F
rank Owen Gehry sinh ra trong một gia đình người Do Thái gốc Ba Lan tại Toronto, Canada, sinh sống và hành nghề tại Mỹ. Bố ông làm nghề buôn bán vật liệu, mẹ là một người yêu âm nhạc. Những đặc điểm gia đình đó sẽ góp phần tạo dựng nên sự nghiệp của ông sau này.
Từ 1949 đến 1951, ông theo học tại trường Đại học Nam California và trường Đại học Los Angeles học thiết kế đô thị tại trường Đại học Harvard từ 1956 đến 1957. Ông nhận giải thưởng Pritzker năm 1989, giải thưởng thường niên danh giá nhất do Quỹ Hyatt tổ chức nhằm vinh danh một kiến trúc sư cùng những đóng góp của họ cho ngành kiến trúc. Vào năm 1999, ông được trao tặng huy chương vàng AIA bởi Hội kiến trúc sư Hoa Kỳ.
Sáng tạo của Gehry đã nâng lên tầm cao của văn hóa kiến trúc, những công trình của ông đã trở thành những điểm du lịch thăm quan nổi tiếng. Nói đến thành công của Frank Gehry, không thể quên khi ông có một thời thơ ấu thật đẹp. Đặc biệt người ông của Gehry đã vun đắp rất nhiều cho tương lai của cậu. Ngay từ nhỏ ông đã khuyến khích Gehry làm những mô hình tòa nhà bằng gỗ đơn giản, từ đó khơi dậy trong Gehry những tri thức đầu tiên về kiến trúc. Tuy vậy, không phải lúc nào ông cũng gắn bó với kiến trúc. Thời gian học đại học Los Angeles, ông từng làm lái xe. Sau khi tốt nghiệp Đại học nam Cali ông tham gia quân ngũ. Khoảng thời gian đó đã cung cấp cho Frank một vốn sống phong phú.
Kiến trúc sư Frank Gehry được biết đến với những công trình nổi tiếng như “Tòa nhà nhảy múa” ở Prague; Cộng hòa Czech; Viện bảo tàng Guggenheim tại thành phố Bilbao, Tây Ban Nha; Phòng hòa nhạc Walt Disney nằm tại trung tâm thành phố Los Angeles bang California, Hoa Kỳ, tòa cao ốc 8 Spruce Street hay tác phẩm Fabrikstrasse 15 với những vật liệu yêu thích như kính và thép trên kết cấu bê tông tăng cường. Tuy nhiên chính căn nhà nhỏ tại thành phố Santa Monica, một thành phố nhỏ ven biển nằm về hướng Tây hạt Los Angeles bang California, mới chính là bước đột phá trong sự nghiệp của người kiến trúc sư tài năng.
Câu chuyện bắt đầu từ trước khi kiến trúc sư Frank Gehry đạt được những thành công trong sự nghiệp của mình, vợ ông, bà Berta đã mua được một ngôi nhà gỗ nhỏ màu hồng tại thành phố Santa Monica vào năm 1978. Sau đó, cảm thấy căn nhà cần một chút thay đổi để làm mới mình, một chút khác lạ để trở nên quan trọng hơn, ông quyết định thiết kế lại ngôi nhà bằng cách bọc chúng với những vật liệu rẻ tiền như ván ép, tôn kim loại và thủy tinh do vào lúc bấy giờ ông vẫn còn là một kiến trúc sư chưa nổi tiếng, điều kiện kinh tế không cho phép ông được bay xa hơn cùng những ý tưởng của mình. Nhưng có lẽ như vậy là quá đủ để ông tạo nên một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, dẫn dắt thị giác người chiêm ngưỡng đi từ sự ngạc nhiên đến phấn khích và không khỏi trầm trồ thán phục.
