KẾT BẠN NHỜ TRAO ƠN
KẾT BẠN NHỜ TRAO ƠN
Hôm nay là ngày đầu tiên của khóa nâng cao kĩ năng giao tiếp với “cô giáo” Trang. Trang và Minh thống nhất với nhau sẽ học vào 30 phút giờ ra chơi hằng ngày.
Trang bắt đầu bằng một câu hỏi:
- Cậu định rèn luyện điều gì đầu tiên?
- Làm thế nào kết bạn được mà không cần nói?
Trang nghĩ một hồi rồi trả lời:
- Có cách. Giống như cách cậu làm với tớ.
- Cách gì?
- Trao cho người ta một cái “Ơn”.
- OK. Rồi thế nào?
- Cậu có thể cho tớ biết, tại sao cậu định giao tiếp mà không cần nói không?
- À, do cái miệng không theo ý tớ.
- Hmm, cũng không phải chỉ cậu rơi vào chuyện đó. Có nhiều người cũng như thế. Cách ăn nói khiến họ vướng vào đầy rẫy rắc rối. Họ muốn thể hiện sự yêu thương nhưng không biết cách, lại thành đay nghiến. Chuyện này không hiếm đâu.
- THẬT... Á?!
- Thật! Thế nhưng vẫn có cách rèn luyện để lời nói ra đúng ý mình hơn.
- Tốt rồi.
- Đầu tiên, để rèn luyện cái miệng khéo léo, cậu hãy đi giúp người khác và im lặng đã.
- Chỉ cần giúp thôi à?
- Đúng rồi.
- OK.
TÔI ĐÃ KẾT BẠN NHƯ THẾ
Cả trường vẫn bàn tán chuyện “Minh côn đồ”. Từ lần xin đi vệ sinh, cả thầy cô giáo cũng nghĩ Minh là “côn đồ” thật.
Ở lớp học, Minh bắt đầu thực hành trao ơn như Trang hướng dẫn.
Riêng chuyện này thì ông già và cái miệng không ai phản đối. Bởi vì não rất thích đôi tay “của mình” hoạt động. Mỗi lần như vậy, ông ấy cảm thấy như được đi mát-xa, đắp mặt nạ.
Cả lớp nhìn Minh, không hiểu chuyện gì đang diễn ra. Lớp trưởng “côn đồ khét tiếng” nay lên lau bảng cho cả lớp (thật là chuyện lạ đó đây!).
- Chuyện gì đấy?
- Ai biết?
- Hay là nó định làm gì cả lớp?
- Ờ, hay nó lau để nó viết cái gì dọa anh em mình?
Cùng lúc ấy, thầy giáo bước vào, sững người: “Con bé này lại tính làm chuyện gì điên rồ đây?” Thầy giáo ngồi vào chỗ, đánh động Minh: “E HÈM. Vào lớp thôi!”
Minh không nói gì, lau bảng xong thì đi về chỗ. Chẳng ai ngồi cạnh Minh, còn xung quanh không ngớt lời xì xầm. Tất cả vẫn chờ đợi xem Minh định làm gì.
Tất nhiên là, Minh chẳng làm gì cả!
Giờ học bắt đầu, không có chuyện gì xảy ra. Các giờ học tiếp theo cũng thế, các ngày học sau cũng thế.
Thầy giáo bước vào, nhìn thấy Minh chỉ mỉm cười: “Cảm ơn Minh!” (Thầy nghĩ “Cô bé này thật khó hiểu!”) Minh nghe thấy câu cảm ơn của thầy, tai bỗng máy động. Giờ mới hiểu, thì ra đối diện với những điều hiểu nhầm, Minh cô đơn lắm. Nhưng quen rồi, cô cứ gạt đi thôi, nghĩ là chuyện đương nhiên. Câu cảm ơn của thầy làm Minh cảm thấy mình được tôn trọng, nên cô rất xúc động.
- Nó lau bảng thật mày ạ.
- Tự nhiên nó bị làm sao thế? Đầu va phải tường à?
- Ai biết.
Trong giờ học, bạn ngồi bàn sau đánh rơi cái bút xuống gần chân Minh. Minh cúi xuống nhặt lên, đưa cho cậu ta mà không nói gì, không biểu hiện gì.
