L
e Corbusier là người tiên phong của trào lưu kiến trúc hiện đại, là kiến trúc sư có ảnh hưởng lớn nhất đối với kiến trúc thế giới trong giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX. Những tác phẩm và cống hiến lớn lao của ông trong sự nghiệp kiến trúc đã đưa ông tới tầm cỡ quốc tế và trở thành một trong những người tiêu biểu nhất của nhân loại trong thế kỷ XX.
Le Corbusier có tên trên khai sinh là Charles-Edouard Jeanneret, sinh tại một thị trấn nhỏ tại Neuchâtel ở vùng phía Bắc của Thụy Sĩ, giáp giới với nước Pháp. Thời trẻ, Le Corbusier theo học tại trường thủ công mỹ nghệ tại địa phương, dưới sự hướng dẫn của Charles L'Éplattenier người đã từng du học tại Budapest và Paris, các trung tâm nghệ thuật thời bấy giờ. Thời điểm đó, Le Corbusier đã bộc lộ rõ hứng thú nghiên cứu về cấu trúc hình học của các đối tượng cũng như việc ứng dụng kĩ thuật vào nghệ thuật.
Công trình đầu tiên của ông là biệt thự Fallet, biệt thự Schowb, biệt thự Jeanneret ở vùng núi La Chaux de Fonds đã thể hiện những giải pháp sáng tạo ở việc xử lí các chi tiết kỹ thuật. Những công trình đã sử dụng tài tình những ngôn ngữ của kiến trúc bản địa vùng núi Alps. Các công trình này dần dần đã thể hiện bước tiến trong tư duy về không gian kiến trúc với việc đơn giản hóa hình khối trong kiến trúc.
Mong muốn khám phá đã thúc đẩy Le Corbusier rời quê nhà đi du lịch vòng quanh châu Âu. Năm 1907, Le Corbusier đến Paris và làm việc cho kiến trúc sư Auguste Perret, bậc thầy về sử dụng bê tông của kiến trúc Pháp giai đoạn đó. Từ tháng 10 năm 1910 đến tháng 3 năm 1911, Le Corbusier làm việc cho văn phòng của kiến trúc sư Peter Behrens, nhà tiên phong của kiến trúc hiện đại ở Đức ở Berlin. Tại đây ông đã gặp kiến trúc sư trẻ Ludwig Mies van der Rohe. Những sự kiện này đã có ảnh hưởng rõ rệt trong sự nghiệp của ông sau này. Vào cuối năm 1911, Le Corbusier đi du lịch các nước vùng Balkans, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông đã ký họa rất nhiều những gì ông nhìn thấy trong chuyến du lịch của mình, bao gồm những công trình nổi tiếng như đền Parthenon ở khu Acropolis (Athena, Hy Lạp). Những công trình mà sau này ông tán dương trong tác phẩm “Hướng về một nền kiến trúc”.
Năm 20 tuổi, ông bắt đầu một chuyến du học qua nhiều nước như Ý, Pháp, Đức... Đây là một bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển nhận thức của ông, bởi ông đã học được nhiều điều qua chuyến đi này. Ở Ý và Pháp, lần đầu tiên nhìn thấy những kiệt tác kiến trúc và nghệ thuật, ông say sưa ký họa và vẽ lại các chi tiết của nhiều công trình kiến trúc, đặc biệt là những chi tiết kiến trúc thới tiền Phục hưng. Qua nghiên cứu ông xác nhận rằng, các nguyên tắc mang tính lý thuyết của các công trình nổi tiếng, được áp dụng theo một cấu trúc logic, phát triển từ hình học cơ bản, đồng thời ông phát hiện về khả năng xuất hiện các công nghệ mới trong kỹ thuật xây dựng.
Sang Đức, Jeanneret đã học được rất nhiều, đặc biệt là quan điểm theo lối thiết kế công nghiệp. Qua khảo cứu, ông nhận định rằng Chủ nghĩa duy lý trong kiến trúc Đức thiếu cảm xúc, không có sự cảm nhận như ở các công trình mà ông đã thấy tại Ý. Ông tin tưởng một điều rằng ngôn ngữ kiến trúc mới sẽ có thể tìm thấy khi hiểu rõ các công trình vĩ đại được xây dựng trong các đô thị cổ ở phía đông vùng Địa Trung Hải. Vì vậy ông quyết định tiếp tục cuộc hành trình sang phía đông tới Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ, qua đền thờ Parthenon (Hy Lạp), và các nhà thờ Hồi giáo (Thổ Nhĩ Kỳ) ông hiểu được các nguyên tắc kiến trúc cơ bản đó là: hình thức kiến trúc của công trình phải phù hợp với từng vị trí, cảnh quan cụ thể, hình thái không gian được tạo thành dựa trên các nguyên tắc tổ hợp hình học cơ bản theo các trục, và hiệu quả ánh sáng. Ông tin rằng sản phẩm do con người tạo ra sẽ thật tuyệt vời khi nó phản chiếu sự hài hòa khả năng giữa con người, thiên nhiên và vũ trụ. Hành trình sang phía đông là bước tiến quan trọng củng cố các quan điểm, nhận biết các nhân tố chính chắp cánh cho tư duy thiết kế của Jeanneret.
