“Những người ta yêu thương vẫn sẽ mãi ở bên cạnh ta miễn ta còn lưu giữ những ký ức về họ trong tim mình.”
- L. M. Montgomery
Cách đây không lâu, tôi và vợ tôi có tổ chức một buổi tiệc nhỏ với vài người bạn thân ở nhà mình. Để bữa tối thêm trang trọng, tôi quyết định sử dụng bộ chén dĩa bằng sứ trắng cao cấp với viền vàng và xanh mà tôi hiếm khi mang ra dùng. Khi mọi người đã yên vị, một người bạn chợt chú ý đến chiếc gàu rót nước sốt mà tôi lúc nào cũng dùng trên bàn ăn. “Đó là một món đồ gia truyền đúng không?”, cô bạn lịch sự hỏi tôi.
Đúng là món đồ này rất dễ gây chú ý. Chiếc gàu rót nước sốt đã rất cũ ấy không đồng bộ với những dụng cụ ăn uống khác. Miệng chiếc gàu còn bị mẻ một mảnh hình chữ V. Thế nhưng, với tôi chiếc gàu rót nước sốt này còn hơn cả một món đồ gia truyền - đây là thứ mà tôi sẽ luôn gìn giữ thật cẩn thận.
Câu chuyện của tôi và chiếc gàu rót nước sốt này bắt đầu từ hơn năm mươi năm trước, khi tôi mới bảy tuổi. Ngày đó, gia đình tôi sống ở thị trấn New Richmond, bang Ohio. Ngôi nhà của chúng tôi nằm đối diện với một con sông lớn và để đề phòng lũ lụt, nền của tất cả các ngôi nhà ven sông như nhà tôi đều được xây cao hơn mặt đường hơn hai mét.
Vào tháng Mười Hai năm đó, nước sông bắt đầu dâng cao. Khi tình hình trở nên nghiêm trọng, cha mẹ tôi bắt đầu bàn bạc cách ứng phó với cơn lũ và đã quyết định sẽ cất giữ sách vở, tài liệu quan trọng và những món đồ sứ của mẹ trong một căn buồng nhỏ cạnh phòng ngủ của cha mẹ ở tầng hai. Những món đồ sứ được trang trí viền vàng, tô điểm thêm bằng họa tiết những đóa hoa hồng của mẹ đã vô cùng cũ kỹ. Tuy vậy, mẹ tôi vẫn hết mực trân trọng món đồ này vì đó là món quà mẹ nhận được từ bà ngoại.
Mẹ tôi vừa cẩn thận đóng gói từng món đồ sứ vừa nói với tôi: “Con phải biết nâng niu những món đồ mà người thân của con quý trọng. Đây chính là cách con kết nối với họ”.
Lúc đó tôi còn quá nhỏ nên đã không hiểu được mối bận tâm của mẹ. Và vào thời điểm ấy, việc chuẩn bị đối phó với cơn lũ đã choán hết tâm trí tôi. Gia đình tôi dự định sẽ dọn đồ lên tầng hai khi nước dâng đến bậc thềm thứ bảy và mọi người sẽ di chuyển quanh nhà bằng một con thuyền nhỏ không gắn động cơ. Chúng tôi quyết định sẽ bám trụ lại thị trấn vì cha tôi là bác sĩ duy nhất trong vùng và ông cần ở lại để giúp đỡ những người không may đổ bệnh. Dòng nước lũ dâng lên ngày càng cao và cuối cùng cũng lên đến bậc thềm thứ bảy. Chúng tôi cố gắng chuyển tất cả đồ đạc lên tầng hai chỉ trong hai ngày. Rồi cuối cùng nước cũng bắt đầu tràn vào nhà và tiếp tục dâng lên rất nhanh.
