Tư tưởng có giải quyết được các vấn đề của ta không? Chức năng của tư tưởng. Phạm vi của tư tưởng và những phóng chiếu của nó. Trí não có thể thâm nhập vào cái vô lượng không? Yếu tố ảo tưởng là gì? Nỗi sợ về thể lý và tâm lý cùng với những sự lẩn trốn. Trí não không ngừng học hỏi.
Các câu hỏi: Ta có thể quan sát mà không phán xét và đánh giá được không? Tri giác có phải là thấy điều gì đó một cách trọn vẹn không? Có thể dùng ngôn từ để mô tả một trạng thái phi ngôn từ không?
Một số người trong chúng ta cảm thấy thế giới hỗn loạn đến mức nếu nó được tổ chức bởi một kẻ điên cũng không đến nỗi tệ hại khủng khiếp như trong giờ phút hiện tại. Nhiều người cảm thấy rằng phải có những thay đổi về môi trường, kinh tế và chính trị để chấm dứt chiến tranh, ô nhiễm không khí và sự chênh lệch giữa người quá giàu và người quá nghèo. Nhiều người cho rằng những điều này phải được thay đổi trước, rằng nếu có một sự chuyển biến ngoại biên về môi trường sống, con người sẽ có thể xử lý bản thân mình một cách hợp lý và khôn ngoan hơn.
Tôi nghĩ vấn đề sâu xa và phức tạp hơn nhiều, nếu chỉ thay đổi những thứ bên ngoài thì sẽ không hiệu quả. Khi quan sát những sự kiện xảy ra trên thế giới, cái xã hội dễ dãi của thế hệ trẻ và sự đạo đức giả khủng khiếp của thế hệ lớn tuổi, một trí não có giáo dục và trưởng thành sẽ nhận thức một cách đầy đủ rằng vấn đề vốn bắt rễ rất sâu và nó đòi hỏi một cách giải quyết vấn đề hoàn toàn khác.
Ta cũng quan sát thấy rằng phần lớn chúng ta tin tưởng rằng tất cả nỗ lực của con người đều có thể được thực hiện bằng tư duy, dù là nỗ lực bên ngoài, đi lên mặt trăng, hay bên trong, chuyển biến trí não và tâm hồn. Ta gán một tầm quan trọng khủng khiếp cho chức năng của tư tưởng. Tư tưởng dù hợp lý và khách quan, hay phi lý và điên loạn, cũng luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng xuyên suốt mọi thời đại. Tư tưởng là sự đo lường; trong việc tạo lập trật tự và thay đổi xã hội, tư tưởng đã tự thể hiện mình rất hạn chế. Tư tưởng có vẻ đã không thành công – nó có thể thành công trên bề mặt nhưng ở mức độ nền tảng thì không. Toàn bộ guồng máy của tư tưởng phải chịu trách nhiệm cho tình thế hiện nay của thế giới; điều đó không thể phủ nhận. Ta nghĩ rằng tư tưởng có thể làm thay đổi không chỉ các sự kiện và biến cố diễn ra bên ngoài – ô nhiễm, bạo lực, vân vân – mà còn có thể làm chuyển hóa sự quy định của con người, đường lối hành động và phương thức sống của ta, nếu biết cẩn thận và khéo léo sử dụng.
Rõ ràng tư tưởng có tổ chức là cần thiết; rằng cần phải có tư tưởng có tổ chức, được áp dụng một cách khách quan và đúng mực, để thay đổi môi trường cùng với nạn ô nhiễm và nghèo đói của nó. Toàn bộ thế giới công nghệ mà ta đang sống đều dựa trên tư tưởng cùng với sự đo lường của nó; và tư tưởng chỉ có thể vận hành khi có không gian. Tư tưởng tạo ra không gian riêng của nó, giống như thời gian, khoảng cách từ đây đến kia. Toàn bộ thế giới hiện đại đều được xây dựng dựa trên đó.
Sự đo lường cùng với không gian của nó chính là bản chất của hoạt động tư duy, rõ ràng là có giới hạn, bởi vì tư tưởng đã bị quy định. Tư tưởng là sự hồi đáp của ký ức, tức quá khứ; sự hồi đáp của tư tưởng khi bị thách thức là quá khứ. Và rõ ràng tư tưởng đã không chấm dứt được chiến tranh; trái lại, tư tưởng đã tạo ra chiến tranh, nó gây nên chia rẽ – về tôn giáo, kinh tế, xã hội, vân vân. Bản thân tư tưởng cũng là nguyên nhân của sự phân chia manh mún.
