Bận tâm về chính mình. Mối quan hệ. Hành động trong mối quan hệ và cuộc sống thường ngày. Hình ảnh cô lập: thấu hiểu việc xây dựng hình ảnh. “Quan tâm đến chính mình là hình ảnh chính của tôi.” Mối quan hệ không có xung đột nghĩa là tình yêu.
Các câu hỏi: Cái “tôi” có thể có một đam mê không cần lý do không? Hình ảnh; thuốc phiện và chất kích thích.
Phần lớn chúng ta nhận ra, khi ta dám nhìn vào đó, rằng ta cô độc khủng khiếp, ta là những con người bị cô lập. Dù nhận thức được điều đó một cách hữu thức hay vô thức thì ta cũng đều muốn thoát khỏi đó, bởi vì ta không biết cái gì nằm phía sau và ở phía bên kia nó; vì sợ hãi, ta lẩn tránh nó thông qua bám víu, thông qua hoạt động và mọi hình thức giải trí về mặt tôn giáo hay thế tục. Điều này sẽ hết sức rõ ràng khi ta quan sát nó trong chính mình. Ta tự cô lập bản thân bằng những hoạt động thường nhật, bởi thái độ và cách thức suy nghĩ của mình, dù ta có thể có một mối quan hệ mật thiết với người nào đó, nhưng ta vẫn luôn luôn nghĩ về mình. Kết quả của hành vi này là làm tăng thêm sự cô lập, thêm sự cô độc, và phụ thuộc nhiều hơn vào những thứ bên ngoài, bám chấp quyết liệt hơn và đau khổ là kết quả khởi sinh từ đó. Tôi không biết bạn có nhận thức được tất cả những điều này không.
Có lẽ khi ta đang ngồi đây, ta có thể nhận thức được cái mà ta gọi là cô độc và cô lập, sự phụ thuộc và nỗi đau mà nó mang lại. Điều này cứ không ngừng diễn ra trong chúng ta. Nếu chịu quan sát, ta có thể thấy rằng toàn bộ hoạt động của chúng ta vốn lấy cái tôi làm trung tâm. Ta nghĩ về chính mình không dứt: về sức khỏe của ta, rằng ta phải ngồi thiền, rằng ta phải thay đổi; ta muốn một chỗ làm tốt hơn, kiếm nhiều tiền hơn, một mối quan hệ tốt hơn. “Tôi muốn đạt được giác ngộ”; “Tôi phải có được điều gì đó trong đời này” – “tôi” và “cuộc đời của tôi”, những nỗi âu lo, phiền muộn của tôi, các vấn đề của tôi.
Mối bận tâm bất tận với chính mình này cứ tiếp diễn mãi; ta dành hết tất cả cho chính ta. Điều đó là một thực tế hiển nhiên. Và dù ta đến văn phòng hay nhà máy, làm công tác xã hội hay quan tâm đến hạnh phúc của thế giới, mối quan tâm đến chính mình vẫn điều khiển mọi hoạt động của chúng ta; cái “tôi” luôn luôn là trước hết. Sự bận tâm đến chính mình trong mọi hoạt động thường ngày và các mối quan hệ này thật sự sinh ra sự cô lập. Điều này cũng lại hoàn toàn rõ ràng, và nếu thâm nhập thật sâu vào đó, ta sẽ khám phá được rằng sự cô lập này là một nhận thức về sự cô đơn, bị cắt đứt hoàn toàn, không còn mối quan hệ với bất kỳ ai hay bất kỳ thứ gì. Bạn có thể đứng giữa đám đông, hay ngồi với một người bạn, rồi bỗng dưng cái cảm giác hoàn toàn cô lập, hoàn toàn cách biệt với tất cả mọi người ập đến với bạn. Tôi không biết bạn có để ý thấy điều này không hay là bạn chưa từng trải nghiệm nó. Khi nhận thức được sự cô độc này, ta liền cố gắng lẩn tránh bằng cách tự làm cho bản thân bận rộn với việc gia đình hay các hình thức giải trí, bằng cách ngồi thiền, vân vân.
Chắc chắn, tất cả những điều đó chỉ ra rằng trí não, dù nông cạn hay sâu sắc, hời hợt hay đơn thuần bị vướng mắc trong kiến thức khoa học công nghệ, phải tự mình cắt hết mọi hình thức quan hệ nếu nó cứ không ngừng bận rộn với chính nó. Các mối quan hệ là điều quan trọng nhất trong cuộc sống, bởi vì nếu không có mối quan hệ đúng đắn với một người, bạn không thể có mối quan hệ với bất kỳ người nào khác. Bạn có thể tưởng tượng rằng bạn sẽ có một mối quan hệ tốt hơn với người khác, nhưng đó đơn thuần là ở mức độ lời nói và do đó là ảo tưởng. Nếu bạn hiểu rằng mối quan hệ giữa hai con người cũng là mối quan hệ với phần còn lại của thế giới, thì lúc đó sự cô lập, cô độc sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn khác.