Bạn bàn dưới thấy Minh giúp đỡ, miệng không cảm ơn, nhưng trong lòng tự hỏi: “Hình như Minh không như mọi người nghĩ?”
Hôm sau, Minh lại lên lau bảng, trở về thì thấy một cậu bạn bàn dưới lên ngồi ở bàn mình. Minh nghĩ: “Cậu ta muốn ngồi cạnh mình sao?” Ông già trí tuệ lên tiếng: “Hình như thế, có vẻ nó không làm gì cô đâu.” – “Tôi có sợ đâu, ông sợ thôi.” – “Tôi mà sợ?” – “Chả vậy là gì...” “Đánh nhau” với ông già một hồi, Minh ngồi vào bàn.
Bạn “bị rơi bút” quay sang nói:
- Cho tớ ngồi đây cùng cậu nhé!
Minh lại đấu tranh: “Mình chỉ cần cười một cái, rồi nói là được.”
CẤU TRÚC MỘT CUỘC TRÒ CHUYỆN
- Chúc mừng cậu!
- Ừ. Tín hiệu tốt ha!
- Đúng thế.
- Giờ làm gì tiếp?
- Giao tiếp im lặng hiệu quả là vậy, nhưng rất nhiều trường hợp, cậu không thể im lặng.
- Lại phải mở miệng!
- Đúng thế. Yên tâm, cậu sẽ rèn luyện được cái miệng khôn khéo thôi.
- Bao giờ bắt đầu?
- Bắt đầu luôn.
- OK.
- Giao tiếp phương Đông không chú trọng nói thẳng, thường dùng lối nói vòng vo.
- Sao phải vòng vo? Tớ chỉ cần một câu là xong!
- Khôn khéo, khôn khéo Minh ơi!!
- Ờ nhỉ.
- Bình thường cậu nói thế nào?
- Không biết tả. Giả dụ, hôm qua có bác đến nhà chơi, tớ chạy ra hỏi: “Bác đến đây có việc gì không?” Đấy là cố lễ phép rồi.
- Xong thế nào?
- Xong bác ấy chỉ ngồi uống nước rồi ra về. Tớ cũng chả hiểu bác ấy đến làm gì!
- Cậu nói vậy, người ta bỏ về là đúng rồi. Khách đến nhà thì cậu ít nhiều cũng phải tỏ ra hiếu khách, nồng hậu một chút. Nói thẳng quá khiến người ta có định nói chuyện cũng mất hứng.
- Có chuyện thì nói luôn chứ còn gì?
- Khi người ta muốn nói một điều, họ thường không nói ngay. Người ta sẽ nói một câu mào đầu. Chẳng hạn có người đến vay tiền, họ sẽ chào hỏi một câu, nhân đó thăm dò tâm ý cậu thế nào. Họ muốn xem cậu có nhiệt tình cho vay tiền không, rồi mới dám mở lời.
- Sao phải khổ vậy nhỉ?
- Đó là chỗ khó của người ta.
- OK.
- Nhiều khi cậu mang ý tốt, nhưng lời cậu nói ra thì không còn như vậy nữa. Họ sẽ hiểu theo cách của mình, có khi họ hiểu nhầm, khó chịu trong lòng. Cũng như các đường thẳng thường gây ra tổn thương, nói thẳng không tránh khỏi thương tổn. Sự thẳng thắn giống con dao, đâm một cái thì phía kia chỉ có thể tổn thương thôi. Vì thế, giao tiếp nên đi theo đường cong, chính là “giao tiếp đường vòng”.
- Cho nên, cách giao tiếp của người phương Đông xưa kia thường rất chi li, phức tạp. Họ phải tính toán xem nói như vậy thì người nghe thế nào, tính toán làm sao để người khác tiếp thu lời mình nói ra. Trường hợp bí bách lắm, họ mới nói thẳng.
- Vậy là học cách nói vòng vo đúng không?
- Ừ, nói là vòng vo cũng được, hay gọi là “Giao tiếp đường vòng” nhé!
- OK. Giao tiếp đường vòng.
Trong đầu Minh, ông già hét lên:
Minh hỏi tiếp:
- Bắt đầu từ đâu đây?