Mẹ tôi đã biến phòng ngủ cho khách thành một căn bếp tạm bợ và chuẩn bị những bữa ăn đơn giản cho cả nhà ở đó. Cha tôi di chuyển đến các hộ lân cận bằng một chiếc thuyền đánh cá có động cơ. Không lâu sau đó, Hội Chữ thập đỏ đã tiến hành dựng lều trên một khu đất cao phía bắc thị trấn, nhưng cha tôi nói rằng gia đình tôi vẫn sẽ ở yên trong nhà. Một đêm nọ, tôi bị đánh thức bởi một tiếng động kinh hoàng nghe như tiếng gỗ bị nứt toạc. Rồi tôi nghe thấy tiếng những món đồ rơi xuống nước. Tôi trèo xuống giường và lao ra hành lang. Cha mẹ tôi đang đứng trước căn buồng chứa đồ. Sàn nhà bên dưới căn buồng bị sụp xuống và toàn bộ những gì chúng tôi cất giữ bên trong đều rơi xuống nước, bao gồm cả những món đồ sứ của mẹ. Những món đồ quý giá mà chúng tôi cố gắng gìn giữ giờ nằm dưới tầng một, chìm trong dòng nước đang không ngừng dâng cao.
Mẹ tôi có vẻ điềm tĩnh khi đối mặt với sự cố sập sàn nhà. Nhưng việc bị mất đi những món đồ quý giá đã khiến mẹ hoàn toàn suy sụp. Suốt đêm đó, mẹ tôi ngồi ôm mặt khóc ở bậc cầu thang trên cùng. Cha con tôi cố gắng an ủi mẹ nhưng dường như không gì có thể khiến bà nguôi ngoai được.
Tối hôm đó tôi đi ngủ với nỗi day dứt khôn nguôi dù cha đã trấn an tôi rằng mọi việc sẽ ổn thôi, rồi mẹ sẽ bình tĩnh lại sau một giấc ngủ ngon. Tôi không tin lời cha nói chút nào. Tôi chưa bao giờ thấy mẹ thổn thức với vẻ đau buồn sâu sắc như thế. Dáng vẻ ấy của mẹ khiến tôi không sao ngủ được. Tôi muốn giúp mẹ vơi bớt nỗi buồn nhưng không biết phải làm thế nào.
Sáng hôm sau, mẹ thức dậy sớm làm bữa sáng cho cả nhà và trong suốt bữa ăn, mẹ luôn cố gắng tỏ ra vui vẻ. Sau bữa sáng, mẹ cho phép tôi xuống tầng một ngồi chơi trên con thuyền nhỏ. Trong lúc chèo thuyền quanh tầng dưới của ngôi nhà, tôi chợt nảy ra ý định vớt mấy món đồ sứ của mẹ lên.
Tôi lấy một cái móc từ chiếc cột treo áo khoác rồi cẩn thận mắc vào một sợi dây câu đã được buộc vật nặng. Tôi thả sợi dây xuống nước cho đến khi cái móc chạm đáy rồi từ từ kéo sợi dây tới lui. Tôi đã dành hàng giờ sau đó để di chuyển con thuyền nhỏ vòng quanh nhà, tay điều khiển sợi dây, hy vọng sẽ tìm thấy mấy món đồ sứ của mẹ. Thế nhưng lần nào tôi kéo dây lên, chiếc móc cũng trống không.
Những ngày sau đó, tôi vẫn tiếp tục tìm kiếm kho báu của mẹ trong khi nước vẫn không ngừng dâng lên. Không lâu sau, nước đã dâng đến máng xối và cha tôi quyết định đưa cả nhà đi trú ở những căn lều cứu hộ được dựng trên đồi. Chúng tôi sẽ rời đi trên một chiếc thuyền có gắn động cơ ngay chiều hôm đó.
Tôi dành cả buổi sáng để khẩn trương đóng gói đồ đạc của mình. Sau đó, tôi quay lại con thuyền nhỏ dưới tầng trệt lần cuối. Khi tôi đang kéo sợi dây di chuyển vòng quanh nhà một lần sau cùng trước khi rời đi, chiếc móc của tôi đã đụng phải vật gì đó.
