Vấn đề tự biết mình là vấn đề về nhìn thấy. Nhìn mà không có sự phân chia manh mún, không có cái “tôi”. Phân tích, các giấc mơ và giấc ngủ. Vấn đề về “người quan sát” và về thời gian. “Khi bạn nhìn vào chính mình mà không có đôi mắt của thời gian thì ai ở đó để nhìn?”
Các câu hỏi: Có một số hình ảnh nào đó cần thiết không? Phải chăng sự đánh giá bị trạng thái rối loạn của ta làm hỏng? Xung đột.
Đa phần chúng ta sống một cuộc đời hết sức hời hợt và hài lòng với một cuộc sống như vậy, đối mặt với tất cả các vấn đề của ta một cách hời hợt, và do đó làm cho chúng tăng thêm, bởi vì các vấn đề của ta phức tạp một cách lạ thường, rất tinh vi và đòi hỏi một sự thâm nhập và thấu hiểu sâu sắc. Phần lớn chúng ta thích xử lý vấn đề của mình ở mức độ hời hợt theo những truyền thống xưa cũ, hoặc ta cố gắng tự điều chỉnh bản thân theo một xu hướng hiện đại, thế nên ta không bao giờ giải quyết được hoàn toàn và toàn diện bất cứ vấn đề nào, như chiến tranh, xung đột, bạo lực, vân vân. Ta cũng có xu hướng chỉ nhìn trên bề mặt, vì ta không biết cách nào để thâm nhập sâu vào bản thân mình; hoặc ta quan sát chính mình với một thái độ chán ghét nào đó, với một kết luận đã định đoạt trước nào đó, hoặc ta nhìn vào mình với hy vọng thay đổi những gì ta thấy.
Tôi nghĩ điều quan trọng là ta phải thấu hiểu bản thân một cách toàn diện, trọn vẹn, bởi vì như hôm trước ta đã nói, ta là thế giới và thế giới là ta. Đây là một thực tế tuyệt đối chứ không chỉ là một phát biểu cho có hay một lý thuyết, mà là điều ta đã cảm nhận thật sâu, với tất cả nỗi thống khổ của nó, sự đau đớn, tàn ác, sự chia cắt, chia rẽ giữa các quốc gia và tôn giáo. Ta không bao giờ có thể giải quyết được bất kỳ vấn đề nào trong số này nếu không thật sự hiểu được chính mình, bởi vì thế giới chính là ta; và nếu tôi hiểu bản thân thì sẽ có cuộc sống ở một chiều nhận thức hoàn toàn khác. Liệu mỗi người chúng ta có thể thấu hiểu chính mình, không chỉ ở cấp độ nông cạn của trí não, mà còn phải thâm nhập vào các cấp độ sâu sắc của con người chúng ta? Đó là điều ta sẽ cùng nhau thảo luận trong sáng nay; khi ta nói ta sẽ cùng nhau thảo luận, không có nghĩa tôi nói và các bạn nghe – mà ta sẽ cùng nhau chia sẻ vấn đề.
Ta nhìn chính mình như thế nào? Liệu có thể nào nhìn vào chính mình một cách trọn vẹn mà không có sự chia tách giữa cái phần tỉnh thức và các tầng lớp sâu hơn của thức mà có lẽ ta hoàn toàn không nhận thức được về chúng hay không? Có thể nào quan sát, thấy được toàn bộ chuyển động của cái “tôi”, cái ngã, “cái đang là”, với một trí não không phân tích, sao cho ngay trong chính bản thân sự quan sát đó lập tức có một sự thấu hiểu hoàn toàn hay không? Đó là điều ta sẽ khám phá; đó là vấn đề vô cùng hệ trọng: khám phá xem liệu ta có thể vượt qua chính mình và tìm thấy thực tại hay không, có thể tiếp cận điều gì đó không thể đo lường bằng trí não và sống mà không có bất kỳ ảo tưởng nào hay không. Đây là mục tiêu chính của mọi tôn giáo trên khắp thế giới; và trong quá trình tìm cách vượt lên chính mình, các tôn giáo đã bị mắc kẹt trong những huyền thoại khác nhau, huyền thoại của Kitô giáo, huyền thoại Hindu giáo, toàn bộ văn hóa của những huyền thoại vốn không cần thiết và hoàn toàn không thích hợp.
Vậy bây giờ, có thể nào nhìn vào chính mình mà không hề phân tích, và nhờ đó có thể quan sát mà không có cái “tôi” đang quan sát không? Tôi muốn thấu hiểu chính mình; và tôi biết cái “tôi” rất phức tạp; nó là một vật thể sống, chứ không phải một thứ bất động đã chết, nó là vật thể sống, đầy sinh lực, luôn chuyển động, nó không chỉ là một sự tích lũy ký ức, kinh nghiệm và kiến thức. Nó là một vật thể sống như xã hội là một vật thể sống vậy, bởi vì ta đã tạo ra nó. Bây giờ, có thể nào nhìn mà không có người quan sát đang quan sát thứ được quan sát không? Nếu có người quan sát đang nhìn, thì anh ta phải nhìn thông qua sự phân chia manh mún, thông qua sự chia tách, và ở đâu có chia tách, cả trong tôi và ngoài tôi, thì ở đó tất phải có xung đột. Bên ngoài là những xung đột quốc gia, xung đột kinh tế, tôn giáo, còn bên trong, có cả một địa hạt bao la, không chỉ trên bề mặt mà cả một vùng mênh mông, ta hầu như chưa biết gì về nó. Vậy, nếu khi nhìn mà có sự chia tách thành “tôi” và “không phải tôi”, thành người quan sát và vật được quan sát, thành người tư duy và tư duy, người trải nghiệm và trải nghiệm, thì lúc đó tất phải có xung đột.