Điểm nhấn căn nhà trong thiết kế của kiến trúc sư Frank Gehry mang tính đột phá đến từ sự thử nghiệm trong việc sử dụng vật liệu mới, đặc biệt là hàng rào và lớp bao bọc bên ngoài căn nhà gỗ vốn dĩ trước đó vẫn rất quen thuộc và bình thường nằm khiêm tốn giữa khu phố dân cư. Ban đầu, ngôi nhà mới đã vấp phải sự phàn nàn từ những người dân sống xung quanh do nó khác lạ, có lẽ quá khác lạ đến mức làm ảnh hưởng đến cảnh quan chung của cả khu phố. Tuy nhiên chính ngôi nhà nhỏ tại Santa Monica đã tạo nên một bước ngoặt trong ngành kiến trúc sau này. Sách từ vựng về ngành kiến trúc đã giới thiệu về ngôi nhà vào năm 1978 như một sự cân bằng chính xác đến từ từng phần cho đến toàn cảnh, từ sự thô ráp đến tinh tế, giữa cái mới và nét xưa cũ vốn có từ ngôi nhà gỗ màu hồng - chính căn nhà nhỏ ấy đã trở thành nguồn cảm hứng cho một thế hệ các kiến trúc sư sau đó tại Los Angeles cũng như toàn nước Mỹ.
Ngôi nhà giúp đặt nền tảng khi biến Los Angeles trở thành thành phố sôi động nhất nước Mỹ trong quá trình đổi mới với nhiều xu hướng kiến trúc táo bạo. Chính ngôi nhà đã thực sự nâng danh tiếng kiến trúc sư Frank Gehry lên một tầm cao mới, giúp ông lưu lại những dấu ấn của mình cùng nhiều tuyệt tác nghệ thuật hơn cho ngành kiến trúc không chỉ tại đất nước Hoa Kỳ mà còn trên thế giới.
Căn nhà ở Santa Monica và hầu hết thiết kế của Gehry là ví dụ cho phong cách thiết kế Giải tỏa kết cấu, một thiết kế kiến trúc kiểu mẫu đồng thời lại phá vỡ những ý tưởng hình khối chỉ biết tuân theo những nguyên tắc cứng nhắc trong chủ nghĩa hiện đại.
Gehry được biết đến bởi khả năng sử dụng những loại vật liệu mới cực kì tốt, qua đó thể hiện được triết lý thiết kế của ông. Những tấm kim loại uốn lượn trong việc chọn vật liệu của ông đã góp phần thể hiện thẩm mỹ kiến trúc về một sự dở dang và thô ráp. Chính sự kiên định trong thẩm mỹ kiến trúc đã làm thiết kế của ông vô cùng đặc biệt và dễ dàng nhận ra.
Thuở thiếu thời ông thường được bạn bè gọi vui là “Cá”, và chính biệt danh này đã đi theo vào các kiến trúc của ông sau này, thiết kế của ông luôn có một sự uốn lượn và uyển chuyển rất tinh tế của một con cá đang bơi lượn dưới nước, tạo cảm giác rất mượt mà và không hề khô cứng từ các chất liệu, vật liệu làm ra chúng mang lại. Ông còn có rất nhiều tác phẩm điêu khắc, trang sức cũng như kiến trúc liên quan đến loài Cá.
Gehry được tạp chí Vanity Fair bình chọn là “kiến trúc sư quan trọng nhất của thời đại” và theo kết quả cuộc thăm dò kiến trúc thế giới năm 2010, các thiết kế của ông được đánh giá là “những tác phẩm kiến trúc đương đại quan trọng nhất”.
Đôi khi Gehry gây tranh cãi với những bản thiết kế của mình. Ông được mệnh danh là “Picasso của kiến trúc” với tính can đảm và cách sử dụng các chất liệu không theo một quy ước nào.
Tuy nhiên, yếu tố gây sốc không phải là mục đích chính trong các bản thiết kế của ông. Mới đây, khi được phóng viên tờ Nanfang Weekly hỏi, ông cảm thấy điều gì là khó khăn nhất khi tham gia dự án thiết kế Bảo tàng Nghệ thuật Trung Quốc, Gehry trả lời: “Tôi luôn cho rằng một bản thiết kế có thể cùng lúc phản ánh được ý tưởng của khách hàng và của người thiết kế còn quan trọng hơn cả sự tác động về thị giác. Trong quá trình chỉnh sửa bản thiết kế, tôi hoan nghênh những yêu cầu và những gợi ý mang tính đặc trưng hơn, luôn hướng tới một sự nhất trí chung. Mỗi tác phẩm tôi thiết kế đều rất độc đáo nhờ có sự phối hợp với khách hàng”.