Vậy, mối quan hệ là gì? Ta đang cố gắng khám phá xem tại sao con người lại cô độc một cách quá tuyệt vọng như vậy. Không có tình yêu nhưng lại muốn được yêu thương nên họ tự cắt đứt, về mặt thể lý và tâm lý, do đó họ trở nên điên loạn. Phần lớn con người đều bị bệnh thần kinh, hơi mất cân bằng, bị mắc kẹt trong một kiểu quái gở nào đó. Dường như, nếu bạn xem xét cẩn thận, tất cả những điều này đều khởi sinh từ một sự thiếu thốn cùng cực mối quan hệ. Vì thế, trước khi ta có thể hiểu được làm sao để chấm dứt nỗi cô độc và đau khổ này, nỗi đớn đau và lo âu của kiếp người này, trước hết ta phải thâm nhập vào vấn đề về mối quan hệ này – thế nào là có quan hệ.
Chúng ta có quan hệ gì với người khác không? Tư tưởng khẳng định rằng ta có quan hệ, nhưng thật ra có lẽ là không, ngay cả khi người ta có thể có một mối quan hệ tình dục, mối quan hệ mật thiết với người khác. Có vẻ như con người chắc chắn phải kết thúc mối quan hệ trong đau khổ, trong hỗn loạn đảo điên và trong xung đột, trừ khi ta hiểu sâu sự thật về mối quan hệ. Họ có thể chấp nhận nhiều hình thức niềm tin khác nhau, có thể làm công tác xã hội, nhưng tất cả những điều đó đều không có giá trị, trừ khi họ đã thiết lập giữa họ một mối quan hệ mà trong đó không có bất kỳ xung đột nào. Điều đó có thể không? Bạn và tôi có thể có mối quan hệ với nhau không? Có thể bạn có một mối quan hệ rất tốt với tôi, bởi vì tôi sẽ sớm rời khỏi đây và thế là quan hệ chấm dứt. Có thể có mối quan hệ giữa hai con người không, nếu mỗi người cứ mải bận tâm đến chính mình? – nếu mỗi người còn bận tâm đến những tham vọng và âu lo của riêng mình, thái độ đối nghịch của họ trong thế giới cùng với tất cả những điều phi lý mà con người kinh qua? Khi con người còn bị vướng mắc trong mạng lưới đó, liệu họ có thể có bất kỳ mối quan hệ nào với người khác không?
Xin hãy theo dõi điều này. Có thể có mối quan hệ nào giữa một người nam và một người nữ khi một người là tín đồ Công giáo còn người kia là tín đồ Tin Lành không, khi một người là tín đồ Hindu giáo còn người kia là tín đồ Phật giáo?
Vậy thì, mối quan hệ là gì? Đối với tôi, đó dường như là một trong những điều quan trọng nhất trong cuộc sống, bởi vì sống là quan hệ. Nếu không có quan hệ thì không có sự sống; lúc đó, cuộc sống chỉ đơn thuần là hàng loạt những xung đột, kết thúc trong chia rẽ, phân cách và chia ly, cô độc cùng với tất cả những nỗi sợ hãi, âu lo, các vấn đề về bám chấp và tất cả những gì hàm chứa trong cái cảm giác hoàn toàn bị cô lập. Tôi chắc chắn bạn biết hết những điều này. Ta hãy quan sát xem mối quan hệ sinh động, phi thường đến thế nào trong cuộc sống, và có quá ít người dám phá sập rào cản tồn tại giữa họ với người khác đến thế nào. Để phá sập rào cản này cùng với mọi ý nghĩa hàm chứa trong đó – không chỉ rào cản vật chất – ta phải đi sâu vào vấn đề hành động.
Hành động là gì? Hành động không phải là hành động trong tương lai hay quá khứ, mà là hành động đang diễn ra. Hành động có phải là kết quả của một kết luận và hành động tuân theo kết luận đó? Hay nó dựa trên một niềm tin nào đó và hành động theo niềm tin đó? Có phải nó dựa trên kinh nghiệm và hành động theo kinh nghiệm hay kiến thức đó không? Nếu đúng là như thế thì hành động luôn luôn nằm trong quá khứ, mối quan hệ của ta luôn luôn nằm trong quá khứ, không bao giờ nằm trong hiện tại.