Thế nên ta đặt ra câu hỏi: Đâu là chức năng của tư tưởng vốn là sự hồi đáp của kiến thức? Kiến thức luôn luôn bắt nguồn từ quá khứ và từ đó, tư tưởng phóng chiếu ra tương lai, điều này thật ra chỉ là sự chỉnh sửa các hành động ở hiện tại. Vậy là thông qua kiến thức, tư tưởng có thể phóng chiếu ra tương lai, cái thế giới “nên là”, nhưng có vẻ cái “nên là” đó không bao giờ thực hiện được. Tất cả triết gia, tất cả những người được gọi là giáo chủ, đều đã phóng chiếu ra một thế giới của tương lai dựa trên kiến thức của quá khứ; mỗi người đều đã phóng chiếu ra cái đối nghịch, hoặc điều gì đó vốn là sự hồi đáp quá khứ. Vì thế, tư tưởng chưa bao giờ thống nhất được con người. Trong thực tế, tư tưởng đã chia tách con người, bởi vì nó chỉ có thể hoạt động trong kiến thức, mà kiến thức thì lại có thể đo lường. Do đó, tư tưởng không bao giờ có thể mang lại một mối quan hệ thật sự giữa người với người.
Vì thế tôi mới hỏi: Chức năng của kiến thức, cái đã biết, quá khứ, là gì? Chức năng của sự hồi đáp quá khứ, tức là tư tưởng, trong cuộc sống thường nhật là gì? Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi đó cho chính bạn chưa? Ta sống và hành động bằng tư tưởng; tất cả mọi tính toán, mọi mối quan hệ, mọi hành vi của ta đều đặt nền móng trên tư tưởng, trên kiến thức. Kiến thức đó ít nhiều có thể đo lường; và kiến thức luôn luôn nằm trong phạm vi của cái đã biết. Thế nên bạn và tôi có thể nhận ra tầm quan trọng của kiến thức, nhưng đồng thời thấy được những giới hạn của nó và vượt qua nó không? Đây là điều tôi muốn khám phá.
Tôi thấy rằng nếu bạn luôn hoạt động trong phạm vi của kiến thức, bạn sẽ luôn là một tù nhân, bạn sẽ luôn luôn bị giới hạn bên trong các đường biên rộng hay hẹp, vốn có thể đo lường. Do đó, trí não bị giam giữ trong những đường biên của kiến thức. Tôi tự hỏi liệu kiến thức đó, vốn là kinh nghiệm, được thu gom trong mấy ngày gần đây hoặc qua nhiều thế kỷ, có thể giải phóng con người để họ có thể hoạt động một cách trọn vẹn, một cách khác biệt không, để họ không còn luôn luôn sống trong quá khứ, tức là kiến thức. Câu hỏi này đã được nhiều người nghiêm túc đặt ra bằng những cách khác nhau, nhất là trong giới tôn giáo; các học giả, các chuyên gia và đạo sư đã nói chuyện với tôi luôn luôn hỏi liệu con người có thể vượt ra khỏi thời gian không. Hành động trong phạm vi kiến thức có thể đo lường được, vì thế con người sẽ luôn là một nô lệ, trừ khi họ thoát ra khỏi phạm vi đó. Họ có thể làm đủ mọi thứ trong phạm vi đó, nhưng họ sẽ luôn luôn sống trong những giới hạn, tức là thời gian, sự đo lường và kiến thức.
Xin hãy tự đặt câu hỏi này cho chính mình. Có phải con người luôn luôn bị trói buộc vào quá khứ? Nếu đúng thế thì con người không bao giờ có thể tự do; họ luôn luôn bị quy định. Họ có thể phóng chiếu ra một ý niệm về tự do, về thiên đàng, và trốn tránh khỏi thực tế của thời gian bằng cách phóng chiếu ra một niềm tin, một khái niệm, hoặc lẩn trốn vào một ảo tưởng – nhưng đó vẫn là ảo tưởng.
