S
ophia Vasilevna Kovalevskaia sinh năm 1850 tại khu phố Xrêten cổ kính của kinh đô Matxcơva, nước Nga. Bà sinh ra và lớn lên trong một gia đình quyền quý. Người cha của bà là một quan chức lớn. Mẹ bà là một phụ nữ có học vấn.
Ngay từ khi còn bé, Kovalevskaia đã bị sức hấp dẫn của toán học lôi cuốn. Người chú của bà, Pyotr Vasilievich Krukovsky, một người rất quan tâm đến toán học, đã nói cho Kovalevskaia về những vấn đề của môn toán.
Năm 11 tuổi, các bức tường trong căn phòng của Kovalevskaia dán đầy những bài giảng về phép tính vi phân và tích phân. Việc nghiên cứu các tờ giấy dán tường là bước đầu tiên mà Kovalevskaia đến với các phép toán.
Tuy vậy, ở Nga thời bấy giờ, do Chính phủ Nga hoàng không cho phép bất kỳ phụ nữ nào vào học ở các trường đại học nên Sophia (tên bà hay sử dụng) cũng khó lòng tiếp tục con đường học vấn mà bà mong muốn. Nhưng dưới sự dẫn dắt của gia sư, thầy giáo Malevich, Kovalevskaia đã chính thức đến với nghiên cứu toán học, bà nói: “Tôi cảm thấy sức lôi cuốn của toán học mãnh liệt đến nỗi tôi bắt đầu sao nhãng các môn học khác”. Cha của Kovalevskaia quyết định chấm dứt các bài học về toán của bà, nhưng bà đã mượn được một bản sao cuốn đại số và đọc vào ban đêm, khi cả nhà đã ngủ. Sau đó, giáo sư Tyrtov đã tặng gia đình bà một cuốn sách giáo khoa vật lý do ông viết và Kovalevskaia đã thử đọc nó. Cô không hiểu những công thức lượng giác và cố gắng tự mình giải thích chúng. Tyrtov đã khuyên cha của Kovalevskaia nên khuyến khích bà tiếp tục học toán, nhưng phải mất vài năm sau, ông mới cho phép Kovalevskaia theo học các khóa học riêng. Để theo đuổi con đường nghiên cứu, ngày 15 tháng 9 năm 1868, Sophia phải kết hôn giả với Vladimia Kovalevski tại làng Palibino, một nhà cổ sinh vật học trẻ tuổi, từ đó, bà mang họ chồng Sophia Vasilevna Kovalevskaia.
Chồng của Kovalevskaia là một người làm nghiên cứu, song không mấy thành công. Nhưng nhờ chồng, Kovalevskaia đã có điều kiện để học tập tiếp. Năm 1869, Kovalevskaia cùng chồng sang Đức, đến Heidelberg học toán học và các môn khoa học tự nhiên, nhưng ở đây, các trường đại học cũng không nhận các nữ sinh. Cuối cùng, bà cũng đã thuyết phục được cho nghe các bài giảng một cách không chính thức. Kovalevskaia đã học rất tốt ở đó ba học kỳ. Với khả năng toán học, bà đã nhanh chóng gây sự chú ý của các thầy giáo.
Năm 1870, hai vợ chồng Kovalevskaia chuyển đến Berlin, nhưng trường Đại học Tổng hợp Berlin cũng không cho phụ nữ vào học. Bà phải mời giáo sư Vaiectơrat - một nhà toán học vĩ đại người Đức đến giảng dạy tại nhà. Sự thông minh của Kovalevskaia đã khiến người thầy này rất kinh ngạc. Tuy vậy, trong giới khoa học lúc bấy giờ, bà vẫn chỉ là một người không tên tuổi.
Năm 1873, Kovalevskaia đưa ra công trình nghiên cứu đầu tiên của mình về lý thuyết phương trình vi phân đạo hàm, bổ sung cho công trình của Cauchy trước đây. Từ đó, Kovalevskaia được giới khoa học bắt đầu để ý. Từ đây, “Bài toán Cauchy” - một trong những bài toán cơ bản nhất của lý thuyết phương trình vi phân được gọi tên là “Định lý Cauchy - Kovalevskaia”. Định lý này được đưa vào tất cả các giáo trình cơ bản của môn giải tích toán học. Đây là sự công nhận xứng đáng của giới khoa học đối với Kovalevskaia.