Nếu tôi có mối quan hệ với người khác – và mối quan hệ rõ ràng là hành động – thì qua nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều năm sống trong mối quan hệ này, tôi đã xây dựng một hình ảnh và tôi hành động theo hình ảnh đó, người kia cũng hành động theo hình ảnh mà người đó có; vậy thì mối quan hệ không phải là giữa chúng tôi với nhau, mà giữa hai hình ảnh. Xin hãy quan sát trí não của chính bạn, hành động của chính bạn trong mối quan hệ, rồi bạn sẽ sớm khám phá ra sự thật và giá trị của điều tôi vừa nói. Mối quan hệ của chúng ta được dựa trên hình ảnh, và làm sao có thể có quan hệ với người khác, nếu đó chỉ là mối quan hệ của những hình ảnh?
Tôi bận tâm đến việc làm sao để có một mối quan hệ mà trong đó không có bất kỳ xung đột nào, trong đó tôi không sử dụng hay lợi dụng người khác, cả về mặt tình dục, vì các lý do liên quan đến niềm vui thú hay vì lý do bầu bạn. Tôi thấy rất rõ rằng xung đột hủy hoại mọi hình thức quan hệ, vì thế tôi phải giải quyết vấn đề xung đột đó ở ngay cốt lõi của nó chứ không phải ở ngoài rìa. Và tôi chỉ có thể chấm dứt xung đột bằng việc thấu hiểu hành động, không chỉ trong mối quan hệ mà trong cả cuộc sống thường nhật. Tôi muốn tìm hiểu xem có phải mọi hoạt động của tôi đều dẫn đến cô lập, theo nghĩa là tôi đã dựng một bức tường bao bọc quanh mình; bức tường đó là tôi chỉ quan tâm đến chính tôi, tương lai của tôi, hạnh phúc của tôi, sức khỏe của tôi, Thượng đế của tôi, niềm tin của tôi, thành công của tôi, nỗi khổ của tôi – bạn theo kịp chứ? Hay mối quan hệ đó không liên quan gì tới tôi? Bản thân tôi là trung tâm và tất cả mọi hành vi liên quan đến hạnh phúc của tôi, sự thỏa mãn của tôi, vinh quang của tôi, tất phải dẫn đến cô lập. Ở đâu có cô lập, ở đó phải có sự bám chấp và phụ thuộc; khi có sự bất định trong khả năng bám chấp và phụ thuộc, lúc đó sẽ có đau khổ và đau khổ bao hàm sự cô lập trong bất kỳ mối quan hệ nào. Tôi thấy rất rõ những điều này, không phải chỉ nói suông mà thực tế là vậy.
Trong nhiều năm, tôi đã xây dựng hình ảnh về chính tôi và về người khác; tôi đã cô lập chính mình thông qua các hoạt động, thông qua những niềm tin của tôi, vân vân. Do đó, câu hỏi trước hết của tôi là: Làm thế nào để thoát khỏi các hình ảnh ấy? Những hình ảnh về Thượng đế của tôi, sự quy định của tôi, rằng tôi phải đạt được tiếng tăm và sự giác ngộ (cũng là cùng một thứ thôi), rằng tôi phải đạt được thành công, và do đó tôi sợ thất bại. Tôi có nhiều hình ảnh về chính tôi và về bạn. Làm sao tôi thoát được chúng? Tôi có thể chấm dứt việc xây dựng hình ảnh thông qua quá trình phân tích không? Hiển nhiên là không.
Vậy tôi phải làm gì? Đó là một vấn đề và tôi phải chấm dứt nó, không kéo lê nó qua ngày hôm sau. Nếu tôi không chấm dứt nó hôm nay, vấn đề sẽ gây ra sự vô trật tự, xáo trộn, mà não bộ cần trật tự để hoạt động lành mạnh, bình thường, không rối loạn. Tôi phải thiết lập trật tự ngay bây giờ, trong ngày, nếu không trí não sẽ lo lắng về việc đó, sinh ra mộng mị và không thể tươi mới lại vào sáng hôm sau; vì thế ta phải chấm dứt vấn đề này.
Tôi phải làm cách nào để ngăn chặn việc xây dựng hình ảnh này? Bằng cách không tạo ra một siêu hình ảnh – rõ ràng là thế. Tôi có nhiều hình ảnh và không thể thoát khỏi chúng, bất hạnh thay, trí não lại tạo ra một siêu hình ảnh, bản ngã cao hơn, Atman; hoặc nó đưa vào một tác nhân bên ngoài nào đó. Vậy, nếu không tạo ra một hình ảnh cao hơn, đáng quý trọng hơn, thì tất phải có sự chấm dứt mọi hình ảnh mà tôi đã tạo ra. Tôi thấy rằng nếu tôi còn có một hình ảnh thì không thể có bất kỳ mối quan hệ nào cả, bởi vì hình ảnh gây phân cách, mà ở đâu có sự phân cách thì còn có xung đột, không chỉ về mặt quốc gia mà còn xung đột giữa con người với nhau; điều này quá rõ. Vậy, làm thế nào tôi loại bỏ được tất cả hình ảnh mà tôi đã thu gom, để trí não hoàn toàn tự do, tươi mới và trẻ lại, sao cho trí não có thể quan sát toàn bộ chuyển động của cuộc sống theo một cách mới mẻ?