Gehry từng được biết đến ở Trung Quốc với dự án nhà ở Trung Quốc mang tên “Opus Hong Kong”. Ông đã bỏ nhiều công sức nghiên cứu về Trung Quốc và Bắc Kinh cho dự án bảo tàng mới.
Với bản thiết kế “Bảo tàng nghệ thuật Quốc gia Trung Quốc”, Gehry cố gắng thể hiện cả tính nghệ thuật và tính thực tiễn. Gehry đang nỗ lực để hiểu và tiếp thu được các yếu tố văn hóa trong kiến trúc truyền thống Trung Hoa, để có thể đưa được một khái niệm mới vào bảo tàng nghệ thuật này.
“Tạo một chỗ thoải mái để khách tham quan đứng xếp hàng mua vé vào cửa là rất quan trọng. Điều đó có nghĩa rằng họ sẽ không phải đợi trong cái gió rét của mùa Đông hay thời tiết nóng nực oi bức của mùa Hè. Trong quá trình thiết kế, tôi sẽ làm việc với một chuyên gia về năng lượng xanh và sử dụng các công nghệ xanh để điều chỉnh nhiệt độ trong phòng” - Gehry cho biết.
Giải thích về những đường cong và nếp gấp trên thiết kế của tòa nhà mới ông cho rằng: “Những nếp gấp là thứ nguyên thủy, cho ta cảm giác khi ta là đứa trẻ trong vòng tay của mẹ và chúng tôi cố gắng tái tạo điều đó với gạch.”
Ông mang lại cho thế giới nhiều tuyệt tác quyến rũ bởi những đường cong mềm mại, uốn lượn, chính ông, người đã thổi hồn vào những công trình khô cứng, biến chúng thành những tác phẩm nghệ thuật thật sự đối với ngành kiến trúc đương đại. Chiêm ngưỡng công trình do kiến trúc sư Gehry thiết kế, người xem luôn được trải nghiệm sự phấn khích, ngạc nhiên xen lẫn một chút cảm giác hụt hẫng, mất cân đối một cách liên tục đến từ những thiết kế phá cách, bố cục công trình dường như hoàn toàn xem nhẹ các tiêu chuẩn truyền thống và được kết nối cùng nhau bởi những đường cong ngẫu hứng xuyên suốt toàn bộ công trình.
Một số công trình tạo nên điểm nhấn của Gehry
Nằm trên đại lộ South Grand thuộc khu trung tâm thành phố Los Angeles, bang California là Phòng hòa nhạc Walt Disney. Phòng hòa nhạc là tổ hợp gồm ba khán phòng, đây là một công trình dành cho các hoạt động nghệ thuật với lối kiến trúc vô cùng quyến rũ.
