K
enzo Tange sinh ra tại một làng quê nhỏ tại Imabari, đảo Shikoku, Nhật Bản. Bị quyến rũ bởi những bản vẽ của Le Corbusier, ông theo học khoa kiến trúc, Đại học Tokyo.
Năm 1946, Tange trở thành trợ lí giáo sư tại Đại học Tokyo và thành lập xưởng thực nghiệm Tange. Trong số những sinh viên của ông có Maki Fumihiko, Kamiya Koji, Isozaki Arata, Kurokawa Kisho và Taneo Oki.
Năm 1951, Kenzo Tange đã giành chiến thắng trong cuộc thi tái thiết thành phố Hiroshima. Công trình công viên Hòa bình là biểu tượng cho sự hòa bình lâu dài của thành phố. Năm 1959, ông hoàn thành luận án tiến sĩ với đề tài: “Cấu trúc không gian trong một thành phố lớn”. Ông lý giải về một cấu trúc đô thị trên cơ sở những vận động lặp đi lặp lại của con người trong cuộc sống và trong công việc.
Ở tuổi 37, ông bắt đầu nổi tiếng thế giới với tổ hợp Trung tâm Hòa bình Hiroshima, một công trình tưởng niệm thảm họa nguyên tử ngày 6 tháng 8 năm 1945, với ý tưởng tạo ra con đường rộng 100m qua trung tâm thành phố Hiroshima, nối mái vòm “Bom nguyên tử”, “Ngọn lửa Hòa bình”, “Đài tưởng niệm các nạn nhân”, “Sân cầu nguyện” và “Viện bảo tàng”, hình thành đường trục cầu nguyện - một không gian để tưởng nhớ và suy ngẫm.
Quần thể kiến trúc này đã trở thành cốt lõi, linh hồn của thành phố Hiroshima, đồng thời làm cho cả thế giới biết đến kiến trúc hiện đại Nhật Bản và tài năng xuất chúng của Kenzo Tange.
Một công trình được coi là kiệt tác của ông và là một trong những cấu trúc đẹp nhất thế kỷ XX - quần thể công trình Olympic Yoyo ở Tokyo năm 1964. Ông đã khéo kết hợp kết cấu bê tông cốt thép với kết cấu dây căng và mái kim loại để tạo nên một hình khối kiến trúc sinh động. Hai khối nhà bể bơi và cung thể thao đa năng được ông thiết kế như hai cái chong chóng khổng lồ đang quay, xếp ngược chiều nhau làm khấy động thêm bầu không khí của sân vận động.
Từ thập niên 1970, Kenzo Tange được nhiều nước mời thiết kế các công trình trọng điểm, có quy mô lớn, cả kiến trúc lẫn quy hoạch đô thị. Ở Italia, ông đã thiết kế quy hoạch các thành phố Napoli, Bologna, Roma và Milan. Ở Pháp, từ khi Tổng thống Jacques Chirac còn làm thị trưởng Paris, hai ông đã ý hợp tâm đầu đề xuất và thiết kế đồ án cho tả ngạn sông Seine và tổ hợp công trình lớn Grand Ecran ở Paris. Ở các nước Mỹ, Nam Tư (cũ), Algeria, Jordan, Bulgaria, Nigeria, Mexico, Australia... đều có các công trình kiến trúc tuyệt đẹp do Kenzo Tange thiết kế.
Từ đầu năm 1980, trọng tâm của kiến trúc sư Kenzo Tange chuyển sang thiết kế các công trình ở các nước châu Á như Malaysia, Singapore, Trung Quốc... Đặc biệt ở Singapore, sự gắn bó tình bạn thân thiết giữa ông và Thủ tướng Lý Quang Diệu lúc bấy giờ đã làm cho kiến trúc - quy hoạch thành phố Singapore đạt một trình độ lý tưởng. Tiêu biểu là những khối nhà cao tầng ở khu trung tâm thành phố, trong đó có trung tâm O.U.B và trung tâm thương mại U.O.B.