Trước hết, tôi phải khám phá mà không phân tích cách hình ảnh hình thành. Tức là, tôi phải học cách quan sát. Quan sát có dựa trên phân tích không? Tôi quan sát, tôi thấy – đó có phải là kết quả của phân tích, luyện tập, của thời gian không? Hay đó là một hành động nằm ngoài thời gian? Con người đã luôn cố gắng qua mặt thời gian bằng nhiều mưu mẹo và tất cả đều thất bại. Khi ngờ rằng có lẽ mình không thể loại bỏ vô số hình ảnh này, con người đã tạo ra một siêu hình ảnh rồi trở thành nô lệ cho hình ảnh đó, cho nên anh ta không tự do. Dù siêu hình ảnh đó là linh hồn, là bản ngã cao hơn, là nhà nước hay bất kỳ thứ gì, thì nó vẫn không phải là tự do: nó chỉ là một hình ảnh khác. Cho nên, tôi vô cùng quan tâm đến việc chấm dứt mọi hình ảnh, bởi vì chỉ khi đó tôi mới có thể có mối quan hệ với người khác; mối quan tâm của tôi là khám phá xem liệu có thể chấm dứt hình ảnh ngay lập tức hay không, chứ không phải chạy theo hết hình ảnh này đến hình ảnh khác. Điều đó rõ ràng sẽ không dẫn tới đâu cả.
Vì vậy tôi phải tìm hiểu xem liệu tôi có thể phá vỡ cái cơ cấu xây dựng hình ảnh của trí não hay không, đồng thời đi sâu vào vấn đề nhận thức là gì; bởi vì điều đó có thể giải quyết vấn đề của tôi, chấm dứt tất cả mọi hình ảnh. Điều đó cho ta tự do, và khi có tự do, ta mới có thể có mối quan hệ đích thực, trong đó mọi hình thức xung đột đều chấm dứt.
Sự nhận thức này nghĩa là gì? Nó hàm ý một sự chú tâm mà không hề chọn lựa. Tôi không thể chọn hình ảnh này thay vì hình ảnh khác, như thế sẽ không chấm dứt được hình ảnh. Vì thế tôi phải khám phá tri giác là gì, trong đó không có chọn lựa, mà chỉ có sự quan sát thuần túy, nhìn thấy thuần túy.
Vậy thì, thấy là gì? Làm thế nào tôi có thể nhìn một cái cây, một ngọn núi, một quả đồi, mặt trăng, dòng nước? Không chỉ quan sát bằng mắt, mà trí não cũng có hình ảnh về cái cây, đám mây và dòng sông. Dòng sông có một tên gọi; cái tên đó tạo ra âm thanh vui tai hoặc không. Tôi luôn luôn quan sát, tôi nhận thức mọi thứ dưới dạng những điều thích hay không thích, dưới dạng so sánh. Có thể nào quan sát, lắng nghe dòng sông đó mà không hề chọn lựa, không hề kháng cự và bám chấp, không phát biểu gì cả? Xin hãy làm điều này ngay trong lúc ta đang nói chuyện đây – đó là bài tập buổi sáng của bạn!
Tôi có thể lắng nghe dòng sông mà không hề có ý niệm gì về quá khứ không? Tôi có thể quan sát các hình ảnh khác nhau mà không hề chọn lựa không? – nghĩa là không lên án bất cứ hình ảnh nào trong số đó và không bám chấp vào chúng, chỉ quan sát mà không có bất cứ sự thiên vị nào. Bạn không thể làm điều ấy, phải không? Tại sao thế? Phải chăng bởi vì trí não tôi đã trở nên quen thuộc với những thành kiến và sự thiên vị? Phải chăng vì nó lười biếng và không có đủ năng lượng? Hay phải chăng trí não tôi thật sự không muốn thoát khỏi hình ảnh và muốn bám vào một hình ảnh đặc biệt nào đó? Vậy có nghĩa là trí não từ chối thấy được thực tế rằng mọi sự tồn tại đều là mối quan hệ, và khi có xung đột trong mối quan hệ đó, cuộc sống sẽ trở thành một nỗi thống khổ, kéo theo nỗi cô độc và hỗn loạn. Trí não có thấy được sự thật không nói thành lời này, rằng ở đâu có xung đột, ở đó không có mối quan hệ nào cả?