Ta hỏi liệu có thể – tôi không nói là có thể, hay không thể, ta sẽ phải tự mình khám phá – quan sát chính mình mà không có sự chia tách này không? Và để khám phá, ta hy vọng đến được trạng thái tri giác không có sự chia tách, không thông qua phân tích – bởi vì khi đó sẽ có sự chia tách giữa người phân tích và thứ được phân tích. Khi tự quan sát chính mình, thực tế là có sự chia tách này. Khi tự quan sát, tôi nói: “Điều này tốt, điều kia xấu”, “Điều này đúng, điều kia sai”, “Điều này có giá trị, điều kia không có giá trị”, “Điều này xác đáng và điều kia không xác đáng”. Cho nên khi tôi nhìn vào chính tôi, người quan sát bị quy định bởi văn hóa mà tôi đã sống trong đó; vậy người quan sát là ký ức, người quan sát là thực thể bị quy định – là cái “tôi”. Theo bối cảnh bị quy định của cái “tôi” đó, tôi phán xét, tôi đánh giá; tôi quan sát chính mình theo nền văn hóa đó, và theo tình trạng quy định của mình, tôi hy vọng tạo ra một cuộc thay đổi trong những gì được quan sát. Đây là điều mà ta luôn luôn làm: hy vọng thay đổi điều được quan sát thông qua phân tích, thông qua kiểm soát, thông qua cải cách, vân vân. Đó là một thực tế.
Và tôi muốn khám phá tại sao sự chia tách này lại tồn tại, thế là tôi bắt đầu phân tích để khám phá nguyên nhân. Phân tích không chỉ để tìm ra nguyên nhân mà ta còn hy vọng vượt qua nó nữa. Tôi giận dữ, tham lam, ganh tỵ, tàn nhẫn, bạo lực, loạn thần kinh hay gì đó và tôi bắt đầu phân tích nguyên nhân của trạng thái thần kinh này.
Phân tích là một phần trong văn hóa của ta bởi vì ta đã được rèn luyện phân tích từ nhỏ, hy vọng rằng nhờ cách này ta sẽ giải quyết được các vấn đề của mình. Không biết bao nhiêu sách đã được viết về đề tài này; các nhà tâm lý học hy vọng tìm thấy nguyên nhân của các chứng rối loạn thần kinh, thấu hiểu nó và vượt qua nó.
Vậy phân tích bao hàm những gì? Nó có bao hàm thời gian không? Tôi cần nhiều thời gian để tự phân tích chính tôi. Tôi phải hết sức thận trọng xem xét từng phản ứng, từng sự kiện, từng tư tưởng và truy ra nguồn gốc của nó; tất cả những việc ấy đều cần thời gian. Trong khi đó, các sự kiện tiếp tục diễn ra, những sự cố, những phản ứng khác mà tôi không thể thấu hiểu tức khắc. Đó là một vấn đề: phân tích cần thời gian.
Và phân tích cũng hàm ý rằng bất cứ vật gì được phân tích tất phải có chỗ kết thúc và hoàn tất, nếu nó không như thế (mà thật ra nó không thể), thì kết luận sẽ không chính xác, và với phân tích sai lầm này tôi tiến hành xem xét kinh nghiệm tiếp theo, sự kiện tiếp theo, một chút tiếp theo của vấn đề nan giải. Vậy là tôi luôn luôn xuất phát từ một tiền đề sai lầm, do vậy những phán xét và đánh giá của tôi đều sai lầm và tôi không ngừng mở rộng phạm vi của cái sai. Phân tích, về bản chất, bao hàm một người phân tích và người hay vật được phân tích, dù người phân tích đó là chuyên gia phân tâm học hay chính bạn; và người phân tích đó trong sự xem xét của mình đã nuôi dưỡng và duy trì sự chia tách, việc này làm tăng thêm xung đột. Phân tích bao hàm tất cả những điều sau: thời gian, đánh giá mọi kinh nghiệm và mọi tư tưởng một cách hoàn chỉnh (việc này vốn không thể) và sự chia tách giữa người quan sát với cái được quan sát vốn làm tăng thêm xung đột.
Bây giờ, tôi có thể nào phân tích trí não bề mặt của tôi, những hành vi nông cạn thường ngày của nó, nhưng làm thế nào tôi hiểu được, khám phá được các tầng lớp sâu hơn, bởi vì tôi muốn thấu hiểu chính mình một cách trọn vẹn, xuyên suốt? Tôi không muốn bỏ sót bất kỳ góc khuất hay điểm tối nào; tôi muốn phân tích mọi thứ, để không còn lại gì trong trí não mà tôi chưa thấu hiểu hoàn toàn. Nếu có một góc khuất nào chưa được xem xét, thì nó sẽ bóp méo mọi tư tưởng, mọi hành động. Nhưng phân tích ngụ ý có sự trì hoãn hành động. Khi tôi đang phân tích chính mình, lúc đó tôi không hành động; tôi chờ đến lúc đã phân tích xong, có lẽ lúc đó tôi sẽ hành động đúng đắn; cho nên phân tích là khước từ hành động. Hành động có nghĩa là ngay lúc này chứ không phải ngày mai. Khi thấy hết mọi điều này, làm thế nào trí não có thể thấu hiểu hoàn toàn chính các tầng lớp thâm sâu, ẩn khuất của nó? Tất cả mọi điều này hàm ý là hiểu chính tôi.