Thành công bước đầu càng thôi thúc Kovalevskaia nghiên cứu khoa học. Năm 1874, bà đã có ba công trình lớn, trong đó có một công trình về thiên văn học: Bổ sung và nhận xét về nghiên cứu hình dáng vành sao Xatuếnơ (Sao Thổ, hành tinh thứ sáu của hệ mặt trời). Công trình này cũng dựa trên cơ sở công trình do Laplace - một nhà thiên văn học người Pháp đã viết trước đó. Kovalevskaia đã nhận được sự giúp đỡ rất lớn của giáo sư Vaiectơrat. Được sự giới thiệu của Vaiectơrat, trường Đại học tổng hợp Gớttingơn đã đồng ý để Kovalevskaia bảo vệ luận án. Bà đã trở thành tiến sĩ triết học của ngành toán tại đây.
Lúc này, tên tuổi của Kovalevskaia đã có chỗ đứng trong giới khoa học châu Âu. Tháng 9 năm 1874, Kovalevskaia cùng chồng trở về Petersburg. Tại đây, họ đã gặp gỡ và làm quen với nhà hóa học nổi tiếng Mendeleev. Những mối quan hệ với các nhà khoa học khác giúp Kovalevskaia tiến bộ nhanh hơn trong con đường nghiên cứu khoa học của mình.
Năm 1878, Kovalevskaia sinh con, nhưng từ năm 1880, bà bắt đầu quay lại với các nghiên cứu toán học của mình. Đối với nước Nga lúc bấy giờ, việc một người phụ nữ làm khoa học là bất bình thường. Với tính cách của Kovalevskaia, các quan chức của Nga hoàng lại càng khó chấp nhận bà. Chính vì điều này mà sự nghiệp của bà không được rộng mở ở Nga. Trong thời gian từ 1875 - 1880, vợ chồng Kovalevskaia phải tạm gác công việc nghiên cứu sang một bên và đi làm biên tập cho tờ báo Thời mới.
Kovalevskaia là một người phụ nữ đa tài. Ngoài việc nghiên cứu khoa học, bà còn làm thơ, viết kịch. Mỗi bước thăng trầm của Kovalevskaia đều được lưu lại trong một bài thơ hoặc một vở kịch của bà. Ngày lấy chồng, bà viết bài thơ “Nàng chẳng hề nuối tiếc”. Khi mối quan hệ vợ chồng không được êm đẹp, bà viết bài thơ “Lời than vãn của đức ông chồng”. Bà cũng có mối quan hệ mật thiết với nhà văn Anna Saclôt Lepphle và có cộng tác viết văn với người này. Năm 1884, bà viết tiểu thuyết “Người theo chủ nghĩa hư vô”. Năm 1887, bà cùng Anna Saclôt viết vở kịch “Cuộc đấu tranh vì hạnh phúc”. Ngay cả lúc cận kề với cái chết, năm 1890, Kovalevskaia vẫn gắng viết cuốn “Hồi ức về tuổi thơ”. Tất cả những tác phẩm văn chương ấy như là một bầu tâm sự lớn của Kovalevskaia. Khi trải qua những nỗi đau trong cuộc sống, bà tìm đến văn chương như tìm đến một người bạn tinh thần.
Cuộc sống gia đình của Kovalevskaia chỉ được êm đẹp lúc đầu bởi bà và người chồng của mình đã sớm có những tư tưởng khác nhau. Trong khi Kovalevskaia khát khao làm khoa học, khát khao sáng tạo thì chồng của bà lại không đồng tình việc này. Ông cho rằng phụ nữ chỉ nên mặc quần áo lộng lẫy và điểm tô cho sự uyên bác của người chồng. Quan niệm cổ hủ này đã đẩy vợ chồng Kovalevskaia xa nhau. Hơn nữa, trong khi Kovalevskaia đã có được những thành công đáng kể trong khoa học thì chồng bà vẫn chỉ là một nhà nghiên cứu vô danh. Ông khó có thể chấp nhận được điều đó. Đầu năm 1881, vợ chồng Kovalevskaia chia tay nhau, tuy họ cũng đã có với nhau một cô con gái tên là Phupha.