Làm sao ta có thể thoát khỏi những hình ảnh mà ta có? Trước hết là phải tìm hiểu xem các hình ảnh này hình thành như thế nào, cơ cấu tạo ra chúng là gì. Bạn có thể thấy rằng ngay tại khoảnh khắc có mối quan hệ thật sự, tức là khi bạn đang nói, khi có các cuộc tranh luận, khi có lời lăng mạ và tàn ác, nếu bạn không hoàn toàn chú tâm ngay tại khoảnh khắc đó, cơ cấu xây dựng hình ảnh sẽ lập tức khởi động. Khi bạn nói điều gì đó với tôi mà tôi không thích – hoặc tôi thích – nếu ngay tại khoảnh khắc đó tôi không hoàn toàn chú tâm, thì cơ cấu xây dựng hình ảnh sẽ bắt đầu khởi động. Nếu tôi chú tâm, nhận thức, thì sẽ không có việc xây dựng hình ảnh. Khi trí não nhận thức trọn vẹn ngay tại khoảnh khắc thực tại đó, không bị xao lãng, không sợ hãi, không khước từ điều đang được nói, thì lúc đó không thể có việc xây dựng hình ảnh. Hãy thử đi, hãy làm điều này ngay hôm nay.
Vậy, tôi đã tìm ra cách để ngăn chặn động thái xây dựng hình ảnh; nhưng việc gì xảy đến với tất cả những hình ảnh tôi đã thu thập? Bạn hiểu vấn đề chứ? Rõ ràng đây không phải là vấn đề của bạn, bởi vì nếu đây là vấn đề thật sự, sâu sắc, vấn đề sinh tử trong cuộc sống của bạn, bạn hẳn đã tự mình giải quyết nó thay vì ngồi đây chờ tôi tìm câu trả lời cho bạn. Vậy, điều gì xảy ra đối với tất cả những hình ảnh mà bạn đã thu gom được? Bạn có biết bạn có rất nhiều hình ảnh được cất giấu trong chiếc tủ trí não không? Liệu bạn có thể giải quyết tất cả chúng, từng chút một, hay phải mất một khoảng thời gian vô tận? Trong khi đang xóa một hình ảnh, bạn đã tạo ra nhiều hình ảnh khác, thế là không có chỗ ngừng cho cái tiến trình dần dần loại bỏ từng hình ảnh một ấy. Thế nên bạn đã khám phá được một sự thật: Bạn không thể loại bỏ từng hình ảnh. Do đó, một trí não thật sự thấy được sự thật của điều này là trí não nhận thức trọn vẹn khi nó đang tạo ra một hình ảnh. Trong sự chú tâm đó, tất cả các hình ảnh khác đều biến mất. Tôi tự hỏi liệu bạn có thấy điều này không.
Vậy là hình ảnh được hình thành khi trí não không chú tâm; và phần lớn trí não của chúng ta không chú tâm. Thỉnh thoảng ta có chú tâm, nhưng phần lớn thời gian còn lại, ta không chú tâm. Khi bạn nhận thức về một hình ảnh một cách chú tâm, đồng thời cũng chú tâm nhận thức về toàn bộ cơ chế xây dựng hình ảnh, xem nó hoạt động ra sao, thì trong sự chú tâm đó, động thái xây dựng hình ảnh sẽ chấm dứt; dù chúng thuộc về quá khứ, hiện tại hay tương lai. Điều quan trọng chính là trạng thái chú tâm, chứ không phải bạn có bao nhiêu hình ảnh. Xin hãy thử và hiểu điều này bởi vì nó là điều quan trọng nhất. Nếu thật sự nắm bắt được điều này thì bạn đã hiểu toàn bộ guồng máy của trí não.
Thật đáng tiếc, phần lớn chúng ta đã không có khả năng giải quyết các vấn đề của mình; ta không biết cách nào để xử lý chúng, vì thế ta chỉ biết sống với chúng, chúng trở thành thói quen của ta, và chúng giống như thứ áo giáp bất khả xâm phạm của ta. Nếu bạn có một vấn đề chưa thể giải quyết, bạn sẽ không có năng lượng; năng lượng bạn có đã bị vấn đề ấy tước đoạt; nếu bạn không có năng lượng thì điều đó cũng trở thành một thói quen. Vậy, nếu bạn hoàn toàn nghiêm túc, nếu bạn thật sự muốn sống một cuộc đời không có xung đột ở bất cứ dạng nào, thì bạn phải tìm ra cách kết thúc một vấn đề của con người ngay lập tức; nghĩa là bạn hoàn toàn chú tâm vào vấn đề và bạn không tìm kiếm một câu trả lời cho nó. Bởi vì nếu bạn cố gắng tìm ra câu trả lời, bạn sẽ nhìn vượt ra khỏi vấn đề, trái lại, nếu bạn ở lại với vấn đề và hoàn toàn chú tâm, thì câu trả lời nằm trong vấn đề – chứ không vượt ra khỏi nó.