Vì thế, tôi muốn khám phá xem liệu con người có thể thoát khỏi thời gian mà vẫn hoạt động trong thế giới này được không. Rõ ràng vẫn có thời gian lịch đại – hôm nay, ngày mai, năm sau, vân vân. Nếu không có thời gian lịch đại, tôi sẽ trễ tàu, thế nên tôi hiểu ra rằng phải có thời gian để hoạt động, nhưng thời gian đó luôn luôn có thể đo đếm được. Hành động của thời gian, tức là kiến thức, tuyệt đối cần thiết. Nhưng nếu đó là cách duy nhất để tôi sống và hoạt động thì tôi hoàn toàn bị trói buộc, tôi là một nô lệ. Trí não tôi quan sát, nhìn, truy vấn và muốn khám phá xem liệu nó có bao giờ tự thoát ra khỏi những xiềng xích của thời gian. Trí não nổi loạn chống lại ý nghĩ làm nô lệ cho thời gian; bị mắc kẹt trong cái bẫy này, nó nổi loạn chống lại ý tưởng sống trong một thứ văn hóa dựa trên tư tưởng, thời gian và kiến thức.
Bây giờ, trí não muốn khám phá xem liệu nó có thể vượt ra khỏi thời gian không. Nó có thể thâm nhập vào cái vô lượng – vốn có không gian riêng của nó – và sống trong thế giới đó, thoát khỏi thời gian mà vẫn hoạt động với thời gian, với kiến thức và tất cả những thành tựu khoa học công nghệ mà tư tưởng đã tạo ra được hay không? Đây là một câu hỏi rất quan trọng.
Trí não có thể truy vấn về tính chất và bản chất của cái vô lượng không, nếu biết rằng bất kỳ sự phóng chiếu nào của tư tưởng, bất kỳ hình thức nào của ảo tưởng, vẫn nằm trong phạm vi của thời gian, do đó là của kiến thức? Vì thế, trí não phải hoàn toàn thoát khỏi bất kỳ động thái nào có thể tạo ra ảo tưởng. Rất dễ tưởng tượng rằng ta đang ở trong một thế giới phi thời gian, với đủ loại ảo tưởng và nghĩ rằng ta đã nắm được Thượng đế bằng tay phải. Điều gì tạo ra một trí não loạn thần kinh, bị chia cắt manh mún, gây nên dối trá và ảo tưởng? Điều gì tạo ra một trạng thái như thế và yếu tố ảo tưởng là gì?
Ta phải thâm nhập vào vấn đề này thật thận trọng. Trước hết, bạn phải chú ý, không bao giờ tự lừa dối ở bất kỳ hoàn cảnh nào, không bao giờ được đạo đức giả và có tiêu chuẩn kép – tiêu chuẩn riêng và tiêu chuẩn cho số đông; nói một đàng làm một nẻo; nghĩ điều này và nói điều khác. Việc đó đòi hỏi một sự trung thực phi thường, nghĩa là tôi phải khám phá xem yếu tố nào trong trí não tạo ra sự lừa dối và đạo đức giả, kiểu nói nước đôi, các ảo tưởng và những sự bóp méo về thần kinh khác nhau; trí não không thể tìm hiểu sâu về cái vô lượng, trừ khi nó thoát được mọi sự bóp méo.
Bạn nghĩ nguyên nhân của ảo tưởng là gì? Ảo tưởng về sự vĩ đại, ảo tưởng rằng bạn đã đạt được thực tại và giác ngộ. Ta phải tự thấy bản thân mình thật rõ ràng mà không phân tích, vì phân tích là xuyên tạc; xuyên tạc là đạo đức giả, đó là sử dụng trí tưởng tượng nơi không có chỗ cho nó. Trí tưởng tượng có thể đúng chỗ khi bạn đang vẽ một bức tranh, viết một bài thơ hay một cuốn sách, nhưng nếu trí tưởng tượng nói “cái đó tồn tại”, thì bạn đã bị vướng vào ảo tưởng. Vì thế, tôi không chỉ cần khám phá yếu tố ảo tưởng và sự xuyên tạc, mà còn phải hoàn toàn thoát khỏi nó.