Có thể hiểu thông qua những giấc mơ không? Tức là, liệu trong lúc ngủ, các giấc mơ có thể nào tỏ lộ các tầng lớp thâm sâu của vô thức, hay điều gì ẩn khuất không? Các chuyên gia tâm lý nói rằng bạn phải mơ và rằng nếu bạn không mơ, điều đó cho thấy có một loại rối loạn thần kinh nào đó nơi bạn. Họ cũng nói rằng các giấc mơ giúp bạn hiểu được tất cả những hành vi của phần trí não còn ẩn giấu. Vì thế ta phải khám phá ý nghĩa của những giấc mơ và việc có nên mộng mị hay không. Hay phải chăng các giấc mơ chỉ đơn thuần là một hình thức biểu tượng cho sự nối tiếp liên tục của cuộc sống hằng ngày?
Trong suốt thời gian thức trong ngày, trí não bị bận rộn bởi tất cả những thứ tầm thường vụn vặt của cuộc sống – công việc nơi văn phòng, việc nhà, những cuộc cãi vã và tức giận trong các mối quan hệ, hình ảnh đánh nhau với hình ảnh, vân vân. Ngay trước khi bạn ngủ, bạn sẽ kiểm xét lại mọi thứ xảy ra trong ngày. Chẳng phải đây là điều vẫn xảy đến với bạn ngay trước khi chìm vào giấc ngủ sao? Bạn làm sống lại mọi sự: “Mình lẽ ra nên làm điều này, mình lẽ ra nên nói điều nọ”; bạn rà lại hết thời gian trong ngày, tất cả tư tưởng của bạn, tất cả hành vi của bạn, bạn đã tức giận, ganh tỵ ra sao, vân vân.
Vậy thì tại sao trí não làm thế? Tại sao trí não kiểm xét lại những việc xảy ra và những sự kiện trong ngày? Phải chăng bởi vì trí não muốn thiết lập trật tự? Trí não rà xét lại những hành vi trong ngày bởi vì nó muốn đưa mọi thứ vào trật tự; nếu không, khi bạn ngủ, não bộ sẽ tiếp tục làm việc và nỗ lực đem lại trật tự trong chính nó, bởi vì não chỉ có thể vận hành bình thường, lành mạnh trong trạng thái trật tự hoàn toàn. Do đó, nếu không có trật tự trong suốt ngày sống, não bộ sẽ cố gắng lập lại trật tự trong khi thân thể đang yên lặng, đang ngủ, và việc lập lại trật tự đó là một phần của những giấc mơ. Bạn có chấp nhận tất cả điều diễn giả nói không?
Thính giả: Không.
Krishnamurti: Không? Tôi thật sự vui mừng đấy. (Cười) Đừng đồng ý hay không đồng ý, mà hãy tự mình khám phá, đừng nghe theo bất kỳ triết gia nào, chuyên gia phân tích hay nhà tâm lý học nào, mà hãy tự khám phá. Chừng nào còn có sự vô trật tự trong cuộc sống hằng ngày của bạn thì não bộ còn phải thiết lập trật tự, nếu không, nó không thể hoạt động lành mạnh, bình thường và hiệu quả. Và khi có tình trạng vô trật tự, các giấc mơ là điều cần thiết để mang lại trật tự ở nơi thẳm sâu hay trên bề mặt.
Khi xem xét tất cả những điều này, ta hỏi có cần thiết phải nằm mơ hay không, bởi vì điều quan trọng không phải là mơ, mà quan trọng là có một trí não hoàn toàn tịch lặng khi bạn ngủ, khi đó toàn bộ trí não, toàn bộ cơ thể có thể tự trẻ hóa. Nhưng nếu não bộ cứ tiếp tục làm việc, làm việc không ngừng trong khi bạn ngủ, thì nó sẽ trở nên kiệt sức, do đó thần kinh bị rối loạn, căng thẳng quá mức, vân vân. Vậy, có thể không mơ được không?
Tôi đặt ra tất cả những câu hỏi này bởi vì tôi muốn thấu hiểu chính tôi: đó là một phần trong việc thấu hiểu chính mình. Ta không chỉ đơn thuần khám phá các giấc mơ, đánh giá tầm quan trọng hay không quan trọng của việc mơ. Nếu không thấu hiểu sâu sắc chính mình, mọi hoạt động đều trở thành hời hợt và mâu thuẫn, gây ra ngày càng nhiều vấn đề.
Truyền thống xưa cũ nói rằng để thấu hiểu chính mình, ta phải phân tích, phải nội quan; nhưng tôi thấy chỗ sai lầm của mọi điều ấy. Tôi bác bỏ chúng bởi vì chúng sai lầm, dù các nhà tâm lý học nói ngược lại. Và khi tự quan sát chính mình, ta hỏi: Tại sao ta nằm mơ và toàn bộ trí não có thể nào trở nên hoàn toàn tịch lặng khi ngủ không? Tôi không đặt ra câu hỏi này, chính bạn phải tự hỏi. Tôi chỉ gợi ý cho bạn thôi; chính bạn phải khám phá. Vậy thì bạn sẽ khám phá bằng cách nào đây?