Hãy để tôi diễn đạt theo cách khác. Tất cả chúng ta đều biết đau đớn là gì, cả về thể chất lẫn tâm lý, tức ở bên trong. Ta có thể xử lý nỗi đau thân thể bằng nhiều phương thuốc và cũng bằng cách không để cho ký ức về nỗi đau ấy còn tồn lại. Nếu bạn nhận thức về nỗi đau và trong chính sự nhận thức này bạn thấy được ký ức về quá khứ đó, thì nỗi đau liền biến mất; nhờ đó, bạn có đủ năng lượng để đối mặt với nỗi đau kế tiếp khi nó đến. Tất cả chúng ta đều đau khổ về mặt tâm lý theo nhiều cách khác nhau, hoặc với một cường độ mạnh mẽ hoặc ở một mức độ nhẹ hơn – tất cả chúng ta đều đau khổ ở dạng này hay dạng khác. Khi ta đau khổ, theo bản năng ta muốn lẩn trốn nó – bằng tôn giáo, bằng cách giải trí, đọc sách, bằng bất cứ điều gì để tránh xa sự đau khổ.
Bây giờ, nếu trí não chú tâm và không hề lảng tránh sự đau khổ, lúc đó bạn sẽ thấy rằng từ sự chú tâm hoàn toàn ấy không chỉ xuất hiện năng lượng – tức là đam mê – mà cả đau khổ cũng chấm dứt. Cũng theo cách này, mọi hình ảnh đều có thể chấm dứt ngay lập tức khi ta không còn thiên vị bất kỳ hình ảnh nào; điều này hết sức quan trọng. Khi bạn không còn thiên vị, bạn không có thành kiến. Lúc đó, bạn sẽ chú tâm, lúc đó bạn có thể nhìn. Trong cái nhìn đó không chỉ có sự thấu hiểu việc xây dựng hình ảnh, mà còn có cả sự chấm dứt mọi hình ảnh nữa.
Vậy, tôi thấy được tầm quan trọng của mối quan hệ, và có thể có một mối quan hệ không xung đột, nghĩa là tình yêu. Tình yêu không phải là một hình ảnh; không phải là khoái lạc; không phải là dục vọng. Tình yêu không phải là thứ gì đó có thể trau dồi mà được; tình yêu không phụ thuộc vào ký ức. Liệu tôi có thể sống cuộc đời thường nhật mà không có bất kỳ mối bận tâm vị kỷ nào, bởi vì mối bận tâm đó là hình ảnh lớn nhất trong tôi? Liệu tôi có thể sống mà không có hình ảnh chính yếu này không? Bấy giờ hành động không còn mang đến sự cô độc, cô lập và đau khổ.
Người hỏi: Khi ta nhìn vào bên trong và dường như trải nghiệm một niềm đam mê thấu hiểu sâu sắc không có động cơ, thẳng thắn một chút thì ta sẽ thấy rằng cảm giác này thật ra là ao ước trải nghiệm thực tại. Có thể nào cái tôi, mà tất cả chúng ta đều biết, có được thứ đam mê không cần động cơ này và thấy được sự khác biệt thiết yếu giữa hai cảm nhận ấy?
Krishnamurti: Trước hết, cái “tôi” là gì? Chắc chắn cái “tôi” đó là kết quả từ nền giáo dục của ta, từ những xung đột trong ta, văn hóa của ta, từ mối quan hệ của ta với toàn bộ thế giới; cái “tôi” này là kết quả của sự tuyên truyền mà ta đã bị lệ thuộc suốt năm ngàn năm. Chính cái “tôi” đó bị dính chặt vào với đồ đạc trong nhà ta, với vợ hay chồng ta, vân vân. Chính cái “tôi” đó nói rằng: “Tôi muốn hạnh phúc. Tôi phải thành công, tôi đã đạt được”. Chính cái “tôi” đó nói rằng tôi là tín đồ Kitô giáo hay Hindu giáo. Có những sự chia rẽ khủng kiếp – cái “tôi” là tất cả mọi điều đó, không phải sao?
