N
hiều khi bạn không đủ điều kiện tham gia các khóa học, bạn phải tìm đọc tài liệu để tự học. Nhưng ngay cả khi bạn có đủ điều kiện và tài chính để đi học mọi khóa bạn muốn, thì bạn vẫn cần đọc tài liệu. Tóm lại tài liệu khi nào cũng cần. Và bạn cần phải có kỹ năng học hỏi qua tài liệu.
Vài điều cần biết đối với khối tài liệu về tự kỷ hiện nay:
1. Không có cuốn nào là “toàn năng” cả. Mỗi tài liệu chỉ nhìn vấn đề ở một hoặc một vài góc độ. Mỗi chuyên gia chỉ chuyên sâu về một phương pháp. Vì vậy bạn phải luôn luôn sẵn sàng đọc và tiếp tục đọc. Mỗi khi tìm được một cuốn sách mới, 5bạn nên hiểu đó là một góc độ mới, một phương pháp mới mà bạn có cơ hội tìm hiểu. Tự kỷ có rất nhiều vấn đề và mỗi hướng tiếp cận có thể giải quyết được một vấn đề.
2. Các phương pháp can thiệp khác nhau có thể có xung đột với nhau. Các chuyên gia có thể mâu thuẫn với nhau và mỗi người giải thích vấn đề theo một cách. Đó là một thực tế. Bạn đừng lo lắng, đừng vội tìm cách kết luận xem ai đúng ai sai. Bạn cứ tìm hiểu cả hai và lắng nghe, phân tích lập luận của cả hai. Cuối cùng chính bạn mới là người thực hành, trải nghiệm thực tế sẽ cho bạn biết điều gì phù hợp nhất với con bạn. Cũng có thể mỗi giai đoạn con bạn cần một hướng tiếp cận khác nhau.
3. Tự kỷ cho đến bây giờ vẫn chưa có lời giải đáp sáng tỏ của khoa học, vì vậy bạn nên cởi mở với các trường phái. Cố gắng tránh đừng để bị định kiến vì những nhận xét cực đoan. Điều quan trọng là bạn phải nhìn vào lập luận và các bằng chứng khoa học. Tuy thế, bạn cũng không nên vội tung hô một biện pháp nào khi mới chỉ có vài biểu hiện tích cực ở trẻ được can thiệp bằng biện pháp đó.
4. Lúc mới bắt đầu đọc, bạn sẽ thấy rối tung, mệt mỏi và hoang mang. Bạn dễ bỏ cuộc, hãy tìm một người nào đó để dựa dẫm, tư vấn, chỉ dẫn cho bạn. Nhưng bạn đừng quên người đó không thể hiểu con bạn bằng bạn. Nếu họ là phụ huynh thì họ cũng chỉ hiểu mỗi con họ thôi. Bạn mới là người quyết định. Bạn nên vượt qua sự bối rối ban đầu để kiên trì học hỏi và đọc tiếp. Càng đọc nhiều bạn càng hiểu rộng, bạn so sánh được các phương pháp và các quan điểm khác nhau, biết rút ra cái gì cần nhất cho bạn và cho con bạn. Bạn sẽ không dễ rơi vào những cái “bẫy” rồi sau đó lại ân hận vì đã mất thời gian và công sức mà không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
5. Bạn nhất thiết phải kiểm tra nguồn khi đọc tài liệu. Khi biết rõ nguồn (tác giả, trung tâm phát hành, người dịch, người giới thiệu), bạn nên kiểm tra lại thông tin về người đó hay về trung tâm đó. Những tác giả có uy tín, những trung tâm, cơ sở có thương hiệu là những nơi làm khoa học nghiêm túc, bài bản, chất lượng thông tin sẽ được bảo đảm, sẽ ít xảy ra trường hợp công bố những thông tin chưa kiểm chứng. Kiểm tra nguồn cũng giúp bạn có cơ sở để đi tìm kiếm những cuốn sách khác của cùng tác giả và sắp xếp những tài liệu cùng tác giả, cùng cơ sở nghiên cứu, cùng trường phái can thiệp thành các bộ tài liệu, từ đó việc nghiên cứu tìm hiểu sẽ dễ dàng hơn. Những tài liệu không rõ nguồn, không đáng tin cậy vì có nguy cơ bị cắt xén, chắp vá, hoặc xào xáo lại thì chỉ nên dùng để tham khảo thôi.
6. Khi bạn lưu hoặc chia sẻ tài liệu, bạn cũng cần giữ lại nguồn. Đó là cách làm việc nghiêm túc, có trách nhiệm với cộng đồng. Đó cũng là sự tôn trọng với các nhà chuyên môn. Không nên thông cảm và khuyến khích cách làm việc tùy tiện. Chỉ thơ ca, hò vè dân gian mới phải ghi “sưu tầm” vì không thể tìm ra tác giả, còn tài liệu khoa học hiện nay không hề khó kiểm tra nguồn, nhất là khi biết dùng internet.
Mai Trần
Trần Thị Hoa Mai: Giảng viên đại học, ngành báo chí truyền thông; Admin website cộng đồng tretuky.com; Thành viên phát triển dự án A365 Chăm sóc thông minh cho trẻ tự kỷ; Phó chủ tịch Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam từ năm 2013.