Tôi nhận ra rằng khi toàn bộ cơ thể yên tĩnh, hoàn toàn tịch lặng, thân thể sẽ có thể thu gom năng lượng và có khả năng hoạt động hiệu quả hơn. Khi thân thể không nghỉ ngơi mà bị cuốn đi từ sáng đến tối không lúc nào ngừng, nó sẽ sớm cùn mòn cạn kiệt và suy nhược; nhưng nếu thân thể được nghỉ ngơi mười hay hai mươi phút trong ngày, nó sẽ có nhiều năng lượng hơn. Trí não vốn rất năng động, để ý, quan sát, phê bình, đánh giá, đấu tranh, vân vân. Khi nó đi ngủ, động năng đó vẫn sẽ tiếp tục. Do đó, tôi tự hỏi liệu trong khi ngủ, liệu trí não có thể tuyệt đối tịch lặng không? Hãy thấy vẻ đẹp của câu hỏi chứ đừng vội giải đáp. Trừ khi thân thể cực kỳ tĩnh lặng, không còn động đậy, không còn một điệu bộ, cử chỉ hay sự co giật nào của thần kinh và tất cả những thứ ta vẫn làm, trừ khi nó tuyệt đối yên lặng (mà không phải bị buộc yên lặng) và thư giãn, nếu không thì nó không thể hồi phục, không thể thu gom năng lượng.
Cho nên, tôi muốn khám phá xem trí não có thể tuyệt đối yên tĩnh suốt đêm khi nó ngủ không; và tôi thấy nó chỉ có thể yên tĩnh nếu mọi sự kiện, mọi việc xảy ra trong ngày đều được thấu hiểu ngay lập tức chứ không bị mang theo trong lòng. Nếu tôi mang theo một vấn đề từ ngày này sang ngày khác, trí não sẽ tiếp tục bị vướng víu; nhưng nếu trí não có thể giải quyết vấn đề ngay lập tức, ngay hôm nay, thì nó đã chấm dứt. Liệu trí não có thể nào nhận thức hoàn toàn các vấn đề đó mỗi ngày, để chúng không còn tồn tại được không? Rồi đêm đến, bạn sẽ có một tấm bảng trống không, sạch sẽ. Nếu bạn thật sự làm vậy, chứ không chỉ chơi đùa với nó, thật sự nỗ lực thực hiện, bạn sẽ thấy rằng khi não bộ cần ngơi nghỉ, nó sẽ trở nên vô cùng yên lặng, hoàn toàn yên tĩnh; thậm chí chỉ mười phút ngơi nghỉ là đủ. Và nếu bạn theo đuổi việc làm này thật sâu, bạn sẽ thấy rằng các giấc mộng trở nên hoàn toàn không cần thiết, bởi vì không còn gì để mơ về nữa; bạn không quan tâm đến tương lai của bạn, liệu bạn có trở thành một bác sĩ nổi tiếng, một nhà khoa học lớn, hay một nhà văn xuất sắc không, hay liệu ngày mốt bạn có đạt đến sự giác ngộ hay không, bạn không quan tâm đến tương lai nữa. Tôi e rằng bạn không thấy cái đẹp tuyệt vời của tất cả điều này! Trí não không còn phóng chiếu bất cứ điều gì vào thời gian.
Vậy, sau khi đã tuyên bố tất cả những điều đó, liệu trí não, thực ra là người quan sát (không chỉ người quan sát về mặt thị giác, đôi mắt, vân vân), có thể nào quan sát mà không có sự chia tách? Bạn hiểu câu hỏi chứ? Trí não có thể quan sát mà không có sự chia tách giữa người quan sát và vật được quan sát không, bởi vì chỉ có vật được quan sát, chứ không có người quan sát?
Ta hãy xem người quan sát là gì? Chắc chắn người quan sát là quá khứ, là quá khứ của một vài giây vừa trôi qua, của ngày hôm qua, hay của nhiều, nhiều năm sống như một thực thể bị quy định trong một nền văn hóa cụ thể nào đó. Người quan sát là tổng thể toàn bộ kinh nghiệm quá khứ. Người quan sát cũng là kiến thức. Người quan sát nằm trong phạm vi thời gian. Khi anh ta nói tôi sẽ là “cái đó”, anh ta đã phóng chiếu “cái đó” ra từ kiến thức quá khứ của mình – dù nó vui vẻ, đau đớn, khổ sở, sợ hãi, sung sướng, vân vân – người quan sát nói tôi phải trở thành cái đó. Quá khứ, do đó, đi xuyên qua hiện tại, được chỉnh sửa và anh ta gọi nó là tương lai. Nhưng đó thực ra là một sự phóng chiếu của quá khứ: thế nên người quan sát là quá khứ. Bạn sống trong quá khứ, phải không? Chỉ cần nghĩ về điều đó thôi. Bạn là quá khứ, bạn sống trong quá khứ và đó là cuộc sống của bạn. Những ký ức của quá khứ, những sướng vui của quá khứ, những hồi ức của quá khứ, những điều đã cho bạn niềm vui thú và nỗi đau, những thất bại, những nỗi tuyệt vọng, không được thỏa mãn, khốn khổ, tất cả những điều đó đều nằm trong quá khứ. Và thông qua con mắt của người quan sát, bạn phán xét hiện tại, vốn là thứ đang sống, chuyển dịch, chứ không đứng yên, chết cứng.