Tôi tự hỏi liệu bạn đã bao giờ đặt cho mình câu hỏi rằng trí não có thể hoàn toàn thoát khỏi yếu tố gây xuyên tạc vẫn chi phối mọi hành động của ta chưa? Cái yếu tố gây xuyên tạc là tư tưởng; tư tưởng nuôi dưỡng nỗi sợ, cũng như tư tưởng nuôi dưỡng niềm vui thú vậy. Tư tưởng nói: “Tôi phải thâm nhập vào trạng thái phi thời gian bởi vì nó hứa hẹn sự giải thoát”. Nó muốn đạt được, nó muốn kiếm được, nó muốn có một kinh nghiệm lớn hơn. Khi tư tưởng, vốn là kiến thức, hoạt động một cách hợp lý, khách quan, lành mạnh, nó sẽ không phải là yếu tố gây xuyên tạc. Yếu tố gây xuyên tạc lớn nhất là sợ hãi và đòi hỏi niềm vui thông qua sự thỏa mãn, vì thế trí não phải hoàn toàn thoát khỏi sợ hãi. Liệu nó có thể không? Đừng nói “Có” hay “Không”, bạn không biết đâu. Hãy tìm hiểu. Làm ơn nhìn thấy tầm quan trọng của điều này. Yếu tố gây xuyên tạc là sự sợ hãi, là đòi hỏi niềm vui, thỏa mãn, lạc thú – không phải bản thân niềm vui mà là đòi hỏi niềm vui. Mọi cấu trúc luân lý và tôn giáo của ta đều dựa trên điều này. Do đó, tôi tự hỏi liệu trí não con người có thể hoàn toàn thoát khỏi sợ hãi được không. Nếu nó không thể thoát khỏi sợ hãi, thì sự xuyên tạc sẽ diễn ra.
Có sự sợ hãi về mặt vật chất, sợ bóng tối, sợ cái chưa biết, sợ mất đi những gì ta có, sợ chết và sợ không được yêu, sợ không đạt được, không thỏa mãn, sợ cô độc và không có mối quan hệ – những nỗi sợ vật chất nhỏ bé và những nỗi sợ tâm lý tinh vi, phức tạp hơn nhiều. Liệu trí não có thể thoát khỏi mọi sợ hãi, không chỉ ở cấp độ ý thức, mà còn ở các cấp độ tâm lý sâu hơn? Trí não phải khám phá điều này một cách hoàn toàn không khoan nhượng, nếu không ta sẽ đi vào thế giới ảo tưởng và xuyên tạc.
Tất cả chúng ta đều biết nỗi đau thân thể vì sức khỏe yếu và bệnh tật. Những nỗi đau ấy lưu lại trong ký ức, và ký ức, tức là tư tưởng, nói rằng: Bạn không được đau như thế lần nữa, hãy hết sức thận trọng. Tư tưởng, nghĩ về nỗi đau quá khứ và phóng chiếu ra nỗi đau tương lai, và do đó, nó sợ tương lai. Vậy bây giờ khi cái đau ở thân xảy đến, hãy sống với nó và chấm dứt nó – đừng mang theo. Nếu bạn không chấm dứt nó ngay, sợ hãi sẽ xen vào. Nghĩa là, tôi đã có một nỗi đau dữ dội và tôi thấy được tầm quan trọng của việc không sợ hãi. Đó là đòi hỏi mãnh liệt, mang tính sống còn của tôi, rằng không được có sợ hãi. Khi nỗi đau đến, bạn không đồng hóa mình với nó và mang nó theo, mà bạn đi hết nỗi đau và chấm dứt nó. Để chấm dứt nỗi đau, bạn phải sống với nó, chứ không hỏi “Làm sao để thoát khỏi nó càng nhanh càng tốt?”. Khi bạn có nỗi đau, liệu bạn có thể sống với nó, mà không than thân trách phận, không phàn nàn kêu ca không? Bạn làm bất cứ điều gì cần thiết để chấm dứt nỗi đau – nhưng khi nỗi đau hết thì mọi chuyện cũng chấm dứt. Bạn không mang nó theo như ký ức. Chính tư tưởng mang nó theo; nỗi đau đã dứt, nhưng tư tưởng – tức là sự phản hồi của ký ức – đã thiết lập ký ức đó và nói: “Bạn không được đau như thế lần nữa”. Do đó, khi bạn có nỗi đau, có thể nào không dựng lên một ký ức về nó được không? Nghĩa là nhận thức trọn vẹn khi bạn đau, hoàn toàn chú tâm, để nỗi đau không còn được mang theo như một ký ức. Hãy làm vậy nếu bạn quan tâm đến nó.