Ấn tượng đầu tiên tấn công thị giác du khách khi chiêm ngưỡng Phòng hòa nhạc Walt Disney là thiết kế phức tạp và chói lòa dưới ánh nắng ban ngày do kết cấu bên ngoài chủ yếu được làm từ thép không gỉ, bề mặt có độ bóng cao như một tấm gương mờ. Mang hình dáng một chiếc thuyền khổng lồ với những cánh buồm no gió, công trình như con thuyền khổng lồ đang băng băng xẻ dọc khu vực trung tâm thành phố Los Angeles sầm uất. Các đường vặn xoắn, những đường uốn lượn bên cạnh thiết kế ấn tượng như chơi đùa cùng ánh sáng một cách thông minh, tất cả làm nổi bật lên công trình phòng hòa nhạc rực rỡ. Thiết kế không chỉ gây kinh ngạc từ hình dáng bên ngoài mà nội thất bên trong phòng hòa nhạc Walt Disney cũng được trau chuốt đến từng chi tiết. Trong khi tường và trần khán phòng được làm từ gỗ linh sam thì sàn phòng được làm bằng gỗ Sồi giúp cung cấp một môi trường âm thanh lý tưởng, tuyệt vời đến người thưởng thức. Khán phòng hòa nhạc chính với sức chứa 2.265 chỗ ngồi được thiết kế có độ dốc cao, các dãy ghế ôm sát lấy sân khấu như cố gắng kéo khán giả đến gần hơn với sân khấu, thậm chí ở một số dãy ghế, khán giả dường như có thể thưởng thức âm nhạc theo từng động tác từ các nhạc công đang biểu diễn bên trên sân khấu. Điểm nhấn nổi bật nhất khi chiêm ngưỡng sân khấu phòng hòa nhạc Walt Disney chính là chiếc đàn organ cùng những chiếc ống hình vuông được sắp xếp không ngay ngắn, khéo léo đan xen vào nhau một cách tinh tế vươn cao đến trần khán phòng. Là một món quà từ công ty Toyota chi nhánh tại Mỹ dành tặng quận Los Angeles, cây đàn organ được tạo nên bởi nghệ nhân chuyên chế tạo đàn organ ống người Đức Caspar Glatter-Götz dưới sự giám sát âm thanh từ Manuel Rosales và do kiến trúc sư Frank Gehry thiết kế. Cây đàn Organ có đến 6.125 ống với nhiều kích thước khác nhau, chiếc ống dài nhất cao 9,25m. Kiến trúc sư Frank Gehry là người được chọn để thiết kế phòng hòa nhạc Walt Disney. Tuy nhiên, để cụ thể hóa ý tưởng thiết kế nên công trình mang dáng dấp của một tác phẩm nghệ thuật trong kích thước khổng lồ kiến trúc sư Frank Gehry đã phải mất đến 3 năm, ông hoàn thành bản thiết kế chính thức vào năm 1991. Bên cạnh đó, công trình cũng bị chậm tiến độ một thời gian dài do quỹ xây dựng không đáp ứng đủ tiền cho dù đã nhận được rất nhiều sự giúp đỡ từ chính quyền thành phố Los Angeles, chính vì điều này, chi phí xây dựng phòng hòa nhạc Walt Disney đã vượt xa chi phí ước tính ban đầu khi xây dựng xong. Công trình hoàn thành vào mùa xuân năm 2003 với tổng chi phí lên đến 274 triệu USD, trong đó riêng hạng mục bãi đỗ xe ngầm bên dưới phòng hòa nhạc đã lên đến 110 triệu USD. Phần chi phí còn lại được lấy từ quỹ xây dựng mà bản thân bà Lillian Disney và con gái bà đóng góp sau đó đã hơn số tiền dự định ban đầu lên thành trên 100 triệu USD.
Tuy là người có đóng góp vô cùng lớn trong việc xây dựng nên Phòng hòa nhạc Walt Disney ngày nay nhưng bà Lillian đã không kịp có dịp chiêm ngưỡng ngày công trình được hoàn thành, bà mất năm 1997 ở tuổi 98. Để tưởng nhớ đến những đóng góp của bà, kiến trúc sư Frank Gehry đã thiết kế một bông hoa sen từ những mảnh gốm nằm trong khu vườn ở tầng ba công trình Phòng hòa nhạc Walt Disney.
Spruce Street
Ghi dấu ấn nổi bật tại thành phố lớn nhất bờ Tây Hoa Kỳ với công trình Phòng hòa nhạc Walt Disney, kiến trúc sư tài hoa Frank Gehry cũng đồng thời khắc tên mình lên một tác phẩm không kém phần nổi bật ở bờ Đông, tòa cao ốc 8 Spruce Street. Được thiết kế theo lối kiến trúc Deconstructivism, trường phái kiến trúc mà kiến trúc sư Frank Gehry theo đuổi trong suốt sự nghiệp và dường như ông luôn tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tạo cho riêng mình cùng lối kiến trúc nơi ông có thể tạo nên những công trình với mặt tiền luôn tạo nên chất kích thích, lôi cuốn đến khó dự đoán cùng sự hỗn loạn mang đầy tính sắp đặt.