- Câu cậu nói ngắn quá. Hãy bắt đầu từ việc nói câu dài hơn, mỗi câu cố gắng đảm bảo đầy đủ chủ vị, có được không?
- OK!
- Chẹp, vừa nói xong!
- Câu này tớ không biết đảm bảo chủ vị thế nào?
- ...
- Giờ phải vòng vèo thế nào đây?
- Được, chúng ta học ngay đây! Một cuộc trò chuyện thường chia làm bốn phần.
- OK. Bốn phần! (Ông già trí tuệ nghe đã thấy “ngao hết cả ngán”!)
- Phần thứ nhất, rất vòng vèo, chúng ta hàn huyên những chuyện bâng quơ, như chuyện thời tiết.
- Thời tiết mà cũng phải lôi ra để nói!?
- Chẳng hạn: “Hôm nay trời đẹp ghê. Hahaha.”
- Trời! Đúng là một thế giới khác!
- Cậu nghĩ xem, người ta nói bâng quơ vậy để làm gì?
- Ai biết được!
- Thực ra vẫn là đang ném đá dò đường xem người đối diện đáp thế nào, nghe là biết tính cách rồi. Hơn nữa đó là câu chuyện để lấp chỗ trống. Cuộc giao tiếp không nên có quá nhiều lỗ hổng.
- Sao lợi hại vậy, một câu nói về thời tiết mà có thể suy ra tính cách người ta? Thế tại sao không nên có nhiều lỗ hổng?
- Giao tiếp giống như đạp xe, nếu dừng lại, cậu sẽ ngã. Cũng như nấu ăn, không điều hòa đủ nước đủ lửa thì thức ăn không ngon. Cậu giữ lỗ hổng trong giao tiếp thì hai người khó nói chuyện khớp.
- Vậy còn chuyện nhận biết tính cách?
- OK! Sang bước thứ hai!
- Cậu nói đủ chủ vị cái coi.
- Ô... Kê, chúng ta sang bước hai!
- Haha, cậu làm được rồi.
- Tuyệt. Tớ làm được rồi!
- Bước hai, cậu hãy nói đến một điểm chung ở quá khứ. Có thể là điều cậu biết về quá khứ của họ, có thể là điểm chung gì đó giữa cậu và người ta. Chẳng hạn, cậu hỏi: “Việc abc của cậu đã ổn chưa?” (quá khứ), hay là “Hôm trước cháu có gặp con bác...” (điểm chung), đều là những cách tốt để tiếp tục câu chuyện.
- Ồ ồ, cái này hay đấy. Tớ thường xuyên không biết phải nói chuyện gì.
- Nhớ là mục đích của phần hai là để tiếp tục câu chuyện, cho nó vòng vèo ở một mức. Cậu đừng hỏi thẳng quá. Ví dụ đừng hỏi theo kiểu: Bác thế nào? Chuyện đó xong chưa? Những câu đấy chỉ khiến người ta “á khẩu” thôi. Ai cũng muốn chạy xa. Cậu nhớ rồi chứ?
- OK! Phần ba?
- Chẹp!
- Được rồi, được rồi. Chúng ta sang phần ba nhé?
- Thường thì sau phần hai, trao đổi một lúc, khoảng cách giao tiếp đã rút ngắn hơn, họ bắt đầu cởi mở hơn. Nếu có chuyện thì người ta có thể mở lời. Nên phần ba có thể tính là phần họ hay mình nói điều muốn nói.
- Nếu họ không nói thì sao?
- Lúc đó chính cậu có thể chuyển sang phần ba. Phần thứ ba của giao tiếp đường vòng là chia sẻ lí tưởng chung.
- Được. Chia sẻ lí tưởng chung. Mà lí tưởng chung là gì?
- Cậu có thể không cần cùng lí tưởng với họ. Nhưng cậu phải thể hiện là “tôi có cùng suy nghĩ với bạn, tôi đồng tình với bạn”, như thế họ mới mở lòng.
- Vậy phải biết lí tưởng của họ?
- Đúng thế, phải đoán xem họ đang gặp vấn đề gì, và đánh trúng vào đó.
- Khó thế?
- Cậu cứ thử xem.
- Ừ. Còn phần bốn?
- Phần bốn là phần cậu đối đáp với họ.