Có tất cả những nỗi sợ hãi tâm lý vốn phức tạp hơn nhiều; một lần nữa, chính tư tưởng gây nên sự phức tạp này. Tôi muốn là một người vĩ đại và tôi không làm được, vậy là có nỗi đau vì không đạt được điều mình muốn. Hoặc tôi so sánh mình với người nào đó mà tôi nghĩ là giỏi giang hơn, tôi thấy mình thấp kém và tôi đau khổ vì việc đó. Tất cả đều là sự so lường của tư tưởng. Tôi sợ chết và sợ mọi thứ tôi sở hữu không còn nữa. Tư tưởng thật sự rất phức tạp về mặt tâm lý. Tư tưởng luôn muốn được chắc chắn và luôn sợ sự bất định, luôn muốn đạt được khi biết rằng nó có thể thất bại. Luôn luôn có một trận chiến giữa hành động của tư tưởng và bản thân tư tưởng. Vậy thì liệu nỗi sợ hãi có thể hoàn toàn chấm dứt không?
Khi ngồi đây lắng nghe diễn giả, ngay khoảnh khắc hiện tại này, bạn không e sợ; không có sợ hãi bởi vì bạn đang lắng nghe. Bạn không thể gợi lên nỗi sợ mà do bạn tự tạo ra. Nhưng bạn có thể thấy rằng khi bạn bám víu hay phụ thuộc, thì điều đó dựa trên nỗi sợ. Bạn có thể thấy sự bám víu của bạn, sự phụ thuộc về mặt tâm lý của bạn vào vợ bạn, chồng bạn, sách vở của bạn hay bất cứ thứ gì. Nếu quan sát cẩn thận, bạn sẽ thấy rằng gốc rễ của sự bám chấp đó là sợ hãi. Vì không thể cô đơn, bạn muốn có bạn bè; vì cảm thấy thiếu thốn, trống rỗng, bạn phụ thuộc vào ai khác. Trong đó, bạn thấy được toàn bộ cấu trúc của sự sợ hãi. Khi bị phụ thuộc và bám chấp, bạn có thể nhìn thấy nỗi sợ hãi hàm chứa trong đó không? Và bạn có thể nào không phụ thuộc vào bất cứ ai về mặt tâm lý không? Bây giờ ta sẽ thử nghiệm xem. Ta có thể chơi đùa với từ ngữ, với ý tưởng, nhưng khi nó dẫn đến một thực tế thì ta lại rút lui. Khi bạn co đầu, rút cổ và không đối mặt với thực tại thì bạn không còn quan tâm tới việc thấu hiểu ảo tưởng nữa; bạn thích sống trong ảo tưởng hơn là vượt qua nó. Đừng làm một kẻ đạo đức giả: Bạn thích sống trong ảo tưởng, trong sự phụ thuộc, thì hãy đối mặt với việc đó. Khi đó, bạn sẽ tiếp cận thẳng sự sợ hãi; hãy ở lại với nó, đừng chống cự nó. Càng chống cự, bạn sẽ càng sợ nó. Nhưng nếu bạn hiểu được toàn bộ bản chất của sự sợ hãi, thì khi bạn quan sát, bạn không chỉ nhận thức được sự sợ hãi trên bề mặt của ý thức, mà còn thâm nhập vào những nơi sâu kín của trí não. Lúc đó, nỗi sợ hãi sẽ chấm dứt hoàn toàn và yếu tố gây xuyên tạc cũng chấm dứt.