Khi tôi nhìn vào chính mình, tôi nhìn bằng đôi mắt của quá khứ; vậy là, tôi lên án, phê phán, đánh giá, “Điều này đúng”, “Điều kia sai”, tốt hay xấu tùy thuộc vào thứ văn hóa và truyền thống mà tôi có, tùy thuộc vào kiến thức và kinh nghiệm mà tôi đã thu gom được. Vì thế nó ngăn cản việc quan sát thứ đang sống, tức là “tôi”. Và cái “tôi” đó có thể không phải là “tôi” chút nào, bởi vì tôi chỉ biết cái “tôi” trong quá khứ. Khi một người Hồi giáo nói rằng anh ta là người Hồi giáo thì anh ta là quá khứ, bị quy định bởi thứ văn hóa mà trong đó anh ta được nuôi dưỡng lớn lên.
Vì thế, khi nói về sự sống là ta đang nói đến sự sống trong quá khứ; có sự xung đột giữa quá khứ và hiện tại bởi vì tôi bị quy định. Tôi không thể đáp ứng cuộc sống hiện tại trừ khi tôi phá vỡ được sự quy định của tôi, mà sự quy định của tôi là do cha mẹ, ông bà tôi cố tình tạo nên, để khiến cho tôi đi theo con đường hẹp của những niềm tin, truyền thống của họ, để tiếp tục duy trì sự nguy hại và khốn khổ của họ. Ta luôn luôn làm như thế; ta sống trong quá khứ, không chỉ thông qua sự quy định của ta, thông qua nền văn hóa ta đã sống, mà còn thông qua mọi kinh nghiệm, sự kiện và mọi việc diễn ra trong cuộc sống của ta. Tôi thấy một cảnh hoàng hôn đẹp và tôi nghĩ ánh sáng, những khoảng tối, những tia nắng rọi trên những ngọn đồi xa xa kia mới tuyệt làm sao, cảnh đẹp đó đã được lưu trữ lại thành kỷ niệm và ngày mai tôi nói tôi phải nhìn lại cảnh hoàng hôn đó để thấy vẻ đẹp của nó. Rồi tôi nỗ lực tìm lại cảnh mặt trời lặn, khi không thể làm việc ấy, tôi đi tới nhà bảo tàng và cả cái vòng lẩn quẩn vô vị bắt đầu.
Vậy, liệu tôi có thể nhìn vào chính tôi bằng đôi mắt không bao giờ bị thời gian chạm đến không? Thời gian liên quan mật thiết đến việc phân tích, thời gian liên quan tới việc bám chặt vào quá khứ, thời gian bao hàm toàn bộ quá trình mộng mị, hồi tưởng, góp nhặt quá khứ và bám chặt vào đó, tất cả. Tôi có thể nhìn vào chính mình mà không có đôi mắt của thời gian không? Hãy tự đặt cho bạn câu hỏi đó. Đừng nói bạn có thể hay không thể. Bạn không biết. Và khi bạn nhìn vào chính mình mà không có đôi mắt của thời gian, cái gì hay ai ở đó để nhìn? Xin đừng trả lời tôi. Bạn có hiểu câu hỏi của tôi không? Tôi đã nhìn vào chính mình với tính chất, bản chất và cấu trúc của thời gian, của quá khứ. Tôi đã nhìn chính mình qua con mắt của quá khứ; tôi không có con mắt nào khác để nhìn. Tôi đã nhìn chính mình như một tín đồ Công giáo hay cái gì đó khác, tức là quá khứ, vậy đôi mắt của tôi không thể nhìn vào “cái đang là” mà không có thời gian, tức quá khứ.
Bây giờ, tôi đặt một câu hỏi: Đôi mắt có thể quan sát mà không có quá khứ không? Để tôi diễn đạt theo cách khác nhé. Tôi có một hình ảnh về chính mình, do văn hóa mà tôi đã sống trong đó tạo tác và áp đặt lên tôi; tôi cũng có một hình ảnh cụ thể của riêng tôi về bản thân mình, cái tôi nên là và cái tôi không phải là. Trong thực tế, ta có vô số hình ảnh; tôi có một hình ảnh về bạn, về vợ tôi, về các con tôi, về lãnh tụ chính trị của tôi, về giáo sĩ của tôi và vân vân. Vậy là tôi có hàng chục hình ảnh. Chẳng phải bạn cũng có chúng sao?
Người hỏi: Vâng, có.
Krishnamurti: Vậy thì làm thế nào bạn có thể nhìn mà không có hình ảnh, bởi vì nếu bạn nhìn với một hình ảnh, đó rõ ràng là một sự bóp méo? Hôm qua bạn nổi giận với tôi, vậy là tôi đã tạo một hình ảnh về bạn, rằng bạn không còn là bạn tôi nữa, rằng bạn là người xấu, vân vân. Nếu lần tiếp theo gặp nhau, tôi nhìn bạn với hình ảnh đó thì nó sẽ bóp méo tri giác của tôi. Hình ảnh đó thuộc về quá khứ, như tất cả những hình ảnh khác của tôi, và tôi không dám loại bỏ bất cứ hình ảnh nào trong số ấy, bởi vì tôi không biết nhìn mà không có hình ảnh là thế nào, vì thế tôi cứ bám vào hình ảnh. Trí não phụ thuộc vào hình ảnh để tồn tại. Tôi tự hỏi liệu bạn có hiểu điều này không. Vậy, liệu trí não có thể quan sát mà không có bất kỳ hình ảnh nào, không có hình ảnh về cây cối, mây trời, đồi núi, không có hình ảnh về vợ tôi, con tôi, chồng tôi? Trí não có thể không có bất kỳ hình ảnh nào trong các mối quan hệ không?