Tòa cao ốc được biết đến với tên gọi cũ là Beekman Tower cao 76 tầng, không khó để nhận ra sự nổi bật của công trình từ bất cứ nơi đâu tại New York. Tòa cao ốc không chỉ được chú ý bởi chiều cao nổi trội so với các công trình xung quanh mà nó còn cuốn hút lấy bất cứ ánh mắt nào vô tình lướt qua. Mặt ngoài tòa cao ốc 8 Spruce Street được ốp 10.500 tấm nhôm đơn lẻ và gần như tất cả đều có hình dáng khác nhau để tạo nên một bề mặt ngoài uốn lượn như những con sóng rồi đột ngột gấp khúc thành những đường cong nhô hẳn lên chạy suốt dọc các khối nhà của công trình. Tòa nhà với bề mặt thay đổi liên tục thật sự như một đòn tấn công vào những chuẩn mực vốn có từ các công trình xung quanh. Tòa cao ốc như càng nổi bật hơn tất cả các công trình ấy trên nền trời bởi chất liệu bóng mờ cùng màu xám sáng mà các tấm nhôm đem đến, đặc biệt là vào những ngày ánh nắng chói chang tràn ngập thành phố New York. Nhờ vào phương pháp thiết kế trên máy vi tính, kỹ thuật đã từng được kiến trúc sư Frank Gehry sử dụng trong quá trình thiết kế Bảo tàng Guggenheim tại thành phố Bilbao, Tây Ban Nha hơn một thập kỷ trước đó, chính phương pháp này đã giúp ông có khả năng thiết kế nên các tấm nhôm gần như khác nhau với mức chi phí hợp lý. Có lẽ chi tiết kém màu sắc nhất trong toàn bộ thiết kế của kiến trúc sư Gehry chính là khối tầng trệt cao sáu tầng dành cho một trường học công lập cùng khoảng không gian rộng 2.300 m² dành cho bệnh viện Trung tâm New York. Nằm sau bức tường gạch màu cam với những khung cửa sổ bằng thép nặng nề, năm tầng của tòa nhà dành cho trường học dễ làm chúng ta liên tưởng đến một nhà máy cũ kỹ vừa được chuyển đổi mục đích sử dụng. Ông cũng không phải là kiến trúc sư thiết kế phần nội thất cho khối trường học và bệnh viện này. Khác hẳn với dáng vẻ xù xì và nặng nề bên dưới, khối nhà căn hộ bên trên dường như được thiết kế nên chỉ để tôn vinh những giá trị tinh tế nhất từ trường phái kiến trúc mà kiến trúc sư Frank Gehry đã theo đuổi suốt cuộc đời mình. Ý tưởng của ông không chỉ được thể hiện trên mặt ngoài của công trình mà phong cách ấy còn được thổi hồn vào cách ông thiết kế nội thất làm toát lên chất phóng khoáng, tạo nên sự phấn khích khó dự đoán theo từng bước chân thực khách tham quan bằng việc sử dụng rất nhiều những đường cong mềm mại uốn lượn tự do chạy dài liên tục. Dường như chính bề mặt gợn sóng và liên tục thay đổi hình dạng của tòa nhà đã hình thành những ô không gian, nơi tạo nên cảm giác thân thiện pha lẫn chút khác lạ bên mỗi bậu cửa sổ các căn hộ, chính điều này đã tạo ra những ô không gian khác nhau bên mỗi ô cửa sổ trong từng căn hộ.
Thiết kế của kiến trúc sư Frank Gehry đã được người dân New York dành nhiều tình cảm và gọi trìu mến với tên gọi Tòa tháp Tự do (Freedom Tower) trong suốt quá trình xây dựng, cái tên như gửi gắm mong muốn công trình sẽ trở thành một biểu tượng đại diện cho niềm kiêu hãnh của đất nước Hoa Kỳ.