- Được. Cảm ơn cậu.
Tình cờ làm sao, hôm ấy bác của Minh đến chơi thật. Minh vừa thấy bác liền “Có chuyện g…” thì nhớ ra bài học của Trang. Kịp chặn mình lại, Minh nói một câu đầy đủ:
- Cháu chào bác. Bác vào nhà chơi ạ.
Bác của Minh trố mắt ra nhìn. Hôm nay bác đến, đã chuẩn bị sẵn tâm thế “đối diện” với con bé lấc cấc này, không ngờ nó ăn nói lễ phép đột xuất. Điều này làm bác vừa mừng vừa… lo lo.
Minh thấy bác không nói gì thì biết chắc bác còn đang sốc, cũng giống như đám bạn ở lớp thôi. Cô chủ động chuyển sang phần hai: Nói về quá khứ/ điểm chung.
Minh hắng giọng, hỏi:
- Dạo này bác vẫn đi tập thể dục đều chứ ạ?
Chẳng là có lần Minh nghe bác kể với bố mẹ cô, rằng chiều nào bác cũng đi tập thể dục. May là Minh có trí nhớ tốt.
Bác trả lời Minh, thái độ bớt đề phòng hơn, dù vẫn e ngại. Vậy là Minh cần làm bước ba, bước khó nhất, người kia không nói thì mình nói. “Bác ấy đang có vấn đề gì nhờ? Hmm…” Nhớ đến ví dụ “vay tiền” của Trang, Minh ngớ người: “Có nhẽ nào bác ấy thật sự đến để vay tiền? Nhưng nếu thế thì mình biết mở lời ra sao bây giờ?” Minh nghĩ đi nghĩ lại vẫn không tìm ra lời nói nào cho phù hợp. Minh đang ngại nói sai. Cô lần chần một hồi, rồi quyết định cứ “liều”. “Đằng nào cũng là học giao tiếp”, Minh nhủ thầm. Đoạn, cô nói với bác:
Câu nói này tưởng như không liên quan đến chuyện vay tiền. Nhưng sự khôn ngoan như một bản năng của Minh (có lẽ là của ông già) đã phát huy tác dụng của nó. Một người phụ nữ thường sống cho gia đình. Nếu họ cần vay tiền, thì chắc chắn là gia đình đang có vấn đề. Hỏi về “bác và anh chị” ngụ ý là gia đình. Hỏi về gia đình, là cách âm thầm khuyến khích họ nói ra điều đang nghĩ.
Quả nhiên, bác ấy nói với Minh:
- Đều là người nhà cả, bác không muốn giấu cháu. Đợt này nhà bác khó khăn, muốn vay nhà cháu một ít…
Bác bắt đầu trình bày hoàn cảnh với Minh. Giống như cô bé vừa tháo được một nút thắt ở người này, mọi thứ ồ ạt “chảy”.
Điều Minh cần làm tiếp là bước bốn: Phản hồi, đối đáp.
Việc này không khó khăn gì với Minh, bởi trí óc của cô luôn rõ mọi sự. (Minh thường chỉ gặp rắc rối khi nói). Lần này vì cô đã đảm bảo được ba bước trước, nên bước sau cùng này, Minh thực hành khá trơn tru:
- Bác cứ nói với bố mẹ cháu chuyện này ạ. Chứ cháu là con, cháu cũng không biết phải làm thế nào với chuyện người lớn.
Minh nghĩ gì nói đấy, cố gắng làm sao cho đủ chủ lẫn vị. Tất nhiên câu phản hồi này không làm bác ấy hài lòng, nhưng ít nhất là Minh tự tin rằng mình không sai sót gì khi nói ra.
Một cuộc giao tiếp đường vòng quan trọng là chân thành. Như thế thì dù vòng vèo, bạn vẫn đang rất thật. Bản ý (ý thật) của bạn là mong muốn kết nối với người ta, và làm sao cho cuộc nói chuyện hiệu quả nhất. Nhưng hiệu quả thôi chưa đủ, bạn cần phải ngó lên trên, cúi xuống dưới nữa. Như thế nào ư? Cùng sang phần tiếp theo nhé!