Chính hình ảnh mang tới xung đột trong mối quan hệ. Tôi không thể tiếp tục sống với vợ tôi bởi vì cô ấy đã ức hiếp tôi; hình ảnh đó đã được dựng lên, ngày này sang ngày khác, và nó ngăn chặn mọi mối quan hệ; chúng ta có thể ngủ chung giường nhưng việc đó không quan trọng gì cả; thế là có xung đột. Liệu trí não có thể nhìn, quan sát mà không có bất kỳ hình ảnh nào được kết tập bởi thời gian không? Nghĩa là, liệu trí não có thể quan sát mà không có bất cứ hình ảnh nào? Nó có thể quan sát mà không có người quan sát, tức là quá khứ, tức là cái “tôi”? Tôi có thể nhìn bạn mà không có sự can thiệp của một thực thể bị quy định, của cái “tôi” không?
Bạn nói gì? “Không thể!” Làm sao bạn biết là không thể? Ngay lúc bạn nói không thể là bạn đã tự phong bế mình và nếu bạn nói có thể thì nó cũng phong bế bạn; nhưng nếu bạn nói ta hãy khám phá xem, hãy xem xét, thâm nhập vào đó, thì lúc đó bạn sẽ khám phá được rằng trí não có thể quan sát mà không có đôi mắt của thời gian. Và khi trí não quan sát như vậy thì có gì ở đó để quan sát?
Tôi đã bắt đầu học hỏi về bản thân mình; tôi đã thám hiểm mọi khả năng có thể của sự phân tích, và tôi thấy rằng người quan sát là quá khứ. Người quan sát phức tạp hơn nhiều; ta có thể thâm nhập sâu hơn vào đó. Tôi thấy rằng người quan sát là quá khứ, và trí não sống trong quá khứ, bởi vì não bộ đã tiến hóa qua thời gian, tức là quá khứ. Và trong quá khứ có sự an toàn – nhà của tôi, vợ của tôi, niềm tin của tôi, sự nghiệp, địa vị của tôi, tiếng tăm của tôi, bản ngã nhỏ bé tầm thường của tôi; trong đó có sự an tâm và an toàn cao nhất. Vì thế tôi đang hỏi liệu trí não có thể quan sát mà không có mọi thứ đó, và nếu nó có thể thì còn gì ở đó để thấy, ngoại trừ những đồi núi, bông hoa, màu sắc, con người – bạn theo kịp chứ? Có gì trong tôi để quan sát không? Do đó, trí não hoàn toàn tự do.
Bạn có thể hỏi, điểm cốt yếu của một trí não tự do là gì? Điểm cốt yếu là một trí não như thế không có sự xung đột, một trí não như thế hoàn toàn tịch lặng và bình an, không bạo lực và chỉ một trí não có phẩm chất như vậy mới có thể tạo ra một nền văn hóa mới, không phải một “phản văn hóa” của cái cũ, mà là cái gì đó hoàn toàn khác biệt, trong đó ta sẽ không có xung đột dưới bất kỳ dạng nào. Ta đã khám phá tất cả những điều này, không như một lý thuyết, một phát biểu thuần ngôn từ, mà ta đã thấy được thực tế này ngay trong bản thân ta; rằng trí não có thể quan sát một cách trọn vẹn mà không có đôi mắt của quá khứ; lúc đó, trí não là cái gì đó hoàn toàn mới, hoàn toàn khác biệt.
Người hỏi: Tôi nghĩ tất cả chúng ta đều thấy được chỗ nguy hiểm của hình ảnh này, nhưng chắc chắn đôi lúc cần có một số hình ảnh nào đó chứ. Ví dụ, kẻ nào đó xông vào bạn với một con dao, hình ảnh bạn có sẽ giúp cứu mạng bạn. Làm sao ta có thể chọn lựa giữa hình ảnh hữu ích và vô ích?
Krishnamurti: Tất cả chúng ta đều sống với hình ảnh, người hỏi nói, và một vài hình ảnh là có ích, cần thiết và giúp bảo vệ; các hình ảnh khác thì không. Hình ảnh của một con cọp khi bạn ở trong rừng giúp bảo vệ, nhưng hình ảnh bạn có về vợ bạn, chồng bạn hay về bất cứ gì, hình ảnh đó hủy hoại mối quan hệ. Người hỏi đặt vấn đề rằng làm thế nào ta có thể chọn lựa giữa hình ảnh cần phải giữ và hình ảnh cần loại bỏ?
Trước hết, tại sao bạn chọn lựa? Làm ơn lắng nghe câu hỏi của tôi. Tại sao ta chọn lựa? Cấu trúc, bản chất của sự chọn lựa là gì? Tôi chỉ chọn lựa khi tôi không chắc chắn thôi, phải không? Khi có sự ngờ vực, khi có sự hỗn loạn. Nếu không có sự rõ ràng thì tôi mới chọn lựa, tôi nói rằng tôi không biết làm gì, có lẽ tôi nên làm thế này hay thế kia. Khi bạn thấy điều gì đó thật rõ ràng thì có cần chọn lựa nữa không? Chắc chắn chỉ có một trí não rối loạn mới chọn lựa. Và ta đã biến sự chọn lựa thành một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống. Ta nói về tự do chọn lựa, chọn lựa cái này hay cái nọ, chọn lựa đảng phái chính trị của ta, các chính trị gia của ta. Vì thế tôi tự hỏi, tại sao tôi lại chọn lựa? Tôi có chọn lựa giữa hai màu sắc vật liệu, nhưng đó không phải là điều ta đề cập. Ta nói đến chọn lựa là kết quả từ sự bất định, của hỗn loạn, tức không có sự rõ ràng; lúc đó tôi phải chọn lựa, nhưng một trí não rất rõ ràng thì không cần chọn lựa. Vậy phải chăng trí não bạn đang bối rối? Rõ ràng trí não bạn bối rối, nếu không tất cả các bạn đã không ngồi đây. Từ sự bối rối đó, bạn chọn lựa và làm tăng thêm hỗn loạn.
