“Điều tiếc nuối nhất trong đời của hầu hết mọi người chính là đã do dự nói lời yêu thương.”
- Orlando Aloysius Battista
Một ngày nọ, trong khi đang lau chùi bụi bặm trên kệ bếp, tôi suýt nữa làm rơi một chiếc hộp bằng sứ. Đó là một chiếc hộp nhỏ, trên nắp có khắc hình một chiếc cối xay gió và dòng chữ “Lúa mạch” bên dưới. Chiếc hộp này nằm trong bộ bốn chiếc hộp bằng sứ mà cha mẹ tôi được tặng vào ngày cưới của mình năm 1920. Tôi vẫn nhớ khi còn là một đứa trẻ, tôi thường tập đọc các từ như “gạo”, “bột mì”, “yến mạch” và “lúa mạch” trên nắp những chiếc hộp này - thứ luôn được mẹ xếp ngay ngắn trên kệ bếp.
Tôi bồi hồi nhận ra chiếc hộp đang nằm trên tay tôi hiện là chiếc duy nhất còn sót lại. Chiếc hộp nhỏ bé này là một kỷ vật của gia đình, là thứ đã gắn bó và quen thuộc với tôi từ những ngày thơ ấu. Và tôi chợt thấy tim mình đau nhói vì chiếc hộp còn đây mà người mẹ thân yêu của tôi đã ra đi mãi mãi.
Vài năm trước, có lần mẹ đã nói với tôi về nguồn gốc của những kỷ vật trong gia đình. Đó là những món đồ mà mẹ nửa đùa nửa thật nói rằng sẽ để lại cho tôi khi mẹ qua đời. Ngày đó, tôi không hề nghĩ sâu xa về việc này và đã phớt lờ những lời mẹ nói. Những món đồ ấy không phải là những thứ quý giá hay quan trọng mà hầu hết là đồ dùng nhà bếp bình thường. Bà ngoại tôi có một chiếc thố bằng pha lê có nguồn gốc từ Cộng hòa Séc và mẹ đã nhiều lần thuyết phục tôi nhận chiếc thố đó. Tôi luôn nói với mẹ rằng tôi không có nhu cầu giữ trong nhà mấy món đồ cũ kỹ như vậy.
Lần cuối cùng tôi được nhìn thấy mẹ là khi tôi và chồng tôi đang chuẩn bị cho chuyến du lịch châu Âu kéo dài suốt một tháng. Mỗi lần tôi sửa soạn hành lý, mẹ đều ở bên cạnh và nói với tôi: “Mẹ mong con sẽ nhận mấy món nữ trang của mẹ. Mẹ không cần nhiều đồ trang sức nữa. Khi thực hiện phỏng vấn trên truyền hình, con có thể đeo những chuỗi vòng và mấy chiếc cài áo này”. Mẹ đã kiên trì đến nỗi sau cùng tôi phải miễn cưỡng nhận lấy một sợi dây chuyền vàng. Một tuần sau đó, trên chuyến bay trở về New York để dự tang lễ của mẹ, tôi đã vùi mặt vào sợi dây chuyền đó mà khóc.
Đến tận giây phút đó, tôi mới hiểu được suy nghĩ của mẹ và nhận ra những kỷ vật ấy quan trọng như thế nào. Kỷ vật chính là vật lưu giữ ký ức, giúp ta nhớ lại những kỷ niệm về người mà chúng ta yêu thương. Tôi ước gì mình đã hiểu được ẩn ý của mẹ mỗi khi mẹ hỏi tôi: “Khi mẹ đi xa rồi con có nhớ mẹ không? Mỗi khi con nhìn ngắm những kỷ vật mẹ tặng con, con sẽ cảm nhận được tình yêu mẹ dành cho con đúng không?”. Giá như lúc này tôi có thể nói với mẹ rằng những món đồ trang sức, những chiếc hộp cũ và cả chiếc thố pha lê ấy có ý nghĩa đặc biệt như thế nào với tôi…
Tôi luôn ân hận khi nhớ lại những lần mình đã vô tâm khi mẹ cố gắng tạo ra nhiều kỷ niệm cho hai mẹ con. Đó chính là cách mẹ bày tỏ tình yêu thương với tôi. Thế mà tôi đã thờ ơ, đã thấy việc đó thật phiền toái! Giá mà tôi đã cùng mẹ đi xem nhạc kịch hay đi du lịch thường xuyên hơn, giá mà tôi đã chịu lắng nghe mẹ và hiểu được tấm lòng của mẹ sớm hơn... Giá mà giờ đây tôi có thể cầm tay mẹ áp vào má mình và thủ thỉ: “Mẹ ơi, con yêu mẹ nhiều lắm!”.