Quy tắc lễ nghi: ĐẠO TRÊN-DƯỚI
Có lần lớp Minh trả bài kiểm tra. Minh nhận thấy cô giáo chấm nhầm một câu ở bài mình, giơ tay xin ý kiến. Theo thói quen, Minh nói (đã cố gắng có cả chủ và vị):
- Cô chấm sót!
Cách giao tiếp này của Minh đẩy cả cô giáo lẫn chính mình vào thế khó xử. Cô giáo khi ấy tức giận đùng đùng. Cô tức giận là đúng hay sai đây? Bạn có thể bảo, cô giáo chấm sai, Minh chỉ ra là đúng rồi. Giờ cô lại tức giận như thế thì không được.
Hãy thử xem lại nhé, bạn có thể thay đổi suy nghĩ đấy. Trong giao tiếp, có một nguyên tắc bất biến, đó là: Đảm bảo Trên -Dưới. Bề mặt có vẻ đúng về mặt lí, nhưng nếu không đảm bảo lễ nghi, thì họ đang sai rồi.
Tất nhiên cái lí Trên - Dưới còn nhiều điều thâm sâu lắm. Chẳng hạn, trên cần làm đúng việc của trên, dưới cần làm đúng việc của dưới. Nhưng trước hết Minh cần biết những điều bề mặt nhất như thế.
- Vậy cô tức giận là có lí, còn tớ nói thế là sai à...
- Hì.
Minh là một cô gái thông minh, vì thế dù Trang không nói thêm về việc này, Minh cũng đã hiểu: Mình cần đảm bảo phép tắc. Minh chỉ nói ngắn gọn:
- Ra là thế!
Đúng lúc học về quy tắc lễ nghi Trên - Dưới thì Minh gặp chuyện. Đợt này cô có vấn đề với gia đình.
Chuyện gia đình nhà nào chẳng vậy, đến một độ nhất định, bố mẹ còn khó nói chuyện với nhau nữa là.
Giao tiếp rất phức tạp. Không phải cứ có gì nói đấy là tốt. Nhiều khi thật thà lại gây tai họa khó lường. Nhất là ở gia đình, khi mọi người luôn mang cảm giác “Đây là gia đình mình, đây là bố mẹ, đây là vợ con/ chồng con mình.” Với gia đình, chúng ta thường mang một tâm lí ít đề phòng hơn, muốn được chấp nhận hơn. Với người ngoài xã hội thì có thể “bằng mặt mà không bằng lòng”, nhưng với người nhà lại không thể bình tĩnh như thế. Cho nên, những cuộc cãi vã xảy ra ở gia đình thường khiến những người trong cuộc tổn thương sâu sắc.
Minh bèn đem chuyện khó xử này đến kể cho Trang. Ngoài cô ra, Minh chẳng biết kể cho ai nữa cả.
Nghe xong, Trang nói:
- Vậy bây giờ cậu muốn làm gì?
- Tớ muốn bố mẹ đừng cãi nhau nữa.
- Vậy cũng không khó. Không nhất định là việc gì cậu cũng phải tự làm. Đôi khi cùng là một câu nói, nhưng được nói ra từ một người có vị thế cao hơn, thì người ta chấp nhận nó dễ hơn. Điều này cũng đảm bảo quy tắc trên dưới.
- Tức là tớ phải đi tìm một người khác à?
- Đúng rồi. Ai đó có tiếng nói với gia đình cậu ấy.
- Rồi tớ nhờ người ta giúp?
- Ừ. Cậu hãy nói những gì cậu muốn, và thẳng thắn nhờ họ tìm cách nói lại với bố mẹ.
- OK.
Chiêu nói vòng này rất có hiệu quả. Bạn nghĩ thử xem, làm sao bố mẹ có thể nghe và chấp nhận lời khuyên từ một đứa con chứ? Họ có thể chấp nhận một đứa con hư, láo toét. Họ cũng có thể chấp nhận một đứa con ngoan, không bao giờ dám tham gia vào chuyện gì của gia đình. Nhưng họ tuyệt đối không chấp nhận nổi một đứa con “dạy dỗ” bố mẹ về mặt Đạo lí. Họ đã quen ở vị trí đứng trên rồi, quen là người dạy bảo, họ không thể chấp nhận được điều ngược lại đâu.