Ông đã có biến đổi lớn trong tư duy sáng tác, khi thiết kế cho bố mình Villa Jeanneret - 1912 và sau đó là Villa Favre - 1912. Ở các công trình này ông sử dụng các khối hình học cần thiết trong sáng, quan tâm hơn tới sự biến đổi không gian bên trong và bên ngoài ngôi nhà, kiểm soát chúng theo chiều chuyển động, cách tạo không gian và tiếp cận tới công trình, đó là những điều ông học được ở Acropolis. Ông đã sử dụng không gian của tầng trệt ở Villa Jeanneret một cách linh hoạt, tạo ra không gian mở, bằng cách sử dụng bốn cột bê tông cốt thép để đỡ các tấm sàn bê tông - đó chính là tiền đề cho các nguyên tắc thiết kế của ông những năm 20 thế kỷ XX.
Hiệu quả ánh sáng và sự phối hợp giữa không gian theo phương ngang và đứng học được từ tòa giáo đường Constantinople đã giúp ông trong khi thiết kế Villa Schwob - 1916 mà chúng ta có thể quan sát qua những đường nét và hình khối của ngôi nhà. Ông thôi không tư duy theo lý thuyết của Ruskin trong việc xử lý các chi tiết và chú trọng tới mặt đứng. Với ý tưởng mới: lấy không gian bên trong làm cơ sở để tạo nên không gian bên ngoài, ông đã giải quyết các mối quan hệ không gian một cách khéo léo hơn, ở đây hình thức thể hiện công năng chính là cơ sở của chủ nghĩa công năng cho các sáng tạo sau này của ông.
Năm 1918 sau khi hoàn thành biệt thự Villa Schwob, Jeanneret đã quyết định rời thành phố La Chauxde - Fonds để tới Paris, kết thúc quãng đời học tập của mình. Tại đây, ông đã hợp tác với Amedee Ozenfant và quyết định hướng đi cho mình trong những thập kỷ sau, kể từ đây sự nghiệp sáng tác của ông đã bước sang một trang mới...
Với ông, trước khi trở thành hình khối, công trình kiến trúc trước hết phải là một không gian để sống, được nhìn nhận theo công năng trong con mắt người sử dụng nó. Đây chính là sự quan tâm đến mức khắc khoải giữa nghệ thuật và nhân sinh trong cuộc đời sáng tạo kiến trúc của ông. Người ta còn nhắc lại một câu chuyện nhỏ, đời thường về ông, khi ông xây dựng khu chung cư ở Marseille. Ông hỏi ông André Wongensky - tổng công trình sư và là cộng sự với ông: “Thế liệu những người sống ở đó có sung sướng không?” Phần thưởng dành cho ông là câu trả lời của người dân ở khu này: “Họ cảm thấy sung sướng, và sẽ luôn sống ở đó, nếu họ có dời đi nơi khác, họ luôn nhớ để quay về”.
Bởi lẽ, trong việc tổ chức không gian, Le Corbusier còn có một cái gì cao hơn là một khối thực thể vật chất, đó là một tâm hồn của riêng ông dành cho con người. Le Corbusier mãi mãi xứng đáng là một nhà kiến trúc, nhà thiết kế đô thị, một nghệ sĩ tài năng thực thụ, một tâm hồn thơ, cộng với một cảm quan sáng tạo nghệ thuật…
Trong Chiến tranh thế giới I, Le Corbusier giảng dạy tại trường học cũ của ông tại La-Chaux-de-Fonds. Trong thời kì này, ông tiến hành các nghiên cứu về lý thuyết kiến trúc với kỹ thuật hiện đại. Một trong số đó là hệ thống nhà Domino trong giai đoạn 1914 - 1915 với hy vọng đáp ứng cho việc xây dựng công nghiệp sau chiến tranh.