Nếu bạn theo đuổi hoặc đòi hỏi niềm vui thì đó cũng là một yếu tố gây xuyên tạc: “Tôi không thích vị đạo sư này, nhưng tôi thích vị đạo sư kia”; “Đạo sư của tôi khôn ngoan hơn đạo sư của bạn”; “Tôi sẽ đi đến tận chân trời góc biển để tìm kiếm sự thật” – nhưng sự thật ở ngay góc kia kìa! Khi có một sự đòi hỏi niềm vui, dưới bất kỳ dạng nào, đó chắc chắn là yếu tố gây xuyên tạc. Sự thích thú là đúng đắn, phải không? Thật tuyệt vời khi ta tận hưởng vui thú với bầu trời, vầng trăng, những đám mây, đồi núi, những bóng râm – trên trái đất này có biết bao điều đáng yêu, nhưng trí não, tư tưởng nói: “Tôi phải có nhiều và nhiều hơn nữa, tôi phải lặp lại niềm vui này trong ngày mai”. Dựa trên đòi hỏi này, toàn bộ những thói quen rượu chè và hút chích được tạo dựng, đó cũng lại là hoạt động của tư tưởng. Bạn thấy những ngọn núi trong ánh chiều nhập nhoạng, những đỉnh núi phủ tuyết trắng và những bóng râm trong thung lũng tối, bạn thích thú vô cùng với vẻ đẹp và sự đáng yêu ấy. Rồi tư tưởng nói: “Tôi phải thấy lại cảnh tượng đó ngày mai, nó thật đẹp”. Vậy là tư tưởng, vì đòi hỏi niềm vui, đã theo đuổi trải nghiệm cảnh hoàng hôn trên những ngọn đồi ấy và giữ lại ký ức; và lần sau thấy lại cảnh hoàng hôn thì ký ức được tăng cường. Trí não có thể thấy cảnh hoàng hôn đó, hoàn toàn sống với nó ngay lúc đó rồi chấm dứt – và bắt đầu một ngày mai tươi mới được không? Để trí não luôn luôn thoát khỏi cái đã biết.
Có một sự tự do không thể đo lường được. Bạn không bao giờ nói: “Tôi tự do” – bạn hiểu chứ? Đó là một điều đáng ghê tởm. Tất cả những gì bạn có thể làm là đào sâu vào chức năng của tư tưởng và tự khám phá xem có chăng một hành động không thể đo lường, vốn không nằm trong phạm vi của cái đã biết. Một trí não không ngừng học hỏi thì không sợ hãi và có lẽ một trí não như thế mới có thể tìm hiểu cái không thể đo lường, cái vô lượng.
Người hỏi: Ta có thể quan tâm mà không đánh giá, phán xét hay thành kiến không? Tất cả những điều đó có khả dĩ không, hay đó chỉ là một thủ đoạn khác của trí não, một sự lừa dối? Bạn thấy núi và bạn công nhận đó là núi, chứ không phải một con voi. Để phân biệt theo cách này thì chắc chắn phải có phán xét và đánh giá.
Krishnamurti: Bạn thấy núi, bạn công nhận đó là núi và sự công nhận chỉ khả dĩ khi ký ức về núi đã được thiết lập. Rõ ràng là nếu không thì bạn không thể nhận ra núi.
Người hỏi: Tôi nhớ lại khi tôi đến Thụy Sĩ lúc còn nhỏ và tôi thấy núi lần đầu, không có bất kỳ hồi ức nào cả. Nó rất đẹp.
Krishnamurti: Đúng, thưa ngài. Khi nhìn thấy núi lần đầu tiên, bạn không nói “Đó là núi”. Sau đó có người nói với bạn rằng đó là núi và lần kế tiếp bạn nhận ra nó đúng là như vậy. Bây giờ, khi bạn quan sát, có cả một tiến trình nhận biết. Bạn không lẫn lộn núi với ngôi nhà hay con voi, đó là núi. Vấn đề khó khăn nảy sinh: Làm sao quan sát mà không có ngôn từ. “Đó là núi”, “Tôi thích núi hoặc tôi không thích núi”, “Tôi ước gì tôi có thể sống trên đó”, vân vân. Quan sát nó là việc hoàn toàn dễ dàng, bởi vì núi không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của bạn. Nhưng chồng bạn, vợ bạn, hàng xóm, con trai hay con gái bạn, họ ảnh hưởng đến bạn; do đó, bạn không thể quan sát họ mà không đánh giá, không có hình ảnh gì. Từ đó, vấn đề mới khởi sinh – bạn có thể nhìn vào núi và vào vợ hay chồng bạn mà không hề có hình ảnh được không? Hãy xem việc gì xảy ra! Nếu bạn có thể quan sát mà không có hình ảnh, vậy là bạn đang nhìn mọi thứ như lần đầu, phải không? Vậy là bạn đang nhìn trái đất, các vì sao, núi non hoặc các chính trị gia, như lần đầu tiên. Có nghĩa là đôi mắt bạn hoàn toàn trong sáng, không bị phủ mờ bởi gánh nặng của những ký ức quá khứ. Thế thôi. Hãy thâm nhập vào đó. Hãy hành động đi. Bạn sẽ khám phá vẻ đẹp lớn lao trong điều này.