Tương tự ở một văn phòng cũng vậy. Người lớn tuổi hay người có kinh nghiệm hơn, hoặc chính sếp, sẽ không chấp nhận được lí đúng - sai của một người nhỏ tuổi và ít kinh nghiệm (hoặc nhỏ tuổi và ít kinh nghiệm hơn), kể cả họ cảm giác người này nói đúng đi chăng nữa.
Thế là, Minh chạy đến tìm một người họ hàng. Minh phải lựa chọn một người họ hàng ra sao? Người như thế nào thì phù hợp để tác động trong tình cảnh này? Ít nhất người ấy phải hội tụ đủ một số yếu tố:
Vậy là Minh tìm đến bác Lan, bên họ nội.
- Chào bác. Cháu muốn nhờ bác giúp ạ.
Bác Lan biết Minh ngày thường giao tiếp thế nào. Lần này nghe Minh ăn nói lễ phép hơn trước, bác biết rằng cô bé bắt đầu có bước tiến. Bác mỉm cười:
Minh kể mấy câu là xong. Thực ra, thẳng thắn như Minh có một điểm tốt là nói chuyện rất đúng trọng tâm. Một khi đã suy nghĩ thấu đáo rồi thì Minh sẽ kể chuyện rất ngắn gọn, trực tiếp. Nên người nghe rất dễ hiểu. Minh rút ra công thức cho mọi cuộc trò chuyện là phải biết mình nói gì. Nói nhiều quá thì không tốt, nhưng nói ít quá có thể khiến người ta hiểu lầm.
Tối hôm ấy, bác Lan đến nhà cô. Lúc này bác rất khó nói thẳng vào vấn đề, vì thế bác cũng thực hiện chiến thuật nói vòng vèo. Bác muốn mẹ Minh bộc lộ trước, sau đó mới tác động. Làm thế là tự nhiên nhất.
Bác Lan bắt đầu chiến thuật vòng vèo bốn bước.
- Dạo này thời tiết nóng thật. Nóng thế này tâm trạng dễ bất ổn, vì mình không ổn nên tiếp xúc với ai cũng dễ gây chuyện. Tâm trạng bất ổn ở trong mình, mà chuyện bất ổn lại ở ngoài mình, trong ngoài kết hợp, bất ổn liên miên. Bảo sao người ta sống với cái thời tiết này cứ mãi không yên.
Lời nói của bác Lan đánh động đến tâm ý của mẹ Minh. Bác bắt đầu bằng chuyện thời tiết, hàm ý rằng chuyện xích mích từ mỗi người, nhưng do quá trình tương tác với Trời Đất mà bản thân bất ổn. Nên cách của bác làm người ta dễ chấp nhận hơn. Bởi vì con người rất khó đối diện với chính mình, rất khó nhận sai về mình. Nếu gán vấn đề của họ với một lí do bên ngoài, ví dụ như thời tiết, thì họ sẽ cảm thấy thanh thản hơn để nhìn nhận bản thân.
Mẹ Minh nghe vậy chỉ trả lời:
- Vâng.
Mẹ Minh suy nghĩ lại về chuyện của mình.
Bác Lan lại nói:
- Ừ, haha. Đang lúc nóng thế này, thằng Trung (bố Minh) có hay gây lộn không? Là thói quen của nó rồi, ngày xưa chị phải chịu đựng suốt. Bây giờ nó vẫn thế đúng không?
Mẹ Minh có lẽ cũng tự hiểu bác Lan đang nhắc mình rằng vợ chồng cãi nhau quả là vô nghĩa. Vậy là chiến thuật của bác Lan đã thành công. Nguyên tắc nói vòng vèo này quả là hiệu dụng để đi vào lòng người.
Nhờ bác Lan tác động, cũng chính là Minh tác động. Minh giải quyết được chuyện xích mích gia đình. Cô nàng chẳng động tay trực tiếp nhưng vẫn là đang giải quyết đấy thôi. “Chiến lược vòng vèo” quả là tuyệt vời.