Đồ án này đề xuất một hệ thống sàn bê tông lắp ghép với các cột xung quanh, với các nút giao thông đứng được bố trí bên cạnh. Đây là một hệ thống không gian mở và linh hoạt. Đồ án này trở thành nền tảng cho hầu hết các công trình của ông trong vòng 10 năm sau đó. Sau khi chiến tranh kết thúc, ông quay lại Paris, cộng tác với người em họ là Pierre Jeanneret mở một hãng thiết kế hoạt động đến năm 1940.
Le Courbusier ngoài việc xây dựng một nền kiến trúc mới chống lại phái hàn lâm kinh viện, đã coi quy hoạch đô thị là một công việc có tầm quan trọng chiến lược, sống còn đối với văn minh nhân loại. Ông coi “quy hoạch đô thị là chìa khóa” để giải quyết mọi vấn đề kiến trúc xây dựng. Le Courbusier là tác giả của các phương án thành phố ba triệu dân, phương án cải tạo trung tâm Paris và nhiều phương án quy hoạch các đô thị nhiều nước trên thế giới.
Mô hình thành phố ba triệu dân được Le Courbusier đưa ra vào năm 1922. Ông phê phán kiểu xây dựng hỗn loạn vô chính phủ hiện tại, muốn thực hiện một cách xây dựng có quy luật, có trật tự, chủ trương xây dựng hàng loạt, xây dựng công nghiệp hóa. Mô hình này được thử nghiệm tại Paris, áp dụng khái niệm về mối quan hệ giữa công trình và môi trường. Mô hình chú trọng đến quan hệ hợp lý giữa giao thông với khu sản xuất, khu nhà ở.
Mô hình Thành phố ba triệu dân có dạng một hình chữ nhật lớn, có những trục giao thông chính và phụ đan nhau 90° hoặc 45°. Ở giữa trung tâm thành phố rộng lớn 350 ha là khu vực làm việc, dịch vụ với 24 nhà chọc trời cao 66 tầng, mỗi nhà cho 3000 dân, đặt cách nhau 150 mét. Mật độ cư trú là 300 người/ha, mật độ xây dựng 5%. Bao quanh khu nhà này là khu ở đầy cây xanh dành cho 400 - 600 nghìn người với các nhà cao tầng. Ngoài cùng là khu ở kiểu sân vườn với hai triệu dân.
Các khu công nghiệp, các thị trấn - vườn được đặt ở ngoại vi. Giao thông được phân cấp, tách rời giữa đường đi bộ và đường cho xe cơ giới, có bảy loại đường giao thông để giảm khoảng cách đi lại tối thiểu.
Thành phố có hai trục giao thông chính thẳng góc với nhau tạo thành hai trục quy hoạch cắt nhau ở trung tâm đô thị, mỗi trục rộng 180 mét. Nhà ga chính đặt ở trung tâm với hệ thống giao thông cả trên và dưới mặt đất.
Le Corbusier bắt đầu thiết kế đồ nội thất từ năm 1928 sau khi mời kiến trúc sư Charlotte Perriand tham dự vào xưởng thiết kế của ông. Người anh em họ của ông là Jeanneret cũng cộng tác trong nhiều thiết kế. Tư tưởng về kiến trúc của Le Corbusier có ảnh hưởng đến nhiều kiến trúc sư hiện đại sau này như Richard Meier, Ando Tadao, Mario Botta.
Một số công trình tạo nên điểm nhấn của Le Corbusier
Đối với những ai đã từng tham quan nhà nguyện Notre Dame du Haut của Le Corbusier ở Ronchamp, không có sự kết hợp nào giữa nội dung và hình ảnh có thể sánh với xúc cảm mãnh liệt trong tinh thần, như thể có ma lực toát ra từ công trình. Nhà nguyện mặc dù khiêm tốn nhất nhưng phi thường này tổng hợp nhiều ảnh hưởng hiện hữu trong kiến trúc sau Đại chiến thế giới thứ II của Le Corbusier, cho thấy tính chất nhạy cảm đối với địa điểm xây dựng ít biểu hiện rõ hơn phần lớn công trình do ông thi công ở đô thị tham quan thuận tiện. Nhà nguyện cũng quan trọng không kém như một chứng minh đáng kể cho nỗ lực của cha dòng Đa minh Alain Couturier nhằm thuyết phục giáo sỹ đồng môn vực dậy nghệ thuật Giáo hội thông qua việc đặt hàng cho những kiến trúc sư và nghệ sỹ hiện đại tài năng nhất.
