“Người ta ngây ngất trước sự hào nhoáng, mê mẩn trước sự bóng bẩy, nhưng chỉ rơi nước mắt trước sự giản dị tự đáy lòng.”
- Nguyễn Ngọc Tư
Tôi đang lau dọn lại căn bếp thì nghe tiếng cậu con trai gọi mình từ trên lầu:
“Mẹ ơi, mẹ có biết đôi giày vải của con ở đâu không?”
“Ở dưới chiếc ghế đẩu trong bếp đó con”, tôi trả lời trong lúc vẫn mải miết lau dọn.
Chưa đầy hai phút sau, tôi lại nghe tiếng thằng bé hỏi:
“Mẹ ơi, mẹ có thấy bộ ván trượt của con đâu không mẹ?”
“Trên chiếc kệ gỗ trong ga-ra.”
Tôi bắt đầu cảm thấy hơi phiền toái. Sao thằng bé cứ liên tục hỏi tôi về đồ đạc của nó thế nhỉ?
“Con phải biết tự thu xếp đồ đạc của mình chứ”, tôi nghiêm giọng nói với con rồi tiếp tục dọn dẹp căn bếp. Một lát sau, cậu con trai xuất hiện trước cửa nhà bếp với vẻ mặt như sắp hỏi thêm điều gì đó. Thấy vậy, tôi lên tiếng hỏi con trước:
“Sao con cứ hỏi mẹ về đồ dùng cá nhân của con thế?”
“Bởi vì mẹ luôn biết câu trả lời mà”, con trai tôi vừa cười vừa trả lời không chút lưỡng lự.
Tôi không biết đây có phải là một lời khen mà thằng bé dành cho mình hay không nhưng đúng là tôi biết tường tận vị trí các đồ vật trong nhà. Có lẽ bởi vì tôi là người ở nhà nhiều nhất, cũng là người phải dọn dẹp nhiều nhất. Dạo gần đây do việc làm và việc học ngày càng bận rộn mà chồng và con trai tôi không còn thường xuyên giúp tôi làm việc nhà nữa. Tôi hiểu rõ vai trò và trách nhiệm của một bà mẹ nội trợ nhưng có đôi khi tôi cảm thấy vô cùng mệt mỏi và khao khát nhận được một lời hỏi han, động viên từ chồng và con.
Tôi lúc nào cũng nghĩ làm mẹ là một công việc cao quý và cần được vinh danh. Khi tôi chưa có con, mỗi khi trao danh thiếp cho mọi người, tôi thường nghĩ: Trên danh thiếp của những bà mẹ nên được ghi thêm dòng chữ “Một người mẹ”. Rồi khi con tôi vừa ra đời, tôi say sưa, hãnh diện với vai trò mới của mình, tôi muốn cả thế giới biết rằng tôi là một người mẹ. Khi con tôi vào tiểu học, tôi lại mong trên danh thiếp của mình có dòng chữ “Một người mẹ, Hội phó Hội Phụ huynh học sinh”. Tôi lúc nào cũng cố gắng làm tròn nghĩa vụ của một bậc phụ huynh và luôn tích cực tham gia vào các hoạt động ở trường của con. Và tôi muốn những nỗ lực của mình được mọi người ghi nhận. Tôi muốn được khen ngợi vì món thạch thơm ngon mình đã chuẩn bị cho bữa tiệc khai giảng ở trường và được tuyên dương vì đã giúp nhóm hướng đạo sinh của trường có một chuyến dã ngoại thành công tốt đẹp.
Ngoài việc hăng hái tham gia vào các hoạt động ở trường của con, tôi cũng cố gắng làm tốt công việc ở nhà của một người mẹ. Tôi luôn giữ cho nhà cửa gọn gàng, tươm tất. Tôi luôn đảm bảo chồng và con có bữa ăn tối ngon miệng chờ sẵn ở nhà sau một ngày đi làm, đi học mệt mỏi. Tôi giữ liên lạc với họ hàng và thường xuyên tổ chức những buổi họp mặt để bồi đắp tình cảm gia đình... Thế nhưng tôi không biết con mình có trân trọng những việc mình đã làm hay không. Tôi không biết thằng bé và chồng tôi có ghi nhận những cố gắng của tôi vì gia đình nhỏ này hay không.
Có lẽ mình đã đòi hỏi quá nhiều. Hai cha con nhà này không hiểu gì về tâm lý phụ nữ cả, tôi ngao ngán nghĩ thầm.
“Mẹ ơi!”
Tôi miễn cưỡng dừng dòng suy tư của mình, nhẹ nhàng trả lời con:
“Con cần tìm thứ gì nữa à?”
“Không ạ, con chỉ muốn nói rằng mẹ là một người mẹ tuyệt vời. Con yêu mẹ nhiều lắm!”
Câu nói ấm áp của cậu con trai đã khiến mọi mệt mỏi, băn khoăn trong lòng tôi tan biến. Má tôi ửng đỏ, cả người tôi bừng lên một niềm vui khôn tả. Đôi khi, sự công nhận lớn lao nhất mà một người mẹ có thể nhận được không phải là một tấm bằng khen, huy chương hay danh thiếp đặc biệt, mà đơn giản chỉ là những lời cảm ơn chân thành từ những người mà họ yêu thương.