Người hỏi: Nếu ngài nhìn một nhà máy theo cách ấy, không ý thức về những gì nó gây ra cho môi trường, thì ngài không thể hành động.
Krishnamurti: Trái lại, bạn thấy nó đang gây ô nhiễm không khí, đang xả khói, bạn sẽ muốn làm điều gì đó. Đừng gây lẫn lộn, hãy nhìn vấn đề thật đơn giản. Hãy làm đi, rồi bạn sẽ thấy hành động nào sinh ra từ đó.
Người hỏi: Phải chăng tri giác là thấy điều gì đó một cách toàn diện, và nó diễn ra từ từ hay tức thì?
Krishnamurti: Tôi có thể quan sát chính tôi một cách toàn diện, tất cả phản ứng, sợ hãi, vui thú và sự theo đuổi niềm vui, quan sát tất cả những điều đó bằng một cái nhìn thoáng qua không? Hay tôi phải làm điều đó dần dần, nhìn từng chút một, hôm nay nhìn phần này, ngày mai nhìn phần khác, có thể làm như thế không? Hôm nay tôi nhìn một mảnh của tôi và ngày mai nhìn một mảnh khác; vậy đâu là mối quan hệ của mảnh thứ nhất với mảnh thứ hai? Và trong khoảng cách giữa việc tri giác mảnh thứ nhất và mảnh thứ hai, những yếu tố khác đã xen vào. Vậy, sự xem xét phân mảnh, quan sát từng chút một này dẫn đến một sự phức tạp khủng khiếp; trong thực tế, điều đó không có giá trị gì cả. Câu hỏi của tôi là: Liệu tôi có thể quan sát một cách không bị phân mảnh, một cách toàn diện, tức thì không?
Tôi bị quy định phải nhìn vào chính tôi và nhìn thế giới một cách phân chia manh mún – như một tín đồ Kitô giáo, một tín đồ Hindu, tôi lớn lên trong thứ văn hóa nhìn thế giới bằng đôi mắt phân chia manh mún. Vì bị quy định bởi nền văn hóa này nên tôi không thể có cái nhìn toàn diện. Mối quan tâm chính yếu của tôi do đó là thoát khỏi nền văn hóa ấy, thứ giáo dục ấy, chứ không phải liệu tôi có thể thấy một cách trọn vẹn hay không. Để giải phóng trí não khỏi sự phân chia manh mún, không còn là một tín đồ Công giáo hay Tin Lành – xóa bỏ tất cả những thứ đó! Tôi có thể xóa sạch ngay lập tức khi tôi nhìn thấy sự thật của nó; tôi không thể thấy được sự thật của điều đó nếu tôi còn thích mình là một tín đồ Hindu, bởi vì nó cho tôi một địa vị nào đó.
Tôi đeo một dải băng quanh mình và tạo ấn tượng cho nhiều kẻ ngốc nghếch. Tôi có được niềm vui thú từ quá khứ, bởi vì truyền thống nói: “Chúng ta là một trong những chủng tộc cổ xưa nhất”; điều đó cho tôi một niềm vui sướng to lớn. Nhưng tôi chỉ có thể thấy được sự thật khi tôi thấy sự sai lầm của tất cả những điều đó. Sự thật nằm trong sự sai lầm.
Người hỏi: Ngài đã dùng ngôn từ để mô tả trạng thái phi ngôn từ của trí não. Chẳng phải đó là một sự mâu thuẫn sao?
Krishnamurti: Sự mô tả không bao giờ là cái được mô tả; tôi có thể mô tả ngọn núi, nhưng sự mô tả không phải là ngọn núi, và nếu bạn bị vướng mắc trong sự mô tả, như phần lớn con người, bạn sẽ không bao giờ thấy ngọn núi. Không có sự mâu thuẫn. Xin hãy hết sức cẩn thận. Tôi không mô tả cái không thể đo lường, tôi nói: bạn không thể tìm hiểu điều đó – dù nó là gì đi nữa – trừ khi trí não thấu hiểu được toàn bộ tiến trình tư duy. Do đó, tôi chỉ mô tả sự vận hành của tư tưởng trong hành động liên quan với thời gian và kiến thức; mô tả cái không thể đo lường là điều bất khả.
Saanen
27/7/1971