưng việc tìm ra đúng căn bệnh Sarah mắc phải cũng không mang lại điều gì tươi sáng hơn mà đó chỉ là một nỗi thất vọng khác. Con gái tôi sẽ không bao giờ biết đi hay biết nói. Mọi người đều chân thành khuyên tôi hãy cứ yêu thương Sarah và tận hưởng cuộc sống bên con nhiều nhất có thể.
Những ngày sau đó, tôi hoàn toàn suy sụp. Tôi cứ tự dằn vặt mình bằng câu hỏi: Mình có đúng là người mẹ mà đứa trẻ bé bỏng này đang cần không? Tôi không biết cách chăm sóc một đứa trẻ chậm phát triển. Tôi không biết làm thế nào vượt qua cảm giác tuyệt vọng mình đang trải qua. Nhưng có một điều tôi biết rất rõ: Tôi yêu Sarah vô cùng; tôi yêu con đến mức chính tôi cũng không thể hiểu nổi và tôi sẽ mãi mãi yêu thương con cho dù có chuyện gì xảy ra đi nữa. Vì thế, tôi quyết định từ giờ mình sẽ yêu thương con bé một cách sáng suốt. Niềm tin trong tôi lại trỗi dậy lần nữa. Trong lòng tôi không ngừng vang lên tiếng nói khích lệ: Đúng vậy, con mình chắc chắn sẽ đi được. Đúng vậy, rồi một ngày con bé sẽ nói chuyện được.
Mùa xuân năm ấy, mỗi ngày tôi đều cùng Sarah đến thư viện để nghiên cứu tài liệu. Ở nhà, tôi xoa bóp, vận động các cơ cho con và dạy con cách cử động chân tay bình thường. Hai mẹ con tôi cùng vui đùa bằng trò liếm những thìa bơ đậu phộng để giúp Sarah cử động lưỡi dễ dàng và chính xác hơn. Tôi cũng cho Sarah chơi với đèn pin trong phòng tối để luyện cho mắt con bé tập trung tốt hơn. Mỗi tiến bộ nhỏ nhất của con đều là điều kỳ diệu lớn lao đối với tôi. Dần dần, lòng quyết tâm của tôi được truyền sang cho tất cả mọi người trong gia đình. Giờ đây, cha Sarah nhận trách nhiệm luyện tập thể chất cho con bé, anh trai Sarah giúp em tập chuyển động lưỡi với thìa bơ đậu phộng, chị gái đọc truyện tranh cho Sarah nghe, còn tôi chơi cùng con trong phòng tối.
Rồi một ngày nọ, Sarah bắt đầu liếc nhìn ánh đèn pin trong căn phòng tĩnh lặng. Tôi xúc động nói với con: “Nhìn này con, Sarah ơi!”.
Không lâu sau đó, tôi thấy Sarah chập chững bước những bước đi đầu tiên. “Nào! Bước lại đây với mẹ nào Sarah ơi, bước đi con!”
Thời gian thấm thoát trôi qua, rồi cũng đến ngày tôi được nghe tiếng Sarah cười và hát theo bài ABC. “Hát đi Sarah con yêu, hát lên nào!”
Và một ngày nọ, tôi nói với con: “Nghe nhé Sarah, nghe nhé! Cô giáo đang gọi tên con đó”.
Giọng cô giáo mầm non dịu dàng vang lên: “Chào mừng Sarah đến vườn trẻ”.
Đó là ngày đầu tiên con gái tôi đi học. Khi đứng ở cửa lớp, tôi nghe giọng nói nhỏ nhẹ của Sarah cất lên: “Mẹ đừng khóc nhé. Sarah ‘hun’ mẹ!”. Con bé đưa bàn tay bé bỏng lên lau dòng nước mắt trên má tôi. Con còn nhỏ quá nên đã không hiểu được đó chính là những giọt nước mắt của niềm vui và hạnh phúc.
Trong khoảnh khắc ấy, tôi nhìn thấy nhiều ước mơ và hy vọng mới, những tiềm năng chưa được biết đến cùng nhiều niềm vui giản dị đang mở ra trước mắt tôi và con. Sarah không biết rằng khi con ôm hôn và nói lời tạm biệt với tôi, tôi đang cất tiếng chào tương lai tươi sáng ấy...