Bạn có nhiều hình ảnh, một số có tính bảo vệ, một số khác lại không cần thiết. Có bất kỳ sự chọn lựa nào không? Hãy lắng nghe thật cẩn thận. Chọn lựa có cần thiết không? Tôi có nhiều, rất nhiều hình ảnh về mọi thứ, cũng như những ý kiến, phán xét và đánh giá; tôi càng có nhiều ý kiến, tôi càng nghĩ trí não tôi rõ ràng. Và từ tất cả những hình ảnh đó, tôi cố gắng quyết định hình ảnh nào là quan trọng, thích đáng và hình ảnh nào không. Vậy, tại sao tôi phải chọn lựa. Chính vì tôi không chắc hình ảnh nào nên giữ và hình ảnh nào nên bỏ. Tôi chọn lựa khi tôi không biết nên loại bỏ hình ảnh nào. Thực thể chọn lựa đó là ai? Chắc chắn là kiến thức rồi, mà kiến thức là quá khứ – quá khứ đã tạo ra tất cả những hình ảnh ấy, chọn lựa cái nào giữ lại và cái nào bỏ đi. Vậy là bạn đang chọn lựa theo quá khứ, do đó, sự chọn lựa của bạn chắc chắn phải hỗn loạn; thế nên, đừng chọn lựa! Khoan đã! Hãy nhìn đây! Nếu bạn không chọn lựa, thì điều gì xảy ra? Hiển nhiên là bạn sẽ không để bị xe buýt tông vào mình. Nhưng chính sự chọn lựa, hành động chọn lựa, duy trì hình ảnh.
Người hỏi: Ngài đề cập rằng tất cả chúng tôi đều bối rối, nếu không chúng tôi đã không ở đây.
Krishnamurti: Phần nào là thế đấy, thưa ngài.
Người hỏi: Nếu tôi bối rối thì làm sao tôi có thể nghe ngài nói và không đánh giá tất cả mọi điều ngài nói?
Krishnamurti: Đúng thế đấy. Đó là điều ta e ngại. Người hỏi nói rằng nếu tôi bối rối, mà đúng là vậy, thì làm sao tôi có thể nghe ông nói một cách rõ ràng được – đúng không? Nhưng bạn có lắng nghe đâu nào, phải không?
Người hỏi: Thỉnh thoảng thôi.
Krishnamurti: Thỉnh thoảng thôi sao? Ta không nói về “thỉnh thoảng”, ta đang hỏi: Ngay bây giờ bạn có đang nghe không? Bạn biết đấy, khi bạn nghe với sự chú tâm, với lòng thương yêu, với sự quan tâm, bạn có bối rối không? Chỉ khi nào bạn không nghe mà bạn lại muốn nghe, sự bối rối mới xuất hiện. Trong khoảnh khắc lắng nghe thật sự thì sự hỗn loạn ở đâu chứ? Và khi bạn nhớ lại khoảnh khắc bạn lắng nghe một cách trọn vẹn, bạn tự nhủ: “Tôi mong ước có lại sự tốt lành như thế”. Điều này gây nên xung đột. Hãy nhìn xem điều gì xảy ra. Khi bạn nói: làm sao tôi quay lại được trạng thái lắng nghe đó, ký ức về trạng thái lắng nghe vẫn tồn tại trong khi sự kiện thực tế thì đã qua, vậy là ký ức về điều đó tuyên bố rằng tôi phải lắng nghe cẩn thận hơn; thế là có sự mâu thuẫn. Trong khi đó, nếu bạn lắng nghe một cách hoàn toàn, trọn vẹn, ngay trong khoảnh khắc đang nghe thật, thì sẽ không có sự rối loạn và chỉ khoảnh khắc đó là đủ. Đừng cố quay lại làm gì. Mười phút nữa hãy nhặt nó lên lại, nhưng trong khoảng thời gian mười phút này, hãy nhận thức rằng bạn đã không chú tâm.
Người hỏi: Phải chăng thứ văn hóa mới nổi lên từ trí não tịch lặng này sẽ bình an?
Krishnamurti: Thưa ngài, tôi không biết, đó là một giả thuyết.
Người hỏi: Tôi nói chưa hết...
Krishnamurti: Ồ! Xin thứ lỗi.
Người hỏi: Tốt, nếu...
Krishnamurti: Đừng nếu!
Người hỏi: Nếu tôi bình an, tôi có xung đột với cấu trúc hiện tại của xã hội không?
Krishnamurti: Ta có ý gì khi nói “xung đột với cấu trúc hiện tại”. Hãy tiếp tục đi, hãy khám phá, thưa ngài, đừng chờ đợi tôi làm việc ấy.
Người hỏi: Xung đột thông qua sự cạnh tranh.
Krishnamurti: Cạnh tranh? Tôi muốn thiết lập bản thân tôi, các ý tưởng của tôi, những niềm tin của tôi, vân vân. Chính xác đó là điều họ đang làm, phải không?