ĐƯA RA LÍ DO ĐỂ CHUYỆN
ĐƯỢC CHẤP NHẬN
Thực ra, khi làm một việc, việc ấy được coi là đúng hay sai, rất khó nói. Nhưng trí não chúng ta có một khả năng lí giải đặc biệt, coi một việc là đúng khi nó có lí (nghĩa là nếu có thể giải thích về nó một cách hợp lí, thì chuyện gì cũng là có thể: đen thành trắng, chó thành mèo, đúng thành sai). Và thế là, lí do của hành động biến hành động trở thành đúng.
Thường thì, người ta áp dụng cả nguyên tắc này trong giao tiếp. Nếu bạn có “cớ” cho việc mình làm, thì dù là việc sai, bạn vẫn thấy nó đúng. Và bạn biết không, chúng ta hay tự đánh lừa bản thân như vậy đấy.
Minh là điển hình cho kiểu người không bao giờ biết viện cớ cho mình. Những hành động của cô thường khiến người khác khó hiểu, nếu không được giải thích về hành động của Minh, họ sẽ tự động đưa ra những giả thiết để câu chuyện hợp với cái lí trong đầu họ. Trí óc ta có thói quen tự giải thích những chuyện khó hiểu như vậy đấy. Và đây cũng là điểm mà những người làm quảng cáo đánh vào: Thông tin càng khó hiểu, người ta càng lưu giữ lâu!
Một ngày nọ, có một chuyện diễn ra thế này. Minh đến lớp muộn nửa tiếng, mặt mũi, tay chân trầy xước. Thầy giáo hỏi: “Em bị làm sao thế?”, Minh chỉ trả lời: “Em không sao.” Cả lớp lại có dịp bàn tán. Bấy giờ Minh đang có tiếng là côn đồ ở trường, nên các bạn tự động thêu dệt:
Đôi khi, rất khó giải thích cho người khác biết vì sao chúng ta làm thế. Có người nghĩ, “Ta chẳng việc gì phải giải thích cho thiên hạ biết việc ta làm, bởi vì việc đấy không liên quan gì đến họ, giải thích rồi ta cũng có làm tốt hơn đâu!? Đã không liên quan thì không cần bận tâm nữa.” Nghĩ vậy không sai, nhưng ta nên nghĩ cho người khác một chút, tránh những hiểu nhầm không đáng có. Hãy cho người ta một lời giải thích nào đó. Ta cũng không cần nói dối. Nói một nửa sự thật là được (miễn là những gì ta làm hợp lí trong mắt họ!). Đó là cách giúp ta yên ổn làm chuyện riêng của mình mà không bị làm phiền.
Thấy người khác hiểu lầm Minh như vậy, Trang nói:
- Ừ, để sự tưởng tượng của họ được chấm dứt.
- Vậy tớ phải giải thích tường tận cho họ sao?
- Không, cậu chỉ cần đưa ra một phần sự thật, không nói dối là được. Hãy biết rằng cái họ cần là lí do. Họ sẽ chấp nhận thôi.
- OK.
- “OK”?
- OK tớ biết rồi.
NHỮNG LÚC CẦN THẲNG THẮN
Chúng ta có nhiều chiến thuật nói vòng, nhưng không phải lúc nào vòng vèo cũng là hay. Bạn đã bao giờ ở hoàn cảnh nghe thấy ai đó xúc phạm người thân của mình? Nghe thấy ai đó nói xấu sau lưng một người bạn? Hay có ai đó tỏ ra coi thường lí tưởng và những giá trị tốt đẹp bạn đang theo đuổi? Những lúc đó đừng đứng nhìn, đừng vòng vo, hãy thẳng thắn.
Bạn còn nhớ cô bé Hoài chứ? Cô bé có ý định rủ Minh “lập hội” ấy! Một hôm, Hoài nói với Minh:
- Này, tớ thấy gần đây cậu hay nói chuyện với Trang. Tớ nghe mọi người nói con bé đấy có vấn đề. Cậu chơi phải để ý nhé.
- Mọi người là ai?
- À... là mấy bạn tớ quen.
Chúng ta có nhiều phương pháp thể hiện lời nói, mục đích chính là để điều hòa các mối quan hệ. Đừng để sự tiêu cực phá hỏng mọi nỗ lực của bạn.