Nhà thờ Ronchamp
Tọa lạc trên một đỉnh đồi nổi bật, cách ngôi làng Jura nguyên quán của Le Corbusier không xa, đầu tiên những người thờ thần Mặt trời đến đây thờ cúng, kế đến là người La Mã, và sau cùng từ thời trung cổ là nhà thờ của người hành hương lập nên để thờ Đức mẹ Maria đồng trinh. Le Corbusier xác định vị trí xây dựng ngay lập tức và dần dần chấp nhận hình dạng chung mà trợ lý André Maisonnier chắt lọc và vẽ chi tiết.
Một toán thợ vài người dưới sự chỉ huy của Maisonnier xây dựng nhà nguyện phần lớn bằng thủ công với sự chỉ đạo cá nhân thường xuyên của Le Corbusier. Tính chất tự phát khi xây dựng phản ánh mật thiết với việc sáng tạo một tác phẩm điêu khắc hơn là một công trình kiến trúc quyết định trước.
Nếu nhìn từ xa, công trình có vẻ như vươn cao từ đỉnh đồi. Khi từ ngôi làng phía dưới tiến đến gần, hình dáng điêu khắc của nhà nguyện dần dần lộ ra với sự đáng kinh ngạc, không có lúc nào khách tham quan đánh mất cảm xúc khám phá và ngạc nhiên. Lý do giải thích cảm giác cả kịch tính lẫn hài hòa chắc hẳn rất phức tạp, nhưng có lẽ phát sinh từ sự tận tụy của kiến trúc sư trong thiết kế từng chi tiết sau cùng.
Sự hài hòa gắn liền với thực tế tỷ lệ tổng thể, hoa văn trên sàn, kích thước cửa sổ và không gian - mọi chiều - xuất phát từ hệ thống đo đạc theo tỷ lệ Modulor dựa trên phép nhân kích thước con người và ứng dụng mặt cắt vàng do chính Le Corbusier phát triển. Cảm giác phát hiện được duy trì qua sự phát triển tinh tế các hình dạng lõm, lồi, kết cấu thô và nhẵn.
Ba tường cong có hai mục đích: hình thành các khoảng không gian bên ngoài và bên trong thể hiện một công trình điêu khắc tầm cỡ, trong khi vẫn tạo cho toàn bộ nhà nguyện tính ổn định về cấu trúc, cho phép mái nhà và ba tháp nhà nguyện phần lớn tự chịu lực cho chính mình. Mỗi vách trong số 3 vách cấu trúc hình thành bằng các panel bê tông và lớp chèn trong khối xây (bằng đá lấy từ nhà nguyện trước) sau đó phủ lên bằng lưới kim loại và phun bê tông. Mỗi vách đều có một kết cấu khác nhau, tăng thêm sự rọi sáng vào nhà nguyện suốt cả ngày.
Mái bê tông đồ sộ, người ta thường nghĩ đã lấy cảm hứng từ hình dáng của chiếc móng ngựa, mà kiến trúc sư thán phục, thể hiện trong thực tế là lớp vỏ bê tông trọng lượng nhẹ, liên tưởng đến cánh máy bay ở mặt cắt ngang. Phép loại suy sau cùng có vẻ thích hợp khi mái nhà thực ra là “chiếc thuyền” đang trôi về mặt tiền phía Đông và Nam. Những gối tựa rất nhỏ, từ bên ngoài không nhìn thấy do giấu trong bóng tối, từ bên trong cũng không nhìn rõ do dải ánh sáng rực rỡ ở chỗ mái và tường giao nhau, tạo ấn tượng mái nhà đồ sộ đang đe dọa đến các tường độc lập. Le Corbusier cũng sử dụng chi tiết này ở La Tourette.
Mặt tiền phía Đông gồm một bàn thờ lộ thiên, bục giảng kinh và chỗ ca đoàn giấu vào mái nhà nhô ra để phục vụ đám đông tín đồ hành hương, phân cấp mặt bằng tạo cho vạt cỏ phía đông có cấu hình đài vòng. Tượng Đức mẹ Maria đồng trinh của nhà nguyện trước đặt trong hốc tường có thể nhìn thấy từ cả bên trong lẫn bên ngoài.
Quay mặt về hướng Nam là tường ánh sáng đặc biệt - một vách tường xây đá đồ sộ dày từ 1,5 đến 4,5m; cong trong sơ đồ và nhỏ dần trong mặt cắt ngang. Đặt trong tường đá có trát vữa là những khoảng trống do Modulor quyết định, phần kính màu do Le Corbusier lắp, cửa ra vào lớn phía Nam để rước lễ bằng sắt tráng men chịu nhiệt cũng do Le Corbusier thiết kế.