Người hỏi: Nếu ai đó bảo ngài hãy cầm súng lên và bắn người khác, vậy là ngài đang ở trong tình trạng xung đột.
Krishnamurti: Nếu có người nào đó yêu cầu tôi cầm súng lên và bắn ai, tôi sẽ không làm. Câu hỏi là gì nhỉ?
Người hỏi: Nếu ngài nói “Tôi không thể”, vậy là ngài đang xung đột.
Krishnamurti: Chắc chắn là không.
Người hỏi: Họ sẽ nói ngài là như vậy.
Krishnamurti: Được thôi, họ tống tôi vào tù, nhưng tôi không xung đột với họ. Nếu một nền văn hóa nghiện ngập bảo bạn phải dùng ma túy và tôi nói tôi không làm thế, vậy thì họ hay tôi xung đột? Tôi không xung đột, mà chính họ mới như vậy. Vấn đề chính của tất cả những điều này là gì?
Người hỏi: Xung đột có hai mặt.
Krishnamurti: Không. Không có hai mặt nào cả. Tôi không muốn có xung đột. Với tư cách là một con người, tôi đã tìm hiểu toàn bộ vấn đề xung đột, cả bên ngoài lẫn bên trong, tôi đã khám phá xuyên suốt và giả sử tôi đã hoàn toàn loại bỏ toàn bộ ý muốn bạo lực trong tôi. Vậy, nếu bạn đang xung đột, tôi phải làm gì? Bạn yêu cầu tôi cầm súng lên bắn ai đó và khi tôi từ chối, bạn tức giận, bạn trở nên bạo lực, bạn đánh đập tôi. Đó là vấn đề của bạn, không phải vấn đề của tôi.
Người hỏi: Ngài nói người ấy xung đột với tôi, nhưng tôi lại không xung đột với anh ta.
Krishnamurti: Nhưng tôi không xung đột. Tại sao tôi phải bắn ai đó chứ? Nhìn đây, thưa ngài, bạn không đưa tôi một khẩu súng – ngay ở đây, lúc này – đúng không? Vậy, tại sao vấn đề lại nảy sinh? Bạn thấy đó, vấn đề nảy sinh là vì chúng ta bắt đầu suy đoán. “Bạn sẽ làm gì nếu bạn sống hòa bình?” Trước hết hãy tìm hiểu xem sống hòa bình là gì, rồi mới đặt câu hỏi.
Người hỏi: Có phải xung đột xuất phát từ trí tưởng tượng?
Krishnamurti: Khi hai người cãi nhau, việc đó có xuất phát từ trí tưởng tượng không? Hãy nhìn vào vấn đề. Tôi bám vào bạn, phụ thuộc bạn. Tôi phụ thuộc vào bạn về mặt cảm xúc, tâm lý, thể lý, tình dục và kinh tế; tôi hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Rồi một buổi sáng đẹp trời, bạn nói với tôi rằng bạn sẽ ra đi bởi vì bạn thích người khác, thế là có xung đột, đúng chứ? Đó là tưởng tượng sao? Đó là một thực tế. Và khi bạn quay lại chống tôi, tôi cảm thấy lạc lối, bởi vì tôi phụ thuộc bạn về tình bạn bè và vì nhiều thứ khác nữa; đó không phải là sự tưởng tượng; đó là một thực tế.
Vậy là tôi bắt đầu khám phá tại sao tôi phụ thuộc vào bạn; tôi muốn khám phá bởi vì đó là một phần trong sự tự biết mình. Không phải tất cả các bạn đều phụ thuộc vào ai đó sao? Về mặt tâm lý, nội tâm? Bạn có thể hoàn toàn đứng một mình – ở bên trong, bạn hiểu chứ? Bên ngoài, bạn không thể đứng một mình bởi vì bạn cần người giao sữa, người đưa thư, người lái xe buýt, vân vân. Nhưng bên trong bạn có thể hoàn toàn một mình mà không phụ thuộc vào bất kỳ người nào. Vậy, tôi phải khám phá xem tại sao tôi lại bị phụ thuộc về nội tâm?
Tôi cô độc và tôi không biết cách vượt qua nỗi cô độc ấy. Tôi sợ hãi nó đến tột cùng và tôi không thể giải quyết thứ khủng khiếp được gọi là cô độc này? Bạn biết tất cả mọi điều này mà, phải không? Cho nên, vì không biết cách nào giải quyết nó, tôi bám chặt lấy con người, ý tưởng, đoàn thể, các hoạt động, các cuộc biểu tình, những việc giải trí, vân vân. Giá mà tôi có thể giải quyết hoàn toàn vấn đề cô độc này, sao cho nó không còn tồn tại nữa. Làm thế nào tôi có thể vượt qua nỗi cô độc mà con người luôn luôn phải chiến đấu với nó trong nội tâm? Con người cảm thấy cô độc, trống rỗng, thiếu thốn, khiếm khuyết và họ nói rằng phải có Thượng đế, phải có cái này, cái nọ; con người phóng chiếu ra một tác nhân bên ngoài. Làm sao trí não có thể tự giải phóng mình khỏi cái gánh nặng khủng khiếp của cái mà nó gọi là cô độc, đã bao giờ bạn nhận ra cái gánh nặng khủng khiếp của điều gọi là cô độc? Đã bao giờ bạn nhận ra những nỗi sợ hãi khủng khiếp mà ta phải gánh chịu từ cái cảm giác cô độc này chưa? Hôm sau ta sẽ đi sâu vào điều này.
Saanen
22/7/1971