Dự án vịnh Tokyo 1960 dựa trên nền tảng của đề tài “Cấu trúc không gian trong một đô thị lớn” mà Tange từng đề cập trong luận án tiến sĩ năm 1959. Dự án nhận được sự quan tâm rộng rãi trên toàn thế giới vì ý tưởng mới lạ của nó trong việc phát triển thành phố Tokyo ra vịnh, sử dụng các cầu, các hòn đảo nhân tạo, các bến đỗ nổi và các cấu trúc lớn. “Dự án Vịnh Tokyo 1960" được xem là một mẫu mực điển hình cho sự phát triển của học thuyết siêu cấu trúc.
Không chỉ góp phần xây dựng các công trình đô thị tại Nhật Bản, trong những thập niên sau này, Tange Kenzo còn đẩy mạnh hoạt động của ông ở nước ngoài. Kiến trúc sư tài ba này đã tham gia vào các dự án phát triển đô thị tại Macedonia thuộc Nam Tư (cũ). Tange cũng đã từng đặt chân đến châu Phi, hỗ trợ chính quyền Nigeria trong công cuộc kiến thiết diện mạo của thủ đô Abuja.
Năm 1980, Tange đến thành phố Napoli của Italia theo lời mời của chính quyền Rome để giúp thiết kế quy hoạch đô thị tại Napoli và một số thành phố khác. Vào thời điểm này, Napoli chịu áp lực nặng nề trước tình trạng giao thông rối loạn và thường xuyên ách tắc.
Với thiết kế tuyến đường dành cho xe hơi ở bên dưới và khu vực dành cho người đi bộ thoáng đãng, rộng rãi ở bên trên, Tange đã tháo gỡ nút thắt nan giải về vấn đề giao thông kéo dài trong nhiều năm tại Napoli.
Trở lại Nhật Bản vào thời điểm những năm 1960 cũng là lúc quy hoạch đô thị phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lúc bấy giờ, kinh tế Nhật Bản đang trong giai đoạn đầu của sự bùng nổ, do đó, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng rất được chú trọng. Chính quyền quyết định biến Shinjuku thành khu thương mại khổng lồ tại thủ đô Tokyo. Kiến trúc sư Tange Kenzo là người phụ trách đề án xây dựng này.
Đến thập niên 1970, hàng loạt tòa nhà cao tầng với chiều cao khoảng 200 mét mọc lên tại Shinjuku. Khu vực này trở thành trung tâm hành chính và thương mại quan trọng của Tokyo.
Năm 1991, tòa nhà chính quyền Tokyo chính thức được xây dựng hoàn tất theo thiết kế của Tange. Đó là một công trình khổng lồ đại diện cho bộ mặt chính quyền của thành phố năng động bậc nhất thế giới. Cũng giống như những kiến trúc trước đó, tòa nhà chính quyền Tokyo là sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại đồng thời tuân thủ các quy tắc “Biểu tượng - An toàn - Vĩnh cửu” mà Tange đã đề ra trong quá trình xây dựng.
Bên cạnh các kiến trúc dân dụng và đô thị, Tange cũng đã xâm nhập vào lĩnh vực kiến tạo công trình tôn giáo. Nhà thờ Thánh Mary hoàn tất năm 1964 tại thủ đô Tokyo là trải nghiệm duy nhất của ông trên lĩnh vực này.
Tuy là tác phẩm hiếm hoi của Tange liên quan đến tôn giáo nhưng nhà thờ được đánh giá là một trong những kiệt tác kiến trúc. Tange đã thiết kế khéo léo để phần mái bên ngoài nhà thờ trông mềm mại và thanh thoát.
Trước khi bắt tay vào thiết kế đồ án này, Tange đã đi thăm nhiều nhà thờ kiến trúc Gothic thời Trung cổ với đặc trưng là mái vòm. Tuy nhiên, khi ứng dụng vào công trình của mình, Tange đã không hoàn toàn tuân thủ phong cách thiết kế truyền thống đó. Ông thực hiện sự cách tân nhưng vẫn giữ nguyên vẹn sự trang nghiêm.
Ngày nay, nhà thờ Thánh Mary là nơi hành lễ của hàng nghìn tín đồ Thiên chúa giáo ở Tokyo và là một trong những công trình tôn giáo nổi bật nhất của thủ đô. Nhìn từ trên cao, nhà thờ có hình dáng của thập tự giá. Công trình được xây dựng trên nền của nhà thờ cũ bằng gỗ được xây dựng theo kiến trúc Gothic.