Công trình cũng là một đồng hồ mặt trời khổng lồ với sự tập hợp phong phú các kết cấu, góc cạnh, hình dạng và hốc tường ghi lại chính xác sự trôi qua của thời gian. Sự chuyển tiếp tia nắng mặt trời qua các góc cạnh thô thiển ở “mũi thuyền” phía Đông Nam sang vách ánh sáng phía Nam có vẻ như kéo dài vô tận. Từ lúc tinh mơ đến khi tối trời, công trình vẫn luôn thu hút sự chú ý của khách tham quan, liên tục thay đổi hình dáng và đặc điểm.
Sự phối hợp hài hòa giữa ánh sáng và bóng tối thật kỳ thú tiếp tục diễn ra trong nội thất, nơi một bầu không khí đang thay đổi do tháp ánh sáng tạo ra với nhiều hướng khác nhau xác định thời gian thích hợp trong ngày nên sử dụng nhà nguyện nào trong số ba nhà nguyện. Mái bê tông xù xì, chắn sáng, đá mượt mà lót nền, gỗ đẽo thô thiển làm băng ghế, cửa sổ lắp kính màu và cửa ra vào tráng men chịu nhiệt, tất cả đều kết hợp để tạo ra một bảng màu Palette phong phú giữa vật liệu và kết cấu.
Tác dụng phối hợp của mái treo, vách áng sáng và âm hưởng học đậm đà do các bề mặt cong tạo ra, đã làm cho nhà nguyện trở thành một khung cảnh rất hiện đại, thân mật, tráng lệ, khẳng định khả năng trực giác của Le Corbusier.
Dựa vào “cổ” để phát triển “kim” là sáng tạo của Le Corbusier: Từ số đo nhân trắc học kết hợp và phát triển “tỉ lệ vàng” kiến trúc châu Âu cổ đại, tạo thành hệ Modulor hiện đại, làm kiến trúc gần gũi, tạo môi trường sống thuận tiện cho con người, hài hòa với tự nhiên. Thuận theo tự nhiên là tư duy của Le Corbusier: “Tác phẩm thể hiện quy luật tự nhiên và phục vụ các quy luật đó”.
Nguyên lý tổ hợp các công năng trong một công trình theo mặt bằng tự do được đề xuất từ đầu thế kỷ XX bởi hai kiến trúc sư Le Corbusier và Mies van der Rohe đã là cơ sở cho sự phát triển của kiến trúc xuyên suốt thế kỷ XX cho đến nay.
Kiến trúc sư Le Corbusier tìm tới cấu trúc không gian bởi sự tổ hợp của khối. Ông coi các khối chức năng như những “bộ phận nội tạng” của ngôi nhà. Mỗi bộ phận có thể mang một hình dáng riêng biệt. Điều quan trọng là chúng phải được sắp đặt như thế nào và mối liên hệ giữa chúng ra làm sao. Ngôi biệt thự Villa Savoye được ông thực hiện năm 1929 thể hiện rõ nguyên lý này. Từ khối chính của các tầng cho tới cầu thang, tủ bếp hay tủ tường, tất cả đều đứng biệt lập tách khỏi hệ cột chịu lực và không cùng chung một hình thái.
Quan điểm “kiến trúc hiện đại” của Le Corbusier có thể thâu tóm trong 5 luận điểm nổi tiếng:
Nhà trên cột: tầng một (tầng trệt) của các công trình đều bỏ trống không xây gì chỉ có cột khoảng cách lớn đỡ sàn và mái, để giải phóng tầm nhìn, tạo sự liên tục không gian từ ngoại thất vào nội thất, thường được sử dụng làm chỗ để xe, không gian nghỉ ngơi thoáng đãng.
Vườn trên mái (vườn treo): các diện tích lớn của mái bằng được dùng làm nơi nghỉ ngơi, chỗ chơi của trẻ con, chỗ tập thể dục của người lớn.
Mặt bằng tự do: đây là hệ quả trực tiếp của việc tách biệt rõ bộ phận chịu lực và các vách ngăn che không chịu lực, tạo khả năng tổ chức không gian linh hoạt, mềm dẻo, đa năng, không gian lưu thông, phong phú.
Hình thức cửa sổ băng dài nằm ngang: cột ở đây làm chức năng chịu lực, đủ giải phóng mặt tường tạo cửa sổ suốt bề rộng gian phòng và cửa có thể làm sát mặt trần.
Mặt đứng tự do, do áp dụng kết cấu khung chịu lực nên tường ngoài chỉ là các vách nhẹ tự mang, không hạn chế khả năng trổ lỗ cửa ở bất kỳ vị trí nào, với bất kỳ hình thức nào.