Tôi vừa hồi hộp đến mức không dám thở vừa chậm rãi kéo cái móc lên. Tôi nhận ra thứ mình tìm được chính là chiếc gàu rót nước sốt trong bộ đồ ăn bằng sứ của mẹ. Những đóa hồng rực rỡ và những chiếc lá mạ vàng tỏa sáng lấp lánh sau khi cái gàu được vớt lên khỏi làn nước xám. Rồi tôi nhận ra vì sao cái móc của mình có thể nhấc được chiếc gàu lên: Chính là nhờ phần bị mẻ hình chữ V trên miệng chiếc gàu. Tôi vùi kho báu nho nhỏ của mình vào sâu trong túi áo khoác rồi vội vã chèo thuyền về phía cầu thang. Mẹ đã gọi tôi đến lần thứ hai rồi.
Chúng tôi rời khỏi nhà bằng cửa sổ trên mái hiên và đi thuyền máy đến nơi cao hơn. Trời bắt đầu đổ mưa và tôi bỗng cảm thấy sợ hãi khi nghĩ đến việc dòng nước có thể dâng cao mãi mãi, nhấn chìm toàn bộ thung lũng, cây cối và núi đồi. Tôi đã không dám nhìn lại dòng nước lũ cho đến tận lúc đến được nơi an toàn.
Lúc đến được lều của Hội Chữ thập đỏ, cả nhà tôi đều kiệt sức. Cha tôi nhanh chóng rời đi để giúp đỡ những người ốm đau còn mẹ ngồi thẫn thờ cạnh tôi trong lều. Tôi cẩn thận lấy chiếc gàu rót nước sốt từ trong túi áo khoác ra và trao cho mẹ. Mẹ ngạc nhiên nhìn chiếc gàu, rồi ngước lên nhìn tôi. Mẹ đã ôm chiếc gàu trong lòng thật lâu. Mẹ không nói gì cả, nhưng mắt mẹ ngấn nước và tôi biết mẹ đang cố gắng kìm nén cơn thổn thức. Sau đó, bà lặng lẽ kéo tôi vào lòng và ôm tôi thật chặt.
Chúng tôi phải sống trong lều gần hai tuần lễ cho đến khi cơn lũ qua đi. Sau khi nước rút, gia đình tôi không quay về nhà cũ mà chuyển đến một ngôi nhà mới ở Cincinnati, một nơi cao ráo và cách xa các con sông. Đến cuối tháng Ba, chúng tôi đã thu xếp mọi việc đâu vào đó và vào ngày lễ Phục Sinh năm ấy, mẹ tôi quyết định tổ chức một buổi tiệc mừng. Chúng tôi cùng nhau cầu nguyện rồi mẹ vào bếp và mang ra chiếc gàu rót nước sốt của mình. Bà đặt chiếc gàu lên phần bàn ngay cạnh mình và mỉm cười với tôi. Ngay giây phút đó, tôi đã thầm hứa sẽ luôn bảo vệ chiếc gàu ấy vẹn nguyên.
Và tôi đã giữ được lời hứa của mình. Giờ đây mỗi lần tôi dùng chiếc gàu trong các bữa tiệc, khách khứa lúc nào cũng tò mò về nguồn gốc món đồ cũ và tôi thường kể lại câu chuyện về kỷ vật đặc biệt này cho mọi người. Thế nhưng, tôi chỉ có thể nói về cơn lũ lớn chứ không sao diễn tả được mối liên hệ sâu sắc giữa tôi và những kỷ niệm thân thương trong quá khứ mà tôi có được thông qua kho báu nho nhỏ này. Đây không chỉ là một món đồ mà còn là một mối liên hệ quý giá. Chính món đồ sứ cũ kỹ và sứt mẻ này đã kết nối tôi và mẹ, đã giúp tôi hiểu được tấm lòng, niềm vui và tình yêu thương của mẹ.