Năm 1880, Kovalevskaia với lòng mong mỏi được tiếp tục làm khoa học đã đến gặp viện sĩ Sêbưsev - một nhà toán học lớn của Nga. Viện sĩ đã cử Kovalevskaia đi nghe bài giảng của Vaiecstơrat. Ngay sau khi chia tay với chồng, Kovalevskaia cùng con gái sang Berlin để tiếp tục nghiên cứu khoa học.
Tại Đức, Kovalevskaia đã được giáo sư Vaiecstơrat đón tiếp một cách nồng nhiệt. Ông lại một lần nữa đưa bà trở về với khoa học. Giáo sư đề nghị nhà bác học người Thụy Điển Mittac Leffler giúp bà làm quen với các nhà bác học Pháp. Khi đến Paris, Kovalevskaia được bầu làm hội viên Hội toán học Paris. Kovalevskaia đã trở lại với con người nghiên cứu khoa học khá thuận lợi bởi sự giúp đỡ của những người bạn cùng giới nghiên cứu.
Tháng 10 năm 1883, bà đến Thuỵ Điển theo lời mời của giáo sư Mittac Leffler. Đầu năm 1884, bà đã được phong phó giáo sư, rồi giáo sư của Vương quốc Thuỵ Điển. Trong những năm sống tại đây, Kovalevskaia đã tiến hành nhiều nghiên cứu quan trọng. Bà giảng bài về những vấn đề mới nhất trong giải tích và trở thành Tổng biên tập tạp chí Acta Mathematica. Bà giữ liên lạc với các nhà khoa học của Paris và tham gia vào việc tổ chức các hội nghị quốc tế. Vị trí của bà đã gây được sự chú ý của xã hội. Tài năng của bà thực sự đã được công nhận khi các Từ điển Bách khoa bắt đầu ghi thêm từ mới: “Bà giáo sư Kovalevskaia”.
Chủ đề của giải thưởng Bordin của Viện Hàn lâm khoa học Pháp được công bố năm 1886. Những bài tham dự phải có những đóng góp đáng kể cho bài toán nghiên cứu vật thể rắn. Kovalevskaia đã tham gia và năm 1886, bà được trao tặng giải Bordin với công trình “Một trường hợp riêng của bài toán về sự quay một vật thể quanh một điểm cố định, nơi tích phân có tác dụng với sự ứng dụng của hàm số siêu elliptic”.
Sự nghiên cứu sâu hơn của Kovalevskaia về đề tài này đã nhận được giải thưởng của Viện Hàn lâm khoa học Thụy Điển vào năm 1889. Ngày 7 tháng 11 năm 1889, Kovalevskaia được bầu làm Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Petersburg và đã vinh dự trở thành nữ Viện sĩ đầu tiên của viện này.
Kovalevskaia đã cống hiến tám năm cho việc giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp Stockholm. Bà đã viết và giảng dạy 12 giáo trình, đồng thời làm biên tập cho tạp chí toán học Thuỵ Điển Acta Mathematica. Đây chính là thời kỳ vẻ vang nhất của Kovalevskaia.
Ngày 29 tháng 11 năm 1891, Sophia Vasilevna Kovalevskaia qua đời do một cơn đau tim nặng. Lúc này bà mới 41 tuổi, khi tài năng đang nở rộ. Cả giới khoa học châu Âu tiếc thương nhà khoa học nữ tài năng ấy. Bà là một nhà khoa học tài năng xuất chúng của nước Nga nói riêng và của toàn thế giới nói chung. Kovalevskaia am hiểu rất nhiều lĩnh vực khoa học, từ toán học cho đến thiên văn học, thậm chí cả lĩnh vực tư tưởng, văn học. Con người đa tài ấy đã có một cuộc đời quá ngắn ngủi và cũng không ít bất hạnh, song những gì mà bà đã cống hiến lại vô cùng lớn lao.
Ngày nay, châu Á có một giải thưởng mang tên nhà bác học nữ Kovalevskaia để dành tặng cho những nhà khoa học nữ xuất sắc đương đại. Giải thưởng này một lần nữa tôn vinh người phụ nữ huyền thoại của nước Nga Sophia Vasilevna Kovalevskaia.