NHẮC KHÉO BẰNG CHUYỆN CƯỜI
- Để tớ kể cho cậu nghe một câu chuyện cười “thâm sâu bí hiểm” về giao tiếp nhé. Câu chuyện này nói về việc dùng sự hài hước để khéo léo nhắc nhở người khác.
- Ừ.
- Nhà hàng đang phục vụ một vị khách khó tính và thích soi mói. Bà ta gọi một suất cơm trứng ốp la, dặn người phục vụ: “Này, lòng trắng phải chín còn lòng đỏ phải ở dạng lòng đào, chảy ra được. Không dùng quá nhiều dầu rán, cho ít muối thôi, rắc thêm chút hạt tiêu xay nhuyễn. Trứng phải là trứng gà ta tươi, gà vừa đẻ xong ấy.” Bà ta rất ngạo nghễ yêu cầu như thế.
- Xong sao?
- Rồi người phục vụ mới dùng cách nhắc khéo bà ta: “Xin hỏi, con gà mái ấy tên là gì thì hợp ý bà ạ?”
– Anh ta vừa nói vừa cười. Lời nói của anh ta ám chỉ rằng, bà ta đang đòi hỏi hơi quá đáng.
- Hahaha. Xong rồi sao?
- Bà ấy biết bị nhắc khéo, cũng khó vặn vẹo, thế là thôi không đòi hỏi gì nữa. Đấy là cách sử dụng chuyện hóm hỉnh để truyền tải điều muốn nói. Nó cũng là cách đi đường vòng để người đối diện bớt cảm thấy tổn thương. Tất nhiên, với bà khách đấy, đây không phải là chuyện cười nữa.
Minh cười nói:
- Công nhận, để giao tiếp được khó thật.
- Đúng thế. Nếu nhún nhường quá thì thành bạc nhược, nếu thẳng thắn quá thì gây tổn thương. Làm sao để điều hòa, đấy là điều rất khó, nhưng cần thiết và nên biết.
CHỜ ĐỢI THỜI CƠ
Trong giao tiếp, người phương Đông rất coi trọng chữ Nhẫn. Một khi biểu hiện ra là bất hòa thì mối quan hệ được coi như đổ vỡ. Một khi đã đổ vỡ thì rất khó cải sửa, vô cùng khó quay về trạng thái tốt đẹp ban đầu.
Giao tiếp như Minh không phải là không Nhẫn. Không Nhẫn là khi người ta không giữ được mình mà phát tác đủ thứ tâm cảm tiêu cực lên người khác. Họ tranh đấu nhau từng lời nói.
Vậy có cách nào để giao tiếp thành công và giữ được chữ Nhẫn không?
Trang nói với Minh:
- Nếu chị cậu mắng cậu ở bẩn, làm việc chậm chạp, cậu sẽ làm thế nào?
- Tớ sửa thôi.
- Làm được vậy tốt quá. Thấy cái mình sai thì mình sửa. Tuy vậy hành động là cho mình, còn lời nói lại là cho người khác nghe. Nếu cậu không mở lời, sẽ biến thành nhu nhược, người ta cũng vì thế mà không coi trọng cậu.
- Thế phải làm sao?
- Khéo léo. Nhân lúc họ đang làm một điều gì đó giống mình trước đây, ví dụ, mắng bạn hơi quá lời chỉ vì quên dọn dẹp giường ngủ, thì khi thấy họ có hành động tương tự, hãy nhắc lại những lời họ đã nói với bạn.
Nhớ là, đừng khiến mọi chuyện trở nên quá căng thẳng, cũng đừng tranh đấu với họ kẻo phản tác dụng. Đây chỉ là cách để họ hiểu cảm giác của bạn khi bị mắng quá lời như thế nào, để từ đó mà tôn trọng bạn.
- Hmm. OK.
Vậy là Minh về nhà gặp chị, nhìn thấy giường chị lộn xộn, Minh vừa dọn dẹp vừa khéo nhắc:
- Chị đã dạy em phải gọn gàng, tay chân phải nhanh nhẹn một chút. Đúng không nhỉ?
- Ừ. Nhắc khéo chị hả? Nhưng mày nói cũng đúng.
- Chỉ là em muốn chị hiểu cảm giác của em khi bị nhắc nhở thôi.
Chị của Minh lẳng lặng ra khỏi phòng, không nói thêm câu nào.