Liệu cái “tôi”, vốn bị cô lập, vốn bị chính cấu trúc và bản chất của nó hạn chế, và do đó gây ra sự chia rẽ, liệu cái “tôi” đó có thể có bất kỳ đam mê nào không? Rõ ràng là không. Nó có thể có đam mê khoái lạc, là cái gì đó hoàn toàn khác với thứ đam mê chúng ta đang đề cập. Chỉ khi chấm dứt cái “tôi” mới có sự đam mê; chỉ có một trí não thoát khỏi mọi thành kiến, ý kiến, phán xét và mọi quy định mới có đam mê, năng lượng và sức sống mãnh liệt, bởi vì trí não đó mới có thể nhìn thấy “cái đang là”. Bạn đồng ý và nói “vâng”. Đó là bạn nói suông hay bạn thật sự thấy được sự thật của vấn đề và được tự do?
Người hỏi: Các hình ảnh mà ta có này có làm tiêu phí hết năng lượng của ta không?
Krishnamurti: Rõ ràng là có, phải không? Nếu tôi có một hình ảnh về bản thân tôi và nó đối nghịch với hình ảnh của bạn, thì tất phải có xung đột, do đó nó phải làm tiêu phí năng lượng, không phải sao?
Người hỏi: Liệu một người đã thoát khỏi các vấn đề có thể có mối quan hệ với ai đó đầy vấn đề không? (Cười)
Krishnamurti: À, bạn đã có câu trả lời rồi, phải không? Nếu bạn thật sự thoát khỏi các vấn đề – không phải chỉ trong trí tưởng tượng của bạn – mà thật sự thoát khỏi mọi vấn đề con người phải đối mặt như đau khổ, sợ hãi, cái chết, tình yêu và sự vui thú, liệu tôi có thể có một mối quan hệ với bạn nếu tôi có các vấn đề không? Rõ ràng là tôi không thể. Xin hãy nghe điều này: Bạn không có vấn đề và tôi có vấn đề, vậy tôi phải làm gì? Hoặc tôi tránh bạn, né bạn, hoặc tôi bắt đầu sùng bái bạn. Tôi đưa bạn lên bệ cao và nói: “Quả là một con người phi thường, bởi vì bạn không có vấn đề”. Tôi bắt đầu lắng nghe bất cứ điều gì bạn nói với hy vọng rằng bạn sẽ có thể giải quyết các vấn đề của tôi. Và thế nghĩa là tôi đang hủy hoại bạn bằng các vấn đề của tôi. Trước hết, tôi đẩy bạn ra xa; rồi giờ đây tôi chấp nhận bạn, sùng bái bạn, nghĩa là tôi sẽ giết chết bạn với các vấn đề của tôi.
Người hỏi: Có hy vọng nào cho chúng tôi không? (Cười)
Krishnamurti: Hoàn toàn tùy thuộc vào bạn! Nếu bạn thật sự nghiêm túc, nếu bạn quan tâm sâu sắc đến việc giải quyết các vấn đề của bạn một cách trọn vẹn, thì lúc đó bạn mới có sức sống và nhiệt huyết để giải quyết chúng, nhưng sẽ chẳng ích gì nếu bạn chơi đùa với các vấn đề ngày hôm nay và sang ngày mai bạn liền quên chúng.
Người hỏi: Ta có thể làm gì để ngăn người khác sử dụng chất gây nghiện?
Krishnamurti: Bạn có dùng chất gây nghiện không?
Người hỏi: Không, nhưng tôi uống cà phê và rượu. Không phải như nhau sao?
Krishnamurti: Ta uống cà phê, ta uống rượu, hút thuốc và một số người dùng thuốc phiện. Tại sao bạn dùng chúng? Cà phê và trà là những chất kích thích, đúng không? Tôi không dùng các thứ này nhưng tôi biết về chúng. Về mặt sinh lý, bạn có thể cần một kiểu kích thích nào đó; một số người phải dùng. Còn rượu và thuốc lá có giống như dùng ma túy không? Hãy tiếp tục đi, hãy trả lời.
Người hỏi: Vâng.
Krishnamurti: Bạn nói uống rượu cũng giống như dùng thuốc phiện.
(Đa số không đồng ý.)
Krishnamurti: Xin đừng chia phe. Người này nói “Không”, người khác lại bảo “Có”. Vậy thì chúng ta ở đâu? Tôi chỉ đơn giản hỏi rằng tại sao bạn lại dùng bất kỳ thứ nào trong các thứ đó. Bạn cần một chất kích thích phải không, bạn cần thứ gì đó động viên bạn hăng hái lên, làm bạn can đảm hơn? Xin hãy trả lời câu hỏi này. Có phải bạn luôn luôn cần chất kích thích và giải trí, bạn phải uống trà, hút thuốc lá, dùng thuốc phiện, vân vân? Tại sao bạn cần chúng?
Người hỏi: Để lẩn trốn.
Krishnamurti: Để lẩn trốn, tìm đường thoát dễ dàng. Bạn uống một cốc rượu và bạn thấy hạnh phúc, vì nó có tác dụng rất nhanh!