Ngày 22 tháng 3 năm 2005, Tange Kenzo qua đời sau một cơn đau tim tại nhà, kết thúc cuộc đời kéo dài 91 năm. Sự ra đi của ông là một mất mát to lớn đối với nền kiến trúc hiện đại Nhật Bản. Trong những giây phút cuối đời, kiến trúc sư tài hoa này vẫn cảm thấy nuối tiếc vì chưa hoàn thành những dự án đã đề ra. Trong suốt sự nghiệp của mình, Tange Kenzo đã thực hiện hơn 300 dự án, nhiều thiết kế trong số đó đã đưa tên tuổi của ông vượt ra ngoài lãnh thổ Nhật Bản để ngày nay, Tange Kenzo là cái tên thường xuyên được giới kiến trúc đề cập đến.
Tange Kenzo là người nổi tiếng nhất và có ảnh hưởng lớn nhất. Ông đã phát triển một phương pháp luận nhằm liên kết các yếu tố truyền thống Nhật với các thành tựu khoa học kỹ thuật trong nghệ thuật kiến trúc và trở nên nổi tiếng qua các tác phẩm kiến trúc. Nhà bảo tàng công viên Hòa bình Hiroshima được hoàn thành vào năm 1949. Tác phẩm này đã sử dụng các vật liệu cốt bằng khung thép, ngoài tòa nhà ốp kính, đặc trưng theo mô típ kiến trúc quốc tế hiện đại nhưng nó vẫn giữ lại được một sự hợp lý với hình thức Nhật Bản truyền thống trong khoảng không gian đạt được của các phòng trong ngôi nhà và không gian ba chiều được rút gọn khỏe khoắn. Đối với sân vận động Quốc gia Yoyogi cực kỳ hiện đại (1963) được xây dựng cho thế vận hội Tokyo năm 1964, Tange đã thiết kế các ngôi nhà thi đấu điền kinh Olymyic với những chất liệu phù điêu khỏe mạnh, theo trường phái kiến trúc Le Corbusier trong nhà thờ Ronchamp ở Pháp. Việc sử dụng những tấm bê tông mái được đúc sẵn và các dây cáp thép kéo căng được mắc vào hai trụ lớn như trong việc xử lý xây dựng chiếc cầu treo mà ông đã thành công trong việc tái tạo lại đường cong của mái ngôi nhà thờ. Với việc hoàn thành tòa văn phòng trung tâm Dentsu (1967) và khu liên hợp trụ sở chính quyền thành phố Tokyo cao 62 tầng ở Shinjuku vào tháng 3 năm 1991, sự nghiệp kiến trúc của Tange đã đạt đến trình độ bậc thầy. Những tòa nhà hình tháp giống như các tháp chuông nhà thờ của khu liên hiệp trụ sở này chiếm vị trí nổi bật, là một vẻ đẹp đặc biệt của trung tâm Tokyo.
Về việc kế thừa di sản truyền thống, Tange Kenzo nói: “Sự từ chối một cách đơn giản những phương pháp học được ở truyền thống là không thực tiễn, nhưng những phương pháp mới phải được tìm tòi, kiến trúc phải được va chạm mặt đối mặt với thực tiễn hiện tại, truyền thống dân tộc là một vòng đá đeo cổ quý giá, nhưng chúng ta phải phá vỡ nó thành những mảnh nhỏ và ghép chúng lại dưới những dạng mới, truyền thống chỉ đóng vai trò của chất xúc tác trong quá trình sáng tác, không hơn không kém”.
Tinh thần đó của các kiến trúc sư Nhật Bản đã giành được sự tán thưởng của mọi người sau chiến tranh thế giới thứ hai, khi những cảm hứng của Tange Kenzo và nhiều người khác bắt nguồn từ kiến trúc gỗ dân gian Nhật Bản được thể hiện vào những công trình kiến trúc giàu sáng tạo, làm xôn xao dư luận Nhật Bản và các nước phương Tây.