Người hỏi: Đúng vậy.
Krishnamurti: Vậy là bạn cần chất kích thích theo nhiều kiểu khác nhau. Hiện giờ bạn có đang được kích thích bởi diễn giả không?
Người hỏi: Có. (Cười)
Krishnamurti: Xin hãy chú tâm một chút. Bạn nói “Không” và ông bạn này nói “Có”. Hãy tìm hiểu đi. Bạn có đang được kích thích ngay giây phút này không? Nếu có thì diễn giả cũng giống hệt như một viên thuốc phiện. Khi đó, bạn phụ thuộc vào diễn giả như phụ thuộc vào trà, cà phê, rượu hay thuốc phiện, bất cứ thứ gì như thế. Tôi đang hỏi bạn tại sao bạn phụ thuộc, chứ không phải sự phụ thuộc đó đúng hay sai, bạn nên hay không nên phụ thuộc. Tại sao bạn phụ thuộc vào một chất kích thích nào đó?
Người hỏi: Ta có thể thấy chất kích thích đó tác động lên ta ra sao, nhưng ta không cần phải phụ thuộc vào nó.
Krishnamurti: Nhưng bạn bị phụ thuộc! Khi hiệu quả của nó dần tan biến, bạn cần thêm chất kích thích, nghĩa là bạn bị phụ thuộc. Sáng nay tôi có thể dùng chất LSD và cảm thấy vui sướng, bay bổng với nó, khi đáp xuống mặt đất ta thấy cần thêm nữa; rồi ngày mốt tôi sẽ bị phụ thuộc vào nó. Bây giờ tôi xin hỏi tại sao trí não con người lại phụ thuộc – tại sao nó phụ thuộc vào tình dục, vào ma túy, vào rượu hay bất kỳ chất kích thích bên ngoài nào? Đây là vấn đề tâm lý, phải không? Có nhu cầu sinh lý với trà và cà phê là vì ta ăn uống sai lầm, ta sống sai lầm, bởi vì ta quá bê tha, vân vân. Nhưng tại sao ta muốn được kích thích về mặt tâm lý? Phải chăng là vì bên trong ta quá nghèo nàn? Phải chăng bởi vì ta không có được một não bộ, một năng lực để là cái gì đó hoàn toàn khác, nên ta mới phụ thuộc vào các chất kích thích?
Người hỏi: Không phải rượu cũng tàn phá não bộ giống như ma túy sao?
Krishnamurti: Rượu có thể tàn phá bộ não từ từ, việc đó có thể kéo dài nhiều năm, nhưng ma túy thì rất nguy hiểm bởi vì nó ảnh hưởng đến nhiều thế hệ tương lai, con cháu của các bạn. Do đó, nếu bạn nói: “Tôi không quan tâm sẽ có chuyện gì với đứa cháu nội của tôi, tôi sẽ dùng ma túy”, thì sẽ chẳng còn gì để nói nữa. Nhưng tôi đang hỏi: Chuyện gì sẽ xảy ra với trí não bạn khi bạn phụ thuộc vào bất cứ thứ gì, dù là trà, cà phê, tình dục, thuốc phiện hay chủ nghĩa quốc gia?
Người hỏi: Tôi sẽ mất tự do.
Krishnamurti: Bạn nói những điều này, nhưng bạn không sống với nó, phải không? Khi bạn phụ thuộc vào bất cứ điều gì, nó sẽ hủy diệt tự do, đúng không? Nó biến bạn thành nô lệ. Ví dụ: bạn phải uống loại rượu bạn thích, rượu Martini không pha, hay một loại rượu nào đó. Vậy là lần hồi trí não bạn trở nên mê muội vì bị phụ thuộc. Ở Ấn Độ, từ thời xa xưa, bất cứ người nào thật sự theo tôn giáo sẽ không bao giờ đụng tới chất kích thích. Nhưng bạn không quan tâm; bạn nói “Tôi cần sự kích thích”.
Có một lần tôi gặp một người từng uống LSD. Anh ta bảo rằng khi đến thăm bảo tàng sau khi dùng thứ thuốc đó, anh ấy thấy tất cả màu sắc rực rỡ hơn, mọi thứ đều sống động hơn, sắc nét hơn, mang một vẻ đẹp thật lạ lùng. Anh ấy thấy ánh mặt trời hoàng hôn rạng rỡ hơn, nhưng trí não người ấy dần dần bị hủy hoại và sau một, hai năm, anh ta trở thành một thực thể vô dụng. Nếu bạn nghĩ chuyện đó cũng đáng thì tùy bạn thôi. Nhưng nếu bạn không muốn thì đừng làm gì dính dáng tới nó.
Saanen
25/7/1971